Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Liên quan đến một số thay đổi được thực hiện sau khi ban hành Novus Ordo (Lễ quy mới) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, liệu các điều sau đây là “tùy chọn” cho chủ tế không? Tất cả đều được thực hành tại giáo xứ truyền thống của con, nhưng con tự hỏi liệu chúng có là đúng không. – J. D., Detroit, Michigan, Hoa Kỳ.
Đáp: Do bạn đọc này đưa ra một danh sách, chúng tôi sẽ cố gắng trả lời từng thắc mắc một. Bởi sự cần thiết, các câu trả lời sẽ có phần ngắn gọn mà không nêu ra các nguồn, và để lại một số cân nhắc mục vụ, vốn có thể làm dịu đi các câu trả lời
– “Xưng tội mặt đối mặt được không?”
Điều này nằm trong quyền của linh mục, là người có thể khăng khăng sử dụng tòa giải tội ngay cả khi hối nhân yêu cầu xưng tội mặt đối mặt. Hầu hết các linh mục thực hiện uyển chuyển điểm này, nhưng một số linh mục có lý do mạnh để không tham gia vào việc giải tội mặt đối mặt. Hối nhân cũng nên linh hoạt điểm này khi tôn trọng lương tâm của linh mục.
– “Việc rước lễ chỉ được thực hiện bằng cách chấm bánh (do đó, không có rước lễ trên tay); quỳ khi rước lễ (có thể đứng để rước lễ nếu cần”.
Thông thường, chính cá nhân người Công Giáo quyết định cách rước lễ tại các dất nước, mà việc rước lễ trên tay là được phép. Tuy nhiên, nếu linh mục chọn cách cho rước lễ bằng chấm bánh, thì tùy chọn rước lễ bằng tay của tín hữu là không thể thực hiện được. Nếu, vì một lý do tốt lành, một thành viên đặc biệt của tín hữu không muốn rước Máu Thánh, thì người ấy phải được phép rước Mình Thánh hoặc trên tay hoặc trên lưỡi.
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã quyết định rằng cách thức thông thường của việc Rước lễ là đứng và tiếp cận bàn thờ trong đoàn rước. Thay vì một luật thật vững chắc, quy định này mô tả sự thực hành phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Các tín hữu có thể quỳ nếu đó là thói tục ở địa phương, và việc sử dụng hàng rào chấn song là không bị cấm.
– “Không “chúc hôn bình an” ngay cả trong ngày Chúa Nhật (‘Anh chị em chúc bình an cho nhau’ là không còn nữa”.
Tôi thật ngạc nhiên về điều này, vì đối với nhiều người, đây thực sự là một cử chỉ tùy chọn ngay cả vào ngày Chúa Nhật.
– “Không có người nữ giúp lễ…. Không có thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ”.
Như được các tài liệu khác nhau của Tòa Thánh trình bày, Đức Giám Mục có thể cho phép, nhưng không bắt buộc, cha xứ cho phép người nữ giúp lễ. Nếu cha xứ không muốn thực hiện tùy chọn này, thì đó là quyền của ngài. Tương tự như vậy, nếu cha xứ cho rằng giáo xứ chưa cần “các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ” bởi vì đã có đủ linh mục, thì ngài chưa cần có thừa tác viên này.
– “Không có người nữ đọc bài đọc”
Nếu tất cả các người đọc bài đọc là độc viên được chính thức thiết định bởi Giám mục (một thừa tác chỉ dành cho người nam), thì phụ nữ sẽ bị loại trừ theo mặc định. Đây sẽ là một tình huống rất khó xảy ra trong một giáo xứ, và do đó các độc viên đều là nam giới. Nếu đúng như vậy, thì sẽ là không đúng để loại trừ phụ nữ khỏi việc đọc sách, vì luật phụng vụ không có sự phân biệt nào về việc ai có thể thực hiện thừa tác đọc sách không được thiết định.
– “Đọc kinh kính Tổng lãnh thiên thần Micae trước khi chúc lành”.
Việc đọc kinh này không còn là một phần của phụng vụ Thánh Lễ, và bây giờ được xếp loại vào việc đạo đức. Như vậy, nó có thể được đọc như là một tập tục lâu đời, nhưng tốt nhất là sau Thánh lễ, và không được đưa vào chính phụng vụ.
– “Đặt Mình Thánh và Chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ Chúa Nhật. (Việc này thay cho lời chúc lành cuối Thánh lễ, và rất ngắn: Đặt Mình Thánh, đọc Kinh chúc tụng Thiên Chúa, phép lành với Mình Thánh, đưa Mình Thánh vào nhà tạm”.
Đây chắc chắn là một sai lỗi. Các quy định phụng vụ cấm cách minh nhiên đặt Mình Thánh để ban phép lành. Phải luôn cần có một thời gian ngắn nhưng vừa đủ để chầu Thánh Thể. Mặc dù tôi không biết về thời gian yêu cầu tối thiểu cho việc chầu Thánh Thể, tôi nghĩ khoảng 20 đến 30 phút là vừa đủ.
– “Linh mục dâng lễ về hướng đông ở bàn thờ chính cũ (bàn thờ theo Lễ Quy Novus Ordo mới vẫn ở giữa cung thánh nhưng không được sử dụng)”.
Trong khi chữ đỏ của Sách lễ Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tiên liệu khả năng cử hành Thánh lễ về hướng đông, chữ đỏ yêu cầu chỉ có một bàn thờ chính, và bàn thờ đó có thể ở yên một chỗ, để nó có thể được xông hương chung quanh.
Linh mục vẫn có thể cử hành Thánh lễ về hướng đông, nhưng sẽ là chính xác hơn khi cử hành nghi lễ Rôma hiện tại, và sử dụng bàn thờ mới, chứ không phải bàn thờ cũ trước đây. (Zenit.org 8-1-2008)
Nguyễn Trọng Đa
http://www.ewtn.com/library/liturgy/zlitur204.htm