Bài hát và Suy niệm (17.07.2022 – Chúa Nhật XVI Thường Niên năm C)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng Chúa Nhật XVI thường niên năm C (2010)

Năm 2022:

NL: TRĂM TRIỆU LỜI CA

ĐC: TRÈO LÊN CAO SƠN

DL: DÂNG NGÀI

HL: VỀ BÊN LÒNG CHÚA

KL: KHÚC CA TẠ ƠN

Năm 2016:

Lời Chúa: St 18, 1-10a; Cl 1, 24-28; Lc 10, 38-42

Bài đọc 1: St 18,1-10a

Bài trích sách Sáng thế.

 Ngày ấy, Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày.  Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy  và nói : “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.  Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây.  Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây !” Khách trả lời : “Xin cứ làm như ông vừa nói !”

 Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo : “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.”  Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê non béo tốt, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt.  Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách ; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

 Khách nói với ông : “Bà Xa-ra vợ ông đâu ?” Ông đáp : “Thưa nhà tôi ở trong lều.” a Người nói : “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.”

Bài đọc 2: Cl 1,24-28

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

 Thưa anh em, giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.  Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em : đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,  rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.  Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại : đó là chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.  Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10, 38-42)

38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! “41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Người con của lời hứa

Chậm rãi Thần Khí đưa chúng ta từng bước vào cuộc sống đức tin mỗi lúc một cụ thể và sâu hơn. Ba bài đọc trình bày những nội dung khác nhau, nhưng liên kết nhau tạo thành một bức tranh sống động hướng dẫn những nhịp sống thần khí.

Bài đọc một kể về Ba Ngôi Thiên Chúa xuất hiện dưới cây sồi Mam-rê qua hình ảnh ba người đàn ông đến thăm tổ phụ Áp-ra-ham. Chi tiết này làm chúng ta nhận ra tổ phụ Áp-ra-ham cũng là một con người thần bí và công chính. Làm sao Tổ Phụ nhận ra ngay ba người đàn ông đến thăm mình là Ba Ngôi Thiên Chúa mà “chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy”? Phải chăng nhờ thần khí được ban cho ông Áp-ra-ham khi lãnh nhận sứ mạng làm Tổ Phụ qua lời hứa của Chúa, nên tổ phụ Áp-ra-ham nhận ra được đó là Đấng đã mời gọi mình, phán hứa với mình. Do vậy, Tổ Phụ niềm nở tiếp đón và thưa “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Chúng ta thấy rõ ẩn ý của lời Kinh ở đây, ba người mà tổ phụ Áp-ra-ham dùng đại từ danh xưng “Ngài” như thể nói với một người.

Lời Kinh hé mở điểm này cho chúng ta biết, ngày đó, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho tổ phụ Áp-ra-ham hình dung được phần nào mầu nhiệm Ba Ngôi mà một Chúa. Khi ông nói “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Cảm thức và sức mạnh thần khí bởi đức tin được trải nghiệm nói trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đức tin của Tổ Phụ sau này. Nhờ đó, dẫn đưa tâm hồn Tổ Phụ đi đến sự xác tín hoàn toàn vào thánh ý Thiên Chúa, giúp cho dễ dàng vâng phục trọn hảo.

Sự công chính của Tổ phụ Áp-ra-ham không chỉ ở lòng tin mà còn ở cõi lòng rộng mở quảng đại và hiếu khách. Đây chính là điểm mà Thiên Chúa muốn thấy nơi Tổ Phụ, thật lòng kính Chúa thì phải yêu người. Ông Áp-ra-ham niềm nở tiếp khách, thân hành phục vụ “ba người” dù ông có rất nhiều tôi trai, tớ gái (x. St 14,12-15). Nói như thế thì chưa hết ý, Tổ phụ Áp-ra-ham như một lãnh chúa hùng mạnh, ngang cơ với các vua (x. St 14,17.21-24) Những chi tiết này chứng tỏ thêm việc Tổ Phụ “sụp lạy” một ai đó là điều rất khác thường, phải là Đấng mà Tổ Phụ kính úy hết lòng, hết sức mới thể hiện ra như vậy.

Tất cả những dữ kiện này làm nền cho sự kiện vô cùng quan trọng là “người con của lời Thiên Chúa hứa với Tổ phụ Áp-ra-ham sẽ ra đời. Để mở đường cho mầu nhiệm “Người Con duy nhất của lời hứa” với Tổ Tông nơi vườn Địa Đàng, hiện diện giữa thế gian. Đây chính là tinh thần của bài đọc hai.

Hình ảnh người con Thiên Chúa hứa với Tổ Phụ dẫn tới cùng đích là người con Thiên Chúa hứa với Tổ Tông. Cho nên, hình ảnh “người con Thiên Chúa hứa với Tổ Phụ” trở thành hình ảnh của Hội Thánh cưu mang “Người Con Thiên Chúa hứa với Tổ Tông” mà thánh Phao-lô hết lòng muốn giới thiệu với tất cả chúng ta “đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa”. Đây cũng là hình ảnh của Hội Thánh muốn trình bày, giới thiệu Đức Ki-tô Giê-su cho nhân loại vậy.

Thánh Phao-lô Tông đồ đem hết tâm huyết của mình phục vụ Hội Thánh, cùng Hội Thánh giới thiệu Đấng Thiên Sai. Là ơn gọi mở đường cho vô số ơn gọi tiếp nối sứ mạng làm nên Hội Thánh, để Hội Thánh hoàn thành sứ mạng Con Thiên Chúa trao cho “giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân”.

Đến đây, sợi chỉ đỏ xuyên suốt giữa các bài đọc, là từ người con của lời hứa giờ Chúa Ngôi Hai Nhập Thể đang ở giữa dân Người, đang ban phát Lời cho nhân thế. Và nhân thế “chỉ có một điều cần” hơn hết mọi điều cần, là “lắng nghe lời Chúa”. Thánh nữ Mác-ta có tinh thần trách nhiệm, sốt sắng trong việc phục vụ Chúa Giê-su và những người theo Chúa, lo ăn uống cho các ngài. Nhưng ngay cả điều đó cũng trở thành thứ yếu so với việc “lắng nghe” lời từ môi miệng Đấng Thần Nhân, lời đem lại ơn cứu độ. Theo gương thánh nữ Ma-ri-a, như ở một chỗ khác, khi đối đầu với thần dữ nơi hoang địa, chống lại cám dỗ và thách thức hóa đá thành bánh, Chúa Giê-su đã khẳng định “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)

Ba bài đọc, một lần nữa Mẹ Hội Thánh trình bày nhiệm ý của Thánh Thần, đưa con cái mình tới mầu nhiệm Lời Chúa. Nghĩa là tiến tới tiếp cận với sức sống thần linh, lương thực bởi trời đích thực. Thứ lương thực huy hoàng mà Chúa Giê-su phải nhấn mạnh với thánh nữ Mác-ta “Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Những chi tiết bên ngoài của các bài đọc nói trên, truyền tải một thông điệp bên trong siêu nhiên hơn, mầu nhiệm hơn, mạnh mẽ sự sống thần linh hơn. Đó là đưa con người đến chỗ siêng năng tiếp nhận sự sống thần linh qua lời Chúa, tích cực tiếp nhận lời Chúa dù phải trả giá bằng những việc cần thiết khác như ăn uống (lo cho sự sống đời này). Đồng thời biến lời Chúa thành năng lực siêu nhiên của chính mình bằng việc nhiệt tâm sống lời Chúa: rao giảng, thực hành, tôn kính và tri ân.

Trong các phương thế đọc kinh, cầu nguyện bằng lời Chúa, việc đọc Kinh Phụng Vụ là điều rất tốt đẹp và kín múc được nhiều ân sủng vào bậc nhất. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ tâm tư tình cảm đặt vào giờ Kinh cũng vô cùng quan trọng.

Sự trang nghiêm, thành kính khi đọc Kinh cần phải có đã đành. Song để cho giờ đọc Kinh có thể phát huy trở thành một giờ trao đổi tính thần linh với phận người. Hầu đem lại lợi ích lớn lao cho hồn ta, thắt chặt hơn nữa tương quan giữa ta và Chúa. Chúng ta cần nâng tâm hồn lên, giữ cho tình cảm nồng nàn thắm thiết hướng về Chúa, hay giục lòng khiêm cung sám hối, hoặc thành kính ngưỡng mộ tri ân khi đọc kinh. Nói cách khác là giữ cho trí lòng hiệp nhất lúc đọc Kinh, và nâng tình cảm cõi lòng lên cho lòng chân thành thờ phượng ướp lấy lời Kinh. Thứ nhất, để giảm thiểu tối đa việc chia trí, sau đó, không để cho cảm xúc tự nhiên như buồn phiền, giận ghét, bực tức, nóng nảy còn chen lẫn vào tâm hồn lúc đọc Kinh.

Việc để cho lòng trí phân tán hay để thất tình, lục dục chen lẫn vào giờ Kinh sẽ làm cho Chúa Giê-su rất đau đớn, như gai nhọn đâm thâu qua Trái Tim của Người vậy. Vì Người chuộc ta về bằng giá tình cao quý, vĩ đại và đắc giá khôn tả, hầu dâng chúng ta lên Chúa Cha như những của lễ làm đẹp lòng Người. Vậy mà trước thánh nhan Chúa Cha, chúng ta lại để cho mình thành bất xứng, hữu ý trong vô tình xúc phạm Chúa Cha, khiến cho Chúa Giê-su phải khôn xiết đau lòng.

Ngược lại, nhờ lòng đạo đức đã ươm đầy tình mến, việc trao đổi thần linh giữa bản tính con người và con Thiên Chúa bằng tôn vinh lời Chúa (khi đọc Kinh). Sẽ được Thánh Thần tích cực hoạt động làm cho tính chất con người nơi chúng ta, cũng dần biến đổi thành tính chất của người con Thiên Chúa đích thực và trọn vẹn. Nhờ đó, sự viên mãn của ơn cứu độ bắt đầu hình thành từ đây, đồng nghĩa với cánh cửa thiên đàng rộng mở đón chúng ta ngay sau cái chết. Hay ít nữa, việc phải chịu thanh tẩy lần cuối cùng cũng được giảm thiểu đến mức tối đa, nhờ tinh thần thờ phượng Chúa được nâng lên cách đặc biệt giống vua Đa-vít xưa. Chúng ta được hưởng nhờ hồng ân thương xót vô biên cứu vớt

Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.

Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.” (Tv 32,1-2)

Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung!

Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!” (Rm 4,7-8)

Tình Yêu Hoa Cỏ

2. Phần tuyệt hảo

3. Chọn phần tốt nhất – Thiên Phúc

4. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

5. Phần tốt nhất

6. Chỉ có một điều cần

7. Hiếu khách – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

8. Phần Tốt Nhất

 

1. Phục vụ

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những thái độ của Macta và Maria. Trước hết là thái độ bận rộn và lắng nghe.

Thái độ của Macta là thái độ bận rộn, vồn vã để tiếp đãi Chúa Giêsu cho thật thịnh soạn, chứng tỏ một tấm lòng hiếu khách. Còn Maria thì lại biểu lộ cũng tâm tình ấy bằng cách ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Người. Hai thái độ, nhưng cùng chung một tâm tình, cùng chung một đối tượng. Chỉ có điều là Chúa Giêsu đã từng coi những mối bận rộn là như một bụi gai làm nghẹt sức sống của Lời Chúa, hay có thể biến thành một ông chủ thống trị trong trái tim con người, chống lại chính Thiên Chúa tình thương, hoặc tệ hơn nữa là làm cho lòng con người ra nặng nề, đến độ không còn nhạy bén để đón chớ Chúa đến.

Trong khi Lời Chúa mà Maria đã chọn để lắng nghe là một ưu tiên tuyệt đối. Được coi là mẹ và anh em thật của Chúa Giêsu chính là những ai nghe và tuân giữ Lời Chúa. Khi quá bận rộn vì vừa phải lo phục vụ vật chất, lại vừa phải rao giảng trong cộng đoàn, các tông đồ đã ưu tiên chọn việc rao giảng Lời Chúa.

Tiếp đến là ý mình và ý khách. Macta đón tiếp Chúa Giêsu là để thiết đãi Người theo sở thích của cô, như một bà chủ nhà có dịp trổ tài nội trợ và bày tỏ tấm lòng hiếu khách, mà chả cần hiểu khách đang mong đợi điều gì. Trong thâm tâm của bà chủ nhà đó, niềm vui không phải là vì người khách, nhưng là vì tự mãn, tự thấy mình tài khéo và đức độ.

Điểm khác biệt còn rõ nét hơn nữa trong thái độ của Macta so sánh với tinh thần của Chúa Giêsu, và đã bắt Người phải can thiệp, chính là vì cô đã đánh giá, và đã lên tiếng phiền trách Maria và cả Chúa Giêsu sao lại không thấy việc cô làm mới là đúng, mới là quan trọng. Cô như muốn nói với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, Thầy không thấy rằng em tôi để mặc tôi một mình lo phục vụ là sai quấy hay sao? Xin Thầy bảo nó giúp tôi với.

Thực ra vẫn có những cách tiếp đón làm cho chúng ta không còn gặp gỡ được Chúa Giêsu và tha nhân. Chẳng hạn Giáo Hội Do Thái thời đó với những chuyên viên về tôn giáo, với những tín đồ sùng mộ, lại đang thiết tha mong đợi Đấng Cứu Thế, nhưng họ đã không gặp được Người suốt hơn ba mươi năm trời Người sống giữa họ. Chẳng hạn hai môn đệ trên đường về Emmaus đã cùng đi với Người cả một ngày đàng mà vẫn không gặp gỡ được con người thật của Người. Phải chăng vì trong những trường hợp đó, mặc dù hình ảnh Chúa đang chiếm ngự tâm hồn họ, nhưng lại là hình ảnh do họ tư vẽ ra theo những ước vọng của bản thân họ mà thôi.

Điều kiện và quy luật cho mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, đó là phải từ bỏ chính bản thân mình, để ngồi dưới chân Chúa, và lắng nghe Lời Người như Maria ngày xưa.
2. Phần tuyệt hảo

Có một thời người ta đã dựa vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm, như là phần tối hảo mà Maria đã khôn ngoan giành lấy cho mình. Còn đời sống bôn chôn hoạt động của Martha là phần ít giá trị hơn. Thực ra Chúa Giêsu không thể bênh vực cho thứ chiêm niệm lười lĩnh cũng như thứ hành động múa may. Điều Ngài đòi hỏi là lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Ngày kia, có lẽ bất ngờ, Chúa Giêsu đến thăm viếng gia đình ba chị em Martha, Maria và Lagiarô. Đối với người Do Thái, thì được tiếp đón một người khách đến thăm là một ơn huệ Chúa ban và cũng là dịp để tưởng niệm cuộc xuất hành của dân Chúa trên đường tiến tới miền đất Hứa. Việc đón tiếp khách được tổ chức một cách tỉ mỉ và ân cần. Khách vào nhà được rửa chân vì đi đường bụi bậm. Thường thì người nhỏ nhất trong nhà có phận sự rửa chân cho khách.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một vài dấu hiệu cho biết Maria là người được phân công rửa chân cho khách. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xem ra Maria cũng đóng vai trò tiếp chuyện khách. Bà ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Trong khi đó Martha nắm giữ địa vị của một người nội trợ bận rộn với công việc bếp núc. Bà muốn cho việc tiếp đón phải thật chu đáo. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác. Việc đón tiếp chu đáo và đúng nghĩa nhất đối với Ngài là đón nghe lời Ngài. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Martha đã bị Chúa quở trách vì bà đã quá chú trọng vào những cái phụ thuộc, để mình chìm nghỉm trong mọi thứ công việc khiến không còn thời giờ và sức lực để nghe và đón nhận lời Ngài. Người khách như Chúa Giêsu đến với gia đình Bêtania, hẳn không phải là để được hạ, tiếp rước, mà là để ban phát, để thiết tiệc lời hằng sống. Do đó ưu tiên số một không phải là việc cho Ngài ăn gì, uống gì mà là lắng nghe lời Ngài vì của ăn đích thực của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Chúng ta còn nhớ một lần kia bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã xác quyết: Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và ý của Đấng đã sai Ngài chính là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Vì thế, những ai muốn theo Ngài, cũng phải lắng nghe và thực hiện những lời Ngài truyền dạy.

Vào một dịp lễ trọng như lễ Chúa Giêsu chẳng hạn, cả giáo xứ để hết tâm trí vào việc dọn dẹp và trang trí nhà thờ, làm hang đá, treo đèn kết hoa, khiến cho không còn thời giờ, không còn lòng trí để tìm hiểu và đào sâu ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa làm người. Giáo xứ ấy đã đi theo vết chân của Martha và bỏ mất phần tối hảo.

Bởi đó chúng ta đã kiểm điểm đời sống xem chúng ta đã thực sự đầu tư một cách đầy đủ cho điều chính yếu, là lắng nghe và thực thi lời Chúa, hay vẫn còn đang lẩn quẩn ở những vòng ngoài, ở những cái phụ thuộc.

3. Chọn phần tốt nhất – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

– Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?

Chàng sinh viên liền hỏi:

– Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:

– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

Chúa phán: “Marta, Marta! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Phần tốt nhất ấy chính là ở bên cạnh Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cầu nguyện với Chúa.

Nhà bác học đại tài Ampère, với công việc nghiên cứu của ông về điện tử học, về nam châm điện đã đem lại biết bao lợi ích cho nền văn minh của nhân loại. Thế nhưng, ông không cho đó là vĩ đại, mà ông nói: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.

Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ thánh giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Calcutta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào “nhà hấp hối” để an ủi các kẻ liệt lào, các nữ tu của mẹ đã quì cầu nguyện trước Thánh Thể một tiếng đồng hồ để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ. Hoạt động tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với anh em, tại sao chúng ta lại không kín múc nơi Chúa là suối nguồn yêu thương. Cho dù là hoạt động truyền giáo, hoạt động từ thiện bác ái, hay sinh hoạt hằng ngày theo bổn phận, chúng ta cũng đừng quên “chọn phần tốt nhất” này. Hãy nhớ lời Chúa: “Không có Ta, chúng con không làm gì được”.

Các triết gia Phương Tây có khuynh hướng hoạt động cho rằng Chúa không làm gì, con người làm hết. Các triết gia Phương Đông trái lại ưa thích thuyết tĩnh học, để Chúa làm hết và con người không làm gì. Nhưng khuôn vàng thước ngọc của chúng ta là: “Cầu nguyện và hoạt động”, Marta phải đi đôi với Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. P.Graef có một câu nói rất thâm thúy: “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”. Tuy nhiên, có một cám dỗ khiến chúng ta khó thoát khỏi. Đó là nhiều khi chúng ta tưởng mình phục vụ Chúa, nhưng hóa ra chúng ta phục vụ chính mình. Nhìn Marta lăng xăng dọn bữa ăn, chúng ta thấy dáng dấp của chính mình. Chúng ta hoạt động để được tiếng khen, để gây chú ý: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Chúng ta mời gọi kẻ khác cộng tác, cũng là để phục vụ cho chương trình của chính mình. Đôi khi chúng ta cầu nguyện cũng là để kéo Chúa về phe mình, xin Chúa ủng hộ để cá nhân mình sớm được vẻ vang. Chúng ta muốn mình luôn được thành công. Chúng ta không chấp nhận thất bại. Chúng ta mãn nguyện với những hoạt động tông đồ của mình. Chúng ta hài lòng với công cuộc từ thiện của chúng ta. Chúng ta đi tìm chính mình!

4. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

PHỤC VỤ TRONG TRẬT TỰ

Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?

Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.

Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.

Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).

Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).

Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.

Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.

Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Hiện nay bạn cầu nguyện thế nào? Có sốt sắng không? Có nhiều thời gian cầu nguyện không?

2- Bạn đọc kinh nhiều, nhưng bạn có cầm trí không, hay chỉ đọc như máy?

3- Khi phục vụ, bạn có thực sự quên mình, hay phục vụ để được tiếng là người đạo đức, để hơn người?

4- Muốn việc phục vụ thực sự tốt đẹp, ta cần có thái độ nào?

5. Phần tốt nhất

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Nếu dựa trên bài Tin Mừng về người Samari tốt lành, hẳn chị Mácta phải nhận được một lời ca ngợi, vì chị đã làm, đã phục vụ Đức Giêsu. Thế nhưng ở đây, Ngài chỉ dành cho chị lời trách móc.

Đức Giêsu có đối xử bất công không?

Chúng ta cần nhìn ngắm chị Mácta tất bật dưới bếp. Chị thấy còn bao việc phải làm ngay cho kịp. Lòng chị lo lắng bồn chồn về việc tiếp đãi Chúa. Vậy mà cô em Maria lại ngồi không… Mácta không thể nén được nữa. Chị ngắt lời lúc Đức Giêsu đang trò chuyện với em. Hơn nữa, chị muốn Ngài ra lệnh để em mình xuống bếp. Câu nói của chị có nguy cơ phá vỡ cuộc trò chuyện. Cả Đức Giêsu và Maria đều bị coi là những người vô tâm, thản nhiên trò chuyện khi mà công việc đang ngập đầu.

Câu trả lời của Đức Giêsu đầy cảm thông, trìu mến. Ngài hiểu nỗi bối rối của Mácta khi tiếp đãi Ngài, nhưng Ngài cho thấy ngồi nghe cũng là một cách tiếp đãi, thậm chí một cách tiếp đãi tuyệt vời.

Trong một thế giới thực dụng, coi trọng hiệu quả, Hội Thánh có khá nhiều Mácta và rất ít Maria.

Lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bị coi là xa xỉ phẩm, là những điều vô ích, mất thì giờ, ù lì, thụ động. Nhưng có hành động nào hiệu quả bằng ngồi nghe Chúa? Tiếp xúc với Đấng Toàn Năng cho ta sức mạnh để làm mọi sự.

Một Hội Thánh quân bình khi có cả Mácta và Maria.

Một Kitô hữu quân bình khi coi trọng việc ngồi bên Chúa.

Không phải chỉ là làm cho Chúa, mà còn sống với Ngài trong một tương quan mật thiết bền chặt. Đừng đợi lúc rảnh, lúc lắng mới đến gặp Chúa. Lúc cần gặp Chúa hơn cả là lúc bận bịu, lo âu.

Con người hiệu năng là con người cầu nguyện.

Khi được hỏi về bí quyết của mình, Mẹ Têrêsa đáp: “Bí quyết của tôi rất đơn giản: tôi cầu nguyện.”

Có ai trong chúng ta muốn chọn phần tốt hơn như Maria?

Khi nhìn Mácta, chúng ta thấy khuôn mặt của mình.

Lúc đầu, chị chỉ muốn phục vụ Chúa. Nhưng dần dần, điều chi phối chị không phải là Chúa nữa, mà là sự thành công rực rỡ của bữa ăn do chị nấu. Chị huy động mọi người để phục vụ cho dự tính của chị, thay vì phục vụ Chúa. Chị đi đến chỗ nghi ngờ cô em lười biếng, trách Đức Giêsu vô tâm. Cuối cùng không rõ chị tìm Chúa hay tìm mình, tìm làm vui lòng Chúa hay thành công cá nhân.

Có khi chúng ta cũng bắt Chúa đứng vào phe mình để cho công việc mình chóng thành tựu.

Làm thế nào để chúng ta phục vụ mà không thấy mình phục vụ, không ngắm nghía, nhâm nhi sự quảng đại của mình?

Làm sao tôi có thể yêu một cách trong suốt như Maria?

Gợi Ý Chia Sẻ

Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Bạn nghĩ gì về đời sống cầu nguyện của bạn hiện nay? Chất lượng và thời gian ra sao?

Cái khó và cái dễ khi bạn cầu nguyện trong một xã hội công nghiệp hiện đại?

Cầu Nguyện

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen. 

6. Chỉ có một điều cần

(Trích dẫn từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Trên dặm đường rao giảng Tin Mừng, thỉnh thoảng Đức Giêsu và các môn đệ gặp được một chỗ nghỉ chân chan chứa tình người.

Mácta là chủ nhà đón tiếp Đức Giêsu. Chị tất bật lo việc tiếp đãi nấu nướng, chị lo lắng trước bao việc phải làm ngay để có được một bữa ăn thịnh soạn hầu tỏ lòng kính trọng đối với vị khách quý. Trong khi đó cô em Maria lại vô tư và bình thản, ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Người.

Maria say mê nghe Lời Chúa, Lời mở tâm tư cô ra trước những chân trời mới mẻ. Cô thấy chẳng có gì hạnh phúc hơn giây phút này, được ngồi nghe Thầy giảng như một môn đệ thực thụ.

Mácta không hiểu được cô em gái, chị cũng không hiểu được Đức Giêsu, nên cuối cùng chị đã đến thưa với Chúa: Thầy không để ý tới sao? Mácta muốn Thầy để ý đến việc mình đang làm, muốn Thầy nhận ra sự vất vả mình phải chịu. Em con để mình con phục vụ. Mácta tưởng chỉ có mình mới là người phục vụ. Chị không nhận thấy rằng Maria cũng đang tiếp khách và ngồi nghe Chúa cũng là một cách phục vụ.

Xin Thầy bảo em giúp con một tay.

Mácta kéo Đức Giêsu vào cuộc, kéo Ngài đứng về phía mình, phía đúng, để gây áp lực trên cô em. Chị muốn Maria phải vào bếp với mình, phải phục vụ theo kiểu của mình. Ngấm ngầm, Mácta không chấp nhận kiểu phục vụ của Maria. Có lẽ chị nghĩ đó là một hành vi vô ích, trong khi có biết bao việc quan trọng khác cần làm.

Đức Giêsu không ghét Mácta, không coi nhẹ việc phục vụ của chị, nhưng buộc lòng Ngài phải lên tiếng. Ngài muốn giải phóng Mácta khỏi nỗi bồn chồn quá mức. Ngài muốn giải phóng chị khỏi cái tôi, khỏi lối nhìn hẹp hòi, để nhận ra điều duy nhất cần thiết.

Ngài gọi tên chị hai lần: Mácta! Mácta! Con lo lắng và xao động vì nhiều chuyện quá, dù chuyện ấy là chuyện con lo cho Thầy.

Cần thanh lọc lòng mình khỏi những tìm kiếm vị kỷ, khỏi những ganh tị nhỏ mọn và tự mãn ngấm ngầm, để có thể làm việc cho Chúa trong bình an thư thái, dù có gặp thất bại hay bị lãng quên.

Chỉ có một chuyện cần mà thôi.

Coi chừng nỗi lo lắng về nhiều chuyện phụ lại làm ta quên mất chuyện chính, một chuyện cần hơn cả, đó là an tĩnh gặp gỡ và lắng nghe Chúa mỗi ngày trong tư thế khiêm hạ của người môn đệ.

Cuộc sống dồn dập hôm nay dễ biến chúng ta thành Mácta: xao động, âu lo, căng thẳng, mất kiên nhẫn. Cả người làm việc cho Chúa cũng bị cuốn hút. Có lẽ cần bớt việc và thêm giờ cầu nguyện, cần để cho Chúa làm việc nơi tôi và qua tôi thay vì tự mình bươn chải một mình.

Phải chăng đời Kitô hữu là kết hợp giữa Mácta và Maria, giữa tất bật và an tĩnh, giữa lăng xăng và ngồi yên, giữa hoạt động và cầu nguyện?

Để rồi giữa tất bật, tôi tìm thấy an tĩnh, – giữa lăng xăng, tôi thấy mình ngồi yên, – giữa hoạt động, tôi thấy mình chiêm niệm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Có khi nào những khúc mắc của cuộc sống đưa bạn đến ngồi dưới chân Chúa không? Bạn nghĩ gì về sự cân đối giữa cầu nguyện và hoạt động trong đời bạn? Bạn cầu nguyện có đủ và sâu không?

Cầu nguyện là gặp gỡ và lắng nghe như cô Maria. Có khi nào bạn có kinh nghiệm như Maria không? Bạn có khi nào nghe Chúa nói tự thẳm sâu cõi lòng không?

Cầu Nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

7. Hiếu khách – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Hiếu khách là một đức tính tốt. Một người hiếu khách là người có tính xã hội. Họ dám mở cửa lòng đối diện với đời và với tha nhân. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong bất cứ lĩnh vực nào như mở tiệm buôn bán, công ty, xí nghiệp, trường học, hội đường, chùa chiền, nhà thờ, tư gia… càng có nhiều người tham gia, sinh hoạt và thăm viếng thì càng sầm uất và thành công sinh hoa lợi. Người ta thường nói “đa khách đáo, đa ngân vào”. Đúng thế, mở một cửa tiệm hay một dịch vụ mà khách ra vào tấp nập thì việc làm ăn sẽ mau khấm khá. Một trong những yếu tố quan trọng là vấn đề nhân sự. Chủ nhân hay tiếp thị phải là những người hiếu khách luôn tươi cười và niềm nở. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.

Nhân cách con người đi theo với sinh hoạt cuộc sống. Tính tình thể hiện qua cách xử thế, gọi là giao tế nhân sự. Câu truyện trong sách Sáng Thế kể rằng có ba vị khách đi ngang qua nhà ông Abraham. Ông đã vui vẻ chào đón khách một cách niềm nở, ông thưa: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” (St 18,3). Thái độ của Abraham bày tỏ lòng thành kính và hiếu khách. Ông biết thương người và đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết. Ông tiếp rước khách một cách rất tận tình: Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây! Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói.” (St 18,5).

Một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng của cả hai ông bà. Ông bà đã nhận được một hồng ân quý báu trong lúc tuổi già. Ông bà sẽ sinh một cậu con trai nối dòng. Đây là lời cầu chúc tốt đẹp nhất của ba vị khách: “Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai.” Bà Sara bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau.” (St 18,10). Thiên Chúa đã gọi Abraham rời bỏ quê hương xứ sở để đến miền đất hứa. Lòng thành tín của Abraham đưa dẫn ông trở thành cha của một dân tộc. Cha của những kẻ tin. Ông đã biết đón nhận và cho đi. Ông đã tuân theo đường lối của Chúa nhưng ông cũng đã trải qua muôn vàn khó khăn, đắng cay và thử thách. Ông đã đi đến cùng đường và giữ vững lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa.

Mở cửa đón khách cũng giống như mở lòng với tha nhân. Nếu tư gia của chúng ta có mở cửa đón mời anh chị em và bạn bè, nhà sẽ vui nhộn tiếng cười. Phòng khách sẽ ấm cúng với mối tình thân. Nhà bếp cũng được ấm lên nhờ nấu nướng những món ăn mỹ vị đãi khách. Niềm vui sẽ trào dâng trong lòng mọi người. Càng có đông khách và bạn bè, cuộc sống càng nới rộng tình thương mến. Mở cửa như mở lòng. Chúng ta biết rằng ai có lòng quảng đại giúp đỡ tha nhân, họ sẽ được đáp trả mối ân tình. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Đón tiếp anh chị em bạn bè đến với gia đình, niềm vui của chúng ta sẽ được nhân lên. Nếu chúng ta chỉ biết đón nhận mà không biết cho đi, cuộc sống sẽ bị đóng khung hạn hẹp. Cảm nghiệm đời sống, chúng ta đóng cửa nhà và cửa lòng vì sợ bà con làm phiền, cuộc sống sẽ buồn tênh.

Cũng không ngoại lệ, khi Chúa Giêsu đến thăm nhà chị em Martha và Maria. Hai chị em đón tiếp Chúa, mỗi người một cách, làm cho Chúa rất hài lòng. Câu truyện được lưu truyền kể lại trong Phúc Âm. Martha lo nấu nướng phục vụ và Maria ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người giảng dạy. Cả hai việc đều tốt nhưng việc ngồi bên và lắng nghe lời Chúa thì tốt hơn: “Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” (Lc 10,39). Chúa Giêsu đã biến đổi cả hai tâm hồn nên thánh thiện. Chúa nhìn thấu tỏ tâm hồn của Martha và Maria, hai chị em trở thành những chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô Phục Sinh. Trong Giáo Hội đã có những vị dõi theo bước của Martha, chuyên lo phục vụ. Có những người đi theo đường lối của Maria, lắng nghe, suy niệm và chiêm niệm trong các dòng tu. Chúa Giêsu đã xác nhận Maria đã chọn phần tốt nhất: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42). Giáo Hội đã tuyên phong cả hai chị em lên bậc hiển thánh: Thánh Martha và Thánh Maria.

Như Abraham đã đón tiếp các vị khách và được phước lộc có con cháu nối dõi hoàn thành sứ mệnh. Martha và Maria đón rước Chúa vào nhà, các bà đã trở nên môn đệ và sinh hoa kết qủa trong vườn nho của Chúa. Thiên Chúa rộng lượng ban phát mọi ơn lành cho những ai đón rước Chúa. Chúng ta đọc câu truyện về hai biển hồ ở Palestine, biển Galilê và biển chết. Biển hồ Galilê có nguồn nước trong xanh mát. Trong hồ có đủ các loại tôm cá sinh sống. Có những vườn cây xanh tốt nhờ nguồn nước. Nhà cửa dân cư sống rất sầm uất. Biển thứ hai là biển chết. Biển chết vì nước mặn và không có loại cua cá nào sống nổi. Trơ trọi không có cây xanh tươi. Chúng ta biết cả hai biển hồ đều nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước chảy vào biển hồ Galilê và tiếp tục chảy tràn lan qua các hồ nhỏ, nhờ vậy mà nguồn nước luôn lưu chuyển trong lành. Còn biển chết cũng đón nhận nguồn nước nhưng bị tù đọng vì không chia sẻ, nước trở nên mặn chát. Sinh vật không thể sống được. Cuộc sống con người cũng thế, nếu chỉ biết khư khư giữ lại tất cả kho tàng cho riêng mình, thì sự sống cũng dần lụi tàn.

Thánh Phaolô đã nhận lãnh sứ điệp Tin Mừng từ chính Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài đã hăng say nhiệt tình truyền rao lời chân lý. Phaolô đã thiết lập nhiều cộng đoàn tín hữu và đặt căn bản giáo lý trong các sinh hoạt sống đạo: “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: Đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn.” (Cl 1,25). Phaolô trở thành chứng nhân đích thực xông pha trong mọi lĩnh vực, cốt là để vinh danh Chúa Kitô. Tin Mừng đã lãnh nhận như một kho tàng, Ngài đã đem ra rao truyền và phân phát một cách nhưng không để lôi kéo mọi người về với Chúa.

Thánh Phaolô đã đến với dân ngoại, nơi có một cánh đồng truyền giáo bao la. Ngài rao giảng, thuyết phục và làm nhân chứng sống động. Ngài chấp nhận bị xua trừ, tẩy chay, đánh đập, tù đày và bị thiệt thòi danh phận để danh Chúa được cả sáng. Phaolô rao truyền Tin Mừng một cách nhiệt thành sứ vụ được Chúa Kitô trao: “Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: Đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.” (Cl 1,27). Tất cả đều chung quy về Chúa Kitô Phục Sinh. Bất cứ sự gì ngài đã lãnh nhận nhưng không, thì ngài đã cho nhưng không. Không giữ lại điều gì làm của riêng để được vui hưởng một mình.

Cuộc sống của chúng ta phát triển không ngừng. Mỗi ngày, chúng ta hãy cố gắng làm một việc tốt, dù nhỏ, nó sẽ sinh hoa kết quả tốt. Một lời nói nhẹ nhàng êm dịu, có thể cải hoá được lòng người. Một cử chỉ đón tiếp ân cần, có thể làm vui mảnh hồn cô đơn, giá lạnh. Một hành động bác ái nhỏ như cho đi một ly nước vì danh Chúa sẽ không mất phần thưởng. Một ngọn lửa, dù bé nhỏ, có thể toả lan ánh sáng và sưởi ấm lòng người. Một bàn tay rộng mở, ân phước ngập tràn niềm vui. Chúng ta hãy cùng mở rộng tấm lòng đón nhận và mở cửa nhà chào đón anh chị em, cuộc sống gia đình của chúng ta sẽ thêm phúc lộc đầy tràn.

Lạy Chúa, Chúa rộng lượng từ bi và nhân hậu với hết mọi loài. Xin cho chúng con biết mở lòng quảng đại với tha nhân. Chúng con nhận lãnh quá nhiều hồng ân, nhưng cho đi chẳng bao nhiêu. Xin cho chúng con biết nhận lãnh và biết tiếp tục trao ban.

8. Phần Tốt Nhất 

 “Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Macta đón Người vào nhà.” (Lc 10,38).

Phải là thân thiết nghĩa tình lắm với Thầy Giêsu, thì đang trên đường thầy trò đi rao giảng, cô Macta mới đón đoàn khách quý vào nhà mình nghỉ chân. Cô là người phụ nữ nhiệt thành chu đáo, tất bật lắng lo cho cả đoàn có bữa ăn thịnh soạn, chẳng dễ mấy người được như cô. Xảy ra là cô em Maria chẳng đoái hoài việc bếp núc, cứ “an nhàn” ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, “tiếp” Thầy cách này nghe có vẻ nhàn hạ sướng thân. Bực mình khó chịu mà không nói nhỏ vào tai em, cô chị dám nhắc xéo với vị khách lớn: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,30b). Chẳng những không giải quyết thỏa đáng cho cô chị, Thầy Giêsu lại bảo: “Macta! Macta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Nghe lời này xem ra bất công, tại sao cô chị đảm đang tươm tất lại bị “thua” cô em chỉ ngồi lì hóng chuyện? Ở đây Thầy Giêsu không chủ ý hạ giá công việc của Macta, mà chỉ báo động cái nguy của sự lo lắng bối rối về nhiều chuyện, không còn khoảng lặng nào để “ngồi bên chân Chúa” mà lắng nghe, nên cần có sự hài hòa giữa hoạt động và chiêm niệm, không chỉ lăng xăng đủ thứ mà bỏ cầu nguyện và cũng không được bỏ hoạt động phục vụ con người. Hoạt động bằng cách phục vụ là điều tốt, nhưng còn tốt hơn nữa là việc chiêm niệm (cầu nguyện, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa). “Người ta sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Thầy khen Maria đã biết chọn phần tốt nhất, phần này chắc chắn và không bị lấy mất. Khi đời sống tôi được bám rễ, thẫm đẫm Lời Chúa trong lòng mến, rồi đưa ra hành động thì “không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”.

Hàng ngày có biết bao việc tôi phải làm, ở nhiều nơi khác nhau, nhưng “ở bên Chúa” là điều quan trọng và phải chiếm chỗ nhất. “Ở bên Chúa” tôi được mật thiết với Người để tạ ơn, ngợi khen, mà lắng nghe học hỏi, van xin, bày tỏ nỗi niềm vui buồn sướng khổ trong đời.

Lạy Chúa! Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương cầu nguyện trong việc luôn hiệp thông với Chúa Cha và việc dấn thân phục vụ nhân loại trong giảng dạy và hoạt động. Xin Chúa giúp chúng con biết hòa hợp trong cầu nguyện và làm việc. Ước chi những công việc chúng con làm đều phát xuất từ việc cầu nguyện, là lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút trở về lắng nghe Chúa nói. Amen.

 Én Nhỏ