Tin cậy mến Chúa là Cha thương xót (11.10.2023 – Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gl 2,1-2.7-14 (năm chẵn), Gn 4,1-11 (năm lẻ), Lc 11,1-4

Bài đọc 1: Gl 2,1-2.7-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

 Thưa anh em, sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba ; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi.  Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, -cách riêng cho các vị có thế giá-, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích.

 Các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì.  Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại.  Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì.  Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.

 Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách.  Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến ; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.  Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.

 Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người : “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái ?”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,1-4).

1 Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

 

Tin cậy mến Chúa là Cha thương xót (11.10.2023)

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Chúa Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Nửa đầu kinh là “Xác tín chúng ta có một Cha chung trên trời, chúng ta là an hem với nhau, cùng nguyện cho danh Cha cả sáng. Nửa kinh sau là xin Cha ban lương thực, xin Cha tha thứ, xin Cha gìn giữ khỏi sự dữ và khỏi sa chước cám dỗ”.

Với người công giáo, “Kinh lạy Cha” rất quen thuộc, rất thường dùng, ước gì, khi mọi người đã đọc kinh lạy Cha, thì cũng sống với Cha bằng một tâm tình của người con hết lòng thảo kính. Bởi, ai cũng có thể xét mình và tự thú nhận rằng: “Tôi chưa thực yêu mến Cha tôi, như Cha tôi đã yêu tôi”.

Vâng! Yêu mến Cha và yêu mến nhau là bổn phận của chúng ta. Cha yêu thương, lo lắng chăm sóc và khoan dung tha thứ cho chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng phải yêu thương, lo lắng chăm sóc và khoan dung tha thứ cho nhau như vậy. Như thế là làm cho danh Cha cả sáng, Mước Cha trị đến, ý Cha thể hiện.

Làm cha mẹ trần gian, thương yêu con cái, và đau xót biết bao khi con cái hư đốn, thì hãy nhớ, Cha chúng ta trên trời thương yêu chúng ta và đau xót lắm khi chúng ta sống bất chính!

Ông Bảy có đứa con hư đốn, nó bỏ nhà đi. Ông xót lòng lắm, nhưng bỗng nhớ, Chúa cũng xót lòng biết bao khi ông mê muội chuyện đời. Rồi ông xin Chúa cho ông trở về với Chúa, và cho con của ông trở về với ông. Năm ngoái, thằng con của ông có được đứa con. Nó yêu thương con nó, và nó mới hiểu được nỗi lòng xót xa của cha mẹ. Đúng là, có làm cha mới thấu nổi tình cha. Ước gì tất cả chúng ta biết sống kinh lạy Cha ngay trong gia đình mình, luôn cảm nghiệm tình cha, luôn tin cậy mến Cha, luôn yêu thương  tha thứ cho nhau và cho hết mọi người.

       Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con luôn biết sốt sáng đọc kinh lạy Cha với hết tâm tình của một người con tin cậy mến Cha tuyệt đối. Amen

BCT

Kiên trì cầu nguyện (05.10.2022)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là lời cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, được trích từ Phúc Âm Lc 11, 1- 4. Nhưng để có được Kinh Lạy Cha cho chúng ta đọc hằng ngày thì chúng ta phải cám ơn đầu tiên là các môn đệ của Chúa Giêsu. Có thể nói được rằng các môn đệ của Chúa Giêsu là những con người rất dễ thương. Dễ thương vì có lẽ các ông đã nhìn thấy các kinh sư cầu nguyện trong các hội đường hay ngoài ngã ba, ngã tư đường cốt để người ta thấy mà khen ngợi. Các ông cũng đã nhìn thấy Gioan dạy cho các mồn đồ của mình cách thức cầu nguyện. Và có khi chính các ông đã cầu nguyện nhiều lần, nhiều nơi… nhưng không có một phương thức nào cầu nguyện cho đúng, nên các ông đã xin Chúa dạy cho mình cách thức cầu nguyện: “ Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như ông Gioan đã dạy cho các môn đệ của ông” ( c.1). Chúa Giêsu đã không phủ lòng dễ thương của các môn đệ và Ngài đã dạy các ông cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha.

Và trong Kinh Lạy Cha này con nhìn nhận được hai điểm cốt yếu đó là: cầu nguyện xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa và con người với nhau.

1. Cầu nguyện, xây dựng tương quan với Chúa

Mở đầu lời cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện một cách thân tình với Cha. Hạn từ “Cha” ở đây không những chỉ mang sắc thái tương quan thân tình và thâm sâu, nhưng còn là quyền bính của Thiên Chúa nữa. Vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài và có quyền trên tất cả. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện qua bốn ý tốt đẹp này: “ xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển- xin cho triều đại Cha mau đến- Xin cho ngày nào có lương thực ngày đó- và xin tha tội cho chúng con”

“Xin cho Danh Thánh Cha vinh hiển có nghĩa là: không những chỉ xin cho nhân loại nhận biết và tôn kính Danh Thánh của Cha, nhưng còn là xin chính Chúa Cha hành động để Danh của Ngài được hiển thánh giữa nhân loại, để nhân loại nhận biết Ngài, tôn vinh Ngài và làm cho Danh Ngài được Hiển Thánh.

“Xin cho triều đại Cha mau đến”:lời cầu xin này cho chúng ta có cảm nhận một thực tại đã có sẵn nhưng mong ước thực tại đó đến sớm để ơn Thánh được đong đầy trong tâm hồn của các môn đệ, và tạo nên một niềm hy vọng vào một tương lai đầy tốt đẹp khi triều đại Cha mau đến. Triều đại Cha đến để giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi và mọi đau khổ.

“Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày đó”: Lời dạy này của Chúa Giêsu nhằm hướng các môn đệ đến với một niềm khao khát phó dâng, tin tưởng và khiêm tốn. Vì người môn đệ theo Chúa được đòi hỏi sống nghèo khó và trở nên như Chúa Giêsu: “Con chim có tổ, con người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9, 58). Hay nói khác đi, người môn đệ theo Chúa luôn ý thức mình không có tài sản, vật chất để đảm bảo cho tương lai, vì chỉ có Chúa là tài sản vô giá và quý giá nhất nên luôn tin tưởng và phó thác hòan tòan vào Ngài, và chỉ cần xin cho ngày nào có đủ lương thực của ngày đó. Chính Ngài cũng đã khẳng định: “Thầy bảo thật anh em: đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; thân thể lấy gì mà mặc” ( Lc 12, 22). Lời cầu nguyện này quả là rất thiết thân, hiện thực và rất ấn tượng đối với người môn đệ theo Chúa và trở nên giống Chúa.

Xin tha tội cho chúng con”: người môn đệ của Chúa luôn ý thức rằng mình là người yếu đuối dễ phạm tội, dễ xúc phạm đến Danh Thiên Chúa, làm cho Danh Chúa bị lu mờ. Vì vậy, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải cầu xin Chúa Cha tha thứ cho mình những lỗi đã phạm, để mối tương quan của Chúa Cha và các môn đệ luôn giữ mãi trong sự thân tình Cha – Con.

2. Xây dựng tương quan giữa con người với nhau

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khẩn khỏan nài xin Chúa tha lỗi cho họ và chính họ cũng tha thứ cho những người mắc lỗi với họ “xin Cha tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.

Sự tha thứ cho người khác vừa là hiệu quả vừa là điều kiện của ơn tha thứ mà Thiên Chúa đã ban xuống cho các môn đệ của Ngài. Người môn đệ tỏ lòng tha thứ không phải là biểu lộ tính cách của sự kiêu căng, nhưng là ý thức việc mình đã đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên mình cũng cần có lòng thương xót như Thiên Chúa để tha thứ cho anh em của mình: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”(Lc 6,36);“Như Chúa Cha đã tha thứ cho anh em thế nào thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau như vậy”(Cl 3, 13).

Như thế, ta nhận thấy, tác giả Luca đã nhấn mạnh sự đòi buộc phải có sự tha thứ giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân khác như một điều kiện để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tha thứ không những chỉ một lần nhưng là phải tha thứ đến 70 lần 7, một con số trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa ( x. Lc 17, 4; Mt 18, 21- 22). Có như thế mới thật sự xây dựng mối tương quan thân tình với tha nhân trong ân sủng và trong tình thương của Chúa Cha.

Tắt một lời, nhờ sự dễ thương của các môn đệ Chúa Giêsu mà chúng ta có Kinh Lạy Cha để cầu nguyện hàng ngày, chúng ta cám ơn các tông đồ và tạ ơn Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha. Xin cho chúng ta ý thức được khi cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha là chúng ta gắn bó tâm tình thiết thân với Chúa Cha và với tha nhân của ta. Chúng ta xây dựng mối hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và với nhau qua trung gian là Đức Kitô trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin thúc dục chúng con biết siêng năng cầu nguyện hằng ngày. Amen.

Minh An

Hạnh phúc được thân thưa với Cha (06.10.2021)

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. (Lc 11,1)

Có câu chuyện nhỏ này: “Mẹ ơi, đám cưới bạn con, bố nó mời đến 500 khách, có chủ tịch huyện, xã, cán bộ, đại gia, có mấy cha, mấy thầy nữa mẹ ơi. Hoành tráng lắm”. Bà mẹ đạo đức trả lời: “Con quên rằng nhà mình luôn có một ông lớn sao?” “Ai vậy mẹ?”. “

Thiên Chúa là Cha quyền năng thương xót, vẫn luôn hiện diện trong nhà mình. Con không phải buồn lo chuyện mời khách sang, khách hèn! Để cha mẹ tính!”. Ước gì các gia đình nhận ra: “Thiên Chúa là Cha quyền năng, thương xót vẫn luôn hiện diện trong nhà mình”. Và vì thế, mỗi lần đọc kinh lạy Cha, là một lần gặp gỡ giữa Cha và con cách huyền nhiệm thân tình. Huyền nhiệm vì đây là cuộc gặp gỡ giữa một đấng vô hình cao cả quyền linh phép tắc, với một loài thọ tạo hữu hình, nếu không nói là hư vô thì cũng là rất bé mọn.

Gẫm điều này, để thấy: chúng ta thật vinh dự, thật hồng phúc, vì nhờ Chúa Giê-su, mà chúng ta được nối lại nghĩa tình Cha con này: được gọi Thiên Chúa là Cha, được sống trong tình Cha, được nhận lại danh hiệu nghĩa tử của Cha quyền năng, giàu lòng thương xót! Còn gì hạnh phúc bằng? Để tỏ lòng hiếu thảo với công trình cứu chuộc của Cha qua Chúa Giê-su, các gia đình sẽ ra sức thực hiện đúng như lời thân thưa với Cha: sống và làm tất cả các việc cho danh Cha cả sáng, cho Nước Cha trị đến, sống Lời Chúa là thực hiện thánh ý Cha ngay trong gia đình chúng ta, để trở nên ánh sáng Tin Mừng cho mọi người; luôn tín thác vào Cha, và noi gương Cha sống đức nhân hậu khoan dung với mọi người.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con siêng năng sốt sắng đọc kinh Lạy Cha với lòng tin tưởng, hạnh phúc, bình an, và quyết tâm sống đẹp lòng Chúa, là, làm cho vinh danh Chúa, cho Nước Chúa trị đến, bằng việc sống Tin Mừng giữa đời. Amen.

BCT

Lời con dâng Chúa, xin Ngài đoái thương (11.10.2017)

Cầu nguyện luôn luôn là một việc không thể thiếu của người Kitô hữu. Cầu nguyện sẽ giúp mỗi người chúng ta nâng tâm hồn lên để gặp gỡ Thiên Chúa, được lắng nghe lời Người. Từ đó, chúng ta có thể biết được Thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta và sống đúng với phẩm giá làm con của Ngài.

Chúa dạy chúng con: hãy kiên trì

Vững tâm thực dạ thì Chúa ban

Hồng ân thánh đức đầy tràn

Cuộc sống hạnh phúc vô vàn sướng vui

*

Hãy cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc

Khi đau buồn, cả lúc bình yên

Cầu nguyện liên lỉ thường xuyên

Một lòng tha thiết kết liền thành tâm

 

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cách cầu nguyện trong mối tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là những người con của Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi Kitô hữu có thể kêu Thiên Chúa là Abba, nghĩa là cha ơi. Tiếng xưng hô: cha ơi, thật đẹp làm sao. Những lời thân thưa trong kinh Lạy Cha lại càng ý nhị và thân tình biết mấy.

Hướng lên Chúa, tim tâm khẩn thiết

Ngài xót thương chẳng tiếc gì đâu

Kiên trì nhẫn nại bền lâu

Chớ đừng thất vọng càu nhàu thở than

*

Ơn của Chúa tràn lan ban phát

Cho mọi người khao khát cầu mong

Nhưng phải bền chí vững lòng

Sẽ nhận tất cả và không thiếu gì

 

Khi cùng nhau tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, người con cũng nhận thật, mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, người con khao khát sống hòa thuận với mọi người. Muốn thế, người con xin với Thiên Chúa cho mình biết thứ tha và thông cảm cho nhiều người khác để có thể sống yêu thương hết mọi người. Người con xin cho mình có khả năng tha thứ cho tha nhân để có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Hãy cầu nguyện, thực thi Lời Chúa

Kinh Lạy Cha:, chan chứa niềm vui

Sống cho tốt đẹp trên đời

Ngày mai hưởng phúc Quê Trời vinh quang

Lạy Chúa, ước gì mỗi ngày chúng con đều dành một ít thời gian cho Chúa qua việc cầu nguyện và mỗi khi cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng con hướng lòng về Chúa Cha như Chúa Giêsu hằng mong ước.. Từ đó, chúng con làm sáng danh Chúa qua đời sống bác ái, yêu thương, biết tha thứ cho tha nhân, để danh Cha được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Amen..

HOÀI THANH 

Cầu nguyện (05.10.2016)

Tin Mừng hôm nay kể rằng, một trong các môn đệ “ngắm nhìn” Thầy cầu nguyện ở nơi kia, chắc ông thấy “sốt sắng” lắm mà không biết các ông làm thế nào để cầu nguyện giống như Thầy mình. Đợi Thầy cầu nguyện xong, lập tức ông xin Thầy chỉ dạy cách cầu nguyện. Thầy chỉ ngay một kinh cầu nguyện ngắn gọn mà đầy đủ, đúng nghĩa nhất: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4).

Kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha.

Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình. Xin Cha lương thực hằng ngày không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn được nuôi dưỡng bằng của nuôi linh hồn nữa, mà “của trọng nhất” là chính Lời và Thánh Thể Chúa. Chúng con xin ơn tha tội, như chúng con cũng phải tha cho những người làm buồn chúng con, đây là điều kiện để được tha thứ.

Trong bài đọc I thánh Phaolô nói với ông Kêpha: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?” (Gl 2, 14).

Đức Giêsu dạy phải xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, bởi thế gian này đầy dẫy những cám dỗ gọi mời như mật ngọt chết ruồi, đầy những cạm bẫy, đầy những gương xấu làm người ta chạy theo, bao thử thách, giằng co trong cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Thánh Phaolô từng kể: “Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do Thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ” (Gl 2, 11-13).

Cầu nguyện là đi vào cõi riêng tư với Chúa, trong tình thân mật Cha con. Nếu có tình yêu đậm đà thì dù nói ít nhưng hiểu nhau nhiều, đâu cần lải nhải dài dòng hết kinh này đến kinh kia? Cầu nguyện mật thiết có khi chỉ là diện đối diện, là giờ của con tim, không cần nặn óc bóp trán để trình bày, không nói gì mà mọi nỗi niềm  được thông chia hết.

Chúa ơi! Chính Chúa là mẫu gương và là Thầy dạy chúng con cầu nguyện. Chúa dành rất nhiều thời giờ tâm tư để cầu nguyện và tìm Thánh Ý Cha. Chúa cầu nguyện bốn mươi ngày trong sa mạc, cầu nguyện trên núi, Chúa cầu nguyện trong vườn dầu cách thâm sâu trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ, giãi bày, cầu xin, nhưng cuối cùng là “xin vâng theo ý Cha”.

Ước chi con biết sống mối tương quan mật thiết với Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, để đời con sinh hoa trái, làm danh Cha sáng lên trong chính cuộc đời của con.

 Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *