Chứng nhân tình yêu (20.10.2023 – Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 4,1-8 (năm lẻ), Ep 1,11-14 (năm chẵn),  Lc 12,1-7

Bài đọc 1: Rm 4,1-8

Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, phải nói sao về ông Áp-ra-ham, tổ phụ dân tộc chúng tôi ? Ông đã được gì ?  Giả như ông Áp-ra-ham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện, nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa.  Thật vậy, Kinh Thánh nói gì ? Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính.  Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ.  Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính.  Đó là điều vua Đa-vít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm :

Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung !
Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội !

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,1-7)

1 Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ : “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.

4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Chứng nhân tình yêu (20.10.2023)

Sau một thời gian đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cùng với những phép lạ chữa lành và xua trừ ma quỷ, danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng gia tăng và lan rộng, vì thế dân chúng tụ họp quanh Người rất đông để nghe Ngài giảng dạy và được Ngài chữa lành bệnh tật.

Chúa Giêsu đã khiển trách những người Pharisêu và các luật sĩ, là những bậc thày của dân Do Thái, về cách sống và thói giả hình, chỉ phô diễn bề ngoài cùng kiểu thực hành lề luật có lợi cho riêng của họ.

Ngài khuyên các môn đệ đừng để lây nhiễm men Pha-ri-sêu, tức thói đạo đức giả. Khi nói thế Chúa Giêsu đã so sánh thói đạo đức giả của người Pha-ri-sêu như một loại men (xấu), nếu để bị nhiễm nó có thể lây lan ra và làm hỏng cả cộng đoàn, như câu tục ngữ của ta “gần mực thì đen…”

Hơn nữa, như cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẻ bị lòi ra, những những ý nghĩ và việc làm xấu xa của họ trước sau gì cũng sẽ bị lộ ra trước mặt mọi người.

Chúa nhắc nhở các môn đệ mà nay Ngài gọi họ là những bạn hữu, phải can đảm trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa. Những điều các môn đệ đã được nghe Chúa Giêsu dạy bảo riêng thì hãy công khai rao giảng cho mọi người biết.

Nhận lãnh sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa, các môn đệ sẽ gặp những cản trở, chống đối, bách hại. Vì Chúa Giêsu luôn “ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20), nên Ngài bảo các môn đệ “Đừng sợ”. Thế gian có dữ dằn đến đâu cũng chỉ giết được cái thân xác của các môn đệ mà thôi, và cũng chỉ làm được thế khi Chúa cho phép việc đó xảy ra để các môn đệ được chung phần vinh quang của Ngài. Các môn đệ cứ yên tâm, tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, dù Ngài có quyền tiêu diệt cả sự sống đời, nhưng ngay cả những sinh vật tầm thường như những con chim sẻ mà Ngài còn cẩn thận giữ gìn, huống chi các môn đệ là những người Thiên Chúa hết sức quý trọng, nên Ngài chăm lo kỹ lưỡng họ, đến nỗi tóc trên đầu họ Ngài cũng đã đếm cả. Người môn đệ đón nhận và đi trên con đường Thập giá cùng Chúa Giêsu chính là đi đến vinh quang và sự sống đời đời.

Người Kitô hữu ngày nay sống trong một xã hội thượng tôn vật chất và hưởng lạc, vì tiền tài danh vọng, lạc thú mà con người dùng mọi thủ đoạn để lừa lọc nhau, sống giả hình với nhau. Người ta “diễn” khéo đến mức đã có một thanh niên, nay đã U50, không dám lấy vợ vì khi giao tiếp với các bạn gái anh không phân biệt được lúc nào họ đang sống thật lúc nào họ đang “diễn”. Anh sợ bị lừa.

Vì vậy người Kitô hữu cần sống đơn giản, luôn để Lời Chúa soi sáng, tỉnh thức để khỏi bị lây những chất men xấu của thế giới hỗn độn lừa lọc này. Luôn xin Chúa giúp sức để có nghị lực tránh xa dịp tội, để sống xứng đáng là con cái Chúa và làm chứng nhân cho Tình Yêu của Chúa ngay trong môi trường mình sống.

Cũng không thể tránh khỏi việc một số Kitô hữu đã lây nhiễm những thói xấu và làm ô danh Hội Thánh. Tệ hại hơn nữa chính họ cũng không biết việc họ làm đã tác hại to lớn đến đạo như thế nào. Vì vậy mới có câu nói “tin đạo chứ không tin người có đạo”. Điển hình như trường hợp Mahatma Gandhi (1869 – 1948), một “Bapu” – ông là Cha già dân tộc khả kính, một lãnh tụ tinh thần vĩ đại của Ấn Độ. Ông học nơi Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mát-thêu tính bất bạo động và lấy đó làm kim chỉ nam cho đời sống và  hoạt động đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Gandhi rất yêu mến Chúa Giêsu. Ông đã tìm hiểu Kitô giáo và ông tôn kính Thiên Chúa, hiểu Chúa Giêsu còn hơn những Kitô hữu cố cựu, ông nói : “Đối với tôi, Thiên Chúa là sự thật và tình yêu. Thiên Chúa là nguồn mọi đạo đức luân lý. Thiên Chúa không phải là Đấng làm ta phải sợ hãi. Thiên Chúa là nguồn ánh sáng và sự sống, nhưng Người vượt lên trên tất cả những điều ấy và ở bên ngoài những điều ấy…Thiên Chúa không chỉ đã bị đóng đinh vào thập giá cách đây 1900 năm, chính hôm nay Người vẫn còn bị đóng đinh. Ngày lại ngày, Người vẫn tiếp tục chết và rồi Người lại phục sinh.

Nhưng hành động, cách đối xử với đồng loại, nhất là với người Ấn Độ của những Kitô hữu Âu châu, đặc biệt là người Anh đã làm ông không muốn gia nhập đạo. Một câu nói của ông với người Anh đã thành nổi tiếng : “Tôi thích Chúa Kitô của các anh, tôi không thích người Kitô hữu các anh. Người Kitô hữu các anh chẳng giống Chúa Kitô chút nào”. (I like your Christ, I do not like your Christians. Your Christians are so unlike your Christ).

Là một Kitô hữu khi nghe câu nói “tin đạo chứ không tin người có đạo” tôi thật đau lòng và ê chề ! Tôi thấy mình cũng có phần trách nhiệm tạo ra câu nói đó vì đã không sống là ánh sáng, là men của Tin Mừng Nước Trời, là muối cho đời, là nhân chứng Tình Yêu của Thiên Chúa với loài người. Tôi đã không hy sinh một chút thời gian, tiền bạc, công sức để giúp đỡ những người đang cần. Tôi đã không ăn chay, hãm mình, làm việc thiện và kiên trì cầu nguyện xin Chúa là Cha nhân từ lôi kéo những kẻ lạc đường trở về.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúng con vinh danh và cảm tạ Chúa đã ban Đức Tin cho chúng con để chúng con được làm con cái Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết hoàn toàn phó thác cuộc sống của chúng con cho Chúa, và luôn sống yêu thương theo Lời Chúa dạy để giới thiệu Chúa với những anh chị em chung quanh chúng con.

Xin cho chúng con biết tránh xa những quyến rũ, những dịp đưa đến phạm tội vì mỗi lần làm được như vậy chúng con thấy mình hạnh phúc vì được sống trong Chúa. Xin cho chúng con được hưởng mãi niềm hạnh phúc tuyệt vời ấy.

Jos. NM Tưởmg

Sống giả hình (14.10.2022)

Thời trẻ tôi miệt mài làm việc, rất ít lần tôi nói về Chúa cho những người đồng nghiệp của mình, mọi người đều biết tôi là người Công giáo qua lý lịch bản thân, với mọi người tôi là người hiền lành và hay giúp đỡ người khác. Trên 30 năm làm việc, hơn nữa đời người góp sức cho xã hội, khi nghỉ hưu, tôi mới cảm nhận được nhiều hồng ân của Chúa ban cho tôi trong quảng thời gian ấy, ngày trước tôi đón nhận ơn lành như một điều may mắn đến với mình, và không nghĩ rằng mọi việc đều do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa xếp đặt. Tôi nhớ lời thánh Augustino chia sẻ: “Chúa muốn ban ơn cho ta hơn là ta muốn”. Cảm tạ Chúa muôn đời, Ngài đã khoan hồng mà không chấp tội con và luôn nâng đỡ con trước mọi thử thách.

Dù ở thời đại nào, người sống trung thực vẫn được người đời nể nang, trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “ Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà không biết được.” Chúa đang dạy chúng ta sống theo sự thật, con người mình như thế nào thì hãy sống như thế đấy. Không vì muốn được người khác khen ngợi mà rơi vào thói giả hình kiêu ngạo như người biệt phái và luật sĩ. Trong khu phố tôi, khi nhìn phong cách ông ấy đều cho là rất đạo mạo nghiêm chỉnh, ông đều đặn đến nhà thờ mỗi chiều, với người ngoài ông rất ôn hòa, tử tế, nhưng ở gia đình với vợ con lại là một người rất khác, gia trưởng, hay lớn tiếng la mắng, quát nạt con cái, còn người vợ không khác gì người giúp việc, đôi khi ông lại tỏ vẻ là kẻ cả hay chỉ trích người khác. Ông rất muốn người khác coi trọng mình.

Xã hội, con người bây giờ đều thích những gì giả tạo, không thích những điều thật lòng. Người biết làm không bằng kẻ biết nói, kẻ biết nói lại không bằng kẻ biết giả vờ. Sống trong thế giới “vàng thau lẫn lộn”, có rất nhiều người bề ngoài trông thật đạo đức nhưng bên trong lại đầy những toan tính độc ác. Hiện nay cũng có một số người trẻ sống bề ngoài với vẻ giàu sang, từ trang phục cho đến cách tiêu xài hoang phí rồi lợi dụng sự cả tin của người khác và không từ một thủ đoạn lừa gạt nào để chiếm lấy tài sản của họ, chỉ để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống giàu sang. Kẻ đó chỉ nghĩ đến cuộc sống thực tại, mà không cần biết đến hậu quả ngày sau. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta “ Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục”. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết kính sợ Thiên Chúa, người có quyền tha thứ và xét xử trong ngày tận thế. Người đang nắm trong tay cả thể xác và linh hồn chúng ta. Thánh Anphongsô từng nói: “Muốn rỗi linh hồn, ta chẳng những phải dứt bỏ tội lỗi mà còn phải xa lánh các dịp tội nữa.” Chúng ta thường xuyên cầu nguyện với Thiên Chúa để Người giúp chúng ta sống con người thật của mình, giúp chúng ta biết tránh cơn cám dỗ trong đời sống.

Lạy Chúa, dù chúng con vẫn ngược xuôi lo cuộc sống hằng ngày, nhưng xin Chúa giúp chúng con luôn giữ Luật Chúa. Trong tháng Mân Côi, chúng con noi theo nhân đức khiêm tốn của Mẹ Maria, xa tránh lối sống giả hình để được Chúa chúc phúc. 

Anna Anh

Sống công chính chân thật, minh bạch (15.10.2021)

Ngày 15.10: Lễ Nhớ Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Tin Mừng hôm nay mở đầu chương 12 của Luca, Chúa Giêsu bước vào dạy dỗ một loạt bài giáo lý cho các môn đệ và chung cho toàn thể dân chúng trong chương trình truyền giáo của Người.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói riêng với các môn đệ: Vì cực ghét thói đạo đức giả hình của những người Pharisêu mà khi truyền giáo Chúa đã đụng độ,  nên Người dặn các ông: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả”. Chúa muốn các ông sống công chính chân thật, minh bạch giữa ban ngày, như có lần Chúa đã dạy: “Có thì nói có không thì nói không”(Mt 5,35-37). Vì lối sống dối trá, che dấu không thể lừa dối ai được, nhất là đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”. Chúa biết người sống công chính chân thật, thường bị những thế lực đen tối thù ghét và con người cũng thường sợ những thế lực đó. Do vậy Chúa đã ân cần trấn an các môn đệ đừng sợ chi, Người nhắm tới những nhà cầm quyền Do Thái bấy giờ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì được hơn. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục”.

Đây chính là lời dạy chân lý, là lề luật vàng cho người tin Chúa mà giới răn thứ nhất đã khẳng định: “Ngươi phải kính mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Thật vậy! Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng  nên cả hồn xác tôi, từng giây, từng phút tôi sống được là nhờ vào Người,  nên Người là Chúa tể có toàn quyền cao nhất trên tâm hồn và thân xác ấy.

Đây cũng là lời dạy chân lý, làm cho những người tin Chúa yên tâm, tin tưởng, vui tươi, hy vọng… để cuộc sống của họ ở trần gian này dù gặp nhiều giông tố bão táp, nhưng họ vẫn sống bình an. Bởi vì Đấng có quyền trên thân xác họ là Thiên Chúa quyền năng lại yêu thương, yêu thương hơn cả cha mẹ trần gian nữa thì còn có gì tôi phải lo, phải sợ nữa. Người biết tôi mọi sự, mọi khát vọng nhu cầu “ngay cả những tóc trên đầu tôi đã được Người đếm cả”, là cứu cánh của tôi đến muôn thuở muôn đời.

Ở đời, người ta chỉ hay tôn sợ hàng quyền quý, kẻ lắm của nhiều tiền. Người có quyền thế và lắm của nhiều tiền cũng vẫn tự đắc với những thứ của mình ấy. Nhớ lại khi quan Philatô tra vấn Chúa Giêsu mà Người không trả lời, ông đã vỗ ngực la lên : “Ông không trả lời ta ư, ông không biết rằng ta có quyền tha và cũng có quyền đóng đanh ông vào thập tự ư?” và Chúa đã dạy cho ông một điều: “Nếu trên không ban cho ông thì ông chẳng có quyền gì trên tôi !”(Ga 19,10-11). Lời Chúa dạy là lẽ phải, sự thật còn cho những người đang nắm giữ quyền bính, có nhiều tiền cúa hiểu được rằng: nguồn cội của mọi thứ đó  là Thiên Chúa. Giúp họ biết tôn sợ, đúng người, đúng nơi, đúng mức. Điều này  trước Chúa Kitô hàng nghìn năm Thánh Kịnh  đã dạy: “Đừng tin tưởng nơi người trần thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai, họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều ngày ấy tiêu tan” (Tv 145).

Nhật ký truyền giáo của cha Pio Ngô Phúc Hậu có mẩu chuyện hay:  Mấy cụ già ở Cà Mâu vừa được theo đạo Chúa nhờ công Cha dạy. Một cụ băn khoăn: “Cha ơi nhưng con vẫn còn thương Đức Phật quá”. Cha Pio: thương thì con cứ thương, nhưng tượng Chúa thì con để trong lồng kính, còn tượng Đức Phật con để ở bên ngoài.

Ngày nay ngoài điều răn 4 “thảo kính cha mẹ”, giáo lý Hội Thánh dạy còn phải tôn kính các vị cầm quyền trong đạo ngoài đời cho. Được bày tỏ lòng biết ơn với các vị có công với dân với nước… nhưng tất cả đều ở bên dưới việc tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất .

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Ngài vì đã dạy cho con những điều phải tin, những việc phải làm, nhất là đã chi cho con Đấng có quyền trên hết cuộc đời con là Thiên Chúa. Được sống như thế con được an vui  ngay ở cuộc đời dương thế này và ngay sau còn được hưởng Chúa muôn đời nữa. Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Các con đừng sợ (16.10.2020)

Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
– Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:
– Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan tòa lại hỏi:
– Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
– Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.
Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
– Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.

Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.

Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: “Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa”. Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: “Ðừng sợ” được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: “Ðừng sợ”. Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: “Ðừng sợ”. Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: “Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”.

Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: “Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.

Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.

Đừng sợ! Hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa (19.10.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an vào giữa lúc các môn đệ của Ngài nhận ra sự chống đối của những người biệt phái đối với Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ cũng phải chịu số phận chống đối. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh khỏi. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích của cuộc đời.

Cậy theo Chúa, con cậy trông Chúa

Để lòng con chan chứa niềm tin

Nguyện xin Chúa hãy giữ gìn

Cho con kiên vững đức tin vẹn toàn

*

Cậy trông Chúa hân hoan tiến bước

Dù cho đời mưu chước quỷ ma

Lòng con son sắt mặn mà

Tin tưởng nơi Chúa mãi là niềm vui

Thiên Chúa luôn quan tâm, lo lắng cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như không đáng kể. Đó là những con chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu. “Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha”. Ngay cả đến những sợi tóc ở trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm cả rồi. Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn. Chính vì thế chúng ta được giải cứu khỏi những sự khó khăn, những nỗi lo sợ rình rập, để luôn được bình an và hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa.

Cậy trông Chúa khắp nơi, mọi lúc

Miệng vang lời hát khúc hoan ca

Lòng con chân chất thật thà

Tựa nương vào Chúa thiết tha cùng Ngài

*

Cậy trông Chúa vẫn hoài luôn mãi

Vững niềm tin, sợ hãi tiêu tan

Khổ đau, gian khó cũng tàn

An lành hạnh phúc tràn lan khắp cùng

*

Cậy trông Chúa tưng bừng phấn khởi

Xây dựng đời chính bởi yêu thương

Bảo nhau cất bước chung đường

Cùng đi theo Chúa tìm phương sáng ngời

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Biết đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Khi chúng ta tin và sống đạo, chắc hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi phải chấp nhận cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và qua đó chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.

Lòng con vẫn mãi vui tươi

Hài hòa thân thiện cùng người anh em

Niềm vui cứ thế tăng thêm

Khắp nơi mọi lúc ấm êm thuận hòa

*

Cậy trông tín thác vào Cha

Là nguồn hạnh phúc bao la ngút ngàn

Hồng ân thánh đức vô vàn

Làm cho cuộc sống thắm tràn yêu thương

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, chúng con không phải chỉ là những con người vô danh, nhưng chúng con được Chúa biết đến, được Chúa quan tâm và yêu thương vô vàn. Điều này làm cho chúng con an tâm cho số phận của mình và luôn tin tưởng phó thác nơi lòng thương yêu quan phòng của Chúa. Chúng con xin cảm tạ lòng thương yêu vô biên Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Căn nguyên của đạo đức giả là tà tâm (20.10.2017) 

Suy niệm:

Đạo đức giả là chính lòng không ngay thẳng, không thiện tâm, thường có ác ý hoặc ý đồ xấu. Có tà tâm.

Đạo đức giả là sự giả dối bề ngoài để phô trương những lời nói, hành động tốt của mình nhằm mưu lợi riêng hay là đối xử tốt với người khác nhưng thực tâm lại đi hãm hại họ. Gọi là đạo đức giả vì đây là những hành vi không tốt của bọn người “khẩu phật tâm xà”.

Con người đạo đức giả nhận ra họ một cách dễ dàng sau một thời gian ngắn, vì những lời nói hay việc làm của họ luôn luôn làm thiệt hại người khác hoặc làm cho người khác bị hiểu lầm, bị vu oan, bị tẩy chay, bị loại trừ…

Đạo đức giả xuất hiện từ ngàn xưa, từ khi con người biết gian dối, từ khi con người biết phân chia giai cấp, quyền lực. Đạo đức giả luôn sống trong sĩ diện, trong thành tích.

Thời Chúa Giêsu, bọn giả hình đã bị Chúa lên án nhiều lần: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen” (Mt 6, 2); “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6, 5); “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay” (Mt 6, 16); Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7, 5).

Những người đạo đức giả thì mang trong lòng một tà tâm. Tà tâm ấy được thể ngay trong những việc bác ái khi bố thí; tà tâm ấy thể hiện ngay cả khi tịnh lòng cầu nguyện; tà tâm ấy thể hiện ngay trong những hy sinh hãm mình của họ; tà tâm ấy thể hiện lòng ghen ghét đố kỵ đạo đức của họ đối với anh em.

Đạo đức giả tồn tại nơi mỗi con người như tồn tại âm dương vậy. Nếu để cho thiện tâm triển nở thì đạo đức tỏa sáng như ánh hừng đông, được nhiều người yêu mến, được Chúa Trời thưởng công, có đời sống hiền lành và khiêm nhường; ngược lại, nếu để cho tà tâm lấn chiếm lòng mình thì đạo đức trở nên lu mờ, những việc dã tâm, việc làm ác ngày thêm ác, lừa dối anh em, bạn bè, phản bội gia đình, người thân, quê hương đất nước… tư lợi riêng mình, làm hại đất nước… hơn thế nữa các thế lực chính trị tàn sát lẫn nhau, âm mưu triệt hạ, tranh giành quyền lực, danh vọng, cái ác lộng hành, đau thương tang tóc, việc làm bất nhân bất đức.

Những con người đạo đức giả họ sẽ chẳng nhận ra mình vì cái xà tà tâm đã che mất tầm nhìn. “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (Mt 6, 23)

Sự đạo đức giả ngày hôm nay cũng còn vô số những người mang danh con Đức Chúa Trời, sống trong đạo, nhưng có một đời sống đạo đức giả. Họ đến nhà thờ dự lễ mỗi ngày, mỗi tuần, họ giữ những luật buộc của Giáo Hội, những giới răn của Thiên Chúa, như luật định của xã hội, mà tất cả các luật kia chỉ tóm gọn vào hai giới răn trọng nhất: Đó là MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI.

Nhìn vào đời sống của họ, chúng ta cũng dễ nhận ra một đạo đức giả nơi họ, đó là chính cuộc sống phản ánh của họ: Họ long đong đi tìm niềm tin nơi này nơi khác, họ nói chỗ này linh thiêng hơn chỗ kia, trong khi đó họ có biết rằng: tất cả mọi HỒNG ÂN đều do một Thiên Chúa ban cho mà thôi, như Chúa Giêsu đã nói vơi người phụ nữ Samria: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4, 21). Những người có đời sống đạo đức giả khi gặp gian nan thử thách họ luôn ra thất vọng. Vậy lòng mến Chúa của họ ở đâu? Đó là thực thi điều răn thứ nhất.

Còn điều răn thứ hai thì sao?

Họ mỗi ngày tham dự thánh lễ Misa, rước lễ, đọc kinh hằng ngày sáng tối, nói những lời ca tụng Thiên Chúa, nhưng lòng họ thì đố kỵ với người hàng xóm, ghen ghét với anh em trong cùng một gia đình, khinh chê người này, ghét bỏ người kia. Nếu ai đó nhận ơn của họ mà vô tình không cảm ơn, ngay lập tức họ sẽ lên án. Những người đạo đức giả luôn sống hơn thua với anh em, xóm giềng, họ hão huyền với những thành tích đã làm, coi rẻ những người không bằng mình, luôn chấp nhất, cho vay ăn lời quá đáng, họ đã ghét ai thì phải tiêu diệt cho bằng được, nếu không tiêu diệt được thì lòng bất an, thù hận suốt đời. Họ chỉ YÊU NGƯỜI một cách giả tạo!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra con là con của Chúa, con nhận ra mọi người là anh em của con, và con luôn học nơi Chúa. Vì Chúa đã dạy: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Amen./.

Gã Đầu Bạc

Chúa định sao, con theo vậy (14.10.2016) 

1. Suy Niệm:
Một linh mục Dòng Đa Minh qua đời đường đột ở tuổi 55. Thân mẫu cha chỉ có duy mình ngài. Sau 20 năm phục vụ ở ngoại quốc, nay cha về và mong sống gần mẹ. Tai nạn ập đến, cha ra đi. Mẹ già một mình, mọi người ái ngại. Phần bà cố, trước lẽ buồn đau vẫn thốt lên niềm tín thác: “Xưa Đức Mẹ cũng đứng dưới chân thập giá mà, mọi sự không ngoài ý Chúa, Chúa định sao con theo vậy”.
Với tinh thần lạc quan hài hước, cha ông ta thường “chế” những người hay “lo bò trắng răng” rằng: “Một mình lo bảy lo ba, Lo cau trổ muộn lo già kém duyên.” Thế nhưng vẫn phải thú nhận rằng trong cuộc sống có biết bao điều không lo không được. Có những nỗi lo không biết hôm nay ăn gì mặc gì, và và rồi ngày mai sẽ ra sao! Vì thế, để tìm sự an toàn và tồn tại cho bản thân và gia đình, người ta dễ dàng phóng mình vào trong lối sống thỏa hiệp với sự ác: gian dối, chà đạp lên quyền lợi và cả sự sống của người khác… Thực ra, lo lắng như vậy là vì chúng ta còn “sợ những kẻ giết được thân xác” mình, như thể họ có thể bảo đảm được cho cuộc sống của ta. Chúa dạy ta vượt trên nỗi lo bằng cách nhận ra rằng trước ánh mắt nhân từ thương xót của Chúa ta không chỉ là con số vô danh, mất hút trong số hơn 7 tỷ người trên hành tinh này, nhưng là một cá nhân độc đáo, được Chúa biết đến, quan tâm và yêu thương vô vàn. “Mình còn có giá” lắm chứ! Những tạo vật bé nhỏ, những con chim bé bỏng… còn được Chúa chăm sóc, huống chi là ta!

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Người có quyền và làm chủ tất cả vạn vật, cảnh huống. Người thông suốt tất cả mọi sự và “Ai sống làm sao Người trả cho như vậy”. Và Người luôn quan phòng trong mọi cảnh huống đời ta.Trong cuộc sống, nhiều khi ta tưởng như Thiên Chúa bỏ rơi để mặc ta chơi vơi giữa đời. Nhưng không! Người là Cha luôn yêu thương con cái, là Tạo Hóa dựng nên ta từ hư không và luôn chăm sóc ta. Mọi thành công hay thất bại, đau khổ hay sướng vui đều không ngoài ý định quan phòng của Thiên Chúa.

2. Mời Bạn:

Chỉ với lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa, ta mới có thể vượt qua mọi thử thách: cuộc sống gian khổ, không làm ta lạc đường; tha nhân chê cười đe dọa, không làm ta nản chí nao núng.

3. Sống Lời Chúa:

Một lần nữa, chúng ta được kêu gọi “nhìn ngắm Lòng Thương Xót của Chúa cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Thiên Chúa.”

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, con trông cậy, con tín thác vào Chúa, vì ngoài Lòng Chúa xót thương, không còn niềm hy vọng nào khác cho chúng con.
Lạy Chúa, xin dõi theo bước đường con đi, xin dẫn con theo đường Chân lý của Ngài. 

Rao giảng trên mái nhà (17/10/2014)

“Vì thế, điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” (Lc 12,3).

Suy niệm: Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ 35 (21/05/2001) đã nói: Cái mái nhà ngày nay “bị chiếm cứ bởi cả rừng ăng-ten chuyên phát đi thu lại đủ thứ thông tin từ tứ phương thiên hạ.” Và dưới cái nhìn đó, ngài đã nhận ra lệnh truyền “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà” có một ý nghĩa mới: “Chúng ta phải chuyển đạt Lời Đức Ki-tô cho thế giới năng động của các phương tiện truyền thông hiện đại và bằng cũng chính những phương tiện truyền thông đó của nó” (số 1). Đó là sứ mạng dấn thân mà Giáo Hội không có lý do để từ khước.

Mời Bạn: Sứ mạng rao giảng trên mái nhà có nhiều thách đố: các phương tiện truyền thông không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhào nặn thông tin vì những ý đồ khác nhau khiến cho ranh giới giữa cái thật và cái ảo trở nên mong manh; thế nhưng cũng có nhiều lợi điểm: chân lý được loan truyền thật nhanh đến thật nhiều người ở khắp nơi trên thế giới (x. số 2). “Điều quan trọng là làm thế nào người ta vẫn có thể nghe được sứ điệp Lời Chúa ở giữa đám thông tin ồn ào náo nhiệt đó” (số 1).

Chia sẻ: Bạn dùng những phương tiện truyền thông thế nào để thánh hoá bản thân mình và dùng chúng để “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà”?

Sống Lời Chúa: Nếu có dịp bạn e-mail một câu Lời Chúa cho một người bạn của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, để dù gặp thời thuận tiện hay không, con vẫn dám dùng mọi phương tiện truyền thông hiện đại để rao giảng Lời Chúa cho thế giới hôm nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *