11. 60 giây hình ảnh đẹp: Đức Thánh Cha thăm viếng Mozambique (06.09.2019)
10. 60 giây hình ảnh đẹp: Đức Thánh Cha thăm viếng Mozambique (05.09.2019)
9. ĐTC cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto, Mozambqiue
Sáng 6/9, sau khi thăm bệnh viện Zimpeto, Đức Thánh Cha đi xe đến sân vận động Zimpeto cách bệnh viện khoảng 4km để dâng Thánh lễ.
Sân vận động quốc gia Zimpeto nằm ở ngoại ô Maputo. Đây là một cấu trúc thể thao đa năng, nơi tổ chức bóng đá và các cuộc thi điền kinh. Sân vận động được xây dựng năm 2011 cho thế vận hội Liên Phi châu lần thứ 10, có sức chứa khoảng 42 ngàn người.
Đến sân vận động, Đức Thánh Cha đã đi xe mui trần quanh sân vận động chào các tín hữu như ngài vẫn thường làm. Khoảng 60 ngàn tín hữu, với nhiều người trong trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ, đã đến đây từ sớm để chờ đợi giây phút được tham dự Thánh lễ với vị cha chung.
Thánh Lễ được Đức Thánh Cha cử hành bắt đầu lúc 9,30 sáng, với ý chỉ cầu nguyện cho sự phát triển các dân tộc. Cùng đồng tế với ĐTC có các HY và GM đồng hành với ĐTC và các GM Mozambique, và khoảng 150 LM.
Thánh lễ được cử hành trong niềm vui và bầu khí sinh động theo văn hóa châu Phi, với những điệu trống dân tộc, những điệu múa dân gian, những tiếng huýt sáo kiểu châu Phi. Ca đoàn phục vụ trong Thánh lễ gồm 1300 người và có nhiều vị ca trưởng hướng dẫn.
Bài Phúc Âm công bố trong Thánh Lễ được trích từ Tin Mừng Lc 6,27-38: anh em hãy có lòng nhân từ, như cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.
Bài giảng của ĐTC
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Đoạn Tin Mừng thánh Luca chúng ta vừa nghe được gọi là “bài giảng ở đồng bằng”. Chúa Giêsu, sau khi chọn các môn đệ và loan báo Các Mối Phúc, ngài đã thêm: “Thầy nói với anh em là những kẻ đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù” (Lc 6,27). Lời này cũng nói với chúng ta hôm nay, những người đang nghe Ngài tại sân vận động này.
Và Ngài nói điều đó cách rõ ràng, đơn sơ và quyết liệt, vạch ra một lối đi, một con đường hẹp đòi hỏi những nhân đức. Bởi vì Chúa Giêsu không phải là một người duy ý tưởng, bỏ qua thực tế; Ngài đang nói về kẻ thù cụ thể, về kẻ thù thực sự mà Ngài vừa mô tả trong Các Mối Phúc trước đó (6,22): kẻ ghét chúng ta, loại trừ chúng ta, lăng mạ và coi thường chúng ta.
Kinh nghiệm thực tế
Đức Thánh Cha lấy những ví dụ thực tế của những người nghe:
Nhiều người trong anh chị em có thể kể bằng kinh nghiệm của chính mình về những câu chuyện bạo lực, thù hận và bất hòa; một số, nơi chính da thịt của mình, và một số khác, của những người thân quen không còn sống nữa; và còn những người khác vẫn sợ rằng những vết thương trong quá khứ sẽ lặp lại và cố gắng xóa bỏ con đường hòa bình đã đi, như ở Cabo Delgado.
Chúa Giêsu không mời chúng ta yêu bằng một tình yêu trừu tượng hay lý thuyết, được viết trên bàn giấy để ra những bài diễn văn. Con đường mà Ngài chỉ ra cho chúng ta là con đường chính Ngài đã tự mình đi trước, đó là con đường Ngài yêu những kẻ phản bội, đối xử bất công với Ngài, những kẻ đã giết Ngài.
Yêu thương và làm điều tốt lành
Thật khó để nói về sự hòa giải khi những vết thương gây ra bởi rất nhiều năm bất hòa vẫn còn hở miệng. Hoặc chấp nhận lời mời gọi tha thứ không có nghĩa là bỏ qua những đau khổ hoặc xóa bỏ ký ức hay lý tưởng (Evangelii gaudium, 100). Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta yêu thương và làm điều tốt lành. Điều này còn hơn cả việc phớt lờ người đã làm hại chúng ta hay cố gắng tránh gặp họ. Chúa Giêsu truyền cho chúng ta tỏ ra một điều thiện hảo chủ động, trọn vẹn và phi thường đối với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa Giêsu cũng không dừng lại ở đó; Ngài đòi hỏi chúng ta chúc lành và cầu nguyện cho họ. Nói cách khác, lời của chúng ta nói về họ là lời nói tốt, tạo nên sự sống chứ không phải sự chết, chúng ta gọi tên họ không phải bằng lăng mạ hay trả thù, nhưng mở đầu cho một mối quan hệ mới dẫn đến hòa bình. Đây là tiêu chuẩn cao mà Thầy đã gợi nên cho chúng ta!
Không theo “công bằng” của bạo lực
ĐTC nói tiếp: Với lời mời này, Chúa Giêsu muốn chấm dứt mãi mãi một tập tục kéo dài dai dẵng: là Kitô hữu mà vẫn sống theo luật báo thù. Người ta không thể nhìn đến tương lai, hoặc xây dựng một quốc gia, một xã hội dựa trên “công bằng” của bạo lực. Tôi không thể theo Chúa Giêsu nếu tôi sống theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Không gia đình, hàng xóm, dân tộc và thậm chí một quốc gia nào có được tương lai, nếu động lực liên kết và quy tụ họ, che giấu những khác biệt giữa họ lại là thù hận và báo thù. Chúng ta không thể đồng thuận và đoàn kết để trả thù, để đối xử với kẻ gây nên bạo lực cho chúng ta như những gì họ đã làm cho chúng ta, để lên kế hoạch trả thù dưới hình thức có vẻ hợp pháp. “Vũ khí và bạo lực, thay vì mang lại giải pháp, nó tạo ra những xung đột mới và tồi tệ hơn” (sđd., 60). “Sự công bằng” của bạo lực luôn là một vòng xoáy không có lối thoát; và giá của nó phải trả là rất cao.
“Anh em muốn người ta làm điều gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy”
Nhưng có một con đường khác, bởi vì đừng quên điều cơ bản này là các dân tộc của chúng ta có quyền được hòa bình. Anh chị em có quyền được hoà bình.
Để làm cho lời mời của mình cụ thể hơn và có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, Chúa Giêsu đề xuất một quy tắc vàng đầu tiên trong tầm với của mọi người –“anh em muốn người ta làm điều gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31) – và Ngài giúp chúng ta khám phá ra điều quan trọng nhất trong lối hành xử này: yêu thương, giúp đỡ và cho vay mà không hy vọng đòi lại được.
“Anh em hãy mặc lấy tâm tình hiền hoà và nhân hậu”
Chúa Giêsu nói anh em hãy “yêu thương nhau”. Và thánh Phaolô đã dịch ra thành “anh em hãy mặc lấy tâm tình hiền hoà và nhân hậu” (x. Cl 3,12). Thế gian phớt lờ – và vẫn không biết –nhân đức thương xót, từ bi,khi giết chết hoặc bỏ rơi người tàn tật và người già, loại bỏ người thương tích và bệnh tật, và vui thích trên sự đau đớn gây ra cho động vật. Cũng thế, người ta đã không thực thi lòng nhân hậu, tốt lành, thúc đẩy chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của những người lân cận cũng như của chính chúng ta.
Chủ động nhìn người khác bằng lòng thương xót và nhân hậu
Hoà giải và hoà bình không có nghĩa là không có những xung đột, nhưng còn phải dấn thân hằng ngày của mỗi người để chủ động nhìn người khác bằng lòng thương xót và nhân hậu, đặc biệt đối với những ai dễ bị từ chối và loại trừ. Thái độ này không phải là yếu đuối, nhưng mạnh mẽ, là thái độ của những người nam nữ khám phá ra rằng không cần phải ngược đãi, chê bai hoặc vùi dập người khác để thấy mình quan trọng; nhưng đúng hơn phải ngược lại. Thái độ này là sức mạnh ngôn sứ mà chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta khi Ngài muốn đồng hoá với họ (x. Mt 25,35-45) và khi cho chúng ta thấy rằng phục vụ là con đường đúng đắn.
Mozambique có một lãnh thổ trù phú về thiên nhiên và văn hoá, nhưng nghịch lý là một con số đông đang sống dưới mức nghèo khổ. Và đôi khi dường như những người tiếp cận để giúp đỡ lại có những toan tính lợi lộc khác. Thật đáng buồn khi điều này xảy ra giữa những người anh chị em trên cùng trái đất, những người để cho mình bị tha hóa. Thật hết sức nguy hiểm khi nghĩ rằng đây là cái giá phải trả cho viện trợ bên ngoài.
Hãy là những hạt giống của niềm vui và hy vọng, hòa bình và hòa giải
“Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20,26; x. 26-28). Chúa Giêsu đã nói để thúc giục chúng ta đóng vai trò chính tạo nên một lối sống khác, thuộc Vương quốc của Ngài: hãy là những hạt giống của niềm vui và hy vọng, hòa bình và hòa giải, ngay tại đây và bây giờ. Những gì Thánh Linh mang đến không phải là phô trương gây bão nhưng trên hết là quan tâm đến người khác, khi chân nhận và quý mến họ như anh chị em chúng ta, đến độ cảm thấy cuộc sống và nỗi đau của họ là cuộc sống và nỗi đau của chúng ta. Đây chính là nhiệt kế tốt nhất để đánh giá bất kỳ loại ý thức hệ nào tìm cách lèo lái người nghèo và các tình huống bất công để phục vụ lợi ích chính trị hoặc cá nhân (x. Evangelii Gaudium, 199). Chỉ khi sống như thế, chúng ta mới có thể gieo mầm và trở nên khí cụ của hoà bình và hoà giải tại mọi nơi chúng ta sống.
Quyết định của Chúa Kitô
Chúng ta mong muốn hòa bình ngự trị trong trái tim và nhịp đập của dân tộc chúng ta. Chúng ta muốn một tương lai hòa bình. Chúng ta muốn “sự bình an của Chúa Kitô cư ngụ trong lòng anh em” (Cr 3,15), như Thư Thánh Phaolô đã nói. Ngài sử dụng một động từ dùng trong thể thao và đề cập đến trọng tài để quyết định những trường hợp còn nghi ngờ: “ước chi sự bình an của Chúa Kitô là trọng tài nơi trái tim anh chị em”. Nếu sự bình an của Chúa Kitô là trọng tài trong tâm hồn chúng ta, thì khi có những cảm nhận trái ngược và chúng ta không quyết định được giữa hai cảm nhận trái ngược ấy, thì chúng ta nên “chơi trò chơi” của Chúa Kitô. Đó là hãy để quyết định của Chúa Kitô giữ chúng ta trên con đường yêu, trên con đường của lòng thương xót, chọn lựa vì những người nghèo nhất, và bảo vệ thiên nhiên, trên con đường hòa bình.
Nếu Chúa Giêsu là trọng tài của những cảm xúc trái ngược trong lòng chúng ta, giữa những quyết định phức tạp của đất nước, thì Mozambique sẽ được đảm bảo một tương lai hy vọng. Từ đó, đất nước của anh chị em sẽ có thể đem hết cả tâm hồn hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng (x. Cl 3,16).
Vào cuối thánh Lễ, Đức cha Francisco Chimoio, Tổng giám Maputo đã cảm ơn Đức Thánh Cha. Ngài nói: “Trong những ngày này, chúng con không chỉ cảm nhận được niềm vui vì nhận được một lá thư nhưng là Đức Thánh Cha ở với chúng con.” Ngài cũng chia sẻ những khó khăn, ngay cả việc đổ máu, mà đất nước Mozambique đã và đang trải qua. Đức cha cảm ơn Đức Thánh Cha về những cử chỉ yêu thương và mang lại hy vọng mà Đức Thánh Cha mang đến ngang qua chuyến viếng thăm này.
Hãy giữ lấy hy vọng
ĐTC cũng cám ơn tất cả mọi người đã cộng tác để chuyến viếng thăm của ngài được trở thành sự thật. Ngài cũng đề cao sự hy sinh của họ để tham dự các cuộc gặp gỡ, đặc biệt những người không thể tham dự vì hậu quả của những trận cuồng phong hồi tháng 3 và tháng 4. Một lần nữa ngài nhắc nhở: “Anh chị em có nhiều lý do để hy vọng!… Hãy giữ lấy hy vọng, đừng để nó bị đánh mất! Và cách thế tốt nhất để gìn giữ hy vọng là hiệp nhất để tất cả các lý do của hy vọng được củng cố thêm trong một tương lai hòa giải và hòa bình ở Mozambique.
Thánh Lễ kết thúc lúc quá 11 giờ trưa. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi xe ra phi trường Maputo cách sân vận động khoảng 17 km. Tại đây ngài từ biệt Mozambique và bắt đầu cuộc viếng thăm Madagascar.
8. ĐTC thăm bệnh viện Zimpeto chữa trị sida
Sáng 6/9, ĐTC Phanxicô đến thăm bệnh viện Zimpeto cách đó 19 cây số. Bệnh viện này nằm ở ngoại ô thủ đô Maputo, được khánh thành ngày 7/6/2018. Bệnh viện có một phòng thí nghiệm chuyên ngành về sinh học phân tử.
Trung tâm Dream chăm sóc chữa trị sida
Đặc biệt tại bệnh viện này còn có trung tâm Dream, viết tắt của những chữ có nghĩa là “chữa trị bệnh bằng những phương thế tiến bộ và tốt nhất”, chữa trị cho những người bị sida, nhiễm virus hiv. Trung tâm này được Cộng đoàn thánh Egidio bắt đầu xây dựng từ năm 2002 để ủng hộ quyền sức khỏe và chiến đấu chống lại sida và nạn suy dinh dưỡng ở châu Phi.
Với các trung tâm y tế nhỏ tại các thành phố và làng mạc, chương trình nhắm giúp cho mọi người có thể được chữa trị, cả những người khó khăn nhất về kinh tế và không có điều kiện đi lại dễ dàng, bằng cách bảo đảm sự trợ giúp miễn phí và có các khóa học về giáo dục y tế cho chính các bệnh nhân.
Đến bệnh viện, ĐTC được vị sáng lập Cộng đồng thánh Egidio, điều phối viên của chương trình Dream và Giám đốc địa phương của trung tâm Maputo đón tiếp. Các trẻ em trình diễn một điệu vũ truyền thống và một bài hát chào đón ĐTC.
Tìm được phẩm giá và tình bạn
Tiếp đến, cô Cacilda, điều phối viên của chương trình Dream đại diện chào mừng ĐTC. Cô cho biết tại đây các bệnh nhân được cung cấp thuốc men, điều trị y tế và lương thực miễn phí, nhưng trên hết là họ tìm lại được phẩm giá và tình bạn.
Cô chia sẻ: “Hàng trăm ngàn bà mẹ dương tính đã sinh con không bị siđa. Nhìn thấy một đứa con chào đời lành mạnh thật là một kinh nghiệm tuyệt vời đối với người mẹ bị sida. Ước mơ đó ngày nay đã trở thành hiện thực. Cộng đoàn thánh Egidio chăm sóc cho hơn 500 ngàn bệnh nhân châu Phi, nhưng tất cả bắt đầu từ ở Mozambqiue này”.
Hàng ngàn người Mozambique đã được tái
Nhiều phụ nữ bị bệnh, sau khi khỏe lại, đã dấn thân phục vụ các bệnh nhân khác tại trung tâm. Chính cô Cacilda là một trong những bệnh nhân đầu tiên được trung tâm Dream trợ giúp và cô chọn đền đáp lại những gì mình đã nhận được… Hàng ngàn người Mozambique đã được tái sinh nhờ hoạt động của trung tâm.
Biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa
Trong lời chào mừng mọi người, ĐTC cám ơn chứng tá của cô Cacilda, vì nó cho thấy rằng trung tâm y tế “thánh Egidio” ở Zimpeto là sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, luôn sẵn sàng mang lại sự sống và hy vọng cho nơi đầy chết chóc và đau khổ.
Trung tâm Dream là Người Samari nhân hậu
Trung tâm Dream như người Samari nhân hậu chăm sóc những người đau khổ thất vọng, là hình ảnh của người bị cướp đánh nằm bên vệ đường và đã được Trung tâm đón nhận, chăm sóc và chữa lành. ĐTC nói: “Trung tâm này cho chúng ta thấy rằng có những người dừng lại và động lòng thương xót, những người không để mình bị cám dỗ nói “không có gì để làm,” “không thể chiến đấu chống lại thảm kịch này”, và họ làm với lòng can đảm để tìm những giải pháp”.
Lắng nghe tiếng kêu của người đau khổ
ĐTC nhấn mạnh rằng sự trợ giúp của trung tâm không chỉ là cho những gì người nghèo cần nhưng là sự dấn thân cá nhân của những người nghe tiếng kêu than của họ. ĐTC nhắc lại lời trong sứ điệp Ngày thế giới người nghèo lần thứ hai: “Sự tương trợ của các tín hữu không thể chỉ giới hạn ở một hình thức hỗ trợ – mặc dù ban đầu nó cần thiết và là sự quan phòng – nhưng đòi hỏi sự chú ý yêu thương, nhìn nhận người khác như một con người và tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ”.
Cộng tác không tính toán là thái độ của Tin Mừng
Một điều quan trọng được ĐTC nhắc đến đó là sự cộng tác, bởi vì sự giới hạn, thiếu thốn của chúng ta. Ngài mời gọi đón nhận các hình thức cộng tác khác nhưng có cùng mục đích và khẳng định rằng việc chia sẻ các kinh nghiệm khác nhau và khiêm nhường cộng tác mà không cân nhắc hơn thua, là một thái độ đúng đắn và theo Tin mừng. ĐTC nói: sự dấn thân nhưng không và thiện nguyện của rất nhiều người với các nghề nghiệp khác nhau,… hơn 5000 bác sĩ, y tá, các nhà sinh học, cộng tác viên và nhân viên kỹ thuật, từ nhiều năm, bằng chương trình điều trị từ xa, đã cộng tác cách quý giá để đào tạo các nhân viên địa phương. Sự dấn thân của họ có giá trị nhân bản và Tin mừng lớn lao.
Phần công được trả là sự hồi phục của bệnh nhân
Tiếp tục dựa vào dụ ngôn người Samaria nhân lành, ĐTC khẳng định rằng các bệnh nhân được chữa lành, những người mỉm cười vì được chăm sóc với phẩm giá, là phần công mà Chúa trả cho những người phục vụ: họ thoát ra khỏi ác mộng của bệnh tật, không che dấu quá khứ và thông truyền niềm hy vọng cho người khác đang nằm bên vệ đường.
Và ĐTC kết luận, phần còn lại anh chị em sẽ được Chúa trả khi Người trở lại và nó sẽ tràn đầy niềm vui. Ngài nhắc nhở: Khi chúng tôi đi rời, khi anh chị em trở lại với công việc hàng ngày, khi không ai vỗ tay khen ngợi, anh chị em hãy tiếp tục đón nhận những người đến đây, hãy đi tìm những người mang thương tích ở những vùng ngoại biên…”
ĐTC đã chào 20 bệnh nhân và thăm hai khoa bệnh tại Trung tâm. Tại đây ngài được một bệnh nhân tặng một thánh giá mục tử được làm bằng gỗ thu gom từ những đổ nát do cuồng phong Idai. Thánh giá cũng được chạm khắc từ vật liệu kim loại lấy từ mái nhà bị đổ nát của một người già.
7. ĐTC gặp các giám mục tu sĩ và giáo lý viên
Đức cha Hilário da Cruz Massinga, Giám mục Quelimane, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Đời sống Thánh hiến đại diện chào mừng ĐTC. Đức cha Hilário bày tỏ lòng biết ơn đối với ĐTC và nói Giáo hội tại đây như là một khu vườn trong đó bao gồm các linh mục, tu sĩ, giáo dân; tất cả cùng làm chứng cho niềm vui vì ơn gọi phong phú trong các Giáo phận. Tiếp đến một linh mục trình bày với ĐTC về sống ơn gọi linh mục cũng như nhiều khó khăn mà các linh mục phải đối diện mỗi ngày tại đất nước này. Nhưng khó khăn lớn nhất đến trong chính đời sống cá nhân của linh mục. Cuối cùng cha đại diện xin ĐTC cho các linh mục lời khuyên để tất cả có thể đấu tranh chống lại sự khủng hoảng căn tính linh mục và để làm mới lại chính mình, xứng đáng là những vị mục tử tốt lành như lòng Chúa mong muốn. Kế tiếp một nữ tu đại diện trình bày với ĐTC về ơn gọi phong phú của đời sống thánh hiến tại đây. Đó là kết quả của các vị truyền giáo đi trước, không mệt mõi gieo mầm ơn gọi. Sơ đại diện hứa với ĐTC sẽ tiếp tục dấn thân làm chứng qua những hoạt động cụ thể như giáo dục, y tế, đặc biệt người nghèo. Cuối cùng nữ tu đại diện đã hỏi ĐTC những câu hỏi liên quan đến những thách đố cho đời sống thánh hiến liên quan đến lòng trung thành, ơn gọi cho người trẻ. Sau cùng một giáo viên chia sẻ tâm tình với ĐTC về những bận tâm liên quan đến giáo dục Kitô giáo, làm sao để có thể bắt kịp với sự phát triển của xã hội, xây dựng một xã hội an bình, không phải sống trong lo âu và không có bạo lực. Vị đại diện cũng nói đến vấn đề đáng chú ý ở đây đó là hôn nhân giữa người Công giáo và Hồi giáo đây là một vấn đề nan giải khó giải quyết.
Chuyên gia trong đau khổ nhưng vẫn sống niềm hy vọng
Sau khi lắng nghe những tâm tình của các vị đại diện một cách chăm chú ĐTC đã có bài huấn dụ dành cho những người tham dự. ĐTC trả lời những câu hỏi của các vị đại diện đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những ai đang dấn thân trong cách đồng truyền giáo. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: “Hôm nay, cùng nhau quy tụ nơi đây chúng ta muốn làm mới lại lời thưa xin vâng trước lời mời gọi đã từng làm cho trái tim chúng ta bừng cháy và Mẹ Giáo hội đã giúp chúng ta phân định và xác nhận qua sứ mệnh trao cho chúng ta. Xin cám ơn anh chị em vì đời sống chứng tá của anh chị em. Việc làm chứng của anh chị em cho thấy những khó khăn thử thách mà anh chị em đã trải qua, những giới hạn và yếu đối, nhưng đồng thời chúng ta thán phục lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi rất vui khi được nghe từ miệng một giáo lý viên: “Chúng con là một Giáo hội được đưa vào sống với một dân tộc anh hùng”, là chuyên gia trong đau khổ nhưng vẫn sống niềm hy vọng. Niềm tự hào này mời gọi chúng ta làm mới niềm tin và hy vọng, chúng ta muốn làm mới lời “xin vâng” của chúng ta. Mẹ Giáo hội hạnh phúc biết bao khi nghe từ đôi môi của anh chị em thốt lên lời tình yêu dành cho Chúa và cho sứ mạng mà Ngài đã giao phó cho anh chị em! Mẹ Giáo hội hạnh phúc biết bao khi thấy ước muốn trở lại với “tình yêu ban đầu” (Ap 2,4) của anh chị em!”
Để giúp mọi người ý thức về lời “xin vâng” ĐTC nhắc nhở mọi người về ngôi nhà thờ mà mọi người đang hiện diện: “Chúng ta đang hiện diện trong Nhà thờ Chính tòa dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và như một gia đình chúng ta cùng nhau chia sẻ những gì xảy ra với chúng ta; như một gia đình được sinh ra từ lời thưa ‘xin vâng’ của Mẹ trước sứ thần. Thánh Luca giới thiệu cho chúng ta hai sự kiện song song liên quan đến Thánh Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Cả hai đều là biến cố Truyền tin. Tuy nhiên một xảy ra ở Giuđê, một thành quan trọng, trong đền thờ; thiên sứ loan tin cho một tư tế. Và một xảy ra ở Galiea, một nơi xa xôi, trong một ngôi làng nhỏ Nazareth, một ngôi nhà bình thường với một thiếu nữ. Điều gì đã thay đổi ? Tất cả. Và trong sự thay đổi này chúng ta tìm thấy căn tính nền tảng của chúng ta”.
Trở về nơi được gọi ban đầu
Từ đây ĐTC rút ra câu trả lời liên quan đến câu hỏi về khủng hoàng căn tính của linh mục ĐTC nói: “Trước cuộc khủng hoảng về căn tính linh mục, có lẽ chúng ta phải rời khỏi những nơi quan trọng và trang trọng; chúng ta phải trở về những nơi mà chúng ta đã được kêu gọi, nơi sáng kiến và quyền năng của Thiên Chúa. Đôi khi, chúng ta đã quen với các hoạt động hàng ngày của một linh mục với một số nghi thức, cuộc họp và các cuộc nói chuyện, chúng ta giống Dacaria hơn là Đức Maria. Chúng ta không thể chạy theo những gì chỉ vì lợi ích cá nhân. Đối với chúng ta, các linh mục, những câu chuyện của dân chúng không phải là một bản tin. Chúng ta biết người của mình, chúng ta có thể đoán những gì đang diễn ra trong trái tim họ, chúng ta cùng vui và đau khổ với họ”.
“Xin vâng” rút ngắn khoảng cách
ĐTC nói về hoa trái của lời “xin vâng”: “khoảng cách” giữa Nazareth và Giêrusalem được rút ngắn, nó trở nên không tồn tại nhờ lời “xin vâng” của Mẹ Maria. Anh chị em, những người lớn tuổi đã chứng kiến sự chia rẽ, hận thù trong chiến tranh; anh chị em phải luôn sẵn sàng “đi thăm viếng” để rút ngắn khoảng cách. Giáo hội Mozambique được mời gọi là một Giáo hội Thăm Viếng. Như Đức Maria đến nhà Elizabeth, chúng ta cũng vậy, chúng ta phải học cách đi vào những vấn đề mới. Cố gắng không để mình bị tê liệt trong những lý luận của sự đối kháng, chia rẽ, lên án. Tiếp tục tìm kiếm một câu trả lời cho những thách đố, cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp, Ngài là Vị Thầy chỉ cho chúng ta những con đường mới để tiến bước.
Sau bài huấn dụ ĐTC và mọi người cùng cầu nguyện cho ơn gọi và cuối cùng ĐTC ban phép lành cho tất cả mọi người.
Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC viếng thăm Nhà “Mathêu 25”, một sáng kiến bác ái của Tòa Sứ Thần với hơn 20 hội dòng để đón tiếp và giúp đỡ các trẻ em bụi đời ở thủ đô Mozambique.
6. Khi còn nhỏ, ĐTC Phanxicô chơi banh làm từ vải vụn
Sáng 5/9, tại Tòa Sứ thần ở thủ đô Maputo của Mozambique, ĐTC đã gặp một nhóm phụ trách và tham dự viên các chương trình do Tổ chức Scholas Occurrentes tại các thành phố khác nhau của Mozambique, trong đó có Enrique Adolfo Palmeyro, giám đốc Tổ chức.
Scholas Occurrentes
Scholas Occurrentes là một tổ chức phát sinh từ ý tưởng của ĐTC khi ngài còn là Hồng y ở Buenos Aires, Argentina. Nó là một mạng lưới các trường được Giáo hội Công giáo tài trợ để thúc đẩy sự gắn kết của tất cả các trường học trên thế giới. Mạng lưới này tìm cách chia sẻ các dự án mà các trung tâm giáo dục có, cố gắng làm giàu và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các trường có ít nguồn lực.
Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC đã nghe trình bày các hoạt động của Tổ chức tại Mozambique, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao và huấn luyện nhân bản.
Chơi và làm việc chung với nhau
Sau đó, trong lời chào các thành viên của Scholas Occurrentes, ĐTC đã thuật lại một số giai đoạn trong thời thơ ấu của ngài ở Buenos Aires, khi ngài chơi đá banh với trái banh làm từ vải vụn, trong một sân gần nhà, vì thời đó trái banh được làm bằng da thuộc và do đó rất đắt. Và ĐTC khẳng định rằng khi chơi cũng như làm việc, người ta phải luôn làm chung với nhau.
5. ĐTC gặp gỡ giới trẻ liên tôn tại Mozambique
Sau cuộc gặp gỡ với chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, ĐTC đã rời phủ Tổng thống Mozambique và đi xe mui trần đến sân vận động Pavillon Maxaquene cách đó 3 cây số để gặp các bạn trẻ. Trên đường đi, người dân đứng hai bên đường vẫy cờ chào đón ĐTC.
Pavillon Maxaquene là một sân vận động đa năng của Maputo, có thể chứa được 15 ngàn khán giả. Sân này thường được sử dụng cho các trận đá bóng và các sự kiện lớn về âm nhạc và xã hội.
Tại đây, từ lúc 8 giờ sáng, hơn 10 ngàn bạn trẻ thuộc các tôn giáo đã có mặt và sinh hoạt, gặp gỡ nhau. Tổng Thống Mozambique cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ này.
Đến nơi vào lúc khoảng 11 giờ trưa, ĐTC cùng với Đức TGM Francisco Chimoio của giáo phận Maputo đi vào sân vận động qua lối vào chính, giữa tiếng reo vui của các bạn trẻ. Các bạn trẻ liên tục hô vang hai từ “hòa giải” trong khi ĐTC tiến về lễ đài. Đến lễ đài, ĐTC chào Đức cha đặc trách giới trẻ Mozambique và đại diện các tôn giáo.
Hòa bình và hòa giải
Cuộc gặp gỡ liên tôn giữa ĐTC và các bạn trẻ bẳt đầu với các bài hát và các màn trình diễn của các nhóm bạn trẻ. Đầu tiên là một tiết mục múa của nhóm bạn trẻ của hội đồng Kitô, rồi đến bài hát của các bạn trẻ Hồi giáo. Nhóm bạn trẻ Ấn độ cũng thực hiện một tiết mục múa Ấn độ và cuối cùng là vũ đạo của nhóm bạn trẻ Công giáo. Các bài hát và hoạt cảnh xoay quanh chủ đề hòa bình và hòa giải, diễn tả khát vọng của người trẻ cũng như người dân Mozambique.
Thao thức của người trẻ
Tiếp đến một bạn trẻ đã đại diện cho tất cả chào đón ĐTC. Các bạn trẻ vui mừng cám ơn ĐTC đã đến với họ như một người cha. Dù có nhiều sự kiện quan trọng cần quan tâm nhưng ĐTC vẫn không quên gặp gỡ họ.
Các bạn trẻ nói: “Dù cho khác nhau về các hệ phái tôn giáo, bằng việc theo các giáo huấn của ĐTC và được bám rễ sâu trong niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng tạo dựng tất cả, chúng con, những người trẻ Mozambique muốn cùng nhau viết một trang mới trong lịch sử đất nước chúng con, một trang mới được viết nên bởi hy vọng, hòa bình và hòa giải, không sợ hãi và bạo lực, nơi mỗi người có quyền về sức khỏe, lương thực và giáo dục chất lượng, hướng đến sự phát triển con người toàn diện và cho phép chúng con cải thiện điều kiện sống”.
Cuối cùng, các bạn đặt câu hỏi với ĐTC: giữa những khó khăn phủ mờ tương lai của chúng con, chúng con có thể làm gì để giấc mơ của chúng con thành hiện thực? Cần làm gì để những người trẻ tuổi chúng con tham gia vào việc giải quyết những vấn đề đang gây tổn hại cho đất nước chúng con?
Diễn văn của ĐTC
Người trẻ quan trọng
Đáp lời các bạn trẻ, ĐTC khẳng định ngài đến gặp họ bởi vì họ quan trọng và ngài mời gọi họ hãy nhận biết và tin vào điều này. Ngài nói: “Bởi vì các con không chỉ là tương lai của Mozambique hay của Giáo hội và của nhân loại; các con là hiện tại”. ĐTC nói tiếp rằng nếu không có sự hăng say, không có những bài hát, niềm vui sống của người trẻ, thì miền đất này sẽ như thế nào? Những người trẻ là niềm vui của miền đất này, niềm vui của hôm nay.
ĐTC nhận định rằng niềm vui sống là một trong những đặc tính căn bản của người trẻ. Niềm vui được chia sẻ và sống, nó hòa giải và trở thành thuốc giải tốt nhất để từ chối tất cả những người muốn chia rẽ, phân chia hoặc đối nghịch.
Nói đến sự hiện diện của các bạn trẻ thuộc các hệ phái tôn giáo khác nhau, ĐTC khẳng định rằng mỗi người có vai trò căn bản, tuy khác nhau nhưng cần thiết, để cùng nhau viết một trang sử mới, trang sử tràn đầy hy vọng, bình an và hòa giải.
Đừng để bị cướp mất niềm vui
Trả lời hai câu hỏi: làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực, và làm sao để người trẻ tham gia giải quyết các vấn nạn đang gây thương tổn cho quốc gia, ĐTC khuyên các bạn trẻ: “Các con đừng để bị lấy mất đi niềm vui. Các con đừng ngừng ca hát, đừng thôi bày tỏ chính mình theo tất cả điều tốt đẹp mà các con đã học được từ truyền thống”.
Đừng đầu hàng và sợ hãi
ĐTC cảnh giác về hai thái độ giết chết đi niềm vui và hy vọng: đó là đầu hàng và lo sợ. Ngài giải thích: “Chúng là kẻ thù nguy hiểm của cuộc sống, bởi vì chúng thường thúc đẩy chúng ta chọn hành trình dễ dàng nhưng thất bại; … cái giá phải trả cho sự dễ dàng đó có khi là chính sự sống”.
Gương kiên trì phấn đấu của cầu thủ Eusebio da Silva
ĐTC lấy ví dụ của một huyền thoại bóng đá của đội bóng của thành phố Maxaquene, là cựu cầu thủ Eusebio da Silva, “con báo đen”. Dù cho những khó khăn, Eusebio kiên trì, mơ ước và tiến bước. Ước mơ và ý muốn chơi bóng đã thúc đẩy cầu thủ này tiến đến thành công.
Hãy hiệp nhất
Hiệp nhất giữa các khác biệt là điều được ĐTC đề cao. Như trong một đội bóng đá, mỗi cầu thủ có những đặc tính riêng nhưng đã chơi chung, và ngài gọi đó là sự khác biệt cần thiết. ĐTC nói: “Các con đến từ những truyền thống khác nhau và thậm chí là nói những ngôn ngữ khác nhau, nhưng điều này không ngăn cản chúng ta gặp nhau.”
Để dấn thân cho đất nước, các người trẻ cần làm như họ đang làm, ĐTC giải thích: “Hãy hiệp nhất, vượt lên trên bất cứ điều gì có thể làm các con khác nhau, luôn tìm kiếm cơ hội để thực hiện ước mơ về một đất nước tốt hơn, nhưng … cùng nhau”.
Thù địch hủy diệt xã hội
Đừng quên rằng “thù địch hủy diệt xã hội. Và một gia đình bị phá hủy bởi sự thù hận. Một đất nước bị hủy diệt bởi sự thù hận. Thế giới bị hủy diệt bởi sự thù hận. Và thù hận lớn nhất là chiến tranh”. ĐTC nhận định rằng các bạn trẻ có thể kiến tạo tình bạn xã hội và để làm điều này, cần luôn từ bỏ điều gì đó, nghĩ đến thiện ích của tất cả, và như thế chúng ta sẽ có thể bỏ qua những khác biệt để cùng nhau tranh đấu cho một mục đích chung.
ĐTC nhấn mạnh: “Chúng ta cần luôn cùng nhau mơ ước như các con đang làm hôm nay. Hãy mơ với người khác, đừng bao giờ chống lại người khác. Hãy tiếp tục mơ ước theo cách chúng con đã mơ và đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này: tất cả cùng với nhau và không có rào cản. Đây là một phần trong trang sử mới của Mozambique.”
Kẻ thù của các ước mơ và dấn thân không chỉ là đầu hàng nhưng còn là sợ hãi. ĐTC nói: “Sự sợ hãi này có thể chống lại chúng ta khi nó khiến chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào chúng ta không thấy kết quả. ĐTC mời gọi các bạn trẻ đừng sợ sai lỗi nhưng đừng bao giờ rơi vào bẫy của bỏ cuộc bởi vì sự việc không trôi chảy từ đầu. Lỗi lầm lớn nhất là để cho sự lo lắng khiến mình từ bỏ ước mơ về một quê hương tốt đẹp hơn.
ĐTC nhắc đến gương của Maria Mutola, người đã học kiên trì, cố gắng, dù cho cô không đạt được huy chương vàng trong 3 kỳ Olympic đầu tiên. Nhưng cô đã đạt được nó vào lần thứ 4.Những nỗ lực của cô không khiến cô đam mê tìm thành công riêng; 9 danh hiệu thế giới không khiến cô quên đi dân tộc của mình, nguồn gốc của mình: cô tiếp tục tìm kiếm những đứa trẻ nghèo của Mozambique.
Quan tâm đến người cao niên – nguồn cội của chúng ta
ĐTC cũng mời gọi các bạn trẻ quan tâm đến người cao niên. Ngài nói: “Người già có thể giúp cho các giấc mơ và khát vọng của các con không bị phai mờ, không bị chùn bước khi lần đầu gặp khó khăn hay bất lực. Họ là nguồn gốc của chúng ta”. “Người già có thể khó chịu và cằn nhằn, hoặc muốn các con hành động, nói và sống giống như cách của họ. Các con sẽ phải tìm ra con đường của riêng mình, nhưng bằng cách lắng nghe và đánh giá cao những người đã đi trước. Đây là những điều nhỏ thôi nhưng có thể nâng đỡ các con để các con không đầu hàng giữa những khó khăn và tiến bước với hy vọng, tìm ra cách thức mới để bày tỏ sự sáng tạo và cùng nhau đối phó với các vấn đề trong tinh thần liên đới.
Chia sẻ
Tiếp đến ĐTC mời gọi các bạn trẻ chia sẻ với những bạn trẻ kém may mắn, không nhà cửa, không gia đình và bạn hữu. Ngài mời gọi phát triển tình bạn với những người suy nghĩ khác mình để tình liên đới phát triển và trở thành vũ khí thay đổi dòng lịch sử.
Chăm sóc ngôi nhà chung
ĐTC cũng mời gọi các bạn trẻ chăm sóc cho trái đất, cho ngôi nhà chung của chúng ta. Và ngài nói nghĩa vụ này cũng là giấc mơ chung, một thử thách có thể giữ các bạn trẻ hiệp nhất với nhau.
Thiên Chúa yêu thương – niềm tin của mọi tôn giáo
Cuối cùng, ĐTC nhắc rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người và đây là điều các truyền thống tôn giáo đồng ý với nhau. Ngài nói: “Đối với Thiên Chúa, các con đều quý giá, quan trọng với Người vì các con là công trình do tay Người dựng nên. Do đó Người quan tâm và chăm sóc yêu thương. Người không nhớ những sai lỗi nhưng giúp các con học từ những thiếu sót của mình. Tình yêu của Thiên Chúa thì đơn giản, thing lặng và kín đáo. Đó là một tình yêu tự do và giải phóng, chữa lành và nâng dậy”.
ĐTC nói:” Nếu chúng con tin điều này, thì hòa giải là có thể. Nếu chúng con tin điều này, cha chắc chắn rằng chúng con có hy vọng và không ngừng tiếp tục con đường hòa bình trong hân hoan”.
4. ĐTC Phanxicô gặp các cấp chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Mozambic
Chương trình viếng thăm chính thức của ĐTC tại Mozambique bắt đầu vào sáng ngày 5/9, với việc thăm ngoại giao tổng thống Filipe Nyussi của Mozambique tại dinh tổng thống “Ponte Vermelha”. Sau đó, cũng tại đây, ĐTC đã gặp các thành viên chính phủ, quốc hội, ngoại giao đoàn, đại diện chính quyền và xã hội dân sự của Mozambique.
Diễn văn của ĐTC
Trong diễn văn đáp lời Đức Thánh Cha cảm ơn tổng thống, các thành viên của Chính phủ và những người hiện diện vì lời chào mừng và đặc biệt là lời mời để ngài có cơ hội thăm đất nước Mozambique, một đất nước giàu về văn hoá.
Liên đới với nạn nhân của hai cơn lốc xoáy Idai và Kenneth
Trước hết, ĐTC diễn tả sự gần gũi và liên đới của ngài với những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn lốc xoáy Idai và Kenneth. Ngài nói rằng: “Thật tiếc là tôi không thể đích thân đến thăm anh chị em, nhưng tôi muốn anh chị em biết rằng tôi cùng tham dự nỗi thống khổ của anh chị em; và cộng đồng Công giáo cũng sẽ dấn thân đáp lại tình cảnh khó khăn nhất này. Giữa thảm khốc và hoang tàn, tôi cầu xin, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, để tất cả các nhóm xã hội và dân sự dành ưu tiên quan tâm trong việc tái thiết.”
Ca ngợi thoả thuận hoà bình được ký tại Serra da Gorongosa
Về thoả thuận hoà bình được ký tại Serra da Gorongosa hồi tháng trước nhằm chấm dứt sự đối kháng quân sự giữa các nhóm người Mozambiques, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của cá nhân tôi và cũng như của cộng đồng thế giới lớn hơn, về những nỗ lực trong những thập niên vừa qua nhằm làm cho hòa bình trở thành chuẩn mực, và hòa giải trở thành con đường tốt nhất khi đứng trước những khó khăn và thách đố mà quý vị, như là một quốc gia, đang gặp phải.”
Đức Thánh Cha hy vọng thoả thuận vừa được ký là một cột mốc để người ta có thể hy vọng về một quyết định dứt khoát hơn nữa trên con đường hoà bình đã bắt đầu với Hiệp định Hoà bình Chung đã được ký tại Roma từ năm 1992.
Hãy nói ‘không’ với bạo lực và nói ‘có’ hòa bình!”
Quý vị đã trải qua những đau khổ và bi thương nhưng quý vị đã không để cho các mối tương quan con người bị chi phối bởi oán thù và không để cho thù ghét và bạo lực có tiếng nói cuối cùng. Như vị tiền nhiệm của tôi, thánh Gioan Phaolô II đã ghi nhớ trong chuyến viếng thăm đất nước của quý vị năm 1988: “Nhiều người nam nữ và trẻ em thiếu nhà ở, lương thực, trường để học, bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe, nhà thờ để gặp gỡ cầu nguyện và các cánh đồng cho người lao động. Hàng ngàn người buộc phải tản cư để tìm an ninh và phương tiện sinh sống; những người khác đã phải lánh nạn ở các quốc gia lân cận… Hãy nói ‘không’ với bạo lực và nói ‘có’ hòa bình!” (Chuyến thăm viếng Tổng thống Cộng hòa, 16 tháng 9 năm 1988, 3).
Quyết tâm nhưng không cuồng tín, với lòng can đảm nhưng không cao ngạo
Trong suốt những năm này, quý vị đã nhận ra cách thế để theo đuổi hòa bình dài lâu – một sứ mạng liên quan đến mọi người – đòi hỏi những nỗ lực vất vả, liên tục và không ngừng; vì hòa bình là một bông hoa mỏng manh, phải vật lộn để vươn mình nở hoa giữa lớp đá bạo lực (Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới 2019). Do đó, nó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục, với quyết tâm nhưng không cuồng tín, với lòng can đảm nhưng không cao ngạo, kiên cường nhưng theo cách mánh khoé, để thúc đẩy hòa bình và hòa giải, chứ không phải bạo lực, là thứ chỉ mang lại sự hủy diệt.
Hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà là một sự dấn thân không mệt mỏi
Như chúng ta biết, hòa bình không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà là một sự dấn thân không mệt mỏi – đặc biệt là về phía chúng ta, những người chịu trách nhiệm lớn hơn – để nhận ra, bảo vệ và phục hồi phẩm giá của anh chị em chúng ta một cách cụ thể, mà thường bị phớt lờ hoặc bỏ qua, để họ có thể thấy mình đóng vai chính trong vận mệnh quốc gia. Chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế rằng “nếu không có những cơ hội ngang nhau, thì nhiều loại hình thức gây hấn và xung đột sẽ có được một mảnh đất màu mỡ để phát triển và cuối cùng là bùng nổ. Khi một xã hội – dù là địa phương, quốc gia hay quốc tế – vẫn để lại một phần nào đó bên lề, thì không một chương trình hay tài nguyên chính trị nào có thể dùng áp chế của luật hay hệ thống giám sát để đảm bảo sự yên bình” (Evangelii Gaudium, 59).
Những tiến bộ đầy hứa hẹn
Hòa bình đã làm cho sự phát triển của Mozambique ở một số lĩnh vực trở nên có thể. Những tiến bộ đầy hứa hẹn đã được thực hiện trong các lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục nỗ lực xây dựng các cơ cấu và thể chế cần thiết để đảm bảo rằng không ai cảm thấy bị bỏ rơi, đặc biệt là những người trẻ chiếm một phần rất lớn dân số của đất nước quý vị. Họ không chỉ là hy vọng của vùng đất này; họ còn là món quà của đất nước, một món quà thách thức, tìm kiếm và cần tìm ra những kênh xứng đáng có thể cho phép họ sử dụng hiệu quả tất cả những tài năng của mình. Họ có khả năng gieo những hạt giống cho sự phát triển hòa hợp xã hội mà tất cả mọi người mong ước.
Văn hóa gặp gỡ
Một nền văn hóa hòa bình đòi hỏi “một tiến trình tiếp diễn, nơi đó mọi thế hệ mới phải tham gia vào cộng đồng” (ibid., 220). Vì lý do này, tiến trình này phải là một trong những ưu tiên và thấm nhuần văn hóa gặp gỡ: chấp nhận người khác, tạo kết nối và xây dựng những cầu nối. Về vấn đề này, điều cần thiết là phải trân trọng ký ức như một con đường mở ra tương lai, như một hành trình đưa đến chỗ đạt được những mục tiêu chung, những giá trị và ý tưởng được chia sẻ có thể giúp vượt qua những lợi ích hẹp hòi hoặc đảng phái. Bằng cách này, sự giàu có thực sự của quốc gia quý vị có thể được tìm thấy trong việc phục vụ người khác, đặc biệt là người nghèo.
Quý vị có một nhiệm vụ lịch sử và can đảm cần thực hiện: Quý vị sẽ không dừng dấn thân bao lâu còn có trẻ em không được đến trường, gia đình vô gia cư, công nhân thất nghiệp, nông dân không có đất canh tác. Đây là những nền tảng cho một tương lai hy vọng, một tương lai của phẩm giá! Những điều này là khí giới của hòa bình.
Chăm sóc “ngôi nhà chung”
Hòa bình cũng mời chúng ta nhìn về trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Từ cái nhìn này, Mozambique là một quốc gia rất may mắn, và quý vị có trách nhiệm đặc biệt trong việc chăm sóc phúc lành này. Bảo vệ đất đai cũng là bảo vệ sự sống, vốn đòi hỏi phải chú ý đặc biệt khi chúng ta thấy xu hướng cướp phá và bóc lột gây ra bởi lòng tham, mà thường không xuất phát từ những cư dân sống trên những vùng đất này, và cũng không được thúc đẩy bởi lợi ích chung của người dân của quý vị. Văn hóa hòa bình còn có một sự phát triển toàn diện, bền vững và bao gồm, nơi tất cả mọi người Mozambique có thể cảm thấy rằng vùng đất này là của họ. Nơi đây họ có thể thiết lập mối tương quan huynh đệ và công bằng với láng giềng và với tất cả mọi điều xung quanh.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tổng thống và quý chức trách thân mến! Tất cả quý vị hãy là những nghệ nhân kiến tạo những tác phẩm tuyệt vời nhất: tương lai hòa bình và hòa giải để có thể bảo vệ quyền của con cái quý vị trong tương lai. Tôi cầu xin Thiên Chúa để, trong thời gian trải qua với quý vị, ngay cả tôi, trong sự hiệp thông với các anh em giám mục và Giáo hội Công giáo tại vùng đất này, có thể giúp làm cho hòa bình, hòa giải và hy vọng ngự trị giữa mọi người.
3. ĐTC đã đến thủ đô Maputo của Mozambique
Sau hơn 10 tiếng bay, vào lúc 6,10 phút chiều giờ địa phương, máy bay chở ĐTC và đoàn tháp tùng đã đáp xuống phi trường Maputo, thủ đô của Mozambique.
Thủ đô Maputo
Maputo, trước đây là Lourenço Marques, tên của một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, người đã khám phá ra vịnh Delagoa vào thế kỷ XVI. Đây là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Mozambique với 3 triệu dân, là cảng chính trên vịnh Delagoa (Ấn Độ Dương). Về phương diện hành chính, thành phố Maputo là một tỉnh tự trị, (tỉnh Maputo không bao gồm lãnh thổ của thành phố và có thủ phủ là Matola). Nhờ có cảng hiện đại, Maputo là trung tâm kinh tế và tài chính của Mozambique, với kinh tế tập trung chủ yếu vào việc buôn bán than, đường và đá quý.
Năm 1898 Maputo trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Do đó, thành phố này, với gia sản phong phú của thực dân, với những dinh thự thật đẹp và rất nhiều công viên xanh, bắt đầu phát triển sau khi đường xe lửa nối liền với Johannesburg và Pretoria của Nam Phi được hoàn tất vào năm 1895.
Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC được Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi của Mozambique và phu nhân chào đón tại chân thang máy bay. Bốn em bé đã tặng hoa cho ngài giữa tiếng reo vui chào mừng của dân chúng.
Nghi thức đón tiếp chính thức
Ngay sau đó, nghi thức đón tiếp chính thức với tất cả các nghi thức ngoại giao đã diễn ra tại sân bay. Nghi thức chào cờ với quốc thiều của Vatican và Mozambique được đoàn quân nhạc trỗi lên, rồi ĐTC duyệt qua đoàn quân danh dự. Tiếp đến hai bên giới thiệu thành phần của hai phái đoàn. ĐTC cũng chào các Giám mục Mozambique.
Tại sân bay cũng có vài trăm dân chúng hiện diện và các phụ nữ đã thực hiện các điệu vũ múa truyền thống để đón chào ĐTC. Cuối cùng, ĐTC được Tổng Thống và đoàn tùy tùng tháp tùng đi qua hàng quân danh dự, lên xe “Papamobile” đi đến Tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 7 cây số.
Papamobile
Chiếc xe mui trần ĐTC dùng để di chuyển tại Mozambique chính là chiếc xe ngài đã dùng trong chuyến viếng thăm Kenya vào năm 2015. Chiếc xe đã được sơn lại và thay nệm. Chính Tổng thống Kenya là người đã kiểm tra chiếc xe trước khi nó được gửi từ cảng Mombasa của Kenya đến cảng Maputo của Mozambique.
Tòa Sứ thần tại Mozambique
Tòa Sứ thần nằm ở khu vực Polana Cimeno, ở trung tâm của thủ đô Maputo, với các dinh thự của các tổ chức và ngoại giao, nhìn ra Đại Tây dương. Tòa Sứ thần được xây sau khi quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Mozambic được thiết lập ngày 14/12/1995.
Trên đoạn đường 7 cây số từ sân bay về Tòa Sứ thần, dân chúng đứng hai bên đường vẫy cờ và ca hát chào đón ĐTC. Khi ĐTC đến Tòa Sứ thần, một nhóm người trẻ đã chào đón ngài bên ngoài Tòa Sứ thần và sau đó tại lối vào, ĐTC được các nhân viên Tòa Sứ thần chào đón. Tại đây, ĐTC đã dùng bữa tối và nghỉ đêm.
2. ĐTC Phanxicô mời gọi cầu nguyện cho người dân Bahamas
Như thường lê, trên chuyến bay, ĐTC đã chào các ký giả, khoảng 70 người, trong đó có 4 ký giả của Mozambique, một của Madagascar và 3 của Maurice.
Trước khi kết thúc, ĐTC mời những người cùng đi trên chuyến bay với ngài cầu nguyện cho quần đảo Bahamas. Theo tin tức, hàng ngàn người bị mất nhà cửa và nhiều người chết.
ĐTC nói: “Tôi muốn mời anh chị em, mỗi người tận đáy lòng mình, cầu nguyện cho những nạn nhân của trận bão ở quần đảo Bahamas: họ là những người nghèo đột nhiên mất nhà cửa, mất tất cả, thậm chí là mạng sống của họ. Mỗi người tận đáy lòng mình, cầu nguyện cho những anh chị em đang đau khổ (vì) những cơn bão này ở Bahamas. Cám ơn anh chị em.”
1. ĐTC lên đường viếng thăm 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice
Chuyến tông du lần này kéo dài từ ngày 4-9/9, với điểm đến là 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice ở mạn nam Phi châu và Ấn độ dương.
Viếng Đức Mẹ tại đền thờ Đức Bà Cả
Như thường lệ trước mỗi chuyến đi, sáng thứ ba ngày 3/9, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma, để phó thác và xin ơn phù trợ của Đức Mẹ cho chuyến viếng thăm này.
Gặp 12 người di dân
Sáng ngày 4/9, trước khi rời nhà trọ thánh Marta, ĐTC đã gặp 12 người di dân đến từ 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice. Họ được Trung tâm Astalli và Cộng đoàn thánh Egidio ở Roma đón nhận. Sau đó ĐTC đã đi xe đến phi trường Fiumicino của Roma.
Bắt đầu hành trình
Đến nơi vào lúc gần 8 giờ sáng, ĐTC đã được các vị lãnh đạo của phi trường chào đón. Đức cha Gino Reali, Giám mục giáo phận Porto-Santa Rufina, giáo phận có sân bay Fiumicino nằm trong lãnh thổ, cũng hiện diện để chào ĐTC.
ĐTC tươi cười bước lên máy bay. Ngài dừng lại ở cửa để chào phi công và các chiêu đãi viên. Sau đó ngài quay lại chào tất cả mọi người hiện diện.
Lúc quá 8 giờ, chiếc máy bay Airbus 330 của hãng hàng không Ý chở ĐTC và đoàn tùy tùng cùng với các ký giả cất cánh, trực chỉ phi trường Maputo của Mozambique, cách Roma hơn 7800 cây số về hướng nam.
Trong số các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh cùng đi với ĐTC, ngoài ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và vị phụ tá là Đức TGM Edgar Penha Parra, người Venezuela, còn có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo.