Bài hát và Suy niệm (10.07.2022 – Chúa Nhật XV Thường Niên năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe Giảng lễ

Năm 2022:

NL: CHÚA DẪN CON

ĐC: ĐƯỢC HỒI SINH

HALL: Lạy Chúa, lời Chúa là Thần khí và là sự sống. Chúa có lời ban sự sống đời đời.

DL: ĐÔI TAY NÀY

HL: YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI

KL: LỄ XONG RỒI

Năm 2019:

Lời Chúa: Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10, 25-37

Bài đọc 1: Đnl 30,10-14

Bài trích sách Đệ nhị luật.

 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.

 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em.  Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’  Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’  Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”

Bài đọc 2: Cl 1,15-20

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10, 25-37)

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Luật yêu thương (10.07.2022)

Tuần này chúng ta được Chúa Thánh Thần dạy về giới luật và giới luật sống yêu thương. Các con nên biết, bối cảnh đời sống xã hội thời bấy giờ còn khá man di (thời Thiên Chúa ban mười giới răn cho dân Ít-ra-en trên núi Xi-nai). Chính vì vậy, trong bầu khí đức tin thời Cựu Ước cổ xưa ấy, lề luật Chúa ban thuận theo tự nhiên cho phù hợp phần nào với tâm thức dân chúng. Nên Lề Luật Mô-sê dạy còn giới hạn trong tính công bằng “mắt đền mắt, răng thế răng”, lẽ công bằng trở thành kim chỉ nam chủ đạo trong cuộc sống. Hầu chỉnh đốn lại quy luật “mạnh được, yếu thua” “cá lớn nuốt cá bé”, mà người đương thời vẫn áp dụng cho nhau theo quy luật tự nhiên: “tự sinh tự diệt” của thú vật trước mắt. Bởi thế, nếu không có lề luật Chúa ban cho trong thời kỳ ấy, cuộc sống man di của nhân loại nói chung và dân Ít-ra-en nói riêng, sẽ đẩy dân chúng trở thành man rợ, độc ác đến biến thành quỷ tính hết cả. Sau một thời gian dài dân Ít-ra-en sống với luật công bằng thời xa xưa ấy, họ quen với não trạng này. Đây cũng chính là tinh thần của bài đọc một, Chúa muốn cho chúng ta lãnh hội qua sách Đệ Nhị Luật. Để nhận ra giá trị vốn có của Lề Luật thuở xưa và thời nay:

– Lề luật Cựu Ước làm cho dân Ít-ra-en và nhân loại sống xứng đáng với phẩm vị con người.

– Lề Luật Tân Ước làm cho người tín hữu Ki-tô và nhân loại sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa cách minh nhiên hay mặc nhiên.

Bởi đó, khi xã hội nhân loại cách chung đã không còn lạc hậu như xưa, Thiên Chúa thấy cần cho nhân loại tiến một bước nữa để hướng về sự sống đời đời. Khi đó, dân tộc Ít-ra-en là Dân đã được tuyển chọn, được Chúa Giê-su khai mở cho biết về giao ước mới trước tiên, hầu đón nhận Lề Luật được chính Đấng Cứu Độ kiện toàn: kính Chúa trên hết mọi sự và sống yêu thương, tha thứ để được hưởng ơn cứu độ.

Vì thế, bài đọc hai cho thấy vị thế của Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Và khẳng định Người là Đấng tác tạo nên muôn loài ở trong Người. Đồng thời Chúa Giê-su Ki-tô – Con Thiên Chúa, cũng là Trưởng Tử của nhân loại đã đến thế gian. Người đến nhân gian kiện toàn Lề Luật đã từng ban cho dân Ít-ra-en, mở đường cho nhân loại tiến tới đời sống sủng ân ơn cứu độ. Bằng việc Người thực hiện chương trình cứu độ: trải qua cuộc khổ nạn rồi thành lập Hội Thánh. Trước khi lên trời, nơi Người vốn hiển ngự, giao cho Hội Thánh sứ mạng rao giảng và rửa tội cho muôn dân, bảo vệ giáo lý tông truyền và làm sống động đời sống sủng ân cứu chuộc. Cho nhân loại thấy sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô nơi Hội Thánh, như chính Người đã phán truyền và đoan hứa “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20)

Bài Phúc Âm trình bày cho chúng ta lời giải đáp cho vấn nạn nhân gian “Con người sống ở thế gian để làm gì?” qua câu hỏi của một người thông luật “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Quả thật, nếu không có Chúa Ngôi Hai nhập thể và nhập thế làm Chúa Giê-su Ki-tô chịu khổ nạn: tức vừa là người vừa là Chúa để ban ơn cứu độ. Thế gian sẽ không có câu trả lời đích thực cho vấn nạn này. Con người hoàn toàn bế tắc trước ngưỡng cửa sự chết, mù mịt tương lai về số phận đời đời.

Rồi, sau khi mở đầu gợi ra ý nghĩa trên, bài Phúc Âm cho chúng ta chiêm ngưỡng sâu rộng hơn về Con Người sống yêu thương và dạy sống yêu thương. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu đưa dân Ít-ra-en và chúng ta vào thế giới của tình yêu và lòng quảng đại, hiểu biết và sống để thông hiệp vào bản tính tình yêu của Thiên Chúa. Nghĩa là yêu và hy sinh tất cả cho người mình yêu.

Nhưng ai là người thân cận của tôi?” câu Kinh này, trước hết, khiến chúng ta tự hỏi “Chúa Giê-su – Đấng cứu độ tôi, có phải là người rất thân cận của tôi không?” Nếu tôi tin Người thực sự là Chúa, là Cha của tôi, vậy trước cuộc khổ nạn của Người tôi có muốn làm gì để cùng chia sẻ, gánh vác, an ủi Người không?

Đối mặt với câu trả lời, chúng ta sẽ nghe thấy tận cõi lòng mình vọng lên câu nói như một ai đó đã từng thốt lên trong thổn thức nguyện cầu “Lạy Chúa! Nếu Chúa cho con được sống, thì hãy cho con được sống để an ủi Chúa Giê-su Ki-tô Chúa con! Còn nếu con sống mà không thể chia sớt thập giá của Người, hay để an ủi Người, thì xin hãy cất sự sống của con đi!” Khi mặc được tâm tình này, các con sẽ có sức mạnh phi thường để sống yêu thương cho dù có phải thiệt thân. Từ tình yêu kính Chúa trên cả tuyệt vời ba vừa chia sẻ, sẽ sản sinh nhiệt lực thần khí giúp các con can trường tận hiến cho tình yêu. Từ đó, sẽ giúp các con rất dễ bỏ đi tự ái và lòng cao ngạo ẩn kín trong các con. Thay vì xấu hổ hoặc cảm thấy bị tổn thương vì chịu sỉ nhục, nghèo khó hay bị khinh dể đẩy đến tận cùng lề xã hội. Các con vẫn sẽ ngẩng đầu hiên ngang sống như các thánh Tông Đồ “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5,41b). Khi đó, cuộc sống yêu thương cho các con niềm hạnh phúc chứa chan hơn cả lòng mong ước “Nếu các con hiểu được điều ấy, hiểu được rằng Ta đang ở trong các con thì các con hãy yêu đi để mà được yêu. “Không gì hạnh phúc bằng yêu và được yêu”. Ta đang ở giữa các con để yêu thương các con, thì các con hãy yêu Ta đi qua hình ảnh và cuộc sống các con đây. Khi các con nhìn thấy Ta qua anh em các con là các con đang được yêu Ta đấy. Và khi ấy đối với các con sẽ hạnh phúc vô ngần, vì đã tìm thấy tình yêu ở Ta và đang được hưởng tình yêu và hạnh phúc ngay ở nơi Ta.” (Tình Khúc Can-vê. Lời Tình Can-vê)

Các con ơi! Hãy tĩnh lặng tâm hồn, lắng nghe những lời tâm sự Cha Giê-su nói với tất cả chúng ta

Trong linh hồn con Cha đã in vết máu hai ngàn năm. Trước mắt con, con đã thấy Nụ Hoa Tình từ thuở nguyên sơ nở ra thắm đỏ màu máu tim con. Bài ca Can-vê còn đó, sao con hát lại mà không thấy nghẹn ngào! Ôi, con yêu của Cha! Linh hồn Cha run rẩy khi nhắc tới bài ca ấy. Từng tiếng, từng lời, từng âm thanh cao vút đưa Cha tới chỗ thống khổ vô bờ. Ôi! Điệp khúc não nùng quá! Lúc đó Tim Cha chưa bị đâm thâu, nhưng cơ hồ đã vỡ nát. Vì Cha thấy Mẹ Cha, Mẹ các con ngất lịm vì đau đớn của Cha. Tiếng đàn trầm xuống, lặng buồn mênh mông. Tối tăm ập tới cùng lúc với thân thể Cha trĩu nặng. Các sợi gân đã co cứng lại, giãn ra, máu tuôn xối xả. Ngay lúc ấy, trước mắt Cha hình bóng con chập chờn trong cõi hư vô. Cha cố gắng lấy chút sức tàn còn lại để gọi con, song Cha thấy con quay đi…Giọng ca ai réo rắt, thân thể Cha run lên, làm chiếc vương miện tình ái của Cha va vào thập tự. Hồn Cha như được gắn ở đầu mũi tên, bật vào không gian sâu thẳm trước mặt: “Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con!”

Thôi con, Cha van con đừng bao giờ hát lại bài ca ấy! Con sẽ giết chết Cha của con thêm lần nữa!

Ôi! Não nùng làm sao! Song cũng từ cành khô ấy đóa hồng nhung vội nở, hương tình thắm đỏ rơi xuống hạt bụi mong manh làm nó sống động và mang hình ảnh Cha.

Cha yêu con! Cha yêu con tha thiết, sao con nỡ ơ hờ với tình Cha!

Con là hoa cỏ may giữa nơi đồng vắng. Nào Ta có quản ngại tìm đến đưa con về nhà Cha Ta. Ta đã dùng tất cả tình yêu của Ta để ấp ủ con khỏi héo tàn. Cha đã dùng chính sắc hương Cha để mặc lấy cho con, dù sau đó Cha chỉ còn là một cánh hoa tả tơi, tan nát.” (Tình Khúc Can-vê. Tình Khúc Can-vê I)

Các con ơi! Các con đâu biết rằng, khi các con ghét bỏ, khinh miệt, xem thường, chống đối anh chị em vì họ không làm thỏa lòng mình. Là đang ghét bỏ, khinh miệt, xem thường, chống đối chính bản thân mình và ghét bỏ chống đối chính Chúa! Lòng kiêu ngạo luôn ẩn nấp trong sâu thẳm một con người nơi mỗi chúng ta cứ đẩy Chúa ra xa. Chỉ khi nào ta chịu buông bỏ lòng kiêu ngạo yêu bản thân mình xuống, chúng ta mới có khả năng để sống yêu thương cách cao thượng. Ý riêng, quan điểm riêng, sở thích riêng là mầm chồi của lòng kiêu ngạo; từ bỏ ý riêng, quan điểm riêng, sở thích riêng là bỏ đói, giết chết con quái thú kiêu ngạo trong ta. Cho Chúa có không gian trọn vẹn ngự ở lòng ta, nhờ đó ta mới có được tình yêu của Người để sống yêu thương được cả kẻ nghịch thù.

Chúc các con hạnh phúc trong Chúa.

Tình Yêu Hoa Cỏ

1. Chữa tận căn

2. Tội thờ ơ

3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

4. Yêu rồi làm – Thiên Phúc

5. Yêu thương là quan tâm

6. Thực thi lòng thương xót – Lm. Anmai

7. Luật yêu thương – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

8. Yêu  người  thân  cận

1. Chữa tận căn

Có một câu chuyện tưởng tượng, tiếp nối dụ ngôn người Samaria nhân hậu, đại khái như sau: Sau khi đã tận tình cứu giúp nạn nhân bị bọn cướp đánh và bỏ rơi, người Samaria này lại có dịp đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Lần thứ hai này, ông cũng gặp một nạn nhân khác và như lần đầu, ông cũng lại ra tay cứu giúp. Và rồi tiếp theo trong những lần có dịp đi qua con đưởng đó, ông đều gặp nạn nhân và đều cứu giúp, cho đến một ngày kia là lần thứ 2222, khi đến chỗ thường xảy ra những vụ cướp bóc, ông cũng lại gặp một nạn nhân. Như thường lệ, ông xuống lừa, băng bó vết thương. Xong xuôi đâu đó, ông đặt nạn nhân lên lưng lừa. Với thời gian, con lừa của ông dường như cũng quen đường cũ, đem nạn nhân đến quán trọ. Nhưng lần này ông chủ quán chỉ thấy nạn nhân nằm trên lưng con lừa cũ mà không thấy người Samaria đâu. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông chủ quán vẫn tiếp tục chăm sóc nạn nhân như thường lệ. Điều mà ông chủ quán không ngờ mãi đến lần 2222 người Samaria mới có sáng kiến giúp các nạn nhân đến nơi đến chốn. Để giải quyết tận gốc rễ, ông đã tìm đến sào huyệt của bọn cướp với hy vọng thuyết phục họ, hoặc nếu được thì giúp đỡ để họ có thể trở về sống một cuộc đời lương thiện, từ bỏ những hành động trộm cướp và giết người.

Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã gặp phải những người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật. Có thể là chúng ta đã đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ như thầy tư tế và lêvi. Có thể là chúng ta cũng đã giúp đỡ họ một cách đại khái cho qua lần đoạn lượt bằng một lời chào, bằng một nụ cười, bằng một sự an ủi khích lệ hay bằng một vài ngàn đồng bạc làm phúc bố thí, nhưng có lẽ chưa một lần chúng ta dừng lại, suy nghĩ và tìm hiểu xem chúng ta phải làm những gì để chữa tận căn, để diệt tận gốc, hầu đem lại cho họ sự bình an và hạnh phúc đích thực.

Người Samaria đã lặn lội tìm vào tận hang ổ của bọn cướp, để xóa đi sự hiện diện của họ, vốn đã từng gieo rắc kinh hoàng và khổ đau cho nhiều người. Còn chúng ta thì sao?o:p>

Gặp một người nghèo túng, thay vì cho họ một số tiền nào đó, chúng ta có thể chỉ bảo cho họ một nghề nghiệp, nhờ đó mà họ sẽ tự túc tự cường, tự mình kến sống. Gặp một gia đình bất hòa, thay vì đưa ra những lời khuyên một cách chung chung, chúng ta có thể tìm hiểu đâu là nguyên nhân gây ra sự bất hòa đó, để rồi tìm cách xóa bỏ cái nguyên nhân ấy đi. Đây là một việc làm không mấy dễ dàng, thế nhưng, để sự giúp đỡ của chúng ta thự sự mang lại lợi ích cho người khác, liệu chúng ta có cùng với họ xóa bỏ tận gốc rễ nguyên nhân làm cho họ phải khổ đau hay không?

2. Tội thờ ơ

Tôi đã chứng kiến không chỉ một lần cảnh đám đông vây quanh một đánh đánh lộn bên đường phố. Có khi đó là hai thanh niên quyết ăn thua đủ với nhau. Có khi đó là một người đàn ông đánh đập tàn nhận một người đàn bà. Có khi đó là hai cô gái sừng sổ với nhau. Điều đáng nói là mọi người dường như có vẻ dửng dưng, như chứng kiến một cánh đấm đá trên màn ảnh? Phải chăng con người ngày nay đã xơ cứng trước nỗi thống khổ của kẻ khác?

Thực tế có lẽ không đến nỗi quá quắt như vậy. Người ta chỉ thờ ơ để khỏi mang vạ vào thân giữa một xã hội mạnh ai nấy sống. Tuy thế cũng thật đáng buồn và đáng suy nghĩ. Tôi chắc có nhiều người cũng như tôi, không hẳn là mình không muốn can ngăn những cuộc ẩn đả xảy ra ngoài đường phố hay trong khu xóm. Có điều cái thói thờ ơ, để khỏi bị liên luỵ và được yên lòng, đã chiếm lĩnh lối sống ích kỷ, cầu an cá nhân của mình. Sống với tâm trạng như thế, chúng ta đọc sao được câu chuyện người Samaria nhân hậu của Tin Mừng.

Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?

Tôi xin thưa chúng ta cũng phải trở nên là những người Samaria nhân lành của thời buổi hôm nay. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác. Chúng ta không chỉ lo toan cho cá nhân mà còn quan tâm tới hết mọi người chung quanh. Chúng ta không chỉ nghiêm túc trong giờ phụng vụ mà còn nghiêm túc trong mọi lãnh vực kinh doanh và sản xuất.

Trong xã hội, kẻ thờ ơ với tha nhân cũng nhiều, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?

3. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NHỚ MANG THEO TRÁI TIM

Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.

Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.

Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:

Đó phải là một trái tim nhạy bén.

Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.

Đó phải là một trái tim quan tâm.

Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.

Đó phải là một trái tim chung thuỷ.

Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.

Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?

2- Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?

3- Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?

4- Mang theo trái tim nghĩa là gì?

4. Yêu rồi làm – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:

– Thầy không biết yêu sao?

Vị ẩn sĩ trả lời:

– Chưa đến giờ đó thôi?

Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị

Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:

– Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!

Người thông luật trong bài Tin mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samaria tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samaria ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.

Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật: “Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp?” Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Chúa Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.

Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samaria nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”, làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: “Hãy đi và làm như vậy”. Pascal đã nói: “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương”.

Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.

Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.

Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?” Trái lại, người Samaria đã đảo ngược câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?” Người Samaria tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.

Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân.

Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.

Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.

Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.

Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen. 

5. Yêu thương là quan tâm

Trong một gia đình có người con đi học xa nhà, bất chợt ngày kia trở về trong gương mặt méo xẹo. Trông thấy đứa con với bộ dạng như thế, người mẹ biết ngay là con mình đang bị “viêm màng túi”. Mặc dù, đứa con có thể chưa mở miệng xin nhưng vì tình thương của người mẹ biểu lộ qua sự quan tâm. Với sự quan tâm ấy, bà biết con mình đang cần điều gì. Và cho dù thiếu hụt cách mấy bà cũng phải ráng để đáp ứng lại nhu cầu cần thiết của con mình.

Dụ ngôn mà Chúa Giêsu minh họa cho người thông luật trong đoạn Tin mừng hôm nay cho thấy thầy tư tế và thầy lêvi vì thiếu sự quan tâm nên đã bỏ người bị cướp nằm dở sống dở chết giữa đường. Ngược lại, người Samaria lại là người có sự quan tâm đến người bị nạn này. Anh ta đã hết tình hết mình với người bị nạn này: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” (Lc 10, 34-35)

Điều đáng nói ở đây là người Samaria này chắc chắn chưa bao giờ được học biết về giới răn kính Chúa yêu người. Thế nhưng, chỉ vì xuất phát từ tình người với nhau mà anh đã thực thi sự quan tâm đến người bị nạn thật tuyệt vời.

Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với người thông luật cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” ( Lc 10, 37b). Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy thực thi tinh thần của đức mến vượt trên tình người nữa. Bởi lẽ, đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài. Và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình. Vì thế, thực thi đức mến xuất phát từ lòng mến Chúa sẽ vừa có tình người và vừa sống đúng với giới răn của Chúa dạy.

Hằng ngày theo dõi trên các phương tiện truyền thông hay đi đây đi đó chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều mãnh đời rất đáng thương. Trong bệnh hoạn tật nguyền mà có khi phải gánh bao nhiêu là nặng nề của đời sống gia đình. Đang khi đó có nhiều buổi tiệc, nhiều cuộc chơi thâu đêm suốt sáng của bao nhiêu đại gia giàu có tốn tiền như nước. Nếu như những người này biết tiết kiệm chút đỉnh để giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương rthì thật là đáng tuyên dương. Mỗi người chúng ta mỗi khi tiêu xài hãy nhớ đừng quá phung phí. Đó cũng là cách mà chúng ta đang quan tâm đến những anh chị em đang sống xung quanh đang có hoàn cảnh khó khăn.

6. Thực thi lòng thương xót – Lm. Anmai.

Con người, chẳng hiểu tự bao giờ mà cái máu của ích kỷ, của ghen tương, của thù hận nó xen vào. Ai cũng biết ích kỷ, ghen tương, không biết cảm thương ấy là không tốt nhưng rồi cũng chẳng hiểu sao người ta cứ để cho cái nồng độ của ích kỷ, của ghen tương tăng lên dần dần trong đời sống thường ngày.

Đời sống con người có lúc này lúc khác, lúc sung túc và lúc ngặt nghèo. Lúc sung túc người ta cũng chia sẻ nhưng hình như không bằng lúc người ta ngặt nghèo. Cuộc sống người ta dù có nghèo đi chăng nữa những khi gặp những người khó khăn hơn thì họ dễ chia sẻ hơn là khi người ta giàu có.

Tâm lý thường thì người ta chia sẻ cho những người thân cận, đồng vai đồng vế, đồng hàng đồng xóm với họ chứ ít bao giờ họ nghĩ đến chia sẻ cho những người xa lạ. Đi xa hơn một chút nữa, để chia sẻ cho những người mà ta tạm gọi họ là người không đồng tình đồng ý hay là người đối nghịch với ta thì càng khó hơn nữa.

Vì tâm lý thường là như vậy nên khi người ta chia sẻ với những người thân thuộc, đồng vai đồng vế thì họ cũng tự nhủ rằng họ làm như thế là tốt lắm rồi nhưng Chúa Giêsu mời gọi con người đi một bước xa hơn cái bước bình thường đó là thương những người không cùng lập trường với mình, những người đối lập với mình. Lời mời gọi ấy thật sự là khó. Lời mời gọi ấy được Thánh Luca ghi lại qua câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể.

Chúa Giêsu là nhà giáo dục tài ba, Ngài hết sức tinh tế khi muốn dạy, muốn khuyên, muốn bảo những người nghe Ngài giảng dạy. Chuyện dụ ngôn là câu chuyện hết sức gần gụi và hết sức thực tế. Chuyện dụ ngôn không ám chỉ riêng tư một cá nhân, một tập thể nào cả nhưng chỉ nói chung chung. Với cách nói chung chung đó sẽ làm giảm đi phần nào đụng chạm, phần nào tự ái của người, của nhóm người được nói đến.

Dụ ngôn người Samaria nhân hậu này hết sức quen thuộc với mỗi người kitô hữu. Chúa Giêsu nói là một người kia chứ không nói người đó tên gì, nhà ở đâu. Người kia đó đi đường từ Giêrusalem xuống Giêricô đi công chuyện, đi đám cưới hay đi đám tiệc gì đó không rõ. Chuyện đáng tiếc là người này gặp cướp giữa đường. Chắc là đoạn đường Giêrusalem xuống Giêricô vắng vẻ lắm nên người khách mới ra nông nổi này. Giá như người này chết thì chẳng còn chuyện gì đển nói nhưng người này dở sống dở chết. Sống cũng chẳng ra sống mà chết cũng chẳng ra chết mới oan nghiệt. Giá mà chết thì khoẻ còn sống mà chẳng làm được gì, kêu cũng chẳng được mà la cũng chẳng xong.

Câu chuyện hết sức hấp dẫn ở cái chổ là có thầy tư tế đi ngang qua nhưng cũng bỏ đi luôn. Và rồi, đến một thầy Lêvi cũng đi ngang nhưng ông thầy này tiếp tục cái cảnh “nhắm mắt làm ngơ”. Hai ông thầy đi qua và rồi một người Samari cũng đi qua đó. Thế nhưng, điều hết sức kinh ngạc, hết sức tuyệt vời đó là người Samari này đã lấy rượu để rửa vết thương, năng bó vết thương. Khi bị tai nạn, được làm như thế quả là có phúc lắm rồi nhưng người này lại có phúc hơn nữa khi mà người Samari này còn cho lên lưng lừa và đem đến quán trọ. Không chỉ đưa đến quán trọ mà còn trao tiền cho chủ quán chăm sóc. Hơn điều mà mọi người nghĩ đó lại là còn hứa là sau khi đi công chuyện về ông sẽ thanh toán phần còn lại. Tuyệt vời, hết sức tuyệt vời nơi con người Samari này.

Câu chuyện đẹp không chỉ dừng ở chỗ này mà còn đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi người Samari và người Do Thái ngày xưa kình địch nhau, không đội trời chung với nhau. Nét đẹp của người Samari là họ đã vượt qua cái ranh giới hận thù, chia rẽ của lòng người để toả lòng thương cảm đến người bị tai nạn.

Câu chuyện này cũng đáng lưu ý nơi hình ảnh của hai ông thầy là thầy tư tế và thầy Lêvi. Hẳn ông ta có ăn, có học hơn cái người Samaria kia nhưng lòng của ông ta đã khép lại trước con người bị tai nạn. Chúa Giêsu không hề đề cập đến bằng cấp, địa vị, thân thế sự nghiệp của người Samari, Chúa Giêsu chỉ đề cập đến tấm lòng nhân hậu của người Samari dành cho người bị nạn mà là người đó lại là người ở phe đối lập của mình.

Hình ảnh của người Samaria nhân hậu hết sức dễ thương. Làm sao ông có thể làm được cái điều mà người đời khó làm này? Chắc có lẽ trong đời thường của ông, ông đã cảm nhận được tình thương từ ơn trên dành cho đời của ông nên ông đã làm như thế với anh chị em đồng loại và anh chị em đồng loại ấy không phân biệt là kẻ ghét người thương.

Đáng trách chăng đó là hai ông thầy. Hai ông thầy được ăn được học nhất là được hòng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Bài học về lòng thương xót ấy đã được mời gọi trong suốt dòng chảy của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa mời gọi con người giản đơn ở cái chuyện mến Chúa và yêu người. Mệnh lệnh Chúa gửi đến cho con người có như vậy thôi.

Mệnh lệnh đó, chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô nhắc qua thư của Ngài gửi tín hữu Côlôsê. Ngài mời gọi tín hữu Côlôsê cũng như mọi người chúng ta là khi chúng ta nghe tiếng Chúa thì chúng ta giữ những mệnh lệnh, những thánh chỉ của Ngài trong sách Luật. Ngài nhắc cho chúng ta mệnh lệnh ấy nó nằm trong lòng bàn tay của mọi người. Mệnh lệnh ấy gần và rất gần. Mệnh lệnh ấy ngay trong miệng, trong lòng của chúng ta và chúng ta hết sức dễ để đem ra thực hành.

Lời của Chúa Giêsu dạy trong dụ ngôn hết sức tế nhị. Chúa Giêsu không bắt người thông luật làm như mệnh lệnh của Chúa nhưng Chúa Giêsu mời gọi người thông luật thực thi điều mà chính ông đề ra: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Trang Tin mừng này kết thúc một cách bỏ ngõ. Thánh Luca không hề viết thêm cho độc giả rằng người thông luật đó đã làm gì, đã sống như thế nào sau khi nghe lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng đã mở ngõ cho nhà thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng mở ngõ cho mỗi người chúng ta. Chắc chắn khi nghe dụ ngôn ấy xong và sau khi nghe Chúa Giêsu chất vấn chúng ta cũng sẽ trả lời như nhà thông luật đó là thực thi lòng thương xót với người ấy. Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc sống, hình như chúng ta khiếm khuyết lòng thương xót anh chị em đồng loại. Lý do khiếm khuyết đó là vì chúng ta đã không lắng đọng tâm hồn, lắng đọng cõi lòng của chúng ta. Nếu chúng ta lắng đọng tâm hồn, chúng ta để cho lòng chúng ta lắng xuống chúng ta sẽ thấy được chúng ta hạnh phúc và Chúa thương chúng ta nhiều. Khi và chỉ khi chúng ta nhìn thấy tận căn lòng Chúa thương xót thì chúng ta mới có thể thương xót anh chị em đồng loại chúng ta được.

Chúng ta vẫn bị những rào cản của vật chất, của quyền lợi để rồi chúng ta không thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy xin với Chúa Giêsu ban cho chúng ta con mắt đức tin để chúng ta thấy lòng Chúa thương xót chúng ta để chúng ta có thể thương xót anh chị em đồng loại như lòng Chúa mong muốn.

7. Luật yêu thương – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Người ta kể rằng ngày kia Chúa Giêsu đóng vai bác hành khất đi ăn xin. Chiều đến, Ngài rảo qua các biệt thự xin trọ qua đêm. Kẻ thì bảo vào chuồng ngựa mà ngủ, kẻ nói xuống vựa lúa, kẻ khác bảo chui vào gầm cầu thang… Nhưng xem ra bác hành khất không muốn nhận những tấm lòng tốt đó. Bác ra xóm lao động xin ở trọ. Bác được lối xóm tiếp đãi tử tế và cho ăn, ngủ chung nhà. Sáng sớm hôm sau thức dậy, bác ta biến đâu mất nhưng gia chủ thấy một bức thơ để lại, trong có ghi câu: “Các con là bạn thân của Đức Kitô.” Sau này mấy kẻ nhà giàu nghe biết rất lấy làm hổ thẹn.

Đức ái là yêu thương. Bác ái không ghen tương đố kỵ. Thiên Chúa đã phú bẩm trong lương tâm con người để biết phân biệt lành dữ, xấu tốt. Lương tâm cần được hướng dẫn và chỉ bảo hướng về đàng lành. Giống như một cây non cần được uốn nắn để mọc thẳng lên. Xưa Thiên Chúa đã chọn một dân riêng và ban lề luật cùng các huấn lệnh để hướng dẫn họ đi trong đường lối của Thiên Chúa. Sách Đệ Nhị Luật được ghi chép những điều Thiên Chúa truyền dạy, lời các tiên tri và những lề luật cần thiết để sống theo đường lối Chúa: “Miễn là anh em nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Thiên Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ.” (Đnl 30,10). Lề Luật vừa hướng dẫn và vừa gìn giữ rào cản để mọi người khỏi rơi vào lầm lỗi. Sống theo mệnh lệnh và thánh chỉ của Chúa là sống theo Chúa.

Tất cả các lề luật đều quy về giới luật yêu thương. Luật yêu thương là căn cốt của tất cả cuộc sống. Sống để yêu và yêu để sống. Luật đó đã được in ghi sâu tận tâm can của mọi loài thụ tạo. Luật ở tại tâm: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (Đnl 30,14). Chúng ta không phải tìm kiếm đâu xa, tâm yêu thương ở sẵn trong lòng ta. Hạt giống yêu thương đã được Thiên Chúa gieo trong lòng mỗi người. Chúng ta có bổn phận tưới gội, chăm sóc và làm cho hạt giống sinh xôi nảy nở. Trái tim yêu thương cần mở rộng để cho đi và đón nhận. Yêu như dòng nước luôn chảy, có ra có vào và có lên có xuống. Tình yêu như dòng nước nếu bị đóng khung khép kín, tình yêu sẽ cô đơn, lẻ loi và giá lạnh.

Thánh Gioan đã tuyên xưng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu.” (1 Ga 4,8). Vì muốn chia sẻ tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng mọi kỳ công trong vũ trụ. Mọi vật và mọi loài được hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa. Dấu ấn tình yêu được lan tỏa khắp cùng vũ trụ. Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự theo thánh ý. Tình yêu có những cách thể hiện khác nhau giữa muôn loài. Cảm súc tình yêu được bày tỏ qua sự sống. Từ những loài có sự sống đơn sơ đến phức tạp đều được ngụp lặn trong biển tình của Thiên Chúa. Sống để yêu và được yêu. Kinh Thánh đã nói 686 lần về tình yêu ‘Love, loved, loving, loves, lover’, yêu Chúa và yêu người.

Truyện kể có một con chó, tên là Capitan, đã nằm ngồi bên mộ của chủ suốt quãng thời gian 6 năm. Ông Miguel Guzman đã nhận nuôi con chó như món quà cho đứa con trai trẻ vào năm 2005. Năm 2006 ông bất ngờ chết và đã được chôn cất tại nghĩa trang Villa Carlos Paz, trung tâm Argentina. Sau khi chôn táng ông xong, con chó Capitan đã ra khỏi nhà và tìm đến nghĩa trang nơi chôn cất ông. Con chó luẩn quẩn và quỳ bên mộ ông. Mỗi ngày, cứ đúng 6 giờ chiều, nó nằm xuống trên mộ suốt đêm trong vòng 6 năm trời. Chúng ta không thể hiếu thấu cái gì đã đang xảy ra trong tâm ở thế giới động vật. Tình cảm, tình yêu, cảm xúc hay một sự thần giao cách cảm nào đó.

Nhà Khoa học đã nghiên cứu 14 cặp khỉ Rhesus Macaque tại Trung Hoa. Đã học biết rằng con khỉ mẹ và các khỉ con cũng bày tỏ sự trìu mến yêu thương. Những con khỉ mẹ và khỉ con nhìn nhau với ánh mắt thân thương. Khỉ mẹ cúi xuống mơn trớn và hôn các khỉ con trên mặt, trên môi và khỉ con cũng hôn trả lại. Các con khỉ cùng chia sẻ thực phẩm và săn sóc nâng đỡ nhau giống như xã hội con người. Khỉ mẹ thường ôm con vào lòng và bảo vệ con một cách rất âu yếm. Các con khỉ cũng sống thành bày, thành đàn và yêu thương hỗ trợ nhau. Khi một con bị thương hay ốm yêu bệnh tật, các con khỉ khác cũng lo lắng chăm sóc. Qua khuôn mặt và cách biểu tỏ cảm tình, chúng ta nhận biết loài vật cũng có một mức độ yêu thương mà Tạo Hoá đã phú bẩm.

Chúng ta cũng có thể quan sát gà mẹ dẫn đàn gà con đi tìm mồi. Mẹ dẫn con ra vườn và lấy sức mình dùng đôi chân giãi đất tìm mồi, rồi cục cục gọi các gà con đến ăn mồi. Khi nghe biết có quạ đen, diều hâu hay bất cứ sự nguy hiểm nào, gà mẹ dáo giác giang cánh ra để ấp ủ con dưới cánh. Tuy cuộc sống gà vịt rất đơn sơ nhưng cũng nói lên tình liên đới bảo vệ và chia sẻ yêu thương. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh gà mẹ ấp ủ con để nói lên tình yêu của Thiên Chúa với loài người: “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái người lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các người không chịu.” (Mt 23,37).

Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài ra tình thương mến. Câu truyện trong bài Phúc Âm hôm nay nói về một người lữ hành bị tai nạn cướp bóc và bị đánh đập dọc đường. Có thầy tư tế và trợ tế đi ngang qua và thấy nạn nhân nhưng không mở lòng giúp đỡ. Một người xứ Samaria đi qua, động lòng thương và giúp đỡ nạn nhân bằng mọi cách. Người Samaria, tuy là ngoại đạo, nhưng đã biết tỏ lòng thương xót. Ông đã thực hành giới răn yêu thương bằng chính hành động của mình. Chúa Giêsu đã khuyến khích các thầy thông luật, các môn đệ và cả chúng ta nữa: Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,37). Nói về giới luật yêu thương thì dễ, ai cũng có thể suy niệm, phát biểu và truyền rao nhưng để đưa vào áp dụng trong cuộc sống hằng ngày thì không đơn giản. Chúng ta cần thấm nhuần tinh thần bác ái và quảng đại dấn thân. Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Không chỉ yêu bằng lời nhưng bằng hành động.

Chúa Giêsu đã nêu gương bằng tình yêu thập giá. Chúa đã cho và cho tất cả. Chúa Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Cha: “Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo.” (Cl 1,15). Tình yêu Chúa cao vời, làm sao chúng ta có thể đáp đền cho cân xứng. Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một Yêu Dấu, chịu khổ hình và chết để chuộc tội chúng ta. Chúa Con đã hiến thân trên thập giá và đã đổ tới giọt máu cuối cùng để cứu độ. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa yêu mến khơi dậy lòng yêu thương trong tâm hồn chúng ta. Mọi sự bắt đầu với tình yêu và sẽ kết thúc trong tình yêu: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người.” (Cl 1,19).

Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con. Tình yêu Chúa lan toả khắp cùng thế giới. Vũ trụ muôn loài đều mang dấu ấn tình yêu của Chúa. Xin cho nguồn tình yêu tuôn chảy trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn biết yêu và được yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

8. Yêu  người  thân  cận

 

Nhà thông luật hôm nay đứng lên chất vấn để “thử” Đức Giêsu về điều kiện để được “sự sống đời đời”. Còn Đức Giêsu lại trắc nghiệm cho ông thấy điều kiện để được sống đời đời là “làm”, là thực hành đúng nghĩa, chứ không phải chỉ thuộc lòng thông thạo, hay nắm chắc lý lẽ của giới luật yêu thương.

Phần lý thuyết ông đã “thông” lắm rồi, nhà thông luật cơ mà! ấy là mến Chúa hết lòng hết sức, yêu người thân cận như chính mình. Nhưng mà cái “khung trời yêu thương” của ông có ranh giới hạn định, nên ông thắc mắc vặn lý: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”? (Lc 10,29). Đức Giêsu trả lời bằng câu chuyện ba người gặp nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết nằm đó. Hai thầy tư tế và thầy Lêvi không muốn dây dưa nên tránh qua bên kia mà đi an phận. Còn người Samari vô danh kia đi qua thấy thì “chạnh lòng thương”, ông gác lại công việc để cúi xuống, xắn tay sẵn sàng lo hết cho một người lạ không hề quen biết. Thật rõ ràng người Samari đã trở thành “người thân cận”, thành ân nhân số một của nạn nhân, vì đã “thực thi” lòng thương xót đối với người ấy, nên vấn đề chỉ còn là hãy đi và “làm như vậy”, tôi sẽ có cơ man là người thân cận ấy chứ!

Người thân cận là những người sống bên ta dưới cùng một mái nhà, người anh em họ hàng ruột thịt, bạn bè lối xóm… Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta đi xa hơn, vượt khỏi ranh giới kia để trở thành người thân cận của nhau, bất cứ ai mà ta gặp trên đường đời. Ta được mời gọi trở nên người thân cận với bất cứ ai cần đến ta, để thực hành giới răn yêu thương với đức ái trọn hảo. Dù họ là ai, hèn hạ khó khăn không có khả năng đền đáp, người tội lỗi, thậm chí kẻ thù… Nếu ta thực hành đức ái với họ, sẽ biến đổi từ thù thành bạn, người xa lạ thành anh em gần gũi. Ngược lại có lúc ta lại “làm phúc nơi nao” mà để “cầu ao rách nát”, vì ngoảnh mặt làm ngơ với người ngay bên cần ta giúp đỡ, thì dù có gần bên thì vẫn như người dưng kẻ lạ với nhau.

Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương để được “sống” đời đời, nếu không yêu thương thì tuy sống mà kể như đã “chết” vậy. Ai mến Chúa thì tất sẽ yêu người, vì yêu thương cứu giúp người là thể hiện rõ lòng tin mến Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Đúng vậy, “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”.

Lạy Chúa! vì yêu nên Chúa bỏ trời xuống cứu chúng con, ngay khi chúng con là những tội nhân. Chúa rộng tình yêu thương mà cứu giúp hết thảy mọi người, bất kể họ là ai. Tình yêu của Chúa là tình không biên giới. Chúa còn sẵn sàng “ở trong” con người hèn mọn chúng con nữa. Xin Chúa thực hiện trong con người giới hạn này tình yêu đó, bằng con tim và đôi tay của Chúa, để dù khác biệt mọi sự, tất cả chúng con đều trở thành người nhà, thành con một Cha dấu yêu, bây giờ và mãi mãi. Amen.

Én Nhỏ