Các lời nói hóm hỉnh của Cha Piô

  

Carlo Campanini là một trong các người con thiêng liêng được Cha Piô yêu mến, ông cũng là một diễn viên nổi tiếng, một ngày nọ ông nói với chúng tôi: “Cha Piô thích kể chuyện đùa, về chuyện này cha giỏi hơn tôi. Cha nắm được nghệ thuật làm ngắn gọn và đối đáp như một diễn viên lớn”.  Trên lãnh vực này, chúng ta có thể tin ở ông. Một ký giả nổi tiếng viết: “Cha Piô là người có tài kể chuyện, sống động và xuất sắc. Đặt cha vào chân tường, cha có thể dụ dỗ rất giỏi để thoát ra. Nếu chưa thoát ra được, cha sẽ làm cho người đối diện lạc hướng bằng những lối đi kỳ quái, những lời nói châm biếm. Cha có thể viện đến tài bắt chước của nghệ sĩ mà một thính giả thông minh, dù đã cảnh giác cũng không thể không mến chuộng. Nhưng nhất là nghệ thuật ăn nói hóm hỉnh, một năng khiếu hiếm hoi không ai là không thấy”.

Hơn nữa nghệ thuật ăn nói hóm hỉnh của cha không bao giờ là ngẫu nhiên, cha dùng nó trong sứ vụ chức thánh của mình. Những câu chuyện hài của Cha Piô thì nhiều vô số kể. Tôi chỉ ghi lại một số chuyện để độc giả có một khái niệm về tính hài hước của cha. 

Một tân binh chuẩn bị đón vua

Một trung sĩ chuẩn bị cho một tân binh để anh này trả lời các câu hỏi của vua khi vua đến thăm trại. Ông trung sĩ dạy cho anh học thuộc lòng các câu vấn đáp sau:

– Anh mấy tuổi?

– Hai mươi hai tuổi.

– Anh phục vụ được bao nhiêu năm rồi?

– Hai năm.

– Anh nguyện phục vụ ai nhất: vua hay tổ quốc?

– Cả hai!

Ông vua đến, và xui xẻo cho anh, ông vua không hỏi theo thứ tự mà anh tân binh học, nhưng hỏi như sau:

– Anh phục vụ được bao nhiêu năm rồi?

– Hai mươi hai năm.

– Anh mấy tuổi?

– Hai.

Ông vua sốt ruột kêu lên:

– Hoặc là anh ngu, hoặc tôi ngu!

Anh tân binh trả lời:

– Cả hai!

 

Cha Piô cười trong khi nghe giảng

Một trong các bạn tu của Cha Piô thấy cha cười đang khi nghe giảng. Người bạn hỏi thẳng cha: “Cha, vì sao hôm qua cha cười khi nghe giảng về cái chết?”

Cha Piô trả lời bằng tiếng địa phương vùng Napoli: “Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể nhịn được: một vài người giảng làm cho mình cười bất cứ cái gì, kể cả cái chết!” 

Cha Piô không sợ sét đánh

Một ngày nọ, Cha Piô và một bạn đồng tu ở trong hành lang khi có cơn giông bảo sấm sét lớn. Bạn của cha thấy sét đánh rất gần. Sợ hãi, ông nói với cha và lưu ý cha vì họ ở gần cột điện, ông nói: “Cha, ít nhất mình đi xa cột điện này. Ngày hôm qua, sét đánh chết mười người!” Cha Piô trả lời: “Vậy thì sao phải sợ, mình không bị hiểm nguy này, mình chỉ có hai!”

Cha Piô… chỉ có hai mươi xu

Một ngày nọ, Cha Piô kể cho các bạn nghe câu chuyện những ngày đầu cha nhận năm dấu thánh. Đó là năm 1922 hoặc 1923.

Một thợ chụp hình muốn khai thác sự kiện này, ông chụp vài tấm hình Cha Piô. Trên thực tế, nó không thành công cho mấy nhưng ông cũng in ra, ông giao cho một chú bé và nói nó đi bán hai mươi xu một tấm. Chú bé không khôn ngoan, lảng vảng ở khu vực gần tu viện, em thấy cha nghiêng người qua cửa sổ, vẻ mặt dễ sợ hét to: “Thằng bé kia! Ta sẽ trừng trị con, con đã bán ta vì hai mươi xu!” Đứa bé sợ quá bỏ chạy.

Cha Piô quay lại với các bạn và nói: “Dù vậy, ít nhất người ta có thể bán tôi đắt hơn!”

“Đi nói với giáo sư Lunedei…”

Một diễn viên nổi tiếng kể một trong những người bạn của anh được một giáo sư bác sĩ rất giỏi ở Florence săn sóc, người bạn kể với bác sĩ là ông muốn đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô. Vị giáo sư than trời: “Sao! Bạn đi gặp ông cuồng loạn đó sao? Về mặt khoa học, đó là người cuồng loạn! Cứ nghĩ đến Chúa Giêsu bị đóng đinh thì dấu thánh sẽ đến!”

Các lời nói này không làm lung lay ông, ông lên đường. Khi gặp Cha Piô và xưng tội xong, ông kể cho Cha Piô nghe lời ông bác sĩ nói. Cha trả lời: “Khi con về gặp giáo sư bác sĩ, con nói ông nên nghĩ nhiều về con bò để xem mình có mọc sừng không!”

Tổng thống nước Cộng hòa đến thăm…

Một ngày nọ, Tổng thống nước Cộng hòa Antonio Segni đến thăm Cha Piô. Ông giới thiệu phái đoàn đi cùng, trong đó có dân biểu Russo. Khi Cha Piô nghe chữ “Russo” (Nga) Cha Piô hỏi: “Trọng kính Đức Vua, vì sao Ngài chỉ mang đến một người Nga đến? Xin Ngài mang nhiều người Nga đến cho tôi!”

“Với cái đầu của con…”

Một trong các bà được cho là người làm “say đắm”, theo năm tháng bà già đi, xấu đi và chỉ còn là cái bóng của mình.

Bà bắt đầu suy nghĩ đến những chuyện phù du của cuộc đời và cảm thấy cần bám vào các giá trị vững bền. Bà quyết định đi xưng tội với Cha Piô.

Nhưng để đến gần cha, bà phải ghi tên và chờ đến lượt mình. Bà không nản lòng, ngược lại là đàng khác, để chắc ăn được gặp cha, bà ghi tên hai lần. Bà kiên nhẫn chờ và khi đến lượt mình, bà đi xưng tội. Ngày hôm sau đến lần thứ nhì, nhưng khi cha thấy bà, cha nói: “Con mới xưng tội hôm qua, con cần gì ở cha nữa?”

– Nhưng từ hôm qua đến nay, con có thể có thêm tội!

– Đi đi! Với cái đầu của con, không phải dễ phạm tội như con nghĩ đâu!”

Một sự tiếp đón trớ trêu

Một ngày nọ có hai nghệ sĩ đến thăm Cha Piô. Khi cha thấy họ ở hành lang, cha kêu lên: “Nhìn kìa các vẻ mặt này!”

Sau đó, người tháp tùng giới thiệu họ với cha: “Thưa cha, các nghệ sĩ này bây giờ quyết định không làm việc với cái chân của họ nữa, họ bắt đầu làm việc với cái đầu”, Cha Piô cắt gọn: “Thì họ cứ làm! Quan trọng là họ sửa sai”.

Rồi khi từ giã họ, cha nói: “Quý vị tiếp tục hạ mình nhé! Tóm lại, quý vị chưa bao giờ được vinh dự! Quý vị thay đổi ngay, nếu không tôi đuổi quý vị!”

“Nào, đã đến lúc!”

Linh mục Costantino Capobianco kể, với thời gian cha không còn nghe gì và cha rất khổ vì bị như vậy. Để giúp cha, cha Bề trên mua cho cha máy trợ thính, cha nghe được hơn.

Một ngày nọ, trong một buổi trò chuyện, Cha Piô hỏi xem nếu không có máy trợ thính cha Costantino có nghe được không. Cha trả lời mình sẽ không nghe được gì. Cha Piô xin cha rút máy ra một lúc, và khi cha Costantino rút máy ra, Cha Piô nói với các bạn: “Nào, bây giờ mình có thể nói xấu cha Costantino!”

“Vậy thì lỗi ở ai?!”

Cha Carmelo da Sessano là cha Bề trên tu viện khi cha nhận lệnh của Rôma, cho phép một nhóm nhân viên đài truyền hình đến quay phim một vài sinh hoạt hàng ngày của Cha Piô. Cha Piô phải chịu vì cha Bề trên xin Cha Piô để cho họ làm. Cha nghĩ là họ sẽ không quay lâu.

Khi cha rời phòng để xuống nhà nguyện dâng thánh lễ thì cha thấy nhóm quay phim đang chuẩn bị quay. Rồi cha đến dâng lễ ở bàn thờ Thánh Phanxicô nơi cha dâng lễ thời đó. Nhưng khi nghe tiếng máy quay phim kêu rè rè thì cha bực mình, quay phắt lại và kêu lên: “Hoặc là quý vị ngừng, hoặc là tôi ngừng! Tôi đi và tôi không làm lễ!”

Và thế là họ phải ngưng quay phim như dự trù, nhưng sau đó họ cũng quay lại, lúc được lúc không các sinh hoạt trong ngày của Cha Piô, ngài thì cố gắng không để ý nhiều chừng nào hay chừng đó và cũng giảm quay phim nhiều nhất có thể. Khi quay xong, cha Bề trên cho Cha Piô biết, tất cả nhân viên quay phim muốn cám ơn cha và muốn được cha ban phép lành. Cha Piô chấp nhận và tiếp nhóm quay phim, họ xin lỗi đã làm phiền cha; rồi họ cũng nói không phải lỗi của họ, họ chỉ tuân hành lệnh của cấp trên.

Khi đó Cha Piô cha phản hồi với giọng yếu ớt: “Quý vị nhận lệnh và đó không phải là lỗi của quý vị. Cha bề trên tu viện nhận lệnh và đó không phải lỗi của cha. Các cha bề trên Tỉnh Dòng nhận lệnh và đó không phải lỗi của họ. Vậy thì… lỗi của ai?…” 

“Cha phải ban phép lành như thế nào đây? Đổ một xô nước trên đầu con sao?”

Cô Grazia, một nông dân 29 tuổi bị mù từ bẩm sinh, cô thường hay đi lễ ở ngôi nhà thờ nhỏ của tu viện San Giovanni Rotondo. Một ngày nọ Cha Piô hỏi cô Grazia cô có muốn thấy không. Cô trả lời rất muốn, miễn là ơn này không làm cho cô phạm tội. Cha nói cô sẽ lành và cha gởi cô đến bác sĩ Durante, một bác sĩ giải pháp rất giỏi ở Bari.

Khi khám cho cô, bác sĩ nói giải phẫu cũng sẽ không làm cho cô thấy.. Ông khuyên cô nên xin Cha Piô làm phép lạ… Nhưng vợ của ông bác sĩ có mặt ở đó, bà nói nếu Cha Piô gởi bệnh nhân này đến là dấu hiệu bác sĩ có thể làm một cái gì. Vì sao mình không thử? Được thuyết phục, ông bác sĩ mổ cho bệnh nhân.

Ông mổ một con mắt… và cô Grazia thấy được với con mắt này. Ông mổ con mắt thứ nhì và Grazia thấy cả hai mắt. Ông bàng hoàng và không thể tìm được một lời giải thích nào đứng vững! Khi về lại San Giovanni Rotondo, cô Grazia chạy như bay đến cám ơn Cha Piô. Cô quỳ gối xuống trước mặt cha, người lần đầu tiên cô thấy, cô nói cho cha biết niềm vui, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của mình. Cha Piô đứng bất động nhìn cô, im lặng và mỉm cười. Cô Grazia xin cha ban phép lành, cha làm dấu thánh giá trên trán cô. Nhưng cô Grazia cứ nài nỉ: “Xin cha ban phép lành cho con, xin cha ban phép lành cho con!”

Rốt cùng Cha Piô phải kêu lên: “Cha phải ban phép lành như thế nào đây? Đổ một xô nước trên đầu con sao?!”

Marta An Nguyễn dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *