Cộng tác với Chúa (26.01 – Lễ Nhớ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 26.01: Lễ Nhớ Thánh Ti-mô-thê và thánh Ti-tô

 Lời Chúa:  2 Tm 1,1-8 (hay Tt 1,1-5), Lc 10,1-9


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,1-9)

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

Cộng tác với Chúa (26.01.2024)

Chúa Giếu không chỉ sai 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Ngài còn sai cả 72 môn đệ. Điều này có một ý nghĩa quan trọng. 12 tông đồ thì có tên tuổi rõ ràng, là những nhân vật quan trọng, là thành phần ưu tuyển, có thể ví như các Giám mục, Linh mục, tu sĩ ngày nay. Còn nhóm 72 là một đám đông không xác định, không có tên tuổi cụ thể, rõ ràng…có thể nói là tất cả chúng ta, những người giáo dân thuộc về Giáo Hội của Chúa…Quả thế, khi được chịu phép Rửa tội, chúng ta mang trong mình sứ vụ đi loan tuyền Tin Mừng của Chúa đến khắp muôn dân…. Có thể nói khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Thế nhưng vấn đề được đặt ra là : Người giáo dân với những kiến thức về tín lý thì hạn hẹp, lối sống thì tầm thường, có khi còn vướng mắc bao nhiêu là tội lỗi… Thân mình lo cho mình còn chẳng xong thì làm sao mà cho cho ai?

Xin thưa: một trong những cách người giáo dân rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh hiện nay là sống giá trị Tin Mừng bằng chính cuộc sống đời thường của mình. Trong chính cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy làm cho hình ảnh Chúa Giêsu được lớn lên trong gia đình, trong cách ăn nết ở và lối cư xử của ta, để mọi người nhận ra ta là hình ảnh của Thiên Chúa:
* Có một cô bé mới chỉ bốn tuổi mà đã có thể yêu cầu được ba của em làm dấu đọc kinh trước bữa ăn. Trưa hôm đó, ngồi vào bàn, em nhìn ba và khẽ nói:

– Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.

Và người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.

* Câu chuyện thứ hai: Một bé trai 5 tuổi được chẩn đoán có khối u trong dạ dày cần được phẫu thuật. Về sau bác sĩ giải phẫu đã kể lại câu chuyện mổ cho em như sau:

“Hôm đó, em bé được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê, tôi nói với em rằng:

– Bác sĩ sắp sửa giúp con khỏi bệnh. Nhưng trước hết con cần phải qua một giấc ngủ nhé”. Nghe nói sắp đi ngủ, em bé đã nói:

– Vậy xin bác sĩ cho con cầu nguyện trước khi đi ngủ.

Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Nhìn thấy cảnh em cầu nguyện, vị bác sĩ và mấy y tá đều cảm động rưng rưng nước mắt. Vị bác sĩ kể tiếp: Sau đó, tôi tự nhiên cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên đã đi xưng tội sau 20 năm, và từ đó mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện”.

 Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh chúng con còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

Rao giảng tin mừng trên quê hương

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người phàm để cứu độ nhân loại. Người là Đấng Cứu Độ duy nhất, nhưng Người không cứu độ một người hay nhóm người, mà Người cứu độ cả nhân loại. Chúa Giêsu muốn con người cộng tác với Người và cộng tác với nhau để làm lan tỏa Ơn Cứu Độ của Người.

Sau một thời gian đi rao giảng và gọi các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu đã chọn lập Nhóm Mười Hai, dạy dỗ họ, ban cho họ quyền năng trừ quỷ và chữa bệnh rồi sai họ đi rao giảng (Lc 6,12-16. 9,1-6). Tin Mừng Matthew còn cho biết rõ Chúa Giêsu sai Nhóm Mười hai đi với chỉ thị : “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” (Mt 10,5-6). Ngay chính Chúa Giêsu cũng xác định nhiệm vụ ban đầu của Người là “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi” (Mt 15,24).

Thực tế có lần Chúa Giêsu và môn đệ đi lên Giêrusalem, ngang qua xứ Samari, các ngài định vào một làng nhưng dân ở đó đã không đón tiếp người (Lc 9,51-53).

Sở dĩ Chúa Giêsu chỉ thị cho các tông đồ như vậy vì quyền ưu tiên của dân Chúa đã chọn và Người thực hiện như các ngôn sứ đã tiên báo việc Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một Mục tử chăn giữ đoàn chiên của Chúa (x. Is 40,11; Ed 34,23 ; 37,24). Thiên Chúa thực hiện chương trỉnh cứu độ nhân loại của Người thông qua một dân Chúa chọn là Israel.

Nhưng trong Nước Israel mới do Chúa Giêsu thiết lập thì dân Israel không còn độc quyền Thiên Chúa nữa, mà mọi dân tộc đều được mời đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (x. Lc 13,25-29). Mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Người lên Trời là : Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20)

Bài Tin Mừng hôm nay là trình thuật Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ :“và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.”

– Con số 72 có ý nghĩa là gồm mọi dân tộc trên trái đất, vì lúc khởi thủy nhân loại có 72 ông tổ của 72 dân tộc (x. St 10). Vậy Chúa sai 72 môn đệ đi rao giảng mang ý nghĩa Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô có tính phổ quát, được rao giảng cho muôn dân.

– Chúa sai các ông đi từng hai người một có ý nói họ là nhân chứng đáng tin cậy, có tính pháp lý, vì theo luật Do thái thì để làm chứng cần có từ hai người trở lên thì chứng đó mới được xác thực (Đnl 19,15). Đồng thời việc rao giảng Tin Mừng là việc chung, của tập thể, cần sự cộng tác của mọi tín hữu chứ không phải của cá nhân hoặc là độc quyền cùa một ai.

– Chúa sai các môn đệ “đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.” Các môn đệ như sứ giả của Chúa Giêsu, như người chuẩn bị trước cho Người đến.

Trong chuyến tông du châu Á trước thềm Thiên niên kỷ III, khi dừng chân tại Ấn độ, ngày 06/11/1999 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã công bố Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, trong đó Ngài nhận thấy Á Châu là một chân trời mới đầy hứa hẹn cho một “mùa gặt các linh hồn mà Ngài thấy đã chín muồi và phong phú” cho sứ vụ của Giáo Hội trong Ngàn Năm Thứ Ba.

Á châu là nơi phát xuất Kitô giáo, nhưng hiện nay tỉ lệ Kitô hữu tại lục địa này rất khiêm tốn, tỷ lệ dân số Công giáo chỉ là 110 triệu trên tổng số 3,5 tỷ dân, nghĩa là khoảng 2,9%.

Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Xưa Thánh Phaolô là vị Tông đồ tiên khởi trong việc truyền giáo nơi các xứ dân ngoại. Ngài có những đệ tử xuất sắc tiếp nối công việc của Ngài, trong số đó phải kể đến hai Thánh Timôthê và Titô. Chính các Ngài đã từ bỏ tất cả những danh vọng thế gian để theo Chúa, chăm lo cho các giáo đoàn được Thánh Phaolô giao.

Theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, tiếp nối bước chân của Thánh Phao lô, các thánh Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, đặc biệt phát triển ở vùng châu Á (vùng Trung Đông hiện nay). Riêng Thánh Tôma đã sang tới Ấn Độ truyền giáo.

Nhưng trong hai thiên niên kỷ đã qua, việc truyền giáo sang châu Á đã không phát triển như ban đầu nên mới có hiện trạng như ngày nay.

Là Kitô hữu, khi chịu Bí tích Thánh tẩy tôi đã được Chúa Giêsu mời gọi cộng tác với Người để rao giảng Tin Mừng. Khi bước sang Thiên niên kỷ mới, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác định phương hướng Hội Thánh phải tiến để thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu. Đó là rao giảng Tin Mừng tại Châu Á, tại chính quê hương của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn lo lắng việc cứu độ nhân loại, luôn nghĩ cách làm sao để không một người nào bị bỏ sót. Tấm lòng của Chúa yêu thương loài người chúng con thật bao la vô bờ bến.

Chúa đã ban cho chúng con những vị Thánh không màng đến bản thân mà quyết một lòng theo Chúa để đem Tin Mừng đến với chúng con, những người con bé nhỏ ở một đất nước xa xôi hẻo lánh này.

Xin cho chùng con biết noi gương các vị Thánh mà cộng tác với Chúa để đem Tin Mừng đến với những người chưa biết Chúa trên quê hương đất nước chúng con. Xin cho chúng con biết chân thành đối thoại với những anh em khác niềm tin, đồng thời chúng con biết sống yêu thương để làm chứng nhân cho Tin Mừng.

 Jos. NM Tưởng

Người thợ gặt lành nghề (26.01.2023)

Thế giới ngày nay đầy rẫy những nỗi bất an, khiến con người luôn sống trong sợ hãi. Sự phát triển của khoa học là tiến bộ vượt bậc của nhân loại nhưng kèm theo đó là mối nguy hại khôn lường: vũ khí công nghệ cao, ô nhiễm môi trường…. Vì chạy theo vật chất, danh vọng, địa vị, quyền lợi bất chính mà con người sẵn sàng tước đoạt bình an của nhau. Điều đó nghĩa là chúng ta đang đi ngược lại với những nhiệm vụ Chúa Giêsu đã trao phó.

Là những Kitô hữu, chúng ta chính là những tông đồ thân tín của Người. Chính vì thế, chúng ta cần trở nên những tông đồ lành nghề, nhiệt thành  chia sẻ bình an của Thiên Chúa cho nhân loại. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải biết:

  • Thứ nhất là lòng tin tưởng ở tác động của Thánh Thần. Hãy thâm tín vai trò chính của công cuộc cứu độ vẫn là Ba Ngôi Thiên Chúa, còn chúng ta chỉ là khí cụ trong tay Ngài.
  • Thứ hai, không ai có thể giới thiệu cho người khác người mà mình chưa biết. Thật vậy, không mấy ai có thể cho người khác cái mà họ không có. Bởi vậy cùng với lòng tin tưởng ở ơn Chúa, người tông đồ có lòng nhiệt thành xây dựng Nước Chúa phải trở nên một chứng nhân đích thực rồi bạn sẽ hấp dẫn người khác muốn trở thành một chứng nhân.
  • Thứ ba, để có kiến thức hướng dẫn, đào tạo các tâm hồn, người tông đồ phải chuyên chăm học hỏi từ khoa học Thiên Chúa đến những vấn đề thuộc phạm trù tự nhiên như: tâm lý học, nhân bản, luật giáo hội v.v… Nhiệt thành mà ngu dốt là phá hoại. Giàu lòng mến mà không ý thức được việc mình làm có hơn gì con đà điểu đâm đầu vào đống cát, rồi nghĩ mình đã trốn kín kẻ thù. Tai hại hơn như Chúa Giêsu dạy: “Kẻ mù dắt kẻ mù cả hai rơi xuống hố.”
  • Thư tư, phải biết giới hạn của bản thân. Người tông đồ cần ý thức sâu xa sự giới hạn của phận người để giữ lòng khiêm tốn nhận ra giới hạn của bản thân hay phạm vi ơn gọi riêng của mình. Phải biết rằng có những đối tượng mình không thể nào dẫn dắt vì họ không dành cho chúng ta. “Tôi là kẻ bé mọn, ơn gọi ấy dành cho những người vĩ đại, Chúa không dành cho tôi” (Mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta).
  • Thứ năm, người tông đồ phải chuyên chăm kết hiệp với Chúa. Chúng ta nên biết tận dụng hết nguồn ân sủng Chúa thông ban. Thời gian, không gian nào Thiên Chúa cũng hiện hữu. Nơi đâu cũng có dấu vết Ngài. Đặc biệt hãy biết hưởng nhờ triệt để nguồn ân sủng Chúa ban qua Giáo hội. Với ý thức cao độ siêng năng, sốt sắng tham sự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích. Đồng thời lợi dụng mọi thời gian có thể nâng lòng kết hiệp qua kinh nguyện, đọc Lời Chúa, và suy ngắm các mầu nhiệm. Đừng lệ thuộc vào vấn đề thời gian hoặc gò bó mình vào khung cảnh nhất định.

Có chuẩn bị mình như thế, vị tông đồ sẽ luôn ở trong tư thế người thợ gặt lành nghề, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương  thánh Timôthê vượt qua tính bẽn lẽn, sợ hãi, khi nói về Chúa cho dân chúng, noi gương thánh Titô sống bác ái và kiên nhẫn trong “sự cãi cọ với người khác”, luôn chuẩn bị tâm hồn chờ Chúa quang lâm, thành tâm xây dựng Giáo Hội, để mang bình an Nước Thiên Chúa đến nhân loại. Amen.

Giúp nhau dọn lại mảnh đất tâm hồn (26.01.2021)

“Người gieo hạt đi gieo hạt giống” (Mc 4,3)

Thiên Chúa tỏ cho con người biết Thánh Ý yêu thương của Người qua Lời Tin Mừng, để ai đón nhận Lời, yêu mến, lắng nghe và thực hành Lời Tin Mừng thì thuộc về gia đình Thiên Chúa, sống sự sống đời đời hạnh phúc với Thiên Chúa. Chúa Giê-su ví Lời Người như hạt giống mà Thiên Chúa Cha gieo vào lòng đời, để hạt giống ấy nẩy mầm, lớn lên thành cây, và trổ sinh muôn bông hạt. Lòng người như mảnh đất đón nhận hạt giống Tin Mừng. Mảnh đất tâm hồn nào cằn khô như vệ đường, cứng cỏi như sỏi đá, chằng chịt um tùm những cỏ những gai phù phàm, thì hạt giống Tin Mừng không thể nẩy mầm được. Chỉ có mảnh đất tâm hồn đơn sơ tơi xốp, mới làm cho Lời nẩy mầm, thành cây lớn lên và sinh bông hạt.

Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta hãy sửa soạn mảnh đất tâm hồn để đón nhận Lời Chúa. Thương thay, nhiều tâm hồn thật vô cảm, để Lời Chúa qua tai, chẳng lưu lại chút trìu mến hay xót xa nào trong lòng. Thương thay, nhiều tâm hồn thật chật chội những đam mê phù vân, không còn chỗ cho Lời Chúa cư ngụ. Thương thay, nhiều tâm hồn lạnh lùng đến nổi không muốn để cho  Lời  Chúa  làm  ấm  lên  cõi  lòng  băng  giá!  Thương  thay, những mảnh đất tâm hồn không được chính chủ nhân của nó chăm sóc, và cũng không ai bận tâm ngó tới, xem sao! “

Hướng tới một giáo hội hiệp hành” đang mời gọi chúng ta cần quan tâm tới nhau để giúp nhau dọn lại những mảnh đất tâm hồn, và cụ thể nhất, gần gũi nhất là mảnh đất tâm hồn của những người trong gia đình chúng ta. Ước gì không riêng ai nên thánh, nhưng cả nhà nên thánh; không riêng ai nghe và thực hành Lời Chúa dạy, nhưng cả nhà ta luôn có nhau, luôn cùng nhau!

 Lạy Chúa, xin cho tất cả các gia đình chúng con, biết giúp nhau mến yêu Lời Chúa, biết cùng lắng nghe, biết cùng thực hiện, và cùng được hạnh phúc an vui. Amen.

BCT

Loan truyền Nước Thiên Chúa (26.01.2021)

 Hôm nay Tin Mừng kể việc Chúa sai 72 môn đệ đi loan truyền Nước Thiên Chúa. Dù Tin Mừng không kể rõ tên từng môn đệ như tên mười hai tông đồ, nhưng ta tin nhận việc đó là có thực.

Chúa Giêsu tỏ ra lo lắng, cho cuộc truyền giáo vì sứ mạng cứu thế của Người là một cuộc cách mạng lớn lao. Đó là biến đổi đời sống con người. Nhìn nhân loại đang thiếu thốn mọi bề, tội lỗi, lầm lạc… đã ngàn đời nay, thì cả là công việc Chúa và các môn đệ phải làm thật là đồ sộ bộn bề. Vì vậy Người đã thốt lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Những người đang đau khổ, tội lỗi, lầm lạc ấy mà Chúa gọi là những “lúa chín đầy đồng”. Chúa yêu quý những con người ấy như thế đó vì họ đều đã được Thiên Chúa tạo dựng có thân xác hoàn hảo, có linh hồn hằng sống. Vì tình yêu ấy sau này Chúa đã phải chuộc bằng giá máu của Người. Chúa trao bổn phận cho các môn đệ phải thu gặt về cho Chúa đó là cho họ được sống đời đời.

Sứ mạng Chúa giao cho các ông thật là lớn lao mà nghiệt ngã, nghe mà hãi hùng, cái sống cái chết kề cận: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Vì sao vậy? vì Thiên Chúa là tình yêu đến gặp thế lực oán thù là ma quỷ đang hoành hành ở thế gian. Là ánh sáng đến với bóng tối, giáo lý của Chúa trái ngược với giáo lý người đời, chỉ biết tôn thờ Thiên Chúa bên trên hết vua chúa quan quyền. Các ông chẳng có quân quyền trần thế hay vũ khí gì mà tự vệ. Nên các ông như những “chiên con” dễ bị bầy  “sói” tiêu diệt.

Chúa còn dặn các ông nhiều điều: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị dày dép”, đừng chào hỏi ai dọc đường… vào nhà nào hãy chúc bình an cho nhà này”. Chúa muốn các ông đừng quá lo vào những điều thế gian, để các ông lo vào việc của Chúa truyền dạy. Còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu cho. Các ông “không phải chào hỏi ai”, vì các ông đang mang trong mình sứ mệnh cao trọng của Chúa, là người thay quyền Chúa để ban “bình an” cho mọi nhà. Sự bình an ấy của Chúa cao quý lắm, nên ai không xứng đáng được hưởng thì nó lại “trở về với anh em”. Chúa cũng cho các môn đệ được quyền hưởng các thứ đồ ăn đồ uống mà người ta cung phụng do lòng yêu mến, “vì làm thợ thì đáng được trả công”.

Cuối cùng hai điều Chúa truyền dạy quan trọng bậc nhất: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành” và hãy nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Đó là những điều Chúa sẽ làm qua bàn tay các ông, để dấu hiệu Nước Thiên Chúa đã hiện diện. Ngược lại ở đâu có Nước Thiên Chúa hiện diện thì ở đó sẽ hết khổ đau, bệnh tật, đói khát…

Đọc Tin Mừng tôi tâm đắc với các linh mục trẻ Bùi Chu hôm nay. Đi đến đâu các ngài thi nhau xây dựng, làm đẹp cho cơ sở giáo xứ hết lòng hết sức như chính của riêng mình. Thế rồi mấy năm lại tay không ra đi đến nơi khác và lại bắt đầu…

Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa vì những công lao mà các môn đệ Chúa đã làm cho Giáo hội xưa mà nên gương cho mọi đấng bậc hôm nay. Con nguyện góp sức mình cộng tác nâng đỡ các ngài,  hầu mong Triều Đai Thiên Chúa mau hiện diện nơi trần gian này. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Bình an (26.01.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chọn thêm 72 môn đệ và trao phó nhiệm vụ cho họ. Người muốn các ông đến những nơi chính Người sẽ tới. Hành trang của các ông không phải là những thứ vật chất phù phiếm bên ngoài mà là sự bình an của chính Người đã trao ban. Bình an của các ông sẽ đến với nhà nào xứng đáng và nếu không, bình an ấy sẽ trở về với các ông. Vậy, “bình an” quan trọng đến thế ư?

Chúa Giêsu đã ban bình an cho chúng ta và muốn chúng ta mang bình an ấy chia sẻ cho hết thảy mọi người. Sự bình an thật sự cần thiết cho tâm hồn của mỗi người. Tiền bạc, vật chất, danh vọng, địa vị, quyền thế… dù vô cùng cần thiết nhưng những thứ đó chưa chắc mang lại bình an đúng nghĩa cho ai sở hữu chúng. Ai nhiều tiền của, gia tài sẽ luôn sợ hãi bị lấy mất; người chức cao vọng trọng, quyền uy tột đỉnh lại luôn sợ sẽ có kẻ lật đổ mình; những mối quan hệ tưởng chừng như vô cùng bền chặt, keo sơn lại có thể trở mặt bất cứ lúc nào… Chúng chẳng những không mang lại bình an mà ngược lại còn đem đến sự bất an cho con người.

Chúa Giêsu đã hạn chế những đam mê vật chất nơi các môn đệ của mình. Người không muốn các ông giữ bên mình nỗi bất an khi chỉ mãi để tâm đến vật chất. Bên cạnh đó, Người còn muốn các ông biết cộng tác, nương tựa vào nhau và hiệp thông với tha nhân: đến nhà nào thì kết hiệp và chia sẻ bình an với nhà đó. Bình an ấy sẽ không dừng lại nơi các ông mà sẽ lan tỏa đến mọi nơi cho đến ngày Người đến rao giảng về Nước Trời.

Thế giới ngày nay đầy rẫy những nỗi bất an, khiến con người luôn sống trong sợ hãi. Sự phát triển của khoa học là tiến bộ vượt bậc của nhân loại nhưng kèm theo đó là mối nguy hại khôn lường: vũ khí công nghệ cao, ô nhiễm môi trường…. Vì chạy theo vật chất, danh vọng, địa vị, quyền lợi bất chính mà con người sẵn sàng tước đoạt bình an của nhau. Điều đó nghĩa là chúng ta đang đi ngược lại với những nhiệm vụ Chúa Giêsu đã trao phó.

Là những Kitô hữu, chúng ta chính là những môn đệ thân tín của Người. Chính vì thế, chúng ta phải biết chia sẻ bình an của Thiên Chúa cho nhân loại. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải biết chuyên tâm cầu nguyện, cầu xin sự giúp sức của Người. Bên cạnh đó, ta cần phả ý thức hơn lối sống ưa chuộng vật chất, đam mê tiền tài, danh vọng… Để từ đó, chúng ta trở nên những bông hoa lan tỏa hương bình an đến khắp nẻo trần gian.

Lạy Chúa, chia sẻ bình an cho anh em là nhiệm vụ Ngài đã trao phó cho chúng con. Xin cho chúng con biết thực thi Lời Ngài, biết ý thức hơn về những đam mê của mình, ngăn chăn những đam mê xấu và phát huy những điều tốt đẹp. Để được như thế, chúng con rất cần đến sự trợ giúp của Ngài. Xin cho chúng con thêm vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài, để từ đó, chúng con thêm vững tâm bước theo và thực thi Thánh ý Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Hạt giống âm thầm (26.01.2018)

Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”

Tin mừng hôm nay Thánh Luca cho ta biết: Việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Đây là hình ảnh một Giáo hội ban đầu bắt đầu hoạt động đem ơn cứu độ  đến cho loài người. Trước hết Người khẳng đình: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…”. Chúa muốn cho ta thấy ở mọi thời, những sứ giả truyền giáo luôn cần thiết, Chúa cũng muốn báo cho các ông biết: Đi rao giảng lời Chúa sẽ bị thế gian ghét bỏ như họ đã lên án và giết Chúa “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào bầy soi” (Lc 10,3). ngài cũng dặn các môn đệ đừng quá tham lam lo lắng nhiều đến tiền bạc, đồ dùng mà bê trễ việc chính: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, dày dép” nhưng hưởng thụ ăn uống bình thường như con người bình thường: “Người ta cho ăn uống thứ gì thì anh em dùng thứ đó”. Đặc biệt, Chúa dặn các môn đệ chúc bình an cho từng nhà và hãy chữa nhừng người đau yếu tật nguyền trong thành và hãy nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông rồi”.  Đây là hình ảnh của Giáo hội với sức sống đang dần dần lớn lên mà có lần Chúa đã ví như hạt cải nay nó nảy mầm đang mọc lên xanh tươi. Qua Giáo hội ấy, Nước Thiên Chúa đang đến với họ.

Giáo hội ngày nay cũng chính là Giáo hội ban đầu ấy. Với các bí tích Chúa Giêsu đã để lại và sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Chúa Giê su hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Giáo hội Chúa ngày nay cũng đang có sức mạnh cải hóa, nâng đỡ, chữa trị bệnh tật phần xác, phần hồn và đem bình an cho mọi người. Đó là niềm hạnh phúc ngay trên đời này. Vì thế, một người ngoại giáo khi nhìn Giáo hội Công giáo đã nhận xét: “Cái đạo ấy họ dạy dỗ, rèn luyện con người cẩn thận lắm: Mới đẻ ra đã đem đến nhà thờ cầu xin, rửa tội; lớn lên tý là đưa đi mãi đâu đâu làm phép, khi lấy vợ lấy chồng phải học hành rồi phải trình diện trước mặt các cha hứa hẹn...”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được biết, được hưởng những ân huệ của Chúa trong Giáo hội Công giáo mà chính Chúa muốn lập lên để cứu chuộc chúng con. Để chúng con có thể cộng tác với Giáo hội, đem ân huệ ấy đến cho tha nhân. Amen!

Gs. Ngọc Năng – BC

Lên đường loan báo Tin Mừng (26.01.2017)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật một sự kiện đặc biệt: Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng. Đức Giêsu hiện diện trong tư cách quân vương Mêsia. Người “chỉ định” và “sai đi” những đồ đệ mà người đã tuyển chọn, và họ sẽ lên đường trong tư cách là những sứ giả đi trước Người, đến những nơi mà chính Người sẽ đến. Nhiệm vụ của họ không phải là chuẩn bị một chỗ nghỉ chân cho Người, mà là đi loan báo Tin Mừng của Chúa và cho mọi người biết rằng Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông 

Chúa gọi con cùng Ngài tiến bước

Con một lòng nguyện ước quyết tâm

Bước đi phấn khởi vô ngần

Có Chúa dìu dắt tinh thần hỷ hoan

*

Chúa gọi con đầy tràn ơn phúc

Con theo Ngài rộn khúc hoan ca

Cùng Ngài vượt dặm đường xa

Miễn sao đến đích chính là bình yên 

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói . Lập tức ngay sau lời sai đi là lời nói về số phận bi thương của những kẻ được sai đi. Đó là số phận của chiên con đi vào giữa bầy sói, đầy gian nan và nguy hiểm. Nhưng đồng thời, ẩn bên dưới hình ảnh chiên con giữa bầy sói còn là một lời mời gọi các đồ đệ không sử dụng bạo lực: như chiên con giữa bầy sói, người đồ đệ biết rằng bạo lực không phải là phương thế hữu hiệu giúp hoàn thành sứ mạng.

Chúa gọi con, vững bền tâm trí

Vững niềm tin, ý chí kiên trung

Có Chúa cất bước đi cùng

Yêu thương chan chứa, điệp trùng phúc ân

*

Chúa gọi con ân cần tha thiết

Đáp trả Ngài, con biết tuân theo

Đôi khi khó nhọc cheo leo

Phải qua ghềnh thác núi đèo hiểm nguy

 Được mời gọi theo Đức Kitô, làm công việc của Đức Kitô, chúng ta hãy nghe lời Ngài mà trang bị hành trang lên đường thật nhẹ nhàng khiêm tốn. Hãy tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi Chúa sai chúng ta đi chắc chắn Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta mọi thứ để chúng ta có thể chu toàn sứ mạng, quan trọng là chúng ta có biết phó thác nơi Ngài hay không.

Tín thác Ngài, không gì lo sợ

Vững niềm tin, rạng rỡ huy hoàng

Hướng lên Quê thật Thiên Đàng

Lòng con thanh thản rộn ràng niềm vui

 Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách trao bình an cho anh chị em, bằng việc chính chúng con luôn nỗ lực cầu nguyện để kín múc bình an nội tâm nơi Chúa.  Dù qua năm tháng, dù lâm vào hoàn cảnh nào, hay dù gặp thử  thách đến đâu, lòng chúng con vẫn trung kiên sống ơn gọi của mình, để Danh Chúa được cả sáng và biên cương của Hội Thánh được nới rộng ngày càng nhiều hơn. Amen.

HOÀI THANH 

Truyền giáo và cộng đoàn

Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Chúa sẽ đến. (Lc 10,1)

Suy niệm: Đối với Chúa Giê-su, công việc truyền giáo không phải là việc riêng lẻ của cá nhân, mà là việc của toàn thể Giáo Hội, của cộng đoàn. Vì thế, Chúa chọn bảy mươi hai môn đệ, sai họ đi từng hai người một. Chọn bảy mươi hai môn đệ để những người truyền giáo không phải là những cá nhân rời rạc, nhưng là một cộng đoàn cùng chung một sứ mạng; sai đi từng hai người một để giúp đỡ lẫn nhau trên con đường truyền giáo; không cần chuẩn bị thức ăn riêng, nhưng cứ dự phần với cộng đoàn. Người Pha-ri-sêu mỗi khi đi đường, họ thường chuẩn bị thức ăn riêng cho mình, vì họ sợ những thức ăn khác không “thanh sạch”, không phù hợp với luật Do Thái, hoặc mang theo tiền để có thể tìm kiếm thức ăn thanh sạch. Người truyền giáo không như thế, họ được mời gọi chia sẻ với cộng đoàn mình được sai đến, “cứ ăn những gì người ta dọn cho,” cứ ngồi chung bàn với cộng đoàn và không sống tách biệt. Điều duy nhất nhà truyền giáo phải mang theo là bình an; và sự bình an cũng là điều trước tiên mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ đem đến cho thế giới.

Mời Bạn: Trong năm Tân Phúc Âm hóa giáo xứ, bạn quyết định tham gia vào một sinh hoạt hay một hội đoàn nào trong giáo xứ của bạn để nâng đỡ nhau sống đức tin, sống cộng đoàn và sống sứ mạng truyền giáo? Chúa đang kêu mời bạn đấy!

Sống Lời Chúa: Tham gia hội đoàn hoặc công tác tông đồ trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với mọi người trong giáo xứ của con, để sống ơn gọi Ki-tô hữu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *