Nạn nhân đột quỵ khẳng định Đức Mẹ Loreto đã đến bên giường và cứu anh. Thánh Lễ tưởng niệm Cha Giuse ở Adelaide, Úc

 

1. Nạn nhân đột quỵ khẳng định Đức Mẹ Loreto đã đến bên giường và cứu anh

Một người chồng kể rằng anh đã sống sót sau một cơn đột quỵ như thế nào nhờ sức mạnh đầy quyền năng của Đức Maria vào thời khắc nguy cấp nhất.

Nạn nhân đột quỵ khẳng định Đức Mẹ Loreto đã đến bên giường và cứu anh. Thánh Lễ tưởng niệm Cha Giuse ở Adelaide, Úc

Tờ “Il Messaggio della Santa Casa di Loreto”, nghĩa là “Thông điệp của Nhà Thánh Loreto”, đã đăng một lời chứng tuyệt vời từ một cặp vợ chồng tên là Fabrizio và Maria Rita Musino. Người chồng kể lại câu chuyện đầy kịch tính về một cơn đột quỵ mà anh đã sống sót nhờ sự cứu giúp của Đức Mẹ Maria vào lúc nguy cấp nhất.

Đó là ngày 13 tháng 6 năm 2019 khi Fabrizio, một nhạc sĩ, cảm thấy đau dữ dội ở đầu khi anh đang chỉ có một mình trông nhà giúp cho mẹ ruột của anh. Anh chỉ có đủ thời gian để báo cho vợ mình, là một bác sĩ, qua điện thoại trước khi bước vào trạng thái bán hôn mê.

Vợ anh, là Maria Rita, ngay lập tức chạy đến hiện trường và nhận ra rằng anh đang bị đột quỵ nghiêm trọng. Cô đã gọi dịch vụ khẩn cấp, và đi cùng Fabrizio bằng máy bay trực thăng đến khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rôma.

Fabrizio đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu và hút máu bị rò rỉ, vì nếu những giọt máu ấy vẫn còn bên trong hộp sọ, chúng sẽ gây ra tổn thương thần kinh nghiêm trọng.

Bệnh nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng về tính mạng, đã lấy lại được liên lạc với thế giới sau ba ngày được chăm sóc đặc biệt. Anh ấy bị đau dữ dội ở cổ, và có cảm giác đơ cứng, chóng mặt và nôn mửa, nhưng may mắn thay anh ấy đã có thể cử động tay và chân.

Thật không may, anh ấy bị nhiễm trùng tiết niệu từ ống thông tiểu của mình, và nó chuyển thành nhiễm trùng huyết. Anh ấy bị sốt rất cao và không có phản ứng thuận lợi với thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt. Fabrizio nói với Thông điệp của Nhà Thánh Loreto:

Tôi nhớ buổi chiều hôm đó tôi muốn cầu nguyện cùng với vợ mình. Vợ tôi chỉ có thể vào phòng trong vài phút với hàng nghìn biện pháp phòng ngừa và mặc một chiếc áo choàng dùng một lần. Chúng tôi đọc một kinh Kính Mừng, và giữa những giọt nước mắt của cả hai chúng tôi, chúng tôi tái lập lời thề hôn nhân của mình “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời”. Sau đó, vợ tôi xức lên trán tôi bằng dầu của Nhà Thánh Loreto, đọc những lời cầu nguyện thích hợp dâng lên Chúa, hôn tôi và ra ngoài.

Fabrizio sợ phải đối mặt với màn đêm trong những điều kiện khó khăn đó, nhưng đến một lúc nào đó, anh cảm thấy mình không còn cô đơn nữa.

Anh cho biết:

“Đêm đó, Mẹ Thiên Chúa vĩ đại, Đức Maria Rất Thánh, đã đến bên giường tôi. Tôi đã không ngủ, tôi chắc chắn; Tôi không nghiện ma túy và tôi không dùng những loại thuốc có thể gây ảo giác. Đột nhiên tôi có cảm giác có thể cảm nhận được siêu việt. Khoảng cách ngăn cách tôi với những gì bên ngoài thực tại khách quan là tối thiểu. Những gì nằm ngoài trải nghiệm giác quan của tôi thực sự nằm trong căn phòng bên cạnh. Tôi nhớ mình đã cảm thấy một sự bình yên tuyệt vời và một cảm giác yêu thương mãnh liệt — sự bình yên đó, tình yêu đó và sự hòa hợp mà tôi có thể hít thở trong một môi trường quen thuộc”.

Chính lúc này, Fabrizio đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ xuất hiện, một hình hài duyên dáng, uy nghiêm, đang bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay. Cô đến chân giường của anh và mỉm cười với anh mà không nói gì.

Mẹ Maria mặc một chiếc áo dài như trong bức tượng Đức Mẹ Loreto, khuôn mặt xinh đẹp đầy duyên dáng của Mẹ, tỏa sáng.

Mọi nỗi đau của anh ấy đều tan biến

Ngay lập tức mọi nỗi đau của anh ấy chấm dứt: anh ấy vẫn im lặng, chỉ tràn ngập bởi cảm giác khỏe mạnh và thanh thản khiến anh ấy chìm vào giấc ngủ yên, “như một đứa trẻ trong vòng tay của Mẹ mình”.

Trong những ngày sau đó, các loại thuốc đã trở nên hiệu quả và chữa khỏi nhiễm trùng, và quá trình chữa bệnh của anh ấy bắt đầu. Hôm nay, Fabrizio suy tư về việc có bao nhiêu người, thánh hiến và giáo dân, đã cầu nguyện cho anh — ở Loreto, nơi anh và vợ đã đi hành hương nhiều lần, ở Ý, và ở khắp nơi trên thế giới, nơi anh quen biết nhiều nhạc sĩ và giáo viên. Anh nói, chính sức mạnh của dàn đồng ca cầu nguyện đó đã khiến Đức Mẹ đến giải cứu anh. Anh nói với tờ “Thông điệp của Nhà Thánh Loreto”:

“Một chuỗi cầu nguyện thực sự đã được tạo ra, một dàn đồng ca, mà tôi tin rằng, đã vang tới tận thiên đường, mạnh mẽ, quyền năng và chân thành đến nỗi khiến Đức Trinh Nữ Maria cảm động, người không chỉ cứu tôi khỏi cái chết mà còn muốn tôi được gặp Mẹ.”

Nhờ có Đức Maria, Fabrizio đã được tái sinh.

Trải nghiệm phi thường về sự tái sinh thể chất và tinh thần này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm mà Fabrizio sống và đối mặt với cuộc sống.

“Hôm nay tôi cảm thấy rằng tôi thực sự là một con người mới, được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô. Đã từng nhìn thẳng vào cái chết, nhưng hơn hết là hiểu được vĩnh cửu là gì, và những điều đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này, mọi thứ trong thế giới này đều có giá trị tương đối. Một cuộc sống trần thế đã được ban cho chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là phải sống nó theo cách tốt nhất có thể — nghĩa là, như một hành động tạ ơn Cha toàn năng, cố gắng thực hành mỗi ngày những lời dạy của Phúc Âm, luôn luôn tìm kiếm hướng về quê hương trên trời, nơi Mẹ chúng ta đang chờ đợi chúng ta trong sự hiệp thông của các thánh.”


Source:Aleteia

2. Giám mục của Buenaventura nhận được lời đe dọa tử vong: “Hôm nay ông sẽ là nạn nhân”

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trong bản tin hôm 8 tháng 2, cho biết như sau:

“Chúng tôi rất lo lắng cho cuộc sống của Đức Cha Rubén Darío Jaramillo của Buenaventura, người, với tư cách là một mục tử tốt và với nỗi đau của người dân trong trái tim mình, đã tố cáo những gì đang xảy ra trong khu vực này, nơi các nhóm vũ trang đã hành động chống lại người dân,” Cha Darío Echeverri, Tổng Thư ký của Ủy ban Hòa giải Quốc gia (CCN), cho biết sau khi Giám mục Buenaventura nhận được nhiều lời đe dọa ám sát. Vị linh mục Công Giáo phàn nàn rằng một số nơi trong khu vực cảng Buenaventura cấm không cho Đức Cha đến, mặc dù chúng nằm trong lãnh thổ giáo phận của ngài, và vì thế, ngài không thể thực hiện sứ mệnh mục vụ của ngài ở đó.

Vị Giám Mục đã kêu gọi chính phủ quốc gia “đặc biệt chú ý đến cảng này, cảng quan trọng nhất ở Colombia”, đồng thời kêu gọi các nhóm vũ trang ngừng các cuộc tấn công vào người Afro và dân bản địa sống ở đó, cũng như những người nhập cư từ khắp nơi trên đất nước.

Trong một thời gian, Đức Cha Rubén Darío Jaramillo đã kêu gọi các nhà chức trách phải hành động dứt khoát vì theo lời Đức cha, “đây không chỉ là bạo lực, mà là một cuộc chiến thực sự”.

Khu vực cảng Buenaventura là hiện trường của các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm tội phạm, tranh giành quyền kiểm soát khu vực, nhằm sử dụng vào việc buôn bán ma túy và đánh thuế hàng hóa. Tội phạm cũng sử dụng súng máy và lựu đạn. Nhiều gia đình đã tìm nơi ẩn náu ở nơi khác, nhiều gia đình khác bị mắc kẹt vì các cuộc đụng độ vũ trang.


Source:Fides

3. Báo Mỹ kêu gọi công lý trong trường hợp Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Trong số ra ngày 8 tháng Hai, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã gióng lên tiếng chuông kêu gọi công lý trong trường hợp Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Tờ báo cho biết thêm các chi tiết sau: Một giám mục ở Việt Nam đã công bố một lá thư làm sáng tỏ động cơ có thể có của người đàn ông bị cáo buộc giết một linh mục dòng Đa Minh vào ngày 29 tháng Giêng.

Nguyễn Văn Kiên bị buộc tội giết Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, trong khi vị linh mục dòng Đa Minh đang nghe giải tội vào ngày 29 tháng Giêng.

Bị đâm nhiều lần, Cha Thanh được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong sau đó vài giờ.

Đức Cha Aloisius Nguyễn Hùng Vị thuộc giáo phận Kontum, nơi Cha Thanh từng là một linh mục truyền giáo, đã đưa ra một bức thư ngỏ để giải tỏa những “ngộ nhận” liên quan đến Kiên.

“Anh Nguyễn Văn Kiên thuộc gia đình Công Giáo. Cha mẹ anh hiền lành, ngoan đạo. Anh có hai em trai và một em gái. Em gái học nội trú nhà các Soeurs. Tuy nhiên, bản thân anh Kiên thì lơ mơ, không sống đạo. Qua những thông tin có được từ cha mẹ anh Kiên, anh Kiên không phải là người điên khùng theo cách hiểu thông thường. Anh vẫn biết làm ruộng, làm rẫy, sửa xe. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, anh có thể nổi điên quậy phá, chửi bới, đập tivi, đánh đập ngay cả người nhà, thậm chí đập phá bàn thờ gia đình… Anh còn hoang tưởng bị người ta ức hiếp, ngăn cản không cho lấy vợ. Anh quát mắng mẹ anh khi bà phủ nhận lời anh nói như thế.”

Đức Cha nói thêm “đây là một vài thông tin chúng tôi có được cho tới lúc này. Mong sao những uẩn khúc chung quanh biến cố đau thương này sớm được sáng tỏ.”

Cộng đồng Đaminh thương tiếc Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Trong một lá thư gửi cho các anh chị em Đa Minh trên khắp thế giới, cha Tôma Nguyễn Trường Tam, Giám tỉnh Dòng Đa Minh tại Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn về những lời chia buồn và lời cầu nguyện mà cộng đoàn đã nhận được sau cái chết thương tâm của linh mục.

“Quả là một tin sốc và đầy choáng váng khi chúng ta nhận được tin tức về cái chết khủng khiếp của người anh em rất đáng mến là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục dòng Đa Minh, một con người đã dâng hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa nơi Tòa giải tội vào buổi tối Thứ 7 vừa qua. Ngay cả lúc này đây, tôi cũng cảm thấy rất khó khăn để kể lại cho anh chị em về những chuyện đã xảy ra với chúng tôi. Chúng ta mới mất đi một người anh em rất đỗi thánh thiện và tốt lành. Chúng ta thấy vô cùng đau xót trước sự ra đi của người anh em này.”

“Với niềm xác tín rằng ‘máu của các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh Giáo Hội’ (Tertullian), chúng tôi hi vọng rằng những giọt máu đào của cha Giu-se Thanh không làm chúng ta khiếp đảm nhưng củng cố và khích lệ chúng ta hơn nữa để tận hiến cuộc đời của mình để loan truyền Lời Chúa và để phục vụ anh chị em nơi các giáo điểm truyền giáo.

Người anh em Giuse Thanh đã qua đời khi đang cử hành bí tích Hòa giải, bí tích của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì thế mà, chúng tôi tín thác giao phó linh hồn cha cho lòng thương xót của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa của sự bình an ban bình an của ngài cho tất cả chúng ta ở mọi lúc và theo mọi cách (2 Thessalonians 3:16).”


Source:Aleteia

4. Thánh Lễ tưởng niệm và tôn vinh cuộc đời Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, Dòng Đa Minh ở Adelaide, Úc

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Các ký giả của VietCatholic News tại Adelaide sẽ tổ chức thánh lễ tưởng niệm vào lúc 18h, thứ Sáu, ngày 11 tháng 2, tại Nhà thờ Công Giáo Ottoway, 85 Rosewater Terrace để tưởng nhớ và tôn vinh cuộc đời của Thầy Cả Giuse Trần Ngọc Thanh, Dòng Đaminh, bị sát hại vào ngày 29 tháng Giêng tại Kontum, Việt Nam.

Anh chị em được mời đến với nhau để lặp lại lòng tín thác của chúng ta nơi Chúa Kitô, Đấng, qua cái chết trên thập tự giá, đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết đời đời và qua sự Phục sinh, đã mở ra cho chúng ta cánh cổng thiên đàng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Cha Giuse Trần Ngọc Thanh kính yêu của chúng ta, được thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn an ủi từ ái cho những ai đang thương tiếc nhà truyền giáo anh hùng.

Các quan chức nhà nước Việt Nam nói rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Nhưng hầu hết người Công Giáo Việt Nam lo sợ rằng vụ giết người có thể nhằm mục đích cảnh cáo, ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Vụ giết người ít được đưa tin trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, và Giáo Hội đã phải chịu áp lực chính trị nặng nề ở Việt Nam. Theo các nguồn tin Công Giáo địa phương, Nguyễn Văn Kiên, người đàn ông bị giam giữ tại hiện trường và bị buộc tội giết người, đã cảnh báo mẹ anh ta rằng nếu bà đi lễ, “ai đó sẽ phải chết”, đó là vụ giết người đã được âm mưu và chuẩn bị.

Lương tâm của các tín hữu đang đặt câu hỏi và đòi hỏi phải lên tiếng, sự thật phải được nói để mọi người hiểu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề và công lý được thực hiện trong trường hợp này.

Xin hãy cùng nhau cầu nguyện cho Linh mục Thanh và lặp lại lời kêu gọi của chúng ta về tự do và nhân quyền cho Việt Nam.

3. Đức Giáo Hoàng lên án cuộc tấn công “man rợ” nhằm vào những người tị nạn ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Các lực lượng dân quân có vũ trang đã tấn công một trại dành cho những người tản cư ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo vào hôm thứ Ba, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện tới Tổng thống Félix Tshisekedi của Cộng hòa Dân chủ Congo, bày tỏ sự ‘mất tinh thần’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước cuộc tấn công ngày 1 tháng 2, tức là ngày Mùng Một Tết Nhâm Dần, của lực lượng dân quân vũ trang vào địa điểm dành cho những người di tản nội bộ tại Lãnh thổ Plaine Savo Djugu ở phía đông tỉnh Ituri.

Ít nhất 60 người, trong đó có hơn chục trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.

“Hành động tàn ác và man rợ”

Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Thánh Cha “cầu xin Cha của tất cả lòng thương xót chào đón vào nơi bình an và ánh sáng của Ngài những người đã chết và ban ơn an ủi cho những người thương tiếc sự mất mát của họ. Ngài cầu xin những ân sủng thiêng liêng là ơn chữa lành và an ủi cho những người bị thương và tang quyến, và bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng và sự cảm thông sâu sắc.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Chúa ban lòng can đảm và sức mạnh cho các gia đình đau buồn, cũng như cho tất cả những ai đang giúp đỡ để giải cứu các nạn nhân. Ngài lên án mạnh mẽ “hành động tàn ác và man rợ này là nguồn gốc gây ra đau khổ và điêu tàn cho đất nước”. Đức Giáo Hoàng đã cầu xin ân sủng hòa bình và tình huynh đệ cho khu vực bị tấn công bởi những đau khổ rất lớn và cầu xin phúc lành của Thiên Chúa trên tất cả người dân Congo.

LHQ và các đối tác lên án cuộc tấn công

Các cơ quan của Liên hợp quốc và các đối tác làm việc tại nước này cũng đã lên án vụ tấn công.

Điạ điểm này, được quản lý bởi cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR và tổ chức từ thiện Công Giáo Caritas, đã là nơi tạm trú của hơn 20,000 người di tản nội bộ trong đó có hơn 13,000 trẻ em. Nhiều người trong số những người di dời đã lánh nạn sang nơi khác.

Cuộc tấn công, được cho là do một nhóm vũ trang phi nhà nước thực hiện, xảy ra chưa đầy ba tháng sau cuộc tấn công chết người cuối cùng vào các địa điểm di dời tại Drodro và Tche trong cùng khu vực Lãnh thổ Djugu. Khoảng 44 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công đó, khiến hàng chục nghìn người phải chạy trốn.

Khoảng 230,000 người đang sống tại hơn 60 địa điểm di dời trên toàn tỉnh do UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ quản lý. Cả hai cơ quan đều hỗ trợ chính phủ trong việc quản lý tổng quát các địa điểm này và phối hợp hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo.

Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp nhận 5.6 triệu người di dời, phần lớn cư trú ở miền đông đất nước, ở các tỉnh Bắc và Nam Kivu, Ituri và Tanganyika.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *