Đây là Mẹ của anh (15.09 – Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 19,25‑27)
25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

HAY

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 2, 33-35)

33 Khi ấy, cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

Đây là Mẹ của anh (15.09.2022)

Đã đến ngày Chúa Giêsu phải bỏ thế gian này, phải chia lìa tình mẫu tử huyết nhục với mẹ mình và tình yêu thương với các môn đệ. Người đã làm một việc đặc biệt dấu ấn trước lúc sinh thì: Người trao thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Đây là con của bà”, và trao Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh”. Người thiết lập và lưu lại cho trần thế một mối quan hệ yêu thương cao cả: Tình mẹ con trên hết các tình mẹ con.

Nói đến tình mẹ con huyết nhục, các nhà văn nhà thơ họ đã phải tốn bao thời gian, giấy mực mà cũng chưa mô tả thoả đáng hết được mối tình thiêng liêng mầu nhiệm ruột rà mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Huống hồ ở đây là tình mẫu tử mà người Mẹ lại là Mẹ của Đấng uy quyền toàn năng- Chúa Giêsu, Thiên Chúa cứu thế, thì mối tình ấy còn mầu nhiệm cao sâu biết chừng nào. Người Mẹ ấy đã trở thành một người Mẹ của toàn thể nhân loại  mà do mệnh lệnh, xác quyết của Chúa Giêsu thì lẽ nào lại có thể sai được. Vậy mỗi chúng ta ngày nay có tin tưởng, có nhận rằng mình đang được hưởng nhờ thật tình mẫu tử này chăng? Hay ta có tôn kính, yêu mến người Mẹ trên hết các người mẹ huyết nhục của mình?

Người con hay trông chờ tình yêu thương, mong hưởng nhờ những phúc lộc của mẹ mình. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm ở tiệc cưới Cana (Ga 2,-10): Một câu chuyện mẫu về tình yêu thương, săn sóc lo lắng cho ta phần xác của một người Mẹ chuyên làm nội trợ cho mọi gia đình. Ở đó cũng cho ta thấy một người Mẹ lo cho ta đời sống linh hồn mà chỉ đường cho ta đến với Chúa. Khi phát hiện chủ tiệc hết rượu, chưa có ai ngỏ lời tỏ tình gì, mà tình thương của Mẹ đã e dè với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ không ngại để Chúa trách vì đã vội tỏ tình thương của mình với gia chủ: “Hết rượu thì việc gì đến mẹ con ta?”.

Thật là một người Mẹ yêu thương, khôn ngoan, uy quyền, Mẹ biết trước dù sao Chúa cũng sẽ yêu thương cứu giúp họ. Mẹ đã lo cho họ phần xác trước, để rồi Mẹ dẫn ta đến cùng Chúa. Mẹ bảo ta cứ vững vàng cậy trông vào Người, mọi sự đều là do Người bởi Người: “Thầy bảo sao cứ làm như vậy”, để rồi kết quả cuộc tiệc đã quá mỹ mãn, mà rồi mọi việc của đời mình cũng sẽ tốt đẹp.

Tình yêu thương của Đức Mẹ với các tông đồ cứ gắn bó bên nhau, lòng tôn kính Đức Mẹ của các tông đồ ngày một đậm đà sâu sắc. Mẹ con một lòng một dạ tin yêu Chúa và yêu thương nhau. Biến cố ngày lễ ngũ tuần, Mẹ Maria hiện diện cùng 11 tông đồ  chờ đón Chúa Thánh Thần hiện xuống đã chứng minh điều ấy.

Lưu truyền rằng sau này thánh Gioan đã đưa Đức Mẹ về Êphêsô thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Mẹ con ở trong một ngôi nhà đến nay vẫn còn. Người ta coi đó là ngôi nhà mà Đức Mẹ và thánh Gioan đã ở.

Nhân loại ngày nay không còn được ở bên Đức Mẹ bằng xương bằng thịt như các tông đồ xưa. Nhưng tình thương của Mẹ vẫn trải dài rộng trên khắp nhân loại, Mẹ kéo ơn lành từ Thiên Chúa xuống cho nhân loại, đến tận tâm hồn những người tin yêu Mẹ ở mọi nơi, mọi thời. Nhìn những biến cố ở La Vang 1789, Lộ Đức 1858, ở Phatima 1917… càng sáng tỏ cho ta điều ấy.

Giáo hội Tin Lành không tôn kính Đức Mẹ vì cho rằng Mẹ vẫn còn có những người con khác với thánh Giuse. Rồi một câu hỏi: “Nếu Đức Mẹ còn có những người con khác thì sao Chúa Giêsu lại phải trối Mẹ mình cho thánh Gioan?” và kinh Magnificat trong Tin Mừng: “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen Mẹ diễm phúc?” nghiã là thế nào? Câu hỏi thật là chí lý!

Lạy Mẹ Maria! Con tin Chúa đã đặt Mẹ làm mẹ của chúng con, được làm em Chúa Giêsu để được Mẹ yêu thương hồn xác. Xin Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng con nơi dương thế này, để ngày sau được cùng Mẹ hưởng Chúa muôn đời –Amen.

Giuse Ngọc Năng 

Lòng Mẹ đau đớn (15.09.2021)

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người ” (Ga 19, 25)

Suốt cuộc đời của Mẹ Maria là đón nhận Thánh Ý, và Thánh Ý là Thánh Giá. Lời xin vâng cưu mang, sinh hạ Con Thiên Chúa làm người là vinh dự và thánh giá, bởi chấp nhận làm một việc không theo ý thích của mình, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ đã không chỉ một lần đau đớn sinh con, mà là một đời đau đớn với con, và cuối cùng là đau đớn đứt ruột để sinh ra Giáo Hội của Con yêu dấu của mình, dưới chân thập giá.

Mẹ xứng đáng muôn lời ca tụng, ngợi khen, tạ ơn và xứng đáng với  phần  thưởng cao  quý  của Thiên  Chúa, vì Mẹ yêu chuộng sự đau đớn theo Thánh Ý Chúa Cha. Phần chúng ta, người con nào cũng được sinh ra từ nỗi đau  của  lòng  Mẹ,  nhưng  là  nỗi  đau  ngọt  ngào,  hạnh  phúc. Không có bà mẹ nào trên trần gian này mà không có cái cảm nghiệm tuyệt vời, quý giá ấy. Rất hạnh phúc, vì đã cưu mang và  sinh  hạ  một  đứa  con  cho  gia  đình,  cho  cuộc  đời.

Chính niềm hạnh phúc ấy đã khiến mẹ hóa giải cay đắng thành ngọt ngào êm ái, nỗi đau thành niềm vui huyền diệu. Người mẹ trần gian còn phải đau khổ biết bao khi con yếu ớt, đau bệnh, tai nạn, và nhất là, đau đớn đứt ruột khi con phải chết ở tuổi thanh xuân. Nỗi đau đớn nhất của người mẹ công giáo là nhìn thấy con bệnh tật phần hồn, sống sa đà, hư đốn, tội lỗi, bỏ Chúa, chết phần linh hồn mà không biết đường ăn năn sám hối trở về với Chúa. Một lần nữa, và nhiều lần nữa, mẹ lại phải đau đớn để con được khỏe mạnh, sống lại phần xác, sống lại phần hồn.

Lạy Chúa, xin cho tất cả các bà mẹ chúng con biết noi gương Mẹ Maria, hóa giải  nỗi  đau  thành  hạnh  phúc  thánh  thiện.  Và  xin  cho  mọi người  biết  yêu  mến  mẹ  mình,  yêu  mến  Mẹ  Maria,  và  sống xứng đáng là con ngoan của Chúa, của Mẹ Giáo Hội. Amen.

BCT

Mẹ cùng đau khổ, cùng chết với Con (15.09.2020)

 “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”. “Thưa Mẹ, này là Con của Mẹ”.  ( Lc 2, 33-35 )

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người Mẹ chứng kiến một vòng gai nhọn tuôn đầy máu me trên mặt con mình; nỗi đau nghe thấu lời sỉ nhục, nhiếc mắng; nỗi đau tận mắt nhìn những làn roi trên người con nứt toát những vết máu; nỗi đau hồi hộp đến sụp đổ những lần con té ngã bởi sức nặng của thập giá, và bởi sức hơi đã tàn tận của con!

Có  nỗi  đau  nào  hơn  nỗi  đau  của  người  Mẹ  đứng  bên thập giá treo xác con yêu, nghẹt thở, chờ chết! Chúng ta, nhất là những người mẹ trong cuộc đời này, hãy đặt mình vào vai Mẹ Maria trong bi hùng kịch thương khó và tử nạn của Chúa Giê-su, để xem có người mẹ nào mà không đau đớn đến chết  được.

Thế  nhưng, Mẹ  Maria  đã không nói một lời nào trong suốt hành trình thương khó và tử nạn. Mẹ im lặng. Một sự im lặng thánh. Im lặng chấp nhận và vâng phục thánh ý Cha, cùng với lòng vâng phục của Con dấu yêu của Mẹ. Mẹ đã cùng đau đớn, cùng chết với Chúa Giê-su. “Thưa  Mẹ,  này  là  Con  của  Mẹ”.  Và  “Này  là  Mẹ  của Anh”.

Dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria nhận lấy Giáo Hội của Chúa Giê-su, và Thánh Gioan, người môn đệ Chúa Giê-su quý mến, đã thay mặt anh em tông đồ, nhận Mẹ là Mẹ Giáo Hội, và đưa Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về làm Mẹ Giáo Hội. Từ lời xin vâng đón nhận cưu mang Con Chúa, đến lời xin vâng đón nhận Giáo  Hội của Chúa  Giê-su, Mẹ Maria đã âm  thầm  tự  hiến  đời  mình  cho  Thánh  Ý  Thiên  Chúa  được thành  toàn  để  nhân  loại  được  cứu  rỗi.  Đúng  như  lời  tiên  tri Simêon nói với Mẹ: Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà.

Lạy Đức Mẹ sầu bi , con cảm thấu được nỗi đau xé lòng của Mẹ khi chứng kiến Chúa chịu chết treo trên thập giá, bởi chính cuộc sống làm mẹ của con nơi trần gian này, cũng đã gặp biến cố khủng khiếp xảy đến với con mình qua cái chết quá bi đát vì căn bệnh quái ác… xin  Mẹ thương giúp chúng con biết can đảm vững một niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa , để cùng đau khổ, cùng chết với Chúa Giê-su, để chúng con được ơn cứu độ. Amen.

BCT

Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo (15.09.2019)

Mừng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo bổn mạng tỉnh dòng ngày 15.09, Xin mời đọc lại đoạn Tin mừng của ngày lễ theo thánh Gioan 19, 25-27.

“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.

Hãy chiêm ngưỡng Đức Maria dưới chân Thánh giá. Đó là Đức Maria kiên cường, kiên vững, hào hùng. Mẹ không bi lụy, sầu thảm, khóc lóc vật vã như các bà mẹ khác trong trường hợp tương tự, vì Mẹ chấp nhận tất cả. Suốt đời Mẹ đã đồng cảm với những đau khổ của Đức Giêsu, nên Canvê là đỉnh cao 33 năm sứ vụ của Chúa Con, cũng là đỉnh cao 33 năm “đồng cảm” của người Mẹ, từ Belem đến Ai Cập, đến những ngày bôn ba rao giảng, đến những ưu tư thao thức, những bạc bẽo chối từ và cuộc hành trình thương khó.

Và chính giây phút này đây dưới chân Thập giá, Đức Maria đã toàn vẹn XIN VÂNG thánh ý Chúa Cha, để dâng hiến người Con Một yêu dấu. Chính giây phút này Mẹ nhận lời Đức Giêsu để qua Gioan, nhận một trách vụ mới, trở thành Mẫu thân Giáo hội, thành Mẫu thân loài người. Chính giây phút này Mẹ trở thành Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, thành nữ vương của hàng triệu con người dám hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa, Đấng mình yêu mến.

Các chứng nhân Đaminh Việt Nam

Nhưng tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo bổn mạng mà Tỉnh dòng mừng kính gợi lên trong chúng ta hình ảnh hàng ngàn cha anh kiên cường Tử Đạo đứng quây quần quanh vị Nữ Vương của mình, đã hiến dâng cả đời mình cho niềm tin.

Tôi nhớ đến hiến lễ đầu tiên của cha Louis Fonseca năm 1588, máu của cha đã hòa lẫn với hiến lễ tối cao cha đang dâng trên bàn thờ trong ngục tối ; nhớ đến cha thánh Xuyên, bị kìm kẹp nung đỏ đốt cháy từng miếng thịt, vẫn can trường chịu đựng chứ không bỏ đạo ; nhớ đến thầy thánh Mậu, từ chối quan chức để trung thành với niềm tin ; và nhớ đến thầy thánh Toán sau 13 ngày bị lột trần phơi nắng sương, không hạt cơm vào bụng đã khẳng khái nói rằng : “nến ăn mà phải bỏ đạo, tôi không ăn”.

Martyr : tử đạo, đúng ra phải dịch là nhân chứng. Giờ tử đạo, cha anh chúng ta đã theo chân Đức Maria lên đến đỉnh núi Sọ. Nhưng suốt cuộc đời các vị đã làm chứng cho chân lý. Các vị đã không đi tìm cái chết, có điều khi nào thấy Đấng Quan Phòng muốn có một nhân chứng, thì các vị sẵn sàng đi trọn con đường Ngài vạch ra.

Do đó, cha anh chúng ta không chỉ làm chứng khi bị chém đầu mà trước tiên và chủ yếu là những bước chân loan báo Tin mừng. Cuộc tử đạo trường kỳ trong suốt cuộc sống. Khi phải “trốn trong đống rạ, dưới ruộng lúa, trong thùng gạo, trong mồ mả, hang sâu, chờ đêm về tiếp tục đi công tác”.

Làm sao ta có thể quên được thánh giám mục Hermossilla Liêm phải giả làm gia nô, xắn quần trát bùn nắm đuôi ngựa đi thụ phong ; thánh giám mục Berio Ochoa Vinh thụ phong trong đêm với gậy tre mũ giấy. Làm sao ta có thể quên được những thánh lễ vội vã trong hầm, những thánh lễ ngoài vườn của cha thánh Hiển, những thánh lễ dở dang của cha thánh Xuyên. Dù phải nay đây mai đó, cuộc sống bấp bênh, nhưng các vị không bao giờ nản lòng, vẫn tiếp tục hiện diện để trở thành một dấu chỉ “sức sống Giáo hội” giữa lòng dân Chúa.

ducme_tddaminh.jpg

Chứng nhân thuyết giáo

“Đồng cảm” với Đấng mong muốn “tất cả nên một đoàn chiên theo một Chúa Chiên” cha anh chúng ta cho đến khi bị bắt vẫn là những chứng nhân thuyết giáo.

Đẹp làm sao thánh giám mục Hermosilla Liêm, trong chiếc cũi chật hẹp, nằm không nổi mà ngồi cũng chẳng được, cứ khom lưng chịu mệt … thế mà vẫn giảng đạo, rửa tội cho con trai một viên đội. Đẹp làm sao hình ảnh một cha thánh Trạch, vẫn tin tưởng kêu mời chính quan tòa “hãy thờ kính Thánh giá để có sự sống đời đời. Hay một cha thánh Tự, cắt nghĩa rành rọt về Thượng phụ, trung phụ, hạ phụ để nói về Chúa Cha trên trời”.

Đẹp làm sao hình ảnh cha thánh Hiển, cụ già 70, sau bao cực hình tra tấn, mỗi tối nắn nót vẽ từng ảnh thánh giá tạo nên cả một phong trào tôn kính Ảnh Chuộc Tội ở Nam Định – và cũng đẹp làm sao mẫu gương tập thể năm anh em gồm hai thầy giảng (thánh Mậu, thánh Úy) và ba thanh niên (thánh Vinh, thánh Đệ, thánh Mới) đã biến nhà tù thành nhà nguyện chủ động hoàn cảnh, làm đơn sơ và xin khấn trọn đời (dòng Ba) rồi rỉ tai truyền bá Tin mừng, rửa tội trên bốn chục người… biến trại giam thành nguyện đường mỗi ngày vang lên những lời kinh mân côi, không làm khó chịu cho người nghe nhưng có ảnh hưởng sâu xa cho cuộc đời mình.

Qua Đức Mẹ để gặp Giêsu

Nói đến Kinh Mân Côi, chúng ta thấy một nét linh đạo của cha anh chúng ta, những người con tỉnh hạt Rất Thánh Mân Côi. Các vị đã đọc, sống và truyền bá các mầu nhiệm mân côi, qua đó hiệp thông với từng biến cố âm thầm của Đức Giêsu tại Nagiaret ; cùng Mẹ Maria theo chân Ngài lên đỉnh đồi Canvê và cùng chiêm ngắm vinh quang Phục sinh. Tài sản duy nhất của cha thánh Dụ khi bị bắt là chuỗi tràng hạt. Trong tất cả những khó khăn các vị đã phó thác cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.

Thánh giám mục Valentino Vinh trong thư gửi cho Mẫu thân (thư 61) đã nói lên suy nghĩ của mình, tuy có vẻ hài hước nhưng cũng tràn đầy tin tưởng : “Mẹ à, với tràng hạt Mân Côi trong tay, với lời Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn ? Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyện tốt lành ấy sẽ đánh gẫy răng quỉ dữ…”.

Một truyền thống cần được phát huy

Chọn Nữ Vương Các ThánhTử Đạo Việt Nam làm bổn mạng, chúng ta tự nguyện và xin Mẹ giúp sức để biết phát huy truyền thống hào hùng của cha anh. Tin tưởng theo gương Mẹ Maria, nghĩa là :

– Cảm thông với Chúa Giêsu trong lòng thế giới.
– Đảm nhận Giáo hội trong tình trạng hiện nay.
– Kiên cường chấp nhận hy sinh, khổ giá.
– Sẵn sàng hiến dâng và phục vụ cách sáng tạo.

Gắn bó với Chúa Cứu Thế, sống trọn đời mình cho chân lý, chết cái chết của mình và làm cho những dòng máu tử đạo trổ sinh hoa trái, hôm nay và mãi mãi.

Lm Px. Đào Trung Hiệu OP

Đức Mẹ Sầu Bi (15.09.2018)

Hôm nay, Giáo hội đặc biệt kính nhớ đến Đức Mẹ sầu bi, nhớ đến hình ảnh Mẹ đau khổ, âu sầu ôm xác Chúa Giêsu dưới chân thập tự giá. Không phải ngãu nhiên mà lễ nhớ đến Đức Mẹ sầu bi lại được cử hành ngay sau ngày suy tôn Thánh giá – tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn đầy đau thương của Con Thiên Chúa để cứu chuộc muôn người. Nỗi đau mà Người gánh chịu vô cùng to lớn, nhưng nỗi đau ấy nơi người Mẹ chứng kiến cảnh Con mình chịu đớn đau cũng không hề thua kém. Chính vì thế, khi tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta cũng đừng quên nhớ đến người Mẹ cũng chịu nỗi đớn đau như ngàn mũi dao xuyên tim.

Khi tưởng nhớ về Đức Mẹ sầu bi, chúng ta cũng nên nhớ đến việc Chúa Giêsu đã tuyên bố Mẹ là Mẹ của Hội thánh thông qua thánh Gioan tông đồ. Do đó, chúng ta cần phải ý thức điều này: Mẹ không chỉ đau lòng khi Con Chí Thánh của Mẹ chịu đau khổ, mà khi Hội thánh của Con Mẹ bị giày vò bởi tội lỗi, Mẹ cũng đau lòng không kém. Thế nên, chúng ta phải nhớ rằng, mỗi khi ta phạm tội là ta đã vô tình cắm thêm một con dao vào tim Mẹ; mỗi khi ta đắm chìm trong tội lỗi là mỗi lần khiến Mẹ khổ tâm.

Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải ý thức hơn về tội lỗi của mình. Dẫu biết rằng loài người dễ yếu đuối trước cám dỗ, nhưng cũng không được dùng nó để biện minh cho tội lỗi của mình. Thay vào đó, chúng ta cần phải cố gắng từng ngày, bước dần từng bước ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Chỉ bằng sức mình là chưa đủ, chúng ta cần phải liên lỉ cầu nguyện cùng Chúa và đặc biệt nhờ Mẹ chuyển cầu cho Người. Để từ đó, chúng ta hoàn thiện hơn mỗi ngày, bước đến gần Chúa ngày một gần hơn và không khiến Mẹ buồn lòng vì mình nữa.

Mẹ không chỉ là Mẹ của Hội thánh mà còn là Mẹ của muôn người. Thế nên, là người Kitô hữu, chúng ta cần giới thiệu cho anh chị em lương dân biết rằng chúng ta có một người Cha giàu lòng thương xót và một người Mẹ hằng chở che, cầu bầu cho mọi người. Có như thế, Giáo hội của Chúa mới có thể lớn lên từng ngày và nhiều người được biết đến Mẹ hơn.

Lễ Đức Mẹ sầu bi cũng là bổn mạng của tỉnh dòng Đaminh Việt Nam. Từ khi đặt chân đến quê hương Việt Nam, các giáo sĩ, tu sĩ dòng Đaminh đã đồng hành cùng người dân Việt Nam qua biết bao thăng trầm, biến động. Do đó, nhân ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ sầu bi, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các giáo sĩ, tu sĩ của dòng, để các ngài được tiếp thêm sức mạnh, thêm nhiều ơn lành hồn xác. Để từ đó, các ngài có thể tiếp tục đồng hành cùng người dân Việt Nam nói riêng và xây dựng Giáo hội hoàn vũ nói chung.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng, mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng con vô tình cắm thêm một lưỡi dao vào trái tim Mẹ và khiến Ngài buồn lòng. Xin Ngài thương soi sáng và ban thêm sức mạnh, để chúng con có thể có đủ sức chống lại cám dỗ và tránh xa tội lỗi, để xứng đáng với tình yêu mà Ngài và Mẹ đã dành cho chúng con. Amen.

Petrus Sơn

Không ai thương con bằng tình mẫu tử (15.09.2017)

Chuyện kể:

Đứng trước vành móng ngựa, người con bị tuyên án tử hình vì những tội tày trời: cướp của giết người, buôn bán ma tuý.

Toà hỏi người mẹ đứng phía dưới: Bà có muốn nói gì với người con không.

Bà thưa: Xin quý toà hãy cho con tôi một cơ hội sống để làm lại con người. Xin cho tôi được chết thay nó.

Suy niệm:

Người mẹ nào mà không thương con. Không ai thương con bằng tình mẫu tử.

Đức Mẹ là người được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước khi trong lòng bà Thánh Anna. Để cùng chịu những đau khổ với Chúa Giêsu trong công cuộc chuộc loài người.

Hôm nay kính nhớ lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ… Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương:

  1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35);
  2. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21);
  3. Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41, 50);
  4. Vác thập giá lên đỉnh Calvê (Ga 19, 17);
  5. Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30);
  6. Tháo xác Chúa (Ga 19, 39-40);
  7. Táng xác Chúa (Ga 19,40-42).

Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh… giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hỏa ngục.

  1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35).

“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Lưỡi gươm ấy chính là những lăng mạ, sỉ nhục, lên án và giết Chúa Giêsu trên thập giá. Lưỡi gươm ấy cho đến ngày nay và còn mãi mãi, con người vẫn đang đâm thấu tâm hồn Mẹ, bằng chính đời sống của con người đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ, bằng muôn ngàn gian dối, tội lỗi, bằng đánh mất niềm tin vào Lòng Thương Xót, lòng nhân từ của Thiên Chúa.

  1. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21)

Trong giấc mộng, Thánh Giuse đã đưa con trẻ và mẹ Người trốn sang Aicập. Trong thế giới hôm qua, hôm nay, có biết bao nhiêu cuộc chạy trốn khỏi tà thần, sự dữ của những cuộc bách hại đức tin Công Giáo. Có biết bao cuộc chạy trốn của sự truy lùng dối trá điêu ngoa vẫn diễn ra hằng ngày, mọi nơi trên toàn thế giới. Có biết bao cuộc chạy trốn khỏi những sự tàn bạo, vô nhân đạo của các chế độ độc tài, không nhận biết Thiên Chúa. Mẹ nhìn con Mẹ chạy trốn mà lòng đau như gươm đâm vậy.

  1. Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41, 50)

Ngày nay, có biết bao nhiêu con người đã từng biết Chúa, biết Mẹ nhưng đã lạc đàng đạo đức, xa lìa Niềm Tin, chối bỏ hồng ân của Chúa, sống đam mê, truỵ lạc, hưởng thụ, chỉ  biết cho riêng mình, mà quên Thiên Chúa, quen anh em. Còn biết bao người chưa nhận biết Thiên Chúa, họ đang sống bơ vơ lạc lõng nơi trần gian. Không ai đưa dẫn họ về bên Chúa. Mẹ đau đớn vì các con của Mẹ vẫm còn đang lầm lạc.

  1. Vác thập giá lên đỉnh Calvê (Ga 19, 17)

Từng ngày từng giờ, những mũi gai nhọn tội lỗi vẫn đâm lên đầu Chúa Giêsu đến rỉ máu; từng ngày từng giờ những xúc phạm xác thịt, những thói hư tật xấu của con người là những roi đòn đánh nát thịt chỉ còn những xương giơ ra. Mẹ vẫn nhìn thấy Chúa từng ngày phải vác thập vì nhân loại.

  1. Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30)

Chúa Giêsu vẫn chết cho tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được cứu rỗi. Nhưng thế gian đâu có từ bỏ tôi lỗi, đóng đinh xác thịt mình để được ơn cứu rỗi. Mẹ vẫn nhìn thấy đoàn con cái của Mẹ chưa từ bỏ xác thịt.

  1. Tháo xác Chúa (Ga 19, 39-40)

Con người chưa tháo khỏi khỏi những gông xiềng tội lỗi, mà mỗi ngày mỗi trói buộc mình chính đời sống kiêu căng, tự phụ, ngông cuồng. tự coi như thần thánh. Bao lâu con người chưa nhận biết thân phận mình để tháo bỏ cái xác thịt hư hèn của mình mà về bên Chúa, thì Đức Mẹ còn đau đớn.

  1. Táng xác Chúa (Ga 19,40-42)

Mẹ nhìn thấy nhân loại táng xác mình để theo Chúa Giêsu Phục Sinh. Rất nhiều người không tin có đời sau, không tin có sự sống đời đời, họ chỉ coi thế gian này là tất cả. Họ sống cho ngày nay, họ không muốn sự Phục Sinh. Mẹ nhìn thấy họ đang phải lãnh án chết đời đời. Mẹ đau xót vô cùng.

Đức Mẹ dưới chân Thập giá để được đồng công cứu chuộc, có nghĩa là Mẹ kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu con Mẹ để trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.

Vâng! Một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà không đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm đó không tha cho bất cứ ai khi đã nhận biết Chúa là Thiên Chúa mà vẫn còn vong ơn bội nghĩa. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng ta thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác.

Cầu nguyện:

Lay Mẹ Sầu Bi, Xin cho con biết nhận ra những lưỡi gươm đời con luôn đâm thâu lòng Mẹ, làm cho Mẹ từng ngày đau đớn, để con nhận ra ơn Cứu Độ và luôn sống xứng đáng là con của Mẹ. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Hy sinh chấp nhận những khó khăn đau khổ trong cuộc sống (15.09.2016)

Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ đến Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của thánh Gioan và làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa, Mẹ Maria rất là đau khổ, nỗi đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ âm thầm chịu đựng của Mẹ Maria đáng cho chúng ta bắt chước. Mẹ không tránh né đau khổ, nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con, để cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy Mẹ đã được thông phần vào ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Lễ Mẹ sầu bi là một dịp cho mỗi người chúng ta biết ý thức chấp nhận tất cả những nghịch cảnh trong cuộc sống, để thanh luyện bản thân, và để đồng công với Chúa Kitô. Đức Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, đã dạy và làm gương cho chúng ta đó là: đừng than vãn giữa những đau khổ thử thách. Mẹ khuyến khích chúng ta hãy liên kết những đau khổ của chúng ta với lễ hy sinh của Con Mẹ, và hiến dâng những đau khổ ấy như hiến lễ để mưu ích cho bản thân, gia đình, Giáo Hội, và toàn thể nhân loại.

*

Chiều xưa tím ngắt khoảng trời 
Mây đen che phủ, đất trời thảm thương
Theo con suốt cả dặm trường
Cùng lên núi Sọ, con đường khổ đau 

*
Mẹ – Con tình nghĩa ân sâu
Bây giờ trong cảnh âu sầu biệt ly
Thương con, biết nói câu gì!
Xin được phó thác, đâu gì đẹp hơn 

*
Không than, chẳng trách giận hờn
Âm thầm Mẹ chịu, trong cơn hiểm nghèo
Trên Thánh giá, Chúa chịu treo
Thân hình tan nát, cheo leo một mình

*
Con Mẹ nào có tội tình
Mà sao phải chịu cực hình này đây
Lòng Mẹ vẫn mãi tràn đầy
Thương con nhiều lắm, thân nầy xác xơ
*
Thế nhân sao quá hững hờ
Để cho lòng Mẹ bây giờ khổ tâm
Thương con, Mẹ để trong tâm
Cắt lòng, xé ruột âm thầm chịu thay 

*
Xác con Mẹ ẵm trong tay
Nước mắt tuôn chảy, tràn đầy thân con
Lòng Mẹ đau đớn héo mòn
Con yêu của Mẹ chẳng còn nữa đâu! 

*
Gôngôtha đó lặng sâu
Như cùng với Mẹ thảm sầu lệ rơi
Tình Mẹ vẫn mãi sáng ngời
Đồng Công Cứu Chuộc loài người chúng con 

*

Lạy Mẹ Sầu Bi, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu để chấp nhận những khó khăn sầu khổ, những mất mát chia lìa, những phản bội đớn đau trong cuộc sống. Từ đó  nhắc nhở chúng con nhớ rằng: Mẹ luôn đồng hành với chúng con, như xưa Mẹ đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con của Mẹ lên đồi Gôngôtha để cứu chuộc nhân loại chúng con. Amen!

                                                                                                 HOÀI THANH

Đức Mẹ sầu bi (15.09.2015)

Ngày Đức Ma-ri-a cùng với thánh Giu-se dâng Con trong Đền Thánh, Cha và Mẹ Hài Nhi vô cùng ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn nói về Người. Khi chúc phúc cho hai ông bà, ông nói với Mẹ Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;  và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Ma-ri-a thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy. Chúng con cũng lắng tâm mà ngẫm nghĩ về “dấu hiệu chống báng” và “lưỡi gươm” dọc dài cuộc đời của Mẹ.

Ngày trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, Mẹ Ma-ri-a đã mang thai Đấng Cứu Thế được mấy tháng. Mặc dù được Sứ thần thanh minh qua thánh Giu-se, Mẹ không bị ném đá chết, nhưng làm sao thoát khỏi những ánh mắt nghi ngờ, lời qua tiếng lại, nói bóng gió xa xôi của bàn dân thiên hạ trong cuộc đời Mẹ. Mặc dù nhói đau trong lòng nhưng Mẹ nhẫn nhục làm thinh.

Biến cố lạc mất Con lúc mười hai tuổi làm Mẹ khổ sở tìm kiếm ba ngày trong tuyệt vọng. Trong ba năm Đức Giê-su đi rao giảng, dân chúng thì hâm một như siêu sao. Nhưng các Kinh sư thì coi Người như một kẻ phá đạo và tìm đủ cách chống báng. Con mà mắc tiếng, bị ngược đãi như vậy thì Mẹ cũng bị coi khinh và nhục nhã.

Tai tiếng ảnh hưởng đến cả dòng họ, nên có lần cả người nhà cũng bực tức  bảo rằng Người đã bị “mất trí” và sai thân nhân đi bắt Người về. Những lúc ấy mẹ nào mà không đau đầu, nhục nhã vì con? Khi Đức Giê-su về quê, Người vào nguyện đường, được mời đọc sách thánh, Người đề cao người ngoại và bị đả đảo chống đối.

Nhiều người còn đòi giết, xô xuống vực cho chết, Người phải bỏ đi. Khi ấy ở quê thử hỏi Mẹ phải đắng lòng ra sao khi nghe những lời nhục mạ? Nhưng Mẹ chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng và vẫn nhẫn nhục “xin vâng”.

Trên đường thánh giá, Mẹ nhìn Con của mình thân bầm giập nát tan, máu loang lổ từ đầu tới chân vì mão gai và những trận đòn, đang khập khễnh những bước nặng nhọc vì thập giá đè nặng trên vai.

Qua chặng đường khốn khổ lên tới núi Sọ, Con Mẹ bị đóng đinh treo lên. Dưới chân thập giá Mẹ nhìn lên, đau khổ hơn dao cắt ruột, hơn bị gươm đâm thấu tim. Cả đoàn người thi nhau đả đảo, nhạo báng cho đã. Con đau chừng nào, Mẹ đau chừng đó.

Khi Con Mẹ đã tắt thở, lính còn nỡ lấy giáo đâm thấu tim Con, thì biết Mẹ đau đớn là dường nào! Người ta tháo đinh, hạ xác Con xuống mà trao cho Mẹ, Mẹ ôm xác Con vào lòng, Giê-su của Mẹ đã chết, ôi đớn đau nhường nào, còn hơn bị gươm đâm nát tim người Mẹ! Trong đau đớn và nước mắt, Mẹ vẫn can đảm mạnh mẽ, một niềm “xin vâng”.

Mẹ ơi! Cả cuộc đời Mẹ từng chặng đường, từng bước theo Con để đồng công cứu chuộc loài người. Chúng con tạ ơn Mẹ, xin Mẹ đỡ nâng chúng con trong mọi biến cố hay đau khổ trong đời, cho chúng con biết thưa xin vâng, lẳng lặng gẫm suy và thực thi Ý Chúa.

Én Nhỏ

Sống vâng phục

1. Ghi nhớ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu…”. (Ga 19, 25)

2. Suy niệm: Theo cách nghĩ thông thường, được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế quả thật là một diễm phúc. Diễm phúc theo nghĩa là người được vinh phúc hơn mọi người theo nghĩa xã hội, được vinh dự, được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt, …

Hôm nay ngày 15.09, chúng ta kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi. Đoạn Tin Mừng được Giáo hội chọn cho chúng ta suy niệm ngày hôm nay ta thấy được rằng: làm Mẹ Đấng Cứu Thế là phải liên kết với con mình cứu độ nhân loại. Và thực tế Mẹ Maria đã hoàn thành việc cộng tác với Con Mẹ cách tuyệt vời. Trong mọi giai đoạn của đời sống Chúa Giêsu chúng ta luôn nhận thấy thấp thoáng bóng hình của Mẹ, đặc biệt trong cuộc thương khó.

Chúng ta suy tôn Đức Mẹ Sầu Bi không phải chúng ta tuyên dương sự đau khổ mà là tuyên dương sự cộng tác tuyệt vời của Mẹ với Đức Giêsu. Học nơi Mẹ chúng ta cũng hãy cộng tác với Chúa làm cho thế giới này ngày một tốt hơn.

3. Sống Lời Chúa: Theo gương Mẹ sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ Chúa. Xin cho chúng con biết nghe lời Mẹ mà cộng tác trong công trình của Chúa để ngày sau chúng con cùng Mẹ ca tụng Chúa trên thiên đàng. .