Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 2 Sm 11,1-4a.5-10a.13-17 (năm chẵn), Hr 10,32-39 (năm lẻ), Mc 4,26-34
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 4,26-34)
26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”
30 Rồi Người lại nói : “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Hạt giống từ Trời nảy mầm trong lòng người (27.01.2023)
Mỗi dịp Xuân về, khởi đầu cho một năm mới là chương trình thăm viếng các anh chị lão thành của huynh đoàn chúng tôi, mỗi chi trưởng rà soát lại trong chi mình phụ trách, những anh chị tuổi đời từ 80 trở lên đang đau yếu, cô đơn…, lập danh sách gởi về Ban Phục Vụ. Năm nay, chúng tôi nhận được danh sách tổng cộng là 24 anh chị, đan xen trong câu chuyện thăm hỏi, là dịp chúng tôi được biết thêm về các anh chị khi ở tuổi trung niên rất nhiệt thành tham gia sinh hoạt trong Huynh đoàn, ngày ấy mọi người vẫn quen gọi là Dòng Ba Đa Minh. Theo lời kể của các bậc lão thành thì Dòng Ba ở giáo xứ chúng tôi được hình thành từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2006 mới có văn thư thành lập Huynh Đoàn của quý Bề Trên Giám Tỉnh -Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính thức công nhận. Nhiều năm trôi qua, nhớ lại kỷ niệm trong đó có những anh chị thời ấy đã được Chúa gọi về. Điều mong đợi của các anh chị lão thành còn lại là lời cầu nguyện cho nhau, vì lâu nay các anh chị không còn trực tiếp hiệp hành với chúng tôi trong giờ nguyện kinh nữa. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã giữ gìn các anh chị bình an trong suốt năm qua.
Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay theo thánh Marcô: “Chúng ta sẽ lấy gì để hình dung nước Thiên Chúa? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất . Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn…“ Mc 4,30-32. Hạt giống Thiên Chúa đã gieo vào lòng thế giới trải qua bao thế kỷ vẫn trường tồn, và vẫn âm thầm nảy mầm trong các gia đình Công giáo. Nhờ sự kiên trì tin tưởng của các thế hệ cha ông ta ngày trước, dù phải trải qua bao gian truân thử thách nhưng người Kitô hữu vẫn kiên trung phó thác vào Thiên Chúa.
Huynh đoàn là một trong nhiều hội đoàn: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Lòng Chúa Thương Xót, Cát Minh… trong giáo xứ. Với mục đích thu hút mọi người vào sinh hoạt và góp phần đưa giáo dân vào nếp sống đạo đức theo chiều phát triển của Giáo Hội. Và cũng có anh chị em dùng thời gian nhàn rỗi để tham gia nhiều hội đoàn, qua các giờ nguyện kinh thêm lòng yêu mến Thiên Chúa. Từ các hội đoàn, quý Cha Chánh xứ, quý Cha Linh Hướng sẽ truyền tải được những thông điệp mà Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận mong muốn người giáo dân thực hiện.
Hiện nay, Huynh đoàn trong giáo xứ vẫn giữ nếp sinh hoạt từ nhiều năm trước, tuy số lượng đoàn viên ít hơn, ơn gọi của người giáo dân Đa Minh cũng giảm theo thời gian, nhất là giới trẻ. Có phải do xu hướng ngày nay con người bị chi phối để thỏa mãn các nhu cầu vật chất cho bản thân và gia đình, nên tâm hồn trở nên thờ ơ vì những bận bịu lo toan làm giàu hay hoạt động Huynh đoàn chưa đủ lực mời gọi?
Lạy Chúa, bước sang năm mới này xin cho chúng con luôn biết giữ niềm tin trông cậy và tôn thờ Chúa, nguyện xin Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng mỗi người tình yêu trong Chúa và trong anh chị em mình.
Anna Anh
Hạt giống Giêsu (28.01.2022)
Lễ Kính Thánh Tô-ma A-qui-nô, OP, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mùa xuân đến mang theo làn gió vui tươi thổi bay những ưu tư, làm nhịp sống trở nên sinh động trên khắp nẻo đường thành phố Sài Gòn, là thời điểm thu hoạch của những làng nghề ở các tỉnh thành chuyên ngành trồng hoa, cây cảnh, công nghệ trồng hoa, cây cảnh gắn liền với điều kiện đất đai và khí hậu phải phù hợp với loại hoa, cây cảnh để có năng suất cao. Hoa không chỉ làm đẹp cho các tòa nhà cao tầng sang trọng ở trung tâm, mà tại các khuôn viên giáo xứ cũng bày trí rất nhiều chậu hoa mùa xuân, góp phần làm cho khung cảnh ngày xuân vui tươi, rộn ràng hơn, với những câu chúc mừng năm mới, mừng Xuân yêu thương. Cả thành phố cùng hòa mình chung một lời cầu nguyện với Đấng Tối Cao ước mong năm mới bình an, hạnh phúc và mọi điều tốt lành cho mọi người.
Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay theo thánh Máccô: “ Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”. Thiên Chúa đã gieo một hạt giống có tên Giêsu vào lòng thế giới. Người Kitô hữu đã đón nhận hạt giống ấy như thế nào? Mỗi tâm hồn chúng ta như thuở đất nếu phì nhiêu màu mỡ, thì hạt giống gieo vào lòng đất sẽ lớn lên theo thời gian và sinh nhiều hoa trái thánh thiện, nhưng nếu là đất cằn cỗi, hay nhiều sỏi đá thì sao? Cây không phát triển được và thậm chí bị dập vùi. Làm sao để đời sống người Kitô hữu góp phần làm nảy sinh sự sống mới và nền văn minh mới, nền văn minh tình thương. Thánh Phao-lô từng nhắc nhở: “Chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi vì tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tùy mình đã làm lành hay đã làm dữ” (2 Cr 5, 9-10).
Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện điều gì trong dụ ngôn tiếp theo của bài Tin Mừng: “Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Có phải Chúa muốn nhắc nhở các bậc cha mẹ công giáo nhận biết rằng: gieo hạt giống Tin Mừng vào tâm hồn con trẻ từ thuở nhỏ và vào đời sống gia đình của mình là chúng ta đang vun đắp cho truyền thống đạo đức tương lai của thế hệ sau. Chúng ta cùng hưởng ứng theo Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi toàn thể Hội Thánh suy tư về một chủ đề “hướng tới một Hội Thánh hiệp hành”, theo hướng canh tân Hội Thánh, lắng nghe và ghi nhận tất cả ý kiến của giáo dân thuộc các giáo xứ trên toàn thế giới đề xướng với Giáo Hội một hành trình làm sao để mọi người cùng nhau đi trên một con đường để cùng tới đích Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin uốn nắn chúng con có tinh thần hiệp hành theo hướng chung của Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới và Hội đồng Giám Mục Việt Nam nói riêng, với niềm tin vào ân sủng của Thiên Chúa, hạt giống sẽ có ngày nở hoa yêu thương và nhân ái, đem lại hạnh phúc và bình an cho gia đình cũng như xã hội. Như lời thánh Phao-lô : “Tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3, 6).
Anna Anh
Dụ ngôn hạt giống và hạt cải (29.01.2021)
1. Ngôn ngữ “dụ ngôn”
Sau khi kể lại một loạt dụ ngôn mà Đức Giê-su đã dùng trong lời giảng của mình, dụ ngôn người gieo giống, dụ ngôn cái đèn, dụ ngôn đấu đong, dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải, thánh sử Mác-cô kết luận:
Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn.
Câu nói này của thánh Mác-cô rất là triệt để và chúng ta cần lưu tâm cách đặc biệt; bởi lẽ theo đó, dụ ngôn không chỉ là một trong những cách thức giảng dạy của Đức Giê-su, nhưng còn là chính cách thức giảng dạy của Người; hay ít nhất chúng ta có thể nói rằng, một mình cách giảng dạy bằng dụ ngôn đủ để diễn tả toàn bộ lời giảng của Đức Giê-su. Một nhà chú giải còn đi xa hơn khi nói rằng, Đức Giêsu là “Dụ Ngôn của Thiên Chúa” cho con người. Trong bài tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô, trong bài Tin Mừng hôm nay còn nói:
Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau,
thì Ngài giải thích hết.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự khó hiểu của các dụ ngôn, cũng giống như các môn đệ xưa; và vì thế chúng ta cảm thấy có nhu cầu học hỏi. Đúng là phải học, nhưng điều này vẫn chưa đủ, thậm chí không phải là yếu tố quyết định; bởi lẽ lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng chúng ta cần ở lại với Đức Giê-su (thay vì thấy khó rồi bỏ đi), im lặng lắng nghe chính Ngài giải thích. Chính tương quan thiết thân với Đức Kitô, và sự hiểu biết Đức Kitô mà thánh Phaolô nói tới trong thư Phi-líp-phê mới là quyết định để hiểu các dụ ngôn: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Phil 3, 8)
Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường và từ thiên nhiên. Nhưng các dụ ngôn lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta được mời gọi nhớ lại bao nhiêu có thể những dụ ngôn mà Đức Giêsu đã kể trong các Tin Mừng và xin Chúa dẫn chúng ta vào “những điều kín ẩn” ở bên dưới các dụ ngôn, như thánh sử Mát-thêu nói:
Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. (Mt 13, 33-34)
2. Dụ ngôn hạt giống và hạt cải
Khi nói đến Nước Thiên Chúa, chúng ta thường nghĩ ngay đến năng lực của con người: con người yếu đuối, tội lỗi, bất lực; thế giới và xã hội chúng ta đang sống đầy hỗn mang, lệch lạc, ô nhiễm… Nhưng, để giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, lời của Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta chiêm ngắm năng lực của thiên nhiên, đúng hơn là năng lực của một trong những điều nhỏ bé nhất của thiên nhiên, để nhận ra điều kì diệu vượt qua mọi nỗ lực của con người: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất… Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.” (c. 26 và 31)
Đó là năng lực của hạt lúa, đó là năng lực của hạt cải. Đúng là trong hai dụ ngôn nhỏ này, Đức Giê-su hình như xem nhẹ công sức của con người. Tuy nhiên, đó lại là sự thật của muôn đời: dù con người có cố mấy đi nữa cũng không thể thay thế được sức sống của thiên nhiên, dù hiểu biết khoa học của con người có tiến bộ mấy đi nữa cũng không thấu hiểu được thiên nhiên, nhất là sự sống trong thiên nhiên. Nhưng xét cho cùng, với những dụ ngôn này, Đức Giêsu không muốn dạy chúng ta về thế giới thực vật, nhưng Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm thiên nhiên để cảm nghiệm được năng lực ẩn dấu nhưng thật mạnh mẽ và kì diệu của Nước Thiên Chúa, của Hạt Giống Giê-su, ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua, nẩy mầm, thành cây, trổ đòng đòng và thành “bông lúa nặng trĩu hạt”.
Thật vậy, hai dụ ngôn hạt giống và hạt cải thật nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt giống và hạt cải nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong đời sống dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh đồng lúa trĩu hạt và chín vàng và hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt lúa và hạt hạt cải đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống. Hạt giống thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ tạo nên mùa màng bội thu và trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống chính là Lời Chúa. Như chính Đức Chúa đã tuyên bố:
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 11)
3. Hạt Giống “Giê-su”
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: «Anh em là bạn của Thầy» và «Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình» (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một. Hạt giống là chính Đức Giê-su, là Sự Thiện và Sự Sống nơi Người, mạnh hơn Sự Dữ và Sự Chết, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Trong thiên nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được ghi khắc, và không chỉ mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng đỉnh cao của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nghĩa là mầu nhiệm Vượt Qua, cũng được khi khắc trong thiên nhiên, khi Đức Giêsu nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12, 24)
Đức Giê-su ví lời của mình và chính bản thân mình với hạt giống. Như thế, trong thiên nhiên, còn ghi khắc mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Và nếu trong thiên nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc thật rõ nét, thì trong lịch sử loài người, trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống và trong chính cuộc đời của mỗi người chúng ta, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua còn được ghi khắc rõ nét hơn biết bao. Có thể nói, cuộc đời của chúng ta như thế đó cũng là một dụ ngôn nói về Nước Thiên Chúa, về mầu nhiệm Vượt Qua.
Xin cho con tim chúng ta bừng cháy, khi nhận ra “điều kín ẩn” này và quảng đại mở lòng ra để cho Chúa Thánh Thần hoàn tất mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm Vượt Qua nơi cuộc đời của chúng ta.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Sự kỳ diệu của hạt giống (31.01.2020)
Ngày 31.01: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Bốt-cô, linh mục
Tin Mừng sáng hôm nay giới thiệu cho chúng ta về dụ ngôn hạt giống đã âm thầm mọc lên, nhấn mạnh đến sức nuôi sống khó cưỡng lại của đất. Đất làm cho hạt giống nẩy mầm, mọc lên thành cây rồi đâm bông kết trái, tất cả đều diễn biến và trải qua một quá trình phát triển hài hoà. Con người chỉ đóng vai trò chủ động là thu hoạch khi mùa gặt đến. Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống ấy để trình bày sự tăng trưởng kỳ diệu của Nước Thiên Chúa. Tựa như hạt giống âm thầm lớn lên cho đến ngày đem lại kết quả mỹ mãn, Nước Thiên Chúa ấy cũng đang lặng lẽ tăng trưởng từng giây phút cho đến ngày thành toàn, không ai có thể ngăn cản được sự tăng trưởng đó.
Dụ ngôn hạt giống bé nhỏ nhoi
Chọn đất phì nhiêu vãi kịp thời
Thời gian năm tháng trôi qua đấy
Trở thành cây to quá đi thôi
*
Chim chóc bốn phương ở khắp nơi
Bay về trú ngụ rợp khắp trời
Sinh sôi nẩy nở thêm đông đúc
Thân thương thắm thiết chẳng hề vơi
Dụ ngôn hạt cải cũng tạo được niềm phấn khởi và lạc quan cho con người và cuộc sống. Sự lớn lên kỳ diệu của hạt cải nói lên sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Khi dùng dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tạo niềm tin tưởng nơi các môn đệ, Ngài không để các môn đệ phải lo âu dao động trước những khó khăn trong buổi đầu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa. Do đó, Ngài không ngại khi bảo rằng hạt cải mọc lên lớn hơn các thứ rau khác, cành lá của nó xum xuê đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy sức mạnh của Ngài và sự kỳ diệu của công trình Ngài thực hiện.
Dụ ngôn nói đến Nước Trời
Lúc đầu nhỏ bé, nhưng rồi lớn nhanh
Tin Mừng loan báo đạt thành
Giáo Hội phát triển như cành trổ hoa
*
Năm châu, bốn biển một nhà
Phụng thờ Thiên Chúa là Cha nhân hiền
Điểm tô vun đắp triền miên
Nghĩa tình chân thật nối liền dựng xây
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải tin tưởng vào Chúa. Ngài đã gieo trồng hạt giống trong chúng ta, Ngài hiểu được điều gì đang xảy ra, đang chuyển biến, cho dù chúng ta chẳng hề nhận biết. Chúng ta cần phải kiên nhẫn, đừng nản lòng. Tốt hơn là chúng ta nên tiếp tục vun xới hạt giống trong lòng chúng ta bằng việc thường xuyên cầu nguyện với Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích và thể hiện đời sống tốt lành bên những người đang sống chung quanh chúng ta.
Nước Trời tỏa sáng tràn đầy
Người Ki-tô hữu sum vầy yêu thương
Nước Trời rộn rã muôn phương
Vinh quang hạnh phúc Thiên Đường Nhà Cha
Cùng nhau hát khúc hoan ca
Đồng tâm hiệp sức thiết tha mặn nồng
Lạy Chúa! Xin Chúa giúp chúng con luôn biết gieo vãi niềm vui và hy vọng cho mọi người trong hành trình cuộc sống của chúng con, để mỗi bước chân chúng con đi luôn để lại dấu ấn của tình yêu thương sự hiệp nhất cho mọi người. Amen.
HOÀI THANH
Hạt giống
Một trong những hạt giống kỳ lạ nhất trên thế giới, đó là hạt giống của một loại tre bên Trung Quốc. Nó nằm trong lòng đất suốt 5 năm rồi mới ló chồi non lên trên mặt đất. Trong khoảng thời gian này, người ta phải chăm sóc, phải tưới nước, phải bón phân đều đặn cho nó. Thế nhưng một khi đã trồi lên khỏi mặt đất thì chỉ trong vòng sáu tuần, nó sẽ mọc lên cao tới 5 mét. Các chuyên gia cho rằng suốt thời gian 5 năm trong lòng đất, hạt giống của loại tre ấy đã hình thành một hệ thống rễ phức tạp. Nhờ hệ thống rễ này, mầm non có thể tăng trưởng một cách mau chóng.
Từ hình ảnh trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, hạt giống Nước Trời cũng giống như hạt giống của loại tre Trung Quốc. Nó cần một thời gian dài trước khi trồi lên. Đôi khi thời gian này quá lâu khiến chúng ta băn khoăn tự hỏi: Liệu hạt giống Nước Trời được gieo vào tâm hồn ngày nhận bí tích Rửa Tội đã bén rễ chưa? Hay đã bị tội lỗi là như những sỏi đá và gai góc bóp nghẹt mất rồi? Nói một cách thực tế, những điều trên có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Tôi xin thưa có hai ý nghĩa.
Ý nghĩa thứ nhất đó là chúng ta phải tin tưởng vào Chúa. Ngài đã gieo trồng hạt giống trong chúng ta, Ngài hiểu được điều gì đang xảy ra, đang chuyển biến cho dù chúng ta chẳng hề nhận biết. Ý nghĩa thứ hai đó là chúng ta cần phải kiên nhẫn. Dù Nước Trời xem ra như không phát triển gì cả trong chúng ta, nghĩa là chúng ta dường như chẳng thánh thiện gì hơn trước. Chúng ta đừng nản lòng. Tốt hơn chúng ta nên tiếp tục vun xới hạt giống trong chúng ta bằng việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mẫu gương kiên nhẫn này chúng ta có thể học được nơi các bậc cha mẹ.
Ai cũng biết rằng việc gầy dựng một gia đình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và phó thác. Thực vậy, cha mẹ không thể lúc nào cũng có mặt bên cạnh con cái. Vì thế họ phải tin tưởng và phó thác vào chúng. Nếu như thỉnh thoảng sự tin tưởng ấy bị phản bội, thì lúc đó các ngài vẫn tiếp tục tha thứ và tin tưởng vào con cái mình. Hơn nữa, đôi khi cha mẹ thấy con cái mình chậm phát triển, chậm trưởng thành. Vậy phải làm gì? Họ càng phải yêu thương đứa bé hơn và tiếp tục kiên nhẫn đối với nó.
Chúng ta cũng hãy tin tưởng và kiên nhẫn như thế, bởi vì sẽ có ngày Nước Chúa sẽ trồi lên từ tâm hồn chúng ta và phát triển thành một thực tại vinh quang mà muôn đời chúng ta sẽ phải cảm tạ Chúa luôn mãi. Tóm lại, Thiên Chúa đã trồng hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải nuôi dưỡng nó với lòng tin tưởng và kiên nhẫn, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để rồi đức tin sẽ nẩy mầm, lớn lên và đem lại hoa trái cho cuộc đời chúng ta.
Gieo Lời Chúa (29.01.2016)
“Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Nếu ta gieo một hạt lúa xuống đất, rồi cứ 5 phút ta moi lên coi thử xem chuyện gì đã xảy ra cho nó, có lẽ ta sẽ tưởng rằng nó đã chết, nhưng chính lúc ấy cả một qui trình vận hành phức tạp đã bắt đầu khởi động bên trong hạt lúa ấy. Những người nông dân tuy không học lập trình, nhưng họ đã biết vận dụng tiến trình phát triển của hạt lúa một cách nhuần nhuyễn trong việc canh tác của mình. Để hạt giống phát triển, họ làm phần của họ: chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho hạt giống: cày xới đất, bón phân, làm cỏ, v.v… Hạt giống cứ âm thầm phát triển theo qui luật: nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết hạt và trở thành một vụ mùa bội thu. Sức mạnh âm thầm của Lời Chúa cũng thế: một khi hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, hạt giống đó sẽ âm thầm mọc lên và sinh hoa trái, bất chấp mọi thế lực cản phá.
Chúng ta hãy cùng nhau làm công việc “canh tác Lời” của Thiên Chúa. Chúa muốn tuyển chúng ta làm người cày bừa, gieo giống, chăm bón, làm cỏ hay thu hoạch hoa màu trong cánh đồng thế giới. Việc của chúng ta là làm chứng cho Ngài cách kiên trì và luôn luôn hy vọng; phần còn lại hãy để sức mạnh âm thầm của Lời Chúa hoạt động.
Là một phần tử nhỏ trong gia đình Đa Minh VN, tôi lại không có tài lợi khẩu, nên chỉ biết âm thầm gieo vãi Lời Chúa bằng chính cuộc sống yêu thương chân thành với mọi người, ấy thế mà qua thời gian lâu dài…, chính Lời Chúa mà tôi luôn kính yêu và cố gắng tuân giữ , đã cảm hóa được nhiều tâm hồn chai đá ra mềm mại ,và biến đổi tốt đẹp trong ánh sáng Lời Chúa vinh quang ngàn đời.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết kiên trì gieo vãi Lời Chúa bằng chính cuộc sống thực thi Lời Chúa nơi con, để mùa xuân cuộc đời được nở hoa công chính, cho muôn người biết hướng đến mùa xuân yêu thương vĩnh hằng nơi quê trời ngày mai…
BCT
Nước Chúa phát triển âm thầm và khiêm tốn
“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên bằng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc 4,27)
Khi tôi gieo hạt giống xuống đất, tôi không cần ngồi cạnh hay thức khuya để nhìn xem hạt giống nảy mầm. Nhưng tôi tin chắc rằng: Đêm hay ngày, dù tôi có ngủ hay thức thì hạt giống vẫn vươn vai mạnh mẽ. Bởi vì hạt giống tự nó có sức phát triển từ khi còn là một hạt nhỏ tí, nhưng nó lại trở thành một cây cao lớn.
Chúa đã dùng hình ảnh này để nói lên sức mạnh của nước trời trong mảnh đất tâm hồn nơi mỗi người tín hữu. Nước Trời chính là Đức Giêsu, là lời của Ngài. Khi con người đón nhận Đức Giêsu, con người sẽ được biến đổi và sinh hoa kết quả dồi dào. Trong mỗi con người khi được Thiên Chúa tạo dựng, Ngài đã gieo vào lòng người đó một sự hướng thiện.
Người ta thường bảo: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người mới sinh ra đã có lòng thiện hảo. Trong cuộc sống đời thường dù biết sức mình tài hèn sức mọn, đức tin còn kém cỏi nhưng cậy dựa vào ơn Chúa, tôi đã cố gắng vẫn cố gắng và sẽ mãi cố gắng. Ừ tại sao tôi lại không thể làm những điều tốt đẹp cho anh em tôi? Một cái bắt tay hay một nụ cười, một lời nói dịu dàng thăm hỏi ủi an hay một ánh mắt sẻ chia khi anh em tôi đang gặp thử thách, một sự ân cần giúp đỡ người khác trong khả năng của tôi.
Những việc nhỏ bé, tầm thường tôi đã cố gắng để giúp anh em mình vượt qua bi quan thất vọng, lấy lại niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Đó chính là tình yêu thể hiện lòng tốt, là tinh thần bác ái, sự cảm thương với tha nhân cùng niềm tin vào Chúa, để rồi theo thời gian với ơn Chúa ban, mỗi người sẽ dần dần hoàn thiện mình cho đến ngày về với Chúa. Cứ như thế qua những việc làm hàng ngày, nước Chúa âm thầm khiêm tốn lớn lên và lan rộng khắp nơi trên toàn thế giới.
Lạy Chúa, xin thánh hóa công việc nhỏ bé con làm để nên lợi ích to lớn cho con. Ước mong những hạt giống nhỏ nhoi đó trở thành những cây xanh, tươi mát đem lại cho người khác niềm vui và làm cho nước trời ngày càng lớn mạnh. Amen.
THANH ANH NHÀN