Bài thánh ca không buồn

Mùa Giáng sinh đã lại về, nhạc Giáng sinh rộn ràng háo hức, bên cạnh đó là những ca khúc Giáng sinh rất đời như: Bài Thánh ca buồn, hai mùa NoeL… Lời ca như hờn dỗi, như trách móc, vì người ấy mà mình mang nỗi cô đơn, nhớ thương khắc khoải mỗi dịp Giáng sinh về. Còn đối với nó, mỗi dịp Giáng sinh về, như nhắc lại một kỷ niệm đẹp, trong nó, bài Thánh ca mãi mãi không buồn, trái lại, mùa Giáng sinh như một động lực giúp nó sống phó thác hơn, hy vọng hơn.

… Vào một đêm Giáng sinh xa lắc xa lơ, cách đây đã hơn bốn mươi năm, bên mái nhà tranh leo lét ánh đèn dầu nơi miền quê nghèo chưa có điện lưới. Nó ngồi sưởi bên bếp lửa được nhen nhóm từ mấy gốc tre mục, vừa hong đôi bàn tay lạnh cóng, nó vừa vẽ ra trong đầu cảnh hang Belem ở một đất nước xa xôi, với tuyết trắng bay bay như bông thừng mực bung ra trong gió đông nơi góc vườn nhà nó. Dòng suy tư bị ngắt quãng khi có người bạn từ phố thị đến chơi, đèn điện chẳng có, nước uống cũng không, vì quê nó ngày ấy theo thói quen, cứ khát là chạy ra giếng kéo một gầu nước trong veo lên rồi ngửa cổ tu ừng ực, sao mà nó ngọt lịm như nước mía đá lạnh bây giờ. Ngọt là thế, nhưng dù sao bạn vẫn là trai thành thị, có mà muối mặt mới dám mời ly nước… mía ấy, mà nói là ly cho sang một chút, chứ có mà… mê ly, mê mãi rồi cũng ra cái bát đất uống nước chè tươi của bà nội đã lên nước nâu bóng.

Rồi nó cũng tìm cách thoát ra khỏi tình huống ấy là mời bạn đến nhà thờ “xem” hang đá. Chẳng oan chút nào khi nói là đi xem, giáo phận ngày đó thật hiếm linh mục, nên lễ đêm không có đã đành, cũng chẳng có dạ hội hay hoan ca mừng Giáng sinh, khách tôn giáo bạn hay các vùng lân cận không có thì chẳng nói chi, nhưng mà giáo dân cũng rất lười đi… xem, Vì có gì để mà xem. ngoài một hang đá nhỏ, lòng hang chỉ bằng chiếc chiếu cói, được mấy ông trùm, ông quản vừa quét dọn lúc ban chiều cho bớt bụi bặm, rồi bày bộ ảnh tượng Giáng sinh nhỏ với nắm lá thông đất làm máng cỏ. Ngọn đèn dầu mờ tỏ, lập lòe bên mấy chú chiên lừa, làm cho đêm Giáng sinh nơi thôn quê càng thêm phần lạnh giá. Ngắm hang đá một lát rồi nó rủ anh bạn ra về, phần vì cả khuân viên nhà thờ vắng vẻ quá nên nó thấy không tiện ở lại, phần vì anh bạn khác tôn giáo cứ hỏi những điều về tín lý, giáo lý Công giáo, mà nó thì chỉ biết ậm ừ như ngậm hột thị. Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy ngượng đỏ cả mặt, mà chẳng biết gì cũng đúng thôi, bọn trẻ như nó thời ấy giữ đạo theo truyền thống ông bà, cha mẹ, chứ làm gì được học giáo lý các cấp như bây giờ, càng không có các phương tiện thông tin nghe nhìn hiện đại như ngày nay. Mỗi năm được mấy ngày có cha về làm phúc trong mùa Chay, làng xóm rộn ràng hẳn lên theo tiếng chuông binh boong ngân dài. Rổi một năm hai lần vào mùa Phục sinh và dịp lễ Các Thánh, nó cùng bọn trẻ tập trung lại ở nơi mà mọi người gọi là nhà dẫy, ông quản mặc áo dài đen, vắt cái roi tre sau mông, vừa đi đi lại lại vừa gằn giọng “ Hỏỉ: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi? Nó cùng đám bạn gân cổ lên ra rả “Thưa: Đức Chúa Trời có ba Ngôi, Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần”. Hết mùa thi kinh bổn thì vốn liếng cũng cạn, làm gì còn mà… đầu tư cho buổi trắc nghiệm đêm Giáng sinh đáng nhớ ấy…

Dù chuyện tình của nó và anh bạn kia không tròn vì bà nội không đồng ý cho kết hôn với người… samari. Giờ đây, mỗi dịp Giáng sinh, kỷ niệm xưa lại ùa về, nhưng không có buồn, không có trách móc giận hờn, mà nó luôn nhắc mình hãy cố gắng học hỏi, tích lũy vốn liếng giáo lý, Kinh Thánh… để làm hành trang sống đạo cho mình và tha nhân. Dẫu biết rằng sự hiểu biết của nó chỉ như giọt nước nhỏ trong đại dương kiến thức Công giáo bao la, nhưng nó luôn tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa mọi việc mình làm, chắc chắn Ngài sẽ ra tay.

Ngày nay, dù ở vùng quê nào thì mùa Giáng sinh cũng đông vui náo nức, Giáng sinh không còn là lễ riêng của người Công giáo, mà đã trỏ thành ngày lễ hội trên toàn thế giới. Giáng sinh mang đến cho thế trần Vị Cứu Tinh, Ông Vua Thái bình, Người Cha muôn thủa, Ngài đến để hoàn thiện bài ca hạnh phúc bất diệt.

 Mờ – inh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *