Khu vực hai bên bàn thờ được dành cho 130 Hồng y và 400 Giám mục từ nhiều nơi trên thế giới, và các vị lãnh đạo chính quyền. Ngoài hai phái đoàn chính thức là Ý và Đức, do các vị Tổng thống liên hệ hướng dẫn, còn có các vị nguyên thủ, và lãnh đạo trong chính quyền và đại sứ của nhiều nước, tham dự với tư cách riêng.
Thêm vào đó, có phái đoàn của các Giáo hội Kitô khác, đứng đầu là hai Tổng giám mục Đại diện của Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople, Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Mascơva, nhiều giám mục thuộc các Giáo hội Chính thống Âu châu, và Đức giám mục Heinrich Bedford-Strohm thuộc Tin lành Đức, tham dự với tư cách là vị điều hợp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô.
Trước thềm Đền thờ, có khu vực riêng dành cho 3.700 linh mục đồng tế, trước sự hiện diện của khoảng 80.000 tín hữu.
Thánh lễ được hơn 1.000 ký giả từ hơn 30 quốc gia theo dõi và tường thuật.
Lúc 8 giờ 45, linh cữu Đức Biển Đức XVI được 12 người rước từ bên trong Đền thờ tiến ra thềm Đền thờ thánh Phêrô, rồi các tín hữu đọc kinh Mân côi chuẩn bị.
Lúc 9 giờ 20, các Hồng y đồng tế bắt đầu đi rước từ bên trong Đền thờ ra nơi cử hành thánh lễ. Sau cùng là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, Đại diện Đức Thánh cha cử hành những nghi lễ tại bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha nói: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đó là những lời cuối cùng Chúa thốt lên trên thánh giá; chúng ta có thể nói hơi thở cuối cùng của Chúa có khả năng xác nhận đặc điểm trọn cuộc sống của Chúa: một sự liên tục phó thác trong tay Chúa Cha. Đôi bàn tay tha thứ và cảm thương, chữa lành và thương xót, đôi bàn tay xức dầu và chúc lành thúc đẩy Ngài hiến thân cả trong tay của các anh em Ngài. Chúa Giêsu, cởi mở đối với những chuyện đời Ngài gặp trong đời, để mình được thánh ý Thiên Chúa đẽo gọt, gánh lấy tất cả những hậu quả và khó khăn của Tin mừng cho đến độ thấy đôi bàn tay của Ngài bị thương tích vì yêu thương. Chúa nói với Tôma: “Hãy nhìn bàn tay Thầy đây” (Ga 20,27), và Chúa cũng nói điều đó với mỗi người chúng ta. Những bàn tay bị thương tích gặp gỡ và không ngừng hiến thân để chúng ta biết tình thương của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và chúng ta tin nơi tình thương ấy (Xc 1 Ga 4,16).
Đức Thánh cha nói tiếp: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”, đó là lời mời gọi và là chương trình sống nhắc nhở và muốn nhào nặn như một cái bình gốm tâm hồn người mục tử, đến độ tim cùng đập một nhịp với những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô (Xc Pl 2,5).
Tận tụy phục vụ trong tâm tình biết ơn đối với Chúa và dân của Ngài nảy sinh từ sự đón nhận một hồng ân hoàn toàn nhưng không của Chúa: Chúa nói: “Con thuộc về Ta… con thuộc về họ”; “con ở dưới sự bảo vệ của bàn tay Cha, dưới sự bảo vệ của tâm hồn cha. Hãy ở lại trong lòng bàn tay Cha và hãy trao bàn tay của con cho cha” (Bài giảng lễ làm phép dầu, 13-4-2006).
Tận tụy cầu nguyện, được nhào nặn và âm thầm được kiện toàn giữa những ngã tư và đối nghịch mà vị mục tử phải đương đầu (Xc 1 Pr 1,6-7) và lời mời gọi chăn dắt đoàn chiên trong tinh thần tín thác (Xc Ga 21,17). Như Thầy Chí Thánh, người vác trên vai sự mệt mỏi của sự chuyển cầu và hao mòn do sự xức dầu vì đoàn chiên, đặc biệt tại những nơi mà lòng nhân từ phải chiến đấu và những anh chị em thấy phẩm giá của mình bị đe dọa (Xc Dt 5,7-9). Trong cuộc gặp gỡ chuyển cầu này, Chúa tạo nên sự dịu dàng có khả năng hiểu biết, đón nhận, hy vọng và dấn thân đi xa hơn những hiểu lầm có thể khơi lên. Sự phong phú vô hình và khó nắm bắt, phát sinh từ ý thức phải đặt lòng tín thác trong tay nào (Xc 2 Tm 1,12).
Và Đức Thánh cha trích dẫn lời Đức nguyên Giáo hoàng trong lễ khai mạc sứ vụ: “Chăn dắt có nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là: mang lại cho đoàn chiên điều thực sự tốt lành, lương thực chân lý của Thiên Chúa, Lời Chúa, lương thực sự hiện diện của Chúa” (24.4.2005).
Lòng tận tụy được nâng đỡ nhờ ơn an ủi của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn đi trước người trong sứ mạng: trong sự hăng say cố gắng thông truyền vẻ đẹp và niềm vui Phúc âm (Gaudete et exsultate, 57), trong việc làm chứng tá phong phú của những người. như Mẹ Maria, ở lại bằng nhiều cách dưới chân thánh giá, trong niềm an bình đau thương nhưng vững chắc, không tấn công cũng chẳng thống trị; trong niềm hy vọng kiên quyết nhưng kiên nhẫn Chúa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với các cha ông và dòng dõi cho đến muôn đời (Xc Lc 1,54-55).
Sứ vụ của cộng đoàn Giáo hội
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Cả chúng ta, gắn bó vững chắc với những lời cuối cùng của Chúa và chứng tá cuộc sống của Ngài, trong tư cách là cộng đoàn Giáo hội, chúng ta muốn theo vết của Chúa và phó thác người anh em chúng ta trong tay Chúa Cha: Ước gì đôi bàn tay thương xót thấy đèn của người anh em cháy sáng với dầu Tin mừng, mà người đã gieo vãi và làm chứng trong cuộc sống của người (Xc Mt 25,6-7).
Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chính dân trung thành của Thiên Chúa, đang tụ họp, để tháp tùng và phó thác sự sống của người đã là chủ chăn của mình. Như những phụ nữ trong Tin mừng đến nơi mộ Chúa, chúng ta họp nhau đây, với hương thơm lòng biết ơn và hy vọng, để tái bày tỏ với người rằng tình thương không mất đi; chúng ta muốn làm điều đó với cùng một sự xức dầu, khôn ngoan, tế nhị, tận tụy mà người đã rộng rãi chứng tỏ qua dòng thời gian. Chúng ta muốn cùng nhau thưa: “Lạy Cha, chúng con phó thác linh hồn người trong tay Cha”.
“Hỡi Đức Biển Đức, người bạn trung tín của vị Hôn Phu, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn, được thành toàn chung cục khi nghe tiếng vị Hôn Phu!
Lời nguyện
Trong phần lời nguyện phổ quát, mọi người đã cầu cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức, xin Chúa là Mục Tử đời đời đón nhận Người vào Vương quốc ánh sáng và bình an; cầu cho Đức Thánh cha Phanxicô và các mục tử của Giáo hội can đảm loan báo bằng lời nói và việc làm sự chiến thắng của Chúa Kitô trên sự ác và sự chết; cầu cho các vị lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế hoạt động bênh vực công lý và hòa bình, cầu cho các anh chị em đang chịu cảnh nghèo khổ, xin lòng bác ái của Thiên Chúa giúp chúng ta cởi mở và đón nhận những người rốt cùng và nghèo túng; sau cùng là cầu cho mọi người hiện diện được trở thành men hy vọng, trong khi chờ đợi Nước Chúa đến.
Thánh lễ kéo dài một giờ 20 phút và kết thúc với nghi thức tiễn biệt do Đức Thánh cha cử hành và thánh ca “Xin các thiên thần Chúa dẫn đưa bạn vào thiên đàng, các vị tử đạo đón chào bạn và dẫn bạn vào thành thánh, Giêrusalem mới vĩnh cửu.
An táng
Linh cữu của Đức nguyên Giáo hoàng được rước vào bên trong Đền thờ. Đức Thánh cha Phanxicô đứng chào, làm phép, chạm tay vào quan tài và cúi mình thinh lặng chào lần cuối cùng. Cộng đoàn chung quanh thì vỗ tay chào từ biệt Đức Biển Đức.
Khi linh cữu được rước vào Đền thờ, phần này không được truyền hình trình chiếu vì được coi là phần riêng tư. Linh cữu bằng gỗ bách hay gỗ trắc bá có huy hiệu của Đức nguyên Giáo hoàng, được quấn một giải vải chung quanh với triện của Kinh Sĩ đoàn Đền thờ thánh Phêrô, của Phủ Giáo hoàng và Ban Nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh cha, rồi lần lượt được đặt trong hai quan tài bằng thiếc và sau cùng bằng gỗ, trước khi táng trong huyệt mộ trước đây là nơi an nghỉ của thánh Gioan Phaolô II, trước khi các vị được phong chân phước, và quan tài được đưa lên Đền thờ thánh Phêrô.
(Tổng hợp 5-1-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
TANG LỄ ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI:
HIỆP THÔNG VÀ PHÂN ƯU TỪ VIỆT NAM
Nam Định ghi nhận
WHĐ (05.01.2023) – Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã về Nhà Cha lúc 9 giờ 34 theo giờ Roma, tức 15g34 giờ Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2022 tại tu viện Mater Ecclesiae trong nội thành Vatican. Ngay tối ngày 31 tháng 12, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, với trách nhiệm là chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã ra thông báo gửi toàn thể Dân Chúa để tưởng nhớ “một người Cha thánh thiện, một Mục tử nhân từ, một bậc Thầy lỗi lạc, một Chứng nhân trung kiên”. Thông báo cũng mời gọi các thành phần Dân Chúa cùng “sống tình hiệp thông trong Hội Thánh”, cách cụ thể “trong ngày an táng, tức thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam sẽ dâng thánh lễ cầu hồn cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tại nhà thờ chính tòa do Đức Giám mục chủ sự, cũng như tại các nhà thờ và nhà nguyện”.
Thay mặt toàn thể cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng đã gửi thư bày tỏ tấm lòng hiệp thông và hiếu kính với Đức Thánh Cha Phanxicô trong những ngày Hội Thánh hoàn vũ tưởng niệm và cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đức Tổng Giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục đã bày tỏ tấm lòng tri ân của hàng giám mục Việt Nam đối với cuộc đời và sứ vụ mà Đức Bênêđictô XVI để lại: một tấm gương kiên trung trong đức tin, kiên định trong huấn giáo, nhưng cũng đầy đức ái mục tử khi thi hành sứ vụ. Trong 8 năm thi hành sứ vụ mục tử hoàn vũ, Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã ân cần quan tâm bổ nhiệm 8 giám mục cho Hội Thánh Chúa tại Việt Nam. Và vì thế, Đức Tổng Giám mục Giuse đã tin tưởng rằng Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI “đang được chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa Tình Yêu và sẽ không quên chuyển cầu cho Hội Thánh đang trên đường lữ hành tiến về Nước Chúa”. Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh đã chuyển thư này Đến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngày 04 tháng 01, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận được thư phân ưu từ Thứ trưởng Bộ Nội vụ gửi “Cụ Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, các Cụ Giám mục, các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Trong thư phân ưu này, tiến sĩ Vũ Chiến Thắng đã trân trọng ghi nhận “mất mát to lớn của Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam” khi “vị Giáo hoàng nhân hậu, biểu tượng của hòa bình và tình đoàn kết, hữu nghị qua đời”. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cũng gửi Thư phân ưu chuyển qua đường ngoại giao đến Đức Hồng y Antonio Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo và Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachoski, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng nhận được thư phân ưu của Ban Tôn giáo Chính phủ vào tối ngày 04 tháng 01 năm 2023. Trong thư gửi Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, ông Vũ Hoài Bắc đã gửi lời thành kính phân ưu đến Giáo hội Công giáo và bày tỏ: Ban Tôn giáo Chính phủ trân trọng và ghi nhớ vai trò của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong việc thúc đẩy quan hệ giữ Chính phủ Việt Nam và Toà Thánh Vatican.