Chúa Ba Ngôi – phần 3

Bản thể Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi:

Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16)

Trước khi Thiên Chúa dựng nên thụ tạo, Thiên Chúa đã là Tình Yêu. Tình yêu nơi bản thể Thiên Chúa đã sinh ra Ngôi Con, Ngôi Con Thiên Chúa được thông ban trọn vẹn những gì Cha có. Tương giao tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con xuất phát ra Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần (GLHT số 254).

Nguồn Ánh Sáng đã sinh ra Ánh Sáng, Ánh SángNguồn Sáng là một. Yếu tính Ánh Sáng của Chúa Cha đã sinh ra Ánh SángChúa Con, tương giao giữa hai ngôi vị tạo thành sự Xung Động Ánh Sáng giao thoa nơi bản thể Thiên Chúa, làm nên Thần KhíChúa Thánh Thần (x. Ga 1,1-9). Nguồn Sáng – Trung Tâm – Tình YêuChúa Cha, sinh ra Ánh Sáng Tình YêuChúa Con.

Từ mối tình muôn thuở của ChaCon, Thánh Thần Tình Yêu xuất hiện. Bản tính Chúa Cha thiêng liêng – hằng hữu – bất biến – toàn năng – tình yêu nên sinh Ngôi Lời; và hai Ngôi: Cha và Con nhiệm xuất Ngôi Ba cũng thiêng liêng – hằng hữu – bất biến – toàn năng – tình yêu. Ba Ngôi cùng một bản thể, Ba Ngôi một Chúa, Ba Ngôi cùng là tình yêu (GLHT 248). Thiên Chúa là tình yêu, vì bản thể Người chính là Tình Yêu.

Từ nội tại siêu vời – sâu thẳm – mầu nhiệm, bản thể tình yêu Thiên Chúa, Ngôi Cha đã vì tình yêu sung mãn dư tràn của mình, thông chia chính Mình trong hiệp nhất cho Mình, sinh ra thêm Con Duy Nhất – Ngôi Lời, ngôi vị cùng chung bản tính của Ngôi Cha. Rồi tương giao tình ái tha thiết nồng nàn tuyệt đối giữa hai Ngôi: Cha và Con nhiệm xuất ra Ngôi Ba – Thánh Linh Tình Ái cùng một bản thể. Khi Ngôi Ba vừa hiện hữu vĩnh hằng cùng Ngôi Cha và Ngôi Con, thì từ đó Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi liền có trong bản thể bất biến của Thiên Chúa.

Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi đầy tràn nhiệt lực tình yêu, nồng nàn sốt mến, luôn muốn trào thông dạt dào tình yêu và những sự tốt đẹp, hoàn thiện và cả sự bí nhiệm của bản thể Thiên Chúa ra ngoài bản tính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân – Thiện – Mỹ bởi Tình Yêu, cho nên nơi Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi đã bao trùm lên thụ tạo Người dựng nên, một tình yêu Toàn Ái cao đẹp khôn tả trong chân lý sự sống vĩnh hằng.

Chúng ta cần dừng lại ở đây một chút, để trao đổi sơ qua một vấn đề tạo ra khái niệm: cái nhìn vượt lên trên không gian và thời gian, xuyên qua – thẩm thấu cõi siêu hình, để hình dung về Thiên Chúa. Nhưng lại dùng chính cách diễn tả của con người, có phân định trước sau, có trên dưới hay cao thấp, cho dễ hiểu. Song thật ra những gì chúng ta đang biết tới, đồng diễn ra một trật, một cách siêu nhiên và thiêng liêng tới mức Chúa có cho con người thấy đi nữa, thì con người cũng không thể biết gì. Chỉ có thể biết khi Thiên Chúa nâng tâm trí lên, cho đôi mắt linh hồn một nhãn giới hoàn toàn siêu nhiên và có khả năng nhìn thấu được bản thể Thiên Chúa hay tư tưởng của Người.

Trong – nơi Thiên Chúa, yếu tính làm nên bản tính, bản tính lại có vô số thuộc tính, bản thể lại bao gồm cả yếu tính, bản tính và thuộc tính. Vì vậy, nếu nói bản thể, yếu tính, bản tính và thuộc tính của Thiên Chúa là một, không hề sai, rất đúng. Tuy nhiên, khi thụ tạo nhìn vào Thiên Chúa, để có thể nhìn ra chút gì đó về Người, chúng ta có thể phân định: yếu tính mang tính chất sâu thẳm hơn, mầu nhiệm hơn, thiêng liêng hơn, trọng yếu hơn; là phần trung tâm, sâu nhất nơi Thiên Chúa mà thụ tạo không thể đến gần, không thể khám phá, không thể nhận biết, không thể hình dung, không thể lãnh nhận và giữ lại.

Cho dù Thiên Chúa có đặt để yếu tính Người nơi thụ tạo, để gìn giữ thụ tạo được hiện hữu, thì vĩnh viễn thụ tạo cũng không sở hữu hay hòa nhập được yếu tính của Người với mình. Còn bản tính là phần mà Thiên Chúa có thể cho thụ tạo biết, thấy phần nào, hay thông ban cho thụ tạo chút ít từ nơi Người, và thụ tạo có khả năng lãnh nhận nó. Thuộc tính là phần thụ tạo nhận biết được có nơi Thiên Chúa, qua những mạc khải, hay qua các công trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa. Riêng thuộc tính của Thiên Chúa, thụ tạo có thể được ân ban và có khả năng lãnh nhận trọn vẹn. Tuy vậy, chỉ có một thụ tạo duy nhất được thông ban một số thuộc tính của Thiên Chúa cách toàn hảo, trọn phần, là Mẹ Thiên Chúa. Còn những thụ tạo khác chỉ được tham dự một phần thuộc tính của Người.[1] Trước tiên Thiên Chúa muốn như vậy, sau đó, bản thể của thụ tạo cũng không có khả năng lãnh nhận nhiều hơn. Thiên Chúa muốn ban một ơn trọng nào, hay thông ban thuộc tính của Người cho thụ tạo nào, Người phải chuẩn bị cho thụ tạo đó qua nhiều “công đoạn” ân sủng, thụ tạo mới có khả năng để lãnh nhận.

Trong Chúa Cha, Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên của Ba Ngôi thôi thúc Người có ý muốn dựng nên thụ tạo. Sự thôi thúc bởi Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên, là sự thôi thúc do tình yêu thương dìu dặt, chăm chút và cẩn trọng, nồng nàn và say đắm, cao thượng và khôn ngoan, sâu xa bí nhiệm. Đồng thời cũng thúc đẩy thần khí Thiên Chúa liền âu yếm cưu mang Thánh Ý tuyệt hảo bởi tình yêu nầy, Người ôm ấp, nâng niu, nuôi dưỡng mầm sự sống thọ vật vừa xuất hiện trong ý muốn Thiên Chúa “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,1-2).

Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi đã có cùng lúc với Đức Khôn Ngoan của Người, và gắn liền với bản thể Thiên Chúa. Nhưng Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi khác hơn Đức Khôn Ngoan ở chỗ: Đức Khôn Ngoan, một ưu phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, phản ánh ánh sáng vĩnh cửu của Người. Đã được hình thành từ Thiên Chúa, được tạo dựng trên tạo dựng thụ tạo, được có bởi trí năng siêu phàm của Người, cùng Người sáng tạo và quan phòng mọi công trình Người thực hiện. “vì trước mọi sự, thì sự khôn ngoan đã được tạo dựng – Dĩ nhiên, không phải Sự Khôn Ngoan đồng vĩnh cửu và ngang hàng với Ngài mọi đàng… nhưng đây là sự khôn ngoan “được tạo dựng” nghĩa là một bản chất trí thức… Cho nên sự khôn ngoan đó là công trình tay Ngài làm nên, cách mà nó là khác chứ không đồng hóa với hữu thể Ngài.” (Tự Thuật Thánh Augustinô, dịch giả Vân Thùy. Chương 12, trang 427-428)

Đức Khôn Ngoan tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố.

Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người.

“Đức Khôn Ngoan đã được truyền thụ những hiểu biết về Thiên Chúa…” “Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa…” (Kn 7,25-26; 8,4; 9,9).

Còn Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi là hoa trái đầu tiên của bản thể Tình Yêu Thiên Chúa, phát xuất từ bản thể Thiên Chúa, là một phần của bản thể Người, có nơi cả ba Ngôi Thiên Chúa. Một bản tính cao cả phát xuất từ Thần Tính Tình Yêu: sâu nhiệm và rất dịu dàng, vô cùng nhân hậu và hết mực khoan dung, chứa chan đại lượng và nhẫn nại vô bờ của Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi thể hiện tình yêu của bản thể Người, bao trùm lên thụ tạo một tình yêu thương vô hạn: đầy đại lượng và xót thương, chan chứa nhẫn nại và khoan dung, tràn trề âu yếm và dịu dàng, chan chan sốt mến nồng nàn và tha thiết, vô vàn ân cần âu yếm, vô cùng chăm chút và tế nhị…

Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,

không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,

vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?

Nếu như Ngài không cho hiện hữu,

làm sao nó có thể được duy trì?” (Kn 11,24-25).

Hầu như không có ai dám chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,7-8).

ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín” (Xh 34,6).

Bởi vì CHÚA nhân hậu,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 100,5).

Đức Khôn Ngoan được trí năng Người tạo ra và gắn liền với Thiên Chúa, còn Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi lại từ bản thể tình yêu Chúa Ba Ngôi mà có. Một hình ảnh minh họa sự khác biệt nầy: Đức Khôn Ngoan nơi Thiên Chúa giống như ánh hào quang tỏa ra nơi dung nhan Người, còn Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi như ánh sáng sự sống êm dịu chiếu tỏa lên các thụ tạo, phát ra từ Trái Tim Ba Ngôi Thiên Chúa.

(Tạ ơn Chúa Thánh Thần, con viết đến đây Người cho con biết về sách Thần Đô Huyền Nhiệm, và quan phòng nó đến tay con.)

Đầu tiên, như Thiên Chúa đã cho bà Đáng Kính Maria Agrêđa thấy được tư tưởng của Thiên Chúa, trong sách Thần Đô Huyền Nhiệm (TĐHN). Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi đã có một quyết định không tiền khoáng hậu, đặc biệt vô cùng “Trước hết theo quyết định của Chúa, Ngôi Lời của Chúa sẽ hiệp nhất với một linh hồn và một thể xác.” (TĐHN, Văn Hải chuyển nghĩa. Phần I, trang 27).

Ý định sâu thẳm tự ngàn đời này của Thiên Chúa, được Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi êm ái, cẩn trọng hình thành trong Thiên Chúa. Đồng thời, liền sau đó, từ Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi các chương trình khác cũng đến trong tư tưởng Người “Thứ đến, có những hữu thể khác sẽ được tạo nên theo hình ảnh Chúa, làm nên loài người; ngay lúc đó, thì hết mọi người đã được hiện diện trong trí năng Thiên Chúa. Như vậy, sự Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa hợp ngôi với bản tính loài người là tác phẩm hướng ngoại (ad axtra) đầu tiên của Thiên Chúa. Sau khi Thiên Chúa tự nhận biết Mình, yêu mến Mình, Chúa cũng yêu mến một sự kiện hết sức liền khít với Thần Tính của Chúa, đó là việc Hợp Ngôi. Và Ngôi Lời trở nên Người sẽ là Thủ Lĩnh tất cả mọi thụ tạo, và qua Ngôi Lời, mọi thụ tạo đều nhắm tới Đấng Sáng Tạo mình.” (TĐHN Phần I, trang 27).

Hơn bao giờ hết, lúc này đây, Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi đã trào đổ trong ý định tuyệt hảo của Thiên Chúa, tình yêu và trọn vẹn những gì Cha Hằng Hữu có cho Nhân Tính “Thiên Chúa quyết định Nhân Tính của Ngôi Lời sẽ tiếp nhận tất cả những ân sủng có thể, và linh hồn Chúa có sức bao nhiêu thì sự thánh thiện, tri thức, hạnh phúc và vinh quang sẽ trào tràn vào bấy nhiêu.” (TĐHN Phần I, trang 27). Liền ngay sau đó, Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi tác động trí năng Thiên Chúa đoái nghĩ đến thụ tạo đầu tiên, sẽ thực thi sứ mạng làm người cưu mang để hoàn tất việc Hợp Ngôi. Ôi! Chúa tụng Thiên Chúa chúng ta, Người đã ưu ái dành cho Mẹ Ma-ri-a tình yêu hải hà khôn sánh “Thứ đến, theo một hậu quả tất yếu, Người Mẹ sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể, tức là Mẹ Maria, cũng đi liền với quyết định này. Trí năng Thiên Chúa quan niệm Mẹ là thụ tạo đầu tiên trong toàn thể thụ tạo, và lập tức Thần Tính và các thuộc tính của Thiên Chúa đổ tràn vào Mẹ như một con sông lớn. Thiên chức làm Mẹ của Mẹ đòi phải có bao nhiêu, và Mẹ có khả năng tiếp nhận bao nhiêu, thì con sông đó tràn vào bấy nhiêu. ” (TĐHN, Văn Hải chuyển nghĩa. Phần I, trang 27)

Tình yêu Thiên Chúa yêu thương hết mực các thụ tạo Người đã dựng nên, đặc biệt những thụ tạo giống hình ảnh Người. Cùng Đức Khôn Ngoan nơi Người, Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi biết rõ những gì sẽ đến sau khi Chúa sáng tạo những thụ tạo có lý trí, ý chí và tự do. (Vốn dĩ thụ tạo được dựng nên từ hư vô, mang thân phận hữu hạn chúng sẽ tự có khuynh hướng trở về với hư vô, và bị hư hoại.).

 Vì thế, Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên nơi Người, đã chuẩn bị sẵn các chương trình, hầu nâng những loài thụ tạo có bản thể độc lập, được dựng nên giống hình ảnh Người. Đạt tới sự hoàn thiện viên mãn, bất biến, xứng đáng hưởng vinh phúc vĩnh hằng nơi Người và với Người. Do đó, các loài thụ tạo được thông ban ý chí, lý trí và tự do đó, cần được tái tạo qua thử thách, đau khổ, để luyện nên sự công chính vĩnh hằng.

Đạt tới sự thay đổi bản chất từ hư vô và hữu hạn, trở nên chân – thiện – mỹ giống Thiên Chúa. Hay nói riêng cho thụ tạo có lý trí, ý chí và tự do, là đạt tới sự trưởng thành không những không còn khả năng phạm tội, mà còn đánh mất hoàn toàn khả năng tự nhiên trở về với hư vô, hoặc bị hư hoại bản thể thiêng liêng, nên giống như Thiên Chúa.

Đây là lý do có sự “phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối” trong chốn thiên cung, và có cây trái cấm Chúa đặt để nơi vườn Địa Đàng (x. St 1,3; 2,16). Cho các thiên thần và con người có cơ hội chọn lựa điều họ muốn, chọn lựa trong thời gian cho sự hiện hữu và hạnh phúc vĩnh hằng của họ.

Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi còn thôi thúc Chúa lên tiếp chương trình cứu độ, để Lòng Thương Xót Vô Biên có cơ hội tràn lên cả những thụ tạo có ý chí, lý trí, tự do không thuộc diện nổi trội, không chiến thắng vẻ vang, khi phải anh hùng vượt qua những thử thách như các thánh nhân. Người ân cần âu yếm cứu vớt các tội nhân, xót xa thương cảm phận thụ tạo, phận người, chiếu cố đến cả những đại tội nhân như hồn Cỏ, một con người xấu xa rốt hết trong cõi nhân sinh “Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2,10).

Bởi thụ tạo được dựng nên ở trong Thiên Chúa, do đó Thiên Chúa biết cụ thể từng tình huống, từng hoàn cảnh; biết rõ thiên thần nào, con người nào sẽ mang tâm phản trắc chống lại Người, muốn phá hủy công trình của Người. Người đã ban cho tự do và hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa của họ, cho họ quyền khước từ hay chấp nhận Người. Dù biết trước họ sẽ phản bội Người, nhưng Thiên Chúa vẫn dựng nên họ vì yêu thương, bởi Thánh Tâm Thương Xót nơi Người là vô biên.

Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi còn thúc đẩy trí năng Thiên Chúa dựng nên vô số thụ tạo không có linh hồn. Như động vật cấp cao được ban một phần lý trí, động vật cấp thấp, rồi thực vật, khoáng vật và khí thể, các loài đều được Thiên Chúa ban cho chúng linh khí của Người. Linh khí có nơi các thụ tạo này, tức yếu tính của Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng, hầu giữ cho chúng được hiện hữu. Nhờ đó những thụ tạo cấp thấp mới được hiện hữu trong vĩnh hằng hay trong thời gian, và đều hiện hữu trong hân hoan hạnh phúc.

Trong cả thế giới siêu nhiên và tự nhiên, các thiên thần làm anh cả, xét theo trình tự được dựng nên, còn về ân sủng thì chỉ tạm thời “Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên” (Hr 2,7). Thế giới siêu nhiên phong phú thụ tạo và xinh đẹp bội lần hơn thế giới tự nhiên “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc.”; “Ông Ê-li-sa cầu xin rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin mở mắt cho nó thấy!” ĐỨC CHÚA mở mắt người đầy tớ của ông và nó thấy núi đầy những ngựa và xe đỏ như lửa vây quanh ông Ê-li-sa.” (2V 2,11; 6,17). “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông như bích ngọc. Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị Kỳ Mục; các vị đang ngồi, mình mặt áo trắng, đầu đội triều thiên vàng. Từ ngai phát ra ánh chớp, tiếng sấm sét. Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa cháy sáng trước ngai. Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba giống như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt.” (Kh 4,2-8).

Trong thế giới tự nhiên, con người làm anh trưởng giữa muôn vàn các em thụ tạo khác “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển, chim trời, và mọi thứ giống vật bò trên mặt đất.” Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống để làm lương thực cho các ngươi.”  (St 1,28-29).

Nên các thụ tạo thấp hơn kia phải chịu hệ lụy với sự sa ngã của con người, chúng rên xiết chờ đợi ngày Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi giải thoát con người và giải thoát chúng “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang cho con cái Người. Quả thế, muôn loài chịu cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, mà Thiên Chúa bắt phải chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: muôn loài thọ tạo quằn quạy rên xiết như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22).

Vì Ta chẳng trách cứ luôn luôn, không giận hờn mãi mãi,

kẻo hơi thở mọi sinh linh chính Ta làm ra,

trước mặt Ta, sẽ phải lụn tàn.” (Is 57,16).

Trong phận người, đặc biệt là con người tôi, kẻ được chọn để viết ra một vài tính chất của mầu nhiệm Chúa, ê a đôi điều về tình yêu và chương trình tạo dựng của Người. Tôi thấy thật hổ thẹn vì sự kém cỏi, dốt nát của mình, thậm tệ đến không có ngôn ngữ xứng hợp để bập bẹ, cho có khái niệm sâu rộng nhiều hơn một tí về bản thể hằng hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như về Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi. Điều nầy sẽ làm cho độc giả càng không thể hình dung, không thể hiểu hơn những gì đã có sẵn trong kho tàng kiến thức về Thiên Chúa của Giáo hội Công Giáo.

Hơn nữa, như đã nói, con người ở trong thời gian, với trí năng thật giới hạn, không có khái niệm nào về hữu thể thần linh – mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa trong trạng thái vĩnh hằng. Đức tin sẽ cho chúng ta hiểu biết, cho chúng ta cảm nhận nhiều hơn những gì lý trí có thể lý giải bằng văn tự. Nhờ đức tin, lý trí được sáng soi, tâm linh có thể được nâng lên chìm ngập vào thượng trí, giúp chúng ta hiểu biết ít nhiều về Thiên Chúa qua công trình tạo dựng và cứu độ của Người.

***

 

Con thờ lạy Chúa Thánh Thần!

Xin Chúa thương ban thêm đức tin và lòng trông cậy cho con.

Chúa dùng con, nhưng con e rằng con sẽ làm hỏng mất việc của Chúa! Chúa ơi! Nhìn lại bản thân con, con … ồ không, con không nhìn vào con đâu! Con tin, Chúa đã muốn, Chúa sẽ hoàn tất công việc Người đã khởi sự. Kính xin Người hãy thực hiện, hãy ban ơn, để đứa con hèn mọn này có thể hoàn tất công việc của Chúa!

Người biết đấy, nếu Chúa để một mình con, con sẽ không chịu trách nhiệm về việc này đâu. Con không hề có khả năng để viết, dù chỉ một câu viết về mầu nhiệm Chúa. Nhưng con tin Chúa hằng ở với con, phần con chỉ biết vâng lời gõ lên bàn phím, còn viết những gì xin Chúa cứ làm trong con. Cha con ta, tiếp tục công việc Chúa nhé!

1 Chúng ta sẽ hình dung những điều vừa nói, qua hình ảnh minh họa: Bản thể là con người, yếu tính là trái tim, bản tính là thân xác, thuộc tính là y phục. Nếu con người ở địa vị cao quý độc tôn, mọi người phải kính úy, tuân phục; trái tim người ấy là bộ phận trọng yếu, mang lại sự sống, sự thường người khác không thể đụng chạm đến; thân xác có thể đến gần hay va chạm, y phục có thể cho đi hay đem phân chia được.

Có điều, xin nhớ, minh họa cũng chỉ nói lên được một khía cạnh: sự khác biệt theo nhãn giới con người, khi nhìn vào Thiên Chúa qua hoạt động của Người. Bởi vì nơi Thiên Chúa, bản thể Người hoàn toàn thiêng liêng, đơn nhất, không có từng phần như chúng ta nghĩ về hay nói về Người. Đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa.

 

***

Tình Yêu Hoa Cỏ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *