Suy gẫm sự chết để tỉnh thức và sẵn sàng (02.12.2023 – Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  Kh 22,1-7 (năm chẵn), Đn 7,15-27 (năm lẻ); Lc 21,34-36

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 21,34-36)

34 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Suy gẫm sự chết để tỉnh thức và sẵn sàng (02.12.2023)

Những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội sắp xếp để chúng ta nghe các giáo huấn chót hết trong hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, bài giảng về cánh chung, ngày tận cùng của thế giới, về sự chết, sự sống lại đời sau, việc Chúa Kitô quang lâm để phán xét và việc thưởng phạt; trước khi Thánh sử Luca đưa chúng ta vào chiêm ngắm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô.

Khi nói về ngày cánh chung, Chúa Giêsu tiên báo những sự việc, cảnh tượng sẽ xảy ra là những dấu hiệu ngày ấy đã cận kề. Những hiện tượng ở trên trời, sự việc dưới đất, ở khắp mọi nơi, mọi dân nước. Những hiện tượng, sự việc kinh khủng mà từ tạo thiên lập địa chưa hề có và sau đó cũng chẳng xảy ra như thế bao giờ. Trước những sự việc đó người ta hoảng loạn, nhưng với người Kytô hữu thì đó chỉ là những dâu hiệu chứ chưa phải thời điểm chấm dứt mọi sự, vì chúng ta có Đức Tin, có niềm hy vọng vào đời sau chứ không phải chỉ có đời này nên tận thế là chấm dứt mọi sự, là tất đều trở thành hư vô. Trên hết chúng ta đã có chỗ dựa vững chắc là Đức Giêsu Kytô, Đấng sẽ bênh đỡ chúng ta trước toà phán xét của Thiên Chúa. Việc của chúng ta là làm thế nào để Đấng ấy không chối bỏ chúng ta.

Vì vậy người Kitô hữu không để mình bị xáo trộn tư tưởng bởi những chuyện bên ngoài mà sao nhãng bổn phận và sa vào những thú vui trần tục, nhưng vẫn tỉnh thức và cầu nguyện, gắn kết với Chúa để có được sự bình an trong tâm hồn, dù hoàn cảnh có đẩy đưa mình vào những hiểm nguy, bắt bớ, bách hại, vì Chúa Giêsu đã nói : “…dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21,18-19).

Chúa Giêsu đã nhắc rằng ngày ấy sẽ đến bất ngờ, phải tỉnh thức và sẵn sàng đón ngày ấy như người đầy tớ trung tín tay cầm đèn cháy sáng chờ đón chủ đi ăn cưới về (x. Lc 12,35-40).

Tỉnh thức và sẵn sàng để đón ngày Chúa đến là thái độ có ý nghĩa sống còn. Đường đua dài nhưng nước rút ở đoạn cuối cùng quyết định chiến thắng hay thất bại. Nhiều lần Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón ngày Chúa quang lâm.

Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn nói tỉnh thức là không được ngủ về thể lý, vì trong dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chú rể, do chú rể đến muộn nên các cô đều ngủ thiếp đi cả, đến khi có tiếng hô báo chú rể tới thì các cô mới thức dậy và chỉ có năm cô với đèn sáng vì đầy đủ dầu thì mới được cùng chú rể vào phòng cưới. Năm cô còn lại đèn hết dầu nên đã tắt, phải đi mua dầu thì đã trễ rồi nên bị bỏ lại. (x. Mt 25,1-13).

Ngày 14-12-2022, trong bài giáo lý thứ 12 về chủ đề phân định, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời Chúa Giêsu dạy người môn đệ tốt phải tỉnh thức, là không mê ngủ, không để mình trở nên quá tự tin khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng luôn chú tâm và sẵn sàng thi hành bổn phận của mình. Phải tỉnh thức, kẻo kẻ thù lợi dụng sự sao nhãng của chúng ta và làm cho những nỗ lực tốt đẹp của chúng ta trở nên vô nghĩa; như dụ ngôn về một thần ô uế bị đuổi khỏi nhà, sau một thời gian đi lang thang, nó quay lại và nó thấy ngôi nhà sạch sẽ, nó liền kéo thêm những quỷ khác dữ dằn hơn nó vào ở. Tình trạng còn tệ hại hơn trước chỉ vì sự sao nhãng của chủ nhà. (x. Lc 11,24-26).

Vậy tỉnh thức và sẵn sàng là luôn chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày của người tín hữu với Chúa và với tha nhân. Luôn ý thức giây phút hiện tại để sống tốt lành từng giây phút đó.

Một trong những cách rất tốt để nhắc nhở mình phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng là thường xuyên suy gẫm về sự chết. Memento mori (ghi nhớ cái chết) là câu tiếng Latinh mà nhiều vị thánh đã dùng làm tâm niệm để hằng nhớ đến thân phận bụi tro tạm bợ của mình mà luôn sẵn sàng chờ đón ngày Chúa gọi về. Một số vị thánh như Thánh Gerald, Giáo hoàng Alexander VII còn dùng cái đầu lâu hoặc quan tài đặt trên bàn làm việc của minh để luôn suy gẫm về sự chết. Ai rồi cũng chết, các vị thánh ghi nhớ sự thật đơn giản này và không muốn quên lãng nó. Các ngài không muốn sẽ trắng tay khi ra trước toà phán xét của Thiên Chúa.

Một câu chuyện góp nhặt trên mạng :

Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ.

Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phóng xây kín, và ông đã ở đó suốt mười hai năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống.

Một hôm người ta tưởng ông đã chết vì đã mấy ngày ông đã không lấy thức ăn và nước uống, nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ :

– Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm.

Để sẵn sàng, nhiều người rất siêng năng, chuyên chăm hằng ngày đi thờ, đi lễ, rước lễ, đọc kinh, cầu nguyện… những việc làm đó rất tốt vì giúp người tín hữu gần Chúa. Nhưng chưa đủ. Vào ngày phán xét Chúa sẽ tách biệt chiên ở bên phải, dê ở bên trái vì những việc người ta đã làm khi còn sống.

Vậy muốn được xếp vào “chiên” phía bên phải thì phải làm theo những gì những người này, là những người “được Cha ta chúc phúc”, đã làm. Đó là nhìn thấy Chúa Kitô trong mỗi người anh em bé nhỏ chung quanh mình để yêu thương và phục vụ họ như yêu thương chính mình, nhất là với những người đang lâm cảnh thiếu thốn, đói khát, ốm đau; những người đang chịu những bất công trong những số phận hẩm hiu. (x. Mt 25,31-46).

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn tỉnh thức để xa lánh những đam mê lạc thú tạm bợ ở trần gian này. Xin cho con luôn ý thức mình là con của Chúa, vì yêu mến Chúa nên con phải hoàn thiện bản thân mình để được gần Chúa Chí Thánh. Xin cho con biết chia sẻ những của cải, khả năng Chúa đã ban cho con để giúp đỡ những người anh em xung quanh con, nhất là những người khó nghèo, yếu kém, khổ đau, bất hạnh.

Sau cùng xin Chúa cho con luôn ghi nhớ mình sẽ chết, sẽ có ngày đến trình diện Chúa để chịu phán xét về mọi việc làm của con, để nhờ đó con sẽ luôn tỉnh thức và sẵn sàng bằng việc siêng năng học hỏi và thực hành Lời Chúa. Amen.

 Jos. NM Tưởng

Tỉnh thức và cầu nguyện luôn (26.11.2022)

Ghi nhớ:

“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21, 36).

Suy niệm:

Có ba người con gái vì bất đồng với mẹ ruột về việc bà phân chia tài sản nên bàn bạc với nhau rồi nhất trí hành động là: Mua một can xăng đến nhà mẹ đổ ra nền nhà và châm lửa đốt! Hậu quả là cả bốn mẹ con phải nhập viện vì bị bỏng, trong đó ba người bị nặng và một người nhẹ. Sau đó người con gái lớn đã tử vong, còn lại hai người đang trong cơn nguy kịch. Có người độc miệng thì phê phán rằng:

“Gieo gió ắt gặt bão”.

Có người cảm thông thì nói rằng:

Các cô gái kia đáng thương hơn đáng trách. Chỉ vì một phút nóng nảy, thiếu suy nghĩ mà gây ra hậu quả đau lòng! Phải chi các cô hiểu rằng ơn sinh thành thật là cao cả và lớn lao,  phải luôn kính mến và thảo hiếu với mẹ, tôn trọng quyền quyết định của mẹ để rồi bằng lòng với những gì người mẹ đã phân chia! Và của cải chỉ là phù vân nay có mai mất, chỉ có nghĩa nặng tình sâu của người mẹ với bền chặt và đáng trân trọng!

Không có cha mẹ nào lại không thương những đứa con mà mình đã “rứt ruột sinh ra” nuôi cho khôn lớn  và dạy dỗ nên người. Vậy bổn phận của những người con thì phải vâng lời cha mẹ. Con cái mà cứ bắt cha mẹ phải làm theo ý mình là những đứa con bất hiếu. Nếu một đứa con thường xuyên chơi bời lêu lổng, không giúp đỡ cha mẹ công nọ việc kia mà khi lớn , có gia đình rồi lại đòi cha mẹ phải chia của cải bằng những anh chị em luôn làm lụng vất vả để cùng cha mẹ xây đắp cho gia đình thì rõ ràng đó là một đòi hỏi bất công, phi lý!.

Ngày thứ Bảy hôm nay là ngày cuối cùng của lịch Phụng vụ năm C. Lời Chúa nhắc nhở cho chúng ta là luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức ở đây là đừng để lòng minh rơi vào : “Bến mê” có nghĩa là đừng để cho những sự phù vân như ăn uống săy sưa, ham mê sắc dục, tìm danh lợi, tiền bạc để nó làm chủ đời mình! Đừng để những thứ đó làm cho lòng dạ chúng ta ra u mê, mà quên đi mục đích hệ trọng của cuộc sống ở đời này; là đi tìm hạnh phúc Nước Trời. Tất nhiên để sống  thì chúng cần phải ăn, cần phải uống,  nhưng phải nhớ rằng ăn uống chừng mực vì: “ăn để mà sống chứ không phải sổng chỉ để mà ăn”.

Tỉnh thức rồi; đó mới chỉ là một nửa của công việc đi tìm hạnh phúc Nước Trời. Phân nửa còn lại rất quaqn trọng, là phải cầu nguyện luôn. Kinh nghiệm sống đạo cho chúng ta thấy, nhiều khi chúng ý thức được một việc nào đó nếu chúng vi phạm là không tốt, là phạm tội, nhưng vì yếu đuối chúng lại cứ làm. Bởi vậy cho nên chính thánh Phaolo đã phải thốt lên rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Chính vì lý do đó mà chúng ta phải cậy nhờ vào sức mạnh và sự nâng đỡ của Chúa, mà muốn được Ngài nâng đỡ chở che thì chúng tha phải chạy đế để kêu xin cùng Ngài. Bởi chính Ngài đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Tóm lại: Ngoài việc tỉnh thức để phân biệt việc phải làm và việc phải tránh chúng ta còn phải siêng năng cầu nguyện và kết hiệp với Chúa Giê-su qua thánh lễ, nhất là rước Thánh Thể vào lòng, từ đó chúng ta tìm được sức mạnh để có thể đứng vững trước những phong ba bão tố của cuộc sống trần gian mà chờ đợi cho đến ngày Chúa quang lâm.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện, để ngày Chúa gọi con về thì trong mình con luôn đầy đủ hành trang để xứng đáng vào hưởng hạnh phúc Nước Trời muôn đời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sáng suốt nhận định việc phải làm và việc phải tránh.

Đaminh Trần Văn Chính.

Sống tỉnh thức… (27.11.2021)

Tin Mừng hôm nay, kết thúc Bài giảng của Chúa Giê-su nói về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem. Qua đó, muốn cảnh tỉnh con người đương thời chớ để lòng nặng trĩu, lo lắng những sự đời này bởi những nhu cầu vật chất, nhu cầu của đời sống hiện tại… mà quên đi những nhu cầu phần hồn, những nhu cầu thiêng liêng của sự sống đời sau. Đó là, luôn sống với một tâm thức phản tỉnh, chuẩn bị hành trang đi về đời sau bằng những việc đạo đức, sốt sắng kinh nguyện lễ lạy, chu toàn bổn phận một Ki-tô hữu – Ki-tô hữu Đa Minh – mà ta đã được Chúa mời gọi sống trong đoàn sủng của Dòng.

Không ai có thể biết trước ngày tận cùng của cuộc đời. Vậy người Ki-tô hữu cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện, luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận phút giây đó. Để khi đó, ngày cuối đời của mình chính là ngày hồng phúc, ngày được ban thưởng vì ta đã có sự chuẩn bị sẵn sàng; chứ không phải là ngày bất thần chụp xuống, ngày đoán phạt của riêng đời mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng thời buổi hiện tại để biết “…tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Amen.

CÁT BIỂN

Song hành (28.11.2020)

Câu chuyện minh hoạ:

Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế giễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:

– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!

Ông cụ bình tĩnh đáp:

– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp tôi, đừng lao vào cuộc sống sa đoạ như họ.

Suy niệm:

Sau khi Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ biết khi nào Nước trời đến, Chúa Giê-su tiếp tục dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để đón Chúa đến trong giờ cánh chung của mỗi người cũng như của toàn thế giới này. Sống tỉnh thức và cầu nguyện là hai thái độ sống phải song hành với nhau, bằng việc chúng ta sống tốt trong đời sống cầu nguyện qua việc đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ, tham gia các đoàn thể công giáo tiến hành,…. tất cả những công việc đó là phương thế giúp chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Tỉnh thức không phải là điều ai cũng thực hiện được bởi có những người nghĩ mình khỏe mạnh thì biết bao giờ mới chết, mình đang giàu có thì hãy hưởng thụ, cuộc đời còn dài lo chi phải sám hối… Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn nhiều người đến sự chết đời đời.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức và cầu nguyện, để vượt qua những cám dỗ đang từng ngày rảo bước trong cuộc đời con, nhờ đó con xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc với Chúa mãi mãi.

Têrêsa Mai An

Tỉnh thức và cầu nguyện (01.12.2018)

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì vào lúc chúng ta không ngờ nhất, Con Người sẽ đến. Chớ mải mê lo lắng cho sự sống đời này mà quên mất rằng: sự sống vĩnh cửu đời sau mới thực sự là mục đích sau cùng ta hướng đến. Nếu chỉ chăm chú tìm kiếm hạnh phúc cho thân xác dễ hư nát này, ta sẽ phải hối hận vào ngày Chúa quang lâm.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì ngày ấy sẽ đến bất ngờ như cơn Đại hồng thủy thời ông Noe. Khi đó, người ta vẫn say mê chè chén, vẫn dựng vợ gả chồng, mặc kệ lời cảnh báo của ông. Ngày Chúa quang lâm cũng sẽ bất ngờ, khiến người ta sửng sốt, bàng hoàng nếu không có sự chuẩn bị về cả thể xác lẫn linh hồn.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì ngày ấy sẽ đến bất ngờ như chiếc lưới chụp xuống, không ai có thể thoát khỏi “lưới trời lồng lộng” ấy. Ngày ấy sẽ chẳng bỏ sót một ai, hết thảy mọi người đều phải đối diện với cuộc phán xét của Thiên Chúa. Không ai có thể trốn chạy, tránh né ngày sau hết ấy.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì khi ngày ấy đến, người tốt và kẻ xấu được phân ra như chiên với dê. Những người sống đúng lương tâm ngay lành, biết ăn năn, hối cải thì sẽ được đón vào Thiên quốc. Ngược lại, những kẻ chìm đắm trong thú vui xác thịt, ngụp lặn trong tội lỗi, chối bỏ lời mời gọi quay về của Thiên Chúa, họ sẽ phải chìm sâu trong lửa hỏa ngục.

Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Không một ai có thể biết trước khi nào ngày phán xét sẽ đến. Chính vì thế, chúng ta phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, để dù ngày Chúa quang lâm đến vào lúc nào cũng không khiến ta bất ngờ, lo sợ. Ngày ấy không phải là ngày tang thương, đau khổ như Đại hồng thủy mà ngược lại, đó là ngày vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Do đó, chúng ta không cần phải quá lo lắng, sợ hãi mà hãy tỉnh thức và tin tưởng vào sự quan phòng của Người.

Hôm nay là thứ bảy đầu tháng kính nhớ trái tim Đức Mẹ. Chúng ta không quên chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ cầu bầu, chở che và giúp ta vững lòng trông cậy vào Chúa. Hãy để an tâm để Mẹ làm cầu nối giữa chúng ta với Người.

Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con luôn trong tư thế sẵn sàng. Xin cho chúng con biết lắng nghe và đem Lời Ngài ra thực hành, để chúng con biết tỉnh thức, luôn liên lỉ cầu nguyện đón chờ ngày Chúa quang lâm. Xin Ngài đoái thương chở che chúng con cho đến khi ngày ấy đến. Amen.

Petrus Sơn 

Tỉnh thức và cầu nguyện (02.12.2017)

Xã hội đang ngày càng phát triển, quyền lợi của con người cũng theo đó mà tăng lên. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng quyền tự do của mình để tạo nên những vấn đề nhức nhối trong xã hội như hợp pháp hóa việc phá thai, hôn nhân đồng giới, mại dâm… Họ quên mất một điều, cuộc sống này chỉ là tạm bợ, sự sống đời sau mới thực là vĩnh cửu. Do đó, việc tin rằng ngày phán xét còn rất lâu mới xảy đến là một trong những cám dỗ khiến con người trong xã hội hiện đại dễ dàng tin theo nhất.

Tin tưởng vào điều đó, người ta chỉ biết sống cho thỏa mãn đam mê của mình là đủ, chẳng quan tâm ngày cánh chung sẽ đến vào lúc nào. Họ chè chén say sưa, tụ tập ăn chơi, thậm chí nếu các tôn giáo cản trở điều đó, họ sẵn sàng phỉ báng và lên án tôn giáo ấy. Xã hội ngày nay là thế, họ tin tưởng tuyệt đối vào khoa học nhưng không nhận ra khoa học vẫn chưa hoàn hảo vì nó chưa thể giải đáp tất cả thắc mắc hay suy tư của con người. Ấy vậy mà, người ta lại từ bỏ chân lí để đi theo con đường chưa hoàn thiện. Để một ngày, chính họ sẽ trả giá cho những việc làm trái với tín lí, luân lí của tôn giáo.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải tỉnh thức vì con người không thể biết Người trở lại vào lúc nào, Người sẽ đến vào chính những lúc chúng ta không ngờ nhất. Chính vì thế, tỉnh thức và cầu nguyện là những hành động không thể thiếu để chuẩn bị cho ngày ấy. Tuy nhiên, chỉ mình chúng ta cảnh giác vẫn chưa đủ, Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn, Người muốn chúng ta phải đi cảnh tỉnh người đời, không được để họ lún sâu trong tội lỗi vì người không muốn ai hư mất.

Là người Công giáo, chúng ta phải mang trên mình những trọng trách lớn lao: vừa phải tuân giữ Lời Chúa, vừa phải truyền rao chân lý ấy cho mọi người. Để làm được những điều đó, chúng ta không còn cách nào khác ngoài cầu nguyện, vì tự thân chúng ta chẳng thể làm được gì, tất cả đều phải nhờ ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Chính vì thế, ngoài việc tỉnh thức, cầu nguyện là hành động tất yếu mà người Kitô hữu phải thực hành mỗi ngày. Không chỉ vậy, chúng ta luôn phải đối mặt với những kẻ chống đối Giáo hội vì Giáo hội đang cản trở lạc thú của họ, chấp nhận theo Chúa là chấp nhận trở thành kẻ bị người đời ghét bỏ. Do đó, chúng ta cần phải tích cực cầu nguyện nhiều hơn nữa, để Chúa biến đổi suy nghĩ của những người chưa hiểu về Người, khiến họ quay về cùng Người.

Hôm nay cũng là ngày cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta sắp bước vào mùa Vọng – mùa ăn năn và trông đợi. Đây là thời điểm chúng ta phải biết tự nhìn lại bản thân, biết ăn năn, sám hối, dọn mình chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Lễ Giáng Sinh đã được đón nhận ở hầu hết các nơi trên thế giới, do đó, chúng ta hãy biết tận dụng lợi thế đó để tuyền rao chân lí của Chúa đế cho nhân loại. Để được như vậy, chúng ta cần phải tích cực cầu nguyện, đặc biệt là trong mùa Vọng, hầu có thể đem Chúa đến cho tha nhân mỗi ngày một gần hơn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con phải biết tỉnh thức và cầu nguyện, chúng con sẽ có gắng hết mình để thực hiện điều đó. Nhưng vì là phận người yếu đuối, chúng con cần sự trợ giúp của Ngài. Xin ban cho chúng con một niềm tin vững vàng, để chúng con biết tin tưởng tuyệt đối vào tin yêu và Lòng Thương Xót của Ngài. Để từ đó, chúng con biết đem Ngài đến với anh em, đặc biệt là trong mùa Vọng sắp tới. Amen.

 Petrus Sơn

Tiết độ trong mọi hành vi (26.11.2016) 

1. SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu nói với các môn đệ, cũng như những ai đặt trọn niềm tin vào Người, về việc chuẩn bị và ứng phó trong khi chờ đợi ngày quang lâm của Người.

Sau khi mặc khải về ngày cánh chung và những điềm báo về ngày ấy; Đức Giêsu dặn dò các môn đệ “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề…”, phải cảnh giác và chuẩn bị cho mình những khả năng cần thiết để có thể vượt qua những thử thách lớn lao khi ngày ấy xẩy đến, mà vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu nhấn mạnh: “chè chén say sưa, lo lắng sự đời” sẽ làm cho lòng con người ra nặng nề và Người dạy phải cẩn trọng, đề phòng.

Ăn uống và lo toan cho cuộc sống là những hoạt động tất nhiên trong đời thường của con người; tuy nhiên, khi các “đam mê” không được kiểm soát, dục vọng sẽ trỗi dạy làm chủ, chi phối các hành vi khiến con người sa đà vào các tật xấu, quên đi phẩm giá của mình, quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ và xúc phạm đến người khác; Đức Giêsu muốn các môn đệ nỗ lực canh tân, biến đổi cách sống để xứng hợp hơn với danh phận môn đệ của Người và  danh phận con cái Thiên Chúa; điều này được Hội thánh của Người gồm tóm trong bản kinh “Cải tội bẩy mối”: Rèn luyện các nhân đức nhân bản, để kết hợp với các nhân đức siêu nhiên mà nên trọn hảo như lòng Chúa mong ước.

Khi ngày ấy xảy đến, Đức Giêsu dùng hình ảnh chiếc lưới của người ngư phủ được tung ra và chụp xuống đàn cá để mô tả sự bất ngờ đến kinh hoàng dành cho mọi người, mọi dân tộc. Ngày cánh chung đến với từng người đó là giờ chết của chúng ta và đến với toàn thể nhân loại (đó ngày cánh chung), để thiết lập một trời mới, đất mới, cho những con người được đổi mới nhờ Đức Giêsu Kitô. Và để giúp con cái của Người có thể đứng vững trong những ngày khốn cùng ấy, Đức Giêsu dạy mọi người: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Tỉnh thức là nhận biết thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình; dễ sa ngã, tan vỡ trước mưu kế cám dỗ của ba thù là ma quỷ, thế gian, và dục vọng thấp hèn nơi bản thân; đồng thời mong muốn vượt thoát khỏi ảnh hưởng, sự kìm tỏa của chúng mà sống xứng đáng với phẩm giá là Kitô hữu, là con cái Thiên Chúa.

Tỉnh thức gồm hai yếu tố căn bản: đó là thái độ chọn lựa (chọn lựa Đức Giêsu là Chúa và là chủ đời mình), ý thức mình đã thuộc về Người nhờ bí tích Thánh Tẩy và hy vọng được hưởng hạnh phúc Người hứa ban. Tiếp đến là sự tuân phục và yêu mến; tin tưởng, cậy trông, sẵn lòng thực thi giáo huấn của Người và làm vinh danh Người; như thánh Phao-lô đã dạy các tín hữu ở giáo đoàn Cô-rin-tô: “Dù ăn, dù ngủ hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì danh Đức Giêsu Kitô”

Cầu nguyện luôn, cầu nguyện không đơn thuần là cầu xin Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ trong cuộc sống; nhưng là sự gắn bó, tâm giao với Ngài. Cuộc sống tạm bợ trần thế chỉ là phương tiện, là cơ hội để con người vốn là loài thụ tạo, hay hư nát, được biến đổi –  thánh hóa nhờ công trình cứu độ của Con Thiên Chúa làm người và những ân sủng Người ban cho. Và để đạt được mục đích sống, con người được mời gọi liên kết với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

Những tâm tư ước nguyện, cả những tâm tình thờ phượng, cảm tạ, ngợi khen được trao dâng lên Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc; nhất là trong các giờ cử hành phụng vụ chung của Hội thánh như: Thánh lễ, giờ kinh Phụng vụ và các việc đạo đức khác. Nhờ mối tương giao thường xuyên giữa chúng ta và Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng nhận ra thánh ý Chúa và những nhu cầu chính đáng của người tín hữu để thực hiện và tôn vinh Ngài. Như vậy, giống như hơi thở, như nhịp đập của con tim làm cho thân xác tự nhiên sống động; thì cầu nguyện cũng sẽ làm cho đời sống siêu nhiên của người tín hữu thêm phong phú nhờ sự sống thần linh của Thiên Chúa luân chuyển trong ta.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

-Ý thức mình là con cái Thiên Chúa, được mời gọi nên thánh và thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời.

-Tránh xa những cám dỗ trần thế để tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến trong cuộc đời, cũng như ngày cánh chung của nhân loại.

-Năng kín múc ân sủng của Chúa nơi Thánh lễ, các bí tích và việc đọc, suy niệm Lời Chúa; để bổ dưỡng đời sống siêu nhiên.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết cậy nhờ ơn Chúa mà sống lời kinh “cải tội bẩy mối có bảy đức” Hội thánh đã dạy chúng con; đồng thời cũng xin Chúa ban thêm sức thiêng, để con tỉnh thức trong cách sống đạo thường ngày và biết kết hiệp với Chúa cách liên lỉ.

3. SỐNG TIN MỪNG

Tín thác vào Chúa quan phòng trong suy nghĩ và cuộc sống thường ngày.

Cầu nguyện trong mỗi công việc (28. 11. 2015)

Ghi nhớ: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt con người”. (Lc 21,36).

Suy niệm: Việc Chúa đến không còn loan báo bằng những dấu hiệu nữa, nhưng được báo là xảy ra cách bất ngờ, không thể tiên liệu. Hôm nay, ngày cuối của năm phụng vụ, Hội Thánh muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị không gì khác hơn là một lối sống trung thành, luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức là luôn ở trong tư thế tỉnh táo và chuẩn bị kịp thời để ra đón Chúa. Song song với tư thế chuẩn bị chúng ta còn phải biết sống phó thác vào Chúa qua việc cầu nguyện xin Người giúp sức, vì con người yếu đuối không thể làm gì được nên xin Người nâng đỡ giúp đứng vững trước cám dỗ và trong ngày Chúa đến.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện trong mỗi công việc.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Vì chúa có thể gọi mỗi người chúng con bất cứ lúc nào. Xin cho chúng con biết chuẩn bị sẵn sàng và đừng lìa xa Chúa bao giờ. Amen.

Tỉnh thức và cầu nguyện (29/11/2014)

“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21,36)

Suy niệm: Sống trên đời này ai lại không bị cám dỗ; ngay cả Chúa Giê-su cũng chịu ma quỷ cám dỗ nữa là…! Cuộc chiến chống lại cám dỗ do ma quỷ cầm đầu luôn là một cuộc chiến hết sức cam go. Quả thật, nó tấn công chúng ta ngày càng nhiều và tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Hơn nữa chúng ta không chỉ bị vây bọc tứ bề bởi môi trường xã hội đầy dẫy những mời mọc, khêu gợi cho một lối sống hưởng thụ buông thả, mà tệ hơn nữa, còn có những “tên nội gián” là những tham-sân-si “nằm vùng” tận đáy sâu tâm hồn chúng ta. Vì thế, lời dặn dò của Đức Giê-su hôm nay lại càng trở nên khẩn thiết hơn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”

Mời Bạn: Một trong những thứ cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà chà đạp lên quyền lợi kẻ khác. Phương thế để chiến thắng cơn cám dỗ chính là phương thế của Chúa Giê-su. Đó là mở tung cách cửa tâm hồn mình cho Chúa Thánh Thần vào để Ngài đổ tràn vào tâm hồn ta sức sống thần linh.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi vừa thức dậy, tôi mở đầu một ngày sống bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần. Và trong ngày, khi bắt đầu một công việc hoặc khi gặp cơn cám dỗ, tôi cũng cầu xin Chúa Thánh Thần giúp tôi chiến đấu và chiến thắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương gìn giữ con tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể tránh xa các cơn cám dỗ kẻo làm con mất ơn nghĩa với Chúa. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *