Căng thẳng lớn trong tiến trình xác nhận Barrett. Vị Thẩm Phán anh hùng (phò sự sống – chống phá thai) nói thẳng ý kiến của mình

1. Không khí căng thẳng bên ngoài Thượng Viện Hoa Kỳ trong tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett

Từ hôm thứ Hai 12 tháng 10, là ngày đầu tiên diễn ra tiến trình xác nhận Amy Coney Barrett, những người ủng hộ sự sống, những người phản đối việc phá thai đã tham gia cuộc biểu tình trước Thượng Viện Hoa Kỳ kêu gọi các Thượng nghị sĩ xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett.

Bầu không khí đã rất sôi động trên Đồi Capitol từ sáng sớm khi những người ủng hộ Amy Coney Barrett đến từ mọi hướng để chào đón cô khi cô đến để bắt đầu phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện.

Một nhóm những người phản đối việc xác nhận của Barrett cũng đã tập trung trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và diễu hành về phía khuôn viên Thượng viện, nơi họ chạm trán với những người ủng hộ cô.

Những người biểu tình chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett chùm kín người trong bộ đồ hazmat trắng như một cách chê bai Tổng thống Trump trong việc ông đối phó với đại dịch coronavirus.

Những người khác mặc những áo vest, người Mỹ gọi là ‘clinic escort’, nghĩa là ‘hộ tống vào phòng khám phá thai’. Trước hàng dài những người phò sinh tổ chức các cuộc biểu tình trước các phòng khám phá thai, những kẻ mặc những áo vest này là các nhân viên của phòng khám có nhiệm vụ đưa các phụ nữ phá thai vào bên trong.

Nhiều người chống Thẩm Phán Amy Coney Barrett mang các bích chương có dòng chữ “Save Roe” nghĩa là Cứu lấy phán quyết Roe chống Wade” là phán quyết cho phép phá thai được Tòa Án Tối Cao đưa ra vào năm 1973.

Những người chống Thẩm Phán Amy Barrett hò hét và đánh trống rất dữ tợn nhưng số người ủng hộ Thẩm Phán Công Giáo Amy Barrett đông hơn gấp bội.


Source:LifesiteNews

2. Phát biểu của Thẩm Phán Amy Coney Barrett trước các Thượng nghị sĩ

Các phiên điều trần tại Thượng viện về việc xác nhận Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao đã bắt đầu vào hôm thứ Hai, ngày 12 tháng 10. Phiên điều trần này được tổ chức trực tiếp một phần tại Washington và một phần từ xa.

Trong bài phát biểu mở đầu, được công bố trước vào hôm Chúa Nhật, ngày 11 tháng 10, Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ lý do tại sao cô ấy chấp nhận việc đề cử của Tổng thống Trump và những gì cô ấy tin rằng mình sẽ mang đến cho Tòa án Tối cao.

Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã từng có kinh nghiệm trải qua các chỉ trích của các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm vào năm 2017 cho nên cô nói rất hùng hồn, và đặc biệt là không che dấu quan điểm của mình nhằm vuốt ve các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ. Có nói kiểu gì họ cũng sẽ bỏ phiếu chống, cho nên cô trình bày thẳng thừng quan điểm của mình.

“Tôi tin rằng người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc xứng đáng có một tòa án độc lập giải thích Hiến pháp và luật pháp của chúng ta như những gì đã được viết ra. Và tôi tin rằng tôi có thể phục vụ đất nước của mình bằng cách đóng vai trò đó”.

Barrett đã vạch ra quan điểm của cô ấy về cách thức hoạt động của một tòa án, cũng như triết lý tư pháp của cô ấy. Cô Barrett nói rằng mình được truyền cảm hứng từ Cố Thẩm Phán Antonin Scalia, là người mà cô đã từng là thư ký riêng trong nhiều năm.

“Scalia đã dạy tôi nhiều điều hơn là luật. Ông ấy hết lòng vì gia đình, kiên quyết với niềm tin của mình và không sợ bị chỉ trích. Và khi bắt tay vào sự nghiệp pháp lý của riêng mình, tôi quyết tâm giữ nguyên quan điểm đó”.

“Có một xu hướng trong nghề nghiệp của chúng tôi là duy luật, trong khi mất tầm nhìn về mọi thứ khác. Điều này tạo nên một cuộc sống nông cạn và không viên mãn”.

Barrett cho biết cô đã làm việc chăm chỉ với tư cách là luật sư và giáo sư, là điều mà cô gọi là món nợ đối với các thân chủ, sinh viên và bản thân mình, nhưng cô ấy “không bao giờ để luật xác định căn tính của tôi hoặc lấn át phần còn lại của cuộc đời tôi”.

Thẩm phán Barrett nói rằng tâm lý này ảnh hưởng đến cách cô nhìn nhận vai trò của tòa án.

“Toà án có trách nhiệm quan trọng là thực thi các quy tắc của pháp luật, đó là điều quan trọng đối với một xã hội tự do”.

“Nhưng tòa án không được thiết kế để giải quyết mọi vấn đề hoặc đưa ra phán quyết cái gì là đúng cái gì là sai trong đời sống công cộng của chúng ta. Các quyết định liên quan đến chính sách và việc thẩm định các giá trị của chính phủ phải được thực hiện thông qua các nhánh chính trị do Nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Công chúng không nên mong đợi các tòa án làm như vậy, và các tòa án không nên cố gắng làm như thế.”

Barrett giải thích rằng đây là triết lý tư pháp của cô trong suốt thời gian làm việc tại Tòa phúc thẩm thứ bảy và cô đã làm việc để đưa ra các kết luận “được luật pháp yêu cầu”.

“Tôi cố gắng lưu tâm rằng, mặc dù tòa án của tôi quyết định hàng nghìn vụ án mỗi năm, nhưng mỗi vụ án đều là quan trọng nhất đối với các bên liên quan. Nói cho cùng, không trường hợp nào hoàn toàn giống như các quy chế.”

Barrett cho biết cô luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của bên thua cuộc khi quyết định một vụ kiện, và tự hỏi bản thân mình sẽ đánh giá phán quyết ấy như thế nào nếu một trong những đứa con của cô liên quan đến bên thua cuộc.

“Mặc dù tôi không muốn kết quả đó, tôi có hiểu rằng quyết định đó là hợp lý và có căn cứ theo luật không? Đó là tiêu chuẩn tôi đặt ra cho mình trong mọi trường hợp, và đó là tiêu chuẩn tôi sẽ tuân theo khi nào tôi còn là thẩm phán của bất kỳ tòa án nào.”

Các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện phát biểu trước phát biểu khai mạc của Barrett. Các thành viên đảng Dân chủ chủ yếu chỉ trích đề cử của Barrett, trong khi các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhất mực ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California cho rằng Barrett quá “Công Giáo” nên không thích hợp với vai trò Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao. Dianne Feinstein lặp lại một lo ngại của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina, chủ tịch của ủy ban tư pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên điều trần vào sáng thứ Hai, nói rằng ông hy vọng sẽ thấy một quy trình xác nhận “trong sự tôn trọng”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Hồng Y Pell tại Vatican

Đức Hồng Y George Pell, nguyên tổng trưởng Bộ Kinh Tế Tòa Thánh, đã triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican vào hôm Thứ Hai.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết buổi tiếp kiến diễn ra vào ngày 12 tháng 10, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Một đoạn video về cuộc gặp gỡ cho thấy Đức Thánh Cha đã bắt tay vị Hồng Y người Úc, trong khi nói: “Rất vui được gặp lại Đức Hồng Y.”

Sau khi hai người đã yên vị, Đức Thánh Cha nói thêm: “Cảm ơn vì chứng tá của Đức Hồng Y.”

Một nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y nói với tờ National Catholic Register rằng cuộc họp kéo dài 30 phút “rất ấm cúng và thân tình”.

Đức Hồng Y Pell đã đến Rôma vào ngày 30 tháng 9 trong chuyến thăm đầu tiên đến Vatican kể từ khi ngài về Úc vào năm 2017 để chứng minh mình vô tội trước các cáo buộc lạm dụng.

Vị Hồng Y người Úc đã trở lại Vatican chưa đầy một tuần sau khi Hồng Y Angelo Becciu từ chức một cách đầy kịch tính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9 trong bối cảnh ngài bị cáo buộc có các hành vi sai trái tài chính.

Đức Hồng Y Becciu trước đây đã từng làm việc với tư cách là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nơi ngài đã nhiều lần xung đột với Đức Hồng Y Pell về việc cải cách tài chính của Vatican.

Đức Hồng Y Pell đã phản ứng lại tin Hồng Y Becciu từ chức với lòng biết ơn.

“Đức Thánh Cha được bầu để làm thanh tẩy nền tài chính của Vatican. Ngài đã chơi một trận đấu dài hơi và sẽ được cảm ơn và chúc mừng về những phát triển gần đây”, Đức Hồng Y Pell viết trong một tuyên bố gửi cho CNA vào ngày 25/9.

Đức Hồng Y Becciu đã bác bỏ tuyên bố trên các phương tiện truyền thông Ý cho rằng ngài đã chuyển tiền đến Australia nhằm gây ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử Pell.

Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, ngài nói rằng ngài chưa bao giờ tìm cách can thiệp vào quá trình này.


Source:Catholic News Agency

4. Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phê bình toan tính giải thích lại nhân quyền.

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, ở New York, Hoa Kỳ, là Ðức Tổng giám mục Gabrielle Caccia, phê bình sự giải thích lại các quyền con người để mưu lợi cho những người quyền thế và gây hại cho những người yếu thế.

Trong bài tham luận, hôm 6 tháng 10 năm 2020, tại khóa họp thứ III thuộc Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, Ðức Tổng giám mục Caccia nói rằng: “Tòa Thánh rất quan tâm vì càng ngày người ta càng tạo sức ép đòi giải thích lại chính các nền tảng của các quyền con người, và như thế làm thương tổn sự thống nhất nội tại của các quyền con người và xa lìa sự bảo vệ phẩm giá con người, và nhắm thỏa mãn những lợi lộc chính trị và kinh tế. Lối tiếp cận như thế, tạo nên một phẩm trật trong các quyền con người, bằng cách tương đối hóa phẩm giá con người và dành nhiều giá trị hơn cho các quyền được thêm vào cho những người giàu mạnh, trong khi đó lại gạt bỏ những người yếu thế”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đặc biệt phê bình chủ trương cổ võ phá thai và làm cho chết êm dịu, coi chúng là “nhân quyền”. Ðức Tổng giám mục Caccia nói: “Sự không hiểu bản chất và thực tại các quyền con người dẫn tới những chênh lệch và bất công trầm trọng. Ví dụ, cố tình không biết đến các thai nhi ở trong lòng mẹ hoặc đối xử với sinh mạng của người già và những người khuyết tật như những gánh nặng không thể chịu nổi đối với xã hội”.

Ðức Tổng giám mục Caccia trưng dẫn Thư “Người Samaritano nhân lành”, mà Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 22 tháng 9 năm 2020, khẳng định rằng: “Cũng như không có quyền phá thai, thì cũng không có quyền làm cho chết êm dịu: có luật pháp qui định rằng không được giết chết, nhưng phải bảo vệ sự sống và tạo điều kiện dễ dàng cho sự sống chung giữa con người với nhau”.

Ðức Tổng giám mục Caccia nói thêm rằng chính đặc tính thánh thiêng của sự sống con người đã thúc đẩy Tòa Thánh chống lại án tử hình.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *