Hoa trái tình yêu (21.05.2024 – Thứ Ba Tuần VII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Hc 2,1-11 (năm lẻ), Gc 4,1-10 (năm chẵn), Mc 9,30-37

Bài đọc 1 (năm lẻ): Hc 2,1-11

Bài trích sách Huấn ca.

Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa,
thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.
Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì,
đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.
Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ,
để cuối đời, con được cất nhắc lên.
Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,
còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục.
Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con.
Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.
Hỡi ai kính sợ Đức Chúa,
hãy trông đợi lòng lân tuất của Người,
đừng lìa xa Người kẻo ngã.
Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người,
và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.
Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành,
niềm vui không cùng và lòng thương xót.
Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem :
nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ ?
Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi ?
Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể ?
Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót :
Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 9,30-37)

30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

Hoa trái tình yêu (21.05.2024)

Một trong những châm ngôn hành động của Mẹ Tê-rê-xa Can-cu-ta là: “Làm việc mà không có tình yêu là nô lệ.”. Và Mẹ cũng đã khẳng định:

“Hoa trái của tình yêu là sự phục vụ, đó là hành động của lòng trắc ẩn.”

Hôm nay, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô (9,30-37) cho các Ki-tô hữu biết:

Lần thứ hai, Chúa Giê-su báo cho các môn đệ nắm rõ việc Ngài sẽ chịu khổ nạn, bị giết chết và sẽ sống lại. Qua đó, Chúa muốn dạy các môn đệ của mình hiểu một cách đúng đắn thế nào là người lãnh đạo và sự phục vụ (chân chính) trong ý hướng của Thiên Chúa. Thế nhưng, các các ông không hiểu ý của thầy mình nên trên đường đi đến thành Ca-phác-na-um, các ông đã sôi nổi tranh luận xem ai là người lớn hơn cả.

Lý do các môn đệ không hiểu vì các ông không hiểu đúng sứ vụ của Đấng Mê-si-a đã đến thế gian này để cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; và thâm tâm các ông luôn nghĩ về những lợi lộc sẽ nhận được và những vị thế mà các ông sẽ nhận được từ nơi thầy Giê-su sau bấy lâu đi theo Ngài.

Trái với những suy nghĩ của các môn đệ, Chúa Giê-su đã thể hiện uy quyền duy nhất của Thiên Chúa đó chính là sự yêu thương, yêu thương vô vị lợi, yêu cho đến chết trên thập giá. Chúa Giê-su muốn loan truyền tình thương của Thiên Chúa qua sứ mạng yêu thương để phục vụ. Và Ngài đã tự nguyện trở nên đầy tớ để phục vụ các môn đệ.

Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh một em nhỏ để dạy cho các môn đệ bài học phục vụ. Vì đối với xã hội Do-thái lúc đó, các trẻ em bị coi như là những kẻ thấp bé nhất và bị khinh thường nhất; Chúa muốn cho các môn đệ thấy rằng các ông phải phục vụ cả những người rốt nhất, thấp bé nhất, hèn kém nhất. Chúa Giê-su đã cho thấy lý tưởng của sự dấn thân, vai trò của người lãnh đạo là phải biết tự hạ và quên mình để phục vụ; sự cao trọng được đo lường không phải bằng thành công và danh tiếng, nhưng bằng giá trị của công việc phục vụ và cống hiến.

Lời tiên báo tử nạn của Chúa Giê-su cho các môn đệ khi xưa và cho chúng ta hôm nay ý thức quyền bính của Đấng Mê-si-a là để phục vụ và phục vụ cho đến chết: “Con Người đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc. 10,45).

Giống như các môn đệ khi xưa. Hôm nay, tôi – Đoàn viên Đa-minh – tham gia các công tác tông đồ, dấn thân vào các hoạt động của Họ đạo và xã hội, cũng lại mong tìm kiếm một sự biết ơn, một lời khen, một hình ảnh hay một bản tin được đăng trên mặt báo Chia Sẻ Tin Mừng hay trang tin điện tử của Huynh đoàn Tỉnh để mong được mọi người cũng biết đến mình, hay để được nêu danh trong các cuộc họp thăm viếng, cuộc họp tổng kết năm… Ấy chính là tôi đang trần thế hoá các việc bác ái và phục vụ đấy thôi !

Lạy Chúa,

Xin cho con hiểu rằng chính khi con hiến thân cho tha nhân, là lúc con được lãnh nhận hồng ân Chúa;

Xin cho con biết chính khi con quên mình phục vụ anh chị em mình, là lúc con gặp lại chính bản ngã của thân con;

Và xin cho con biết chính lúc chết đi cái tôi của mình để sống cho Chúa và cho mọi người, chính là lúc con được sống đẹp ý Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Khiêm tốn phục vụ (21.02.2023)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho biết:

Lần thứ hai, Chúa Giê-su loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài với các môn đệ. Qua đó, Chúa dạy các môn đệ và mạc khải sứ mệnh Cứu Chuộc Ngài sắp thực hiện. Chính vì không hiểu được Lời của Chúa, nên các môn đệ chỉ nghĩ đến địa vị thấp cao trong Vương-quốc-Tình-Yêu mà Thầy Giê-su sắp thành lập; cho nên các ông đã tranh cãi với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong vương quốc của Thầy mình.

Đức Giê-su đã chỉnh sửa quan niệm hưởng thụ và cách hiểu sai lệch của các môn đệ Ngài và vạch ra cho các ông một cung cách phục vụ mới khi Ngài nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x. Mc 9, 30-35).

Hơn nữa, Chúa Giê-su còn biểu thị cụ thể sự khiêm tốn phục vụ, dạy cho các môn đệ hiểu rõ phương châm thực hành:

Bất cứ ai – vì danh Chúa Giê-su – phục vụ tha nhân cho dù đó chỉ là việc bé mọn làm cho một em nhỏ mà thôi, cũng là làm cho Chúa, phục vụ Chúa. Ai làm cho Chúa, phục vụ Chúa thì không hẳn là làm cho Chúa mà thôi, nhưng đó còn là làm cho chính Chúa Cha nữa (x. Mc.9, 36-37)

Lạy Chúa, xin cho con ý thức “Hoa quả của sự công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình” (Gc. 3,18) để con luôn khiêm tốn phục vụ mọi người trong yêu thương, hiệp nhất. Amen.

CÁT BIỂN

Sống khiêm nhường: Rộng đường ơn phúc (25.02.2020)

Trong bài Phúc Âm hôm nay, khi thấy các môn đệ của mình tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, bởi vì các ông không hiểu về Đức Giêsu. Các ông cho rằng Đức Giêsu phải là người lãnh đạo, chỉ huy để dẫn đưa dân tộc Do Thái thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma lúc bấy giờ. Do vậy, Đức Giêsu mới dạy cho các ông bài học là: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “ Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Trẻ em trong trắng ngây thơ

Tâm hồn thanh thản, ước mơ đạt thành

Nghĩ suy  hành động ngay lành

Không vương tội lỗi, lợi danh chẳng màng

 

Thực tế trong xã hội cho thấy trẻ em thường bị xem là người bé mọn, không có vị thế, không được coi trọng. Vì thế thật phúc cho người lãnh đạo nào biết sống khiêm nhường, đơn sơ và hiền hòa …  như trẻ em. Khiêm nhường ở đây không có nghĩa là yếu đuối hay mặc cảm tự ti. Bởi vì người biết sống khiêm nhường, sẽ  biết mình là ai? Phải có trách nhiệm như thế nào? lại tránh được tính kiêu ngạo, ganh ghét , phê phán, chỉ trích…khi thấy người khác hơn mình.

Cuộc sống rạng rỡ huy hoàng

Ấm êm, yên ổn đầy tràn niềm vui

Vô tư thoải mái yêu đời

Chẳng biết hờn giận, không lời thở than

*

Cũng đâu biết đến gian tham

Thật thà dễ mến nói làm thực tâm

Trắng trong nên chẳng lỗi lầm

Mọi người  quý mến vô vàn biết bao

Các môn đệ, là những người đi theo Chúa, nhưng tinh thần và ý thức của các ông còn non nớt thấp kém trong việc chấp nhận Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, khi Người tiết lộ cho các ông biết về vấn đề này. Các ông chỉ muốn tính toán và tranh giành như người lớn, đó lại là điều hoàn toàn trái ngược lại với tinh thần của Chúa. Do vậy, chúng ta hãy sống với nhau trong tinh thần khiêm tốn và nhiệt thành phục vụ để đem lại niềm vui cho mọi người, trong đó có cả bản thân chúng ta.

“Trở nên như trẻ” đi nào !

Để cho tâm trí dạt dào hân hoan

“Trở nên như trẻ” hoàn toàn

Ngày sau hưởng phúc Thiên Đàng vinh quang 

Lạy Chúa, xin cho chúng con thấm nhuần tinh thần của Chúa là phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, để chúng con biết sẵn sàng phục vụ anh em và lấy đời sống phục vụ làm niềm vui và lẽ sống cho cuộc đời của chúng con. Amen.

HOÀI THANH

Khiêm cung phục vụ… (26.02.2019)

Tin Mừng hôm nay cho thấy đang khi đi đường về Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu thì các môn đệ lại tranh giành địa vị cao thấp, xem ai là người lớn hơn cả.

Thay cho não trạng hám quyền cố vị, Chúa Giê-su đã định hướng cho các môn đệ đến lòng khát khao phục vụ vô vị lợi.

Thay cho tham vọng thu góp thụ hưởng cá nhân, Chúa Giê-su đã hướng các ông đến tinh thần hy sinh sống cho người khác.

Bởi vì, Nước của Thiên Chúa không giống như Nước của Thế Gian, người lớn nhất là người biết phục vụ quên mình (x. Mc 9,35).

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết noi theo gương của Chúa: luôn biết sống phục vụ anh chị em mình một cách vô vị lợi; và luôn ý thức chức vụ chỉ là phương tiện để phục vụ trong sự khiêm cung và yêu thương Chúa đã dạy. Amen.

CÁT BIỂN

Nhỏ bé… (21.02.2017)

Con người – ai cũng muốn có địa vị, có chỗ đứng, có chỗ ngồi danh giá trong xã hội. Vì thế, họ tranh nhau từng chút một, miễn sao có một vị trí, một chức danh xứng hợp với con người của mình, thế là người ta cảm thấy hài lòng, mãn nguyện.

Do vậy cũng không lạ gì ngay từ thời Chúa Giê-su, mười hai vị tông đồ được Chúa tuyển chọn cách riêng cũng đã hám danh, hám địa vị tranh cãi xem “ai là người lớn hơn cả”; trong khi chẳng một ai trong số họ nghĩ tới cuộc Thương Khó thầy mình sắp phải chịu nay mai.

Chúa Giê-su đã làm sụp đổ não trạng tự tôn, kẻ cả của các ông khi Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, Người ôm lấy nó và nói: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy; và ai đón tiếp Thầy chính là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (x. Mc 9, 30-37)

Chúa Giê-su muốn các tông đồ phải được “sinh lại” trong tinh thần thơ ấu của Tin Mừng. Các ông phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm nhường, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả. Người muốn các ông phải thấy được hình ảnh của Người nơi các em nhỏ. Chúa Giê-su đã đồng hóa mình trong hình ảnh một em nhỏ. Bởi lẽ, các em nhỏ không có một vị trí nào trong bực thang xã hội; các em không được ai chú ý và tôn trọng. Nhưng nếu người môn đệ của Chúa thật sự thấy được Chúa trong nơi chỗ thấp bé đó, thì việc phục vụ sẽ có một giá trị đặc biệt, và sẽ có một chiều kích lớn lao. Vì chính nơi rốt cùng thấp bé đó có một Đấng cao trọng vô cùng đang hiện diện (x. Mc 9, 37).

Lạy Chúa, xin cho con biết sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác; để con biết sống yêu thương phục vụ hết thảy mọi người một cách vô vị lợi như Chúa đã dạy. Amen.

CÁT BIỂN

Sợ! (17.05.2016)

Con người ta thường sợ hãi điều mình chưa biết, hoặc chưa tường. Một trong những nỗi sợ vì chưa biết, chưa hiểu rõ đó là sợ chết.

Con người ta ai cũng sợ chết, vì ai cũng khao khát cuộc sống với tất cả năng lực của mình.

Bởi vậy, chúng ta cũng không bất ngờ và ngạc nhiên khi thánh Mác-cô cho biết các môn đệ của Đức Giêsu cũng sợ chết và nín thinh, không dám hỏi lại Người khi Người dạy các ông rằng:

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (x. Mc 9,31-32).

Nghe nói tới chết ai mà không sợ, và lạ lùng hơn nữa là chết rồi nhưng sống lại. Xưa nay chưa từng nghe có người nào chết rồi mà sống lại như vậy. Các môn đệ Đức Giêsu không hiểu lời đó, hoang mang, và lo sợ là phải lẽ!

Sau cánh cửa sự chết, chính là sự sống! Mầu nhiệm thay!

Thậ vậy, mầu nhiệm Sống Lại chính là điều cơ bản của đức Tin Ki-tô giáo; là đặc ân duy nhất và cốt thiết của Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Nếu không có đức tin, hoặc yếu tin thì con người ta không thể nào hiểu được mầu nhiệm Sống Lại là gì? Giống như các môn đệ khi xưa, cũng vì “nửa tin, nửa ngờ”, chưa “tin đủ” nên không hiểu được chuyện Đức Giêsu Sống Lại là sao và trong lòng lo sợ vậy!

Chỉ khi Chúa Thánh Thần – Đấng ban Sự Sống – hiện xuống, các môn đệ Đức Kitô mới hiểu rõ sự Sống Lại, và không còn sợ chết nữa. Các môn đệ đã được “sinh ra trở lại” từ Thánh Thần Chúa; các Ngài nhận biết chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 1,4).

Các môn đệ đã xác tín mạnh mẽ, Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô được phục sinh vinh hiển, thì chính Người cũng sẽ làm cho các ông được sống lại vinh quang. Các ông tin rằng con người và thân xác của các ông sẽ không còn nô lệ cho sự hư nát, nhưng sẽ được sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (x. 1Cr 15,42-45).

Từ đó, các môn đệ đã mạnh dạn làm chứng cho sự Sống Lại của Đức Giêsu, các Ngài ao ước được chết vì Đức Giêsu, để được nên giống Người hơn…

Phúc thay cho tôi đã được lãnh hội niềm tin của các môn đệ Đức Giêsu, qua Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội.

Lạy Chúa, xin thêm đức Tin cho con; để con không còn sợ hãi khi phải đối mặt với sự chết. Xin cho con luôn vững tin, và hy vọng chắc chắn vào sự sống lại mà Chúa hứa ban cho những kẻ tin vào Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Sự im lặng đáng sợ!

Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9,33-34)

Suy niệm: Trong hai vụ việc diễn ra gần nhau, các môn đệ Chúa Giêsu đã hai lần im lặng một cách đáng sợ. Lần đầu các ông không hiểu những lời Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết, thế nhưng các ông sợ và im lặng không dám hỏi Ngài. Lần thứ hai các ông cũng im lặng không trả lời về việc các ông cãi nhau để tranh dành địa vị. “Im lặng-không dám hỏi”: một sự im lặng đáng sợ vì sợ không dám đón nhận một Đức Kitô chịu đau khổ, chịu đóng đinh. “Im lặng-không dám trả lời”: một sự im lặng đáng sợ nữa vì tránh né sự thật xấu xí về chính mình, và tránh né những đòi hỏi để làm môn đệ Chúa Giêsu: “Ai muốn làm đầu phải làm người rốt hết.”

Mời Bạn: Tình trạng “im lặng đáng sợ” “không hỏi-không trả lời” vẫn thường xảy ra. “Im lặng đáng sợ” như thế chỉ vì sợ. Lý do thì rất nhiều: vì tự ái, sĩ diện, vì sợ bị phiền hà liên luỵ, sợ phải từ bỏ, sợ hy sinh, sợ mất lòng hay mất mát cái gì đó… Để không im lặng như một sự đồng loã với tội lỗi, né tránh sự thật, Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ đi theo Ngài làm môn đệ, nghĩa là chấp nhận làm tôi tớ phục vụ tha nhân và từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ngài.

Sống Lời Chúa: Dành một phút thinh lặng trong giờ suy niệm, nhìn lại một việc bạn đã làm và lắng nghe điều Chúa muốn bạn phải làm trong lúc này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dùng ngọn lửa Thánh Thần thiêu đốt thái độ im lặng đáng sợ này nơi chúng con, và thêm sức cho chúng con can đảm đón nhận sự thật của Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *