Sáng danh Chúa mọi nơi (17.02.2023 – Thứ Sáu tuần VI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa:  St 11,1-9 (năm lẻ), Gc 2,14-24.26 (năm chẵn), Mc 8, 34-9, 1

Bài đọc 1: St 11,1-9

Bài trích sách Sáng thế.

Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau.  Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó.  Họ bảo nhau : “Nào ! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung !” Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ.  Họ nói : “Nào ! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”

Đức Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây.  Đức Chúa phán : “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được.  Nào ! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.”  Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa.  Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 8, 34-9, 1)

8 34 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

9 1 Đức Giê-su còn nói với họ : “Tôi bảo thật các người : trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Sáng danh Chúa mọi nơi (17.02.2023)

Thăm viếng là dịp gặp gỡ tăng thêm tình thân, thắt chặt tình bằng hữu và tình anh chị em, đem lại niềm vui, phấn khởi cho nhau, theo chương trình thăm viếng Huynh Đệ năm 2023 của Ban Phục Vụ Huynh đoàn Đa Minh Tổng Giáo Phận Sài Gòn cùng với quý Cha Đặc Trách Huynh Đoàn Đa MinhTổng Giáo Phận Sài Gòn. Điểm đến đầu tiên là Liên Huynh Thánh Cảnh, Giáo hạt Thủ Thiêm, các anh chị đón đoàn tại giáo xứ Mỹ Hòa, Trưởng ban Phục Vụ Liên Huynh là anh Giuse Tạ Văn Chẩm. Trong bầu khí thân ái của gia đình Đa Minh, mọi người kể cho nhau những câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt thường ngày, tùy địa bàn, khu dân cư của mỗi Huynh đoàn sẽ có sự khác biệt, mặt mạnh của Huynh Đoàn này có thể là nhược điểm của Huynh đoàn khác, qua hoạt động cho thấy sự hiện diện của các anh chị Huynh đoàn đang hiệp hành với giáo xứ trong việc giúp đời sống giáo dân trở nên tốt đẹp hơn về đạo đức. Quý Cha Đặc Trách, Ban Phục Vụ Giáo phận lắng nghe và thấu hiểu công việc của Liên Huynh, Huynh đoàn sở tại để cùng hổ trợ nhau, cùng giúp nhau thăng tiến trong tình thương yêu của Chúa và tình huynh đệ trong Thánh Tổ phụ Đa Minh.

Trang Tin Mừng theo thánh Marco: Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thánh thiên thần,” Mc 8,38. Khi sinh ra làm con người chúng ta đã được ơn gọi của Chúa, tin tưởng và đi theo Chúa là một hồng ân, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn tin rằng Chúa đang hiện diện mọi nơi và đồng hành cùng ta trong mọi việc. Lời Chúa giáo huấn chúng ta dù ở thời đại nào cũng không lỗi thời vì nhằm mục đích khuyên răn con người sống trung thực và yêu thương nhau. Thánh Bênađinô từng chia sẻ: “Những điều Chúa Giêsu đã dạy là cơ sở vững chắc cho người Kitô hữu dựa vào đó mà ăn ở nên người đạo đức là phải xa lánh dịp tội”.

Thực tế, cũng có lúc chúng ta không dám xưng danh Chúa vì e ngại, chuyện về người mẹ bạn tôi, gia đình mẹ chị là người Công giáo, nhưng khi lập gia đình thì bà theo đạo Phật của gia đình chồng, có phải bà lo lắng gia đình chồng kỳ thị nên bà không giữ đạo? Nhiều năm trôi qua cho đến trước ngày nhắm mắt bà muốn trở lại đạo và nguyện vọng làm lễ an táng theo nghi thức đạo Công giáo. Cả gia đình chị lo lắng nhờ mọi người cầu nguyện xin Chúa thương xót tha thứ đón nhận bà. Chúng ta có suy nghĩ gì khi có người cho rằng không theo đạo nào cả, chỉ cần sống ngay thẳng, không hại ai, không làm điều xấu, có thái độ nhiệt thành giúp đỡ tha nhân, thì vẫn được Chúa thương xót vào ngày sau hết? Theo kinh nghiệm mà thánh Augustino đã trải qua: “Kẻ không có Thiên Chúa thì chẳng có sự gì cả; kẻ có Thiên Chúa thì có mọi sự”.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con: “Ai tin nhận Con Người thì được Con Người tôn vinh trước mặt Cha Người”. Xin cho chúng con dám từ bỏ những đam mê, thú vui trần gian, can đảm sống niềm tin cậy vào Chúa và vì danh Chúa trước mặt mọi người. Xin Chúa giúp chúng con luôn giữ vững đức tin trung thành với Chúa.

Anna Anh

Cuộc sống là trải nghiệm vượt thử thách (18.02.2022)

Có những người hay than thân trách phận với bạn bè về hoàn cảnh gia đình mình, chê trách người bạn đời, than phiền con cái, cả con ruột lẫn con rễ, con dâu, không bằng lòng về những gì mình đang có mà luôn so sánh với những người xung quanh, than trách sao mình khổ như vậy? Trong khu xóm có chị luôn than van là Chúa đã trao cho chị thánh giá nặng quá, chị tất bật suốt cả ngày về công việc nhà, đôi lúc còn bị tra tấn tinh thần về những lời trách mắng của người trong gia đình, hầu hạ người chồng gia trưởng, lại đến con cái, không người thân nào chia sẻ công việc cho chị, gặp ai chị cũng than thở. Có phải trải nghiệm những khó khăn, thử thách trong cuộc sống là thánh giá Chúa trao cho mỗi con người?

Tin Mừng theo thánh Marco, Chúa Giê-su nói với các môn đệ và dân chúng:“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.” Vì sao phải từ bỏ mình và vác thập giá mới theo Chúa được? Ngày trước các Thánh tử đạo đã nêu gương sáng để tuyên xưng danh Chúa, khi các ngài từ bỏ sự sống cũng phải đấu tranh tư tưởng của chính mình một cách mãnh liệt, mới có lòng dũng cảm đến với cái chết, thể hiện lòng tin tuyệt đối vào Đấng Cứu Thế. Ngày nay tử đạo bằng chính đời sống đạo đức của người Kitô hữu là sự hoán cải biến đổi mới tâm hồn con người mình trở nên thánh thiện trước mặt người đời và trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta sẽ hoán cải con người mình như thế nào?

 

Từ thời kỳ Cổ điển ở Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Plato người Athen đã nhận định về cái tôi: Chiến thắng bản thân là chiến thắng tốt và cao quý nhất; bị đánh bại bởi bản tính của mình là thất bại tồi tệ và nhục nhã nhất.Ông Maxwell Maltz là bác sĩ giải phẩu người Mỹ cũng nói: “Hình ảnh cái tôi’ là chìa khóa dẫn tới tính cách và hành vi của con người. Thay đổi hình ảnh cái tôi là bạn thay đổi tính cách và hành vi”. Nói lên việc đấu tranh với bản thân là cuộc chiến đầy gian nan, cũng nghiệt ngã và khốc liệt như hy sinh mạng sống. Hoán cải con người mình là một cuộc cách mạng lớn bắt nguồn từ những đức tính vốn có trong con người mình, tật xấu thì phải rèn luyện sửa đổi, tánh tốt cũng phải được tu dưỡng nếu không cũng có ngày trở nên kiêu ngạo vì cho rằng những điều mình làm là tốt, là hay hơn người khác.Tin theo Chúa Giê-su không phải như theo một học thuyết, một phong trào nhất thời, chỉ có người nào muốn tin và theo, để trở thành môn đệ Chúa Giê-su thì mới có thể chấp nhận đi chung với Chúa trên con đường thập giá. Thánh Rôma Lima cho biết: “Không có đau khổ thì không thể đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện”.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con trưởng thành trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng vẫn là thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối, với bản tính tự nhiên, chúng con sợ đau khổ, ngại gian nan nên e ngại vác thập giá. Tuy vậy, chúng con vẫn tin tưởng Chúa thêm sức mạnh để soi sáng chúng con biết: “Kẻ hy sinh ý riêng cho Chúa, sẽ được Chúa ban cho mọi sự như ý vì được Chúa yêu thương vô ngần” như lời thánh Laurensô Justianô chia sẻ kinh nghiệm.  Xin Chúa giúp chúng con luôn biết kiên trì cầu nguyện, đặt trọn niềm tin vào Chúa, chúng con xác tín rằng với ơn Chúa, chúng con sẽ thực hiện được như Chúa mong muốn, chấp nhận và vượt qua những khó khăn thử thách hàng ngày, để ngày sau chúng con sẽ dự phần vinh quang với Chúa trong Nước Trời.

Anna Anh

Được cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? (21.02.2020)

Ghi nhớ:

“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; con ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Mc 8, 35)

Suy niệm:

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đăng tin: Một vị linh mục trẻ, tên là Giuse Hoàng Trọng Hữu. Sinh năm 1985, thuộc Giáo phận Bắc Ninh, đã tự nguyện vào phục vụ mọi người trong vùng có dịch Covid 19.

Cha thổ lộ:

-Con thấy mình được mời gọi phải làm một cái gì đó cụ thể, thiết thực cho những anh

chị em đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm corona. Và sau khi bàn hỏi, cầu nguyện con đã tự nguyện xin phép Đấng Bản Quyền và những vị hữu trách cho con được đến và đồng hành cùng với anh chị em tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Như vậy cha đã không quản ngại đến sự an toàn của bản thân mà dấn thân đến để được ủi an, nâng đỡ và phục vụ những anh chị em mắc bệnh. Cha đang thực hiện Lời Chúa mời gọi : “Ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Trong Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su kêu gọi dân chúng cũng như các môn đệ là: Ai muốn theo Ngài, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mới có thể theo Ngài được!

Việc từ bỏ mình và vác thập giá thì chúng ta hãy nhìn vào Đức Giê-su. Đấng Cứu Thế. Bởi vì Ngài chính là một tấm gương sáng ngời để chúng ta noi theo bắt chước. Đức Giê-su vốn dĩ là  Thiên Chúa. Ngài cũng là một vị Vua trên hết các vua, thế nhưng Ngài đã khiêm hạ, vâng phục, từ bỏ ý riêng mà thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Cả cuộc đời trần thế của Ngài chỉ là sự tận tụy phục vụ; khi thì đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lúc thì chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền; Đúng như Ngài đã có lần quả quyết: “Con Người đến không phải là được người ta phục vụ,nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc10, 45).

Đọc Phúc Âm chúng ta thấy; Ngoài con đường khổ nạn thập giá lên đồi Calvê, thì trong  suốt ba năm đi rao giảng Đức Giê-su còn phải thường xuyên chịu đựng biết bao những thập giá mà  những người đương thời cùng với các môn đệ đem đến cho Ngài. Nào là người ta đòi Ngài phải làm dấu lạ trên trời cho họ, nào là bị khinh thường chỉ vì Ngài là con bác thợ mộc nghèo. Nào là chê trách vì giao tiếp với những người tội lỗi…. Còn với các môn đệ luôn theo bên Ngài thì các ông có nhiều những thói hư tật xấu, những kém cỏi, u mê, do vậy mà Thầy Chí Thánh đã phải thường xuyên phải nhắc nhở, khiển trách.

Tiếp theo sau đó. Một điều rất quan trọng mà Đức Giê-su muốn nhắc nhở cho mọi người biết: “Được cả thế giới này mà phải thiệt mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?”

Thật vậy, cho dù cuộc sống dương gian này chúng ta có được giầu sang, danh vọng và quyền chức bao nhiêu đi chăng nữa, khi chết đi cũng chẳng mang theo được cái gì ngoại trừ tội và phúc. Vì như trong thư gửi cho tin hữu Rôma thánh Phaolô đã quả quyết. Mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.. Và những việc này sẽ quyết định số phận cho đời sống vĩnh cửu đời sau của chúng ta.

Cuộc sống trần gian này ai rồi cũng chỉ trải qua có một lần mà thôi. Vì vậy chúng ta hãy nghe theo Lời Chúa dạy: Ra sức là việc thiện và cố gắng xa lánh việc gian tà. Để rồi mai sau chúng ta sẽ không phải ân hận, hối tiếc!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã chỉ cho chúng con biết giá trị cao quý của sự sống đời sau. Chúng con dù có được cả thế giới này; Giầu sang, Danh vọng, quyền chức đến mấy thì cũng không đáng để đánh đổi sự sống vĩnh cửu đời sau. Xin giúp chúng con biết từ bỏ, biết chấp nhận sống thiệt thòi vì Danh Chúa, Vì Tin Mừng ở đời này để được hưởng hạnh phúc trường sinh đời sau. Amen.

Sống Lời Chúa:

Làm việc lành và tránh xa việc tội lỗi.

Đaminh Trần Văn Chính.

Con đường thập giá (17.02.2017)

Thời nay để thu hút khách hàng, người ta quảng cáo đủ thứ hàng hiệu, nghề nghiệp. Mọi thứ đều hấp dẫn: phù hợp nhất, tốt nhất, đẹp nhất, ngon nhất, mà lại… vừa túi tiền (vừa sức) nữa, hãy mua, hãy đến với chúng tôi! Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại kêu gọi, quảng bá một con đường với tiêu chí “sao khó ghê”, lại ngược đời: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Theo Thầy thì phải thiệt thòi mất mát mọi sự, cả mạng sống nữa thì chúng con sợ lắm Thầy ơi! Thời đó người ta đang ngóng chờ một Đấng Thiên Sai hùng mạnh để giải phóng dân tộc, thống lãnh oai hùng. Sao Thầy lại vạch ra con đường thập giá khổ đau chết chóc nhục nhã ? Khi Thầy báo trước Thầy sẽ bước vào cuộc khổ nạn, Phêrô không chịu, đã kéo Thầy ra để dẹp bỏ, ngăn cản, nhưng đã bị Thầy mắng.

Tự nhiên ai cũng yêu mình, tìm an thân, chăm lo cho mình cả bề trong lẫn ngoài. Vậy mà muốn theo Thầy thì phải từ bỏ mình, từ bỏ những sở thích, ý muốn, lối sống riêng của mình, tất cả những gì mình ưa thích để theo ý Chúa, để vác lấy thập giá mình thì quả là nặng nhọc khó khăn hết sức.

Nhưng Thầy Giêsu vừa là đường, vừa là người dẫn đầu đi trên con đường ấy. Thầy đã ba lần báo trước cuộc thương khó để chúng con biết rằng, muốn theo Thầy thì phải đi theo con đường Thầy đã đi, con đường đau khổ dẫn tới vinh quang. Không phải chỉ trên lý thuyết, mà Thầy đã đến trần gian, làm người thật như chúng con. Một đời người với mọi vui buồn sướng khổ, sống hết mình với mọi người, cuối cùng chết treo trên thập giá, nhưng Thầy đã sống lại và đổi mới mọi sự.

Cái chết của Thầy mang lại sự sống cho muôn người. Sau khi Thầy phục sinh các môn đệ được gặp gỡ, thay đổi hoàn toàn. Từ những người nhút nhát sợ sệt thành những người can đảm, liều mất mạng sống để làm chứng nhân cho lòng tin. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).

Tin Mừng hôm nay luôn là lời mời gọi người Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu đến tận cái chết, giống như Ngài, nhờ đó đảm bảo cho mình được thông dự vào cuộc chiến thắng với Ngài. Chính Chúa đã thí mạng sống mình,  để rồi sống lại từ cõi chết. Qua đó, Ngài mở cho chúng con một chân trời hy vọng, là mỗi người sẽ được cứu sống, nếu sẵn sàng liều mất mạng sống vì Nước Trời, vì anh chị em thì sẽ được sống sung mãn và vĩnh viễn.

Én Nhỏ 

người ta lấy gì mà đòi lại mạng sống mình?

“Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình” (Mc 8, 37).

Sự sống đối với con người là một món quà vô cùng quý giá. Chúng ta bắt gặp sự thật này ở rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Với người Việt Nam, điều này trở nên hiển nhiên qua cách cha mẹ nuôi dạy con cái. Cứ nhìn cách người cha người mẹ nâng niu bồng ẵm đứa con trên tay cách nhẹ nhàng và chất chứa đầy yêu thương , ta hiểu sự sống của đứa trẻ được quý trọng biết chừng nào. Hình ảnh này phần nào mang lại cho ta cảm nghiệm về tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người, bởi Thiên Chúa đã từng phán qua lời ngôn sứ Giêrêmia rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi”. Thật vậy, Thiên Chúa ban sự sống và quan tâm ta từ trước khi ta thành hình trong dạ mẹ, không những thế, Ngài còn ban chính Con Chí Ái của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, để qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, ta được thông phần vào sự sống vĩnh cửu thần linh của Thiên Chúa.

“Quả thật, người ta lấy gì mà đòi lại mạng sống mình”. Người Kitô hữu nợ Chúa Giêsu về chính bản thân mình và về mọi sự mình có, vậy ta lấy giá nào đáp trả cho cân xứng những gì mình đã lãnh nhận? Buồn thay, trong những lựa chọn và quyết định của cuộc sống, ta đôi khi còn chối bỏ món quà vô giá mà Chúa Giêsu ban tặng. Như thế, ta đồng thời cũng chối bỏ chính mạng sống của mình. Mặt khác, có người lại tự hào vì mình đã đáp trả đầy đủ qua việc dâng cúng cho nhà thờ, qua những lời tuyên xưng trên môi miệng hay qua những giờ tham dự Thánh lễ với sự gò bó thúc ép. Đối với Chúa Giêsu, của lễ duy nhất có giá trị là chính đời sống chúng ta được thể hiện qua hoa trái của các việc hy sinh và bác ái, dành thời gian bên Chúa trong Thánh lễ với trọn con người mình. Không có gì có thể thay thế chính đời sống của ta, không gì hơn nó để dược chấp nhận.

Lạy Chúa, phận người yếu đuối mỏng manh nên thường cố gắng bám víu vào bất cứ điểu gì được coi là vững chắc. Xin Chúa thương dần cắt tỉa những gì dư thừa và ngăn cản chúng con đến với Chúa. Xin Chúa lấy đi những ước muốn tỗi lỗi cùng cái tôi ích kỷ chỉ ham thích hưởng thụ, để mỗi ngày trôi qua, chúng con biết từ bớt chính mình và dần đi đến một sự hiến dâng xác hồn con cách trọn vẹn cho Chúa. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *