Bài 36
Phúc cho người có tâm hồn trong sạch (Giới luật 6 và 9)
YÊU THƯƠNG THA NHÂN
Lời Kinh Thánh
“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm. Thật vậy Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (1Tx 4,3.7; Cl 3,1)
Thiên Chúa mời gọi con người sống thánh thiện, xứng đáng với thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa. Vì thế, phải cố gắng sống trong sạch trong tâm hồn và thân xác, trong cũng như ngoài đời sống hôn nhân.
Ý nghĩa giới luật 6 và 9
Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (St1,27), phái nam, và nữ có nhưng khác biệt nhau về cơ thể, tâm lý và tinh thần. Chính sự khác biệt đó tạo nên phái tính.
Ngay từ đầu, phái tính tự nó vốn tốt: “Người đàn ông lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Hai người nam nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân để tiếp tục sứ mạng Thiên Chúa trao ban: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1,28)
Trong chương trình của Thiên Chúa, ngay từ đầu khi tạo dựng con người, bản năng phái tính chỉ được chấp nhận sử dụng trong đời sống hôn nhân, với mục đích giúp con người đón nhận nghĩa vụ hôn nhân là “yêu thương, giúp đỡ nhau thăngtiến và nối tiếp dòng giống loài người”.
Từ khi nguyên tổ loài người bị khai trừ khỏi tình nghĩa với Thiên Chúa, bản năng phái tính lại có một sức công phá đáng sợ, khiến con người khó lòng giữ được tiết độ trong việc sử dụng bản năng này. Tội lỗi đã làm cho con người không được nguyên tuyền như trước. Văn minh vật chất lan tràn, người ta cáng tìm cách khai thác phái tính dưới mọi hình thức. Từ đó, dẫn đến sự lạm dụng và phá hủy tất cả ý nghĩa cao đẹp lúc ban đầu.
Do đó, hai giới luật 6 và 9 nhằm giúp con người biết tự chế và sử dụng bản năng phái tính cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
Mục đích của hai giới luật
Trước ý muốn của Thiên Chúa khi tạo dựng người nam và nữ là để họ liên kết nên “một” trong hôn nhân. Vì thế:
Giới luật 6: Ngăn cản những quan hệ bất chính có thể gây nên bất công, thiệt hại cho một trong hai bên vợ chồng và còn là sự phản bội lòng chung thủy giữa vợ chồng.
Giới luật 9” Đi thêm một bước nữa là ngăn cấm từ ngay ước muốn bất chính bên trong thúc đẩy hành động bên ngoài. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở tới những đòi hỏi của hai giới luật này (Mt 5,27-30; 5, 31-32; 19, 3-9). Về ước muốn bất chính, Chúa Giêsu cũng quả quyết: chỉ cần ước ao ngoại tình, thì cũng kể là đã phạm tội ngoại tình (Mt 5,28).
Giới luật 6 và 9 ngăn cấm những vi phạm trong hôn nhân, là vì Thiên Chúa muốn đề nghị chúng ta sống “trong sạch”. Nói khác đi, sống trong sạch là khía cạnh mở rộng và tích cực của hai giới luật 6 và 9. Vì thế, hai giới luật này không chỉ nói về vấn đề ngoại tình nhưng còn đề cập đến tất cả những gì làm lệch lạc bản năng phái tính, dù trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân, dù trong ước muốn, ngôn ngữ hay hành vi cử chỉ bên ngoài.
Lý do phải sống trong sạch
“Con người được Thiên Chúa tạo dựng cao cả hơn mọi sinh vật, là hình ảnh của Ngài.” (St 1,27)
Thân xác trở nên chi thể trong thân mình Đức Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cr 6, 15-20; 1Tx 4, 3-7). Con người sử dụng bản năng sinh lý trong phạm vi hợp pháp sẽ làm cho họ trở nên cao cả, xứng đáng với Thiên chức ban đầu Thiên Chúa tạo dựng và thừa hưởng ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến.
Những điều kiện để sống trong sạch
Ơn gọi sống trong sạch:
Sống trong sạch là một nhân đức luân lý giúp con người có khả năng sống thống nhất giữa đời sống tinh thần và thể lý, đồng thời phát triển tốt đẹp những tương quan với người khác, nhất là với người khác phái. Sống trong sạch là làm chủ bản thân, sống tiết độ. Sống trong sạch giúp con người có khả năng cảm thông với những đau khổ của người khác, sẵn sàng thực thi bác ái, hy sinh và sống quảng đại. Sống trong sạch là “mặc lấy Chúa Kitô” (Gl 3,27), là “đíng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).
Những đòi hỏ buộc để sống trong sạch
Sống trong sạch không phải chỉ là thi hành một số những cấm đoán liên quan đến đời sống tính dục, nhưng trước hết là vươn tới một đời sống cao đẹp hơn, xứng với phẩm giá làm người, phẩm giá làm con Thiên Chúa. Sống thanh cao là khía cạnh tích cực của giới luật này. Ngoài việc phải tránh những hành vi tình dục sai trái, lệch lạc, những cái nhìn bất chính kèm theo dục vọng, những ấn phẩm xấu, ngôn ngữ thô tục, bất xứng, người Kitô hữu phải tôn trọng thân xác của mình và của người khác, cần ăn mặc nghiêm trang, hành vi, cử chỉ thanh nhã, đoan trang.
Những người sống đời hôn nhân cũng phải sống trong sạch trong phạm vi của mình:
– Thiên chúa dựng nên người nam và nữ giống hình ảnh của Ngài, đồng thời ban cho mỗi phái một bản tính và nhiệm vụ khác nhau. Hai bên nam nữ phải tôn trọng và giúp đỡ nhau.
Hôn nhân liên kết hai người nam nữ nên một. Cả hai phải yêu thương và trung tín với nhau suốt đời. Lòng trung tín đó không cho phép lìa bỏ nhau, không được chia sẻ tình yêu cho người thứ ba. Bất tín là ngoại tình, tội này phát sinh trong lòng, từ những ý nghĩ và ước muốn xấu, đưa dần tới hành động bên ngoài.
– Sử dụng bản năng phái tính theo những mục đích của hôn nhân: Tôn trọng luật tự nhiên, nhân phẩm của mình và của người phối ngẫu (sẽ tìm hiểu thêm vấn đề này trong Giáo lý hôn nhân)
– Trong thời gian chuẩn bị hôn nhân, các bạn trẻ nam nữ cần có những tương quan lành mạnh, đúng đắn tự nhiên, tế nhị… Những thái độ bồng bột liều lĩnh sẽ làm tổn thương phẩm giá và phá hoại tương lai chính mình.
Kết luận
“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của đức Kitô sao ? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của kỹ nữ sao ? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao ? Thật thế, có lời chép rằng: “Cả hai sẽ thành một xương một thịt”.
Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.
Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt để chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1Cr 6, 15-20)
Câu hỏi
- Ý nghĩa giới luật 6 và 9 ?
- Mục đích của hai giới luật ?
- Tại sao phải sống trong sạch ?
- Để sống trong sạch, cần tránh những gì ?
- Làm thế nào để sống trong sạch trong đời sống hôn nhân ?