Từ bóng tối đến ánh sáng (01.06.2023 – Thứ Năm tuần VIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Hc 42,15-25, Mc 10,46-52

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 10,46-52)

 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.  Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”  Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”  Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !”  Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.  Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”  Người nói : “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Từ bóng tối đến ánh sáng (01.06.2023)

Ngày 01.06: Lễ Nhớ Thánh Giút-ti-nô, tử đạo

Bi kịch đời người luôn là cuộc chiến giữa ánh sáng và tối tăm. Bởi lẽ, ánh sáng luôn chiếu soi thế gian tối tăm và “thế gian” tội lỗi luôn cố gắng dập tắt ánh sáng. Sống làm sao để từ bóng tối, ra khỏi, tìm đến, sống trong ánh sáng vẫn luôn là thao thức của bao người.  Đặt trong bối cảnh Tin Mừng Mc 10,46-52, với việc người mù Ba-ti-mê đến xin Đức  Giê su chữa lành: Thưa Thầy xin cho tôi được thấy (c51), chúng ta cùng tìm hiểu:

Ở trong  bóng tối

Theo thánh sử Mác cô, Ông  Ba-ti-mê, con ông  Ti-mê,  ăn xin  bên vệ đường, là người  tình trạng mắt thể lý bị mù mù lòa.  Mặc dù thánh sử không nói rõ người này bị mù lòa  về “tâm linh”, nhưng chúng ta  cũng có thể nghĩ,  liên hệ tới tình trạng mùa lòa về tâm linh của những  người đang ở trong đêm tối của tội lỗi.

Đã hẳn, sinh ra, mọi người đều thuộc về cõi tối tăm vì tội nguyên tổ.  Mặt khác, trong đời sống luân lý, người ta vẫn làm những sự vô đạo, sự ác, sự dữ… Đó là tình trạng bóng tối, tội lỗi thống trị thân phận con người. Ngoài ra trường hợp  có những người cũng ở trong bóng tối “trí khôn bị mù tối” trước ân sủng của Thiên Chúa mà lại không hay biết (x. Ep 4, 18).

Như thế, với bản chất thân phận  hữu hạn, con người luôn  bị  ảnh hưởng của tội lỗi, ở trong bóng  tối. Tuy nhiên, xem là phi lí, nhưng ngay ở trong tình trạng “những người được cho là đạo đức, lành thánh”, họ vẫn dễ bị mù tối trước ân sủng của Thiên  Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá sánh ví như loài dơi mùa lòa trước ánh sáng của mặt trời thế nào thì trí khôn con người cũng bị mùa lòa trước ánh sáng Thiên Chúa  như thế. Lý do, theo thánh nhân, con  người với dục vọng, ham muốn những gì thuộc về vật chất, những thứ tình tiền tài, danh vọng… che khuất đi ánh sáng ân sủng của  Thiên Chúa. Ngay đến cả những ân huệ ban của Thiên Chúa  người ta lầm tưởng là Thiên  Chúa.

Tìm đến ánh sáng.

Trong Tin Mừng trình thuật,  người mù  Ba-ti-mê  kêu lên:  “Lạy  ông  Giêsu con vua Đa-vid xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,47). Để đáp lại khát khao chữa lành của  ông  Ba-ti-mê: “Thưa Thầy xin Cho tôi thấy được”  (c 51).  Đức Giê-su đã chữa lành và  Người xác quyết: “Lòng tin của anh đã cứu anh.

Nếu như nhiều người đã sống trong bóng tối của tội lỗi, thì ánh sáng vẫn chiếu soi. Ánh sáng làm  bừng lên trong họ được giải thoát. Anh mù được chữa lành cũng là một quá trình tiệm tiến ở trong bóng tối, ra khỏi tìm đến ánh sáng. Đó là một quá trình đấu tranh liên lỉ  giữa  ánh sáng và bóng tối, giữa  làm những điều lành và điều dữ trong một con người, cũng như loài người.

Giải  thích cho quá trình đó, chúng ta cũng chân nhận:  phải có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu dọi vào lương  tâm, thức tỉnh con người, họ mới bước ra khỏi vực thẳm của thân phận con người, của tình trạng đời sống tự nhiên, đến đời sống luân lý tâm linh… và đời sống ân sủng.  Để diễn tả kinh nghiệm bước ra từ đêm tối đến ánh sáng, Vịnh gia đã minh chứng : “Lạy Chúa nhờ ánh sáng của Ngài chúng con mới nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10).

Cùng một xác tín như Vịnh gia, thánh Phao lô cũng cho biết kinh nghiệm mà ngài với thân phận con người tội lỗi, ở trong đêm trường bóng tối tội lỗi, nay được Ánh Sáng giải thoát. Chính Đức Ki -tô là ánh sáng, chính Thiên Chúa đã gọi chúng ta từ tối tăm vào ánh sáng diệu của Người (x.1P 2,9). Xưa chúng ta  ở trong tối tăm, nay trong  Đức Ki-tô chúng ta đã được chiếu soi. Xưa kia chúng ta làm là tối tăm, nhưng nay  trong Chúa chúng ta là ánh sáng (Eph 5, 8).

Như  thế, bằng kinh nghiệm của Vịnh  gia, cũng như  thánh Phao-lô, và hôm nay cụ thể người mù Ba-ti-mê, chúng ta nhận ra, tìm đến, sống trong ánh sáng, như là một lẽ đương nhiên. Bởi ý định cứu độ của Thiên Chúa, Người khởi xướng, ban quyền năng, kêu gọi con người sống trong Ánh Sáng để được cứu độ. Về phía con người, họ cũng cần thức tỉnh, khao khát được giải thoát, chữa lành như người mù Ba-ti-mê.

Cuộc sống từ bóng tối đến ánh sáng, người ta  không đo bằng được bằng gang tấc, centimét, hay là quãng đường bao nhiêu. Người ta chỉ phần nào lượng giá được bằng đời sống, sống như Đức Giê-su đã truyền dạy, điều quan trọng là đừng để lu mờ ánh sáng nội tâm của mình, cũng giống như phải săn sóc con mắt là đèn soi thân xác (x.Mt 6,22). Phải mặc lấy khí giới ánh sáng và vất bỏ những việc tối tăm (x. Rm 13,12). Một cách cụ thể, với tình yêu huynh đệ, người ta nhận ra mình ở trong tối tăm hay trong ánh sáng (x. 1Ga 2,8-11). Khi sống như thế,  chúng ta sống như con cái ánh sáng đích thực, chiếu giãi cho mọi người ánh sáng thần linh chiếu sáng thế gian (Mt 5,14).

Gioan Thánh Giá

Lời chân thành chạm lòng Chúa (27.05.2021)

Vào năm 1861 dưới triều vua Tự Đức, tại vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu, một nhà ngục đã được dựng lên để giam giữ các tín hữu Kitô giáo, hiện nay trên mảnh đất ấy là nhà thờ Mồ các vị Tử đạo Bà Rịa, tưởng niệm 288 tín hữu Công giáo vì đức tin, vì lòng mến và đang an nghỉ trong niềm hy vọng phục sinh vinh hiển. Đức tin của các tín hữu thời ấy thật mãnh liệt, can đảm hy sinh một lòng tin vào Đức Kitô: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục”  Mt10:28.

Tin Mừng hôm nay thuật lại ngoài thành Giê-ki-khô, bên vệ đường một người mù ngồi ăn xin, khi vừa nghe ai đó nói về Đức Giêsu Nadarét đang đi đến, anh ta liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”. Thật ngạc nhiên vì sao anh ta biết chỉ có Ngài mới chữa anh khỏi mù? Nhìn lại hành trình từ lúc khởi sự rao giảng, Chúa đã làm song song hai việc vừa chữa lành cho người bệnh tật, vừa loan báo Tin Mừng nên mọi người đã có niềm tin vào Ngài. Thánh Augustino đã nói: “Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đang đi với đám đông nhưng nghe có tiếng kêu cầu Người dừng lại và gọi anh mù đến, “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Lời cầu xin chân thật đúng nguyện vọng thực tế của bản thân. Theo thánh Gioan Kim Khẩu: “Lời cầu nguyện của ta được Chúa nhận lời, không tùy thuộc vào việc nói nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc vào nhiệt tâm của mỗi linh hồn”. Còn chúng ta, nếu được một điều ước thì sẽ cầu xin Chúa điều gì? Có khi nào chúng ta xin ơn sáng lòng để lắng nghe ý Chúa nói trong tâm hồn? Có bao giờ chúng ta xin ơn nhận biết Chúa qua anh chị em mình? Chúa vẫn dõi theo cuộc sống của chúng ta và dừng lại để lắng nghe mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài, thánh Maria Mađalêna Pazzi chia sẻ : “Khi ta cầu xin Thiên Chúa, Ngài không chỉ ban ơn cho ta, mà còn như biết ơn ta vì ta đã xin Ngài”.

Điều gì làm Chúa Giêsu chữa lành cho người ấy: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”  Anh Batimê được chữa lành đôi mắt vì đã tin Chúa, nhiều điều thể hiện lòng tin yêu Thiên Chúa, như thánh Anphongsô: “ Nếu bạn không thể tin tưởng nơi mình, thì đó không phải là lý do để bạn thất vọng, nhưng là để bạn đặt trót niềm hy vọng vào Chúa; tận hiến toàn thân cho Người với tràn đầy sự ký thác, như một người con bé nhỏ thơ ngây ẩn náu trong lòng mẹ, khi nó biết rằng mẹ nó đầy uy quyền”. Niềm tin được bày tỏ qua cách cư xử chân tình giữa các anh chị em với nhau, tạo nên truyền thống đoàn kết của Huynh đoàn, dẫn đến mối liên kết giữa các huynh đoàn trong Liên huynh theo di ngôn của Thánh Tổ phụ: yêu thương, bác ái, sống khiêm nhường. Lời khuyên nhủ của thánh Augustino: “Người tín hữu phải tin các điều trong kinh Tin Kính, để nhờ tin, họ vâng phục Thiên Chúa; nhờ vâng phục họ sống tốt lành; nhờ sống tốt lành, họ thanh tẩy tâm hồn và nhờ thanh luyện tâm hồn họ hiểu điều mình tin”.

Lạy Thiên Chúa, chúng con luôn làm phiền lòng Chúa, vì những đòi hỏi thỏa đáng về cuộc sống, xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng chỉ có đức tin mới được ơn cứu rỗi.                                                                                                                   

Anna Anh

Ánh mắt đức tin (26.05.2016)

1- Ghi nhớ:

“Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”… Người nói: “Anh hãy đi. Lòng tin của anh đã cứu anh.” (Mc 10,47.52).

2- Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù thành Giêricô. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là con vua Đavít về phương diện con người, là Đấng mang lại ơn cứu độ nếu chúng ta tin tưởng đón nhận Ngài. Nhưng để được ơn cứu độ, chúng ta cần phải có đức tin tinh tuyền, can đảm giống như niềm tin của anh mù Bartimê.

Chúng ta cũng là những người mù, những người mù từ khi mới sinh. Biết bao chân lý căn bản, chúng ta đã không thấu hiểu và vì không hiểu biết những chân lý đó, chúng ta đã không tiến nhanh trên con đường sự sống đời đời. Nhưng Chúa Kitô vẫn hiện diện, sẵn sàng chữa lành con mắt chúng ta. Chúng ta hãy biết cầu cứu Ngài như người mù thành Giêricô: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Sau khi đã được mở mắt tâm hồn để biết Chúa, chúng ta phải tin theo Ngài trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Không được ngăn cản người khác đến với Chúa, nhưng phải xin Chúa làm cho “sáng mắt sáng lòng” để lôi kéo người khác đến với Chúa bằng đời sống chứng nhân được thể hiện qua cuộc sống gương mẫu hằng ngày.

Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì nhìn thấy khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Ngài nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Ngài. Thiên Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài ban cho con người nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô qua việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc bên trong. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài cho gặp.

Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, giúp chúng ta luôn tin tưởng để cho Chúa thực hiện điều Ngài muốn, để chúng ta thể hiện trọn vẹn đức tin của mình trước ân sủng của Chúa,  luôn bước đi trong ánh sáng của Ngài và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người.

3- Cầu nguyện :

       Lạy Chúa! Xin mở cho chúng con đôi mắt, để cho chúng con nhìn thấy Chúa trong mọi người, xem thấy Chúa trong cuộc đời này và quan trọng là cảm nhận ra Ngài đang hiện diện trong chính cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.

4- Sống Lời Chúa :

Chúng ta cần học hỏi để biết sự quan trọng của Đức Kitô trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Qua Ngài, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ và muôn ơn lành cho những ai tin tưởng vào Ngài. Chúng ta cần nhận ra những thiếu thốn của mình và can đảm chạy đến kêu cầu với Đức Kitô để được Ngài thương xót. Từ đó chúng ta có bổn phận trở nên những chứng nhân rao truyền tình thương của Ngài cho tha nhân.

                                                                       HOÀI THANH