Sinh lời nén bạc Chúa trao (02.09.2023 – Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 1,26-31 (năm chẵn), 1 Tx 4,9-11 (năm lẻ), Mt 25,14-30

Bài đọc 1 (năm chẵn): 1 Cr 1,26-31

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.  Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,  hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,  hợp như lời đã chép rằng : Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 25,14-30)

14 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói : ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21 Ông chủ nói với người ấy : ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói : ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23 Ông chủ nói với người ấy : ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói : ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !’ 26 Ông chủ đáp : ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27 thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”

 

Sinh lời nén bạc Chúa trao (02.09.2023)

Ghi nhớ:

“Ông chủ đáp: Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác. Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu cả vốn lẫn lời chứ.” (Mt 25, 25-27)

Suy niệm:

Một người đàn bà nọ, tuổi đã ngoài 70 rồi, song bà ấy có một cái thú đam mê là chơi đánh bài. Tiền con cháu cho bà để bà tiêu pha, mua đồ ăn bồi dường thì bà dùng nó vào việc cờ bạc. Thế rồi bà bị công an bắt, mới đầu họ chỉ cảnh cáo rồi cho về, nhưng bà không thay đổi, vẫn cứ tiếp tục tụm ba tụm năm để chơi trò đỏ đen. Bà lập luận rằng: “ Tôi chơi chỉ lấy vui làm chính, có ăn thua bao nhiêu đâu mà sợ. Vả lại tôi già cả rồi ai mà bắt tôi”. Thế rồi bà cứ tiếp tục chơi, đến khi bị bắt nữa, công an xử phạt hành chánh bà một triệu năm trăm ngàn đồng, bà ngoan cố không chịu nộp tiền phạt còn nói rằng: “Tôi già rồi ai mà bắt bớ tôi làm gì?”. Thế rồi khi bị bắt đến lần thứ ba, công an họ bắt và bà bị truy tố hình sự, khi ra toà với kết luận là ngoan cố, chống đối và phạm tội nhiều lần bà bị toà tuyên phạt sáu tháng tù giam. Trong lúc xét xử, vị chủ toạ phiên toà đặt cho bà một câu hỏi như sau:

Bị cáo năm nay đã bảy mươi ba tuổi đời rồi. Chắc chắn bị cáo có nhiều con, nhiều cháu, thậm chí có thể còn có chắt nữa. Thế mà bị cáo không làm gương cho chúng mà lại chiều theo tính xấu, ham mê cờ bạc, vậy thì bị cáo dạy dỗ con cháu mình làm sao đây?

Chắc chắn trong thời gian ở tù, bà sẽ ân hận và suy nghĩ nhiều về việc mình đã trót làm…

Thiên Chúa tạo dựng nên con người. Ngài phú ban cho họ biết bao ơn lành, từ ngoại hình đẹp đẽ đến trí khôn minh mẫn, sức khoẻ, thời gian…Với những khả năng đó, tất nhiên mọi người phải có nghĩa vụ và bổn phận phải phát huy, sinh lời những “vốn liếng”đã được trao ban đó. Ngoài việc trau dồi bản thân để mỗi ngày nên tốt hơn, chúng ta còn có trách nhiệm giúp đỡ mọi người chung quanh bằng vật chất cũng như tinh thần bằng đời sống đạo đức, nêu gương.

Có người suy nghĩ tiêu cực như thế này: “Tôi sống không làm hại ai, không trộm cắp, không giết người, không ăn gian nói dối, không vợ nọ con kia, không xì ke ma tuý…sống như vậy là đã tốt lắm rồi”. Thưa không. Trong Kinh Thú Nhận mà chúng ta đọc trước khi tham dự lễ có nói rằng: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Như vậy, những việc lành có thể làm mà vì lười biếng chúng ta đã không làm thì vẫn bị coi như là đã phạm tội. Ngày nay trong xã hội, bộ lụật hình sự, điều 132 quy định sẽ truy tố kẻ nào có điều kiện giúp đỡ người gặp hoạn nạn mà lại làm ngơ, không ra tay cứu giúp dẫn đến người gặp nạn thiệt mạng, thì kẻ ấy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu Kinh Thánh: “Kẻ có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25,29) Làm cho chúng ta, khi mới nghe qua có vẻ nghịch lý,  không công bằng. Nhưng nếu ta phải suy xét cho kỹ thì chúng sẽ thất rất chí lý. Một thí dụ minh hoạ; chẳng hạn như chúng ta có rất nhiều tiền trong tay, nhưng cứ ở không mà ăn sài phung phí, thì rồi sẽ có ngày hết sạch, nhưng nếu chúng ta dùng tiền của đó để kinh doanh buôn bán hay phát triển ngành nghề gì đó thì chúng ta sẽ có lời vì đồng tiền sẽ sinh lợi tức. Vận dụng vào lãnh vực thiêng liêng cũng thế, nếu Chúa ban cho chúng ta có nhiều tài năng này khác, nếu chúng ta không ra sức phát huy, làm cho sở trường ấy phát triển hơn lên, để từ đó thăng tiến bản thân và giúp ích cho anh em thì khả năng Chúa bân sẽ bị mai một đi theo thời gian. Ngược lại, khi chúng ta cố gắng phát huy những nén bạc Chúa ban, mà tiến thân, đồng thời phục vụ tha nhân rồi thì Chúa lại ban thêm cho chúng nhiều ơn lành hồn xác khác nữa để chúng ta tiếp tục phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương giúp ích cho mọi người.

Cuối bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã lên án hình phạt nặng nề đối với những kẻ đã nhận biết bao ân lành của Ngài mà không chịu hết lòng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em “Còn những tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhìn lại mình xem, những ân sủng mà Chúa đã trao ban cho mình, chúng ta đã xử dụng một cách xứng đáng chưa? Nếu chưa, thì chúng ta phải thay đổi ngay lối sống để sau này không bị Chúa kết án như người đây tớ vô dụng kia.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, nhiều khi vì sống ích kỷ, bao ơn lành Ngài đã ban cho mà chúng con đã cất giấu không làm cho sinh lợi ra, nay chúng con  xin lỗi Chúa và từ nay trở đi, chúng con quyết tâm thi hành điều Chúa dậy, xin Chúa ban ơn khôn ngoan và sức mạnh để chúng con luôn biết làm sinh lợi những khả năng Chúa ban để sau này xứng đáng nhận phần thửơng Chúa ban. Amen.

Sống Lời Chúa:

Việc gì trong khả năng của mình thì quyết tâm thực hiện.

Đaminh Trần Văn Chính. 

Trách nhiệm của các bậc cha mẹ (27.08.2022)

Ngày 27.08: Lễ Nhớ Thánh Nữ Monica

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc một ông chủ trước khi đi xa, đã trao cho đầy tớ, mỗi người một số nén bạc để làm lợi thêm, và khi trở về, ông chủ đã gọi các đầy tớ đến tính sổ. Ðã có nhiều lối giải thích suy tư về các nén bạc; ở đây chúng ta lồng dụ ngôn trong khung cảnh: ông chủ là Thiên Chúa, đầy tớ là các bậc cha mẹ, nén bạc là con cái.

Ðiều răn thứ tư dạy con cái phải thảo kính cha mẹ; điều này có nghĩa là nếu con cái lỗi phạm giới răn này thì sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Bổn phận của con cái là tôn kính, yêu mến và đền đáp công ơn cha mẹ: đó là bài học cơ bản của các kẻ làm con. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không phải là vị thẩm phán chí công, nếu không xét xử những bậc cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình. Nếu con cái phải thảo kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng yêu thương con cái. Mỗi người con là một nén bạc Chúa trao, cha mẹ là những đầy tớ có nghĩa vụ canh giữ và làm lợi nén bạc này. Dĩ nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ duy nhất và tuyệt đối trên mỗi người con: bổn phận của cha mẹ là cộng tác dưỡng nuôi thân xác, hướng dẫn tinh thần và thiêng liêng, để con cái lớn lên trong sự thật và trong niềm kính sợ yêu mến Thiên Chúa.

Nếu con cái là hình ảnh của cha mẹ tiếp liền sau hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều này nhắc nhớ cha mẹ phải là những người sinh con hai lần: một lần cho trần gian, và một lần cho Thiên Chúa. Ðịnh mệnh vĩnh cửu của con người không phải ở trần gian này, nhưng là trời cao. Do đó, cha mẹ phải luôn hướng dẫn tâm hồn con cái hướng về trời cao khi chúng còn thơ bé, và cả khi chúng đã lớn khôn nữa.

Trách nhiệm của các bậc cha mẹ thật nặng nề, nhưng cũng vô cùng cao cả. Nếu cha mẹ chu toàn bổn phận Chúa trao, chắc chắn trong ngày Chúa đến, họ sẽ được nghe lời này: “Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Và đó là điều chúng ta phải cầu xin cho các bậc làm cha mẹ.

Sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến (28.08.2021)

Ngày 28.08: Lễ Kính Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Một ông chủ đi xa trao lại cho các đầy tớ gìn giữ những nén bạc của ông, đến khi ông trở lại, ông thu lại nén bạc, khen thưởng đầy tớ biết sinh lợi, phạt kẻ lười biếng và thiếu tin tưởng chủ. Nghĩa là khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa trao cho chúng ta một ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Người ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Người.

Người nhận hai nén hay năm nén hoặc một nén là tuỳ khả năng mà ông chủ tín nhiệm giao cho. Điều ông chủ muốn là sinh lời chứ không phải chôn giấu tiền bạc của ông chủ để chờ khi ông về trả lại. Cũng vậy, Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Ki-tô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.

Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân.

Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình ấn tích Rửa Tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.

Cái khác nhau ở chỗ là: người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.

Cuối cùng kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Chúa Giêsu hoàn toàn tín nhiệm chúng ta (31.08.2019)

Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn các nén bạc được trao ban nầy ngay trước cuộc Thương Khó của ngài. Ngài loan báo sự ra đi của ngài. Ngài sẽ vắng mặt một thời gian. Ngài gởi gắm cho các môn đệ, và cho cả chúng ta gia sản của ngài, là toàn thể tạo vật và các khả năng, các phương tiện quý giá. Một ngày nào đó, không ai biết được, ngài sẽ trở lại tính sổ với mỗi người về những gì ngài đã ủy thác phải sinh hoa kết quả là hạnh phúc Nước Trời.

Thật vậy, Chúa Giêsu hoàn toàn tín nhiệm chúng ta. Ngài không ra mặt để dò xét, kiểm soát đời sống mỗi người như một viên giám thị trong trường học, hay như một quản giáo trong trại giam. Ngài trao ban gia sản của ngài. Ngài giao phó đầy đủ những khả năng, những phương tiện cần thiết, để chúng ta điều hành, làm cho Nước Trời trổ sinh hoa trái nơi chúng ta và anh em. Tuyệt nhiên, ngài không chỉ đạo, bắt phải sử dụng gia sản của ngài như thế nào. Ngài cư xử với chúng ta như những người cộng tác trưởng thành, chứ không là nô lệ. Ngài hoàn toàn tín nhiệm chúng ta.

Sở dĩ người đầy tớ thứ ba bị kết án là vì anh ta đã không làm, không dấn thân hoạt độngNhư thế, đối với Chúa Giêsu, tội lỗi không chỉ là đã vi phạm những điều cấm, mà còn là, và nhất là, đã không làm điều cần phải làm. Thực ra, người đầy tớ nầy đã không làm điều gì bất công, không ăn cắp, không chiếm đoạt của chủ. Khi đem trao trả nén bạc đã nhận, anh ta nghĩ là đã xong.Thế nhưng, như thế chưa đủ. Tuy không làm điều xấu, nhưng anh ta đã bỏ, không làm điều thiện. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta năng động, dấn thân để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho anh em.

Điều cân lưu ý là, phần thưởng của những người biết tích cực đáp lại sự tín nhiệm của Chúa, là niềm vui sung mãn. Nước Thiên Chúa không phải là sự dư dật của cải vật chất, mà là tràn đầy niềm vui, niềm vui của Chúa. Chương trình của Chúa có mục đích là đưa chúng ta vào hưởng sự sống của ngài, vào hưởng niềm vui vô biên, thần thiêng và vĩnh cửu của ngài. Đó là sự sống vĩnh cửu đời sau, là hạnh phúc đời đời.

Tuy nhiên, điều quan trọng không được quên là, Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng thương xót, luôn luôn tôn trọng tự do của con người, nhưng ngài cũng là Thiên Chúa của sự công minh, của sự phán xét.

Ngài phán xét về sự tự do chọn lựa của chúng ta. Chính chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về số phận đời đời của chúng ta. Trái với một số người cho rằng, con người chúng ta hoàn toàn bị chi phối bởi các định luật tất yếu, bởi các điều kiện có sẵn, như: môi trường, giới tính, sắc tộc, gia đình…, cho nên không còn trách nhiệm nữa. Đối với Chúa Giêsu, thì dứt khoát không phải như thế. Chúng ta có hoàn toàn tự do để chọn lựa số phận đời đời của chúng ta. Do đó, tự do là điều rất nghiêm túc, rất quan trọng.

Như thế, sự phán xét của Thiên Chúa hoàn toàn dựa trên những quyết định tự do của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Rõ ràng người đầy tớ thứ ba rất ý thức về điều anh ta làm. Anh ta đã tự bào chữa một cách trâng tráo, nhưng anh ta biết mình đã muốn làm gì, và đã quyết định làm. Chính anh ta, hoàn toàn tự do, đã không muốn làm sinh lợi gia sản của chủ. Có thể nói, sự phán xét của ông chủ đã hoàn toàn nằm trong quyết định có tính toán của anh ta. Nói khác đi, anh ta đã tự kết án chính mình.

Sau cùng cũng nên nhớ rằng, sự phán xét của Thiên Chúa đã bắt đầu từ bây giờ. Chúa Giêsu luôn luôn nhấn mạnh với chúng ta là, hãy luôn luôn sẵn sàng chờ đón ngài trở lại. Chính ngày hôm nay, chính giây phút hiện tại sẽ làm nên số phận đời đời của chúng ta. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng. Nếu chúng ta không biết làm sinh lợi những nén bạc đã nhận được, thì chính ngày hôm nay, chúng ta đã tự kết án chúng ta rồi vậy. Ngược lại, nếu chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng, bằng một đời sống bác aí với những việc làm cụ thể, có hiệu quả cho anh em, thì rõ ràng chúng ta đang chuẩn bị Nước Trời cho chúng ta.

Chủ – tớ (01.09.2018)

Ngụy biện có thể hiểu một cách đơn giản là những lập luận tưởng chừng như rất logic nhưng ẩn sau nó là ý đồ đánh lạc hướng người nghe. Hay nói cách khác, đó là những lời dối trá nhằm biện minh cho cái sai của người nói. Bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ cho điều đó. Tên đầy tớ thứ ba rõ ràng là một kẻ lười nhác, không muốn sinh hoa lợi từ nén bạc của ông chủ nhưng vẫn cố ngụy biện cho cái sai của mình.

Quả thật, như lời ông chủ nói, nếu hắn thực sự cho rằng ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát thì ít nhất cũng phải cho nén bạc ấy sinh hoa lợi từ tiền lãi của người đổi tiền – “ngân hàng” thời bấy giờ. Nhưng không, hắn lườu nhác đến mức không thèm làm điều đó mà lại chôn nén bạc xuống đất. Ông chủ không chỉ giận dữ vì hắn đã không đen lại lợi nhuận cho mình, mà còn vì những lời ngụy biện trơ tráo cho sự lười nhác ấy của hắn. Và tất nhiên, hắn phải lãnh án phạt từ ông chủ.

Từ đó, chúng ta hãy liên hệ đến chính cuộc sống của mình. Đã bao giờ chúng ta rơi vào trường hợp như ông chủ kia chưa? Có lẽ có, rất nhiều là khác. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ ấy, chắc chắn chúng ta sẽ tức giận như ông. Lỗi sai của người mình tín nhiệm không đáng kà bao, nhưng chính cách quanh co, dối trá để ngụy biện của họ khiến chúng ta không khỏi buồn bực. Đó chính là cảm giác bị người mình tin tưởng lừa dối mà không ai trong chúng ta muốn có.

Tuy nhiên, ta cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh của tên đầy tớ lười nhác ấy. Hắn đã sai, điều đó không cần bàn cãi, nhưng ta nên tự hỏi tại sao hắn phải ngụy biện? Có thể vì biết tính cách của ông chủ, hắn ta biết được mình khó lòng thoát tội nhưng vẫn cố tìm cho mình một con đường để thoát thân, dù con đường ấy vô cùng mong manh. Hay nói cách khác, hắn biết mình không còn đường lui nên liều một phen dối gạt ông chủ. Tóm lại, liệu có phải vì sự hà khắc của ông chủ khiến hắn không dám thú nhận? Chưa chắc, nhưng không phải không có khả năng ấy.

Chúng ta hãy bỏ một ít thời gian để ngẫm về bản thân mình. Đôi khi, chúng ta như tên đầy tớ ấy, dù biết mình sai nhưng không dám đối mặt với sự thật mà lại dùng những lời ngụy biện để che đậy nó. Cũng có đôi lúc, chúng ta lại là ông chủ ấy, tuy có thể tha thứ lỗi lầm cho người khác nếu họ nhận sai nhưng chính sự hà khắc của mình lại vô tình buộc người khác phải không thành thật. Dẫu biết rằng không được biện minh cho tội lỗi nhưng xin nên nhớ, làm cớ cho người khác vấp phạm cũng là việc làm tội lỗi.

Thế nên, dù là ai trong hai người họ, chúng ta cũng nên suy xét lại. Kẻ dối trá tuy sai nhưng người buộc người khác phải phạm tội cũng không phải người hoàn toàn đúng. Do đó, dù là ai đi chăng nữa, chúng ta cũng nên mở lòng với nhau, nên chấp nhận những thiếu sót của nhau và giúp đỡ nhau mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Vì suy cho cùng, dù là chủ hay tớ, chúng ta vẫn là con cùng một Cha, không nên dối gạt nhau cũng như quá hà khắc với nhau.

Lạy Chúa, Ngài biết chúng con yếu đuối, dễ sa ngã nhưng vẫn luôn bao dung với chúng con. Xin cho chúng con biết yêu thương, trân trọng nhau như chính Ngài đối xử với chúng con. Để từ đó, chúng con biết mở lòng và đón nhận nhau vì chúng con đều là anh em của nhau, đều là nghĩa tử của Ngài. Xin cho chúng con dù ở bất cứ địa vị nào cũng biết tôn trọng và yêu thương nhau, đừng vì lợi ích của bản thân mình mà đẩy anh em mình vào bước đường cùng. Amen.

Petrus Sơn

Kẻ trung thành – Thử thách và phần thưởng (02.09.2017)  

Theo triết học Khổng Tử, một trong ngững yếu tố làm nên người quân tử là lòng trung thành, cụ thể là “trung quân, ái quốc”. Tuy nhiên, xét theo nghĩa rộng hơn, lòng trung thành còn được thể hiện trong mối quan hệ chủ – tớ. Kẻ tôi tớ là người làm công,  phải hết lòng và tuyệt đối trung thành với ông chủ của mình. Chính lòng trung thành ấy sẽ đem lại cho họ phần thưởng vô cùng cao quý: lòng tin của ông chủ. Bất cứ thứ gì muốn chứng tỏ mình đều phải trải qua thử thách, lòng trung thành cũng không ngoại lệ. Chỉ trừ Thiên Chúa ra, vũ trụ này chẳng có gì là bất biến, mọi thứ đều sẽ thay đổi. Chính vì lẽ đó, nếu không được rèn luyện bằng gian nan, lòng trung thành sẽ mai một và trôi dần theo cát bụi thời gian. Vậy thử thách là gì mà lại có thể tôi luyện được lòng trung thành?

Đức Phật có nói: “Đời là bể khổ”. Quả đúng như thế, cuộc đời vốn không hề bằng phẳng, nó chứa đầy chông gai và vô vàn khó khăn, đòi hỏi con người phải vượt qua. Khi cuộc đời trôi qua một cách êm đềm, chắc chắc nó sẽ vô cùng nhàm chán. Thử nghĩ xem, nếu con người cứ sống lặng lẽ từ khi sinh ra đến lúc yên vị dưới ba tấc đất, cuộc sống chẳng hề có điểm nhấn, chẳng phải nó quá vô vị sao? Không chỉ vậy, nếu không có khó khăn, thử thách, chắc chắn người ta sẽ không biết quý trọng những phút giây quý giá khi họ còn hiện diện trên cõi trần ai này. Có thể nói, con người chỉ có thể trưởng thành hơn khi vấp ngã, vì “Thất bại là mẹ thành công”. Do đó, càng vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, con người mới có thể lãnh nhận phần thưởng thực sự: Thành công.

Dân gian có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sống trên đời, chẳng ai mong muốn mình gặp chuyện chẳng lành. Thế nhưng, bất công không chừa một ai, ai có thể khẳng định một cách chắc nịch rằng: Tôi không bao giờ gặp khó khăn? Nếu có người quả quyết như vậy, xin dám khẳng định rằng, họ là những kẻ chưa trưởng thành, hay đúng hơn là “những đứa trẻ to xác”.

Mỗi người đều được Chúa “tặng” cho một cây thập giá, để chúng ta vác nó mọi ngày trong suốt cuộc đời. Đôi khi, người ta cảm thấy nó quá nặng, nặng đến nỗi nhiều người đã bỏ cuộc và đánh mất lòng tin vào Người. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, liệu Chúa có quá đáng lắm chăng? Thưa, không đâu, Người thấu suốt mọi sự, Người biết rõ sức chịu đựng cũng như khả năng của từng người trong chúng ta. Trong bài Tin mừng hôm nay, tại sao ông chủ – Thiên Chúa – không ban cho mọi người số “nén bạc” như nhau, mà có kẻ mười nén, có người năm nén, kẻ khác lại một nén…? Liệu điều đó có phải bất bình đẳng không? Thưa không, đó gọi là công bằng.

Công bằng là vì mỗi cây thập giá Chúa ban đều phù hợp với khả năng của mỗi người, chẳng ai quá nhẹ, cũng chẳng ai quá nặng. Vấn đề nằm ở chỗ, họ có đủ trung thành vác cây thập giá ấy theo Chúa đến cùng hay không mà thôi. Chúa không bỏ rơi một ai cả, Người ở cùng mỗi người chúng ta trong từng suy nghĩ, từng hành động và từng biến cố trong cuộc đời. Nếu mỗi người biết nhận thức rằng, mọi thử thách trong cuộc sống đều có sự hiện diện của Thiên Chúa – một ông chủ tuyệt vời, một người cha nhân hậu – thì hẳn họ sẽ yên tâm đối diện với khó khăn đó. Đương nhiên, một khi đã vượt qua, phần thưởng của chúng ta chẳng hề nhỏ bé tí nào: “Ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Mỗi người chúng ta hãy tự suy xét lại bản thân, xem mình có thực sự là những người đầy tớ trung tín hay chưa. Có bao giờ niềm tin và lòng trung thành của chúng ta bị lung lay khi những thử thách bất ngờ ập đến hay không? Đừng lo sợ, Chúa biết sự yếu đuối, mỏng manh của con người, nên chắc chắn việc vác cây thập giá Chúa ban đều nằm trong khả năng của mình; quan trọng là, chúng ta có biết chạy đến với Người hay không mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trung thành vác thánh giá theo chân Ngài. Dù khó khăn, dù gian lao vất vả, nhưng chỉ cần có Ngài ở bên, lòng chúng con không còn chút lo lắng hay ưu phiền. Xin ban cho chúng con thêm sức mạnh, để chúng con có thể đủ sức vượt qua những thử thách Ngài ban, hầu có thể nhận những phần thưởng bội hậu của Ngài. Amen.

 

Những yến bạc khả năng (27.08.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh sử Mát-thêu hôm nay trình bày dụ ngôn “Những người đầy tớ và những nén bạc” của ông chủ giao cho quản lý.

“Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người”. Rồi ông ra đi.

Trình thuật Tin Mừng nhấn mạnh: ngay lập tức, người đầy tớ lãnh năm nén bạc đã lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác; người nhận được hai nén bạc cũng làm như vậy và sinh lời cho chủ gấp đôi. Có lẽ các người đầy tớ này đã cảm nhận được tình thương và sự tin tưởng của ông chủ dành cho họ, đồng thời ý thức bổn phận của người làm công được ông chủ tin yêu; họ đã khôn khéo xử dụng những nén bạc chủ giao cho mà sinh lời cho chủ;những người đầy tớ tài giỏi và trung tín đã hiểu ý chủ và thực hiện ý chủ với tất cả khả năng, lòng nhiệt thành và biết ơn. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.

Những người đã lãnh năm nén và hai nén trình lên ông chủ thành quả đã đạt được nhờ số tài sản của ông giao cho. Ông chủ khen ngợi họ tài giỏi và trung thành vì biết vận dụng những yến bạc của ông mà làm cho sinh lời. Ông ân thưởng cho những đầy tớ ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “

Rồi người đầy tớ lãnh một nén cũng đến và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “

Nghĩ xấu cho chủ, dẫn đến thái độ bất hợp tác, thay vì dùng nén bạc đầu tư buôn bán sinh lời, người đầy tớ thứ ba đem nén bạc chôn giấu để tránh rủi ro thua lỗ và khi ông chủ về, hắn đã xấc xược trả lại nén bạc mà chủ đã giao cho “Của ông đây, ông cầm lấy!”

Đọc qua trình thuật Tin Mừng, nhiều người nghĩ rằng thái độ của tên đầy tớ thứ ba có lẽ cũng không đáng trách vì chỉ có một yến bạc thôi thì làm nên cơ sự gì? Tuy nhiên có người cho rằng giá trị của một nén bạc dưới thời của Đức Giêsu không hề nhỏ bởi nó tương đương với số tiền công của một người thợ trung bình làm trong thời gian 6.000 ngày tức là 6.000 quan tiền. Do đó, ông chủ đã quở trách: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”. Rồi truyền cho các gia nhân khác: “Các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Người đầy tớ thứ nhất đến và trình cho ông chủ 10 nén bạc trong đó của chủ 5 nén còn 5 nén kia là của anh vì anh đã đầu tư và sinh lời. Ông chủ rất nhân hậu và sòng phẳng khi tuyên bố “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ được dư thừa” ông chủ xác nhận anh “đã có” và anh là người đầy tớ tài giỏi và trung thành nên được cho thêm một nén bạc nữa.

Cùng làm sinh lời gấp đôi số vốn chủ giao cho, nhưng tại sao người đầy tớ được giao 2 nén lại không được thưởng? Ông chủ vốn nhân hậu và công bình, ông không đánh giá tài năng của đầy tớ dựa trên lợi nhuận phát sinh cho bằng lòng mến và sự cố gắng vượt qua khó khăn mà thực thi ý muốn của chủ một cách trọn vẹn; xét trên khía cạnh này thì người đầy tớ thứ nhất trổi vượt hơn vì phải nỗ lực hết sức mới sinh lời thêm cho chủ năm nén bạc nữa.

Điểm ta cần chú ý là thái độ của ông chủ với các đầy đầy tớ: ông chú trọng đến lòng yêu mến, tinh thần vâng phục và trách nhiệm của người đầy tớ hơn là thành quả mà họ đạt được.

Qua dụ ngôn những nén bạc, Đức Giêsu mặc khải cho thấy: ông chủ chính là Thiên Chúa nhân hậu còn mỗi người chúng ta là đầy tớ của Ngài. Vậy ông bà, anh chị đang quản lý bao nhiêu nén bạc của Thiên Chúa? và ông bà, anh chị có kế hoạch làm sinh lời từ những nén bạc đó chưa?

Những nén bạc Thiên Chúa trao cho ta là thời gian của một đời người, những khoảnh khắc thầm lặng trôi qua theo mốc thời gian ngày giờ năm tháng; những nén bạc đó còn là sức khỏe, tài trí – cho dù rất hạn hẹp (như khả năng lãnh đạo, điều hành; khả năng “ăn nói”: thuyết phục người khác, trình bày các vấn đề); những nén bạc đó còn là của cải, vật chất ta được diễm phúc quản lý; là bằng hữu tốt và những cơ hội thuận tiện. Chúng ta đã dùng nó để sinh lời cho Chúa như thế nào? Ý Chúa muốn chính là có thêm những tâm hồn ngay thẳng, sự công chính, bình an và niềm vui đích thực, là Chân lý Cứu độ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

Hãy dùng những nén bạc khả năng là thời giờ, sức khỏe, tài trí, của cải vật chất… Thiên Chúa đã giao cho, cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức mà nỗ lực góp phần trong công cuộc loan báo Danh thánh Đức Giêsu, lòng thương xót tha thứ của Người mà mưu ích cho các linh hồn.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin tăng thêm lòng yêu mến để con kiên vững trong tinh thần vâng phục và ý thức trách nhiệm của người Kitô hữu, nhờ đó con hết lòng gắn bó với ơn gọi loan báo tin vui cứu độ và đưa các linh hồn về với Người.

SỐNG TIN MỪNG

Vận dụng hết khả năng và sáng tạo để chu toàn bổn phận nơi gia đình, nơi đoàn hội và trong môi trường sống nhờ đó đem tình yêu và chân lý đến cho mọi người.

Làm kinh tế cho Nước Chúa

“Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén tuỳ theo khả năng mỗi người.”(Mt 25,14-15)

Suy niệm: Nếu như có ai đó nói rằng Chúa không biết làm kinh tế (qua dụ ngôn người chủ vườn nho Mt 20,1-16 chẳng hạn), thì qua dụ ngôn này, Chúa trả lời về cách làm của Ngài: Ngài giao cho chúng ta việc làm ăn kinh tế đó. Thiên Chúa không coi con người như những cỗ máy, dù “thông minh” như robot, hay như những người con trẻ dại. Trái lại, Ngài coi con người là những người trưởng thành đầy tinh thần trách nhiệm biết cộng tác với Ngài để sinh lợi cho Nước Chúa dựa vào số vốn liếng ban đầu Ngài đã ban cho thế giới này nói chung, và cho mỗi người nói riêng.

Mời Bạn: Thế giới này, vũ trụ này, tất cả những gì bạn có, kể cả chính bạn đều là những nén bạc Chúa trao. Ý thức mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương tín nhiệm như thế, bạn hãy sinh lợi cho Nước Trời từ những nén bạc của bạn trong việc phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân.

Chia sẻ: Thái độ so bì, mặc cảm khi thấy mình kém thua người khác, hoặc trái lại, tự mãn, khinh rẻ những người kém hơn mình có phải là thái độ đúng với giáo huấn Tin Mừng không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm một việc bổn phận, dù là việc lớn, việc nhỏ, bạn hãy dâng việc đó cho Chúa, với ý hướng cầu nguyện cho việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù con chỉ nhận được một nén bạc, xin cho con biết quí trọng nén bạc Chúa trao và luôn kiên trì làm việc, để sinh lợi nhiều hoa trái cho Nước Chúa.

Đừng khôn hơn chủ

“Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.
Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến,
tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14-15)

Suy niệm: Khi giao tài sản cho đầy tớ, ông chủ không hề nghĩ đến tiền bạc vật chất, mà chỉ nhắm đến con người các đầy tớ của ông. Ông muốn họ trở thành người hữu dụng. Có thể gởi tiền ở ngân hàng để sinh lời, nhưng ông không muốn làm vậy, mà muốn tạo cơ hội cho các đầy tớ phát triển khả năng.

Thất bại của người lãnh một yến là không tin tưởng ông chủ, trong khi ông chủ vẫn tin tưởng anh. Chủ giao phó tài sản cho anh, còn anh “đổ thừa” tại ông chủ khắc nghiệt “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.”

Lý lẽ biện minh của anh không đủ sức thuyết phục; anh đã tự loại mình, và chịu số phận của những “đầy tớ xấu xa và biếng nhác”.

Mời Bạn: Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không muốn họ ăn không ngồi rồi, mà đặt vào vườn Địa Đàng “để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như thế, lao động thuộc về bản tính con người, vì đã được Thiên Chúa ấn định ngay từ khi tạo dựng. Nhờ lao động, con người được phát triển, và cũng nhờ lao động mà con người trở nên giống Thiên Chúa: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Sống Lời Chúa: Tôi không thất vọng về những gì hiện có, nhưng tận dụng tất cả khả năng Chúa ban để phát triển chúng qua việc phục vụ Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tổ tông loài người bị loại khỏi vườn Địa Đàng, vì không trung tín như tôi tớ, mà muốn làm chủ. Xin cho chúng con biết việc phải làm, và làm việc như tôi tớ khôn ngoan và trung tín. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *