Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Mk 7,14-15.18-20 (năm chẵn), Xh 14,21 – 15,1 (năm lẻ), Mt 12,46-50
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 12,46-50)
46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
Một đời sống theo ý Chúa (23.07.2024)
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay (12,46-50) cho ta biết:
Ngoài Dân-riêng của thời Cựu ước – Dân Ít-ra-en, những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp, họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết, cốt nhục. Thì còn có Dân-riêng-mới – Những người sống và thi hành theo thánh ý Chúa Cha – Là mẹ và anh em của Chúa.
Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Bri-gít-ta, nữ tu người Thụy Điển. Cuộc sống thánh thiện của thánh nữ là bài học sống động cho mọi Ki-tô hữu hôm nay.
Thánh nữ Bri-gít-ta được sinh ra trong một gia đình có thế giá và rất bậc đạo đức. Từ nhỏ, thánh nữ đã được đào tạo trong bầu khí thánh thiện, đạo đức của gia đình.
Thánh nữ sớm cảm nghiệm tình thương của Chúa: Ngài ham thích, say mê chiêm ngắm và suy nghĩ về cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Ngài lập gia đình, đã hết lòng dưỡng dục, giáo huấn tám người con của mình luôn biết sống theo giới luật của Chúa, biết tuân theo ý của Chúa và luôn biết yêu mến, giúp đỡ người nghèo.
Chồng của Ngài là Un-phô, Quận công miền Nê-vê-xi-e – Một tiểu vương của vương quốc Thụy Điển lúc bấy giờ – Sau khi ông qua đời, Bri-gít-ta trở thành một góa phụ sống hết mình vì Chúa Ki-tô, và đã vào tu viện Dòng Thánh Biển Đức ở An-va-tra sống đời rất khó nghèo và đã được Thiên Chúa mạc khải vén lộ cho Ngài rất nhiều điều bí nhiệm.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho thánh Brigitta những bí nhiệm cao sâu trên trời khi thánh nữ suy niệm cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô con Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống theo gương thánh thiện của Người, hầu ngày sau vui hưởng sự sống đời đời. Amen.
CÁT BIỂN
Nghe làm liền tay (19.07.2022)
Giao tiếp là hoạt động diễn ra thường nhật, mọi lúc mọi nơi, mọi lĩnh vực. Nói cách khác giao tiếp là tập hợp những quy tắc, cách ứng xử, phản hồi,… giữa người nói và người nghe nhằm cùng đạt mục đích nhất định.
Tin mừng hôm nay, thánh Mát-thêu đã tường thuật lại cách ứng xử, giao tiếp của Chúa Giê-su với đám đông dân chúng, cũng như với mẹ ngài và anh, em của ngài đang đứng bên ngoài muốn tìm gặp ngài (x. Mt.12,46-50)
Qua đó, Chúa muốn dạy cho các tông đồ ngay trong lúc đó cũng như dạy cho mỗi người ngày hôm nay một khuôn mẫu giao tiếp, ứng xử; để tạo nên một tương quan bền chặt, hài hòa, phải lẽ, phải đạo giữa mọi người với nhau, cũng như giữa mỗi người với Chúa.
Dẫu biết rằng tương quan quan hệ thân tộc huyết thống là quan trọng, bởi đây là tương quan máu mủ, ruột thịt… Nhưng Chúa dạy rằng còn có một kiểu tương quan đặc biệt khác. Đó chính là, tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Tương quan một gia đình trong cùng một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa (x. Ep.4,5). Đây cũng chính là nền tảng mà Chúa Giê-su xây dựng “gia đình” Giáo hội: Luôn lắng nghe và thi hành theo thánh ý Chúa.
Để được là anh, chị em… của Mẹ Giáo hội, thiết nghĩ mỗi người Ki-tô hữu cần có tình yêu vô điều kiện đối với mọi người, bao gồm các thành viên trong gia đình, và kể cả kẻ thù. Càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Mến Chúa và yêu người luôn luôn gắn liền mật thiết với nhau như hình với bóng vậy !
Bởi lẽ, người yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn thì không thể nào lại không yêu thương anh chị em của mình. Và ngược lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi mật thiết với Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết lắng nghe Lời của Ngài, và xin cho con luôn mau mắn đem Lời Ngài ra thực hành. Amen.
CÁT BIỂN
Sống cố gắng thi hành mọi mệnh lệnh của Chúa (20.07.2021)
Ghi nhớ:
Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em tôi, là mẹ tôi”. (Mt 13, 49)
Suy niệm:
Vào thời đại phong kiến vua chúa ngày xưa, để tưởng thưởng cho những quan lại có công lao với triều đại mình. Ông vua, chúa thường cho phép những người đó được cải sang mang họ của mình. Ví dụ như ông quan Mạc-Cảnh-Vinh được chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên cho phép đổi họ thành Nguyễn-Phúc-Vinh và từ việc đổi họ đó người này đương nhiên cũng chính thức được đứng vào hàng ngũ họ hàng với nhà vua, ông chúa.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “ Một giọt máu đào hơn một ao nước lã”. Ý nói lên mối tương quan giữa những người có quan hệ họ hàng huyết thống với nhau, thì vẫn ngàn lần hơn so với người ngoài. Chính vì thế cho nên lại có câu: “ Một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, theo như báo chí, hay đài phát thanh phản ảnh thì chúng ta thấy rõ những lời nói đó đúng như thế nào. Một ông bí thư tỉnh nọ, hay một bà chủ tịch tỉnh kia, đã sắp xếp nhân sự trong việc điều hành tỉnh mình, hầu hết là con cháu của họ vào những chức vụ then chốt. Cho nên, những người ngoài dù rằng có học có tài và có đức thực sự thì cũng rất hiếm khi chen chân vào được vai trò lãnh đạo nếu như không là “ con ông cháu cha!”.
Bài Tin Mừng hôm nay tuy ngắn nhưng lại chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc. Đọc qua bài Tin Mừng chúng ta có cảm giác như Đức Giê-su lãnh đạm với mẹ và các anh em của Ngài. Vì nếu như đặt trường hợp là một người bình thường, thì khi được người ta cho hay là có mẹ và các anh em đang tìm kiếm mình thì việc đầu tiên trong trường hợp này là xin lỗi đám đông mà mình đang nói chuyện để ra gặp mặt mẹ cùng anh em mình, hoặc giả nếu câu chuyện đang nói rất quan trọng, không thể ngắt ngang được thì sẽ nhờ người khác ra nói để mẹ và các anh em biết mình đang bận và sẽ ra gặp sau.
Nhưng ở đây thánh sử Matthêu ghi lại câu nói mà Đức Giê-su dùng để trả lời lại là một câu hỏi phản hồi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”, liền sau câu hỏi đó Ngài trả lời luôn: “Đây là mẹ tôi,. Đây là anh em tôi. Vì phàm nhưng ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Như vậy qua câu trả lời trên của Đức Giê-su, chúng ta thấy rõ ràng rằng Ngài muốn nói nên việc thi hành thánh ý Chúa Cha là quan trọng và là tiền đề then chốt cho việc trở thành anh em và là mẹ của Ngài. Và mối quan hệ huyết thống tâm linh này còn cao trọng hơn nhiều so với mối quan hệ huyết thống bình thường trần gian.
Đọc Phúc Âm chúng ta nhận thấy Đức Giê-su luôn dùng những sự việc xảy ra trong hiện tại để hướng tâm hồn người nghe lên:“tầm cao hơn”. Đơn cử vài ví dụ; chẳng hạn như lần kia có kẻ đến thưa Ngài rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Thì ngay lập tức, Ngài nói với anh ta: “ Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” ( Mc 10, 18). Qua câu nói trên thì Đức Giê-su đã mượn sự việc đó để đưa suy nghĩ của anh ta hướng về Thiên Chúa, cho anh ấy biết rằng mình có một Đấng Toàn Năng và Thánh Thiện đang ngự trên trời.
Một lần khác, khi người ta hỏi Ngài có nên nộp thuế cho nhà vua không, thì sau khi Ngài xem hình ảnh trên đồng tiền, Ngài liền trả lời: “Hãy trả về cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Như vậy, qua câu trả lời này Ngài muốn hướng tâm hồn người nghe lên một tầm cao hơn; đó là hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài; đó là phải biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng và an bài mọi sự trong vũ trụ này.
Một lần khác, khi các môn đệ tranh cãi nhau xem trong các ông, ai là người cao trọng và có quyền hành nhất, biết ý Đức Giê-su liền gọi các ông lại mà đưa suy nghĩ của các ông lên tầm cao hơn: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 8,35).
Còn hôm nay, một lần nữa Ngài hướng tâm hồn đám đông về Thiên Chúa Cha, và xác quyết rằng những ai thi hành ý muốn của Người thì kẻ ấy sẽ là những người có mối tương quan huyết thống với Ngài, Đồng thời Ngài cũng giới thiệu về Đức Mẹ Maria và các môn đệ của Ngài là những người luôn sống trong sự thực thi thánh ý Chúa Cha.
Lời Chúa thì chúng ta luôn được nghe, nhưng còn hiểu được Lời Ngài đồng thời mang ra thực hành thì chúng ta phải cần đến sự soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đấng mà trước khi về trời Đức Giê-su đã hứa sai Ngài đến để bảo vệ và trợ giúp chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần. Xin Ngài ngự đến tâm hồn chúng con để soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy, để chúng con biết lắng nghe lời Chúa, hiểu lời Chúa và đem ra thực thi trong cuộc sống hàng ngày của mình hầu chúng con được xứng đáng trở nên một thành viên trong đại gia đình Hội Thánh, và trong đại gia đình đó chúng con được diễm phúc gọi Chúa là Abba; Cha ơi. Qua đó chúng con trở thành anh chị em ruột thịt cùng chung một huyết thống của nhau vì có chung một Người Cha duy nhất đang ngự trên trời. Đấng yêu thương và luôn muốn cho tất cả con cái mình nên thánh. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống cố gắng thi hành mọi mệnh lệnh của Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Làm theo ý Cha Ta trên trời (21.07.2020)
“Ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy.” (Mt 12, 50).
Thấy Chúa Giê-su tận tâm tận lực cho Tin Mừng, Mẹ và anh em Người tỏ ra quan tâm, lo lắng, muốn tìm cách nói chuyện với Người, nhưng không thể. Và Người nói: “Ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.
Người không phủ nhận tương quan huyết nhục mẫu tử, huynh đệ, họ hàng, nhưng Người muốn chúng ta thấu hiểu một tương quan quý giá hơn, cao trọng hơn, đó là tương quan trong Gia Đình của Thiên Chúa. Mối tương quan thiêng liêng này dành cho những ai thực hiện ý của Chúa Cha. Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã cho chúng ta được sinh ra và được vui sống trong tình gia đình nhân loại.
Hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì trong Đức Giê-su, Trưởng Tử của Thiên Chúa, chúng lại được nối kết với nhau, được trở thành huynh đệ với nhau trong Gia Đình Thiên Chúa. Điều kiện để trở thành thành viên chính thức trong gia đình Thiên Chúa là làm theo ý Chúa Cha trên trời. Ý của Chúa Cha đã được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giê-su, nơi Tin Mừng Người rao giảng, nơi cuộc sống Tin Mừng Người đã sống. Bởi vậy, người nghe và sống Lời Chúa Giê-su dạy, chính là người trong nhà của Thiên Chúa. Và người nhà của Thiên Chúa phải yêu thương đoàn kết, mới thực sự là làm vui lòng Cha chung của họ. Ai thực hành Lời Chúa thì sống tình thương nhau như huynh đệ trong nhà. Ai không sống tình huynh đệ thiêng liêng trong gia đình Thiên Chúa, thì đó là dấu hiệu cho biết họ không thực hành Lời Chúa, hoặc nếu có, thì việc thực hành cũng chỉ là chuyện làm phim, chuyện đánh bóng, trang điểm mình mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa, sống tình huynh đệ cho đẹp lòng Cha trên trời. Amen.
BCT
Hãy biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa (23.07.2019)
Trong bài Phúc Âm hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho dân chúng, thì những người bà con của Chúa đến gặp Ngài và họ thưa rằng: “Kìa! Mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Chúa Giêsu đã tỏ ra coi trọng những người đang lắng nghe Ngài giảng dạy, Ngài nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta”. Như vậy Chúa đã xác định những ai nghe và làm theo ý của Ngài chính là thành viên thật sự trong gia đình của Ngài.
Lời Chúa dạy, chúng ta cần biết
Đem thực hành tha thiết nhiệt tâm
Nếu nghe mà chẳng biết làm
Thì cũng vô ích chẳng mang lợi gì
*
Cây mà tốt, tất thời trái tốt
Người nhân lành: mấu chốt thẳng ngay
Lắng nghe tuân giữ Lời Thầy
Thực thi Ý Chúa, tràn đầy niềm vui
Chúa Giêsu đã cho biết về gia đình của Ngài. Gia đình này có những người thân yêu máu mủ, ruột thịt đang đứng ngoài kia. Ngài cũng có một gia đình mới đang ngồi trong này, đang chăm chú lắng nghe lời Ngài. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
Tấm lòng tốt, khiến ta làm tốt
Sống chân thành, không ngớt tụng ca
Để cho tâm trí thật thà
Nói lời chân thật mặn mà nghĩa nhân
*
Theo ý Chúa, ân cần xây dựng
Nhà vững vàng sử dụng dài lâu
Đặt trên đá tảng hàng đầu
Gió mưa, bão lũ dãi dầu chẳng lay
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, khi chúng ta được diễm phúc là anh chị em với Chúa thì phải biết chăm lo thi hành Thánh ý của Chúa Cha; mà ý muốn của Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu độ. Vì thế chúng ta càng lưu tâm chăm lo thánh hóa bản thân mình và thánh hóa tha nhân, thì chúng ta càng thuộc gia đình của Thiên Chúa hơn.
Nghe Lời Chúa, hãy mau thực hiện
Cả trí lòng ước nguyện cậy tin
Chúa luôn che chở giữ gìn
Thưởng công bội hậu phúc vinh Thiên Đàng
Lạy Chúa! Chúa đã quy tụ biết bao người lại thành một gia đình đức tin, để họ biết lắng nghe và thực hành ý Chúa. Xin cho chúng con cũng được trở nên gia đình của Chúa, để chúng con cùng nhau xây dựng một thế giới hiệp nhất và yêu thương, giúp cho mọi người biết nhìn nhận nhau là anh em và tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Amen.
HOÀI THANH
Xin như Chúa muốn… (24.07.2018)
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Khi nói như thế, Chúa Giê-su không có ý khước từ tình mẫu tử giữa Người với Ðức Ma-ri-a. Nhưng Chúa muốn nêu rõ một thực tại: Ðức Ma-ri-a đã thật sự trở nên Mẹ của Người. Vì suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng theo thánh ý Chúa đến giây phút đứng dưới chân thập giá. Từ đó, toát lên một sự thật: Càng sống theo Lời Chúa, càng kết hiệp với Chúa qua bí tích thánh thể con người càng nhận ra sự cần thiết trong tương quan giữa mình với tha nhân và sẵn sàng đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
Lạy chúa, đôi khi con cảm thấy mệt mỏi với chính niềm tin của bản thân con; con cảm thấy khô khan trong những lúc nguyện cầu; và con luôn hoài nghi với tất cả mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống này. Con cảm thấy đau đớn trước mọi sự, dẫu biết rằng mọi sự luôn chứa đựng niềm vui và hy vọng.
Con biết Chúa không muốn con mặc cảm tội lỗi, nhưng làm thế nào con có thể không cảm thấy lỗi tội khi con nhận thấy rằng tình yêu của con dành cho Chúa hôm qua mạnh mẽ nhiệt thành hơn hơn ngay hiện tại và bây giờ.
Lạy Thánh thần Chúa, xin hãy đến bên con.
Xin Người đuổi khỏi người con sự thờ ơ.
Xin Người tha thứ những nhỏ nhen và ích kỷ trong tâm trí con.
Xin Người cất khỏi trong con cảm giác chán chường với Lời của Người.
Xin Chúa lấp đầy trong con lòng nhiệt thành và cậy trông vào tất cả những gì Người đã quan phòng và dành sẵn cho con… Amen.
CÁT BIỂN
Người một nhà… (19.07.2016)
Kitô giáo là Đạo của Lời. Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại đã nhiều lần, và qua nhiều cách thế khác nhau (x. Hr 1,1-2). Để khi lắng nghe Lời của Người, con người ta nhận ra và biết đựoc mình là người ở gần với Thiên Chúa; không phải người xa lạ. Nhưng là người một nhà của Thiên Chúa, là đồng hương với các thánh (x. Ep 2,13; 19-22).
Chính vì lẽ đó, ngoài tình nghĩa gia đình, quan hệ huyết thống tự nhiên, người Kitô hữu còn thuộc về một gia đình thiêng liêng nữa – Gia đình của Thiên Chúa. Và mỗi người Kitô hữu chính là con cái của Thiên Chúa, và là người thân trong gia đình của Người; qua dấu chỉ biết nhận ra thánh ý Chúa và thi hành thánh ý đó mỗi ngày (x. Mt 12, 50).
Thế nhưng, muốn làm người thân của Chúa không dễ chút nào, vì “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn… Ai hiểu thấu thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống” (Kn 9, 13-18)
Nhưng thật may mắn cho loài người chúng ta, là cuối cùng Thiên Chúa đã nói với loài người bằng chính Con Một của Người – Đức Giêsu Kitô – Chính nhờ Đức Giêsu đến trong trần gian này để nói cho mọi người biết và sửa lại mọi đường lối trần gian cho ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa. Để từ đây hễ ai Lời là nghe Thiên Chúa, và hễ ai làm theo những gì Lời đã nói thì được tháp nhập vào gia đình Thiên Chúa… Ôi, thật là hạnh phúc dường bao!
Hôm nay, Tin Mừng đã quả quyết chỉ có việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết thân tình với Thiên Chúa.
Mẹ Maria chính là mẫu gương luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng đáp trả Lời Chúa. Ước gì mỗi Ktô hữu biết chạy đến với Mẹ Maria như người Mẹ thân thương của nhân loại; mỗi người cũng hãy đón nhận người khác như người anh chị em mình trong cùng một gia đình của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết lắng nghe, ghi nhớ, và thi hành Lời Chúa như Mẹ để con cũng được xứng đáng là những anh chị em của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Đọc và suy gẫm Lời Chúa (21.07.2015)
1. Ghi nhớ: “ Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ Tôi ” (Mt 12,50).
2. Suy niệm: Chúa Giêsu luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Những người này được Chúa coi những người ruột thịt trong gia đình thiêng liêng của Chúa. Và những ai thuộc về gia đình này thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc và vinh quang với Ngài trong nước của Ngài. Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt vời của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Mẹ đã đón nhận Lời Chúa với thái độ vâng phục và yêu mến cách trọn vẹn. Chúng ta hãy học với Mẹ để chúng ta cũng xứng đáng là những người anh em của Chúa.
3. Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm Lời Chúa.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp và sức mạnh cho chúng con để chúng con can đảm sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.