Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục suy tư về kinh nguyện trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện của Ki-tô hữu. Trong bài giáo lý hai tuần trước, Đức Thánh Cha đã cho cho các tín hữu thấy rằng qua cầu nguyện, họ được chia sẻ vào đời sống của Chúa Ba Ngôi, nhờ Chúa Thánh Thần mà Chúa Giê-su đã ban.
Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện, làm cho Chúa Ki-tô hiện diện và hoạt động trong cuộc sống của chúng ta và trên thế giới. Trong Chúa Thánh Thần chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được sống ơn gọi nên thánh, được thực hiện sứ vụ lãnh nhận qua bí tích rửa tội, đó là làm chứng cho tình yêu cứu độ và thương xót của Chúa Ki-tô. Qua cầu nguyện và các việc bác ái chúng ta mở rộng cuộc sống để đón nhận các ơn Chúa Thánh Thần, đi theo bước chân của muôn vàn vị thánh đã đi trước chúng ta.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, đưa chúng ta ngày càng hoàn toàn đi vào cuộc sống của Chúa Ba Ngôi, và ban cho Giáo Hội được nhiều ơn của Người để gia đình nhân loại chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất và hòa bình.
Chúa Thánh Thần là quà tặng đầu tiên của mỗi Ki-tô hữu
Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói rằng quà tặng đầu tiên được ban cho mỗi cuộc sống của Ki-tô hữu chính là Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một trong nhiều quà tặng, mà là quà tặng cơ bản. Không có Chúa Thánh Thần thì không có tương quan với Chúa Kitô và với Chúa Cha. Vì Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta ra với sự hiện diện của Thiên Chúa và lôi cuốn nó vào “cơn lốc” tình yêu là chính trái tim của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là khách trọ và lữ khách trong hành trình trên mặt đất này, chúng ta cũng là khách và người hành hương trong Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như tổ phụ Áp-ra-ham, một ngày kia khi đón ba người đi đường vào lều của mình, đã gặp Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể cầu khẩn Chúa và gọi Người “Abba” – nghĩa là lạy Cha, là bởi vì Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta; chính Người biến đổi chúng ta một cách sâu sắc và làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui cảm động được Thiên Chúa yêu thương như những người con đích thực của Người.
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giê-su hiện diện với chúng ta
Trích dẫn Giáo Lý Công giáo số 2670: “Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện với Chúa Giê-su, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Chúa Ki-tô. Vậy tại sao ta không cầu xin chính Chúa Thánh Thần ? Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mỗi việc quan trọng”, Đức Thánh Cha lưu ý đây là hoạt động của Thánh Thần trong chúng ta. Người “nhắc nhở” chúng ta về Chúa Giê-su và làm cho Chúa Giê-su hiện diện với chúng ta, để Người không bị giảm thiểu thành một nhân vật của quá khứ. Nếu Chúa Giê-su Ki-tô chỉ thuộc về một thời gian rất xa xôi, chúng ta sẽ cô đơn và lạc lõng giữa thế giới. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, mọi sự đều sống động: khả năng gặp gỡ Chúa Kitô được mở ra cho các Kitô hữu ở mọi nơi và mọi lúc. Người không ở đâu xa, Người ở với chúng ta: Người vẫn giáo dục các môn đệ bằng cách biến đổi tâm hồn họ, như Người đã làm với thánh Phê-rô, với thánh Phao-lô, với thánh Maria Mađalêna.
Kinh nghiệm của những người cầu nguyện
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Đó là kinh nghiệm mà nhiều người cầu nguyện đã trải qua: những người nam và người nữ mà Chúa Thánh Thần đã tạo nên theo “thước đo” của Chúa Kitô, trong lòng thương xót, phục vụ, cầu nguyện … Có thể gặp gỡ những người như thế là một ân sủng: chúng ta nhận ra rằng nơi họ có một cuộc sống khác; họ nhìn vượt trên sự vật. Đó không chỉ là kinh nghiệm của các đan sĩ, các ẩn sĩ; nhưng cũng của những người bình thường, những người đã dệt nên một lịch sử đối thoại lâu dài với Thiên Chúa, trong những lúc đấu tranh nội tâm, để thanh luyện đức tin. Những chứng tá khiêm nhường này đã tìm kiếm Chúa trong Tin Mừng, trong Thánh Thể họ lãnh nhận và tôn kính, nơi khuôn mặt của người anh chị em gặp khó khăn, và họ gìn giữ sự hiện diện của Người như một ngọn lửa âm thầm.
Giữ cho ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa luôn cháy sáng
Theo Đức Thánh Cha, nhiệm vụ đầu tiên của Kitô hữu chính là giữ cho ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần gian (x. Lc 12,49), tức là Tình Yêu Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, luôn cháy sáng. Không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ. Hãy nghĩ đến hình ảnh ngọn đèn thắp sáng cạnh Nhà Tạm, nơi lưu giữ Thánh Thể. Ngay cả khi nhà thờ trống vắng và bóng tối buông xuống, ngay cả khi nhà thờ đóng cửa, ngọn đèn đó vẫn sáng, vẫn tiếp tục cháy: không ai nhìn thấy nó, nhưng nó vẫn cháy trước mặt Chúa.
Chúa Thánh Thần viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới
Đức Thánh Cha trích dẫn Giáo lý Công giáo số 2672: “Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người chúng ta, trở thành người Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi nguời. Được hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Ki-tô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh”.
Ngài nhấn mạnh: Do đó, chính Thánh Thần là Đấng viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta là những trang giấy mở, sẵn sàng để Người viết vào. Và trong mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần sáng tác các tác phẩm nguyên bản, bởi vì không bao giờ có một Ki-tô hữu nào hoàn toàn giống với một Ki-tô hữu khác. Trong lãnh vực vô biên của sự thánh thiện, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, cho phép muôn vàn nhân chứng nở rộ: tất cả đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng cũng độc nhất về vẻ đẹp mà Chúa Thánh Thần muốn làm phát sinh nơi mỗi người mà lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến thành con cái của Người.
Cầu nguyện cho Paraguay
Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha bày tỏ lo ngại về tình hình ở Paraguay. Ngài xin Đức Mẹ Phép lạ ở Caacupé chuyển cầu, cầu xin Chúa Giê-su, Hoàng tử Bình an, cho nước này có thể tìm ra một cách đối thoại chân thành để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho những khó khăn hiện tại, và nhờ đó cùng nhau xây dựng nền hòa bình đã mong đợi từ lâu. Ngài nói: “Chúng ta hãy nhớ rằng bạo lực luôn tự hủy diệt chính mình. Chúng ta không thu được gì từ nó, nhưng mất đi rất nhiều.”
Cầu nguyện cho Myanmar
Một lần nữa Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn và cảm thấy cần khẩn cấp nói lên tình cảnh bi đát ở Myanmar, nơi nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, đang hy sinh mạng sống để mang lại tự do cho quê hương của họ. Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng quỳ gối trên các con đường của Myanmar và nói: hãy dừng bạo lực! Tôi cũng dang tay ra và nói: chớ gì đối thoại sẽ vượt thắng!”
Thánh Giuse – Đấng Công chính và Khôn ngoan
Cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ trọng thánh Giuse vào thứ Sáu 19/3 và cũng là ngày bắt đầu năm Gia đình Niềm vui của Tình Yêu.
Trong lời chào tín hữu nói tiếng Ý Đức Thánh Cha mời gọi: “Anh chị em hãy giống như thánh nhân, sẵn sàng hiểu và thực hành Tin Mừng. Trong cuộc sống, trong công việc, trong gia đình, trong những lúc vui mừng và những lúc khổ đau, thánh Cả Giuse đã không ngừng tìm kiếm và yêu mến Chúa, xứng đáng được Thánh Kinh ca tụng là người công chính và khôn ngoan. Hãy luôn kêu cầu ngài, đặc biệt là trong những khoảnh khắc khó khăn mà anh chị em có thể gặp phải.”
Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Pa Lan, Đức Thánh Cha nói: “Xin Mẹ Maria, Nữ vương của Ba Lan, ban cho cho các gia đình có được cái nhìn của Phúc âm về hôn nhân, trong sự hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng sự sống con người.” Đức Thánh Cha cũng chúc phúc cho tất cả những người sẽ tham gia vào các sáng kiến được thực hiện nhân dịp kỷ niệm Năm Gia đình Niềm vui của Tình Yêu.
Hồng Thủy – Vatican News