1. Ăn năn cải thiện đời sống.
2. Siêng năng lần hạt Mân Côi.
3. Sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria
***
1. «Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi»
Ngày nay, nhiều Kitô hữu đã lấy làm khó khăn rầy rà và tỏ ra lúng túng trong việc đọc kinh lần hạt Mân Côi. Vâng, ai chưa quen và nhất là chưa biết yêu mến Kinh Mân Côi, sẽ cảm thấy việc lần hạt Mân Côi là một việc làm nặng nề, nhàm chán và coi như là một việc giết chết thời giờ.
Trên thực tế, Tràng Hạt Mân Côi là một Kinh Nguyện có tính cách chiêm ngắm suy niệm phát xuất từ chính Kinh Thánh. Không có sự chiêm ngắm và suy niệm thì Tràng Hạt Mân Côi cũng tương tự như một cái xác không hồn và việc lần hạt Mân Côi cũng giống như chiếc máy chỉ lặp đi lặp lại trên đầu môi chóp lưỡi những công thức quen thuộc nhàm chán. Đó là điều Đức Giêsu đã từng cảnh cáo: «Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngoại. Họ tưởng rằng cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời» (Mt 6,7). Tự bản chất, Kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp điệu khoan thai, yên tĩnh và nhất là một tâm hồn lắng dịu biết âm thầm suy ngắm 20 mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu mà cứ trước mỗi chục hạt chúng ta đã nhắc đến. Bởi vậy, điều kiện để có thể khám phá ra được giá trị và sự ngọt ngào của Kinh Mân Côi, người ta cần phải có một tâm hồn an lành, hài hòa và lương thiện. Trong khi tâm hồn còn bất ổn trong các tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, nghĩa là khi tâm hồn còn trong tình trạng phạm tội nặng, người ta sẽ không bao giờ có thể lần hạt Mân Côi cách chính đáng và sốt sắng thực sự được.
Đàng khác, vì những mầu nhiệm cao trọng của Kinh Mân Côi đã được trích dẫn từ trong chính Kinh Thánh, nên mỗi khi lần hạt Mân Côi người tín hữu lại được diễm phúc hít thở chính tinh thần của Kinh Thánh.
Vì thế, nếu ai chưa cảm nghiệm và chưa nếm thử được sự êm ái ngọt ngào thiêng liêng đó, thì hãy cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi và hãy sốt sắng đọc lên từng kinh Ave Maria – Kính mừng Maria, và rồi cứ để cho lòng mình chìm sâu vào trong các mầu nhiệm Mân Côi…, chắc chắn người đó sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thanh thoát, nhẹ nhàng và hạnh phúc kỳ diệu đang chìm ngập linh hồn mình.
Mẹ thánh Têrêxa Can-cun-ta, «vị Tông đồ của người nghèo», mỗi khi có được giây phút nào rảnh rỗi, Mẹ đều cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi và lần hạt. Khi có người quan sát thấy điều đó và vui đùa hỏi Mẹ là nếu Mẹ siêng năng lần hạt như thế, thì mỗi ngày Mẹ lần được bao nhiêu chuỗi, Mẹ Têrêxa đã trả lời là: «Tôi chẳng bao giờ đếm cả.»
2. «Các con hãy hy sinh hãm mình để đền bù thay cho kẻ có tội»
Đối với não trạng con người ngày, việc hy sinh hãm mình là một điều xa lạ, hoàn toàn lỗi thời và không cần thiết. Nhưng Thiên thần đã dạy cho ba trẻ Fatima biết là trong mọi sự các em đều có thể thánh hóa để làm nên của lễ làm vui lòng Chúa, chứ không nhất thiết phải thực hiện những việc to lớn kỳ diệu nào khác. Điều đó muốn nói lên rằng, để hiện thực được đức tin Kitô giáo của mình, chúng ta cần phải thánh hóa mọi hành động và mọi sinh hoạt bình thường trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nói cách khác, tất cả những vất vả khó chịu trong cuộc sống, như việc chu toàn bổn phận, phải quan tâm lo lắng cho người khác, phải ra tay giúp đỡ người đau khổ bệnh hoạn, v.v… đều có thể giúp cho chúng ta nên thánh, đều là những điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.
Sau những lần Đức Mẹ đã hiện ra, ba trẻ Fatima đã cho biết rằng, một điều đã trở nên quá xa lạ đối với con người ngày nay, kể cả đối với một số lớn các Kitô hữu, là việc hy sinh hãm mình để đền bù tội lỗi. Nhưng như ĐTC Gioan XXIII đã có lần nói: «Người ta không thể làm người mà không có luân lý đạo đức. Người ta không thể làm Kitô hữu mà không có lòng ăn năn hoán cải và đền bù tội lỗi.» Chính ba trẻ Fatima, dù còn thơ ngây vô tội, cũng đã can đảm thực hành việc hy sinh hãm mình, nhiều khi còn khắc nghiệt đến chỗ vượt sức tưởng tượng so với lứa tuổi các em, cốt để đền bù phạt tạ thay cho bao tội lỗi của nhân loại đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
Bởi vậy, chỉ trong vòng mấy tháng trời mà ba trẻ Fatima – qua tinh thần can đảm hy sinh hãm mình một cách anh hùng của mình – đã tạo nên được một phong trào đạo đức sâu xa trong quần chúng, điều mà bình thường các vị chuyên môn phải nỗ lực liên tục trong nhiều thập niên mới mong đạt tới được một phần nào mà thôi.
Ở đây chúng ta cũng phải xác nhận rằng, theo não trạng con người ngày nay, người ta thường chỉ nhắm đề cao lãnh vực tinh thần, như tìm cách thuần hóa và tìm cách cải thiện các tư duy, các ý nghĩ và các quan niệm chủ quan của mình, hầu để sống hợp lý hơn, hầu để sống có nhân bản hơn. Đó là một điểm tích cực! Nhưng một điều khác lại không đúng, khi người ta hoàn toàn phủ nhận sự đóng góp của thể xác trong việc hoàn lương cải thiện cuộc sống mình, tức những hành động hy sinh hãm mình cụ thể trên chính thân xác mình. Về điểm này thánh Phaolô đã phát biểu quan điểm của ngài như sau: «Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân xác tôi cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể của Người là Giáo Hội» (Cl 1,24). Đúng vậy, không ai còn có thể phủ nhận được rằng – trong một mức độ cần thiết và hợp lý – các hy sinh hãm mình phạt xác luôn mang những giá trị cần thiết nhất định, không thể thiếu trong việc nên thánh.
3. Hãy sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria
Trong lần hiện ra thứ ba vào ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã nói với ba trẻ: «Để cứu rỗi những người tội lỗi, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Bà trên khắp thế giới.» Ở đây, danh từ «Trái Tim Mẹ Maria» là điểm son, là nguồn an ủi dịu dàng của toàn biến cố Fatima.
Trong thực tế, đối với nhiều người ngày nay, việc sùng kính Trái Tim, dù là của Chúa hay của Đức Mẹ, đều xem ra lỗi thời, thiếu sức lôi cuốn. Trước hết, họ cảm thấy rằng Trái Tim Chúa và Trái Tim Đức Mẹ chẳng có liên hệ gì tới cuộc sống hằng ngày của họ cả, nếu không nói là họ còn cảm thấy xa lạ và không cần thiết. Vì thế, có người đã băn khoăn tự hỏi: Nếu việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu đã không tránh được bao khó khăn, thì nay việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ sẽ còn trở nên khó khăn biết chừng nào?
Một điều chắc chắn là người ta cần phải kiên nhẫn khi phải đối mặt với những khó khăn đó. Nhưng họ cũng cần phải biết rằng không phải tất cả mọi tín hữu Công Giáo đều gặp phải cùng những khó khăn như thế. Dĩ nhiên, những cố gắng giải thích, đề cao và ca tụng về Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn được những khó khăn đã nêu trên.
Nhưng một điều chúng ta phải nhìn nhận là: Nói chung, con tim vốn được con người qua mọi thế hệ và thời đại quan niệm như trung tâm huyền bí của một người. Trái tim hợp nhất tất cả mọi chi thể và mọi hoạt động trong thân thể con người; nhất là trái tim là kho tàng tình yêu của con người, là nơi xuất phát tình yêu. Vì thế, trái tim con người một khi đầy tình yêu thì sẽ làm cho con người trở nên đáng yêu và cuộc sống của họ có giá trị. Nhưng ngược lại, một khi trái tim con người trở nên chai đá, vô cảm trước mọi khổ đau của đồng loại và đầy hận thù, thì sẽ biến con người thành nguy hiểm, đáng ghét và cuộc sống họ hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vậy, bậc thánh hiền đã có lý khi nói: «Hư giả tại tâm», vì chính những điều không tốt phát xuất từ trái tim con người sẽ làm cho họ ra ô uế (x. Mt 15,18-19).
Trái Tim Đức Maria là trung tâm của con người Mẹ, một nơi đã được mọi ơn thánh Thiên Chúa tuôn đổ xuống một cách dư dật (x. Lc 1,28b), cốt để thánh hóa Mẹ và để làm cho Trái Tim Mẹ trở nên tinh tuyền vẹn toàn, không chút vấn vương bất cứ vết nhơ tội lỗi nào, dù là của nguyên tổ hay của riêng tư Mẹ.
Từ trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của mình, Đức Maria đã đầy tin tưởng phó thác thưa lên tiếng Xin Vâng trước lời đề nghị của Thiên Chúa là muốn cho Trinh Nữ làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Con Một của Người. Và qua đó, chính từ Trái Tim vẹn sạch của Mẹ đã phát xuất ra tình yêu đồng công cứu chuộc: Nghĩa là tình yêu cùng tham dự trọn vẹn vào cuộc khổ nạn và cái chết đau thương trên thập tự của Đức Giêsu, Con Mẹ, hầu cho nhân loại tội lỗi được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chính tình yêu được dành cho các kẻ có tội đó lại được Mẹ bày tỏ một cách đặc biệt ở Fatima. Vâng, qua ba trẻ Fatima, Đức Maria đã một lần nữa bày tỏ tình yêu của Mẹ đối với nhân loại: Mẹ kêu mời ba trẻ hãy hy sinh hãm mình đền bù thay cho tội lỗi nhân loại đã xúc phạm quá nhiều đến Thiên Chúa, và hai hy lễ đầu tiên được dâng lên Thiên Chúa để bù đắp cho bao kẻ có tội là cái chết của hai trẻ thơ vô tội Phan-xi-cô và Jacinta.
Nhưng sự sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria không chỉ được thể hiện qua tâm tình đầy xác tín hay qua việc cử hành các lễ nghi phụng vụ, nhưng là thực hành chính tình yêu đồng công cứu chuộc của Mẹ trong cuộc sống hằng ngày của mình, như hy sinh, ăn chay, hãm mình và siêng năng cầu nguyện. Dĩ nhiên, điều đó phải được bắt đầu bằng những nỗ lực chiến đấu xa lánh đường tội lỗi và hoàn toàn thành tầm quay trở về cùng Thiên Chúa, nguồn chân thiện mỷ tuyệt đối.
Vì thế, việc dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là một điều kiện nhất thiết để hiểu thấu được cách sâu xa vai trò quan trọng của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Con Mẹ. Theo thánh Ludwig Grignion đệ Monfort, thì sự dâng hiến cho Trái Tim Đức Mẹ là một sự nhắc lại sự dâng hiến cho Chúa Giêsu trong phép Rửa Tội qua tay Mẹ Maria.
Sự sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria cũng muốn nói lên rằng, đó là một sự sùng kính đạo đức sâu xa đối với Mẹ Maria, chống lại những hình thức sùng kính Đức Mẹ mang tính cách thuần túy phô trương bên ngoài, trong đó, để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, người ta đã quá quan tâm đến các hình thức cầu nguyện và ca hát rộn ràng bên ngoài, trong khi đó những tâm tình tha thiết và những lời mời gọi khẩn cấp của Đức Mẹ thường lại không được quan tâm nhấn mạnh.
Nói tóm lại, lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ một cách chân chính và sâu xa, là sống và thực hành sứ điệp Fatima, tức đem ra thực thi ba mệnh lệnh đã được Đức Mẹ nhắn nhủ qua ba trẻ ở Fatima.