Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 32 Thường Niên Năm B

08-11: CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

 1 V 17, 10-16; Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10; Dt 9, 24-28;  Mc 12, 38-44.

 BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 10-16

“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

BÀI ĐỌC II: Dt 9, 24-28

“Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 24, 42a và 44

All. All. – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – All.

PHÚC ÂM: Mc 12, 38-44

“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

B32Vs

MỤC LỤC

  1. Tinh thần chia sẻ
  2. Quy luật của sự sống là nhận và trao
  3. Giá trị của một món quà – Lm. Ignatiô Trần Ngà
  4. Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
  5. Quảng đại và tự do – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
  6. Tấm lòng người nghèo – Cố Lm. Hồng Phúc

 

  1. Tinh thần chia sẻ

Chuyện cổ tích Ảrập kể lại rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, nên cửa hàng của anh ta luôn bị ế ẩm. Anh ta đã làm đủ mọi cách để câu khách, nhưng chẳng ai thèm đến. Ngày kia có một người ngồi ăn xin nơi lề đường. Ông thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng trên chiếc vỉ sắt. Cuối cùng ông móc trong bị ra một miếng bánh mì, rồi lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh một cách ngon lành. Anh chàng bán thịt thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo người ăn mày đòi tiền, nhưng người ăn mày phân trần: Tôi đâu có lấy thịt anh nướng cùa anh. Khói thịt đâu có phải là thịt. Anh hàng thịt quát lớn: Khói thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi. Hai người đưa nhau lên quan toà xin xét xử. Quan toà truyền cho người ăn mày móc ra một đồng tiền cắc và bảo ném xuống nền nhà, phát ra một tiếng keng. Rồi quan toà nói: Đây là giảp pháp công bằng nhất. Người ăn mày hưởng khói thịt của anh còn anh thì hưởng tiếng keng đồng tiền của ông ta.

Nghe câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ mỉm cười trước thái độ keo kiệt của anh hàng thịt. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác như vậy. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện kể về một người cha tham ăn đang ngồi nướng mấy con cá để nhậu lai rai. Đứa con nhỏ khóc đòi ăn, người mẹ liền dỗ: Con nín đi để mẹ xem có con nào nhỏ, mẹ sẽ xin ba cho con. Ông bố nghe vậy liền quắc mắt quát lên: Cho cái gì? Không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau.

Tình thương không chia sẻ chỉ là tình thương giả dối, không có thật. Đứng trước những nhu cầu cần thiết của người khác, đôi lúc chúng ta đã tránh né, đã chạy trốn bằng cách trả lời: Chừng nào tôi đủ ăn đủ mặc tôi sẽ cho. Hãy để lúc khác, bây giờ tôi không có khả năng. Và cái lúc khác ấy không bao giờ đến. Chúng ta có tới 1001 lý do để biện minh cho thái độ thiếu thông cảm, thiếu yêu thương của mình.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã lên ái thái độ giả dối này: Nếu có ai xin các ngươi áo ngoài, thì hãy cho họ cả áo trong nữa. Nếu có ai xin các ngươi đi với họ một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng ca ngợi ba goá nghèo chỉ bỏ vào hòm tiền được có 2 đồng tiền kẽm, thế nhưng bà là người đã dâng cúng nhiều nhất bởi vì bà dám hy sinh cả những cái thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã phán dạy: Hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi.

Yêu thương anh em là chấp nhận, khoan dung và hết lòng phục vụ với trọn tình bác ái chân thành của mình. 

  1. Quy luật của sự sống là nhận và trao

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Ba bài đọc hôm nay đều đề cập đến vấn đề trao ban.

Đang lom khom kiếm củi, bà goá Sarepta gặp ông khách bộ hành xin nước. Trong cơn đại hạn, một giọt nước quý như vàng. Thế mà bà không tiếc những giọt nước trong mát đang cần cho cơ thể mình giữa cơn nắng cháy. Bà vui lòng đem vò nước lại cho người qua đường không quen biết.

Đã uống cạn vò nước, người bộ hành lại xin ăn.

Bà goá trả lời: “Tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi bữa cuối cùng. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.”

Nhưng rồi không cầm lòng được, bà đã lượm củi, lấy chút dầu và bột cuối cùng của gia đình, làm bánh cho người khách lạ ăn. (bài đọc I Vua 17, 10-16)

Và thế rồi, hũ bột sẽ không vơi, bình dầu không cạn cho đến ngày mưa xuống dồi dào cho hoa màu tốt tươi.

Lại một bà goá khác trong đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giêsu. Bà chỉ có hai đồng tiền kẽm, giá trị chỉ bằng một phần tư đồng xu Rô-ma, là tất cả gia sản của mình. Bà đã quảng đại bỏ vào hòm dâng cúng đền thờ. Vì lợi ích chung, bà cống hiến tất cả những gì cần thiết để nuôi sống mình. (bài Tin Mừng Mc 12, 44)

Thư Do-Thái hôm nay lại đề cập đến một Vị Thượng Tế cao cả là Đức Ki-tô, không chỉ trao ban những gì mình có, mà còn trao ban cả bản thân, trao ban đến giọt máu cuối cùng, “tự hiến tế chính mình để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (thư Do-Thái 9,28)

Hiến trao là quy luật Thiên Chúa truyền ban để duy trì sự sống cho con người.

Thánh Phan-xi-cô At-xi-di xác nhận chân lý nầy: “Chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính khi quên mình là lúc nhận lại bản thân.”

Nhưng có người chủ trương ngược lại:

Dại gì tôi phải cho, dại gì phải hiến mình làm thân trâu ngựa cho người khác được nhờ! Đối với tôi, sống là thu vén, là tận hưởng những công lao và thành quả của người khác cũng như của tôi. Của tôi, tôi hưởng tôi xài; đèn nhà ai nấy sáng, việc gì phải cống hiến, phải trao ban!.

Chủ trương như thế là “bế môn toả cảng”, là cắt đứt tương quan với tha nhân, đồng nghĩa với tự huỷ diệt.

Trái tim của chúng ta luôn biết trao ban. Trái tim nhận máu rồi thì nó liền trao ban cho toàn thân. Nhờ đó, toàn cơ thể được sống. Ngày nào trái tim ngừng trao ban, đó là tim đứng và toàn thân phải chết.

Hai lá phổi của chúng ta cũng không ngừng trao ban. Chúng liên tục tiếp nhận khí trời rồi chuyển đến cho toàn thân được sống. Ngày nào phổi ngừng trao ban là ngày phổi bệnh và toàn thân phải chết.

Bao tử, ruột non, ruột già trong con người chúng ta cũng không ngừng trao ban. Mỗi khi nhận được thức ăn từ ngoài đưa vào, nó ra công chuyển hoá thành chất dinh dưỡng rồi chuyển đi nuôi toàn thân, nhờ đó toàn thân được lớn lên và mạnh sức. Ngày nào chúng ngừng trao ban, là ngày hệ tiêu hoá lâm trọng bệnh và toàn thân phải chết.

Các tế bào cần trao đổi chất dinh dưỡng cho nhau để duy trì sự sống cho mình. Các cơ quan như tim, phổi, ruột gan.. cũng phải trao đổi những gì chúng nhận được để duy trì sự sống cho mình và cho toàn thân.

Cuộc sống của các thành viên trong gia đình được phát huy và tồn tại cũng hệ tại ở việc nhận và trao.

Cuộc sống của cộng đồng quốc gia được phát huy và tồn tại cũng nhờ tinh thần tương thân tương ái.

Cuộc sống của cả nhân loại cũng đặt nền trên nguyên tắc mình sống cho mọi người và rồi mọi người sống cho mình.

Mỗi cá nhân là một tế bào làm nên một Thân Thể lớn lao là nhân loại nên nó phải trao đổi với tha nhân. Nhận và trao là quy luật sinh tồn.

* * *

Ở Israen có hai biển hồ lớn: một là biển hồ Galilê, hai là biển chết.

Biển hồ Galilê nằm phía bắc nước Do-thái, nó luôn luôn tiếp nhận nước từ sông Jordanô và sau đó cho chảy thoát ra phía hạ lưu, luôn trao ban những gì vừa nhận được. Nhờ đó, dòng nước luôn luôn trong lành, trở nên môi trường sống lành mạnh cho bao loài tôm cá, cung cấp nước uống cho cư dân quanh vùng, tưới xanh những cánh đồng và vườn cây ăn trái, nhiều người đến dựng nhà lập nghiệp quanh bờ của nó, thuyền bè tấp nập trên các bến cảng của nó. Nó đem lại phì nhiêu và sức sống cho đất cằn, đem lại ấm no, hạnh phúc và nguồn vui cho bao triệu người qua các thời đại. Chính Chúa Giêsu cũng thường lui tới rao giảng Tin Mừng nơi đây.

Nhưng cách đó không bao xa, về phía nam nước Do-thái cũng có một biển hồ lớn được gọi tên là Biển Chết. Nó là biển chết vì nó cũng nhận nước từ dòng sông Jordanô như biển hồ Galilê, nhưng nó cứ khư khư giữ lại cho mình, không ban phát cho ai, không cho chảy đi đâu cả. Vì thế, nước của nó trở thành nước độc, nó mặn đến độ không sinh vật nào sống được. Chung quanh biển nầy, không nhà cửa, không cây cối, không sinh vật nào có thể lập cư…

(dựa vào tập sách Lẽ Sống)

* * *

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận được tất cả từ nơi Chúa và tha nhân, vậy mà con muốn nắm ghì thật chặt cho riêng mình.

Nếu ai cũng ích kỷ như con, chỉ biết khư khư giữ chặt mọi thứ cho mình mà không biết mở tay chia sẻ, thì nhân loại sẽ như ra sao?

Xin cho con nhận ra rằng: Sống là sống với, sống là trao đổi, là nhận và trao. Dù có nghèo tiền, con cũng còn nhiều thứ khác để cống hiến, trao ban.

Xin đừng để con trở thành biển chết. 

  1. Giá trị của một món quà – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Chúa Giêsu quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Người thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giêsu cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.

Đối với Chúa Giêsu, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà.

Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà lòng ta chẳng muốn cho. Nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.

Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng. Em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ nầy.

Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Người nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả to lớn mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành rỗng không và chẳng có giá trị gì.

Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều nầy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (I Cr 13, 1-3)

Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phao-lô nên Mẹ không chủ trương làm những công việc lớn, nhưng chỉ làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Trong bức thư gửi cho Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Têrêxa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công tác ta làm, nhưng là mức độ tình yêu mà ta đặt vào trong mỗi công tác.” Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, Mẹ đem lòng yêu thương người ấy như thể đó là người duy nhất trên đời trong giây phút đó.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu ban đầu cũng muốn dâng cho Thiên Chúa những món quà vĩ đại. Chị ước mơ “làm linh mục, phó tế, tông đồ, tiến sĩ Hội Thánh và chết vì đạo thánh” để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn; nhưng về sau, Chị khám phá được ơn gọi của mình là làm những việc bổn phận nhỏ nhặt hằng ngày với tất cả lòng yêu thương. Châm ngôn của Chị là: “sống mỗi phút giây hiện tại với tất cả lòng yêu thương.” Khi thực hiện châm ngôn nầy, Chị Thánh có vô vàn món quà cao đẹp dâng lên Thiên Chúa trong từng phút giây đời mình.

Thánh Phaolô dạy: “Dù anh em ăn, dù anh em uống hay làm bất cứ việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự vì Danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.”

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu để làm các công việc bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến Chúa.

Rồi chúng ta hãy đem những lễ vật đó đặt lên đĩa thánh và trong chén rượu, để cùng dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ hằng ngày hiệp với Mình Máu thánh Chúa Giêsu. Chắc chắn Thiên Chúa Cha sẽ rất vui lòng đón nhận và ban ơn cứu độ cho chúng ta cũng như cho các linh hồn.

  1. Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

BÀ GOÁ NGHÈO TIỀN, NGHÈO CỦA NHƯNG LẠI GIẦU TẤM LÒNG

Nếu hỏi rằng ai là người có giá trị trong cuộc đời của bạn? Có lẽ không phải là người có tiền, có địa vị mà là người đã từng hy sinh cho bạn. Nếu hỏi rằng ai là người có ích với bạn? Có lẽ không phải là người có quyền lực, có danh giá mà là người tận tuỵ dìu dắt bạn. Vậy theo bạn ai là người nghèo đáng thương nhất trong cuộc đời? Có lẽ người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Sự ích kỷ đã đẩy họ đến bần cùng đến nỗi không mua được bạn bè, không mua được niềm vui của sự trao ban. Sự tham lam đã khiến họ chơi bần với anh em, dẫn đến sự xa cách lạnh lùng.

Có một gia đình kia rất giầu có. Một hôm ông bố dẫn con về quê với ý định cho con thấy người nghèo sống ra sao. Hai bố con ở chơi mấy ngày với một gia đình nông dân mà người ta vẫn coi là rất nghèo trong làng. Lúc trở về, ông bố hỏi con: Con đã thấy người nghèo sống ra sao? Đứa con trả lời: Cám ơn bố đã cho con thấy mình nghèo như thế nào. Còn họ thật giầu có. Ông bố hỏi lại: Tại sao con lại nghĩ thế? Đứa con trả lời: Con thấy chúng ta chỉ có một con chó, họ có tới 4 con. Chúng ta chỉ có một cái hồ cỏn con ở giữa vườn, còn họ có dòng sông dài đến vô tận. Chúng ta chỉ có mấy cái đèn ngoài vườn, còn ban đêm họ có bao nhiêu là sao sáng. Trước nhà chúng ta chỉ giới hạn ở trước sân vườn, còn trước nhà họ là không gian mênh mông đến tận chân trời. Chúng ta chỉ sống trên mảnh đất bé nhỏ, còn họ có ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Chúng ta có gia nhân phục vụ nhưng họ chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải mua thực phẩm nhưng họ tự tay trồng lấy lúa rau. Chúng ta có tường rào vây quanh bảo vệ, nhưng họ có bạn hữu bảo vệ… Ông bố nghe mà cứ ngẩn ngơ người, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nhận xét thật đơn sơ của đứa con.

Bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng đưa ra hai nhận định khác nhau về hai loại người. Nhận định thứ nhất về nhóm biệt phái, đại diện cho thành phần có chức có quyền. Nhận định thứ hai về bà goá nghèo, đại diện cho những con người thấp hèn, nghèo đói. Cả hai đều lên đền thờ với hai thái độ khác nhau. Bà goá nghèo khiêm tốn. Nhóm biệt phái giầu có lại kiêu căng. Bà goá nghèo dâng tất cả những gì mình có cho Chúa. Người biệt phái chỉ có lòng tự cao tự đại.

Nhóm biệt phái là những công chức đền thờ nhưng không đóng góp của chung mà chỉ lợi dụng để lấy của chung thành của riêng. Họ là những người giầu có nhưng lòng họ chất chứa đầy sự kiêu căng, vụ lợi đến nỗi không còn lòng quảng đại để cho đi.

Bà goá nghèo tiền, nghèo của nhưng lại giầu tấm lòng. Bà thành kính lên đền thờ với thái độ khiêm tốn thẳm sâu trước nơi cực thánh của Chúa. Bà đã dâng tất cả những gì mình có cho Chúa, dù chỉ là một đồng xu nhỏ bé.

Chúa đã khen ngợi tấm lòng bà goá. Một tấm lòng chân thành và quảng đại. Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Kẻ không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng.

Thực vậy, sự giầu có về vật chất đôi khi làm con người nghèo khó về tinh thần. Sự nghèo khó vật chất đôi khi lại thảnh thơi tâm hồn. Kẻ tham lam thường nghèo đói về lòng nhân ái. Kẻ biết sống khó nghèo thường chứa chan tình yêu. Kẻ có chức có quyền dễ mất tính bao dung và thương xót. Kẻ khốn cùng dễ cảm thông với bất hạnh bần cùng của tha nhân.

Xét cho cùng, sự giầu có không hệ tại ở đồng tiền hay chức vị. Sự giầu có hệ tại ở những tương quan với đồng loại. Do vậy, điều mà con người cần tích lũy không phải là của cải trần gian mà là tình yêu đối với tha nhân. Điều mà con người thu gom không phải là hàng hoá xa sỉ phẩm mà là từng nghĩa cử cao đẹp chúng ta dành cho đồng loại.

Kẻ có chức có quyền càng bị kết án nặng hơn nếu họ không biết dùng địa vị của mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Chính họ không những phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự ích kỷ của mình, mà còn mất đi cơ hội mua lấy bạn hữu Nước Trời bằng tấm lòng rộng lượng của mình.

Mỗi người chúng ta chỉ là những quản lý của Chúa, hãy biết đón nhận trong sự khiêm tốn và biết trao ban cho anh em theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, đều nhận lãnh do lòng quảng đại của Chúa. Do đó, những gì chúng ta cho, không phải chúng ta cho của riêng mình, nhưng là giao lại cho người khác những gì thuộc về Chúa. Dù vậy Chúa vẫn thưởng công cho chúng ta. Vì Chúa đã từng nói: “Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Amen. 

  1. Quảng đại và tự do – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Người nghèo thường quảng đại và sẵn sàng quên mình để giúp đỡ người khác. Họ tự do với bạc tiền danh lợi, nên có thể tin vào con người và sẵn sàng yêu thương phục vụ hơn.

Hãy coi chừng

Chúa Yêsu nói với mọi người: “hãy coi chừng” những ông kinh sư, họ thích mặc áo thụng xúng xính khác người, thích được chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất, nhưng lại “nuốt” hết tài sản của các bà góa, lại còn giả bộ đọc kinh lâu giờ.

Không phải chỉ những ông kinh sư thời Đức Yêsu thích rồi làm như vậy, mà con người ngày nay cũng vậy nữa: cũng tham của người, ham danh hám lợi, và hay giả bộ “đạo đức”. Nếu đạo đức thật, mà người ta thấy thì cũng tốt vì làm gương sáng; còn nếu không đạo đức mà lại làm như thể đạo đức, là giả hình. Hãy coi chừng.

Nếu ai thích khen, người đó có thể bị điều khiển bằng lời khen; nếu ai tham của, người đó có thể bị mua chuộc bằng tiền của. Người đó đang bị nô lệ, bị sai khiến bởi tiền bạc danh vọng chức quyền. Người đó tưởng họ đang tự do, nhưng thực sự họ đang nô lệ và bị điều khiển mà họ không biết. Hãy coi chừng.

Nếu bạn không nô lệ những điều đó, thì hạnh phúc biết bao!

Người nghèo quảng đại

Tiên tri Elia trên đường lánh nạn đã được Chúa truyền đến sống nhờ một bà goá nghèo. Cũng có thể nói bà goá nghèo và con bà sống nhờ tiên tri, vì chính nhờ tiên tri mà hũ bột không cạn và hũ dầu không vơi. Đúng hơn Thiên Chúa thương cả tiên tri lẫn bà goá nghèo nên đã nuôi sống tất cả.

Bà goá chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu, lượm củi làm cái bánh cuối cùng để “ăn rồi chết”, thế mà bà vẫn tin lời tiên tri, làm cho ông một cái bánh trước khi làm cho con bà và chính bà. Cách hành xử của bà goá này rất đẹp. Tôi có đơn sơ tin người và sẵn sàng giúp người như bà goá nghèo này không? Thiên Chúa qúa tuyệt.

Bà goá trong Tin Mừng được Đức Yêsu khen là quảng đại, dám dâng cúng tất cả những gì mình có. Có người nói rằng: “vì bà goá chỉ có mấy xu nên dễ dàng để dâng cúng tất cả, còn nếu bà goá này thật giầu thì chắc bà chẳng dám bỏ tất cả đâu”! Cũng có thể như vậy, nhưng “những người quảng đại” thường nghèo; có lẽ họ “hay cho” nên mới không giầu. Bà goá đó không giầu được vì bà luôn cho tất cả, dù khi bà có hai xu hay có nhiều hơn hai xu, có lẽ chưa khi nào bà giữ cho mình được mười đồng vì bà vẫn cho những gì bà có. Thiên Chúa cũng cho con người tất cả, ngay cả điều qúy nhất là Chúa Con và Thánh Thần.

Những người “ham tiền” thường ky cóp và không bỏ ra ngay cả một xu!

Người nghèo dễ tự do để chọn theo Thiên Chúa hơn

Có mấy người hiểu được hạnh phúc của người nghèo? Có mấy người hiểu được người nghèo tự do đến mức nào? Trong cuộc sống, bao nhiêu quyết định bị chi phối bởi sợ người này hay không dám làm mất lòng người kia, sợ người khác hiểu lầm mình, sợ người khác không còn đánh giá mình cao nữa, sợ người khác biết sự thật về mình. Vì sợ nên không được tự do.

Xin Chúa cho con nghèo, để con không còn gì để phải sợ, để con chỉ còn biết sống theo Chúa theo sự thật, để chỉ bị tình yêu thương chi phối mà thôi.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Xin bạn kể nỗi sướng điều khổ của người giầu?
  2. Xin bạn liệt kê điều cực và cái hay của người nghèo?
  3. Bạn thường bị nô lệ bởi điều gì nhất khi quyết định? Làm sao để quyết định tự do?

6. Tấm lòng người nghèo – Cố Lm. Hồng Phúc

Phụng vụ hôm nay đề cập đến hạng người mà dư luận thương hại hay coi thường là các bà góa. Họ là những người giữa đường đứt gánh, một mình gánh vác giang sơn nhà chồng. Nhưng trong Giáo hội tiên khởi, họ được cộng đoàn săn sóc, có chỗ đứng (1Tm. 5, 9-16) và là những người nhân đức được trọng vọng.

Trong Cựu ước cũng có nhiều đoạn kêu gọi sự chú ý săn sóc đến người cô nhi góa phụ. Họ là hạng người nghèo khó hơn cả. Nhưng các bài đọc hôm nay nhắc đến họ dưới một phương diện khác: Họ là những người đạo đức, có đức tin, biết hy sinh cả những điều cần thiết và trở nên những người mẫu. Bà góa ở Sarepta (giữa Tyr và Sidon) là một gương sáng đức tin, biết đặt tất cả trông cậy vào Chúa và được Chúa thưởng công.

Bài Phúc Âm nói về đồng tiền của một bà góa dâng cúng. Nhưng cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh khác, là sự chú ý của Chúa đến những sự kiện xảy ra xung quanh. Ngài đang ở trên sân đình đền thờ, ngồi trên cấp thang hình bán nguyệt dẫn vào sân nam giới và đưa mắt nhìn về phía trái, nơi có đặt 13 hòm cúng. Ngài chú ý đến bộ điệu khiêm tốn của một bà góa nghèo khổ, đến cả số tiền hèn mọn của bà dâng cúng: hai đồng tiền (một 1/4 xu). Ngài nhìn thấy nhất là tấm lòng của Bà. Nhưng không chú trọng đến cái vỏ bên ngoài mà đi thẳng vào thâm tâm. Người Pharisêu đọc kinh rào rào cho mọi người chú ý, người Biệt phải bỏ tiền lẻng kẻng vào hòm cúng cho mọi người nghe thấy. Ngài không lưu tâm đến những hạng ấy, nhưng Ngài khen ngợi bà góa khiêm tốn đang lẩn vào giữa đám đông.

Chúa liền gọi các môn đệ và bảo: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ tiền vào hòm cúng nhiều hơn cả!” Chúa không nói về phương diện số tiền dâng cúng, mà thật ra cũng cần phải có một số lượng khá để lo việc phụng tự. Nhưng Chúa chú trọng đến tấm lòng của bà. Trong khi các người khác cho một phần của cải dư thừa thì “Bà cho cả những gì bà cần để nuôi sống.” Tình yêu không tính toán, tình yêu không mức độ. Bà ra đi, vui mừng hớn hở vì đã làm được một việc lành.

Câu chuyện bà góa gợi cho chúng ta vài suy niệm sau đây:

Một là các việc tầm thường có một giá trị phi thường, nếu chúng ta biết làm vì yêu mến Chúa. Đời chúng ta phần lớn gồm những việc nhỏ mọn, chúng ta phải biết thánh hoá, biết làm cách khác thường, làm vì yêu mến. Bà Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu ở Lisieux là một gương mẫu. Bà đã tìm ra một con đường nên thánh mà Đức Gioan-Phaolô II gọi là “Con đường dựa trên thực tại Phúc Âm”; “Con đường nên thánh của thời đại” (Piô XI). Con đường thơ ấu ấy gồm trong hai yếu tố căn bản: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình và hoàn toàn trông cậy phó thác; làm mọi việc bé nhỏ, chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.

Hai là việc bà góa bỏ ít tiền vào đền thờ, chúng ta đi lễ cũng bỏ ít nhiều giúp vào công việc nhà Chúa. Trong Cựu ước, Chúa dạy các chị họ Israel phải để ra thập phân để lo việc phụng tự (Lv. 27, 30-32). Trong Tân ước, Thánh Phaolô nói: Người lo việc Chúa có quyền sống nhờ bàn thờ. Tuy Giáo hội từ đầu đã bãi bỏ tục lệ thập phân, nhưng giáo dân đi dự lễ thường mang theo của lễ vật chất: có Thầy Phó tế để lo việc phân phát chia sẻ. Khi số người quá đông, tục lệ biến thành dâng cúng ít tiền. Giáo hội là một tổ chức hữu hình, cần có nơi thờ phượng, đồ thờ và người trách nhiệm.

Của dâng cho Chúa là “của đầu tư thiêng liêng”. Văn hào Louis Veuillot khi chết, có để lại một bao thơ dầy cộm với mấy giòng chữ ghi: “Tiền nhịn hút thuốc trong các mùa Chay để giúp các người nghèo” – “kho tàng của Giáo hội” (Thánh Laurenrô Phó tế).