Lúc 9h30 tối Chúa Nhật 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ năm ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Bà Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Qua những lời mộc mạc và rõ rệt này, Thánh Luca đưa chúng ta đến trung tâm của đêm thánh này: Bà Maria đã hạ sinh; bà đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, là Ánh Sáng của thế gian. Một câu chuyện đơn giản nhưng đưa đẩy chúng ta đến với một biến cố đã thay đổi lịch sử của chúng ta mãi mãi. Mọi thứ, trong đêm đó, đã trở thành nguồn mạch của hy vọng.
Chúng ta hãy quay trở lại một vài câu trước đó. Theo lệnh của Hoàng đế, Bà Maria và ông Giuse thấy mình bị buộc phải cất bước lên đường. Họ phải rời bỏ những người bà con, nhà cửa, đất đai của mình và thực hiện một cuộc hành trình để có thể ghi danh trong một cuộc tổng điều tra dân số. Đây không phải là một cuộc hành trình thoải mái hay dễ dàng đối với một cặp vợ chồng trẻ sắp có một đứa con: họ phải rời khỏi miền đất của mình. Trong lòng, họ tràn đầy những hy vọng và mong đợi vì đứa trẻ sắp chào đời; nhưng những bước chân của họ đã trở nên nặng nề bởi sự bất định và nguy hiểm của những người phải để lại nhà cửa sau lưng họ.
Sau đó, họ thấy mình phải đối mặt với những gì có lẽ là khó khăn nhất. Họ đến Bếtlêhem và nhận ra rằng đó là một vùng đất không mong đợi họ. Một vùng đất không có chỗ cho họ.
Và ở đó, mọi thứ đều là thử thách, Bà Maria đã ban cho chúng ta đấng Emmanuel. Con Thiên Chúa đã phải sinh ra trong một chuồng gia súc bởi vì dân riêng của Người không có chỗ cho Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1:11). Và ở đó, giữa cảnh ảm đạm của một thành phố không có phòng hoặc một chỗ ngả lưng nào cho những người khách lạ từ xa, giữa bóng tối của một thành phố nhộn nhịp mà trong trường hợp này dường như muốn xây dựng chính nó bằng cách quay lưng lại với người khác … chính xác là ở nơi đó một tia sáng cách mạng của tình yêu Thiên Chúa đã được thắp lên. Ở Bethlehem, một khai mở đã ló dạng cho những người đã mất đất đai, đất nước, cũng như ước mơ của mình; và cả đối với những ai đang ngạt thở vì cuộc sống cô lập.
Rất nhiều bước chân âm thầm khác đang tiếp bước những bước chân của ông Giuse và bà Maria. Chúng ta nhìn thấy những dấu vết của toàn bộ các gia đình buộc phải cất bước lên đường trong thời đại của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy dấu vết của hàng triệu người không muốn ra đi nhưng, bị xua đuổi khỏi miền đất của mình, họ phải để lại những người thân yêu sau lưng. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này đầy những hy vọng, hy vọng cho tương lai; nhưng đối với nhiều người khác, sự ra đi này chỉ có thể có một cái tên duy nhất: đó là sống sót. Sống sót các Herôđê ngày nay, là những kẻ áp đặt quyền lực của chúng và làm giàu, chúng không thấy có vấn đề gì trong việc đổ máu người vô tội.
Đức Maria và thánh Giuse, là những người không có chỗ dung thân, lại chính là những người đầu tiên đón tiếp Đấng đến để ban cho tất cả chúng ta tất cả giấy tờ về quốc tịch của chúng ta. Người là Đấng, trong cảnh nghèo đói và khiêm hạ, đã cho chúng ta thấy quyền năng thực sự và tự do đích thực được thể hiện trong việc tôn vinh và trợ giúp những người yếu đuối và mỏng manh.
Đêm đó, Đấng không có chỗ để sinh ra đã được công bố cho những ai không có chỗ trên bàn tiệc hay trên những đường phố của các thành đô. Những người chăn cừu là những người đầu tiên nghe Tin Mừng này. Do công việc của mình, họ là những người nam nữ buộc phải sống bên lề xã hội. Tình trạng sống của họ, và những nơi họ phải cư trú ngăn cản họ tuân thủ tất cả các quy định nghi lễ tôn giáo về việc thanh tẩy; kết quả là họ bị coi là ô uế. Da thịt, quần áo, mùi hôi trên người họ, cách thức nói năng, nguồn gốc của họ, tất cả đều phản bội lại họ. Tất cả mọi thứ liên quan đến họ đều tạo ra một sự không đáng tin cậy. Họ là những người nam nữ mà người ta cần phải giữ khoảng cách, và cần phải sợ hãi. Họ được coi là những người ngoại đạo trong số những người tin Chúa, là những tội lỗi giữa những người công chính, là những ngoại kiều giữa các công dân. Tuy nhiên đối với họ – những người ngoại đạo, tội nhân và ngoại kiều – thiên thần nói: “Đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2,10-11).
Đây là niềm vui mà đêm nay chúng ta được mời gọi để chia sẻ, để cử mừng và công bố. Niềm vui mà Thiên Chúa, vì lòng thương xót vô hạn, đã ôm lấy chúng ta là những người ngoại đạo, tội lỗi và ngoại kiều, và đòi hỏi chúng ta cũng phải làm như vậy.
Đức tin chúng ta tuyên bố đêm nay khiến cho chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong tất cả những tình huống mà chúng ta nghĩ Người vắng mặt. Người hiện diện nơi người khách không được chào đón, và quá thường khi là không được nhìn nhận, đang đi qua các thành phố và các khu xóm của chúng ta, những người đi trên các xe buýt và gõ cửa nhà chúng ta.
Chính đức tin này cũng thúc đẩy chúng ta tạo ra không gian cho một viễn tượng xã hội mới và đừng sợ trải nghiệm những hình thái quan hệ mới, trong đó không ai cảm thấy rằng họ không có chỗ trên trái đất này. Giáng sinh là thời điểm để biến sức mạnh của sự sợ hãi thành sức mạnh của lòng bác ái, thành sức mạnh cho một viễn tượng mới của lòng bác ái. Đó là một lòng bác ái không trở nên quen thuộc với sự bất công, như thể đó là một cái gì đó tự nhiên, nhưng là một lòng bác ái, giữa những căng thẳng và xung đột, vẫn có can đảm tự biến mình trở thành “nhà bánh”, thành một vùng đất hiếu khách. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói với chúng ta: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô” (Bài giảng về Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hôi Thánh, ngày 22 tháng 10 năm 1978).
Nơi Hài Nhi Bếtlêhem, Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ chúng ta và biến chúng ta thành những người chia sẻ tích cực cuộc sống chung quanh chúng ta. Người tự hiến mình cho chúng ta để chúng ta có thể đón nhận Người vào vòng tay chúng ta, nâng Người lên và ôm lấy Người. Vì thế, trong Người, chúng ta sẽ không sợ hãi nâng đỡ và ôm lấy những kẻ đói khát, những người xa lạ, trần truồng, đau yếu, và những ai bị giam cầm (xem Mt 25: 35-36). “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô”. Nơi Hài Nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành những sứ giả hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở thành những tuần canh cho tất cả những ai đầu phải cúi đầu xuống bởi nỗi tuyệt vọng nảy sinh khi đối diện với cơ man những cánh cửa đóng kín. Nơi Hài Nhi này, Thiên Chúa biến chúng ta trở thành những người đại diện cho lòng hiếu khách của Người.
Xúc động vì niềm vui của hồng ân Hài Nhi Bếtlêhem, chúng ta cầu xin cho tiếng khóc của Người đánh động chúng ta khỏi sự thờ ơ và mở mắt chúng ta ra trước những người đau khổ. Nguyện xin cho sự dịu dàng của Chúa Hài Nhi thức tỉnh sự nhạy cảm của chúng ta và nhận ra lời mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa nơi những người đến với thành phố của chúng ta, đến với lịch sử của chúng ta, và đến với cuộc sống của chúng ta. Cầu xin cho lòng từ ái cách mạng của Chúa thuyết phục chúng ta cảm nhận được lời mời gọi trở nên những tác nhân của niềm hy vọng và sự dịu dàng cho những người đồng loại của mình.