Trưa Chúa nhật, ngày 10 tháng Chín năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 10.000 tín hữu hành hương khắp nơi và Roma, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời đầy nắng. Đức Thánh cha chia buồn với các nạn nhân động đất tại Maroc, nhắc đến lễ phong chân phước cho gia đình ông bà Ulma ở Ba Lan, bị Đức Quốc xã sát hại.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXIII thường niên năm A, kể lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ về cách thức sửa lỗi huynh đệ.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, Tin mừng nói với chúng ta về sự sửa lỗi huynh đệ (Xc Mt 18,15-20), là một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu và cũng là một trong những đòi hỏi nhiều cố gắng nhất. Khi một người anh em trong đức tin phạm một lỗi chống lại bạn, thì bạn hãy giúp họ sửa chữa và đừng nuôi oán hận.
Nói hành nói xấu là dịch tễ!
Trái lại, đáng tiếc là nhiều khi điều đầu tiên người ta tạo ra quanh một người phạm lỗi là nói hành, qua đó mọi người, ngoại trừ chính đương sự, đều biết lỗi lầm ấy, với bao nhiêu chi tiết! Điều này không tốt và không làm cho Thiên Chúa hài lòng. Tôi không ngừng lập đi lập lại, không hề mệt mỏi, rằng tật nói hành nói xấu là một dịch tễ đối với đời sống của cá nhân và cộng đoàn, vì nó gây ra chia rẽ, đau khổ, gương xấu và không bao giờ giúp cải tiến và tăng trưởng. Một tôn sư về linh đạo, thánh Bênađô Clairvaux, nói rằng sự tò mò vô ích và những lời nói hời hợt là những bước đầu tiên trong chiếc thang kiêu ngạo, nó không dẫn lên cao, nhưng đưa xuống thấp, xô đẩy con người xuống sự hư mất và tan vỡ (Xc “Các bậc khiêm tốn và kiêu ngạo”).
Chúa dạy sửa lỗi
Trái lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta cư xử một cách khác. Đây là điều Chúa nói hôm nay: “Nếu người anh em của con phạm một lỗi chống lại con, thì con hãy đi, cảnh giác người ấy giữa con và một mình họ” (v.15). Hãy nói thẳng với người ấy, một cách chân thành, để giúp họ hiểu họ lỗi ở chỗ nào. Hãy làm điều ấy vì thiện ích của họ, vượt thắng sự xấu hổ và tìm được can đảm chân thực, can đảm ấy không phải là nói xấu, nhưng là nói thẳng sự việc với người ấy một cách dịu dàng và tế nhị.
Nhưng chúng ta có thể tự hỏi, nếu điều ấy không đủ thì sao? Nếu người ấy không hiểu thì thế nào? Khi ấy, cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng hãy chú ý: không phải là sự giúp đỡ của một nhóm nhỏ lắm miệng! Chúa Giêsu dạy: “Hãy mang theo với con một hai người” (v.16), có nghĩa là những người thực sự muốn giúp đỡ người anh em hoặc chị em ấy đã sai lỗi.
Xin cộng đoàn giúp đỡ
Nhưng nếu họ vẫn không hiểu thì sao? Chúa Giêsu nói, khi ấy hãy có sự can dự của cộng đoàn. Nhưng cả trong trường hợp này chúng ta cần minh xác: điều này không có nghĩa là kết án, công khai làm nhục họ, trái lại cần liên kết những nỗ lực của mọi người để giúp họ thay đổi. Chỉ tay lên án là điều không ổn, trái lại nó thường làm cho người đã phạm lỗi khó nhìn nhận sai lầm của mình. Đúng hơn, cộng đoàn phải làm cho họ cảm thấy rằng trong khi kết án sự sai lầm, cộng đoàn gần gũi họ trong kinh nguyện và lòng quí mến, luôn sẵn sàng tha thứ và bắt đầu lại.
Đức Thánh cha giải thích rằng: Vả lại, hôm nay Chúa Giêsu nói rằng, nếu người anh em con không nghe cả cộng đoàn, thì nó phải trở thành đối với con “như một kẻ ngoại đạo và một người thu thuế” (v.17). Nhưng chúng ta biết rằng một trong “những người tử tế” bấy giờ không tha thứ cho Chúa chính là vì Ngài ở với những người ngoại đạo và thu thuế; chính thánh sử Tin mừng Matthêu đã viết và biết rõ điều đó, vì thánh nhân là một người trong số những người thu thuế, được Chúa Giêsu kêu gọi trong khi còn ngồi ở bàn thu thuế (Xc Mt 9,9)!
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi cư xử thế nào với người phạm lỗi chống lại tôi? Tôi có giữ điều đó trong lòng và chất chứa oán hận hay không? Hoặc tôi làm cớ để nói hành nói xấu họ sau lưng? Hoặc tôi tìm cách nói với họ? Tôi có cầu nguyện cho họ không, xin ơn phù trợ để họ làm điều thiện hay không? Và các cộng đoàn chúng ta có đảm trách người sa ngã, để họ có thể trỗi dậy và bắt đầu một đời sống mới hay kông? Tôi có chỉ tay hay là mở rộng vòng tay?
Và Đức Thánh cha kết luận: Xin Mẹ Maria, Đấng tiếp tục yêu thương, mặc dù nghe dân kết án Con của Mẹ, giúp chúng ta luôn tìm kiếm con đường thiện hảo.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến vụ động đất dữ dội ở Maroc, gần 7 độ theo thước Richter làm cho hơn 2.000 người thiệt mạng, theo tin thống kê sơ khởi. Ngài cầu nguyện cho những người bị thương và bao nhiêu người bị thiệt mạng, cũng như cho thân nhân họ. “Tôi cám ơn những nhân viên cứu trợ và tất cả những người đang tìm cách thoa dịu những đau khổ của dân chúng; sự trợ giúp cụ thể có thể nâng đỡ dân chúng trong lúc bi thảm này. Chúng ta hãy gần gũi nhân dân Maroc.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến lễ phong phước, sáng Chúa nhật, ngày 10 tháng Chín, tại làng Markova, Ba Lan cho gia đình Joseph và Victoria Ulma bên Ba Lan, gồm hai vợ chồng và bảy người con, bị quân Đức Quốc Xã sát hại vì đã cứu vớt, cho ẩn náu trong nhà mình một số người Do thái bị quân Đức truy lùng. “Ước gì Gia đình Ba Lan này tượng trưng những tia sáng trong đêm tối của Thế chiến thứ hai, trở thành mẫu gương cho tất cả chúng ta noi theo, trong nỗ lực làm điều thiện và phục vụ những người túng thiếu.
“Theo gương họ, chúng ta cảm thấy cần chống lại sức mạnh của võ khí bằng sức mạnh của bác ái, chống lại những thứ hùng biện của bạo lực bằng sự kiên trì cầu nguyện. Nhất là chúng ta hãy làm điều đó với bao nhiêu nước đang đau khổ vì chiến tranh; ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến Ucraina chịu đau thương!”
Ngài cũng nhắc nhớ biến cố ngày 10 tháng Chín là kỷ niệm 1.000 năm Đan viện Biển Đức ở Núi Saint-Michel ở miền tây bắc Pháp.
Như thường lệ, Đức Thánh cha không quên nhắc nhớ cầu nguyện cho các nước đang bị chiến tranh, đặc biệt là Ucraina đau thương.
Sau cùng, Đức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA