Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang trở thành mối nguy hại đối với toàn cầu. Con người đang đầu độc trái đất bằng nhiều hình thức khác nhau như: rác thải nhựa, hóa chất, khí thải… điều này làm thay đổi khí hậu nhanh chóng và gây tác động xấu đến cuộc sống con người.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc bảo vệ môi trường qua thông điệp Laudato Si’. Ngày 12/9/2019, hòa trong niềm vui của tết Trung Thu, giới trẻ Huynh đoàn Đaminh Giáo xứ Kẻ Sặt đã tổ chức cuộc thi làm lồng đèn từ những vật liệu phế thải để nâng cao nhận thức của các bạn về việc bảo vệ môi trường.
Cuộc thi gồm hai phần: làm lồng đèn và thuyết trình với hai giải tập thể và cá nhân. Riêng với giải tập thể, mỗi tổ phải thuyết trình nhằm nói lên ý nghĩa lồng đèn của mình. Để hoàn thành nhiệm vụ, trước đó các tổ đã họp nhau lại, cùng bàn bạc, lên ý tưởng, chọn chất liệu phù hợp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.Tổ 1 làm lồng đèn có hình chậu hoa cẩm tú cầu từ bìa Carton, giấy, chai nhựa. Tổ 2 với chiếc lồng đèn hình người được ghép từ những chai nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Lồng đèn tập thể không được làm sẵn, phải đem chất liệu đến lắp ráp, kích cỡ do Ban tổ chức quy định. Còn lồng đèn cá nhân được làm trước ở nhà, hình dạng, kích thước, chất liệu tùy theo óc sáng tạo của mỗi người.
Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, đến ngày thi, các tổ háo hức tập trung tại sân nhà xứ để tham gia tranh tài. Tốp ngồi cắt, tốp ngồi dán, người lắp bóng đèn.. tạo nên một không khí vui tươi và nhộn nhịp, thu hút sự chú ý của bà con giáo dân trong Giáo xứ đến xem. Họ thắc mắc không biết các bạn trẻ này đang làm gì mà lôi “rác” đến đây?
Qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của anh chị em, những chiếc lồng đèn dần lộ diện với đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy làm bừng sáng khuôn viên nhà xứ. Ban giám khảo đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chiêm ngưỡng những chiếc lồng đèn với đủ hình dạng, màu sắc được làm từ những chất liệu khác nhau. Nếu chỉ nhìn lướt qua, khó ai có thể nhận ra những tác phẩm xinh xắn này được tạo ra nên từ những phế liệu bỏ đi như: thìa nhựa, ống hút, nắp chai, giấy, sọ dừa… Mỗi người mỗi vẻ với những nét độc đáo, sáng tạo riêng tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo như trong truyện cổ tích.
Bước sang phần thuyết trình với chủ đề “Bảo vệ môi trường”, bạn Nguyễn Vũ, đại diện tổ 1 đã tự tin nói lên ý nghĩa của chiếc lồng đèn hình chậu hoa Cẩm Tú Cầu như sau: “Chúng em mang đến đây những vật liệu mà thoạt nhìn ai cũng nghĩ là chúng vô dụng, nhưng nếu biết sử dụng đúng cách thì sẽ tạo ra được những sản phẩm có ích cho con người và một trong những vật liệu đó là nhựa. Nhựa là một chất liệu phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy, nhưng con người cứ vô tư vứt chúng bừa bãi khắp nơi, trên rừng, dưới biển hay ở những nơi dân cư gây ô nhiễm môi trường sống, và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do vậy việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả mọi người.
Mượn ý tưởng từ sắc xanh của hoa Cẩm Tú Cầu tượng trưng cho hy vọng. Qua đó chúng em hy vọng về một môi trường sống mỗi ngày xanh-sạch- đẹp hơn. Để làm được điều đó, mỗi người hãy dùng trái tim nhiệt huyết, yêu thương của mình để tích cực tham gia vào các công việc bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, phân loại rác hợp lý…Những công việc này phải được tập thành thói quen và phải làm thường xuyên chứ không hưởng ứng theo phong trào rồi thôi. Trong Huynh đoàn của chúng ta hiện nay có công tác thu gom ve chai, vệ sinh quanh khuôn viên Thánh đường, nghĩa trang…Những công việc này tuy nhỏ bé nhưng góp phần làm cho môi trường và khuôn viên Giáo xứ trở nên sạch đẹp hơn, phần nào tác động vào nhận thức của những người xung quanh để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống”.
Tổ 2 với lồng đèn hình người làm từ chai nhựa đã nêu lên thực trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Việt Nam, và sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân khi vô tư vứt rác ra đường, sông, suối làm mất đi vẻ mỹ quan và là nguyên nhân cho các dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Để khắc phục được điều này, mỗi người hãy là một chiến sĩ trên mặt trận chống ô nhiễm môi trường, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và hành vi của mình, vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, mang giỏ đi chợ thay vì xách bằng túi ni lông, sử dụng những đồ dùng có thể tái chế…. Bạn Hoàng Oanh nhấn mạnh: Thiên nhiên, môi trường là quà tặng quý giá từ Thiên Chúa, nên chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nó”.
“Chơi mà học, học mà chơi”, cả hai bài thuyết trình đã nêu lên tác hại của rác thải đối với môi trường và sức khỏe của con người, đồng thời đưa ra những những biện pháp để khắc phục chúng. Qua cuộc thi này, ngoài mục đích giáo dục còn kích thích tính thẩm mỹ, óc sáng tạo nơi mỗi loại trẻ, thắt chặt thêm tình đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên trong giới trẻ Huynh đoàn. Nhờ đó họ biết đem những khả năng Chúa ban để phục vụ cộng đoàn và xã hội mỗi ngày một tốt hơn.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và người khác. Ước mong sao qua chương trình này, anh chị em quyết tâm sống tốt hơn trong cách đối xử với ngôi nhà thiên nhiên và “chỉ khi mọi người cùng chung tay không làm bẩn môi trường và biết cộng tác giữ gìn, thì môi trường mới trong sạch được”. (Trích thư chung gởi gia đình về môi trường của Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo).
KimMary