Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 2016

 

“Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2:11). Những lời này của Thánh Tông Đồ Phaolô cho thấy mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, ân sủng của Ngài là nhưng không; tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Hài Nhi được ban cho chúng ta.

Đó là một đêm của vinh quang, vinh quang được công bố bởi các thiên thần ở Bêlem và cũng được công bố bởi chúng ta ngày nay trên khắp cùng bờ cõi trái đất. Đó là một đêm của niềm vui, vì từ ngày này trở đi, cho đến mọi thời đại, Thiên Chúa vô hạn và vĩnh cửu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không xa tít tắt, chúng ta không cần phải tìm kiếm Người ở trên trời hoặc trong các khái niệm thần bí; Ngài gần ngay đây, Ngài hóa thành phàm nhân và sẽ không bao giờ tách mình khỏi nhân loại chúng ta, mà Ngài đã chọn làm dân riêng của mình. Đó là một đêm của ánh sáng: là ánh sáng đã được tiên báo bởi tiên tri Isaia (9: 1), ánh sáng soi lối cho những ai bước đi trong bóng tối, ánh sáng đã xuất hiện và bao bọc các mục đồng tại Bêlem (Lc 2: 9).

Các mục đồng khi thấy “một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5) thì họ hiểu ngay rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả các ánh sáng này đều hội tụ đến một điểm duy nhất, mà thiên thần đã chỉ cho họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12). Đây là dấu chỉ lâu dài để tìm Chúa Giêsu. Không chỉ lúc đó thôi, nhưng ngày hôm nay cũng thế. Nếu chúng ta muốn cử hành lễ Giáng Sinh đích thực, chúng ta cần phải suy ngẫm dấu chỉ này: đó là sự đơn sơ mỏng manh của một hài nhi mới sinh, sự khiêm hạ nơi Ngài nằm, sự dịu dàng mềm mại của tã lót. Thiên Chúa ở nơi đó.

Với dấu chỉ này, Tin Mừng tiết lộ một nghịch lý: Tin Mừng đề cập đến các hoàng đế, các nhà cai trị hùng mạnh vào thời ấy, nhưng Thiên Chúa không có mặt tại những nơi như thế; Ngài không ngự đến trong những phòng khánh tiết của một cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo khó của một chuồng gia súc; không phô trương rầm rộ, nhưng trong sự đơn giản của cuộc sống; không quyền hành, nhưng trong một sự nhỏ bé đáng ngạc nhiên. Để khám phá ra Ngài, chúng ta cần phải đi đến đó, nơi Ngài đang hiện diện: chúng ta cần phải cúi đầu xuống, hạ mình, khiêm hạ. Hài Nhi mới sinh thách thức chúng ta: Ngài kêu gọi chúng ta bỏ lại sau lưng những ảo tưởng thoáng qua và đến với những gì là bản chất, từ bỏ những yêu cầu vô độ của chúng ta, những bất mãn bất tận của chúng ta và nỗi buồn vì một cái gì đó chúng ta không bao giờ đạt được. Hài Nhi sẽ giúp chúng ta để lại sau lưng những điều này ngõ hầu có thể tái khám phá bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống nơi sự đơn sơ của Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy để Hài Nhi nằm trong máng cỏ thách thức chúng ta, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị thách đố bởi những đứa trẻ trong thế giới ngày nay, những đứa bé không nằm trong cũi và được vuốt ve với tình cảm trìu mến của một người mẹ và người cha, nhưng thay vào đó phải sống trong “những máng cỏ bẩn thỉu tước mất đi nhân phẩm”: trốn tránh dưới lòng đất để tránh đạn bom bắn phá, hay trên vỉa hè của một thành phố lớn, hoặc dưới tầng hầm của một con thuyền quá tải chất đầy những người nhập cư. Chúng ta hãy để cho mình được thử thách bởi những đứa trẻ không được phép sinh ra, bởi những đứa trẻ đang kêu khóc vì không ai làm thoả cơn đói của chúng, bởi những đứa trẻ không cầm đồ chơi trong tay, mà là cầm vũ khí.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, là ánh sáng và niềm vui, đang chất vấn và làm chúng ta bất an, bởi vì mầu nhiệm này vừa là một niềm hy vọng và vừa là một nỗi buồn. Mầu nhiệm Giáng Sinh mang trong chính mình hương vị của một nỗi buồn, vì tình yêu không được tiếp nhận, và cuộc sống bị gạt bỏ. Điều này xảy ra với Thánh Giuse và Mẹ Maria, là những người đã thấy những cánh cửa đóng lại, và phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (c. 7). Chúa Giêsu được sinh ra trong sự khước từ của một số người và sự thờ ơ của nhiều người khác. Hôm nay sự thờ ơ ấy cũng có thể vẫn tồn tại, khi Giáng Sinh trở thành một bữa tiệc trong đó nhân vật chính là chính chúng ta đây, chứ không phải là Chúa Giêsu; khi những ánh đèn thương mại đẩy lùi ánh sáng của Thiên Chúa vào trong bóng tối; khi chúng ta lo lắng về những quà tặng nhưng lạnh lùng với những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh về cơ bản có một hương vị của niềm hy vọng vì, bất chấp những khía cạnh đen tối trong cuộc sống, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn rực sáng. Ánh sáng dịu dàng của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng đã yêu chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Người trong sự dịu dàng của Ngài, Đấng đã được hạ sinh trong khó nghèo và mong manh như một phàm nhân giữa chúng ta. Ngài được sinh hạ tại Bêlem, có nghĩa là “nhà bánh”. Bằng cách này, Chúa dường như muốn nói với chúng ta rằng Ngài được sinh ra để nên như bánh mì cho chúng ta; Ngài đến để trao ban sự sống của chính Ngài cho chúng ta; Người đến với thế giới của chúng ta để trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài. Người không đến để tước đoạt hay để ra lệnh cho chúng ta nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Như vậy có một sợi chỉ trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi mà Chúa Giêsu sẽ trở thành bánh được bẻ ra: đó là một sợi chỉ trực tiếp của tình yêu được trao ban cho chúng ta và cứu độ chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc sống của chúng ta, và sự bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng nắm được điều này trong đêm nay. Họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vào thời ấy. Nhưng không ai bị gạt ra trước mặt Thiên Chúa và chính họ là những người đã được mời đến mầu nhiệm Giáng Sinh. Những người cảm thấy chắc chắn về bản thân mình, tự mãn, thì đang ở nhà với tài sản của họ; trong khi các mục đồng “vội vã lên đường” (Lc 2:16). Tối nay, chúng ta hãy để cho mình bị thử thách và triệu tập bởi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để mình đến với Người trong niềm phó thác, từ nơi chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, từ những hạn chế của chính chúng ta. Hãy chạm vào sự dịu dàng cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa, Đấng đang lôi kéo chúng ta đến gần Ngài, chúng ta hãy dừng lại để ngắm nhìn hang đá, và tưởng tượng ra Chúa Giêsu giáng trần thế nào: ánh sáng, hòa bình, sự nghèo đói cùng cực đi kèm với sự khước từ của con người.

Hãy để chúng ta hoà nhập vào khung cảnh Giáng Sinh thực sự với các mục đồng, mang đến với Chúa tất cả những gì chúng ta là, cả sự tha hóa của chúng ta, và những vết thương khó lành của chúng ta. Sau đó, trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được thưởng thức hương vị của tinh thần Giáng Sinh thực sự: vẻ đẹp khi được yêu bởi Thiên Chúa. Với Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu mới được sinh ra như bánh mì cho cuộc sống của tôi. Khi chiêm ngưỡng tình yêu khiêm hạ và vô tận của Người, chúng ta hãy nói với Người: cảm ơn Chúa, cảm ơn Chúa vì tất cả những điều Chúa đã làm cho con.

 

Vietcatholic

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *