“Chúng tôi thú nhận rằng các giám mục, phó tế và tu sĩ trong Giáo Hội đã gây ra bạo lực với trẻ em và thanh thiếu niên, chúng tôi đã che chở cho những tội lỗi, chúng tôi đã không thừa nhận sự đau khổ của nhiều nạn nhân, và các giám mục chúng tôi đã không sống đúng theo trách nhiệm của mình”.
Lời xưng thú tội lỗi tập thể đã được Đức Thánh Cha Phanxicô và gần hai trăm Hồng Y, Giám mục và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác đưa ra trong Phụng Vụ Sám Hối. Đây có lẽ là phần cảm động nhất tại Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội.

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con, Kyrie eleison. Xin Chúa thương xót chúng con.”

Phụng Vụ Sám Hối đã diễn ra lúc 5:30 chiều thứ Bẩy 23 tháng Hai tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican, nơi thường diễn ra các cuộc rước long trọng vào nhà nguyện Sistina, chẳng hạn như cuộc rước của các Hồng Y trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng.

Buổi Phụng Vụ được bắt đầu với một bài thánh ca thống hối. Sau đó, các vị cùng hát thánh vịnh sám hối, trước khi nghe bài Tin Mừng theo thánh Luca, về Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng.

Sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Philip Naameh của tổng giáo phận Tamale, Ghana, đã trình bày bài giảng của ngài trong một bầu khí trầm buồn.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đều biết rõ câu chuyện Đứa Con Hoang Đàng trong Phúc Âm. Chúng ta thường kể lại câu chuyện này, và thường giảng thuyết về câu chuyện đó. Trong các cộng đoàn của chúng ta, nó được dùng một cách đương nhiên để đề cập đến những người tội lỗi và khuyến khích họ ăn năn. Có lẽ chúng ta đã làm điều này quá thường xuyên đến nỗi chúng ta quên mất đi một điều quan trọng. Đó là chúng ta dễ dàng quên áp dụng câu chuyện Phúc Âm này cho chính mình, để thấy chính mình như hiện nay cũng là những đứa con hoang đàng.

Giống như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm, chúng ta cũng đã đòi quyền thừa kế của mình, đòi được rồi, và bây giờ chúng ta đang bận rộn hoang phí nó. Cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay là một biểu hiện của điều này. Chúa đã giao phó cho chúng ta việc chăm sóc thiện ích các linh hồn, Ngài tin tưởng rằng chúng ta sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, loan báo Tin mừng và giúp thiết lập Nước Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đang làm gì? Chúng ta có thực thi công lý được giao phó cho chúng ta không? Chúng ta không thể trả lời câu hỏi này với một sự khẳng định chân thành, không có chút nghi ngờ nào. Quá thường xuyên, chúng ta đã giữ im lặng, nhìn về hướng khác, tránh các xung đột – chúng ta đã quá tự mãn khi đối diện với chính mình, và với những mặt tối tăm của Giáo Hội. Do đó, chúng ta đã đánh mất đi niềm tin được trao phó cho chúng ta – đặc biệt trong các lãnh vực liên quan đến lạm dụng trong phạm vi trách nhiệm của Giáo Hội, mà chủ yếu là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta không dành cho mọi người sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng, đã phá hủy hy vọng; và con người đã bị xâm phạm nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Người con hoang đàng trong Tin Mừng mất tất cả – không chỉ là gia tài, mà còn là địa vị xã hội, thế giá, và danh tiếng của mình. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu chúng ta chịu cùng một số phận tương tự, nếu mọi người nói xấu chúng ta, nếu có sự ngờ vực đối với chúng ta, nếu có ai đó đe dọa sẽ rút lại những hỗ trợ vật chất dành cho chúng ta. Chúng ta không nên phàn nàn về điều này, mà thay vào đó hãy tự hỏi chúng ta nên làm gì khác đi. Không ai có thể tự miễn trừ cho mình, không ai có thể nói: nhưng cá nhân tôi không làm gì sai cả. Chúng ta là huynh đệ với nhau, chúng ta chịu trách nhiệm không chỉ cho bản thân mình mà còn cho mọi thành viên khác trong tình huynh đệ của chúng ta, và cho một tình huynh đệ phổ quát.

Chúng ta phải làm khác đi những điều gì, và chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Chúng ta hãy nhìn lại đứa con hoang đàng trong Tin Mừng. Đối với anh ta, tình hình bắt đầu trở nên tốt hơn khi anh ta quyết định trở nên rất khiêm tốn, thực hiện các công việc rất đơn giản và không yêu cầu bất kỳ đặc quyền nào. Tình hình của anh thay đổi khi anh nhận ra mình và thừa nhận đã phạm sai lầm, thú nhận điều này với cha mình, nói chuyện cởi mở về điều đó và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Nhờ đó, người cha trải nghiệm được niềm vui lớn trước sự trở lại của đứa con hoang đàng và tạo điều kiện cho anh em cùng chấp nhận lẫn nhau.

Chúng ta cũng có thể làm như thế không? Chúng ta có sẵn sàng làm như vậy không? Cuộc họp hiện tại sẽ đưa ra điều này, phải đưa ra điều này, nếu chúng ta muốn chứng tỏ rằng chúng ta là những con cái xứng đáng của Chúa, là Cha Trên Trời của chúng ta. Như chúng ta đã nghe và thảo luận hôm nay và hai ngày trước, điều này bao gồm việc chịu trách nhiệm, thể hiện trách nhiệm và thiết lập tính minh bạch.

Có một con đường dài trước mặt chúng ta, để thực sự thực hiện tất cả những điều này một cách bền vững trong một cách thế thích hợp. Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đa dạng và đạt đến những tốc độ khác nhau. Cuộc họp hiện tại chỉ là một trong nhiều bước. Chúng ta không nên tin rằng chỉ vì chúng ta đã bắt đầu thay đổi một cái gì đó cùng nhau, thì mọi khó khăn đã được loại bỏ. Như trong trường hợp người con trai trở về nhà trong bài Tin Mừng, mọi thứ vẫn chưa hoàn thành – ít nhất, anh ta vẫn phải chinh phục được niềm tin của người anh trai mình một lần nữa. Chúng ta cũng nên làm như vậy: hãy chinh phục niềm tin của anh chị em của chúng ta trong các hội đoàn và cộng đồng, khôi phục lại sự tin tưởng của họ, và thiết lập lại ý muốn sẵn sàng hợp tác với chúng ta, để góp phần thiết lập Nước Thiên Chúa.”

Sau bài giảng, các tham dự viên một lần nữa đã nghe chứng từ của một nạn nhân bị lạm dụng, là người đã nói về những vết thương kéo dài suốt đời gây ra bởi sự lạm dụng: sự sỉ nhục, sự hoang mang, mong muốn trốn thoát – thậm chí là trốn thoát chính mình. “Điều làm tổn thương nhiều nhất là không ai hiểu bạn. Điều đó đeo bám bạn đến hết cuộc đời.” Tuy nhiên, ở cuối chứng từ, người ấy đã nói về hy vọng “Bây giờ tôi đã xoay sở để đối phó với điều này tốt hơn. Tôi cố gắng tập trung vào quyền được sống mà Chúa ban cho tôi. Tôi có thể và tôi được có mặt ở đây. Điều này cho tôi sự can đảm.”


Source:Catholic Herald

J.B. Đặng Minh An dịch