ĐTC tiếp kiến chung 22.06.2022: Học cách làm chứng cho Chúa Kitô dù tuổi già yếu đuối

Pope at Audience: Old age 'a time to find strength in frailty' - Vatican  News

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/6/2022, Đức Thánh Cha đã suy tư về cuộc trò chuyện giữa thánh Phêrô và Chúa Giêsu, được tường thuật ở cuối Tin Mừng thánh Gioan (21,15-23). Đức Thánh Cha nói rằng những người cao tuổi nên đón nhận sự yếu đuối của mình để theo Chúa Kitô và làm chứng cho Người.

Đức Thánh Cha nhận định rằng lời Chúa Giêsu nói về cuộc tử đạo của thánh Phêrô, “Khi anh còn trẻ, anh có thể đi bất cứ nơi đâu anh muốn, nhưng khi anh về già người khác sẽ đưa anh đến nơi anh không muốn”, có ý nghĩa đặc biệt cho người già, bởi vì thời gian qua đi sẽ mang đến cho họ sự yếu đuối mong manh và khiến họ cần cậy dựa vào người khác hơn. Tuy nhiên, tuổi già có thể là thời gian canh tân tình yêu với Chúa, hy vọng vào lời hứa của Người, và phát triển sự khôn ngoan thiêng liêng.

Chúa Giêsu cũng nhắc thánh Phêrô đừng so sánh với thánh Gioan, nhưng tiếp tục trung thành với ơn gọi và sứ vụ của mình. Lời Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng trong những năm cuối đời, cần dành chỗ cho các thế hệ trẻ và tôn trọng vai trò của họ trong việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với môn đệ của Chúa Giêsu, tuổi già có thể là thời gian suy tư, tạ ơn và làm chứng cho ân sủng của Thiên Chúa không ngừng hoạt động trong cuộc đời và trên thế giới.

Mối quan hệ trong sự thật

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và thánh Phêrô được thuật lại ở cuối Tin Mừng thánh Gioan (21,15-23) là một cuộc đối thoại cảm động. Ngài nói: Câu chuyện cho thấy tất cả tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người và cũng cho thấy tính nhân văn tuyệt vời trong mối quan hệ của Người với các ông, đặc biệt với thánh Phêrô: một mối quan hệ dịu hiền nhưng không buồn tẻ, thẳng thắn, mạnh mẽ, tự do, và cởi mở. Một mối quan hệ trong sự thật. Như vậy, Tin Mừng thánh Gioan, giàu yếu tố thiêng liêng, rất cao đẹp, kết thúc với lời yêu cầu đánh động con tim và lời đề nghị tình yêu giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, được đan quyện cách hoàn toàn tự nhiên với cuộc thảo luận giữa họ. Thánh sử cảnh báo chúng ta: ngài đang làm chứng cho sự thật của các sự kiện (x. Ga 21,24). Và chính trong đó sự thật phải được tìm kiếm.

Mặc khải “bọc đường”

Chúng ta có thể tự hỏi: liệu chúng ta có khả năng duy trì cung điệu của mối quan hệ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ, theo phong cách của Người, rất cởi mở, thẳng thắn, trực tiếp, thật nhân bản không? Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu như thế nào? Có giống như mối quan hệ của các Tông đồ với Chúa không? Hay ngược lại, có phải chúng ta rất thường bị cám dỗ để gói bọc chứng tá của Tin Mừng trong cái kén của một mặc khải “bọc đường”? Thái độ này, có vẻ như là sự tôn trọng, nhưng thực sự làm chúng ta xa rời Chúa Giêsu thật, và thậm chí trở thành một cơ hội cho một hành trình đức tin rất trừu tượng, rất tự quy chiếu, rất trần tục, không phải là con đường của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người, và Người cư xử như một con người, nói với chúng ta như một con người, Thiên Chúa làm người. Với sự dịu dàng này, với tình bạn này, với sự gần gũi này.

Làm chứng cho Chúa cả khi bệnh tật và trong cái chết

Trong cuộc thảo luận của Chúa Giêsu với thánh Phêrô, chúng ta tìm thấy hai đoạn nói chính xác về tuổi già và khoảng thời gian: thời gian làm chứng, thời gian sống. Đoạn đầu tiên là lời Chúa Giêsu cảnh báo thánh Phêrô: lúc còn trẻ, anh tự làm chủ. Nhưng khi đã về già, anh sẽ không còn làm chủ được bản thân và cuộc sống của mình. Và chứng tá của bạn cũng sẽ bị đi kèm với sự yếu đuối này. Bạn phải là chứng nhân của Chúa Giêsu ngay cả trong lúc yếu đuối, bệnh tật và cái chết. Có một đoạn văn rất hay của Thánh Inhã viết rằng: “Cũng như trong cuộc sống, ngay cả trong cái chết, chúng ta cũng phải làm chứng là môn đệ của Chúa Giêsu”. Sự kết thúc cuộc đời phải là cái kết thúc cuộc đời của các môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh sử bổ sung thêm nhận xét của mình, giải thích rằng Chúa Giêsu ám chỉ đến chứng tá cao điểm, đó là sự tử đạo và cái chết. Nhưng chúng ta có thể hiểu một cách tổng quát hơn ý nghĩa của lời cảnh báo này: việc theo Chúa của bạn sẽ phải học cách để nó được hướng dẫn và uốn nắn bởi sự mong manh của bạn, sự bất lực của bạn, sự phụ thuộc của bạn vào người khác, ngay cả trong cách ăn mặc, đi lại. Nhưng con: “hãy theo Thầy” (câu 19).

Luôn luôn theo Chúa Giêsu

Việc đi theo Chúa Giêsu luôn luôn tiếp tục, với sức khỏe tốt, với sức khỏe kém, tự chủ, không phải tự chủ về vật chất; nhưng theo Chúa Giêsu là điều quan trọng: luôn luôn theo Chúa Giêsu, khi đi bộ, khi chạy, chậm rãi, khi ngồi xe lăn, nhưng luôn luôn theo Người. Sự khôn ngoan của việc theo Chúa là phải tìm ra cách để tiếp tục tuyên xưng đức tin của mình: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng con yêu mến Chúa” (cc. 15.16.17), ngay cả trong những tình trạng giới hạn của sức yếu và tuổi già. Tôi thích nói chuyện với những người cao tuổi và nhìn vào mắt họ: họ có đôi mắt sáng, đôi mắt đó nói với bạn nhiều hơn lời nói, bằng chứng của cả một đời người. Và điều này thật đẹp, chúng ta phải giữ nó cho đến cuối đời. Hãy theo Chúa Giêsu như thế này, tràn đầy sức sống.

Tuổi càng già thì đức tin càng trưởng thành

Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô chứa đựng một sự giáo huấn quý giá cho tất cả các môn đệ, cho tất cả các tín hữu chúng ta. Và cũng dành cho tất cả những người cao tuổi. Học hỏi từ sự mong manh yếu đuối của chúng ta để thể hiện tính nhất quán của chứng tá cuộc sống của chúng ta, trong những tình trạng sống mà chúng ta hầu như được uỷ thác cho người khác, phần lớn phụ thuộc vào sáng kiến ​​của người khác. Với bệnh tật, với tuổi già, sự cậy dựa càng gia tăng và chúng ta không còn sống tự lực như trước nữa; điều này gia tăng và đức tin cũng trưởng thành ở đó, ở đó Chúa Giêsu cũng ở với chúng ta, ở đó cũng tuôn trào sự phong phú của đức tin được  sống tốt trên đường đời.

Nhưng một lần nữa chúng ta phải tự hỏi: liệu chúng ta có một linh đạo thực sự có khả năng giải thích thời gian – hiện đã kéo dài và lan rộng – của thời điểm yếu đuối này khi chúng ta được giao phó cho người khác, thay vì cho sức mạnh tự chủ của chúng ta không? Làm thế nào để chúng ta trung thành với việc theo Chúa mà chúng ta đã sống, với tình yêu đã hứa, với sự công chính chúng ta tìm kiếm trong thời gian mình còn có khả năng tự chủ, trong thời gian mong manh, trong thời gian phụ thuộc, trong thời gian chúng ta không còn giữ vai chính trong cuộc sống của chúng ta? Thật không dễ chút nào, đúng không?

Thời gian tuổi già là thời gian thử thách

Thời gian mới này, tất nhiên, cũng là thời gian thử thách. Bắt đầu bằng sự cám dỗ – rất con người, nhưng cũng rất quỷ quyệt – để duy trì vai trò chính của chúng ta. Đôi khi vai trò chính phải giảm đi, phải hạ mình xuống, chấp nhận rằng tuổi già làm giảm vai trò của chúng ta. Nhưng bạn sẽ có một cách khác để thể hiện bản thân, một cách khác để tham gia vào gia đình, vào xã hội, vào nhóm bạn bè. Và thánh Phêrô tò mò: “Còn anh ta thì sao?” Thánh Phêrô nói khi thấy người môn đệ yêu dấu (xem cc 20-21). Có phải anh ta sẽ là người kế vị tôi? Có phải anh ta sẽ chiếm chỗ tôi? Có phải anh ta sẽ loại tôi và thay thế tôi? Đây là những câu hỏi vô ích, không giúp ích được gì. Và câu trả lời của Chúa Giêsu rất thẳng thắn và thậm chí là cứng cỏi: “Điều đó liên quan gì đến anh? Hãy theo Thầy” (câu 22).

Người già không ganh tị với người trẻ

Đây là điều quan trọng: theo Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu trong cuộc sống và trong cái chết, sức khỏe và bệnh tật, trong cuộc sống đang sung túc với bao thành công và ngay cả trong cuộc sống khó khăn, có bao nhiêu phút sa ngã. Và khi chúng ta muốn can dự vào cuộc sống của người khác, Chúa Giêsu trả lời: “Điều đó liên quan gì đến con? Hãy theo Ta”. Thật hay. Người già không nên ghen tị với những người trẻ tiếp bước họ, những người thay thế họ, những người sống lâu hơn họ. Niềm vinh dự về lòng trung thành của chúng ta với lời thề yêu thương, lòng trung thành của việc sống theo đức tin mà chúng ta đã tin, ngay cả trong những tình cảnh đưa chúng ta đến lúc vĩnh biệt cuộc sống, là điều để các thế hệ mai sau ngưỡng mộ và được Chúa ghi nhận.

Học tạm biệt mọi thứ với nụ cười

Hãy học cách nói lời chia tay: đây là sự khôn ngoan của những người lớn tuổi. Nhưng hãy chào tạm biệt với một nụ cười, để tạm biệt xã hội, để tạm biệt những người khác. Cuộc đời của người già là một cuộc ra đi, chậm rãi, chậm rãi nhưng đầy niềm vui: Tôi đã sống hết mình, tôi giữ trọn niềm tin. Điều này thật đẹp khi một người cao niên có thể nói thế này: “Tôi đã sống cuộc đời, đây là gia đình của tôi; tôi đã sống cuộc đời của tôi, tôi là một tội nhân nhưng tôi cũng đã làm điều tốt”. Và họ có sự bình an; đây là cách ra đi của những người già.

Ngay cả việc theo Chúa hoàn toàn thụ động, bằng sự chiêm niệm say mê và lắng nghe chăm chú lời Chúa – giống như bà Maria chị ông Ladarô – sẽ trở thành phần đẹp nhất trong cuộc sống của họ, của cuộc đời của người già chúng ta. Điều đó sẽ không bao giờ bị lấy mất (Lc 10,42).

Chia buồn với nạn nhân của động đất ở Afghanistan

Sau bài giáo lý, trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người bị thương và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất khiến nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng ở Afghanistan. Ngài đặc biệt cầu nguyện cho những người đã chết và gia đình của họ. Ngài hy vọng rằng với sự giúp đỡ của mọi người, những đau khổ của người dân Afghanistan thân yêu có thể được giảm bớt.

Chia buồn về vụ sát hại hai linh mục dòng Tên ở Mexico

Tiếp đến Đức Thánh Cha cũng bày tỏ nỗi đau và sự thất vọng của mình trước vụ giết hại hai linh mục Dòng Tên và một giáo dân ở Mexico. Ngài nói: “Có bao nhiêu vụ giết người ở Mexico! Tôi gần gũi với tình cảm và lời cầu nguyện cho cộng đồng Công giáo bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng bạo lực không giải quyết được vấn đề mà còn làm tăng thêm đau khổ không cần thiết.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Hồng Thủy – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *