Ta đang ở trong Triều Đại Thiên Chúa (14.11.2024 – Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên)

Lời Chúa: Plm 7-20 (năm chẵn), Kn 7,22 – 8,1 (năm lẻ), Lc 17, 20-25

Bài đọc 1: Plm 7-20 ((năm chẵn)

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Phi-lê-môn.

Anh thân mến, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi.

Vì thế, mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm.  Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su,  tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô,  kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi,  tôi xin gửi nó về cho anh ; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.  Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.  Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.  Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn,  không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến ; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.  Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.  Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả …  Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết điều này : tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi : món nợ đó là chính anh.  Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Ki-tô.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17, 20-25)

20 Khi ấy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em : ‘Người ở kia kìa !’ hay ‘Người ở đây này !’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

 

Ta đang ở trong Triều Đại Thiên Chúa (14.11.2024)

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

Mỗi khi người Anh muốn tìm hiểu một sự việc quan trọng nào đó, họ thường đặt ba câu hỏi: “When, Where, How?” (thời gian, địa điểm, cách thức). Trong Tin Mừng hôm nay, người Pharisêu mới chỉ hỏi Chúa Giêsu “bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến”, Ngài đã không chỉ trả lời nó đến “khi nào”, nhưng còn cho họ biết nó sẽ đến “nơi nào” và đến “thế nào”.

Khi nào – vì quan niệm không đúng về Triều Đại Thiên Chúa, các người Pharisêu trông chờ một Đấng Mêsia ‘thế tục’, vốn sẽ đánh đổ ngoại bang và khôi phục chủ quyền Israel. Trong khi vương quyền của Chúa Kitô thì quan tâm đến linh hồn và cuộc chiến bên trong của nó: cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và thế gian. Vì ngộ nhận, bọn họ đã từ chối Ngài. Ấy thế mà hai ngàn năm sau, chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm như người Pharisêu: một đức tin èo uột khiến chúng ta không nhận ra Triều Đại Thiên Chúa trong Chúa Kitô mãi cho đến khi chúng ta chấp nhận Ngài là Vua linh hồn mình; cho phép Ngài làm chủ và sắp đặt cuộc sống mình. Chỉ lúc ấy, Triều Đại Thiên Chúa mới ngự trị. Khi nào? – chính là lúc này, thời điểm để tôi gặp Chúa Kitô, để Ngài là Vua của linh hồn tôi.

Nơi nào – không chỉ các người Pharisêu, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải vật lộn để hiểu ngọn nguồn của Triều Đại Thiên Chúa. Nó ở đâu? Họ tìm biết “Ngày của Con Người”; đúng hơn, tìm biết Triều Đại Kitô Giêsu, Thầy của họ, Đấng sẽ thu tóm mọi quyền lực thế gian, thống trị thế giới, nơi mà ông Giacôbê và Gioan ước được một chỗ bên hữu bên tả. Trong khi Chúa Kitô đến, trước hết, để ngự trị trong lòng mỗi người, trong lòng họ, kể cả những người rốt hèn nhất, “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

Thế nào – nếu Triều Đại Thiên Chúa đang ở đây, giờ này, trong lòng chúng ta, thì làm sao để chúng ta có thể hoàn toàn thuộc về Vương Quốc Ngài? Ngài cho biết, hãy vào đó theo phong cách của Vua Kitô, Ngài đã vào đó qua cánh cửa khổ đau và thập giá. Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã vạch cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tuỳ ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.

Ai trong chúng ta cũng có một đất nước, một quê hương. Tuy khác nhau về địa lý, nhưng chúng ta có cùng một nguồn cội trong Nước Trời; đúng hơn, trong cung lòng Chúa Cha. Chỉ cần chúng ta nhận thức mình là công dân của Nước ấy bằng cách cho phép Chúa Kitô chiếm chỗ nhất trong cuộc sống, Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta và qua chúng ta, Ngài tỏ cho người khác, để từ đó Nước Chúa luôn hiển trị.

Lạy Chúa, xin củng cố niềm tin, tình yêu và sự công chính của Chúa nơi mỗi chúng con, ngõ hầu chúng con cảm nhận được bình an, hạnh phúc và niềm vui nơi tâm hồn. Khi đó chúng con sẽ nhận thấy Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng con. Amen.

Joston

Tỉnh thức để đón triều đại Thiên Chúa (16.11.2023)

“Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do-thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp được dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được.” Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.

Vấn đề của người Do-thái cũng là vấn đề của con người thuộc mọi thời: người ta luôn bị lôi cuốn bởi các dấu lạ, và dấu lạ có nguy cơ trở thành đối tượng của lòng ham muốn, vì thế sẽ không bao giờ là đủ, thay vì dấu lạ là dấu chỉ dẫn đến việc trao ban lòng tin.

Người Do-thái rất quan tâm đến ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rô-ma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế mà trong Tin Mừng hôm nay người Pha-ri-sêu hỏi Chúa Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến.

Chúa Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa. Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ theo dòng thời gian. Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày vẫn cứ lớn lên, như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng, Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn.

Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt. Nhưng người Kitô hữu vẫn còn nhiều điều phải làm để Nước đó được nhìn nhận bởi hơn 7 tỷ người trên trái đất. Ngày nào thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công, ngày nào nhân loại còn bệnh tật đói nghèo, còn nô lệ cho vật chất, ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu. Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người, nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn.

Trọng tâm bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu Kitô là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Người đã đến, không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống xung quanh ta, và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao Nước Chúa hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.

“Ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.” Chúa Giêsu nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Chúa Giêsu quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết về thời gian ngày tận thế. Chính vì vậy, Chúa Giêsu cảnh báo đừng tin những tiên tri giả và những lời đồn đoán về ngày tận thế gây hoang mang như những năm trước chúng ta nghe rầm rộ. Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa…. để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào Triều Đại vinh hiển. Amen.

Joston

Ngày của Con Người (10.11.2022)

Tin Mừng hôm nay có hai phần:

– Một là Đức Giêsu nói về Triều Đại Thiên Chúa, hay là Nước Thiên Chúa: khi có người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến”. Chúa trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘ ở đây này’ hay ‘ở kia kìa’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Chúng ta không thể nhìn thấy Triều Đại Thiên Chúa, nhưng ở đâu có những con người, tâm hồn họ, thân xác họ tôn thờ Thiên Chúa, tôn nhận Thiên Chúa là Cha, là Đấng tối cao  thì Triều Đại Thiên Chúa đã tới đó.

Vậy thì Triều Đại Thiên Chúa thật âm thầm nhưng vô cùng mãnh liệt và tồn tại đến muôn đời. Mọi sức mạnh, mọi thế lực của trần gian này không bao giờ sánh nổi.

Hãy suy gẫm đến tâm hồn của các vị thánh tử đạo Việt Nam. Triều Đại Thiên Chúa đã ngự đến với tâm hồn các vị. Mọi lời nói ngon ngọt, mọi quyền lực đe doạ cho đến mọi cực hình và cái chết đã không đẩy lui được Triều Đại Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn họ. Cuối cùng rồi mọi thế lực trần gian chỉ có thể giết được thân xác họ, còn với linh hồn thì…bó tay.

Hitle đồ tể tội ác của nhân loại giữa thế kỷ 20. Ông thấy những người tín hữu Chúa Kitô, tin yêu sùng kính Chúa  trong lòng, bề ngoài, mọi nơi mọi lúc. Ông thèm muốn, mọi công dân thuộc vương quốc triều đại ông cũng phải sùng kính ông như vậy. Thế rồi ông đã ra tay áp đặt mỗi nhà phải tôn thờ ảnh tượng của mình. Nhưng ông đã thất bại nhục nhã thế nào ta đã biết. Thật là dại dột và ngạo mạn, ông dám đua tranh triều đại của mình với Triều Đại của Thiên Chúa.

– Hai là Chúa nói đến ngày của Con Người với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi mà cũng không được thấy”. Thật thế, những ngày Chúa ở cùng thế gian, mời gọi, dạy dỗ thì họ coi thường khinh khi. Họ tin theo lời giả dối: “Người ở kia kìa…Người ở đây này”. Rồi đây  chỉ còn đến ngày Chúa trở lại trong uy quyền công thẳng của vị thẩm phán tối cao, ngày tận thế.

Đoạn sau Tin Mừng Chúa muốn nói đến ngày ấy. Ngày mà khi Chúa Giêsu về trời hai sứ thần đã nói với các môn đệ: “Hỡi những người Galile, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Thật là ngỡ ngàng và bất ngờ chừng nào!

Còn thánh Phêrô thì mô tả ngày ấy nếu theo nghĩa hẹp thì thật là kinh hãi: “Ngày của Chúa đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ”(2 Pr,10). Nhưng là kinh khủng đối với những ai bất trung, xa rời Lời Chúa mà chỉ biết bám víu vào sự đời.

Thánh thiếu niên Đaminhsavio, một lần người ta đã hỏi cậu: “Nếu anh được biết ngày mai sẽ tận thế thì anh sẽ làm gì? Thánh nhân điềm tĩnh trả lời: Tôi vẫn học hành, vẫn vui chơi, đá bóng như thường ngày!”. Thật vậy! thánh nhân lúc nào cũng chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón ngày Chúa đến.

Lạy Chúa! Xin cho con biết noi gương vị thánh trẻ kia mà dọn lòng trong sạch, để bất kì ngày giờ nào Chúa trở lại thế gian con cũng được Chúa yêu mà được về hưởng Chúa trên quê trời- Amen.

Giuse Ngọc Năng

Nước Thiên Chúa đang ở đâu? (11.11.2021)

Đến hẹn lại lên vào mỗi sáng thứ tư đầu tháng lớp Docat chúng tôi có giờ học tập online với Cha giáo Vinh Sơn Đặc trách Huynh đoàn Tổng Giáo phận Sài Gòn, bài học tiếp tục với nội dung bốn nguyên tắc giáo huấn xã hội của Giáo hội công giáo là: phẩm giá con người – công ích – bổ trợ – liên đới. Giá trị của bốn nguyên tắc khi phối hợp với nhau thể hiện trong sinh hoạt đời sống huynh đoàn: mỗi thành viên trong gia đình huynh đoàn được mời gọi phát huy phẩm giá của mình vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa nên có phẩm giá như nhau. Thể hiện tinh thần hiệp thông huynh đệ, chúng ta cùng chia sẻ nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh như anh em một nhà, biết sinh lợi ích cho nhiều người xung quanh, không bao giờ vùi dập anh em mình. Kinh nghiệm của thánh Tôma Aquinô: “Một người không thể tốt được nếu không có mối liên hệ đúng đắn với công ích” ( tổng luận thần học). Tính liên đới mọi thành phần trong gia đình Đa Minh để cùng nhau thực thi các việc bác ái mang lại lợi ích cho mọi người, làm cho xã hội tăng trưởng nhờ sự hổ trợ lẫn nhau từ đó huynh đoàn sống tình liên đới một cách trọn vẹn. Giáo Hoàng Phanxicô EG 58 từng nói: “Tôi khuyến khích anh em hãy liên đới rộng lượng với nhau, và đưa nền kinh tế và tài chính trở về cách tiếp cận đạo đức chú trọng đến con người”.

Trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su trả lời các Pha-ri-sêu: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Có phải Nước Trời không hiện hữu thể lý là một thành trì hùng vĩ hay tòa lâu đài nguy nga tráng lệ cho mọi người dễ nhận diện như chúng ta thường thấy trong các phim ảnh nước ngoài, mà mang tính chất trừu tượng như tâm hồn chúng ta là đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa. Điều Chúa dạy chúng ta phải thực hiện là tìm kiếm sự khôn ngoan và Nước Trời. Chúa Giê-su chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là hiện thân của Nước Trời và con người chỉ gặp được Nước Trời ở nơi Người mà thôi.

Khi Chúa Giê-su đến thế gian, người rao giảng Tin Mừng là muốn cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn, giúp con người từ bỏ nỗi lo lắng tích lũy tiền tài, quyền lợi, danh vọng chỉ là sự hư ảo của cuộc sống tạm thời này. “Chúa Tể muôn loài không bao giờ vị nể, kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè. Sang hay hèn đều do Người tác tạo, đều được Người chăm sóc hệt như nhau” Kn 6,1-11. Chúa Giê-su mời gọi mỗi người hãy đón Chúa ngay trong hiện tại: tiếp nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa, thực thi điều Chúa dạy, sống hòa mình với anh em, sống chân thật, cầu nguyện với Chúa để đi theo Người và chọn Người làm trọng tâm cho đời sống của mình. “Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Ước gì các huynh đoàn chúng ta thực hiện các nguyên tắc giáo huấn xã hội của Giáo hội công giáo vào đời sống hiện nay thì có phải chúng ta đang xây dựng một cộng đoàn dân Chúa đầy tình yêu thương và hạnh phúc ngay trần thế này. Khi sống trong sự cậy trông vào Chúa thì chúng ta sẽ không băn khoăn khi đón nhận mọi sự gian nan thử thách đến với mình vì đều nằm trong sự lo liệu của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su là Đấng Toàn Năng, xin Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con để cho chúng con được tràn ngập bình an và niềm vui Nước Trời.                    

Anna Anh

Vương Quốc Thiên Chúa ở giữa chúng ta (12.11.2020)

Ngày 12.11: Lễ Nhớ Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo

Thuở nhỏ tôi và các bạn cùng xóm vui chơi và hát với nhau bài đồng dao:

Thiên đàng Địa ngục hai bên – Ai khôn thì lại, ai dại thì sa.

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha – Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.

Linh hồn phải giữ linh hồn – Đến khi mình chết được lên Thiên đàng”.

Cả nhóm chỉ muốn lên Thiên đàng, vậy Thiên đàng ở đâu trong vũ trụ? Là một thế giới nằm ngoài trái đất của chúng ta chăng? Và chắc chắn một điều là trong thế giới này mọi người thương yêu nhau, kết hiệp với nhau, thông cảm cùng nhau, vui chung một niềm vui hưởng mặt Thiên Chúa.

Ngày xa xưa, người Do Thái đã mong chờ được nhìn thấy Nước Trời, người biệt phái hỏi Chúa Giê-su : “Khi nào nước Thiên Chúa đến”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho chúng ta biết nước Thiên Chúa là có thật nhưng mọi người không thể nhìn bằng con mắt xác phàm.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là lời rao giảng của Chúa Giê-su : “Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông”. Chúa muốn nói điều gì với biệt phái, phải chăng Chúa muốn gửi gắm một thông điệp đến với con người rằng chính Chúa là Người sẽ đem lại Ơn Cứu Độ và đang hiện hữu bên cạnh mọi người. “Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo đang hình thành và Vương quốc Thiên Chúa trở nên hữu hình” (Docat 27, 21). Có phải Vương quốc Thiên Chúa đã hữu hình nơi Giáo Hội? Theo Joseph Ratzinger thì Giáo Hội hiện hữu “để thế giới có một nơi dành cho Thiên Chúa cư ngụ, và thế gian này có thể hóa thành “Vương quốc” của Ngài.

Chúng ta có cảm nhận Chúa đang hiện diện ở khắp mọi nơi  “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành khôn nguôi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan niềm vui”.

Chúa chia sẻ với các môn đệ về hành trình đau khổ Người phải trải qua: “ Sẽ có ngày các con ao ước thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy”. Đó là ngày Ngài hy sinh trên thập giá để cứu chuộc thế giới, ngày Ngài thăng thiên về với Chúa Cha, Chúa Giê-su sẽ rời xa chúng ta sao? Lời Chúa vẫn vang vọng trong chúng ta: “Hãy đi giảng dạy tất cả mọi dân tộc, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ thực hành những gì Thầy đã truyền dạy cho các con và đây, Thầy sẽ hằng ngày sống với các con cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Xin Chúa giúp chúng con có thể tìm nhận Chúa ở thế gian này và làm rạng danh Ngài trong cuộc sống đời này.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian để mạc khải và thiết lập nước Thiên Chúa ngay giữa chúng con, xin mượn lời thánh Têrêsa Calcutta dâng lời tôn vinh và cảm tạ Chúa: “Đức Giê-su là Thiên Chúa tôi, là đời sống của tôi, là tình yêu độc nhất của tôi, là tất cả trong tất cả đối với tôi. Tôi yêu mến Người với cả tâm hồn, bằng cả cuộc sống của tôi”.

LHTH

Triều Đại Thiên Chúa (14.11.2019)

Chúng ta đang sống trong một xã hội duy vật hưởng thụ, vì thế, những gì là cụ thể mà con người có thể cảm nhận, có thể cân đo đong đếm được, mới thực sự có giá trị. Đây chính là lý do khiến con người ngày nay đang dần xa Thiên Chúa, vì Ngài không được nhận biết bằng ngũ quan như người ta nhận biết các điều khác ở trần gian này.

Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết, những người Pharisêu thời Chúa Giêsu, dù khát khao mong chờ Triều Đại Thiên Chúa đến, nhưng phần lớn họ cũng nhìn về Triều Đại Thiên Chúa như một thực tại hữu hình mà con người có thể nhìn thấy bằng giác quan. Vì thế, như trong Tin Mừng hôm nay, họ đã hỏi Đức Giêsu: “Bao giờ Triều đại Thiên Chúa đến?”

Có thể nói, Triều Đại Thiên Chúa là một trong những đề tài chủ yếu trong Kinh Thánh. Cùng với niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, người Do thái tưởng tượng ra một vương quốc thịnh vượng, hùng cường mà Thiên Chúa sẽ thiết lập ngay trên lãnh thổ của họ. Vào thời Chúa Giêsu, một niềm hy vọng như thế cũng bừng cháy lên trong tâm hồn mọi người, Nước Trời hay Nước Chúa cũng là đề tài chủ yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã khai mở sứ vụ bằng lời kêu gọi mọi người: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  (Mc 1,15).

Mong ước được thấy Triều Đại Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người qua muôn vàn thế hệ. Người Do Thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?”

Nhưng trái với niềm hy vọng của người Do thái, Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không phải là một lãnh thổ có thể quan sát, đo đạc, hay giới hạn trong những ranh giới. Nước ấy giống như một hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất. Nước ấy giống như men được cho vào bột để làm cho bột ấy dậy lên.

Với việc Triều Đại Thiên Chúa hiện diện cách âm thầm như thế, dù người Do Thái nôn nao, thao thức chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng nhiều người trong số họ cũng không gặp được, dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện ngay giữa họ, như Chúa Giêsu đa nói: “Triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

Như lời của Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta hôm nay, Triều Đại Thiên Chúa đã đến trong trần gian. Để nhận ra Nước ấy, con người không thể dựa vào những dấu chỉ bên ngoài, như Chúa Giêsu đã giải thích lí do: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay ‘Ở kia kìa!”, nhưng để nhận ra Nước Thiên Chúa, con người phải nhận ra nhờ những dấu chỉ bên trong, đó là niềm tin. Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Nhận ra Đức Kitô và tin vào Ngài là dấu hiệu Triều Đại của Thiên Chúa đã đến trong lòng mỗi tín hữu.

Qua bài Tin Mưng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn của đức tin để có thể nhận ra những thực tại của Triều Đại Thiên Chúa. Những thực tại đó chính là chính bản thân của Ngài, lời rao giảng của Ngài, các phép lạ của Ngài, và nhất là một cuộc sống hoàn toàn cống hiến cho tha nhân đến nỗi chịu chết trên Thập giá. Chúa Giêsu chính là Triều Đại Thiên Chúa ở giữa con người. Ai muốn thuộc về Triều Đại ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài, nơi đó Triều Đại Thiên Chúa được thể hiện. Amen.

Bình Minh

Thiên Chúa đang hiện diện (15.11.2018)

Vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. (Lc 17,21b)

Người Do Thái luôn mong ước Nước Thiên Chúa đến như lời đã báo trước. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa không đến như những người Do Thái mong đợi. Họ cho rằng khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, Ngài sẽ khôi phục vinh quang thời quá khứ của dân tộc họ. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu chỉnh hướng suy nghĩ của họ về Nước Thiên Chúa. Ngài tuyên bố Nước Thiên Chúa đã hiện diện qua con người của Ngài, qua những gì Ngài làm và giảng dạy. Nước Thiên Chúa giống như hạt giống đầy sức sống được chôn vùi vào lòng đất hay như nắm men được vùi trong ba đấu bột. Nước Thiên Chúa hoạt động trong lòng con người với một sức mạnh vô hình làm biến đổi tâm hồn và tâm trí. Nước Thiên Chúa chỉ đến với những ai tin và theo Chúa Giêsu.

Nước Thiên Chúa đã thật sự đến với ta là những người mang danh Kitô hữu, nhưng vẫn còn có rất nhiều người chưa được biết nước Thiên Chúa. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta là ngôn sứ của Chúa, và chúng ta cũng có nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho người khác. Lời loan báo tuyệt hảo nhất đó là chính đời sống chứng nhân của ta. Từng ánh mắt, từng nụ cười, lời nói, hành động trong tình yêu thương của ta là những phương thế hiệu quả để ta minh chứng rằng Thiên Chúa đang hiện diện và Nước Thiên Chúa đã đến.

Lạy Chúa, hằng ngày chúng con vẫn đọc lời kinh Lạy Cha mà Chúa đã dạy chúng con : “Xin cho nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin Chúa giúp chúng con biết ý thức hơn và thật sự khao khát nước Chúa tràn lan mọi nơi. Ngõ hầu, mọi người đều nhận ra chỉ có Chúa mới là Đấng cứu độ chúng con và là Đấng duy nhất chúng con tôn thờ. Amen.

Triều Đại Thiên Chúa (16.11.2017)

Trong Tin Mừng hôm nay, Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” hay “Ở kia kìa!”, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17, 2-21).   Triều đại, nước của Thiên Chúa là chủ đề đã được các ngôn sứ loan báo trong thời Cựu ước bằng nhiều hình ảnh sinh động. Khi Đức Giêsu đến, chủ đề nước Thiên Chúa còn được chính Người rao giảng, trở nên rõ ràng và sống động hơn qua các dụ ngôn. Người đã thiết lập triều đại, nước của Thiên Chúa ngay trong trần gian. Ai tin, sám hối và đón nhận Người là được thuộc về vương quốc ấy.

Nước Thiên Chúa không phải là một địa điểm rõ ràng về địa lý, nước ấy không đến như một điều có thể quan sát thấy.  Bởi vậy chẳng ai có thể nói nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia. Những ai sống trong chân lý, tình thương, hòa bình và ân sủng của Chúa, thì chính Thiên Chúa đang ở giữa họ và họ là những người thuộc vương quốc của Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người đã đến thế gian, mở cửa nước trời cho muôn dân. Những người Pharisêu đang diện kiến một Vị Thiên Chúa, nhưng họ không nhận ra và không thể tin, ngay cả khi Người tuyên bố “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.

Ngày nay, nhiều người vẫn nghĩ nếu Triều Đại Thiên Chúa đến thì trời đất rung chuyển khác lạ hoặc cảnh náo nức tưng bừng, không còn khổ đau, bệnh tật, con người tự do. Triều Đại Thiên Chúa ở một nơi xa xăm nào đó mà sau khi chết người ta mới tới được. Nhưng như lời Người đã nói với những người Pharisêu cũng như với mỗi chúng con hôm nay rằng Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng con. Vâng, Chúa đã đến và vẫn ở giữa, ở với chúng con mọi ngày. Khi chúng con sống trong sự hiện diện của Chúa, sống dưới ánh mắt Chúa bằng lời nói, hành động yêu thương, là chúng con sống trong Triều Đại của Thiên Chúa.

Chúng con sẽ thực sự được sống trong vương quốc nước trời ngay hôm nay. Điều này được khẳng định nơi bài đọc I: “Dầu chỉ một mình, Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự; luôn luôn bất biến, Đức Khôn Ngoan đổi mới được muôn loài. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người.” (Kn 7,27).

Lạy Chúa! Triều Đại Chúa đang ở giữa chúng con. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, để chúng con được đụng chạm, đối diện với Chúa. Xin cho chúng con luôn nhận ra ánh mắt trìu mến yêu thương của Chúa thật sống động và tuyệt vời trong đời sống của chúng con. Amen.

 Én Nhỏ

Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Thiên Chúa (10.11.2016)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”Ngài muốn nói Triều Đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Để nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này, ngay trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.

Đức Ki-tô là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Người đã đến không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta, nơi những người anh chị em sống chung quanh chúng ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao Nước Cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống  đích thực của chúng ta để được sống trong Nước Tình Yêu của Người.

Chúa ơi! Con đã theo Ngài

Tâm –  tình dâng hiến, không phai lời thề

Tình thương của Chúa tràn trề

Cứu chuộc nhân thế, đưa về cùng Cha

*

Tình thương của Chúa bao la

Dành cho nhân thế, chính là ơn thiêng

Đời con vẫn mãi triền miên

Chăm lo phục vụ, thường xuyên giúp người

*

Lòng con luôn thấy vui tươi

Vì Chúa hiện diện, mỉm cười với con

Chúa luôn chúc phúc ban ơn

Cuộc sống thánh thiện, đẹp hơn từng ngày

*

Quá khứ, hiện tại, tương lai

Con luôn theo Chúa, xin Ngài đoái thương

Lời Ngài minh bạch tỏ tường

Dìu con tiến bước trên đường dương gian

*

Có Ngài con thấy hân hoan

Cuộc sống tốt đẹp đầy tràn thánh ân

Ngày mai chung hưởng phúc phần

Nước Trời vinh hiển tinh thần hỷ hoan

 

Lạy Chúa! Chúa đã đến thiết lập Nước Trời ở giữa trần gian. Chúng con cảm tạ Chúa về hồng ân được làm con cái Chúa và là những người công dân trong Nước Chúa. Xin cho mỗi Ki-tô hữu chúng con biết ý thức ân huệ lớn lao mà Chúa đã ban cho chúng con với lòng biết ơn chân thành tha thiết, để chúng con trung thành sống theo Thánh Ý Chúa, đồng thời biết nhiệt tâm xây dựng Nước Trời bằng cách sống đúng theo lời Chúa dạy. Amen.

HOÀI THANH

Sống giây phút hiện tại

“Vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,21)

Suy niệm: Sống trong hiện tại, nhưng lắm khi chúng ta lại cứ trông ngóng tương lai: đi đường thì mong chóng tới nơi; là trẻ thơ mong được một ngày kia lớn như bố, mẹ… Thế nhưng lại có một nghịch lý: Chúng ta vẫn tuyên xưng đời này là cuộc lữ hành tiến về cõi phúc vĩnh hằng đời sau, nhưng khi được dự báo một tương lai sắp đến xáo trộn hoặc thậm chí kết thúc cái hiện tại này, có khi chúng ta lại hoảng loạn lên, như đổ xô đi mua mì tôm, đèn cầy vì sợ sự cố Y2K, sợ tận thế… chẳng hạn. Những người Do Thái cũng thế, cũng băn khoăn hỏi Chúa Giêsu bao giờ Nước Thiên Chúa đến. Câu trả lời của Thầy Giêsu không như họ mong đợi: không phải ở đây, cũng chẳng phải ở kia, Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Vâng, để ta không lạc xa cùng đích của cuộc đời, Chúa dạy chúng ta, giây phút hiện tại là quan trọng nhất, hãy sống trọn vẹn nó: Nước Thiên Chúa chính là đây.

Mời Bạn: Chúng ta hãy sắp xếp lại thời gian, hãy vạch cho mình đích đến của ngày hôm nay, của một tuần, của một tháng, của một năm. Bạn sẽ không thấy thời gian chậm chạp trôi qua nữa. Bạn cũng không thấy cuộc sống của mình buồn tẻ nữa, nhưng là một ý nghĩa tròn đầy với tất cả nhiệt huyết.

Sống Lời Chúa: Những lúc chao đảo trong cuộc sống bạn hãy nhớ lại lời Thầy Giêsu: Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta: tại đây và ngay lúc này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con thời gian để con quản lý. Xin cho con biết quản lý tốt cuộc đời của con qua những phút sống hằng ngày và nhờ ơn Chúa trợ lực cuộc đời của con sẽ trở nên một bông hoa thơm ngay trong vườn hoa của Chúa.

Cho ngày Chúa quang lâm…

Đức Giê-su nói: “Vì, ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị loại bỏ.” (Lc 17,24-25)

Suy niệm: Nhà thần học nổi tiếng Teilhard de Chardin gồm tóm suy tư của mình trong ba tiếng: “Đăng giả hội” (những gì vươn lên cao thì sẽ tụ hội với nhau). Nếu vậy, thì đỉnh vươn cao nhất của nhân loại là được Kitô hoá, nghĩa là mọi con người sống với Cha trong tâm tình con thảo của Đức Ki-tô, và tụ hội nơi Chúa Ki-tô, vua vũ trụ. Thế nhưng, trước khi đến ngày quang lâm với ánh chớp chói loà còn sáng chói hơn cả triệu triệu đèn pha hay bom nguyên tử ấy, thì Đức Ki-tô phải chấp nhận bị dìm trong tăm tối: tăm tối của Vườn Dầu, tăm tối của khổ hình thập giá, tăm tối của mồ đá… và hôm nay tăm tối nơi những người nghèo đói, đau khổ, bị bách hại vì sống cho niềm tin, cho chân lý…

Mời Bạn: Ghi nhớ một nguyên lý ngàn đời: có đau khổ vì chân lý mới đạt được vinh quang, có qua thập giá vì Nước Trời mới đạt được phục sinh vinh hiển. Bạn có sẵn sàng chấp nhận không?

Chia sẻ: Tôi (nhóm của tôi) sẽ làm gì trong tháng 11 này để làm cho Nước Chúa được mở rộng hơn?

Sống Lời Chúa: Tôi vui lòng đón nhận những hy sinh, vất vả do bổn phận mỗi ngày của mình để được hạnh phúc Nước Trời với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cảm tạ Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn  cho mọi người và cho cả vũ trụ. Amen. (Rabbouni).

Dọn lòng để đón Chúa bất cứ lúc nào

1. Ghi nhớ: “ Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến ” . (Lc 17,24).

2. Suy niệm: Người Do Thái băn khoăn về ngày Chúa đến, ngày mà số phận mỗi người được phơi bày trước vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngày đó xảy đến lúc nào thì không ai biết. Chúa Giêsu muốn họ nhìn theo một hướng khác. Đừng quan tâm đến “ lúc nào ” , “ nơi nào ” Thiên Chúa sẽ đến, điều cần nhất là hãy “ đón nhận ” . Triều đại Thiên Chúa đang hiện diện giữa các ông. Nước Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu. Vậy mà họ không đón nhận Ngài. Chúa Giêsu có vẻ như trách họ rằng: Tất cả những gì thuộc về nước Thiên Chúa đã được thể hiện nơi tôi hết, vậy mà các người cứ tìm mãi nơi đâu. Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta chuẩn bị chờ ngày Chúa đến trong vinh quang bằng cách tỉnh thức và sẵn sàng trong ơn nghĩa Chúa.

3. Sống Lời Chúa: Dọn lòng để đón Chúa bất cứ lúc nào.

4. Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa luôn kêu gọi mỗi người chúng con tỉnh thức và sẵn sàng. Xin cho chúng con biết sửa đổi mỗi ngày để đón chờ ngày Chúa quang lâm. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *