Kính mến chúa và yêu thương mọi người (09.10.2023 – Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gl 1,6-12 (năm chẵn), Gn 1,1 – 2,1.11 (năm lẻ), Lc 10,25-37

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,25-37)

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Kính mến chúa và yêu thương mọi người (09.10.2023)

 09.10: Lễ Nhớ THÁNH LU-I BÊ-TRAN OP, Linh mục

Ghi nhớ:

“Đức Giê-su bảo ông ta:  Ông hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).

Suy niệm:

Vào đầu năm 1935, tại một Phường khó khăn nhất thuộc thành phố New York. Một phiên toà xét xử được diễn ra.

Vị quan toà hỏi bị cáo:

Có đúng là bà đã ăn trộm bánh mỳ không?

Người phụ nữ cúi đầu ấp úng nói:

Đúng vậy, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mỳ!

Qua toà lại hỏi:

Tại sao bà lại phải đi ăn trộm bánh mỳ. Bà đói khát lắm sao?

Đúng ạ! Người đàn bà ngẩng đầu lên nhìn vị thẩm phán và nói:

Đúng là tối rất đói. Thằng con rể của tôi đã bỏ gia đình của nó ra đi, con gái của tôi đang đau bệnh. Hai đứa cháu ngoại thì đang khóc lóc đòi ăn, vì hai ngày nay chúng không có gì bỏ vào bụng!

Khi nghe người phụ nữ khốn khổ nói xong. Mọi người trong phòng xử án xì xèo bàn tán. Tuy nhiên, người chủ cửa hàng bánh mỳ bị trộm thì cương quyết nói:

Bà này phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.

Vị quan toà nhìn về bị cáo và nói:

Bị cáo. Tôi phải thi hành luật pháp. Bà có hai lựa chọn, một là nộp phạt 10 đôla, hai là phải bị giam giữ 10 ngày.

Vị quan toà hôm đó là ông Fiorello LaGuardia. Sau khi tuyên án xong, ông rút từ trong túi áo ra tờ tiền 10 đôla đoạn bỏ vào cái mũ của mình và nói:

Đây là 10 đôla tôi đưa cho bà để nộp phạt, ngoài ra, tôi đề nghị mỗi người có mặt ở đây đóng góp 50 cent, đó là tiền phạt cho sự thờ ơ, vô cảm. Vì chúng ta đã để xảy ra trong khu xóm mình một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mỳ về cho các cháu. Ông Baliff, nhờ ông đi thu tiền của mọi người và giao cho bị cáo. Mọi người trong phòng xét xử hôm đó đều vỗ tay tán thưởng vì vị quan toà xét xử vụ án đầy tính nhân văn.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một người thông luật tìm đến Thầy Giê-su mà hỏi thử người một câu hỏi rất hệ trọng Đó là muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp thì phải làm gì? Đức Giê-su không trả lời trực tiếp mà Ngài lại hỏi anh ta một câu hỏi phản hồi: Trong luật đã viết gì? Vì là thầy thông luật nên anh ta đã dễ dàng trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo anh ta: “Anh trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy thì sẽ được sống”. Nhưng ở đây người thông luật lại tỏ ra chưa hiểu, nên mới hỏi lại Thầy Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. Nhân dịp này Đức Giê-su đã kể cho anh ta nghe một câu chuyên, để từ câu chuyện ấy mở ra cho anh ta khái niệm đâu là người thân cận của mình: Đó là tất cả mọi người sống chung quanh, đặc biệt là những người đau khổ, túng thiếu, cần sự trợ giúp của anh ta. Sau khi đã quán triệt cho anh ta con đường tìm đến sự sống đời đời: rồi thì Đức Giê-su bảo anh ta: “Anh hãy cứ ra đi và làm như vây”.

Kính mến Thiên Chúa là việc tất cả mọi người phải làm bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, điều đó là việc chính đáng phải thực thi, còn những người sống bên cạnh chúng ta thì cũng là tạo vật do Thiên Chúa tạo thành nên mọi người đều là enh em, có cùng nguồn gốc một Người Cha chung nên phải yêu mến kính trọng và giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn đó là điều đương nhiên. Vả lại, yêu mến và giúp đỡ mọi người khi họ gặp tai ương khốn khó đó là một mệnh lệnh mà Thiên Chúa kêu gọi mọi người, và khi làm tròn bổn phận đó là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, đối với một người con hiếu thảo muốn đáp đền ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục, thì cách báo hiếu tốt nhất là vâng lời Đấng dựng nên mình.

Ngày nay làn sóng sống hưởng thụ, thực dụng, vị kỷ, đã làm cho con người ta trở nên vô cảm thờ ơ trước những bất hạnh của tha nhân. Mới đây trong vụ án ở chợ đầu mối Thủ Đức, hình ảnh mà camera ghi lại cảnh tượng một người đàn bà đã đoạt mạng sống của một cô gái bằng liên tiếp đâm hơn chín mươi nhát dao, trong khi đó có người đàn ông đứng gần đấy, chứng kiến sự việc xảy ra thì từ từ lảng tránh đi, không có một động thái cứu giúp mặc dù ông ta có thể ngăn cản bằng nhiều cách; can thiệp trực tiếp hay tri hô để người đàn bà kia dừng tay hầu giải cứu cho cô gái!. Và vì thế cho nên cộng đồng mạng đang lên án và chính quyền cũng đang xem xét để có thể mang người nay ra truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ cơ sở pháp lý. ..

Trên hành trình cứu giúp những người bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội. Một lần Mẹ thánh Têresa Calcutta cúi xuống chăm sóc một bệnh nhân, Mẹ rửa ráy băng bó cho người ấy, ân cần hỏi han. Sau này người này tâm sự rằng: “Có cho tôi trăm ngàn tiền, vàng thì tôi cũng không sung sướng, hạnh phúc cho bằng được Mẹ Têresa âu yếm chăm sóc như vậy!”. Người ta bảo rằng: “Của cho không bằng cách cho” là vì vậy. Trong đời sống hằng ngày, công việc bác ái không nhất thiết là phải cho nhau bằng vật chất tiền của. Bác ái có thể thực thi bằng những việc làm là quan tâm đến nhau, tránh không làm thương tổn nhau, cho nhau những anh mắt trìu mến, nói cho nhau nghe những lời nhẹ nhàng, chân thành tình nghĩa, như thế chúng ta cũng đã phần nào thực thi được tinh thần bác ái.

Thực thi lời Chúa dạy hôm nay, trước hết chúng ta phải thực hiện giới luật Mến Chúa và yêu người ngay từ trong gia đình. Cha mẹ, anh em bảo nhau làm lành, tránh dữ, sáng tối kinh hạt, nhất là cùng nhau lần Chuỗi Mân Côi, sau là mọi người trong gia đình dòng họ hay xa hơn trong Giáo xứ, đoàn thể, khu xóm sống gắn bó yêu thương, đoàn kế,t giúp đỡ để cùng nhau thăng tiến hầu là cho Danh Chúa được mở rộng nơi khu xóm thôn ấp của mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con biết rằng cuộc sống ở trên trần gian này chỉ là cuộc sống tạm bợ mà thôi. Nhưng cuộc sống đời này quyết định cho đời sống mai sau.  Cuộc sống hiện tại là một cuộc chuẩn bị hành trang, đó là công đức để có sự sống vĩnh cửu. Vì vậy chúng con xin Chúa ban cho chúng con luôn ý thức để dùng cuộc sống này mà làm việc thiện. Đó là thờ phượng Chúa và yêu thương anh em, để ngày sau chúng con được phần thưởng là Nước Thiên Đàng, là nơi đầy hoan lạc và hạnh phúc mà Chúa đã thiết lập để dành cho những ai nghe lời Chúa mà mang ra thực hành. Xin ban ơn giúp sức để chúng con có đủ sức mạnh mà thi hành trọn vẹn ý Chúa trong suốt hành trình đời sống dương gian của chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa:

Kính mến, thờ phượng Chúa và giúp đỡ anh em trong khả năng mình có thể.

Đaminh Trần Văn Chính.

Thực thi Lòng Thương Xót (03.10.2022)

“Ai là người thân cận của tôi?”

Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh hai câu hỏi của người thông luật: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” và “Ai là người thân cận của tôi?”

Chúa Giêsu đã để cho chính nhà thông luật phải trả lời cho câu hỏi thứ nhất: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”, và vị luật sĩ đã trả lời chính xác, dựa trên chính lời Kinh Thánh mà ông đã thuộc nằm lòng. Và nếu đã biết rõ như vậy rồi thì đâu còn lý do gì để hỏi Chúa Giêsu nữa. Không cần phải là luật sĩ mới có thể trả lời cho câu hỏi này, mà mọi thành phần dân Chúa đều có thể trả lời. Vấn đề là ở câu hỏi thứ hai: “Ai là người thân cận của tôi?” Khi đặt câu hỏi này, ông ấy muốn biết những giới hạn của tình thương đối với cha mẹ, anh chị em mình để rồi từ đó xác định những bổn phận cần phải tuân giữ. Chúa Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu để giúp cho luật sĩ biết rằng: không có giới hạn nào cho tình thương đối với anh chị em; và bất cứ ai cần sự trợ giúp thì người đó là người thân cận của mình. Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề như sau: “Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”, và dĩ nhiên vị luật sĩ cũng đã trả lời đúng: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”

Tin Mừng tường thuật câu kết của Chúa Giêsu: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Để được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời thì hãy làm người anh em, chị em thực sự của những ai đang cần đến tình yêu liên đới, chia sẻ, đỡ nâng của chính mình. Và để tình yêu này thành hiện thực thì ắt cần phải có động thái “ra đi” theo nhiều chiều kích. Ra đi khỏi tình trạng “chỉ biết mỗi bản thân” có lẽ là điều kiện đầu tiên để có thể sống yêu thương.

Lối sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình quả thật rất khó qua mặt thiên hạ và dường như ngay cả bản thân mình lòng cũng chẳng được bình an. Tuy nhiên vẫn có nhiều kiểu sống như thế lại dễ qua mặt tha nhân và có khi với cả chính mình với nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý. Vị tư tế trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể rất có thể tự trấn an lương tâm với việc giữ luật khi chu toàn nghĩa vụ tư tế (tránh bị ô uế vì tiếp xúc với máu). Thầy Lêvi cũng có thể tự biện hộ với lẽ khôn ngoan rằng phải cẩn trọng trước nhiều thủ đoạn “giăng mồi” của kẻ cướp vùng hẻo lánh này.

Hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết mang lấy trái tim của Chúa trong cuộc sống mình qua hình ảnh người Samari nhân hậu.
Người Samari nhân hậu hôm nay phải là người:

  • Biết chạnh lòng thương khi mạng sống người khác bị đe doạ và gặp hiểm nguy.
  • Biết hy sinh từ bỏ việc riêng để phục vụ tận tình và chu đáo sự sống của người khác.
  • Biết hy sinh từ bỏ của cải vật chất để phục vụ sự sống cho người khác.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương xót trước những đau khổ của tha nhân, và sẵn lòng chia sẻ với họ bằng một tình mến yêu chân thành. Amen.

Joston

Hãy đi và làm như thế (05.10.2020)

Ngày 04.10: Lễ Nhớ Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di

Đi đến nơi đâu và làm gì. Hãy đi đến với những người thân cận và thực hiện lòng thương xót với họ.

Người thân cận là ai? Họ chính là người mình ở bên cạnh họ, yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, ủi an và nâng đỡ họ. Như vậy, người thân cận là người ta tìm đến bên họ, đồng hành với họ, đó chính là những người ta cùng chung sống, người ta gần gũi như láng giềng, người ta gặp gỡ trên đường đường đời mà ta thực hiện lòng thương xót với họ.

Như trong dụ ngôn Nước Trời, những người được chúc phúc là những người đã tìm đến và thể hiện lòng thương xót với người thân cận, Chúa nói: “³⁵ Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; ³⁶ Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25, 35-36).

Như vậy, những người sống chung với nhau, ở gần nhau mà không thực thi lòng thương xót với nhau thì cũng không phải là người thân cận của nhau, có khi trở thành những người hận thù ghen ghét nhau, oán ân chém giết nhau, khinh dể xa cách nhau, thờ ơ lãnh đạm và vô cảm với nhau, như trong dụ ngôn người thân cận Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay, người tư tế và thày Lêvi gặp kẻ hoạn nạn là người ở cạnh mình, cạnh mình, anh em mình thì liếc mắt làm ngơ rồi đi qua,”³¹ Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. ³² Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi” (Lc10, 31-32). Còn người xứ lạ Samaria khi nhìn thấy thì chạnh lòng thương và đã thực hiện hành động thương xót đối với người bị hoạn nạn, cứu giúp họ, chăm sóc cho họ, người xa lạ trở thành người thân cận, “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Lc 10, 33).

Trong cuộc sống hôm nay, con người đã trở thành người xa lạ với nhau ngay cả trong gia đình, ngay cả những người hàng xóm liền ranh, nhất là trong cuộc sống hôn nhân, sống chung với nhau một nhà, ăn chung với nhau một bàn nhưng không hề thực hiện lòng thương xót với nhau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, ly Mẹ Maria, lậy Thánh Giuse, xin cho có tấm lòng thương xót những người ở bên con, ở gần con và cả những người con vô tình gặp trên đường đời, luôn biết thực thi lòng thương xót với họ để chính con và họ là người thân cận của nhau, là anh em của nhau. Amen./.

Hư Vô

Người thân cận (05.10.2020)

Trong tuần tĩnh tâm năm 2001, Lm. Joachim Nguyễn Văn Liêm OP, đã chia sẻ câu chuyện của Ngài như sau:

Vào năm 1949, vâng lệnh cha Đại Diện Bề Trên Tỉnh để đi điều đình lấy rượu lễ. Khi Cha đến Hải Dương thì phải vác xe đạp đang đi lên vai để đi qua chiếc cầu khỉ bằng tre bắc qua một nhánh của sông Luộc, đi đến giữa cầu bị chao đảo sắp ngã thì Cha nghe tiếng la lớn của một người lạ đi đằng sau: “Chú ngồi xuống đi”. Cha ngồi ngay xuống và người ấy đã nhanh chân bước tới đỡ chiếc xe đạp giúp Cha thoát chết và an toàn qua cầu. Cha nói đó chính là người Samari mà Cha đã gặp thực tế.

Trong câu chuyện mà trong Lc (10,25-37) Chúa Giêsu đưa ra cho thầy thông luật có nhắc đến 3 nhân vật là thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari. Cả câu chuyện đọng lại ở mấy câu cuối: “Vậy theo ông nghĩ trong ba người đó, ai tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp”. Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ thực thi lòng thương xót với người ấy”. Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và làm như vậy”.

Như thế chính người giúp đỡ ta là người thân cận của ta, ai có thể theo ta để giúp ta trong lúc hoạn nạn. Phải chăng chính là Thiên Chúa hiện thân nơi Chúa Giêsu. Dân Do Thái đã chẳng nhạo báng Chúa Giêsu: “Chúng tôi bảo ông là người Samari thì chẳng đúng lắm sao ?” (Ga 9,48-49). Chúa Giêsu không cải chính.

Nếu nhận Chúa Giêsu là người thân cận bậc nhất của mình thì bản thân chính mình cũng phải thân cận với Người. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Đức Kitô đã sống trong tôi” (Gl 2-20). Nhưng thực tế có thể mình không gần gũi với Chúa nên bản thân phải tự hỏi lại mình có theo Lời Chúa Giêsu đã căn dặn ông thông luật “Ông hãy đi và làm như vậy.” (Lc 10,36-37)

Trong Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô có câu: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Hãy trở nên thân cận với mọi người như chính Chúa là người thân cận của mình. Hãy mở lòng chứ đừng giống thầy tư tế và Lê Vi quá tuân giữ nghiêm ngặt lề luật mà khép lại lòng yêu thương giúp đỡ đồng loại lúc họ gặp hoạn nạn cơ nhỡ.

Nguyện xin Chúa hãy thánh hóa để biến đổi đời sống của con trở nên người thân cận với mọi người trong tình thương của Chúa.

Thủy Nguyễn

Luật yêu thương (08.10.2018)

Ghi nhớ:

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa Giê su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi” . (Lc 10, 29)

Suy niệm: 

Qua Tin Mừng, hôm nay Chúa Giêsu muốn giáo huấn cho chúng ta về luật yêu thương. Người thông luật thực tâm muốn tìm hiểu về người thân cận là ai? Đối với Chúa Giêsu, người thân cận phải là người có lòng yêu mến, có tâm tình chia sẻ thương yêu mọi người, qua đó người thông luật biết vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của mình, để trở thành người thân cận, từ đó họ có cái nhìn thấu đáo, và trả lời với Chúa Giêsu với tấm lòng thành tâm của mình như sau: “Chính kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” và Đức Giêsu đã bảo ông: “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Qua dụ ngôn người Samari, Chúa cũng dạy cho mọi người biết giới hạn của tình yêu thương là không biên giới, dụ ngôn khác hẳn bởi người thông luật chỉ yêu thương trong phạm vi luật buộc, hay luật định,

Hành động người Samari, Chúa đã cho mọi người hiểu rõ, giới hạn của tình yêu là vô biên, phát xuất từ sự tốt lành, nhân hậu, bác ái của ông quả đã minh chứng rõ ràng qua hành động yêu thương quá cụ thể, không chỉ chạnh lòng thương thôi, mà thể hiện bằng chính tấm lòng của mình: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35). Đây là hành động phát xuất từ tâm hồn hay trái tim của con người tràn đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Ông đã thể hiện đức ái không chỉ trong lời nói mà còn trong chính việc làm của mình. Có thể người đời cho rằng người Samari thích làm chuyện  bao đồng, hay thích “vác tù và hàng tổng”, nhưng chính lòng nhân hậu của họ đã được Thiên Chúa thương yêu. Họ xứng đáng làm môn đệ của Người, cho dù họ là những người khố rách áo ôm, bần cùng trong xã hội. Chúng ta đều mắc nợ nhau với tha nhân, nhưng còn món nợ đời đời phải trả đó là lòng yêu thương Chúa luôn dành cho ta. Từ đó, mỗi người chúng ta tìm thấy được chính lòng  mến Chúa và yêu người là kim chỉ nam cho ta đi tìm sự sống vĩnh cửu ở quê trời.

Trong cuộc sống có biết bao cảnh ngộ bi thương đau đớn, vẫn còn đâu đó những người vô cảm, lạnh lùng, không có lòng thương xót. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Ta bảo thật các ngươi; mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 26, 45). Như vậy, người thân cận của tôi không chỉ hạn hẹp trong nhận thức là những người tôi quan biết, gần gũi, yêu thương, mà Chúa đã chỉ cho tôi thấy người thân cận chính cả tất cả mọi người chung quanh nữa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con quả tim biết yêu thương, biết quảng đại, biết thao thức đến với mọi người, biết như người Samari, biết chạnh lòng thương xót đến mọi người và tha nhân, từ đó mọi người cảm nhận rằng yêu thương là cho đi, để được nhận tình yêu bao la của Thiên Chúa, Amen.

Yêu người thân cận (09.10.2017)

 09.10: Lễ Nhớ THÁNH LU-I BÊ-TRAN OP, Linh mục

Nhà thông luật hôm nay đứng lên chất vấn để “thử” Đức Giêsu về điều kiện để được “sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu lại trắc nghiệm cho ông thấy điều kiện để được sống đời đời là “làm”, là thực hành đúng nghĩa, chứ không phải chỉ thuộc lòng thông thạo, hay nắm chắc lý lẽ của giới luật yêu thương.

Phần lý thuyết ông đã “thông” lắm rồi, nhà thông luật mà lị! ấy là mến Chúa hết hết lòng hết sức, yêu người thân cận như chính mình. Nhưng mà cái “khung trời yêu thương” của ông có ranh giới hạn định, nên ông thắc mắc vặn lý: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? Đức Giêsu trả lời bằng câu chuyện ba người gặp nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết nằm đó. Hai thầy tư tế và thầy Lêvi không muốn dây dưa nên tránh qua bên kia mà đi an phận. Còn người Samari vô danh kia đi qua thấy thì “chạnh lòng thương”, ông gác lại công việc để cúi xuống, xắn tay sẵn sàng lo hết cho một người lạ không hề quen biết. Thật rõ ràng người Samari đã trở thành “người thân cận”, thành ân nhân số một của nạn nhân, vì đã “thực thi” lòng thương xót đối với người ấy, nên vấn đề chỉ còn là hãy đi và “làm như vậy”, tôi sẽ có cơ man là người thân cận ấy chứ!

Người thân cận là những người sống bên ta dưới cùng một mái nhà, người anh em họ hàng ruột thịt, bạn bè lối xóm… Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đi xa hơn, vượt khỏi ranh giới kia để trở thành người thân cận của nhau, bất cứ ai mà ta gặp trên đường đời. Ta được mời gọi trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến ta, để thực hành giới răn yêu thương với đức ái trọn hảo. Dù họ là ai, hèn hạ khó khăn không có khả năng đền đáp, người tội lỗi, thậm chí kẻ thù… Nếu ta thực hành đức ái với họ, sẽ biến đổi từ thù thành bạn, người xa lạ thành anh em gần gũi. Ngược lại có lúc ta lại “làm phúc nơi nao” mà để “cầu ao rách nát”, vì ngoảnh mặt làm ngơ với người ngay bên cần ta giúp đỡ, thì dù có gần bên thì vẫn như người dưng kẻ lạ với nhau.

Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương để được “sống” đời đời, nếu không yêu thương thì tuy sống mà kể như đã “chết” vậy. Ai mến Chúa thì tất sẽ yêu người, vì yêu thương cứu giúp người là thể hiện rõ lòng tin mến Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Đúng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.

Lạy Chúa! Vì yêu nên Chúa bỏ trời xuống cứu chúng con, ngay khi chúng con là những tội nhân. Chúa rộng tình yêu thương mà cứu giúp hết thảy mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu của Chúa là tình không biên giới. Chúa còn sẵn sàng “ở trong” con người hèn mọn chúng con nữa. Xin Chúa thực hiện trong con người giới hạn này tình yêu đó, bằng con tim và đôi tay của Chúa, để dù khác biệt mọi sự, tất cả chúng con đều trở thành người nhà, thành con một Cha dấu yêu, bây giờ và mãi mãi.

Én Nhỏ

Người thân cận là ai? (03.10.2016)

1. Ghi nhớ:

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa Giê su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi” (Lc 10, 29).

2.Suy niệm: 

Bài Tin Mừng hôm nay, người thông luật thực tâm muốn tìm hiểu về người thân cận là ai? Đối với Chúa Giêsu, người thân cận phải là người có lòng yêu mến, có tâm tình chia sẻ thương yêu mọi người, qua đó người thông luật biết vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của mình, để trở thành người thân cận, từ đó người thông luật đã có cái nhìn thấu đáo hơn, để trả lời với Chúa Giêsu với tấm lòng thành thật của mình như sau: “Chính kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” và Đức Giêsu đã bảo ông: “ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Qua dụ ngôn người Samari tốt lành, tấm lòng nhân hậu, bác ái của ông quả đã minh chứng rõ ràng qua hành động yêu thương quá cụ thể, không chỉ chạnh lòng thương thôi, mà thể hiện bằng chính tấm lòng của mình: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35).

Đây là hành động phát xuất từ tâm hồn hay trái tim của con người tràn đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Ông đã thể hiện đức ái không chỉ trong lời nói mà còn trong chính việc làm của mình. Có thể người đời cho rằng người Samari thích làm chuyện  bao đồng, hay thích “vác tù và hàng tổng”, nhưng chính lòng nhân hậu của họ đã được Thiên Chúa thương yêu. Họ xứng đáng làm môn đệ của Người, cho dù họ là những người khố rách áo ôm, bần cùng trong xã hội. Chúng ta đều mắc nợ nhau với tha nhân, nhưng còn món nợ đời đời phải trả đó là lòng yêu thương Chúa luôn dành cho ta. Qua đó, mỗi người chúng ta tìm thấy được chính lòng  mến Chúa và yêu người là kim chỉ nam cho ta đi tìm sự sống vĩnh cửu ở quê trời.

Trong cuộc sống có biết bao cảnh ngộ bi thương đau đớn, vẫn còn đâu đó những người vô cảm, lạnh lùng, không có lòng thương xót. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Ta bảo thật các ngươi; mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 26, 45). Như vậy, người thân cận của tôi không chỉ hạn hẹp trong nhận thức là những người tôi quan biết, gần gũi, yêu thương, mà Chúa đã chỉ cho tôi thấy người thân cận chính cả tất cả mọi người chung quanh nữa.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban cho con quả tim biết yêu thương, biết quảng đại, biết thao thức đến với mọi người, biết như người Samari, biết chạnh lòng thương xót đến mọi người và tha nhân, từ đó mọi người trở nên người thân cận là anh em con một Cha trên trời. Amen.

Chạnh lòng thương (05.10.2015)

1. Ghi nhớ:

“Nhưng người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương, Ông tới gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt lên lưng lừa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy hai quan tiền, trao lại cho chủ quán và nói; “ Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 33-35)

2. Suy niệm:

Lòng nhân hậu, bác ái của người Samari quả đã minh chứng rõ ràng qua hành động yêu thương quá cụ thể của ông, không chỉ chạnh lòng thương thôi, mà thể hiện bằng chính tấm lòng của mình: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35). Đây là hành động phát xuất từ tâm hồn hay trái tim của con người tràn đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Ông đã thể hiện đức ái không chỉ trong lời nói mà còn trong chính việc làm của mình.

Có thể người đời cho rằng người Samari thích làm chuyện  bao đồng, hay thích “vác tù và hàng tổng”, nhưng chính lòng nhân hậu của họ đã được Thiên Chúa thương yêu. Họ xứng đáng làm môn đệ của Người, cho dù họ là những người khố rách áo ôm, bần cùng trong xã hội. Chúng ta đều mắc nợ nhau với tha nhân, nhưng còn món nợ đời đời phải trả đó là lòng yêu thương Chúa luôn dành cho ta. Qua đó, mỗi người chúng ta tìm thấy được chính lòng  mến Chúa và yêu người là kim chỉ nam cho ta đi tìm sự sống vĩnh cửu ở quê trời.

3. Sống lời Chúa:

Mỗi người chúng ta cùng khắc ghi  và thực hành lời Chúa “ Hãy đi và thực hành như thế” (Lc 10,37)

4. Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót!

“Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” ( Thánh Phanxicô Assisi)

Xin ban cho con một tấm lòng quảng đại, nhân hậu vị tha, một trái tim đôn hậu rộng mở, để thương yêu ngay chính kẻ thù của con.

Xin ban cho con đến với mọi người bằng chính con đường phục vụ nhưng không mà Chúa đang mời gọi chúng con trên bước đường Cha Thánh Đa Minh. Amen.

M.Liên 

Hãy nhân từ như Thiên Chúa Cha

Ghi nhớ: “ Nhưng ai là người thân cận của tôi ” (Lc 10, 29)

Suy Niệm: Người thông luật không phải không biết điều răn quan trọng mang lại sự sống đời đời vì khi Chúa Giêsu hỏi lại, anh trả lời một cách lưu loát. Nhưng ở đây anh muốn đi tìm một định nghĩa vì người thân cận nên mới đặt cho Chúa Giêsu câu hỏi gay go này, vì chưng người Do Thái giới hạn người thân cận chỉ là những người trong gia tộc (Xh 20, 16-17; Xh 21, 17-25). Nên Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời mà kể một dụ ngôn của người Samaria . Bởi vì người Do Thái hay khinh miệt và xem người Samaria như kẻ thù. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người mà dân Do Thái xem là kẻ thù để mạc khải lòng nhân từ của Thiên Chúa và bảo cho người thông luật biết người thân cận anh ta là mọi người. Chúa Giêsu nhắc người thông luật đừng đi tìm định nghĩa về người thân cận mà hãy tỏ ra là người thân cận với mọi người. Chúng ta cũng thế, thay vì hỏi: ai là người thân cận của tôi? Thì hãy tỏ ra mình là người thân cận của người đang cần mình

Sống Lời Chúa: Hãy nhân từ như Thiên Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đem những lời Chúa dạy để thực hành trong cuộc sống bằng cử chỉ bác aí yêu thương anh em xung quanh. Amen.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *