Cách giải toả stress

 

1. Nguyên nhân

Ngày nay, trong y khoa, người ta hay nói đến một chứng bệnh gọi là “stress”, tạm dịch là sự “căng thẳng”. Sự căng thẳng tự nó thật ra chưa phải là bệnh, nhưng lâu ngày nó có khả năng phát thành bệnh : bệnh tật hoặc tâm bệnh.

Nguyên nhân. Sự căng thẳng có nhiều nguyên nhân khác nhau :

Có khi là quá ưu tư lo lắng về cuộc sống như về gia đình, con cái.

Có khi là do vất vả trong công việc, làm việc đến thở chẳng ra hơi.

Có khi là do sống bên cạnh một người luôn cau có, lắm chuyện, mặt mũi chẳng vui, luôn gây chuyện với kẻ khác, ăn nói xóc óc,  khó ăn khó ở với người ta.

Chuyện con cừu và con chó sói. Để diễn tả phần nào sự căng thẳng, người ta hay kể câu chuyện sau đây : “Một con cừu được nhốt cạnh chuồng một con chó sói. Con cừu được chủ cho ăn ngon, nhưng nó chẳng màng chi đến ăn với uống, bởi vì đêm ngày nó cứ nơm nớp sợ con chó sói sẽ vồ nó. Con cừu cứ gầy ốm dần và chết”.

Câu chuyện đơn sơ, nhưng nói với chúng ta nhiều điều rất sâu xa và cũng rất thực tế, đó là khi ta sống với người khác, hãy nỗ lực tạo một cuộc sống an bình, vui tươi, đừng làm điều chi không hay kẻo gây căng thẳng, bầu khí chung ra nặng nề chẳng vui. Buồn vui thì ai mà chẳng có, nhưng vì bác ái với người khác ta nên hi sinh.

2. Triệu chứng:

Để thắng vượt “stress”, cần nhận định rõ những triệu chứng của nó. Stress có thể sinh ra nhức đầu, chóng mặt, đau nhói bao tử, ăn khó tiêu. Có người thì bị những dị ứng bên ngoài trên da mặt hoặc tay chân mình mẩy. Có người thì hay cau có, hay đụng độ với kẻ khác, thành thử nhà cửa bao giờ cũng um sùm như mổ bò. Đó là những triệu chứng của stress. Người ta ví Stress như “chất nổ ngầm bên trong trước khi chúng được phát hiện bên ngoài”. Người hay căng thẳng xuất hiện ở đâu thì ở đo những kẻ khác đương nhiên phải khổ, không có bình an, niềm vui.

3. Cách giải toả stress.

a. Mỗi ngày dành một chút thời giờ cho chính mình, biết nghỉ ngơi để cho thể xác và tâm thần được thoải mái, bởi vì : “Dây cương căng quá có ngày sẽ đứt’. Vì hạnh phúc của mình và của kẻ khác, đôi khi phải hi sinh ngay cả công việc hoặc đừng quá tham công tiếc việc. Nên nhớ khi chúng ta thương mình là ta cũng đang thương người khác đó. Nên nhớ, thân xác con người không phải là cái máy. Mà ngay cả cái máy thì nó cũng cần được nghỉ. Ngắm nhìn hoa lá cỏ cây, nghe nhạc, lần hạt … cũng là những cách thế giải toả căng thẳng.

b. Biết sống phó thác. Trước khi đi ngủ, ta dâng hết mọi sự cho Chúa và Đức Mẹ : niềm vui nỗi buồn, thành công thấy bại, ưu tư lo lắng, gia đình con cái rồi đọc kinh phó dâng, ta sẽ tìm lại được sự an bình và sức mạnh.

Một ngày nọ, có Đức Giám Mục đến gặp ĐGH Gioan 23 và nói với ngài về sự lo lắng đến mất ăn mất ngủ của mình rồi xin ĐGH ý kiến. Nghe xong, ĐGH cười và nói tếu táo như sau : “Ngày tôi được bầu làm Giáo Hoàng, tôi cũng mất ăn mất ngủ như Đức Cha vậy. Thế rồi một đêm kia, khi tôi đang trằn trọc, một thiên thần đến sờ vào cái bụng to của tôi và nói : Gioan ơi, ngươi lo lắng mà làm gì, Giáo Hội là của Chúa chứ của ngươi đâu mà ngươi lo. Từ đó, tôi không còn mất ngủ nữa”.

c. Sống “hiền lành và khiêm nhường” là cách thức giải toả căng thẳng rất hữu hiệu.

Người hiền lành và khiêm nhường ít khi căng thẳng vì không thích gây gổ cũng như không thích phần thắng về  mình.

Lm Phêrô Trần Đình, Dalat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *