Thư tháng 06.2021: Nhọc nhằn sinh trái đơm hoa

“Sinh trái đơm hoa” thì bao giờ cũng phải nhọc nhằn. Nhưng sinh trái đơm hoa lại là sự thành toàn của sự sống. Với một cái nhìn đơn giản, ta cũng thấy được dấu hiệu của sự sống đích thực là bắt rễ để hút nhựa sống và trổ sinh những mầm sống mới. Có lẽ trong ngôn ngữ đời thường, người ta cũng cảm nhận được những yếu tố căn bản của sự sống như thế, và người ta dùng từ “đời sống” để diễn tả nhiều lãnh vực khác nhau : đời sống tâm linh, đời sống cộng đoàn, đời sống trí thức, đời sống tông đồ… Những mạch sống như thế khác với những hình thức sinh hoạt suông, những “sinh hoạt” gồm có những yếu tố bên cạnh nhau nhưng không phải là sự sống hữu cơ. Chẳng hạn một đời sống tâm linh thì khác với người tham dự đầy đủ những sinh hoạt tôn giáo, nhưng không bao giờ nghiệm thấy mối tương quan ngã vị với Chúa, và sinh hoạt đạo cứ diễn tiến năm này qua năm khác mà không hề làm dầy lên tình nghĩa với Chúa cũng như không sinh hoa trái của tình yêu. Cũng vậy, một đời sống trí thức đích thực thì khác với bao kẻ vẫn cắp sách đến trường, vẫn làm bài, vẫn thi cử…, những người có nhiều “cái biết” mà không hề gia tăng “cái hiểu” để soi sáng và sinh hoa trái trong đời sống đích thực…

Đời sống gia đình là một biểu hiện rõ nét của sự sống đích thực. Sự sống thì “sinh trái đơm hoa”, hoa trái là những đứa con, hoa trái là một kinh nghiệm tình yêu phong phú của vợ chồng qua bề dày nghĩa tình, hoa trái là những mối tương qua rộng mở từ đời sống gia đình,… và hoa trái là ý nghĩa của một tình yêu có khả năng dẫn dắt con người đi vào nẻo đường chấp nhận “nhọc nhằn” để cho ai khác được sống phong phú hơn.

Dấu hiệu “bắt rễ” và “sinh hoa” là dấu hiệu của sự sống đích thực, đó chính là tính “phong phú” nằm trong bản chất của sự sống. Sự sống của tình yêu phải phong phú, sự sống của gia đình phải phong phú, sự sống trí thức phải phong phú… và sự sống của Chúa, hay ân sủng của Chúa cũng luôn diễn tiến theo “quy luật phong phú” ấy.

Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Chúng ta có thể thấy được rõ nhất ý nghĩa đích thực của sự sống trong tình yêu hôn nhân Kitô giáo. Hai mục đích của hôn nhân Kitô giáo, như điều kiện căn bản của tình yêu, luôn là :

1) Trọn đời yêu thương nhau;

2) Sinh sản và giáo dục con cái.

Điều thứ nhất diễn tả tính toàn vẹn của tình yêu, vì tình yêu chân thật chính là trao tặng và đón nhận “bản thân” và “cuộc đời” của nhau. Đó là giao ước ngôi vị, trong đó vợ chồng cùng “trao thân –gửi phận” cho nhau. (Hai đặc tính của hôn nhân không là gì khác hơn nhằm để bảo đảm tính toàn vẹn ấy : – một vợ một chồng = trao và nhận trọn vẹn bản thân; – không ly dị = gắn bó trọn cuộc đời).

Điều thứ hai diễn tả phẩm tính của tình yêu, đòi hỏi vợ chồng không được hoàn toàn từ chối việc sinh con, vì đó là thái độ rộng mở để tình yêu được diễn đạt chân chính; và ngay cả khi hôn nhân ấy không thể có con vì lý do nào đó, thì tính rộng mở và phong phú vẫn cần được thể hiện bằng thái độ sẵn sàng chia sẻ sự sống yêu thương từ gia đình đến với người khác, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh khó khăn.

Tình yêu trong tinh thần Kitô giáo như thế không phải chỉ là tình cảm bồng bềnh, nhưng gồm chứa ý nghĩa trọn vẹn của sự sống. Chỉ có tình yêu ấy mới “xứng đáng” để đảm nhận trách nhiệm về vận mạng của sự sống nhân loại,

Chắc chắn là chúng ta không nên gạt bỏ tính lãng mạn của tình yêu, nhưng quả thật tình yêu Kitô giáo hoàn tất tính lãng mạn ấy bằng thái độ tôn trọng thực tại và góp phần làm cho thực tại được hoàn thành trong chương trình của Chúa. Tính lãng mạn của tình yêu được thành toàn trong ý nghĩa “nhọc nhằn sinh trái đơm hoa”. Lãng mạn không phải chỉ được hiểu như một thứ tình cảm bay bổng và vượt thoát những đòi hỏi có trách nhiệm của tình yêu và sự sống, nhưng lãng mạn là nét đẹp, nét đẹp của sự sống thật và nét đẹp góp phần cho sự sống thêm phong phú. Quả thật, hoa trái đích thực của tình yêu sẽ dẫn dắt con người đi đến sự sẵn sàng hy sinh bản thân, hy sinh cuộc đời để làm trổ sinh những “mầm sống” mới :

Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. (Ga 12,24)

Các bạn trẻ Đa Minh thân mến,

Không phải chỉ có các bạn, nhưng mọi người đều đang khát vọng yêu thương, và khát vọng yêu thương cũng chính là khát vọng tự nhiên nhằm mời gọi con người đảm nhận trách nhiệm với sự sống. Mong sao các bạn bước vào tình yêu với tất cả niềm vui và trách nhiệm của một Kitô hữu chân chính.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *