Đột (突) (19.11.2024 – Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Kh 3,1-6.14-22 (năm chẵn), 2 Mcb 6,18-31 (năm lẻ), Lc 19,1-10

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19,1-10)

1 Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Đột (突) (19.11.2024)

Đột (突) là một chữ hội ý Hán – Việt.

Về hình thái, Đột (突) được cấu tạo viết từ trên xuống dưới; bởi bộ Huyệt (穴 – hang, động) nằm phía trên và bộ Khuyển (犬 – chó) nằm phía dưới.

Về ý nghĩa, Đột (突) là nơi ẩn nấp của con chó (hiểu rộng hơn là ám chỉ những loài thú rừng, đa số các chữ Hán nói về các loài thú ăn thịt đều sử dụng bộ Khuyển).

Vậy, cấu tạo chữ Đột (突) là diễn tả lại cảnh con thú săn mồi bất ngờ lao ra từ nơi ẩn nấp để chộp lấy con mồi. Hành động này diễn ra nhanh và khiến cho con mồi bất ngờ cho nên chữ Đột (突) mang nghĩa là nhanh (chớp nhoáng) và bất ngờ.

Tin Mừng hôm nay (x. Lc.19,1-10) cho người đọc cảm nghiệm hai nội hàm của Đột (突 – bất ngờ) qua:

Phản ứng của Đức Giê-su và phản ứng của ông Da-kêu – một phú ông; ngành thuế quan Do-thái.

Câu chuyện sẽ rất đỗi bình thường và không có một bất ngờ nào cả, khi ông Da-kêu tách ra khỏi đám đông, chạy tới phía trước và trèo lên cây sung (vì ông ta có thân hình thấp bé); để xem cho rõ và để cho biết Đức Giê-su là ai, vì ông đã nghe người ta nói nhiều điều về Người.

Thế nhưng, Đột (突 – bất ngờ) đã xảy ra:

Trước tiên, Đức Giê-su đã “bất ngờ” nói với Da-kêu: “Này… xuống mau đi; vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa khẳng định rằng, hôm nay “phải” đến ở nhà ông ấy, chứ Người không nói rằng, “muốn” đến ở nhà ông. Đây là phản ứng bất ngờ của Chúa Giê-su: Ngài đã không chỉ dừng lại dưới gốc cây sung, và ngước mắt nhìn Da-kêu đang nằm bò trên cây rồi thôi. Nhưng Ngài đã vén mở lòng mình cho Da-kêu cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi; xua tan nỗi mặc cảm, tự ti trong lòng Da-kêu; ban cho ông một cơ hội đổi đời – Đến và ở lại nhà ông – “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (x. Lc.19,10).

Kế đến, là phản ứng “bất ngờ” của Da-kêu: Sẵn sàng cho đi phân nửa tài sản của ông cho người nghèo. Và thẳng thừng tuyên bố rằng, nếu trước đây đã chiếm đoạt của ai cái gì, thì bây giờ xin đền trả gấp bốn lần những thiệt hại do mình gây ra (x. Lc.19, 8). Da-kêu đã thật lòng đón nhận và hết lòng vui sướng đón nhận ơn Cứu độ của Thiên Chúa đã ban cho mình.

Đột (突 – bất ngờ) là một cơ duyên và hệ quả để:

Tội nhân tìm gặp Thiên Chúa;

Ơn tha thứ được tưới gội nội tâm chai lì;

Hư mất được phục hồi toàn vẹn;

Hướng thiện được khai mở tuyệt đối;

Lòng trắc ẩn được khơi nguồn;

Cuộc sống ngập tràn niềm vui hy vọng;

Từ giã đời này mà không hối tiếc.

Hôm nay, toàn Dòng Anh Em Giảng Thuyết mừng Chân phước Gia-cô-bê Man-tua (James Benefatti). Gia-cô-bê Man-tua (1290-1332) sinh tại Man-tua (Mantua; Ý-đại-lợi) là linh mục Dòng Đa-minh, rồi giám mục Man-tua (1303). Và là tiến sĩ thần học.

Ngài được gọi là cha của người nghèo và nổi tiếng là người tận tụy chăm sóc các bệnh nhân nghèo khi trong vùng xảy ra trận dịch hạch dữ dội.

Chân phước còn là bạn và anh em tu sĩ cùng Dòng với cha Ni-cô-la Bóc-ca-xi (Nicholas Boccasino), người sau này trở thành giáo hoàng Biển Đức XI, và là Sứ thần Tòa thánh cho ĐGH Gio-an XXI.

Gia-cô-bê Man-tua được ĐTC Pi-ô IX suy tôn Chân phước vào năm 1859. Được biết xác của ngài không bị phân hủy khi được khai quật (1604).

Có thể nói được, Chân phước Gia-cô-bê Man-tua là một nội hàm của Đột (突).thời Trung Cổ. Ngài đã được Thiên Chúa đặt làm gương mẫu cho đoàn chiên của Chúa và được Thiên Chúa làm cho nổi tiếng bởi lòng nhiệt thành vì hoà bình cũng như vì lòng thương xót của ngài đối với dân Chúa.

Lạy Chúa,

Bằng lời cầu nguyện và gương sáng của Chân phước Gia-cô-bê Man-tua; xin cho con được ơn can đảm hoán cải cuộc đời mình và cho con luôn biết vui sống trong niềm vui Cứu độ của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

 

Hiệu ứng đám đông (15.11.2022)

Hiệu ứng đám đông luôn xuất hiện trong cuộc sống và có tác động ít nhiều đối với mỗi con người.

Những người dám suy nghĩ và hành động ngược với số đông sẽ dễ bị dư luận gây sức ép, kỳ thị và có thể phải ra khỏi tập thể cộng đồng mà họ đang sinh sống và làm việc.

Biểu hiện của hiệu ứng đám đông là nỗi sợ hãi bị đám đông phán xét và sợ mình bị loại ra khỏi đám đông, cộng đồng.

Tin Mừng theo tháng Lu-ca hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Da-kêu. Ông đã có thái độ “bức phá” trong cuộc gặp gỡ này.

Bức phá đầu tiên là ông đã tìm cách vượt qua đám đông dân chúng đang vây quanh Chúa Giê-su khi Ngài đi ngang qua thành Giê-ri-khô, bằng cách leo lên cây sung phía trước đón đầu Chúa Giê-su sắp đi qua đó.

Bức phá kế tiếp là vội vàng tụt xuống khi nghe Chúa nói “xuống mau đi” và mừng rỡ đón rước Chúa về nhà mình khi nghe Người nói tiếp “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !”

Bức phá cuối cùng của Da-kêu là thắng được thái độ tẩy chay của những kẻ có mặt trong đám đông khinh dể ông, cản trở không muốn cho ông đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Da-kêu đã vượt qua thái độ xét đoán của những kẻ xầm xì trách Chúa đã không ngần ngại gặp gỡ, vào nhà người tội lỗi và ăn uống với họ.

Lạy Chúa, xin cho con mạnh mẽ, thắng vượt được đám đông (trào lưu) thế tục hóa, vô thần đang ngày càng lan rộng khắp nơi;

Xin cho con luôn trung kiên không bị dao động bởi những đám đông (biến động) bên ngoài, cũng như bên trong con người của con để con luôn sẵn sàng gặp gỡ với Chúa, nếu như Ngài đã muốn;

Xin qua “đám đông”, Chúa cho con một bài học nội tâm, để con không lẩn tránh, đổi hướng, hoặc chối bỏ trách nhiệm mình;

Xin qua “đám đông” cuộc đời, con biết nâng vực dậy thay vì nhận chìm cuộc đời mình;

Qua “đám đông” tội lỗi ngập tràn đời con, xin cho con cảm nhận được lòng thương xót Chúa dành cho con;

Xin Chúa cho đôi tay con rộng mở để biết sống công bằng và chia sẻ cách quảng đại những gì con có với “đám đông” cuộc đời.

Xin Chúa dủ lòng thương, đến và ở lại luôn mãi trong tâm hồn con. Amen.

CÁT BIỂN

Khao khát Chúa (16.11.2021)

Ghi nhớ.

“Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó” (Lc 19, 4).

 Suy niệm.

 Khi còn nhỏ, nó mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một phi công lái máy bay, bởi vậy, khi nói chuyện với bố nó, nó toàn hỏi bố về các vấn đề liên quan đến máy bay. Nào là; ai là người đã chế tạo ra máy bay? Nào là; làm sao mà máy bay có thể biết phương hướng khi bay tít trên trời cao hay bay trong đêm tối? Nào là; làm sao một khối sặt nặng nề như vậy mà vẫn có thể bay vào không trung được?… Về phần bố, vì ít học, kiến thức về máy bay không nhiều, thế nên ông chỉ trả lời qua loa. Tuy nhiên, ông luôn vun đắp cho ước mơ của thằng con thành hiện thực. Ông bảo nó:

  • Nếu con có muốn trở thành phi công thì điều kiện trước hết là con phải lo chăm chỉ học hành cho thật giỏi. Khi người ta tuyển dụng người lái máy bay thì họ đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao, ngoài ra thí sinh còn phải có chiều cao thích hợp, hàm răng phải đều đặn, có sức khoẻ tốt có tinh thần vững vàng…

Một hôm, bố nó sau khi đi bay ra Hà-nội về, kể lại hành trình chuyến bay cho nó nghe, nó rất thích thú,

Con biết không. Bố nó nói:

  • Khi bay lên bầu trời cao, nhìn xuống mặt đất, người ta thấy núi đồi trùng điệp, sông ngòi uốn lượn như những con trăn, nhà cửa, cây cối, ruộng đồng bao la bát ngát…Lúc đó mình cảm thấy thật là bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ. Và mình cảm nhận được có một “bàn tay” vô hình nhưng vạn năng của Đấng Hoá Công đã kiến tạo nên một vũ trụ vô cùng tốt đẹp này. Đúng là: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo kỳ công của Người” (Tv 18, 2). Vì thế, con biết không? Sau khi từ mặt trăng trở về trái đất. Phi hành gia Neil Armstrong(1930-2012) đã không ngớt lời ca tụng Thiên Chúa.

Nó nói với bố nó:

  • Nhưng bố ơi. Cũng có người bay vào vũ trụ rồi mà khi trở về mặt đất lại phát biểu rằng: “Không có Thiên Chúa, vì khi bay vào vũ trụ, tôi đã không tìm thấy Thiên Chúa đâu?.”

Bố nó đáp:

  • Đó là câu nói của Yuri Gagarin,( 1934-1968) một kẻ không tin có Thiên Chúa. Con thấy đó, khi người ta có lòng tin rồi thì nhìn vào sự vật nào người ta cũng cảm nhận được có sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn đối với những kẻ đã cứng lòng tin thì: Dù cho kẻ chết có sống lại bảo nó rằng: “Thiên Chúa luôn hằng hữu” thì nó cũng chẳng chịu tin! 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại biến cố :”Ông Gia-kêu nhận được ơn hoán cải”. Ngày ấy, khi đất nước Do-thái bị người Rôma cai trị, thì những người làm việc cho chính quyền Rôma đều bị người dân khinh khi, xa lánh vì bị coi như những kẻ phản bội nhân dân và tổ quốc, riêng đối với những kẻ làm công việc thu thuế thì dân tình còn căm ghét hơn. Vì lợi dụng công việc này, kẻ thu thuế có thể bòn rút, ăn chặn tiền của dân chúng để làm giầu cho bản thân. Ông Gia-kêu là một điển hình. Rõ ràng ông là kẻ tội lỗi. kẻ tội lỗi công khai. Chính vì thế cho nên khi Đức Giê-su có ý muốn đến và lưu lại nhà ông thì dân chúng liền phản kháng bằng việc xầm xì với nhau rằng: “Nhà người tội lỗi này mà Ông ấy vẫn vào trọ”. Đấy là những suy nghĩ, đánh giá của người đời. Nhưng còn với Đức Giê-su thì khác. Người hằng đi kiếm tìm kẻ tội lỗi để cảm hoá và đưa họ về đàng lành: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Qua trình thuật của đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy: Ông Gia-kêu vì có ngoại hình thấp bé nên khi biết Đức Giê-su sẽ đi qua đây thì ông liền trèo lên một cây sung để có thể nhìn thấy Đức Giê-su. Việc muốn được nhìn thấy Đức Giê-su đối với ông không phải vì “tò mò”, nhưng nó bày tỏ nỗi lòng khát khao gặp gỡ Chúa. Trong thâm tâm của ông sau khi nghe những người khác nói về Thầy Giê-su thì ông đã có lòng yêu mến và mong muốn được nhìn thấy Ngài. Đức Giê-su đã thấu suốt tấm lòng của ông nên Ngài đã không để cho tấm lòng khát khao đó phải chờ đợi, nên Ngài nói: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Thái độ của ông diễn tả ông thật sự hạnh phúc: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.

Trong lòng ông Da-kêu tràn đầy tâm tình: “Kính mến Chúa và yêu thương mọi người”: vì thế nên ông đã bày tỏ lòng mình: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Sau khi nghe những lời nói đó của ông. Đức Giê-su đã khen: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”.

Chúa Cứu Thế đến trần gian để cứu chuộc loài người. Ngài đã tìm kiếm, chữa lành những con người tội lỗi. Ai nhận biết mình tội lỗi, tìm đến Ngài thì không bao giờ Ngài từ chối.

Bắt chước ông Da-kêu, chúng ta luôn có tâm tình khao khát gặp gỡ Chúa, đón rước Ngài vào nhà mình; bởi vì Ngài là nguồn ơn cứu độ của mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa. Xin cho con luôn có lòng khát khao tìm đến với Chúa, trong mọi hoàn cảnh dù bình an hay gian nan vất vả. Để con được Ngài ban ơn giúp sức hầu sống cho xứng đáng với tình thương vô biên của Ngài. Lạy Chúa, trong cơn dịch bệnh côrona này. Xin cho chúng còn tìm ra thánh ý Ngài. Để chúng con thực thi trọn vẹn ý Chúa. Xin cho các anh chị em bị nhiễm bệnh được ơn chữa lành và cho các linh hồn đã qua đời do dịch bệnh sớm được về an nghỉ trong Nước Chúa đến muôn đời. Amen

Sống Lời Chúa.

Sống trong tâm tình: Nói với Chúa và nói về Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính.

Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này (17.11.2020)

Ngày 17.11: Lễ Nhớ Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

Tin Mừng hôm nay cho ta một câu chuyện: Chúa Giêsu biến đổi một con người, chọn gọi một môn đệ thật hấp dẫn, mau lẹ lạ kỳ. Đó là câu chuyện về ông Dakêu “đứng đầu những người thu thuế và giàu có”. Đã là người thu thuế là chắc chắn ông bị những người Do Thái thù ghét, đồng thời ông cũng chẳng dám gần gũi họ. Vì ông là người đã phục vụ cho ngoại bang xâm lược tổ quốc mình. Nhưng ông đã được nghe nói về Chúa Giêsu. Nay như có ơn thiêng thúc đẩy, ông đã “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng chưa được, vì dân chúng thì đông mà ông lại lùn”. Lòng khao khát được gặp Chúa của ông đã đến mãnh liệt, nên ông đã “trèo lên một cây sung để xem đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó”.

Dakêu chỉ nghĩ rằng mình trèo lên cây sung để nhìn lén ông Giêsu này xem thế nào? Con người xem có hấp dẫn, có thiện cảm không? Nào ngờ cái nhìn của Dakêu lại bắt gặp cái nhìn sâu thẳm, quyền phép, yêu thương của Chúa mà ông vẫn chẳng hề biết. Cái nhìn của Chúa thấu suốt tâm hồn ông. Chúa biết ông giầu có đang sở hữu đầy rẫy những tiền của,  nhưng vẫn chưa làm ông thỏa lòng. Ông vẫn còn đang khao khát những gì hơn thế nữa, nên đã đón gặp Chúa.

Lòng khao khát ấy của Dakêu đã được tình thương của Chúa đáp lại nhưng không. Lời mời gọi ngọt ngào thật bất ngờ đã lọt vào tai ông: “Này ông Dakêu xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Lời mời gọi này đối với ông thật bất ngờ vì ông không thể tỉn được rằng người Do Thái đang có danh tiếng là ông Giêsu lại có thiện cảm với người tội lỗi như mình được. Với tiếng gọi, cái nhìn kỳ diệu của Chúa đã xuyên tận trái tim khối óc của Dakêu, đã làm ông sung sướng. “Ông vội vàng tụt xuốngg và mừng rỡ đón rước Người”. Dakêu còn được nghe những lời hứa hẹn quyến rũ của Chúa làm ông mê say: “Vì tôi nói với  anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! anh  sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50).

Lời Chúa đã tức tốc biến đổi ông, làm ông nhận ra ngay những lầm lỗi của đời sống mình. Khối tài sản khổng lồ xưa nay ông khư khư ôm ấp phụng sự nó, giờ đây nó chẳng là gì với ông nữa. Nó trở nên thứ đền bồi lỗi lầm, tẩy rửa tội lỗi ông để ông thanh thoát theo Chúa, vì Chúa mới là gia nghiệp đời đời của ông: “Thưa Ngài đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì tôi xin đền gấp bốn”. Thế rồi ông đã được Chúa Giêsu chúc phúc: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”. Ông đã được ơn gọi làm tông đồ cho Chúa, mà theo các nhà chú giải Kinh Thánh, ông chính là tông đồ Batôlômêô, hay con gọi là Nathanael, sau làm giám mục thành Cêsarê rồi chịu tử đạo.

Giờ đây nhìn vào đời mình, ta có gì giống, khác cuộc đời ông Dakêu. Ta có muốn Chúa đến mà biến đổi những tính mê nết xấu thành những nhân đức tốt lành thánh thiện không?

Lạy Chúa! Sức con yếu đuối, con luôn trông chờ sức mạnh bởi Chúa mà biến đổi con thành những người con  ngoan, luôn trung thành với sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao cho con từ tấm bé. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Tìm lại những gì đã mất (19.11.2019)

Bài Tin Mừng hôm nay kể về ông Dakêu là một trưởng ty thuế vụ ở thành Giêricô, Ông bị nhiều người khinh bỉ, loại trừ vì lạm thu bất chính. Nhưng Chúa Giêsu lại không nhìn ông bằng con mắt như vậy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung bằng một cái nhìn nhân từ, thân thiện, làm cảm hoá tâm hồn ông. Chính cái nhìn đầy thân thiện và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm sửa đổi cuộc sống của ông.

Ông Dakêu làm nghề thu thuế
Nổi tiếng giàu, bề thế cao sang
Từ lâu nghe tiếng truyền loan
Về Đấng Cứu Thế lo toan giúp người
*
Chúa đã đến chính nơi ông ở
Dân chúng mừng hớn hở reo vui
Dakêu tâm trạng bùi ngùi
Thân hình lùn bé, chơi vơi lạc loài

 

Khi gặp được Đức Giêsu, ông Dakêu đã thật lòng hoán cải. Việc thay đổi này được thể hiện bằng những hành động cụ thể của chính bản thân ông như: đền bồi tất cả những thiệt hại đã gây ra cho người khác và phân phát tài sản cho những người nghèo. Đây chính là sự hoán cải được xuất phát từ cõi lòng và con tim. Ông đã biết xót xa cho những người mà ông đã làm thiệt hại đối với họ, và biết yêu thương những người nghèo khổ.

Phải có cách xem Ngài đi tới
Trèo lên cây hồ hởi đón trông
Thực tâm thầm nhủ trong lòng
Được xem thấy Chúa ước mong bao ngày
*
Chúa chủ động lòng đầy cảm mến
Này Dakêu! Ta đến nhà ông
Dakêu phấn khởi vô cùng
Vui mừng đón Chúa đi chung với mình

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu đã diễn ra trong tình yêu thương và tinh thần liên kết cùng muốn gặp gỡ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Niềm mong chờ đón đợi đã thúc đẩy Dakêu chạy tới trước và leo lên cành cây cao chỉ để có được một vài phút giây nhìn thấy Chúa đi ngang qua. Với Chúa, Ngài cũng khao khát “tìm và cứu những gì đã mất”,  Ngài đã nhận ra Dakêu, kêu gọi ông, ông đã nghe tiếng Ngài và nhờ đó ông và những người thân của ông được hoán cải và được ơn cứu độ.


Ông thổ lộ tâm tình tha thiết
Tài sản này tôi biết gởi trao
Phân nửa, tôi sẽ xung vào
Giúp người nghèo khổ, đồng bào lầm than
*
Trong quá khứ tham lam chiếm đoạt
Xin đền bồi hàng loạt gấp tư
Ngài là Đấng Thánh nhân từ
Đoái thương chứng nhận, xem như lòng thành

 

Được gặp Chúa, đôi mắt tâm hồn của ông Dakêu đã bừng sáng, để nhìn thấy Ngài là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương. Ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần phải chia sẻ  tiền của cho những người khác nữa. Ông  đã hứa và sẽ thực hiện: “Thưa Ngài, này đây phân nữa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi có làm thiệt hại của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”


Chúa mới nói: Ơn Lành Cứu Độ
Đã đến đây phù hộ nhà này
Dakêu hưởng phúc như vầy
Bởi lòng thiện chí bao ngày đợi mong
*
Con Người đến đem lòng cứu giúp
Tìm những gì đã mất về đây
Để cho tất cả sum vầy
Hưởng Ơn Cứu Độ tràn đầy phúc vinh

Lạy Chúa!, Chúa đã ban cho ông Dakêu niềm vui được sống bên Chúa. Chúa còn cho ông cơ hội tìm thấy niềm vui qua sự chia sẻ của cải vật chất cho những người nghèo đói. Xin cho chúng con biết xây dựng sự bình an là lòng quảng đại, để chúng con biết sống bác ái với tha nhân, biết tìm niềm vui qua những nghĩa cử yêu thương mà chúng con dành cho nhau. Amen.

HOÀI THANH

Niềm tin lột xác… (20.11.2018)

Ngày nay, khi nói về Thomas Edison ai ai cũng biết ông là một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…

Khi tất cả mọi người đều quay lưng với Edison và cho rằng không có triển vọng ở nơi ông, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái tốt đẹp cho đời.

Trước đó, trên dưới 2.000 năm, Đức Giê-su cũng đã trìu mến dõi ánh mắt nhìn lên cây, dịu dàng kêu người quan thuế đang ở trên cành cây cao hãy tuột xuống, ân cần bảo ông hãy đến gần bên Người, và hãy mau đưa Người đến ngụ tại nhà của ông. Đức Giê-su đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Ông ta chính là Da-kêu – người giàu có bất chính trong ác nghiệp thu thuế.

Chúa Giê-su đã thấu suốt nỗi bất an và tâm tư hướng thiện trong con người của Da-kêu. Niềm tin và lời kêu gọi của Chúa đã thức tỉnh lương tâm ông nhận ra bản thân mình đã sống gian tham, bất chính bấy lâu nay. Và ông đã chân thành chuộc lỗi bằng việc đền trả gấp bốn lần những thiệt hại cho những ai mà ông đã gây  thiệt hại cho họ.

Niềm tin vào một con người tuy không có hình dáng, không thể nhìn thấy được bằng mắt vậy mà lại có sức mạnh vô vàn để làm nên những điều lớn lao. Chính niềm tin của Chúa Giê-su khi đặt cược vào cuộc đời của Da-kêu đã làm cho ông ta thêm quyết tâm để biến đổi đời mình, đã thêm nghị lực cho ông ta để vượt qua gian khó, và thêm động lực để biến những điều không thể thành có thể – từ một kẻ xấu xa, ích kỷ trở thành một người quảng đại, biết thương người.

Cũng thế, chính lời nói “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” của Đức Giê-su đã nâng đỡ, “tìm và cứu những gì đã mất” nơi con người của Da-kêu.

Lạy Chúa, xin cho con thêm can đảm và ý chí mạnh mẽ để con biết sẵn sàng lột xác cuộc đời con mỗi ngày, hầu trở nên làm đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.

CÁT BIỂN

Tìm gặp để biến đổi… (15.11.2016)

Khi nghe mọi người cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, qua việc Chúa Giê-su chữa người mù ngồi ăn xin ở bên vệ đường gần thành Giê-ri-khô. Da-kêu quá đổi tò mò. Ông quyết chí phải “tìm gặp” để “nhìn xem” cho bằng được Đức Giê-su là ai, khi nghe tin Chúa Giê-su sẽ đi ngang qua Giê-ri-khô. “Nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để nhìn xem Đức Giê-su…” (Lc 19, 3-4).

Chưa kịp thất vọng vì ý định khao khát “nhìn xem” Đức Giê-su đã bất thành. Thì chính Chúa Giê-su với ánh mắt quan tâm, yêu thương, đầy nhân từ, và tha thứ… đã ngước mắt nhìn ông; Người gọi ông xuống, rồi quyết định đi tới nhà ông. Từ đây, cuộc đời của ông đã biến đổi hoàn toàn.

Chúa Giê-su đã bỏ ngoài tai những xầm xì phê bình, chỉ trích của những người biệt phái. Và hơn thế nữa, Ngài đã tha thứ tội lỗi cho ông: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham”(Lc 19,9).

Bởi lẽ, Chúa đã đến thế gian là “để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (x. Lc 19,10).

Nhìn chuyện đời Gia-kêu. Bất giác tôi chợt thấy đó cũng chính là chuyện đời của tôi. Chúa cũng đã đến với tôi, Ngài bước vào cuộc đời tôi và biến đổi đời tôi một cách bất ngờ, qua những biến cố thật khó hiểu trong cuộc đời tôi. Ngài dắt tôi đi trên con đường không êm ả, bằng phẳng, trơn tru… để dạy tôi sống khiêm nhường; dạy tôi biết kiên nhẫn chịu đựng; dạy tôi biết sống rộng lượng; biết quan tâm chia sẻ, giúp đỡ mọi những người xung quanh mình; biết can đảm từ bỏ những gì ngược với Tin Mừng để được ở gần bên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tìm thấy Chúa mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa để nhờ sức manh và ân sủng của Chúa, con cũng được đổi mới, sống xứng đáng là con của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Tìm và cứu (17.11.2015)

Ông Da-kêu tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó”.

Thật là hay! một người đứng đầu những người thu thuế giàu sụ, là đại gia quyền bính, lại nảy sinh một sáng kiến, hành động theo cách của trẻ con: leo vắt vẻo trên cây sung để “xem” ông Giê-su đi qua, mà không sợ sệt xấu hổ gì. Chắc ông từng nghe về một ông Giê-su có một không hai, có lần đã “dụ” ngay được anh Lê-vi đồng nghiệp thu thuế của ông đổi nghề đi theo Ngài nữa.

Háo hức tò mò ông muốn “leo lên, lén” xem một lần cho biết,  cũng vì lòng khao khát thúc đẩy, một ước muốn tìm gặp. Không ngờ khi Đức Giê-su đi ngang qua, vì thấu biết mọi sự, Người bỗng nhìn lên và tuyên bố: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Sung sướng biết bao! Đức Giê-su đáp trả vượt xa mong ước của ông. Một lần cho tất cả, ông đã “gặp” Ngài và được biến đổi hoàn toàn, trở thành một Da-kêu khác.

Ngày nay nếu tôi không có lòng khát khao ước muốn để tìm gặp gỡ Chúa, nằm lì không chịu tìm cách “leo lên” như ông sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài. Nhưng nếu mỗi ngày nếu tôi chịu tìm cách để tách riêng khỏi đám đông ồn ào, đi vào cõi riêng tư với Chúa, “leo lên” Nhà Tạm, đến với Bí tích hay trong thanh vắng của tâm hồn với lòng khao khát, sẽ gặp Đấng là Tình Yêu. Trong Ngài tôi sẽ được biến đổi cách lạ thường.

    “Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Gặp được Chúa, ông được ơn sám hối làm đổi mới cuộc đời, lòng quảng đại của ông cũng dâng cao: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Nhờ ánh mắt nhân từ của Chúa, luôn “nhìn lên” chứ không nhìn xuống nét xấu của con người tội lỗi, Người luôn “tìm và cứu những gì đã mất”, ông Da-kêu từ một trùm thuế khét tiếng trở thành mẫu gương quảng đại yêu thương người nghèo đáng nể (với nửa tài sản).

Luật buộc đền trả tùy theo mức thiệt hại gây ra, ở đây ông sẵn lòng đền gấp bốn, thật đáng kính nể. Ông E-la-da trong bài đọc I bị ép ăn thịt heo (thời đó là phạm luật). Về sau ông đã tự nguyện hiến dâng mạng sống để đền bù: “Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.”

Chúa ơi! Chúa tìm con hơn con tìm Chúa. Nhưng nhiều khi đời con lại ẩn nấp trốn tránh, có khi mặc cảm tội lỗi mà sợ hãi vị thẩm phán khắt khe. Có khi con muốn sống thoải mái với con người tự nhiên nên sợ “gặp” Chúa, hoặc an tâm vì mình vẫn ngon lành! Xin Chúa nhìn và gọi con xuống như Da-kêu, để trong Người, đời con được đổi mới sang trang và sinh hoa trái tốt lành. Amen.

Én Nhỏ

Cái nhìn cảm thông

Ông Dakêu chạy tới trước, leo lên một cây sung, để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông.” (Lc 19,4-5).

Suy niệm: Cũng như vận tốc ánh sáng lớn gấp vạn lần vận tốc âm thanh, “cái nhìn” bao giờ cũng “nói” nhanh hơn và nhiều hơn “từ ngữ”. Ông Dakêu đã gửi đến Chúa một cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Đáp lại Chúa gửi đến ông một cái nhìn đầy cảm thông. Cái nhìn ngưỡng mộ của Dakêu đã khởi đầu sức mạnh hoán cải trong lòng ông: thúc đẩy ông hướng tới những điều thiện hảo nơi chính Đấng là nguồn mạch mọi sự Thiện Hảo. Cái nhìn cảm thông của Đức Kitô có sức đổi mới thực sự một con người tham lam ích kỷ trở thành quảng đại vị tha. Những lời nói tiếp sau đó chỉ là biểu đạt ra bên ngoài sự hoán cải từ đáy lòng của ông Dakêu.

Mời Bạn: Kiểm điểm lại cách bạn nhìn tha nhân: Bạn đánh giá người khác qua địa vị xã hội, qua sự giàu sang, qua những lời lẽ hoa mỹ hay qua giá trị cơ bản sâu xa của mỗi người là một người con cái của Thiên Chúa?

Chia sẻ: Trước mặt Thiên Chúa, mỗi người đều có một giá trị tuyệt đối đến nỗi giả như chỉ có một người là tội nhân, Ngài cũng sẵn sàng xuống thế để cứu chuộc người đó. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?

Sống Lời Chúa: Tránh những lời lẽ, cử chỉ, thái độ biểu hiện sự thiếu kính trọng (thô tục, khinh thị, sỉ nhục,…) trong cách quan hệ cư xử với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đến như Chúa là Thầy và là Chúa của con, mà Chúa còn hạ mình rửa chân cho chúng con. Xin Chúa giúp con cũng biết khiêm tốn “rửa chân” cho anh em con. Amen.

Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu (17. 11. 2015)


Ghi nhớ : “ Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay, tôi phải ở lại nhà ông! ” . (Lc 19,5)

Suy niệm: Giakêu không những là người thu thuế, mà ông còn đứng đầu trong nhóm thu thuế, nên ông bị nhiều người khinh ghét và cho là người tội lỗi. Còn Chúa Giêsu không có cái nhìn xa cách, hay ruồng bỏ, mà ngài luôn nhìn ông với cái nhìn cần được cứu chữa vì “ Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất ” , nên Ngài đã quyết định vào nhà ông, và ông cũng có lòng khao khát đón Chúa với tâm tình sám hối và thành thực. Nên cuộc viếng thăm hôm nay đã đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời ông. Từ một người xấu quyết tâm sửa đổi thành tốt. Noi gương Giakêu chúng ta cũng khiêm tốn nhìn nhận mình là người tội lỗi, để biết ăn năn sám hối mỗi ngày. Nhất là, mỗi khi rước lễ phải có lòng khao khát sửa đổi đời sống để ngày một xứng đáng là đền thờ Chúa ngự.

Sống Lời Chúa : Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu.

Lời nguyện:Lạy Chúa, đời sống con nhiều lỗi lầm bất chính. Xin Chúa giúp con tránh xa mọi lỗi lầm và luôn gìn giữ con trong tình yêu của Ngài. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *