Lãi đời sau… (28.08 – Lễ Kính Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 28.08: Lễ Kính Thánh Âu-tinh, giám mục, TSHT

Lời Chúa:  1 V 3,11‑14 hoặc 1 Ga 4,7‑16; Mt 23,8-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 23,8-12).

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.  Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.  Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô.  Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.  Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Tình yêu là sức mạnh của tôi (28.08 – Lễ Nhớ Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh)

Lãi đời sau… (28.08 .2021)

Tin Mừng hôm nay, là một trong các dụ ngôn giảng về thời cánh chung. Chúa Giê-su hướng các môn đệ của Người về ngày cánh chung để dạy cho các Ki-tô hữu hôm nay biết sống cuộc đời hiện tại.

Qua dụ ngôn những yên bạc (x. Mt. 25,14-30) Chúa muốn mỗi con  cái Chúa hạy ý thức trách nhiệm với ơn Chúa mà mình đã lãnh nhận; đồng thời biết cần mẫn, siêng năng làm cho ơn Chúa ban tặng cho mình được sinh lời lãi để góp phần vào sứ vụ chứng nhân Tin Mừng giữa đời; và góp phần xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống đời này.

Thánh Âu-gút-tin-nô nói: “Hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm”. Thậy vậy, nếu không có tình yêu thì những việc thiện lành, bác ái của con người ta sẽ là thảm họa cho chính bản thân người làm thiện lành, và cho người khác.

Nếu xem ơn gọi làm người là những yến bạc, thì sống thiện lành thôi vẫn chưa đủ. Nhưng phải nhận biết Thiên Chúa, để được sống với Ngài, thờ phượng Ngài thì mới sinh “lãi kiếp người”.

Nếu xem đời sống gia đình là những yến bạc. Thì tiền “lãi hôn nhân” phải là những tương quan thắm thiết, quan tâm, chăm sóc… giữa các thành viên trong gia đình.

Nếu bí tích Rửa Tội là những yến bạc. Thì đồng bạc “lời Ki-tô hữu” là lối sống đạo tích cực, không để cho hạt giống đức Tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.

Nếu chống dịch SARSCOVI-2 là những yến bạc. Thì lợi nhuận “sự sống linh hồn” chắc chắn phải được ra sức chú trọng, nâng niu, và nuôi dưỡng cần mẫn; cũng như bồi bổ, chữa trị bằng linh dược các Bí tích.

Thật vậy, một khi con cái Chúa tin tưởng Chúa, yêu mến Thiên Chúa mà sống Đạo cho tốt, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa thơm quả ngọt. Ngược lại khi con cái Chúa giữ Đạo, làm thiện ích vì sợ Chúa phạt thì chẳng đem lại công phúc gì, có khi còn phải lãnh lấy án phạt vì lẽ “tồi tệ, biếng nhác, vô dụng” của chính mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết ra công làm việc không chỉ vì của ăn đời này mà thôi nhưng còn vì hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.

CÁT BIỂN

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (28.08.2019)

Tin Mừng hôm nay tiếp sau đoạn Chúa Giêsu mắng những người Pharisêu sống phô trương, giả hình, thích tôn mình lên, ưa ăn trên ngồi trốc. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ những điều về địa vị của con người trước mặt Chúa. Ta có thể tóm gọn như sau: “Ở thế gian này chẳng có ai xứng đáng được gọi là thầy, là cha, là người lãnh đạo cả. Mà chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Đức Kitô mới đích thực xứng đáng với những danh xưng địa vị ấy. Người làm lớn trước mặt Thiên Chúa là người phục vụ được anh em mình nhiều. Con ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Thật vậy, mọi người trên mặt đất này đều là tạo vật của Thiên Chúa tạo dựng. Mọi tài năng ân lộc của mỗi người đều bởi Chúa ban. Rời Thiên Chúa ra một giây mọi người trở về hư vô cát bụi. Vì vậy mọi người đều bình đẳng, đều là những con nợ của Thiên Chúa. Còn Chúa dạy chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Là anh em có Thiên Chúa đích thực là người Cha, trong một ngôi nhà là trái đất này. Giờ đây mỗi người chúng ta có thể đang hưởng cái tước là cha, là thầy, là người lãnh đạo mà thế gian gán tặng. Đó là cái tước của chính Thiên Chúa ban cho ta để ta thông phần hướng dẫn gia đình, xã hội theo ý Chúa. Chuyện Chúa Giêsu trước tòa án Philatô khi Chúa không chịu trả lời quan, cho ta rõ hơn điều trên: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đanh ông vào thập giá ư? Chúa Giêsu đáp lại: Ngài chẳng có quyền gì trên tôi nếu Trời chẳng ban cho ngài.” (Ga 19, 10-11).

Chúa Giêsu còn dạy cho các môn đệ cái thước đo để biết ai là người làm lớn trước mặt Chúa: “Trong anh em người làm lớn hơn phải làm người phục vụ anh em”. Như vậy làm lớn là để phục vụ, và cứ phục vụ nhiều hơn là người làm lớn nhất. Cuối cùng Chúa dạy: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Người tôn mình lên là người xảo trá, nhận hão quá mức cái khả năng của mình, xấc xược với Chúa, là người bất lương với anh em. Họ như những con nợ mười nghìn yến vàng vừa được ông chủ thương tha lại đi gặp bạn nợ mình một trăm quan tiền bóp cổ đòi bằng được.

Nói đến tình anh em Chúa dạy, tôi nhớ mãi một lần hồi còn nhỏ anh em ở nhà chơi đùa. Không nhớ mình có lỗi gì, mà bị ông anh cho mấy quật. Tôi lăn ra khóc ăn vạ. Đến trưa bố về tôi vội vàng cáo bố. Ông anh cũng cáo tội mình. Thế là cả hai thằng đều phải nằm sấp xuống đất nghe bố phán quyết: “Gia đình lộn xộn, anh không biết thương em, em không biết nghe anh. Tội mỗi thằng phải chịu mười đòn để nhớ mà chừa, nhưng bây giờ mới chịu ba còn cho nợ”. Ông vừa thẳng tay cho anh ba đòn vừa nói: “nhớ nhá chỉ có cha mẹ mới có quyền đánh phạt con cái còn anh với em thì không được vậy”. Tôi nghe cũng khoái nhưng vẫn bị ba roi đau nhớ đời.

Lạy Chúa! trong đại gia đình nhân loại Chúa cũng muốn chúng con phải yêu nhau, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Xin cho chúng con luôn ý thức bổn phận ấy mà thực thi. Để ngày sau chúng con được sum vầy hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời.  Amen.

Gs. Ngọc Năng

Chí có tình yêu mới có thể nhận ra chân lý

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Việc kính nhớ thánh Augustin, một trong bốn tiến sỹ lớn của Giáo hội la tinh, qua đời tại Hippone ngày 28 tháng 8 năm 430, đã xuất hiện trong sách các phép thế kỷ thứ III, và ở Roma từ thế kỷ XI.

Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (nay là Souk-Ahras, Algéric) ở châu Phi thuộc Roma. Là công dân Roma, con một người cha không công giáo tên Patricius và một bà mẹ công giáo tên Mônica, Augustin trước học văn phạm ở Madanre, đến năm 371, đi sang Carthage thủ phủ châu Phi Roma để theo học triết lý – Mê say đọc Hortensius của Cicéron, Augustin khám phá triết học và đam mê đi tìm chân lý. Vì nhu cầu nuôi sống gia đình ông buộc lòng nhận dạy tu từ học ở Carthage. Thời gian đó ông theo lạc thuyết Manichée trong chín năm, mong tìm được chân lý nơi tôn giáo này. Trước tiên, ông bị mê hoặc bởi giáo thuyết này tưởng có thể giải thích sự tranh chấp giữa Thiện và Ác, cái đẹp và những điều lộn xộn nơi thế giới, nhưng rồi ông thất vọng. Năm 383, Augustin bỏ Carthage sang Roma trước khi đến Milan lúc đó là thủ phủ đế quốc Roma phương Tây, tại đây ông cũng dạy tu từ. Mẹ Ngài là bà Mônica đã đến tìm gặp ông ở đây, và cũng chính tại đây, đường chuyển biến tinh thần của Augustin kết thúc nhờ thánh giám mục Ambroise mở đường cho Ngài hiểu Kinh thánh và một thứ tân Platon thuyết có vẻ đáp ứng niềm khát mong chân lý nơi Ngài. Giờ đây Augustin đã sẵn sàng cho bước nhảy tới Chúa, tức là trở lại.

Một giai thoại nhiều người biết xảy ra trong vườn nhà Ngài ở Milan đã được thánh nhân kể trong quyển Tự Thuật: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp nhiều lần: Tolles, lege. Tolles, lege (Cầm lên, đọc đi ! Cầm lên, đọc đi !). Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cải cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,13) … Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambroise rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng tư năm 387.

Năm 388 sau khi mẹ qua đời tại Ostie, Augustin trở về Thagaste ở châu Phi cùng với ông bạn Alypius và Adeodat con trai. Mong ước cuộc sống chuyên tu, Augustin tập hợp một số bạn hữu lại và cùng sống đời dòng tu, chuyên nghiên cứu và cầu nguyện trong ba năm (388-391), sau đó, thể theo đề nghị của giáo dân Hippone, Augustin thụ phong linh mục để giúp đỡ Đức giám mục Valère. Năm 395 Ngài thụ phong giám mục và một năm sau, kế vị Đức giám mục Valère làm giám mục Hippone, thành phố lớn thứ hai châu Phi. Từ đây, trong suốt ba mươi lăm năm trong đại thánh đường An Bình, Ngài chú giải Thánh vịnh và các Sách thánh, ngồi tòa xử án, theo dõi việc quản trị tài sản Hội thánh, trả lời các thư tín đến từ khắp phương Tây, biện luận đã kích lạc giáo, đặc biệt là phái Donatus và Pélagius.

Cùng với các giáo sỹ của mình sống đời tu trì, thánh Augustin cũng sáng tác một số tác phẩm rất quan trọng, như Confessions (397-401), Giáo lý dự tòng (400), Giáo lý công giáo (394-416). Đối với phái Donatus vẫn tự phụ là Giáo hội của những người Trong Trắng, thánh thiện, Ngài dùng nhiều thái độ khác nhau liên tục, khi diễn thuyết, lúc tranh luận cho đến một cuộc tranh luận phản biện tại Carthage năm 411 dưới sự chủ tọa của một đại diện hoàng đế đã đến kết luận rằng người công giáo mà Augustin là phát ngôn nhân, thắng. Từ đó những người theo phái Donatus bị cảnh sát hoàng đế truy đuổi. Với phe Pélagius (bị Roma kết án năm 417), Augustin chứng tỏ là một tiến sỹ lớn về ân sủng và tiền định. Cũng trong thời gian đó một số tác phẩm khác ra đời: Đô thành Thiên Chúa (413-424), Chúa Ba Ngôi (399-422). Cuốn những lời phản biện (Rétractations) viết vào những năm cuối đời (426-427) là chứng tá đức khiêm tốn thánh Augustin: “Tôi đọc lại các tác phẩm thô hèn của mình và nếu có đoạn nào gây cho tôi hoặc có thể gây cho người khác khó chịu thì lúc đó tôi lên án nó, có lúc phải giải thích ý nghĩa cần có để biện minh cho nó”.

Những năm cuối đời của thánh Augustin nhuốm màu ảm đạm vì châu Phi Roma và Hippone, thành phố có toà giám mục của Ngài bị người Vandales vây hãm và xâm chiếm; lúc này đã bảy mươi sáu tuổi, thánh Augustin giám mục vẫn cần mẫn chu toàn bổn phận giáo huấn và quản trị, đồng thời lo cho rất nhiều người di cư đến tìm trốn tránh tại thành phố. Tháng thứ ba kể từ ngày thành phố bị vây hãm, Người bị bệnh và qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430, trối các sách vở của mình lại cho Giáo hội Hippone. Mười lăm tháng sau khi người Vandales chiếm thành phố, mộ và thư viện thánh Augustin vẫn được tôn trọng.

Các ảnh tượng về thánh Augustin rất nhiều chứng tỏ ảnh hưởng lan tỏa lạ thường của sự thánh thiện và giáo lý Người, đặc biệt là các tác phẩm của Fra Angelico và G.de Crayer (Louvre) và G.Coustou (Versailles).

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày van xin Thiên Chúa cho chúng ta được tràn đầy tinh thần của thánh Augustinô, chỉ khao khát mỗi mình Thiên Chúa và chỉ tìm Người vì Người là nguồn của sự khôn ngoan. Đề tài tìm kiếm chân lý là trọng tâm của đời sống thánh nhân; ngài nói với Cassiciacum: “Tâm hồn con xin nói Ngài: Con đã đi tìm nhan thánh Chúa ! Lạy Chúa ! cho đến bây giờ, con vẫn đi tìm nhan thánh Ngài !”(Tự thuật IX,3).

Trong bản văn Phụng vụ giờ kinh, vị thánh tiến sĩ thành Hippone ca tụng chân lý: “Chí có tình yêu mới có thể nhận ra chân lý. Ôi chân lý vĩnh hằng! Ôi tình yêu vĩnh cửu, Ôi sự đời đời đáng yêu! Ngài là Thiên Chúa của con, con khao khát Chúa đêm ngày…Cuối cùng con đã được ôm lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người , Đức Giêsu Kitô!…Chính Người đã gọi chúng con và nói rằng: Ta là Đường, là sự Thật và là sự sống” (Tự thuật VII, 10.18). Bài đọc này trích đoạn nổi tiếng mà chúng ta gặp trong điệp ca Magnificat: “Ôi sự đẹp đẻ vừa cổ kính vừa mới lạ, Con đã yêu Người quá trễ tràn! nhưng bây giờ: Ngài ở trong con, trong khi con còn ở bên ngoài, và ở bên ngoài con lại đi tìm Chúa …Chúa luôn ở với con, còn con con không ở với Chúa …Ngài đã gọi con, đã kêu lớn tiếng, cuối cùng Chúa đã thắng sự điếc lát của con; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con…” (Tự thuật; Chúa tỏ sáng, Chúa bừng lên và Chúa đã xua đuổi sự tối mù của con…) (Tự thuật X,27).

Sự khôn ngoan của thánh Augustinô được nhận thấy trong Lề luật viện tư tưởng, xuất phát từ những giáo huấn trong một lá thư của thánh tiến sĩ, được phổ biến rộng rãi vào thời Trung Cổ. Bản Luật này cũng ảnh hưởng trên thánh Bênêđíctô, sau đó là các kinh sĩ của thánh Phanxicô và thánh Đaminh. “Từ một trái tim duy nhất và từ một tâm hồn duy nhất, hướng về Thiên Chúa” luôn là luật căn bản, như lý tưởng của chính cộng đoàn tiên khởi (x. Cv 2,42-47).

Lời nguyện trên lễ vật rút cảm hứng từ Chuyên luận về thánh Gioan (26,13): “Lạy Chúa, ước gì bí tích tình yêu của Chúa trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất và dây bác ái cho chúng ta.” Thánh Augustinô, sống trong một Giáo Hội bị xâu xé vì lạc giáo, đã dấn thân trong suốt thời làm Giám Mục để tạo lại sự hiệp nhất, và vì “ngoài Hội Thánh không có ơn Cứu Độ!” (Về bí tích Rửa tội 4,17,24); ngài khuyến khích: “Chúng ta hãy yêu Thiên Chúa như người cha và yêu Hội Thánh như người mẹ …Thiên Chúa như Đức Chúa và Hội Thánh như tớ nữ, vì chúng ta là con của tớ nữ này; hôn nhân này được đặt nền tảng trên một tình yêu vĩ đại; không ai được xúc phạm đến vị hôn thê và xứng đáng lãnh nhận tình bạn của hôn phu.” Một trích đoạn của “Thành đô Thiên Chúa”: “Mỗi ngày, Hội Thánh khi dâng hiến Đức Kitô, cũng học hỏi để tự dâng hiến chính mình” (X,20).

Lời nguyện Hiệp Lễ lấy cảm hứng từ các Bài giảng của thánh nhân (57,7) làm nổi bật một khía cạnh khác của giáo lý thánh Augustinô: bí tích Thánh Thể giúp chúng ta đồng hình đồng dạng với Đấng mà chúng ta rước lấy. Vì thế chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho việc thông phần vào Bàn Tiệc thánh hóa chúng con, để một khi chúng con là chi thể của Nhiệm Thể của Người, chúng con thật sự trở thành điều chúng con đã lãnh nhận.”

Thánh Tiến sĩ Ân sủng, vì đã chống lại nhóm Pelagius, cũng là kẻ bảo vệ tự tự do của con người, vì sự tự do này không bị sự toàn năng của Thiên Chúa bóp nghẹt, nhưng ngược lại được nâng lên thật cao quí, vì Thiên Chúa một khi đội mão triều thiên cho công nghiệp của chúng ta (nhờ ân sủng) thì cũng đội triều thiên cho chính ân sủng của Người (sự tự do).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố về thánh Augustinô: “Tất cả phẩm chất của các Giáo phụ nổi bật trong thánh nhân ở mức độ tuyệt diệu nhất.” Thật vậy, không ai trình bày về Hội Thánh như ngài. Say mê Thiên Chúa và con người, ảnh hưởng của ngài có thể nói là nổi bật nhất trong phạm trù công giáo.

Enzo Lodi

MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT CON NGƯỜI

Mỗi vị thánh đều có phong cách,lối sống đặc thù, riêng biệt.Thánh vì được Chúa dọi chiếu xuyên suốt toàn con người, được Chúa biến đổi không ngừng con người ấy trở nên giống hệt như Chúa qua những nhân đức Người đã sống,đã truyền dậy.Nói như Thánh Phaolô tông đồ:” Hãy mặc lấy Đức Kitô“. Thánh Augustinô đã cởi bỏ con người cũ, đã mặc lấy chính Đức Kitô. Cuộc đời của Ngài đã hoàn toàn thay đổi .

THÁNH  ÂU-TINH LÀ AI ?

Đọc lại tiểu sử của thánh nhân. Mọi người đều không khỏi ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Ngạc nhiên vì một con người xem ra đã hư hỏng.Bỡ ngỡ vì không ngờ Âu-Tinh đã biến đổi mau lẹ, không ai có thể biết trước được. Âu-Tinh sinh năm 354 tại Thagaste, một làng nhỏ bên Phi Châu. Cha của Ngài là người ngoại giáo,thuộc dòng quí phái, danh giá. Mẹ của Ngài là thánh nữ Monica. Âu-Tinh là một đứa bé thông minh,tài trí, nên cha mẹ của Ngài rất kỳ vọng vào Ngài. Ông bà quyết chí cho con theo học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Âu-Tinh bị lôi cuốn vào đường sa đọa,trụy lạc,chạy theo những tư tưởng lạc giáo,chạy theo bè rối Manikê chống lại Giáo Hội. Thánh nữ Monica,mẹ Ngài rất đau buồn,bà khóc lóc,van lơn,cầu nguyện cho người con đầu lòng yêu dấu của bà.Chúa đã nhậm lời bà cầu xin vì sau khi đắm chìm vào những lạc thú, Âu-Tinh rơi vào trạng thái cô đơn,mẫn cảm tột độ.Chính giây phút chán nản,tuyệt vọng ấy của Âu-Tinh, Chúa đã nhậm lời thánh nữ Monica cầu xin cho con bà. Chúa can thiệp và đánh động lòng Âu-Tinh bằng một câu Thánh Kinh:” Đừng sống theo xác thịt,dục vọng nữa mà hãy mặc lấy Đức Kitô “.Chính câu Thánh Kinh đó đã làm đảo lộn đời Âu-Tinh.Ngài đã tìm tòi,học hỏi giáo lý theo sự chỉ dẫn của Đức Cha Ambrosiô. Âu-Tinh đã lãnh nhận Bí Tích rửa tội trong đêm phục sinh năm 387 do chính tay Đức Cha Ambrosiô,lúc đó thánh nhân đã 33 tuổi .Thánh Âu-Tinh đã trở lại Phi Châu sau khi người mẹ của Ngài đã chứng kiến con bà lãnh nhận phép rửa tội làm con Chúa và làm con Giáo Hội. Thánh Âu-Tinh đã sống nhiệm nhặt, ăn năn,sám hối trong một dòng tu. Thánh nhân được đề cử làm Giám Mục thành Hyppone.Lòng nhiệt thành,sự khôn ngoan,sáng suốt và sự thánh thiện của thánh nhân đã làm cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Thánh nhân đã viết rất nhiều và để lại các pho sách về Thần Học, Minh Giáo và Chú Giải Thánh Kinh rất có giá trị và nổi tiếng. Suốt cuộc đời làm Giám Mục của Ngài, thánh Âu-Tinh đã sống khiêm tốn,hiền lành và thực thi đức ái huynh đệ rất chân tình đối với các linh mục dưới quyền của Ngài.

MỘT CUỘC ĐỜI , MỘT CON NGƯỜI

Thánh Âu-Tinh đã được Chúa biến đổi hoàn toàn.Từ một chàng thanh niên hư hỏng,trụy lạc,coi như là đã bị loại ra khỏi xã hội. Thánh nhân đã mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô. Thánh nhân đã làm một cuộc trở lại tận căn, sám hối, ăn năn như Phêrô đã chối Chúa 3 lần,Chúa nhìn Phêrô, Phêrô nhìn Chúa, Chúa đã thứ tha cho Phêrô tội tầy đình ông đã phạm.Còn Âu-Tinh là người ngoại, đã được ơn hoán cải do lời cầu nguyện tha thiết và do những giọt lệ của bà thánh Monica, Âu-Tinh đã gặp Chúa, đã thay đổi nếp sống của mình, đã lột bỏ con người cũ và mặc lấy Đức Kitô. Âu-tinh đã trở nên con người mới hoàn toàn. Âu-tinh đã làm lại con người của mình ngay từ đầu. Giờ phút Đức Cha Ambrosiô ban phép rửa tội,thêm sức cho Ngài đã trở nên giờ cứu độ cho Ngài. Giờ ấy là giờ Đức Kitô được tôn vinh qua cái chết và sống lại của Chúa.Âu-Tinh về với Chúa năm 430, hưởng thọ 76 tuổi .Thánh nhân đã được Chúa rước về trời để mãi mãi cùng với các thánh và các Thiên Thần diện kiến và ca tụng Chúa không ngơi.

Lạy Thánh Âu-Tinh xin cầu bầu cho chúng con để chúng con luôn biết trở về với Chúa.
Xin cho chúng con ơn bình an và ơn cứu độ để chúng con luôn làm chứng cho Chúa phục sinh.
Xin cho chúng con ơn khôn ngoan như thánh nhân để chúng con chỉ làm tôi Chúa và tin tưởng cậy trông vào Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Tình yêu là sức mạnh của tôi

1. Gương thánh nhân

Augustinô chào đời năm 354 trên đất Phi Châu đầy sức sống. Xuất thân từ một gia đình trung lưu với những khuynh hướng tôn giáo hỗn hợp: Cha chàng là Patricius, một người ngoại đạo sống khá phóng túng, nuôi nhiều tham vọng cho cậu con trai đầy hứa hẹn này. Mẹ chàng là Monica, một Kitô hữu sốt sắng đã dành cho chàng một tình thương đặt biệt sáng suốt, đã phải khuyên răn và khóc lóc nhiều về hạnh kiểm của con mình nhưng cuối cùng đã được chứng kiến cuộc trở lại của Augustinô và đồng thời được Augustinô dẫn lên những đỉnh cao của chiêm niệm và lòng say mê Thiên Chúa.

Nói về thiếu thời của mình, Augustinô tự nhân: “Tôi chỉ ham chơi”. Cậu bé thần đồng ấy rất sợ đi học, nhưng khi đã bị đẩy đến trường thì cậu trở thành một học sinh ưu tú vượt hẳn các bạn đồng liêu.

Đặt nhiều hy vọng vào con đường học vấn của cậu, thân sinh đã gửi cậu đến Carthagô là một trong những trung tâm văn hóa trứ danh đương thời. “Tôi đến thành Carthagô, tất cả chung quanh tôi vùng dậy những quay cuồng đam mê ngang trái”.

Augustinô học hành xuất sắc bao nhiêu thì ăn chơi cũng sành sỏi bấy nhiêu. Chàng đã yêu và yêu tha thiết với sức đam mê mãnh liệt của loài người với một trái tim nóng hổi, với tất cả giác quan nhạy bén. “Lao mình vào tình ái, tôi muốn bị kẹt trong đó luôn”.

Với tài hùng biện sẵn có, Augustinô tự rèn luyện khoa ăn nói và làm quen với các văn hào la tinh, với các triết gia Hy Lạp. Một hôm tình cờ chàng giở quyển Hortensius của Cicéron, và nhận được ánh sáng bừng chiếu qua những hàng chữ của tác giả.

“Quyển sách này đã đổi hẳn các tình cảm của lòng con, hướng con về với Chúa, các ước nguyện và ý muốn của con được xoay chiều. Tất cả những ước mộng viễn vông trở thành phi lý. Với một sức mạnh phi thường, con thèm muốn đức khôn ngoan bất diệt. Con bắt đầu đứng dậy trở về với Ngài”.

Từ Carthagô, cuộc sống dần đưa chàng đi tìm kế sinh nhai tại Rôma, Milan. Augustinô nay đã 30 tuổi, với thời gian, nhiều mộng đẹp đã tan vỡ. Những khó nhọc của cuộc sống giúp chàng trưởng thành hơn.

Cho tới một ngày kia, ơn Chúa đã toàn thắng, như một cơn gió lốc cuốn đi tất cả những do dự, khắc khoải trong lòng Augustinô. Một hôm, ngồi ngoài vườn với một người bạn chí thân, Augustinô nghe tiếng trẻ nhỏ nhẩm câu:

“Hãy cầm lấy mà đọc”. Nghe vậy, Người mở thánh thư và câu đâu tiên Người đọc là:”Hãy mặc lấy Đức Kitô và đừng thỏa mãn với những đam mê xác thịt”.

Câu này quả dành riêng cho Augustinô đó. Đây chính là lời đáp của ơn trên. Augustinô chạy báo tin vui này cho mẹ. Bà điềm nhiên trả lời: “Mẹ đã biết mà, Mẹ ở đâu thì con cũng sẽ đến đó”. Sứ mệnh của bà đã chấm dứt, bà mừng rỡ thấy Augustinô bắt đầu cuộc sống mới. Từ nay, Augustinô sẽ rảo bước trên con đường của Luật Chúa.

“Dưới sự hướng dẫn của Ngài, Lạy Chúa, con đã bước vào chính thâm tâm con. Con đã làm được điều đó nhờ sức Chúa nâng đỡ.”

Sau khi khám phá Thiên Chúa là Đấng đáng để cho ta bán hết tất cả để đi theo, Augustinô quyết tâm rút vào sa mạc sống ẩn dật để được thưởng thức Chúa, nhưng Augustinô sẽ không bao giờ được sống ẩn dật lâu. Danh tiếng của ngài đã được truyền lan, dân chúng theo đuổi Augustinô xin ngài hướng dẫn họ, xin ngài cố vấn cho họ trong công ăn việc làm, chỉ dẫn cho họ đường ngay nẻo chính.

Môm hôm, trong khi dự lễ tại Hippone, dân chúng nảy ra ý kiến: Augustinô sẽ làm Linh mục của họ, và hơn thế nữa sẽ là Giám Mục chăn dắt học. Ý dân là ý trời, ngay lúc đó Augustinô được tôn làm làm Linh mục và sau một thời gian Augustinô trở thành Giám Mục của d6n.

Vì mến Chúa đi đôi với yêu người, Augustinô mang tất cả kinh nghiệm, kiến thức rộng lớn của mình để phục vụ anh em. Nhưng trên hết mọi sự, Augustinô là con người của tình yêu: Ngài dành trọn vẹn tất cả khả năng yêu đương cho Chúa và cho anh em, điểm nổi bật của Ngài là một trái tim nóng hổi.

Năm 430, sau một cơn hấp hối, Augustinô về với Chúa, Đấng mà Ngài đã tha thiết mến yêu.

2. Cuộc đời Augustinô để lại cho chúng ta hai bài học:

Bài thứ nhất: Khi Ngài còn sống trong tội lỗi và yêu chuộng cuộc đời trụy lạc, thì Thiên Chúa là tình yêu đã dùng hình ảnh của người mẹ để từ từ lôi kéo ngài về với Chúa. Như vậy chúng ta thấy nhờ ơn Chúa, con người có thể thắng mọi trở ngại. Dù là những đòi hỏi của một trí tuệ sắc sảo, kiêu căng, hay những lệ thuộc của một thể xác đầy dục vọng, ơn Chúa cũng vẫn chiến thắng để làm cho con người thuộc về Chúa nếu con người có ý chí quyết tâm, kiên trì và sẵn sàng hy sinh cho con mình như trường hợp bà Monica.

Bài thứ hai: Augustinô là người thích chiêm niệm hơn, nhưng Chúa lại thúc dục ngài hoạt động. Cuộc trở lại của ngài cho chúng ta một gương về sinh hoạt tông đồ. Nếu chúng ta được mời gọi hoạt động, hãy chấp nhận như một bổn phận đức ái, nhưng đừng lãng quên chiêm niệm vì công việc tông đồ của chúng ta cần có hậu thuẫn của một sự tiếp xúc mật thiết với Chúa và nguồn mạch sự sống và chân lý.

Thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội nhiều áng văn lỗi lạc về Thiên Chúa tuyệt đỉnh của tình yêu. Những châm ngôn của Ngài đã trở nên bất hủ và qua các thế hệ đã làm của ăn tinh thần cho nhiều tâm hồn: “Tình yêu là sức mạnh của tôi. Chúa đã sinh con ra cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến lúc được nghỉ ngơi trong Chúa.”

 Lm Giuse Đinh Tất Quý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *