Thư tháng 04.2023 : Vượt qua những bất đồng

Các tông đồ khi xưa đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy Giêsu… Nhiều lúc các ông thật phấn khởi, nhiều lúc hùng hổ, nhiều lúc hí hửng…; và rồi khi đi vào cuộc tử nạn của Chúa thì các tông đồ bỏ trốn hết. Chuyện cũ rích, chuyện muôn thuở, nhưng hình như cũng là thách đố căn bản của hành trình đời người. Con người như thể được ơn “điếc không sợ súng” nên mới dám chọn lựa những điều mang tính quyết định cho cả đời mình, lập gia đình hoặc đi tu, hoặc dấn thân vào một sứ vụ nào đó…; để rồi khi không còn “điếc” nữa, người ta thấy ra những khó khăn chồng chất không như mình tưởng lúc ban đầu; và rồi một lần nữa, hoặc hai, ba, hay nhiều lần nữa, người ta phải lựa chọn lại để đi tiếp hoặc bỏ cuộc… Lòng can đảm chọn lựa lúc ban đầu chắc chắn là khó khăn, và những lần lựa chọn lại cũng chẳng kém khó khăn. Lựa chọn lúc ban đầu là quan trọng, và những lần lựa chọn lại cũng chẳng kém phần quan trọng…

Không dễ gì đưa ra kết luận rằng mọi người “bỏ cuộc” đều là sai trái, còn mọi người tiếp tục mới thực sự là kẻ can đảm… Mỗi cuộc đời và mỗi con người đều có những tình tiết riêng mà người ngoài cuộc không thể nào hiểu được. Thế nhưng, một cách khái quát, ta có thể thấy một lựa chọn quan trọng thì bao giờ cũng kéo theo nhiều hệ quả; và chắc chắn rằng người nào không có đủ sự kiên bền thì không thể hoàn thành được một kế hoạch “dài hơi” và tư đó cũng có nhiều nguy cơ đánh mất cả cuộc đời mình.

Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu đã không ít lần nhắc tới thái độ kiên nhẫn và trung tín đến cùng như là yếu tố mang tính quyết định cho một vận mạng đời người :

“Đức Giê-su bảo : “Ai đã tra tay cần cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19)

Và Ngài nhắc nhở rằng chỉ có thái độ kiên trì mới có thể đưa tới một sự sống phong phú đích thực :

“Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. (Lc 8,15)

Thực sự con người phải thực hiện vận mạng của mình trong thời gian. Đó là qui chế hiện hữu riêng của con người, vì con người là linh hồn nhập thể. Chính vì vậy, có thể nói mọi giá trị đích thực của đời người, trong lãnh vực tự nhiên cũng như trong đời sống siêu nhiên, đều phải diễn ra và thành toàn trong dòng thời gian mà yếu tố mang tính quyết định lại chính là sự kiên trì. Vì thế, trong đời sống đức Tin, chúng ta thấy vô số những lời khuyên nhủ của thánh tông đồ :

– Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.( Rm 12,12)

– Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa (Hr 6,12)

–  Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá : họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. (Gc 5,7)

Và điều quan trọng là chính Thiên Chúa, khi đi vào nhiệm cục cứu độ con người, Ngài cũng đã tỏ bày sự tình yêu cứu độ của Ngài bằng thái độ kiên nhẫn :

“Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ…” (2 Pr 3,15)

Đây là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống đức Tin Kitô giáo. Thiên Chúa hiểu rõ sự yếu đuối của con người, đặc biệt là sự yếu đuối, mỏng manh của con người qua dòng thời gian. Chính vì thế, Ngài diễn tả tình yêu trong một thái độ trung tín trọn vẹn, trung tín đến cùng để nhờ đó con người có thể thực hiện được cách thức trung tín của con người, ngã thì trỗi dậy:

“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”. (2 Tm 2,13)

Như thế, lòng trung tín của Thiên Chúa không bị tác động vị sự bất trung của con người. Thiên Chúa không “ăn miếng trả miếng” với con người, theo kiểu anh đã bất trung với tôi thì tôi cũng chẳng cần trung tín với anh… Lòng trung tín của Thiên Chúa biểu lộ bản chất yêu thương trường tồn của chính Ngài, nên Ngài chẳng thể “chối bỏ chính mình” để đối phó với sự bất trung của con người… Chính trong niềm tin tưởng vào tình yêu trung tín như thế của Thiên Chúa mà con người có thể một lẫn nữa, rồi một lẫn nữa, và bao lẫn nữa…, trỗi dậy và quay về với Ngài.

Trong đời sống Giáo hội, trong những công việc tông đồ chung, trong hành trình đồng hành, và có thể nói trong mọi tương quan con người với nhau,… thái độ chân chính của người Kitô hữu chỉ có thể là hoạ lại mẫu mực lòng trung tín của Thiên Chúa và nhất là đón nhận sức mạnh của Thánh Thần Chúa để tiếp tục thể hiện một tình yêu trung tín, thái độ đối thoại trung tín, sự cộng tác trung tín,… và sự thứ tha trung tín…

Người Kitô cần nhận ra những phẩm tính ấy được Thiên Chúa thể hiện trong dòng thời gian, theo quy chế hiện hữu của con người, để có thể sống đức Tin trong khả năng đón nhận và hoá giải những bất đồng, những xung đột… trong sự cộng tác hiệp hành giữa lòng Giáo hội.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *