Thánh Martin: Phục vụ trong yêu thương (03.11.2017 – Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên )

Lời Chúa: Lc 10,25-37
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
 25 Bấy giờ có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Bấy giờ có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu, mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Tôi có hay tự đặt cho mình câu hỏi như thế không?

Trước câu hỏi đó, tự nhiên tôi sẽ trả lời thế nào? Sự sống… Sự sống đời đời.

Nếu đời ta chỉ dừng lại trước cái chết, thì ta sẽ là những người bất hạnh nhất. Sự sống trần gian quả là rất ngắn ngủi. Vì một ngày nào đó sẽ ngừng lại. Tất cả những gì có thể kết thúc, đều vắn vỏi. Hơn nữa, nếu cuộc sống có bao gồm một số sung sướng, thì cũng mang chứa nhiều gánh nặng mà ta phải đảm trách, nhất là với độ dài của năm tháng: Tất cả các văn chương cổ thời và hiện đại đều chứa đầy những bi kịch của thân phận con người. Thật là ngây thơ, nếu ta bịt mắt làm ngơ tước thực tại đó!

Trong mọi thời đại, con người đều hy vọng vào một “sự sống khác”. Đức Giêsu thường nói đến sự sống này. Người còn nói, sự sống đời đời đó đã khởi sự. Nó đang đi tới, dù chắc chắn chưa thành toàn.

Tôi có ao ước sự sống đó không? Tôi có luôn nghĩ đến nó không? Tôi có bắt đầu sống sự sống đó?

Người đáp: ” Trong Luật Môsê đã viết gl? ông đọc xem sao?

Thay vì trả lời câu hỏi do người thông luật đặt ra, Đức Giêsu lạl nêu câu hỏi khác, đòi chính ông ta phải xác định lập trường sự sống đời đời không phải là một vấn đề mà người khác có thể giải quyết thay tôi được.

Ông ấy thưa: ” Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn người, và phải yêu người thân cận như chính mình.

Người thông luật đã trích dẫn sách Đệ Nhị Luật (6,5) và sách Lêvi (19,18): nói tới luật yêu thường. Yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận. Như thế, không có gì mới lạ. Không có gì đặc sắc. Mọi tôn giáo lớn đều có chung cơ sở cốt yếu này. Điều đó lại có sẵn trong Cựu ước. Sứ điệp của Đức Giêsu, trước tiên đặt nền tảng trên thái độ cao cả của con người.

Nhưng ai là người thân cận của tôi?

Đó mới thực sự khởi đầu tất cả cái mới lạ mang tính cách của Tin Mừng. Ở đây, Luca tướng thuật cho ta một câu truyện được Đức Giêsu dàn dựng. Luca là người duy nhất trong các thánh sử đã truyền đạt cho ta một trang tuyệt vời, mà vẫn giữ được sự xuyên suốt trong toàn bộ Tin Mừng Đối với Đức Giêsu, tình yêu người thân cận đi tới cả “kẻ thù ” Cần phải nghe lại Người nói.

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp… bị đánh nhừ tử và bị để nửa sống nữa chết bên lề đường… Một thầy tư tế đi qua, rồi một Thầy Lêvi… đều trông tbấy nạn nhân và tránh qua một bên và đi. Nhưng một người Samari…

Nơi Luca (9, 25-55), ta đã nhận thấy người Samari thường bị khinh ghét như thế nào rồi!

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là người thân cận của người…

Đức Giêsu đảo ngược hoàn toàn quan niệm về người thân cận. Người thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (nghĩa thụ động): Theo nghĩa này thì những người khác là người thân cận của tôi. Còn Đức Giêsu lại trả lời ông ta: “Vậy ông là người thân cận của ai? (nghĩa chủ động): Theo đó, thì chính ta có thân cận với người khác hay không.

Người thân cận, chính là “tôi” khi đến gần kẻ khác để yêu thương.

Ta không còn phải hỏi “ai là người thân cận của tôi” nữa, mà cần tư vấn “tôi sẽ sống thân cận với mọi người như thế nào?”.

Cận kề tôi, những người bị khinh bỉ, bị coi thường, khó yêu là những người nào? ”
Với lòng bác ái, bao dung quảng đại, thánh Martin đã làm bao việc kỳ diệu, lớn lao để giúp đỡ bao người đang lâm cảnh khốn cùng.

“Martin bác ái” là danh xưng quen thuộc mỗi khi người ta nhắc đến vị thánh da đen này. Dầu phải chu toàn những giờ kinh, những công việc trong nhà dòng, nhưng không vì thế mà ngài không quan tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật.

Trong nhà dòng, Thầy Martinô được giao cho ba nhiệm vụ riêng. Đó là phụ trách y phục dòng của các Thầy – lo làm vườn – và thêm việc phụ tá phòng thuốc.

Có lần bệnh dịch lan tràn đến thành phố Lima khiến các bệnh viện không còn chỗ chứa bệnh nhân. thế là tu viện phải nhận 60 bệnh nhân. Một số Thầy sợ hãi nên phản đối. Martinô lên tiếng: “Các Thầy muốn bảo Tu viện cần cách biệt với người đời ư? Nhưng với các bệnh nhân, ta chớ nên phân biệt ranh giới”.

Chẳng ai chối cãi được việc Thầy Martinô tận tình săn sóc các người yếu đau. Trong vụ dịch nói trên, chính Martinô đem hai bệnh nhân vào chữa trị trong phòng riêng của Thầy. Dĩ nhiên Thầy chăm lo cho họ vì tình yêu Chúa. Khi thấy cần, Thầy quỳ xuống băng bó vết thương và cho uống thuốc men.

Nhiều khi Martinô đã tự tay bồng bệnh nhân đến nghỉ và điều trị tại nhà cô em Gioanna khi thấy thuận tiện hơn. Thầy chẳng nề quản vất vả và thời giờ, để lo lắng cho người đau yếu khiến rất ít người có thể bắt chước Thầy được lấy một phần nhỏ.

Cũng bởi lòng mến Chúa mà Thầy yêu thương cách riêng những thành phần xấu số, nghèo hèn, yếu đau, cơ cực, những hạng người nô lệ khổ sở, những trẻ nhỏ cô đơn côi cút.

Cùng một lúc, người ta thấy ngài xuất hiện ở nhiều nơi để phát thuốc, thăm hỏi, an ủi vỗ về. Chúa đã cho người thực hiện những dấu lạ ấy để thi thố lòng nhân ái đối với những mảnh đời đau khổ.
Lòng nhân ái của ngài không chỉ gói gọn nơi tha nhân, nhưng còn tỏa lan ra đối với cả loài vật nữa. Người ta thường chứng kiến Martin đem thức ăn nuôi bày chuột nhắt, và ngài nói chuyện với chúng như những người bạn thân thiết. Thánh Martin có được lòng nhân ái bao la đó, chính là do ngài đã kín múc tình yêu từ những buổi cầu nguyện lâu giờ bên thánh giá và Thánh Thể Chúa”.

Qua lời cầu bầu của thánh Martin, xin cho chúng ta biết noi gương, bắt chước các nhân đức của người mà thực thi lòng quảng đại đối với tha nhân. Lạy thánh Martin, xin cầu cho chúng con. Amen.

1. Chúng con nguyện xin Thánh Martinô,
Người là gương sáng soi của lòng nhân ái.
Thuở bình sinh với lòng thương xót vô bờ,
Người đã giang tay ôm ấp muôn người khổ đau.
Thì ngày nay trên trời vinh hiển cao sang,
Người hãy thương nghe muôn tiếng chúng con khẩn cầu

2. Chúng con nguyện xin Thánh Martinô,
Người là cha những kẻ khó nghèo đau yếu.
Lấy tình thương xoa dịu nỗi u buồn,
Và hãy ban ơn cho hết muôn người kêu xin
Được mạnh sức đêm ngày vui đón hy sinh,
Và luôn noi theo gương sáng các nhân đức người.

 

***

Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

“XUỐNG” VÀ “LÊN”

Xét theo khía cạnh tâm lí, tâm trạng “xuống” rồi “lên” luôn được người ta thích hơn tâm trạng “lên” rồi “xuống”. Hay nói cách khác, người ta thích được nâng tâm trạng từ “buồn” lên “vui” hơn là bị hạ từ “vui” xuống “buồn”. Có thể là vì niềm vui đến sau nỗi buồn giúp con người được an ủi, xóa tan tâm trạng u uất, sớm lấy lại được tinh thần. Ngược lại, niềm vui đang diễn ra bỗng bị dập tắt khiến con người rơi vào hụt hẫng, thất vọng. Chính vì thế, người ta thích được nâng lên hơn là hạ xuống.

Nắm bắt được tâm lí đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho những người đến dùng bữa ở nhà thủ lĩnh nhóm biệt phái một bài học về “lên” và “xuống”. Người ta thích được nâng lên nhưng họ chẳng để người khác làm điều đó cho mình mà lại tự mình làm, chính điều đó đã  khiến họ phải bẽ mặt hổ ngươi khi bị chủ bữa tiệc hạ xuống để dành chỗ cho người xứng đáng. Ngược lại, nếu người ta biết khiêm tốn, ý thức được vị trí của bản thân mình mà đặt mình ở vị trí thấp, họ sẽ được nâng lên hàng cao quý.

Qua đó, ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc khiêm tốn. Mỗi khi ta biết ý thức được vị thế của bản thân, ý thức được giá trị của chính mình thì chỉ cần ta ở đúng vị trí đó, ta sẽ được nâng lên. Chớ nên kiêu căng, tự phụ, ảo tưởng về vị thế của mình mà đặt mình vào vị trí cao vì khi đó, ta sẽ phải hối hận. Lúc đó, ta vừa tự hạ nhục mình, lại vừa ép buộc người khác phải hạ nhục mình. Đó có lẽ là điều không một ai trong chúng ta mong muốn. Chính vì thế, luôn khiêm tốn trong mọi trường hợp là chìa khóa quan trọng để chúng ta được nâng lên.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, khiêm tốn thực sự khác hoàn toàn với khiêm tốn giả hình. Người thực sự khiêm tốn là người ý thức được vị thế, giá trị của mình và đặt mình vào vị trí mình xứng đáng. Sự khiêm tốn ấy bắt nguồn tự tận đáy lòng của họ. Ngược lại, kẻ khiêm tốn giả hình là những kẻ cố tình đặt mình vào vị trí thấp, họ biết rằng mình không phải ở vị trí này nhưng vẫn ở đó để chờ người khác nâng mình lên, sự khiêm tốn ấy lại bắt nguồn từ lòng kiêu căng, ngạo mạn. Đó có thể được xem là hành động kiêu ngạo hơn mọi kẻ kiêu ngạo và đáng bị loại trừ.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần phải ý thức lại bản thân mình, hãy luôn khiêm tốn từ tận đáy lòng, chớ kiêu căng, ngạo mạn. Đồng thời, càng phải tránh thói khiêm tốn giả hình vì đó là một hành động đáng lên án hơn cả kiêu ngạo. Ai cũng muốn mình được nâng lên, nhưng nên nhớ, chớ nên vì nâng mình lên mà phải hạ người khác xuống, đó là sự bất công, là hành vi lỗi đức công bình nghiêm trọng cần phải đẩy lùi.

Lạy Chúa, Lời Ngài hôm nay dạy chúng con phải biết khiêm tốn, biết hạ mình xuống, chớ nên tự cao tự đại để rồi phải bẽ mặt hổ ngươi. Xin cho chúng con biết thực thi Lời Ngài, không những đem ra thực hành mà còn phải loan truyền đức tính ấy cho mọi người. Amen

Petrus Sơn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *