19 Tháng Giêng Thánh Fabian (c.250)

19 Tháng Giêng
Thánh Fabian
(c.250)

Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?

Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên “bất cứ ai nổi tiếng”. Theo Eusebius, bồ câu “đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu.” Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian “xứng đáng” là giáo hoàng.

Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô giáo.

Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.

Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.

Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.

Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, “Fabian, giám mục, tử đạo.”

Lời Bàn

Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động. Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những người “ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin” để dẫn đường cho chúng ta.

Lời Trích

“Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội” (Tertullian).



http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm