Trang Tin Mừng hôm nay (Lc 20, 27-38) cho chúng ta một giáo huấn tuyệt vời của Chúa Giêsu về sự phục sinh. Những người thuộc phái Sađốc, những người không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu và đặt cho Người một câu hỏi với nhiều ngụ ý: “nếu dựa trên luật Mô-sê, trong ngày phục sinh, người phụ nữ có bảy người chồng, mà tất cả họ đều là anh em với nhau, sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu không rơi vào cái bẫy ấy nhưng hướng câu trả lời của mình đến một cấp độ khác: “trong ngày phục sinh, người ta sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại” (cc. 35-36).
Cuộc sống của chúng ta rồi sẽ ra sao?
Bằng câu trả lời này, trước hết, Chúa Giêsu mời những người đối thoại với mình – và cả chúng ta nữa – nghĩ về cuộc sống trần thế, mà chúng ta đang sống lúc này, không phải là duy nhất, nhưng còn một cuộc sống khác, nơi không còn sự chết, nơi biểu lộ cách đầy đủ rằng chúng ta con cái Thiên Chúa. Lắng nghe những lời mộc mạc, rõ ràng và chân thành này của thầy Giêsu về sự sống ấy đem lại cho chúng ta nguồn an ủi và hy vọng lớn lao. Chúng ta cần điều này rất nhiều, đặc biệt là trong thời đại của chúng ta, thời đại mà người ta biết nhiều kiến thức về vũ trụ, mà lại biết rất ít về hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu đoan chắc về sự phục sinh là bởi Người dựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự sống. Đằng sau câu hỏi của những người Sa-Đốc còn có một vấn đề sâu xa hơn: không chỉ vấn đề “cô ấy sẽ là vợ của ai” trong số bảy người chồng của cô, mà còn là việc “cuộc đời của cô sẽ thuộc về ai”? Đó là điều mà mọi người thuộc mọi thời đại, và cả chúng ta nữa, đều đặt ra: sau cuộc hành trình dương thế này, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Thuộc về hư vô hay là sự chết?
Nơi nào có những tương quan đích thực, nơi đó có sự sống
Chúa Giêsu trả lời rằng sự sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và bận tâm về chúng ta rất nhiều, đến mức liên kết tên của Người với chúng ta: “Người là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa “(câu 37-38). Sự sống tồn tại nơi có sự liên đới, hiệp thông và huynh đệ. Sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những tương quan thực sự và những ràng buộc thủy chung. Ngược lại, sẽ không có sự sống ở những nơi người ta chỉ biết sống cho riêng mình và sống như một hòn đảo. Với thái độ ấy, cái chết đang thắng thế. Đó chính là sự ích kỷ. Nếu tôi chỉ biết sống cho riêng mình, tôi đang gieo mầm sự chết nơi chính con tim tôi.
Trước khi kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta mỗi ngày sống trong viễn cảnh những gì chúng ta tuyên xưng trong phần cuối của Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.
Đức Thánh Cha tuyên bố sẽ viếng thăm Nam Sudan
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Nam Sudan, và ngài ước mong sẽ viếng thăm Nam Sudan vào năm tới. Ngài cũng đã diễn tả ước mong này trong cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Cộng Hòa Nam Sudan, ông Salva Kiir.
Nam Sudan
Lúc này, tôi nghĩ đặc biệt đến những người dân thân yêu của Nam Sudan. Với ký ức vẫn còn sống động về cuộc tâm linh cho các nhà lãnh đạo của đất nước này, được tổ chức tại Vatican vào tháng 4 năm ngoái, tôi muốn làm mới lời mời gọi của mình tới tất cả các những nhà hoạt động chính trị quốc gia, biết tìm kiếm sự hiệp nhất, vượt trên sự chia rẽ trong tinh thần huynh đệ thực sự. Người dân Nam Sudan đã phải chịu đựng quá nhiều trong những năm gần đây và họ chờ đợi với hy vọng lớn lao về một tương lai tốt đẹp hơn, đặc biệt là việc kết thúc của các cuộc xung đột để tiến tới hòa bình lâu dài. Do đó, tôi kêu gọi những người có trách nhiệm tiếp tục thực hiện cam kết của mình hướng tới một cuộc đối thoại toàn diện trong việc tìm kiếm sự đồng thuận vì lợi ích của quốc gia. Tôi cũng bày tỏ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ không lơ là việc đồng hành cùng Nam Sudan trên con đường hòa giải dân tộc. Tôi mời tất cả các bạn cùng nhau cầu nguyện cho đất nước này, đất nước mà tôi dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt.
Dành độc lập từ năm 2011, Nam Sudan lại rơi vào cuộc nội chiến hai năm sau đó. Tổng thống Salva Kiir cáo buộc Phó Tổng thống Rieck Machar đã dàn dựng một cuộc đảo chính chống lại ông. Có tới 400.000 người đã thiệt mạng và hơn 4 triệu người phải bỏ chạy khỏi đất nước trong suốt cuộc xung đột.
Cầu nguyện cho Bolivia
Sau khi đọc kinh Kính Mừng cầu nguyện cho Nam Sudan, Đức Thánh Cha xin các hữu cầu nguyện cho Bolivia, vùng đất gần quê hương của Ngài. Đất nước Nam Mỹ này đã bị chìm trong tình trạng bất ổn chính trị sau kết quả tranh chấp của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 20 tháng 10. Một số người đã chết vì bạo lực và hơn 300 người bị thương.
Đức Thánh Cha “kêu gọi tất cả người dân Bolivia, đặc biệt là những nhà hoạt động chính trị và xã hội, chờ đợi kết quả của quá trình bầu cử trong tinh thần xây dựng hòa bình và vô vị lợi.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến ngày lễ Tạ ơn của Ý và ước mong chính sách việc làm tại nước này hướng đến phẩm giá và sự đoàn kết, cũng như tránh xa nạn tham nhũng.
Vị chân phước mới của Giáo Hội
Hướng đến vùng Granada của Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Chân phước Maria Emilia Riquelme y Zayas, Mẹ sáng lập Dòng Các Nữ Tu Truyền Giáo của Bí Tích Thánh Thể và Đức Maria Vô Nhiễm mới được tuyên phong hôm thứ bảy vừa qua. “Vị chân phước mới của Giáo Hội là gương mẫu trong việc sốt sắng chầu Thánh Thể và quảng đại phục vụ những người thiếu thốn.”
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News