Các tín hữu tổ chức cuộc rước Đức Mẹ ở Nicaragua bất chấp đàn áp và bắt bớ

1. Các tín hữu tổ chức cuộc rước Đức Mẹ ở Nicaragua bất chấp đàn áp và bắt bớ

Hàng trăm giáo dân và giáo sĩ của Giáo phận León, Nicaragua, một giáo phận đau khổ của Tổng giáo phận Managua, đã tham gia vào Chúa Nhật hàng năm trong cuộc rước tượng Đức Mẹ Thương Xót, bổn mạng của giáo phận.

Các tín hữu tổ chức cuộc rước Đức Mẹ ở Nicaragua bất chấp đàn áp và bắt bớ

Đám rước được tổ chức trong bối cảnh liên tiếp có các hành động đàn áp chống lại Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ độc tài Daniel Ortega ở một số thành phố trong nước, đặc biệt là ở Matagalpa, nơi Đức Cha Rolando Álvarez bị cảnh sát bắt cóc vào giữa đêm và đang bị quản thúc tại Managua.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 21 tháng 8, theo giờ địa phương, tượng Đức Mẹ đã được rước ra khỏi Đền Đức Mẹ Thương Xót của giáo phận sau khi được linh mục Mauro Paniagua, cha quản xứ của đền thờ, ban phép lành.

Khi rời khỏi nhà thờ, hàng trăm tín hữu, các thành viên của giáo sĩ và một ban nhạc kèn đồng tháp tùng đám rước với hình ảnh được một số người đàn ông giữ trên cao để đưa đến Fortín de Acosasco, một pháo đài quân sự cũ trên đỉnh đồi Acosasco, ngày nay được sử dụng như một trạm quan sát thời tiết.

Vào khoảng 1 giờ chiều, tượng Đức Mẹ được đưa đến pháo đài, và Thánh lễ được dâng bởi Cha Paniagua. Vào cuối buổi lễ, các bài hát đã được hát để tôn vinh Đức Trinh Nữ.

Một giờ sau, hình ảnh trở lại ngôi đền cùng với vô số tín hữu.

Đức Mẹ của Lòng Thương Xót đã được tuyên bố là bổn mạng của León vào ngày 17 tháng 7 năm 1912, bởi Đức Cha Simeon Pereira y Castellón là Giám Mục Bản Quyền lúc bấy giờ.

Đền thờ Đức Mẹ Thương Xót của Giáo phận lưu giữ hình ảnh, được các tu sĩ Dòng Thương Xót mang từ Barcelona, Tây Ban Nha, đến đây nhiều thế kỷ trước.

Vào ngày 13 tháng 8, một cuộc rước lớn với bức tượng Đức Mẹ Fatima hành hương để bắt đầu Thánh lễ bế mạc tại nhà thờ chính tòa Managua cho Đại hội Đức Mẹ có tiêu đề “Đức Maria, Mẹ của Hy vọng,” nhưng vào dịp đó bọn cầm quyền đã cấm sự kiện này. Thay vào đó, một đám rước nhỏ hơn đã được tổ chức tại giếng nước của nhà thờ chính tòa. Hàng nghìn người đã tham dự, nhiều người vẫy cờ Nicaragua và Vatican và kêu lên: “Đức Maria đến thăm Nicaragua và Nicaragua thuộc về Đức Maria!”


Source:Catholic News Agency

2. Các nữ tu ở Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do

Bốn nữ tu bị bắt cóc khi đang trên đường tham dự Thánh lễ ngày 21 tháng 8 đã được thả.

Các nữ tu Johannes Nwodo, Christabel Echemazu, Liberata Mbamalu và Benita Agu đã bị bắt cóc vào ngày 21 tháng 8 tại bang Imo của Nigeria, nằm ở phía nam đất nước.

Sau hai ngày “cầu nguyện mãnh liệt” để họ “được thả nhanh chóng và an toàn”, Các Nữ Tu của Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế đã thông báo về “việc trả tự do vô điều kiện và an toàn” cho những người bị bắt cóc trong một tuyên bố vào ngày 23 tháng 8.

“Hôm nay là một ngày đáng nhớ đối với chúng tôi, do đó, chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui này với tất cả những người nam nữ thiện chí, những người bằng cách này hay cách khác đã góp phần vào việc giải phóng các chị em thân yêu của chúng tôi một cách nhanh chóng và an toàn”.

Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế là một hội dòng ở Nigeria chăm sóc người nghèo, người già và bệnh tật. Nhà dòng đã không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kẻ có thể đã gây ra vụ bắt cóc.

Các vụ bắt cóc các tín hữu Kitô ở Nigeria đã gia tăng trong những năm gần đây, một tình huống khiến các nhà lãnh đạo Giáo hội bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về an ninh của các thành viên của mình và kêu gọi chính phủ củng cố an ninh cho các công dân.

Đặc biệt, các linh mục thường bị bắt cóc và bị giữ để đòi tiền chuộc. Vào ngày 11 tháng 7, Hiệp hội Linh mục Công Giáo Giáo phận Nigeria đã đưa ra một tuyên bố về các vụ tấn công, nói rằng, “thực sự đáng buồn là trong quá trình hoạt động mục vụ bình thường của họ, các linh mục đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.”

Gần đây nhất, vào tháng Bảy, Cha John Mark Cheitnum và Cha Denatus Cleopas đã bị bắt cóc tại nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua ở thị trấn Lere, bang Kaduna phía bắc Nigeria. Cha Cleopas được trả tự do, nhưng Cha Cheitnum bị giết một cách dã man.

Chuyên gia an ninh David Otto, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Phi Châu, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nói với CNA vào tháng 7 rằng sự đồng thuận của các chuyên gia an ninh trong nhóm của ông là Giáo Hội Công Giáo đang bị tấn công vì Giáo Hội đã trả số tiền chuộc rất lớn mà bọn khủng bố yêu cầu, có thể lên tới 200.000 USD hoặc hơn.


Source:Catholic News Agency

3. Bóng tối chiến tranh lấp ló trong chuyến thăm Kazakhstan của Đức Giáo Hoàng

Trong khi mục đích chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan sẽ là để tham dự Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới, cuộc họp liên tôn giáo cũng sẽ là bối cảnh cho cuộc gặp được mong đợi từ lâu của ngài với Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn gặp Thượng Phụ Kirill trong nhiều tháng qua. Ngài nói với Univision, mạng lưới tiếng Tây Ban Nha, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 7 rằng ngài dự định gặp giáo chủ Chính Thống Giáo Nga trong chuyến thăm từ ngày 13 đến 15 tháng 9 tới Kazakhstan.

Đức Giáo Hoàng nói với Univision rằng ngài có “mối quan hệ tốt” với Thượng phụ Kirill, là người đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bất chấp những quan điểm dị biệt của họ về cuộc chiến, Đức Giáo Hoàng nói, “Rõ ràng là quan điểm của ông ấy bị quy định bởi quê hương của ông ấy theo một cách nào đó; điều đó không có nghĩa là ông ta là một người đàn ông không đứng đắn. Không; Thiên Chúa biết trách nhiệm đạo đức của mỗi người trong sâu thẳm trái tim họ”.

Trang web của đại hội nêu rõ rằng được tổ chức ba năm một lần, Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là sáng kiến của tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, như một cách thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo.

Trang web của đại hội nói thêm rằng một mục tiêu khác của đại hội là ngăn chặn “việc lợi dụng tình cảm tôn giáo của mọi người để làm leo thang xung đột và thù địch”.

Đức Cha Adelio Dell’Oro của Karaganda, Kazakhstan cho biết: Mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill vẫn chưa được công bố, nhưng cuộc gặp như vậy diễn ra tại Kazakhstan trong Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là rất quan trọng,

“Sẽ thật tuyệt nếu cuộc gặp gỡ đó diễn ra ở đây và người ta sẽ hiểu rằng tôn giáo không phải phục vụ nhà nước, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với giáo chủ trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với ngài,” Đức Cha Dell’Oro nói với SIR, cơ quan thông tấn của Hội đồng Giám mục Ý, trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 1 tháng Bảy.

“Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo tinh thần phải khẳng định rằng tôn giáo là một nhân tố của sự hợp nhất và hòa giải, và do đó trách nhiệm đối với các tín hữu, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, là phải kiến tạo hòa bình.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng phụ Kirill đối với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, đặc biệt là việc ông biện minh cuộc chiến này như một biện pháp bảo vệ chống lại sự vô đạo đức của phương Tây, đã gây ra rạn nứt trong Giáo hội Chính thống Nga và làm căng thẳng quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt thẳng thừng khi nhắc nhở Thượng phụ Kirill về vai trò thích hợp của một mục tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, xuất bản ngày 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong một cuộc họp Zoom vào giữa tháng Ba, ngài đã nói với giáo chủ, “Anh ơi, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải nói ngôn ngữ của Chúa Giêsu. “

Đức Giáo Hoàng nói với tờ báo Ý: “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Tuy nhiên, lời nhắc đó đã khiến Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phản ứng dữ dội.

“Giáo hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này”, vị thượng phụ nói ngày 4 tháng 5. “Những tuyên bố như vậy không có khả năng góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Công Giáo Rôma và các nhà thờ Chính thống Nga, điều đặc biệt cần thiết tại thời gian hiện tại.”

Tuy nhiên, ngay cả trong Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng có người đồng ý với Đức Giáo Hoàng rằng “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã từ chối yêu cầu của Thượng Phụ Kirill phải ra một tuyên bố lên án Đức Giáo Hoàng. Kết quả là Thượng Phụ Kirill đã cách chức Tổng Giám Mục Hilarion và đưa sang Áo coi sóc một giáo đoàn vài trăm người.


Source:Crux

4. Cha Lombardi nhìn lại những năm phục vụ ba vị giáo hoàng

Cựu giám đốc của Đài phát thanh Vatican và Văn phòng Báo chí Tòa thánh sẽ bước sang tuổi 80 vào thứ Hai, ngày 29 tháng 8. Tu sĩ Dòng Tên người Ý, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhìn lại sự nghiệp lâu dài và đáng kinh ngạc của mình trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, là tờ báo hàng ngày của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Cha Federico Lombardi tốt nghiệp Đại học Turin với bằng toán học năm 1969, và được thụ phong linh mục ở Đức năm 1972, nơi ngài làm tuyên úy cho những người Ý xa xứ. Với xuất thân này, ngài dường như không có duyên để phục vụ trong lĩnh vực truyền thông của Đức Giáo Hoàng, nhưng con đường của ngài dần dần đưa ngài đến với chức năng “phát ngôn viên” của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là giám đốc văn phòng báo chí Vatican từ năm 2006 đến năm 2016. Ngài cũng đã lãnh đạo Đài phát thanh Vatican trong một phần tư thế kỷ, từ 1990 đến 2016, và đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ nhà báo.

Trong khi đặc biệt thân thiết với Đức Bênêđíctô XVI và vẫn là chủ tịch của Quỹ Ratzinger, ngài cũng đã phục vụ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong ba năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, người mà ngài chia sẻ “ngôn ngữ của linh đạo Y Nhã” như một tu sĩ Dòng Tên. Ngài nhấn mạnh “hơi thở của không khí trong lành” mà Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã mang lại “bên trong và bên ngoài Giáo hội”. Vài ngày trước khi đạt được cột mốc kép là 80 tuổi và 50 năm linh mục, cha Lombardi rất thanh thản. Ngài nói: “Tôi sống chức vụ của mình với hy vọng và đức tin, không hoài niệm về quá khứ huy hoàng của Dòng tôi” và “luôn nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai của Giáo Hội, và những người sẽ đến sau tôi”.


Source:Avnire

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *