Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo lễ nhớ
Lời Chúa: Mc 3,20-21
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
20 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nêu lên sự kiện Đức Giêsu bị các thân nhân của Người đánh giá là khờ dại, mất trí.
Sau khi tóm lược các hoạt động rao giảng và những dấu lạ đầy quyền năng Đức Giêsu đã thực hiện, thánh sử cho chúng ta thấy phản ứng của dân chúng:
– Với phần đông dân chúng: Họ thấy lời giảng dạy của Đức Giêsu có uy lực hấp dẫn, thuyết phục, bởi những giáo huấn mới mẻ đụng chạm đến khát vọng của họ là được giải thoát khỏi cái ách nặng nề của lề luật mà họ đang phải tuân giữ; họ còn thấy được quyền năng của Người khi chứng kiến những việc lạ lùng Người đã làm cho những kẻ đang bất lực trước nỗi thống khổ do bệnh hoạn, tật nguyền, đói nghèo; họ cảm nhận được sự an ủi, và tuôn đến với Người.
– Với những thân nhân của Đức Giêsu: Họ thấy Người bỏ nhà, đi lang thang khắp nơi, giảng dạy những điều không phù hợp với truyền thống của cha ông và đôi khi như muốn chống đối, hủy bỏ các tập tục đã có từ lâu đời; theo họ, đó là những hành vi cấm kỵ của người Do Thái trong cộng đồng vẫn tự hào là Dân riêng của Thiên Chúa, do đó họ giận dữ. Còn về những dấu kỳ phép lạ mà dân chúng truyền tụng và ca ngợi Đức Giêsu đã thực hiện, họ không được tận mắt chứng kiến nên không tin và cho đó là chuyện hoang đường; hơn nữa họ biết rõ Đức Giêsu là ai: Người là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria cư trú ở làng quê Na-da-rét; vậy có gì đặc biệt? Người chỉ là một kẻ mất trí, không làm chủ được chính mình; do đó họ định tâm đến bắt Người về để quản thúc vì sợ bị ảnh hưởng. thành kiến trong tâm trí họ đã ngăn cản họ nhận ra Đấng Cứu Độ mà họ vẫn mong đợi và tính ích kỷ đã sai kiến họ phạm sai lầm khi muốn bắt Đức Giêsu.
– Về Đức Giêsu: những đồn thổi và tuyền tụng về hoạt động của Đức Giêsu đều là chân thật. Bỏ nhà ra đi lang thang khắp mọi nơi, với chủ đích giảng dạy cho dân chúng biết sự thật về cuộc sống tạm nơi trần gian này, đồng thời giới thiệu cho mọi người về Nước Trời vĩnh cửu cũng như điều kiện để được thừa hưởng, Đức Giêsu ra đi: rảo bước khắp các thành thị, làng quê; giảng dạy không ngơi nghỉ, đến mức độ chẳng có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Sứ vụ của Đấng Mê-si-a luôn thôi thúc và tình yêu chiếm hữu cả con người của Đức Giêsu khiến Người trở nên “dại khờ” như người mất trí. Trước nỗi thống khổ về tinh thần mà dân Do Thái đang phải gánh chịu vì lề luật do các kinh sư và luật sĩ đặt ra; trước nỗi đau đớn vì bệnh tật, đói nghèo của nhiều người, Đức Giêsu chạnh lòng thương và Người thể hiện tình yêu của Người vô điều kiện. Vì hạnh phúc của dân Do Thái nói riêng và của cả nhân loại nói chung, Đức Giêsu đã yêu đến tận cùng, Người cống hiến cả cuộc đời cho công cuộc cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa trao cho Người: loan báo Tin Mừng Cứu Độ và chết trên thập giá để minh chứng cho sự thật, cho tình yêu.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
– Đón nhận tình yêu của Đức Kitô, bước theo Ngài và thắp sáng ngọn lửa yêu mến nơi anh em bằng đời sống chan hòa yêu thương và tha thứ.
– Dấn thân cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng qua những hy sinh nhỏ bé: sức khỏe, thời giờ và vật chất, để chu toàn bổn phận, trách nhiệm được giao.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sứ mệnh và tình yêu của Chúa để con hết lòng yêu mến kính tôn; đồng thời ban thêm sức mạnh thiêng liêng giúp con bước theo Chúa, lan tỏa tình yêu của Chúa đến với mọi người xung quanh, trong cuộc sống.
3. SỐNG TIN MỪNG
Hy sinh và tích cực góp phần cho hoạt động tông đồ, bác ái của Giáo hội, của đoàn thể theo khả năng và hoàn cảnh của mình.