Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều tạ ơn cuối năm

 

Vào lúc 5h chiều thứ Bẩy 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma, 7 Giám Mục phụ tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.

Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.

Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta – để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.

Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gal 4:4-5)

Những lời này của Thánh Phaolô thật mạnh mẽ. Một cách ngắn gọn và súc tích, những lời ấy giới thiệu kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta: Ngài muốn chúng ta sống như con cái của Ngài. Toàn bộ lịch sử cứu độ vang lên trong những lời này. Ngài là Đấng không sống dưới Lề Luật, nhưng vì tình yêu, đã trút bỏ mọi đặc quyền và giáng sinh trong một nơi bất ngờ nhất để giải thoát chúng ta là những người sống dưới Lề Luật. Điều đáng ngạc nhiên là Thiên Chúa thực hiện điều này thông qua sự nhỏ bé và dễ bị tổn thương của một hài nhi mới sinh. Ngài tự quyết định đến gần chúng ta và trong thân xác của Ngài để ôm lấy thân xác của chúng ta; trong sự yếu đuối của Ngài để đón nhận sự yếu đuối của chúng ta; trong sự bé nhỏ của Ngài để bao bọc sự bé nhỏ của chúng ta. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không đeo mặt nạ con người; nhưng thay vào đó, Ngài trở nên một phàm nhân và chia sẻ hoàn toàn tình trạng con người của chúng ta. Thiên Chúa không muốn chỉ là một ý tưởng hoặc một bản chất trừu tượng, nhưng Ngài muốn được gần gũi với tất cả những ai cảm thấy đang lạc lối, bị sỉ nhục, tổn thương, chán nản, buồn rầu và sợ hãi. Ngài muốn gần gũi với tất cả những ai đang mang trong thân xác họ những gánh nặng của ly thân và cô đơn, để tội lỗi, xấu hổ, đau đớn, tuyệt vọng và loại trừ sẽ không có tiếng nói chung cuộc trong đời sống của con cái Ngài.

Máng cỏ nhắc nhở chúng ta phải biến “luận lý” này của Thiên Chúa thành “luận lý” của chúng ta. Đó không phải là một thứ luận lý tập trung vào đặc quyền đặc lợi, loại trừ hay ưa chuộng nhưng là thứ luận lý của gặp gỡ và gần gũi. Máng cỏ cũng mời gọi chúng ta phá vỡ cái thứ luận lý dành ngoại lệ cho người này trong khi lại khó khăn với những người khác. Thiên Chúa đến để phá vỡ các chuỗi đặc quyền luôn gây ra sự loại trừ, để giới thiệu với chúng ta sự vuốt ve của lòng từ bi mang đến sự bao gồm, và làm cho phẩm giá của mỗi người được tỏa sáng. Một hài nhi được quấn trong tã cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa là Đấng đã cách tiếp cận chúng ta như một món quà, một trao ban, một thứ men và một cơ hội để hình thành một nền văn hóa gặp gỡ.

Chúng ta không thể cho phép bản thân mình ngây thơ. Chúng ta biết rằng chúng ta đang bị cám dỗ dưới những hình thức khác nhau để áp dụng cái luận lý đặc quyền đang phân cách, loại trừ và đóng kín chúng ta lại, trong khi tách biệt, loại bỏ và dập tắt những ước mơ và cuộc sống của biết bao anh chị em chúng ta.

Hôm nay, trước hài nhi bé nhỏ thành Bethlehem, chúng ta nên thừa nhận rằng chúng ta cần Chúa soi sáng cho chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta cũng quá thường khi hẹp hòi hay là tù nhân của thái độ “tất cả hoặc không có gì” trong đó buộc người khác phải cúc cung tùng phục ý kiến riêng của chúng ta. Chúng ta cần ánh sáng này, là điều giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm của chúng ta và những nỗ lực bất thành ngõ hầu có thể cải thiện bản thân chúng ta và vượt thắng chính mình; ánh sáng này được phát sinh từ ý thức khiêm tốn và lòng can đảm của những ai tìm thấy sức mạnh, hết lần này đến lần khác, để đứng lên và bắt đầu lại.

Khi thêm một năm nữa đã đến hồi kết thúc, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ và bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng của Ngài trong cuộc sống chúng ta và trong lịch sử của chúng ta, thể hiện nơi cơ man những chứng tá của những người lặng lẽ gánh lấy rủi ro. Một lòng biết ơn không phải là một sự nhìn lại chẳng sinh ơn ích gì hay một ký ức trống rỗng về một quá khứ được lý tưởng hóa và xa vời, nhưng là một ký ức sống động, một ký ức giúp hình thành nên sự sáng tạo cá nhân và cộng đoàn khi chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ để chiêm ngưỡng Thiên Chúa đã hiện diện thế nào trong suốt năm nay và để nhắc nhở bản thân chúng ta rằng mọi thời đại, mọi thời điểm đều mang những dấu ấn của ân sủng và ơn lành của Ngài. Máng cỏ thách thức chúng ta đừng tuyệt vọng trước bất cứ điều gì hay trước bất cứ người nào. Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là tìm kiếm sức mạnh để đặt mình trong lịch sử mà không than phiền, bực bội, không đóng kín trong bản thân mình, hay tìm kiếm một lối thoát, tìm kiếm các con đường tắt theo ích lợi riêng của mình. Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là nhận ra thời gian trước mắt đòi hỏi phải có các sáng kiến táo bạo và đầy hy vọng, cũng như từ bỏ sự tự cao huyễn hoặc và những lo lắng bất tận vẻ bề ngoài của chúng ta.

Nhìn vào máng cỏ có nghĩa là nhận ra cách thế Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham gia, và biến chúng ta thành một phần trong kỳ công của Ngài, mời gọi chúng ta chào đón tương lai một cách can đảm và dứt khoát.

Khi nhìn vào máng cỏ, chúng ta gặp khuôn mặt của Thánh Giuse và Mẹ Maria, những khuôn mặt trẻ trung đầy hy vọng và ước mong, đầy những câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ trung ấy đang nhìn về tương lai ý thức về nghĩa vụ khó khăn là giúp Chúa Hài Đồng lớn lên. Không thể nói về tương lai mà không chiêm ngưỡng những khuôn mặt trẻ trung ấy và đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với những người trẻ; xa hơn là một trách nhiệm; từ ngữ đúng ra phải là món nợ; vâng, món nợ mà chúng ta nợ họ. Nói về năm cùng tháng tận nghĩa là cảm thấy nhu cầu phải suy tư xem chúng ta đã quan tâm thế nào về vị trí của người trẻ trong xã hội chúng ta.

Chúng ta đã kiến tạo một nền văn hóa ca tụng sự trẻ trung, tìm cách làm cho nó thành vĩnh cửu. Nhưng đồng thời, nghịch lý thay, chúng ta lại kết án những người trẻ của chúng ta, không cho họ có một không gian để thực sự hội nhập vào, vì dần dần chúng ta gạt họ ra ngoài đời sống công cộng, buộc họ phải xuất cư hoặc phải ăn xin những công việc không còn nữa, hoặc thất bại không mang đến được cho họ một lời hứa cho tương lai. Chúng ta dành ưu tiên cho sự đầu cơ thay vì những công việc xứng đáng và chân thực để giúp người trẻ trở thành những người tích cực dự phần trong đời sống xã hội chúng ta. Chúng ta mong đợi nơi người trẻ và đòi họ phải trở thành men tương lai, nhưng chúng ta lại kỳ thị họ, buộc họ phải gõ những cánh cửa tiếp tục khép kín.

Chúng ta được yêu cầu trở nên những người khác hơn là các chủ nhà trọ tại Bethlehem là những kẻ đã nói với cặp vợ chồng trẻ: không có chỗ ở đây. Không có chỗ cho cuộc sống, cho tương lai. Mỗi người chúng ta được yêu cầu phải gánh lấy một số trách nhiệm, dù nhỏ đi chăng nữa, để giúp những người trẻ tìm thấy, ở đây, ngay trên miền đất của họ, trên quốc gia của chính họ, những khả thể thực sự để xây dựng một tương lai. Đừng để mình bị tước mất sức mạnh nơi bàn tay của họ, tâm trí của họ, và khả năng của họ nói tiên tri những giấc mơ của tổ tiên của mình (xem Giô-ên 2:28). Nếu chúng ta muốn đảm bảo một tương lai xứng đáng cho họ, chúng ta phải vạch ra một sự bao gồm chân thực trong đó cung cấp công việc xứng đáng, miễn phí, sáng tạo, dự phần và liên đới (x Diễn từ trong buổi trao giải thưởng Charlemagne, 6 May 2016).

Nhìn vào máng cỏ thách thức chúng ta giúp những người trẻ đừng trở nên tuyệt vọng bởi sự non nớt của chúng ta, và thúc đẩy họ để họ có thể mơ ước và chiến đấu cho những ước mơ của họ, để họ có khả năng phát triển và trở thành những người cha và người mẹ.

Khi chúng ta dần đến thời điểm cuối cùng của năm nay, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Hài Nhi-Thiên Chúa! Làm như thế nhắc nhớ chúng ta trở về nguồn gốc và cội rễ đức tin của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, đức tin trở thành niềm hy vọng; nó trở thành một chất men và một phước lành. “Với một sự dịu dàng không bao giờ làm ta thất vọng, nhưng luôn có khả năng khôi phục lại niềm vui của chúng tôi, Chúa Kitô làm cho chúng ta có thể ngước mặt lên và bắt đầu lại” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 3)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *