Hôm 13/5/2023, Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi đã được bầu làm chủ tịch tổ chức Caritas quốc tế, một liên đoàn gồm hơn 160 tổ chức Công giáo đang hoạt động bên cạnh dân chúng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đó là một sứ mạng “trở thành chứng nhân cho tình yêu thương của Thiên Chúa”.
Ngài được chọn trong số 5 ứng viên đã từng dấn thân một thời gian dài trong các hoạt động bác ái. Vào ngày thứ Bảy 13/5, gần 400 đại biểu của Caritas quốc tế, quy tụ trong ba ngày tại Đại hội đồng ở Rôma, đã bầu Đức cha Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo, chủ tịch HĐGM Nhật Bản và là tổng thư ký của Liên đoàn các HĐGM Á Chấu (FABC), làm người đứng đầu với nhiệm kỳ 4 năm.
« Caritas phải đi đầu trong việc đón tiếp, đồng hành, phục vụ và bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương. Sứ mạng này phải được nâng đỡ và nằm ở trung tâm của mối quan tâm của các thành viên của Liên đoàn, và tôi muốn rằng chính tôi, với vị tổng thư ký, sẽ điều hành toàn thể tổ chức để chu toàn sứ mạng quan trọng này của Giáo hội. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước đi cùng nhau », ngài tuyên bố như thế sau khi được bầu chọn.
Những trách nhiệm đa dạng
Sinh năm 1958 ở Iwate, phía đông bắc của quần đảo, Isao Kikuchi đã tuyên xưng đức tin của mình ở Dòng Thừa Sai Ngôi Lời vào tháng 3/1985, trước khi được thụ phong linh mục vào ngày 15/3/1986. Khi còn là một linh mục trẻ, ngài được gởi đi truyền giáo ở Ghana, châu Phi, nơi ngài đã phục vụ với tư cách là cha sở của một giáo xứ nông thôn trong 8 năm. Sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục của Niigata (phía Tây) vào năm 2004, ngài nhậm chức Tổng Giám mục Tokyo vào năm 2017.
Ngài cũng xuất thân từ mạng lưới bác ái toàn cầu của Giáo hội Công giáo, trong đó ngài đã đảm nhận nhiều trách nhiệm kể từ năm 1995. Vào thời điểm đó, ngài đã bắt đầu tham gia tổ chức với tư cách là một tình nguyện viên trong trại tỵ nạn Bukavu (Zaire cũ). Tiếp đến, ngài giữ chức giám đốc điều hành Caritas Nhật Bản từ năm 1999 đến 2004 và là chủ tịch Caritas Nhật Bản từ năm 2007 đến 2022. Ngài cũng là chủ tịch của Caritas Á Châu từ năm 2011 đến 2019, thành viên của ủy bản chấp hành Caritas quốc tế từ năm 1999 đến 2001 và là thành viên của Hội đồng đại diện từ năm 2011 đến 2019.
Bầu khí phức tạp
Sau kinh Nữ Vương Thiên Đàng ngày 14/5/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc mừng việc bầu chọn Đức cha Kikuchi bởi Đại hội đồng Caritas, mà theo Đức Thánh Cha là đang tiến bộ « với lòng can đảm trên con đường cải cách ».
Quả thế, cuộc bầu chọn mới nhất này diễn ra trong một bầu khí căng thẳng đối với tổ chức này, sáu tháng sau khi vị tổng thư ký bất ngờ bị ngưng việc một thời gian, bị cáo buộc quấy rối về mặt đạo đức, và vị chủ tịch lúc đó là ĐHY Tagle người Phi Luật Tân. Vào thời điểm đó, nếu Vatican thông báo về việc không hề có vấn đề về tài chính hay bê bối tình dục như là nguồn gốc của việc đặt dưới quyền giám hộ này, thì Tòa Thánh chưa bao giờ đưa ra lời giải thích về lý do quyết định của mình.
Chứng tá cho tình yêu thương của Thiên Chúa
Trả lời phỏng vấn của Radio Vatican – Vatican News, theo Đức cha tân chủ tịch Caritas quốc tế, tổ chức Caritas, tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế lớn thứ hai trên thế giới, cung cấp còn hơn cả chỉ việc trợ giúp từ thiện. Với tư cách là tổ chức đứng đầu các tổ chức caritas địa phương của Giáo hội, Caritas quốc tế tìm cách « trở thành chứng nhân cho tình yêu thương của Thiên Chúa để cho mọi người thấy rằng đó là cách Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc ».
Ngài nhấn mạnh rằng Caritas bao gồm các tình nguyện viên cơ sở ở khắp nơi trên thế giới, những người « mang các đặc điểm của Caritas ». Các tình nguyện viên này là bộ mặt của tình bác ái của Giáo hội Công giáo, cách riêng đối với những người đang mòn mỏi ở những khu vực bị xung đột tàn phá và bị quên lãng bởi phần còn lại của thế giới.
Đức Cha đảm bảo : « Chúng tôi cung cấp sự trợ giúp chuyên nghiệp, nhưng đồng thời chúng tôi muốn nói với họ rằng chúng tôi luôn ở với họ ». « Chúng tôi luôn làm việc với họ, chúng tôi luôn nhớ đến họ. Không ai bị loại trừ, không ai bị quên lãng ».
Cùng nhau bước đi để làm nảy sinh hy vọng
Ngài nhận xét : Caritas mang lại viện trợ lương thực và những hình thức hỗ trợ nhân đạo khác, nhưng sứ mạng quan trọng nhất của tổ chức là giúp đỡ mọi người « tạo ra hy vọng để sinh tồn ». Không thể mang hy vọng từ bên ngoài vào. « Tuy nhiên, chúng tôi có thể trở thành một người bạn và chúng ta có thể cùng nhau bước đi ». « Chúng tôi có có thể ở với họ, để họ biết rằng họ không bị quên lãng. Từ đó, họ có thể tạo ra hy vọng sinh tồn ».
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Vatican News)
Nguồn tin:xuanbichvietnam.net