Bụi Cây Cháy và Giếng Môsê trong kho tàng cổ thư quý giá

Tu viện Thánh Catherine ở Ai Cập một lần nữa chứng minh là nơi tồn trữ nhiều văn thư và tài liệu cổ quan trọng, sau khi bản viết tay của cha đẻ ngành y vừa được tìm thấy tại đây.

Ở phía nam bán đảo Sinai, ngay chân núi Sinai, Tu viện Thánh Catherine là một trong những tu viện cổ nhất của Kitô giáo. Trang tin International Business Times dẫn các nguồn liên quan với khảo cổ học cho biết, nơi đây chứa nhiều bản viết tay cổ và cực hiếm, cả bộ sưu tập độc nhất vô nhị về tôn giáo và lịch sử. Tất cả đều làm nổi bật tinh thần khoan hòa giữa các tôn giáo. Và trong cuộc trùng tu gần đây tại tòa nhà cổ kính và trang nghiêm này, các chuyên gia đã tìm thấy bản viết tay 1.500 năm tuổi, ghi lại một phương pháp chữa trị y khoa được truyền từ nhân vật huyền thoại của y học hiện đại, Hippocrates. Thế nhưng, đây chỉ là một trong vô vàn tài liệu, tác phẩm quý giá đang lưu trữ ở tu viện.

Bụi Cây Cháy và Giếng Môsê

Theo Sách Thánh, địa điểm xây cất tu viện là nơi Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê, bảo ông dẫn dắt dân Chúa khỏi Ai Cập và phán truyền Mười Điều Răn. Từ đó, nơi đây trở thành địa điểm linh thiêng của cả Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Nhiều người tin rằng, bụi cây gai đang sống ở nơi này nhiều khả năng cũng cùng loài với bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, được đề cập trong Sách Thánh. Trước đó vài thập niên, Hoàng hậu Helena, mẹ của Constantine Đại đế, đã cho dựng nhà nguyện mang tên Burning Bush (Bụi Cây Cháy) tại đây vào năm 337, nên nó còn có tên là Nhà nguyện của Thánh Helena. Đến thời Hoàng đế Justinian I (trị vì từ năm 527 – 565), nhà vua đã ra lệnh xây dựng một tu viện bao quanh nhà nguyện ban đầu trong giai đoạn 548 đến 565, và đặt tên là Tu viện Thánh Catherine.

Phần linh thiêng nhất của tu viện là Nhà nguyện Bụi Cây Cháy, là một căn phòng nhỏ đằng sau bệ thờ chính. Thông thường nơi này luôn đóng cửa, và những người nào bước vào phải đi chân trần, giống như ông Môsê đã làm khi tiếp cận bụi cây cháy. Bên dưới bệ thờ là ngôi sao bạc được cho là đánh dấu bụi cây ban đầu, còn cây được chiết sau này vẫn đang phát triển tươi tốt cách đó vài mét nhờ công chăm sóc của các tu sĩ. Một người hành hương tên Egeria, người đã đến đây vào thế kỷ thứ 4 (381-384), từng mô tả bụi cây linh thiêng “vẫn sống sót và đâm chồi”, nằm trong một khu vườn đẹp đẽ. Đây là bụi gai thuộc chủng hoa hồng gọi là Rubus sanctus, vốn bao gồm các loại khác như mâm xôi. Là loài thực vật sinh trưởng ở Đất Thánh, loại cây này nổi tiếng đặc biệt sống lâu.

Nằm trong khuôn viên của tu viện cũng có Giếng Môsê, còn gọi là Giếng Jethro, nơi ông Môsê gặp người vợ tương lai Zipporah. Theo Sách Xuất Hành ghi lại, Môsê đang ngồi nghỉ cạnh giếng thì gặp 7 con gái của Jethro đến lấy nước. Một vài tên chăn cừu đuổi họ đi và Môsê đã đứng ra bảo vệ. Để báo đáp ân tình, ông Jethro mời Môsê đến nhà và gả con gái cho. Cái giếng ấy ngày nay vẫn là một trong những nguồn cung cấp nước chính cho tu viện.

Kho báu nghệ thuật

Tu viện Thánh Catherine nổi tiếng với tài sản nghệ thuật vô giá. Bộ sưu tập hơn 2.000 thánh tượng tại đây có lẽ lớn nhất trên thế giới. Thư viện chứa 4.500 bản cổ thư về Kitô giáo, đứng thứ hai chỉ sau Thư viện Vatican ở Rome. Vị trí khá cô lập của tu viện đã giúp bảo tồn được những thánh tượng cổ nhất trong thời gian đập phá thánh tượng dưới thời hoàng đế Leo III của vương triều Byzantine vào thế kỷ thứ 8. Các thánh tượng đời đầu ở đây theo trường phái tự nhiên và hoàn toàn không bị cách điệu quá mức, trở thành khuôn mẫu cho nhiều trường phái thánh tượng sau này.

Trong khi đó, các bản thảo viết tay chủ yếu bằng tiếng Hy Lạp, nhưng không thiếu các tài liệu Ả Rập, Armenia, Coptic, Georgia, Xla-vơ và tiếng Syria cổ. Đáng tiếc là tu viện không còn giữ được bản thảo quý giá có tên Codex Sinaiticus, bản chép tay đa số nội dung Sách Thánh vào thế kỷ thứ 4 bằng tiếng Hy Lạp. Học giả Kinh Thánh người Đức Friedrich Constantin von Tischendorf đã phát hiện bản thảo cực hiếm vào năm 1844 và trao cho Sa hoàng Alexander I. Đến nay, phần lớn bản chép tay thuộc về Viện Bảo tàng Anh, mua từ chính quyền Liên Xô vào năm 1933 với giá 100.000 USD. Vào năm 2009, một dự án quốc tế đã công bố toàn bộ nội dung  Codex Sinaiticus trên mạng.

Tuy nhiên, báu vật vô giá và nổi bật nhất là bức tranh khảm đầy khác lạ về Sự biến hình của Chúa Giêsu, nằm bên trên bàn thờ của tu viện. Tác phẩm được bảo quản cẩn thận từ thế kỷ thứ 6, với hình ảnh Chúa Giêsu ở trung tâm, xung quanh Ngài là các nhà tiên tri Sinai, Môsê và Elijah, cùng các thánh tông đồ Gioan, Phêrô và Giacôbê. Vành trong của tác phẩm là chân dung của 12 thánh tông đồ.

Ban đầu, tu viện được xây nhằm vinh danh phép lạ biến hình, nhưng sau đó nó được đổi tên thành Thánh Catherine xứ Alexandria, một thánh tử đạo vào thế kỷ thứ 3. Tương truyền, việc đổi tên đã được thực hiện sau khi các tu sĩ phát hiện thi thể không bị phân hủy của thánh nữ, được các thiên thần đưa lên đỉnh núi Catherine (Jebel Katharina), ngọn núi cao nhất ở Sinai. Bên phải bệ thờ là quách bằng cẩm thạch chứa 2 tráp bạc đựng hộp sọ và bàn tay trái của vị thánh.

 

LING LANG (cgvdt.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *