Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, cha Alexandre Denou giải thích: “Sau 8 năm khủng hoảng kinh tế, tham nhũng và bạo lực, giai đoạn bắt đầu này rất cần đối thoại và Giáo hội Mali đã hoạt động tích cực trong vai trò “cây cầu” giữa các bên.
Theo cha Alexandre, nắm quyền qua vũ lực không thúc đẩy dân chủ. Đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh kéo dài trong nhiều năm. Không chắc rằng sáng kiến này đưa đất nước tiến lên. Nhưng điều chắc chắn là những người nắm quyền phải nỗ lực khôi phục lại sự an toàn, điều mọi người đã chờ đợi từ lâu. Cuộc đảo chính bị Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi và một số tổ chức khác lên án, không tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn cảnh hiện nay của Mali. Cha Alexandre Denou nói: “Chúng tôi cần làm việc với người khác. Mali không thể làm như họ muốn, vì thế chúng tôi sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán và nếu có thể cố gắng tìm ra giải pháp”.
Cha còn cho biết, Giáo hội chỉ là thành phần thiểu số nhưng được lắng nghe rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi cũng có vài điều muốn nói. Theo nghĩa này, các Giám mục đang khai triển một kế hoạch mục vụ, một công cụ trợ giúp cho người Mali. Giáo hội Công giáo luôn dấn thân vì hạnh phúc của con người. Giáo hội cùng với các Giáo hội Kitô khác mang lại một tiếng nói duy nhất, cùng làm việc chung với các tổ chức xã hội dân sự. Giáo hội luôn ủng hộ đối thoại, yêu cầu các đảng phái chính trị gặp nhau. Giáo hội đồng hành với sự chuyển đổi của đất nước qua những ý tưởng, cầu nguyện và các hoạt động.
Ở Mali, từ năm 2012, quân đội đã can thiệp để thay đổi chế độ trong nước. Bây giờ, 8 năm sau, nó lại xảy ra. Theo cha Alexandre Denou, thực tế mọi người vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm dân chủ. Người dân chưa trưởng thành đủ để sống nền dân chủ và thực hiện nó một cách hiệu quả. Vì thế, họ cần được đào tạo, bởi vì không thể tiếp tục chứng kiến những cuộc đảo chính như thế này. Giáo hội luôn kêu gọi sự ổn định và việc thực hiện nó.
Sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra hôm 18/8, ông Ibrahim Boubacar Keita, Tổng thống Mali, và Thủ tướng Boubou Cisse đã bị các binh sĩ nổi dậy bắt giữ cuối ngày 18/8, rồi dẫn giải đến trại Kati, nằm cách thủ đô Bamako độ 15km, cũng tại nơi này 8 năm trước từng khởi phát một cuộc binh biến hạ bệ Tổng thống Amadou Toumani Touré. Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức để tránh “đổ máu”. Ông Keita tỏ ra bình tĩnh khi xuất hiện trên truyền hình nhà nước sau nửa đêm để tuyên bố giải tán chính phủ và Quốc hội, đồng thời cho biết ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức ngay lập tức.
Ngọc Yến – Vatican News