Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Mc 9,14-29 (năm lẻ), Gc 3,13-18 (năm chẵn), Mc 9,14-29
Bài đọc 1: Hc 1,1-10
Khởi đầu sách Huấn ca.
Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa,
và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.
Cát biển, giọt mưa và tháng ngày của vĩnh cửu,
ai đếm được cho hết ?
Trời cao, đất rộng, vực sâu và sự khôn ngoan, ai dò cho thấu ?
Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật,
sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời.
Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho ai ?
Và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ ?
Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ,
ngự trên ngai của Người.
Đó chính là Đức Chúa.
Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm
và làm cho khôn ngoan nổi bật
trên mọi công trình, nơi mọi phàm nhân,
theo lòng quảng đại của Người,
và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 9,14-29)
14 Khi ấy, Đức Giê-su và ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16 Người hỏi các môn đệ : “Anh em tranh luận gì với họ thế ?” 17 Một người trong đám đông trả lời : “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy ; cháu bị quỷ câm ám. 18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” 19 Người đáp : “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin ! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem nó lại đây cho tôi.” 20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21 Người hỏi cha nó : “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?” Ông ấy đáp : “Thưa từ thuở bé. 22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” 23 Đức Giê-su nói với ông ta : “Sao lại nói : nếu Thầy có thể ? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” 24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên : “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” 25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ : “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi : ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa !” 26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói : “Nó chết rồi !” 27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người : “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” 29 Người đáp : “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Sức mạnh của lòng tin và lời cầu nguyện (20.02.2023)
“Thưa Thầy, tôi tin, nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi.”
Đang lúc Chúa Giêsu và ba tông đồ còn ở trên núi, thì các môn đệ đã được Chúa sai đi truyền giáo gặp một trở ngại lớn. Đó là chuyện một đứa trẻ bị quỷ ám, quỷ thường hành hạ, xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho chết. Cha đứa bé đã đưa nó đến cho các môn đệ, nhưng các ông này không thể thắng được tên quỷ kia. Bệnh tật khốn khổ của đứa bé đã lôi kéo đám đông và các kinh sư, họ bắt đầu tranh luận với các môn đệ. Chắc hẳn mấy ông kinh sư phải vui sướng hả dạ lắm vì sự thất bại này và phải hỏi các môn đệ ấy xem liệu “ông thầy” của họ sẽ đuổi được tên quỷ này không. Câu chuyện tới đây thì Chúa Giêsu xuất hiện và thu hút mọi người. Cha đứa nhỏ len lỏi đến được với Chúa Giêsu và trình bày cho Người hay tình cảnh. Sau khi đã thử lòng tin của ông, Chúa Giêsu chữa cho con trai ông ta được lành. Phép lạ này đặt sức mạnh của Thầy đối chọi với sự yếu kém, bất lực của các môn đệ.
Ma quỷ luôn muốn dùng sự khôn ngoan đen tối ác độc để khống chế con người. Nó muốn thống trị thế giới bằng sự sợ hãi, bằng nô lệ, bằng bệnh tật, bằng cái chết. Ma quỷ luôn muốn giết chết con người. “Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết” – con người không sao thoát ra khỏi thế lực của ma quỷ, nói gì đến kháng cự. “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” – vâng, sức con người không thể chống lại ma quỷ, mà phải có sức mạnh của Thiên Chúa. Muốn có sức mạnh của Thiên Chúa cần hai điều kiện: người bệnh cần có lòng tin vì “mọi sự đều có thể đối với người tin”; và người trừ quỷ cần cầu nguyện – “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”. Tin để Chúa hành động, và cầu nguyện để có sức mạnh của Chúa. Chỉ khi sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến mới đẩy lui được sự tinh ranh của ma quỷ.
Sự thất bại của các môn đệ trước tên quỷ đó đã cho Chúa Giêsu cơ hội giáo huấn về lòng tin và sự cầu nguyện, cả hai đều là nền tảng của việc truyền giáo cũng như đời sống Kitô giáo. Về phương diện này, ba giai đoạn của trình thuật thật quan trọng: lời trách móc đám đông, nói chuyện với người cha và nói chuyện với các môn đệ. Khi người cha mô tả cho Chúa Giêsu cơn bệnh của đứa con trai ông và sự bất lực của các môn đệ Người, thì Chúa Giêsu đưa ra một lời trách móc: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!” Các ngôn sứ thời xưa đứng trước thái độ bất trung và cứng lòng của dân Do-thái cũng kêu lên như vậy. Căn nguyên của sự thất bại nằm trong sự thiếu lòng tin, và điều này khiến Chúa Giêsu phải ngán ngẩm thốt lên: “Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”
Các môn đệ đã trừ quỷ theo kiểu tự thân, và kết quả là các ông không thể trừ được. Các ông phải nhân danh người sai mình, chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỉ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về bản thân mình thay vì hướng về Chúa.
Lạy Chúa, xin tẩy trừ mọi khuynh hướng xấu nơi chúng con, xin gia tăng niềm tín thác và ban cho chúng con sức mạnh của Chúa, để chúng con thi hành các giáo huấn của Chúa trong đời sống, hầu chúng con biết thể hiện quyền năng, sức mạnh của Chúa bằng chính đời sống cầu nguyện của chúng con. Amen.
Joston
Đức tin và cầu nguyện (21.02.2022)
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về một chuyện xảy ra đang lúc Chúa Giêsu và ba môn đệ là Gioan, Phêrô và Giacôbê đang ở trên núi xuống.
Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho các môn đệ khác một đứa trẻ bị quỷ ám, làm cho đứa trẻ ấy bị câm. Nhưng các môn đệ bất lực, không thể trục xuất được tên quỷ ấy.
Chúng ta có thể hình dung ra được tình cảnh xấu hổ và khó xử của các môn đệ lúc đó. Chắc chắn, sự thất bại này khiến các ông lúc đó phải mất mặt, vì như Tin Mừng cho chúng ta biết: “Đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.”
Thấy thế, Chúa Giê-su mới hỏi: “Anh em tranh luận gì với họ thế?” Khi được người cha của em nhỏ kể lại sự việc, Chúa Giêsu đã thốt lên:“ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!…”
Lời đáp đó của Chúa Giêsu, có vẻ khiển trách các môn đệ vì họ kém lòng tin, nhưng thực sự lời này muốn nói lên cho mọi người biết rằng, để chiến thắng ma quỷ, cần phải có lòng tin. Hay nói cách khác, lòng tin đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống lại ma quỷ.
Tiếp theo Chúa Giêsu đã củng cố lòng tin cho người cha vì ông đã nói “nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp”. Chúa Giêsu đã khơi dậy lòng tin của người cha, đồng thời cho chúng ta biết một chân lý: “Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Khi cũng cố đức tin cho người cha, Chúa Giêsu đã đích thân trừ con quỷ này.
Và cuối cùng, sau khi vào nhà, khi các môn đệ hỏi: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Chúa Giê-su đã nói lí do cho các môn đệ biết: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Như thế, chúng ta thấy, nguyên nhân thất bại trong việc trừ quỷ của các môn đệ lần này, được Chúa Giêsu nói rõ là có hai lí do: thứ nhất là do thiếu lòng tin; thứ hai là do thiếu sự cầu nguyện.
Qua việc chữa lành cho em nhỏ bị quỷ ám trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta về bài học đức tin và sự cần thiết của việc cầu nguyện.
Hai yếu tố: đức tin và việc cầu nguyện, chúng ta thấy, trong những năm đi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su không ngừng mời gọi người ta hãy tin vào Ngài và hãy luôn ăn và cầu nguyện. Vì đó là điều kiện để được vào Nước Trời.
Mở đầu Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu cũng khai mạc nước trời bằng lời mời gọi như thế: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Có thể nói, trong đời sống tâm linh Kitô giáo, trong mối tương quan, gắn bó và liên kết với Đức Kitô, trên con đường đi về nước trời, đức tin và đời sống cầu nguyện, hai yếu tố này không thể thiếu và không thể tách rời nhau trong đời sống của mỗi Kitô hữu.
Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng. Có đức tin nhưng không được tăng thêm, không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy cũng nhanh chóng bị mai một và cũng sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin, thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa.
Mẹ Têrêsa Calcutta có lần cũng nói lên kinh nghiệm đức tin của mình với một phóng viên rằng: “Muốn có đức tin, ông phải cầu nguyện”.
Người cha trong Tin Mừng hôm nay cũng đã xin như thế: “Con tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con.” Nếu chúng ta muốn có được đời sống tâm linh thật sung mãn, chúng ta cũng không làm gì khác hơn là phải cầu nguyện. Cầu nguyện thì mới có thêm đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban nhưng không từ trời gởi xuống, từ Thiên Chúa ban tặng.
Cầu xin Chúa cũng cố niềm tin cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để có thể chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ. Xin cho chúng ta ý thức đức tin là quà tặng của Thiên Chúa, và ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu với những cám dỗ của ma quỷ để giữ vững đức tin của mình. Amen.
Bình Minh
Xin củng cố đức tin vào Chúa (24.02.2020)
“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi” (Mc 9, 24).
Cha của đứa trẻ bị quỷ câm ám trình bày với Chúa Giê- su rằng các môn đệ của Người đã không chữa được, và nói: “Nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Thấy ông kém tin, Chúa Giê-su nói: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Ông thưa: “Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”. Con ông đã được chữa lành. Chúa Giê-su cho biết: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.
Trong cuộc sống mỗi người, có biết bao khó khăn, gian nan, thử thách, thất bại, nghèo túng, bệnh tật, oan sai, đau khổ, buông xuôi, thất vọng… Nhưng nếu chẳng có những thứ ấy, thì cũng chẳng phải là cuộc đời trần gian. Hóa ra, những thứ đau khổ ấy, lại là thứ cần có để con người ta có lòng khát khao một cuộc sống hạnh phúc vững bền hơn cuộc đời này; là thứ cần có để con người ta không còn mê muội đặt niềm tin vào trần gian, nhưng ngưỡng vọng về một đấng thần linh có thể cứu thoát con người khỏi bể dâu này. Nguyên lý khởi đầu các tôn giáo.
Với chúng ta, các Ki-tô hữu, Chúa Giê-su vì yêu chúng ta, muốn chúng ta đặt trọn niềm tin vào Người. Hãy tin Lời Người soi sáng chúng ta biết việc phải làm, biết đường phải đi, biết điều phải lo toan tìm kiếm để được sống hôm nay và vĩnh cửu. Hãy lắng nghe và thực hành Lời Người dạy để sống đức công chính giữa bao bất chính; để sống trong hy vọng giữa bao buông xuôi thất vọng; để sống tin yêu và bình an hạnh phúc. Không dễ được như vậy. Hãy luôn xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.
Lạy Chúa, dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm vẫn đang bùng phát và lây lan qua đến ba mươi nước trên thế giới, số người mất tại vùng tâm điểm Vũ Hán hằng ngày vẫn gia tăng thật quá đau lòng. Xin củng cố đức tin của chúng con, cho chúng con vững tin vào Chúa là cứu cánh, là cùng đích cuộc đời con, là hạnh phúc bình an hôm nay và vĩnh cửu trong Nước Chúa. Amen.
Chu toàn Giờ Kinh Tối trong gia đình (25.02.2019)
Ghi nhớ:
Người đáp: “Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện thôi.” (Mc 9,29)
Suy niệm:
Cầu nguyện không xa lạ gì với chúng ta, nhất là đối với người Kitô hữu thì đời sống cầu nguyện luôn được khơi nguồn từ thời thơ ấu. Cũng như mọi người, từ tấm bé tôi đã được cha mẹ hướng dẫn, dạy dỗ những giờ kinh sáng tối của gia đình và tham dự Thánh lễ thường ngày. Dần dần theo thói quen và tôi cảm nhận rằng cầu nguyện là phương pháp giúp tôi thấu suốt mọi vấn đề, giúp tôi tìm sự bình an, đồng thời cũng là cách củng cố đức tin, đức cậy và đức mến. Cuộc sống bao cảnh éo le, trớ trêu, nghịch cảnh khó tìm ra sự trả lời, khi tôi chưa tìm được hướng đi đứng đắn, tức là tôi thiếu sự cầu nguyện, khi tôi chưa tìm cách trả lời trong chính nội tâm mình, hay thiếu niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói: “ Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9,23)
Sự cầu nguyện giúp chúng ta có kinh nghiệm chiến đấu với chính mình khi đối diện với cuộc sống có lúc đau thương, sa ngã hay ngủ mê trong tội lỗi, danh vọng bạc tiền, đôi lúc hênh hoang đắc thắng trong công danh sự nghiệp. Nếu một người biết trang bị niềm tin, biết dùng vũ khí bằng lời cầu nguyện, biết chạy đến cùng Thiên Chúa lúc thành công cũng thất bại đường đời, biết cùng với Chúa, biết học cùng Cha đứa bé trong bài Tin Mừng hôm nay mà kêu xin cùng Người: “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Biết cầu nguyện mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh hoặc biết “chu toàn giờ kinh tối trong gia đình” là tôi biết thoát ra khỏi vòng nô lệ của ma quỷ đang cám dỗ, vì lười biếng hay đam mê đắm chìm vào đời sống ảo trên mạng xã hội, vào những game vô bổ… Lời cầu nguyện cũng là khí giới mạnh nhất giúp tôi chống lại sự dữ, đánh bại kẻ thù là ma quỷ. Thế nên việc cầu nguyện khiến ác quỷ phải khiếp đảm, sợ sệt, cầu nguyện còn mạnh hơn cả gươm đao giúp hủy diệt được ma quỷ
Cầu nguyện chẳng bao giờ xa lạ với người Kitô hữu sống trong một mái ấm gia đình, vì cầu nguyện giúp vợ chồng con cái biết xin vâng trong thánh ý Thiên Chúa hoặc cầu xin hay tạ ơn và xin được ơn bình an hòa thuận trong đời sống hôn nhân, hoặc khi gặp bất an, có cầu nguyện là có Chúa đồng hành hiện diện và là cứu cánh khi tôi lâm nguy trong đời sống. Đặc biệt ngay gia đình nếu có giờ kinh tối sớm, chắc chắn gia đình đó dù có khó khăn luôn được Thiên Chúa gìn giữ quan phòng che chở. Cầu nguyện cũng là phương thức chung cổ võ duy trì đức ái và hiệp nhất trong cộng đoàn, Huynh Đoàn. Sự cầu nguyện chung ở đây có hai điểm phải được thể hiện cùng một lúc:
- Tâm đầu ý hợp trong một cộng đoàn.
- Nhân danh Chúa Giêsu
Do đó cầu nguyện là thực hiện hai điều tốt nhất như Chúa Giêsu đã khẳng định như sau: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” và sự hiện diện của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho hiệu năng của lời cầu nguyện trước Thiên Chúa Cha, và kết quả thành công cho công cuộc chung theo ý cầu nguyện này. Đồng thời Người cũng xác định: “Tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được như ý” (Mc 11,24)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Người mở lòng khai trí cho chúng con biết sống trưởng thành trong đức tin bằng lời cầu nguyện, nhờ đó chúng con luôn tìm được sự bình an trong Chúa là cứu cánh cho cuộc sống vĩnh cửu đời đời. Amen.
Lòng tin qua sức mạnh của lời cầu nguyện (16.05.2016)
1. Ghi nhớ:
“Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ nữa, còn phải chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ nữa” (Mc 9, 19).
2. Suy niệm:
Thánh Mác-cô viết: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin”. Chúa Giêsu đang nói về ai? Ngài nói về các tông đồ, nhưng nói chung cho tất cả mọi người, mọi thời trong chúng ta. Cụm từ thế hệ qua các thế hệ để lý giải sự mâu thuẫn, chuẩn mực, tư tưởng, suy nghĩ từ các thế hệ Ông Bà, Cha Mẹ, con cái và nhiều ngành v.v… Qua bài Tin Mừng hôm nay, phản ứng đầu tiên Chúa Giêsu rất khó chịu, Ngài đáp: “Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ nữa” (Mc 9, 19). Lời quở trách của Người bao hàm mọi ý nghĩa, bởi chưa đủ lòng tin nên mới thất bại. Phản ứng của Chúa cho ta thấy: “giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9, 29)
Khi khoa học công nghệ ngày càng tiên tiến và hiện đại, con người ngày càng tự tin vào năng lực bản thân để thấu hiểu hết tự nhiên và thay đổi thế giới. Tuy nhiên, kinh nghiệm ngàn đời ông Cha đã đúc kết lại rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Đối với niềm tin Kitô hữu, niềm tin ấy càng được xác tín qua lời Chúa nhắc nhở ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ tìm sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7). Vậy nên, chỉ có lời cầu nguyện, ơn trông cậy và lòng tin và Thiên Chúa mới có thể giúp ta bình an và sống hy vọng trong cuộc sống.
Khi còn bé, tôi được Ba mẹ dạy cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi sáng tối, liên lỷ mỗi ngày, đến khi cắp sách đến trường cũng vậy khi qua Thánh Đường cũng được Mẹ dắt vào viếng Mình Thánh Chúa. Rồi tôi lớn lên, phải đối diện với bao thử thách của cuộc sống, dòng đời có lúc xô đẩy nghiệt ngã, nhưng chưa lúc nào tôi quên cầu nguyện, vì đó như là một phần gắn liền trong cuộc đời tôi. Có những lúc nguy kịch tưởng chừng đã ngã quỵ, nhưng có bàn tay Chúa quan phòng dẫn đưa đã mở lối cho cuộc đời tôi rất nhiều. Một trong những kỷ niệm không thể quên là sau giải phóng, gia đình tôi bồng bế nhau đi lên vùng kinh tế mới để mưu sinh.
Vì chồng tôi làm y tá nên về quê kiếm sống với nghề ông ký còm. Một hôm, sau khi chích cho một em bé khoảng ba tuổi bị ho, không may em đó bị phản ứng thuốc, lúc bấy giờ cứng đơ người cứ ngỡ là đã chết. Nhiều người còn la lên “đem khăn trắng trải ra, cháu nó chết rồi”. Tôi tím tái mặt mày, bên ngoài chồng lo cứu em bé, còn nước còn tát, còn tôi chạy vào phòng quỳ xuống bàn thờ cầu nguyện van xin thống thiết cùng Thiên Chúa cùng lời cầu bầu Mẹ Maria xin cứu sống em bé, cho gia đình con vượt qua cơn nguy khốn này và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện, em bé đã sống lại như một phép lạ huyền nhiệm. Đây là một dấu ấn mà tôi cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện là tìm được sự bình an trong Chúa, “lòng tin qua sức mạnh của sự cầu nguyện” để tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và Ngài luôn hiện diện trong cuộc đời ta, chờ đợi ta, ngay cả khi ta yếu lòng tin hay chảnh mảng trong lời cầu nguyện. Hoặc ngay cả những lúc ma quỷ cám dỗ, làm tôi bất an, để trừ được chúng, tôi phải cầu nguyện, có Chúa đồng hành cứu cánh cho tôi, dắt dìu tôi đi trong Chúa, thoát cảnh ba đào.
Cũng vậy, là người đoàn viên Đa Minh, mỗi người theo gương Thánh Tổ Phụ luôn “nói với Chúa và nói về Chúa”. Thánh nhân luôn cầu nguyện khóc lóc, van nài xin Chúa ban ơn cứu độ cho con người; đặc biệt ơn hoán cải và tha thứ cho tội nhân.
3. Gợi ý và chia sẻ:
Chúng ta tự hỏi:
– Tôi có phải là người kém lòng tin không?
– Đối với tôi cầu nguyện có khó không?
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin ban lòng tin qua sức mạnh của lời cầu nguyện, để chúng con tin rằng Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng con trên cuộc đời lữ thứ trần gian này. Amen.
M.Liên