Chương V. Đời sống và sứ vụ Dòng Đa Minh thế kỷ XV

Chương V.
Đời sống và sứ vụ Dòng Đa Minh thế kỷ XV

Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.

Dòng bước vào thế kỷ XV với nhiều dấu hiệu tràn trề hy vọng. Công cuộc cải tổ vững chắc đã được tiến hành và cuộc ly giáo Tây Phương sắp được giải quyết. Bao lâu còn cuộc ly giáo, Dòng còn bị tê liệt vì chia rẽ, nhưng vết thương này sắp được hàn gắn lại.

Cuộc ly giáo, việc đặt hồng y bảo trợ và việc họp tổng hội theo chu kỳ ba năm một lần, đã góp phần tạo nên uy thế lớn hơn cho các vị bề trên tổng quyền và ban chấp hành (curia) của ngài, và làm nảy sinh nhu cầu đặt trụ sở tại Roma. Chuyển biến này tuy khởi sự sớm hơn, đã trở thành dứt khoát vào giữa thế kỷ XV. Trước đây, vị bề trên tổng quyền, khi không đi kinh lý các tỉnh dòng, đã có thói quen cư ngụ tại nơi có giáo triều. Cha Raymundo đã ở tại Sainte-Marie-de-la-Minerve, để ủng hộ vị giáo chủ Roma. Tu viện này sẽ trở thành nơi vị bề trên tổng quyền trú ngụ thường xuyên.

Sổ lưu công văn của cha Raymundo, là quyển sổ thư tín của các bề trên tổng quyền, trong đó thư ký tóm tắt nội dung, nhưng đôi khi nguyên văn các thư gửi đi. Sau đó có một khoảng trống cho đến cuối thế kỷ XV. Từ đó trở đi, tất cả các sổ lưu được duy trì hoàn chỉnh, chứng tỏ việc thường trú của bề trên tổng quyền sẽ đưa đến việc gia tăng số nhân viên và các công hàm. Thực vậy ngay từ đầu, bề trên tổng quyền đã được một vị phụ tá, một bí thư và một thày trợ sỹ hỗ trợ. Khi trụ sở bề trên tổng quyền đặt tại Roma, bên cạnh bề trên tổng quyền sẽ có thêm vị đặc trách liên lạc với Tòa Thánh nữa.

Cũng vào đầu thế kỷ này xuất hiện huy hiệu Dòng. Đó là “huy hiệu áo choàng” hình khiên mộc bằng bạc, phủ một phần mầu đen, tượng trưng áo choàng đen khoác bên ngoài y phục trắng. Thường hình con chó của thánh Đa Minh đứng dưới áo choàng. Từ cuối thế kỷ, huy hiệu này xuất hiện trên những trang nhất tất cả các sách của Dòng, mãi cho đến thế kỷ XX, mới được thay thế bằng “huy hiệu bông huệ“. Việc sử dụng một huy hiệu biểu tượng như những hiệp sĩ và quí tộc đương thời, là dấu hiệu cho thấy Dòng ý thức về vị trí của chính mình, và có lẽ, nuôi ý tưởng phát triển ngày càng lớn mạnh.

Các bề trên tổng quyền  

Mười hai bề trên tổng quyền trong thế kỷ XV đều là những nhân vật tài ba. Tuy nhiên trong số đó, có ba vị với nhiệm kỳ lại quá ngắn nên chỉ có thể tiếp nối công việc của vị tiền nhiệm. Cha Phêro Rochin giữ trọng trách trong 25 ngày (+1450), cha Guy Flamochet được 26 tuần lễ vào năm 1451 và cha Barnabê Sassone được một tháng vào năm 1496. Trong khi đó nhiệm kỳ của ba cha Thomas Paccaroni (1401-14), Léonardo Dati (1414-25) và Bartolomêo Texier (1426-49) đã trải dài gần nửa thế kỷ. Trong sáu vị còn lại, cha Martial Auribelli nhận trách vụ hai lần.

Năm 1409, công đồng Pisa nhóm họp để giải quyết cuộc ly giáo, nhưng lại làm cho tình hình thêm đen tối, vì đã bầu thêm vị thứ ba tự nhận là giáo hoàng Alexandro V. Tuy nhiên cuộc tuyển cử này đã tạo nên một biến chuyển trong Dòng. Vì Gioan Puinoix, tổng quyền anh em phía Avignon từ nay chỉ còn coi sóc các tỉnh dòng Tây Ban Nha, Aragon và Ecosse, những lãnh thổ theo giáo triều Avignon. Phía ủng hộ Roma giờ đây chỉ còn một vài miền thuộc Đức, vùng Ý và vương quốc Naples, được đức Gregorio XII đặt một vị tổng đại diện các tu sĩ Đa Minh tại đây trung thành với ngài. Vì hầu hết các tỉnh dòng đều đứng sau lưng cha Paccaroni, vị tổng quyền phía ủng hộ Roma, trước khi họp công đồng Pisa, và sau đó trở thành tổng quyền cả phía Pisa, nên ngài đã có thể khởi sự việc hàn gắn những vết thương do cuộc Đại Ly Giáo gây cho Dòng

Cha Lêonardo Dati đắc cử bề trên tổng quyền năm 1414, năm sau công đồng chung Constance khai mạc. Chính ngài quan tâm đến việc tái thống nhất toàn dòng lại, khi công đồng đã bầu cử đức Martino V, được mọi người nhìn nhận, chấm dứt cuộc Ly Giáo. Cha Gioan Puinoix, người ủng hộ Avignon, đối thủ của cha Dati, đã xin từ nhiệm và được đề cử lên chức giám mục.

Cha Bartolomêo Texier, đắc cử năm 1426, với thủ tục khác thường bằng thỏa hiệp, đã quản trị Dòng trong thời gian lâu nhất so với các vị tiền nhiệm. Suốt nhiệm kỳ hai mươi ba năm của ngài, Dòng phục hồi lại được gần như trọn vẹn sức năng động của mình. Các thần học gia của Dòng đã đóng góp một phần đáng kể tại công đồng Bâle và công đồng Ferrare-Constance, và trên 100 tu sĩ Dòng được chọn làm giám mục. Cuộc cải tổ của Dòng, do cha Texier cổ võ, đã thành công nhờ sự liên đới bền chặt hơn trong anh em.

Cha Martial Auribelli (1453-62) đã trở thành bất tử nhờ biên soạn phần kinh phụng vụ lễ thánh Vinh Sơn Ferrier, được đức Calixtô III suy tôn hiển thánh năm 1455. Ngài ký tên vào công trình này bằng các chữ đầu trong thánh thi kinh chiều như sau : “Martialis Auribellus fecit” nghĩa là Martial Auribelli đã biên soạn. Ngài là vị duy nhất thi hành trọn vẹn hai nhiệm kỳ tổng quyền tổng cộng 17 năm. Nhưng vinh dự đó phải trả giá khá cao, vì ngài bị đức Pio II truất chức năm 1462. Người ta không rõ lý do của việc truất phế này, nhưng trong lá thư luân lưu đầu tiên của cha Auribelli khi bắt đầu nhiệm kỳ hai, lúc đức Pio II đã qua đời, ngầm nói đến những bất công cha phải gánh chịu. Có lẽ chính những mối tương quan của cha với Tu Hội cải tổ miền Lombardie là nguyên nhân chính trong việc này. Đúng hơn, do bất đồng ý kiến chứ không phải vì bất công. Cha Auribelli thì bảo vệ các quyền của mình, trong khi Tu Hội, dựa theo ý đức Pio II năm 1459, lại phát triển theo hướng tự trị. Cha Auribelli không phải là nhà cải cách nhiệt thành, nhưng ngài vốn ủng hộ cuộc cải tổ và đã thuận cho các tu sĩ Lombardie nhiều đặc quyền .

Kế vị ngài là cha Conrad Asti (1462-65), từng là tổng đại diện của Tu Hội trên. Ngài cũng chịu chung một số phận như cha Auribelli, vì ngài phải từ nhiệm sau ba năm làm bề trên tổng quyền, để vị tiền nhiệm lãnh trách nhiệm bề trên nhiệm kỳ hai (1465-73). Khi cha Auribelli được phục hồi năm 1465, đức Phaolô II đã cho Dòng toàn quyền tự quản trị, và thế là tổng hội 1465, “vì những lý do chính đáng“, tạm đình chỉ quyền hành của cha Conrad. Vị tổng quyền chẳng có cách nào hơn là xin từ nhiệm, và tổng hội đã nhất trí bầu lại cha Auribelli. Cha Conrad sống đến cuối đời trong an bình, không hề tỏ ra chút dấu hiệu nào chua chát về vụ việc trên. Cha Auribelli thì không như thế, trong lá thư viết sau khi tái đắc cử, ngài dùng những lời mạnh mẽ nhắm đến đức Pio II, dù không nêu đích danh, và nói đến cha Conrad, kẻ được nêu đích danh.

Trong nhiệm kỳ hai, cha Auribelli còn trải qua một kinh nghiệm đau thương khác vào năm 1468. Do ảnh hưởng âm mưu của những người chống đối do một nhóm người Ý giật giây, đức Phaolô II đã đình chỉ công tác của ngài, rồi đặt cha Lêonardo Mansuetis làm tổng đại diện và lập một phiên tòa để xét xử. Dòng phải trả giá : tổng hội 1468 bị giáo hoàng tuyên bố là vô giá trị, bởi vì do một tổng đại diện chủ tọa, trái với Hiến pháp. Sau ba tháng bị đình chỉ công tác, cha Auribelli được xác nhận là vô tội, và tiếp tục nhiệm kỳ thêm 5 năm nữa.

Cha Lêonardo Mansuetis (1474-80), cựu giám tỉnh tỉnh dòng Roma, đắc cử khi đang làm nghiêm sư Thánh Điện, là một nhà khoa bảng. Ngài thường xuyên trao đổi thư từ với hồng y Torquemada, Marsile Ficin, với nhiều triết gia và các nhà nhân bản đương thời. Trước khi qua đời, ngài để lại cho tu viện gốc của ngài, một thư viện vĩ đại với 323 thủ bản chép tay và 131 tác phẩm cổ đại. Có lẽ do yêu cầu của tổng hội bầu cử ngài, cha Lêonardo đã xin đức Sixtô IV điều chỉnh luật truyền thống của Dòng về đời sống khó nghèo và cho phép có sở hữu. Điều này đã được chấp thuận ngày 1-6-1475. Một số sử gia đánh giá rằng chế độ này đã mở ra cho Dòng một kỷ nguyên mới, giúp Dòng có thể giải quyết những phức tạp của nếp sống nghèo khất thực đã gây nên cho Dòng từ cuối thế kỷ XIII.

Nhiệm kỳ ba vị tổng quyền sau tổng cộng gần năm năm. Cha Salvo Casseta quản trị Dòng hai năm ba tháng (10-6-1481 đến 15-9-1483). Còn cha Bartôlomêo Comazio làm tổng quyền chưa trọn mười tháng. Đắc cử ngày 10-10-1484, ngài bị ngã bệnh nặng khi chăm sóc các nạn nhân của cơn Dịch Đen tại Pérouse, và qua đời vào lễ thánh phụ Đa Minh năm sau. Cha Barnabê Sassone đảm nhận trách vụ này từ 29-6 đến 29-7-1486.

Cha Gioakim Torriani (1487-1500) vị kết thúc thế kỷ, là người học thức. Ngài thành thạo cả tiếng Hy Lạp lẫn Latinh, và là giám tỉnh tỉnh dòng thánh Đa Minh trước khi lên bề trên tổng quyền. Dù không thuộc vào nhóm cải tổ nào, ngài nổi bật về tính dơn giản trong nếp sống. Ngài chỉ cần những thứ thực thiết yếu và chỉ dùng một bữa mỗi ngày. Sau khi đắc cử, ngài vẫn sống khổ hạnh. Cuối nhiệm kỳ, ngài phải thực hiện một việc đau lòng là trục xuất cha Savonarola và các bạn khỏi dòng, trước khi các vị bị hành hình.

Giảm bớt quyền tự do quản trị  

Suốt thế kỷ XV, Dòng không được hưởng quyền tự do cố hữu. Trước tiên, vị hồng y bảo trợ đã bắt đầu thi hành vai trò cách của mình cách tích cực. Quyền của vị này càng gia tăng dưới thời hồng y Carafa (1486-90), đến độ có thể coi ngài là vị bề trên tổng quyền thứ hai trong Dòng. Trong giai đoạn này, ba lần hồng y Carafa làm tổng đại diện với trọn vẹn quyền tài phán đối với Dòng. Ngài dùng quyền này với ý hướng theo đuổi việc cải tổ, lý do biện minh cho việc giảm thiểu quyền tự do quản trị theo hiến định. Phe không-theo-cải-tổ, dưới sự điều hành của bề trên tổng quyền và vị giám tỉnh, đã dùng quyền hạn của mình để giảm bớt cuộc cải tổ. Đến khi hồng y Carafa làm bảo trợ, sự mâu thuẫn giữa các anh em cải tổ và không cải tổ đã đi đến chỗ phải có một người bên ngoài, mới có thể cứu vãn Dòng khỏi cuộc phân ly tai hại.

Việc Giáo Hội xen vào nội bộ Dòng được biểu lộ dưới nhiều hình thức. Trong hậu bán thế kỷ XV, các tổng hội bầu cử đều được tổ chức tại Roma vào các năm 1451, 1474, 1481 và 1501, dầu trước đây đã có một vài trường hợp tương tự. Ba tổng hội sau đều do vị bảo trợ chủ tọa.

Các giáo hoàng còn có thể gây ảnh hưởng qua vị tổng đại diện, quản trị Dòng trong giai đoạn chờ bầu bề trên tổng quyền mới. Các ngài bổ nhiệm một người khác, thay cho vị nhiếp chính như hiến pháp đã dự liệu, và ra như ngầm đề cử ứng viên mình muốn. Trường hợp đó tái diễn đến bốn lần trong thế kỷ XV : Cha Mansuetis năm 1474, cha Casseta năm 1481, Cha Comazio năm 1484 và cha Torriani năm 1487. Năm 1486, cha giám tỉnh tỉnh dòng Đức, Giacobê Stubach, được đề cử nhưng không đắc cử, thay vào đó là cha Sassone.

Cuộc bầu cử 1481 còn cho thấy một cách gây ảnh hưởng khác. Đức Sixto IV gặp gỡ tất cả các cử tri tổng hội, ngài bảo đảm các cử tri hoàn toàn tự do trong việc bỏ phiếu, nhưng ngài ngỏ ý muốn họ dồn phiếu cho cha Casseta. Thế là các cử tri thấy chẳng cần phải xử dụng phiếu nữa, các vị chấp thuận bằng những cách tung hô.

Còn một phương pháp tiến hành đáng nghi ngại hơn nữa là việc chọn đặt cử tri dự khuyết, để thay thế các cử tri vắng mặt. Thói quen có từ thời Đại Ly Giáo, khi con số cử tri của một phe nào đó đã bị giảm. Sau khi cha Raymundo Capua qua đời, các anh em đã xin đức Bonifacio IX cho phép bổ sung các nghị huynh thuộc các tỉnh dòng theo phe Avignon. Đức giáo hoàng mới đầu chấp thuận, nhưng sau rút lại nhờ ý kiến của cha tổng đại diện Thomas Paccaroni, cha nhắc ngài coi chừng việc chuẩn miễn Hiến Pháp này có thể phá vỡ sự thống nhất trong Dòng.

Thế nhưng năm 1426, người ta không còn sáng suốt được như thế nữa. Khi chọn cha Thomas Regno làm tổng đại diện trong giai đoạn chưa có bề trên tổng quyền, đức Martinô V đã cho cha quyền chọn các cử tri bổ xung. Một cuộc tranh luận sôi nổi đã bùng nổ sau cuộc bầu cử, vì mọi người phát hiện ra rằng những người bổ xung đều bỏ phiếu cho cha Thomas Regno. Nếu không có chuyện bổ sung, thì cha Louis Valladolid đã đắc cử. Để duy trì sự hòa thuận, hai vị trên đã cùng từ nhiệm. Tổng hội nhường cho hai vị quyền chọn bề trên tổng quyền, và hai vị đã nhất trí chọn cha Bartolomêo Texier.

Việc đặt các cử tri bổ xung còn xuất hiện vào năm 1484. Việc chọn lựa này đã gây nên cuộc tranh chấp lớn tại tổng hội họp vào lễ Hiện Xuống, đến độ đức Sixto IV phải giải tán các nghị phụ, ai về nhà nấy. Tháng 10-1484, ứng viên do ngài đề nghị, cha Bartolomêo Comazio, một thành viên nhóm cải tổ, từng được giáo hoàng đặt làm tổng đại diện, đắc cử. Năm 1491, bề trên tổng quyền Torriani, nhận được quyền đặt các giám định viên bổ sung, dù ngài không hề dùng đến quyền này. Điều này chấm dứt một bài học kinh nghiệm đau thương.

Các Tỉnh Dòng        

Trong thế kỷ này, cơ chế quản trị các tỉnh dòng có nhiều thay đổi. Trước năm 1410, các tỉnh hội họp đều đặn hàng năm. Nhưng từ nay, bề trên tổng quyền cho phép các tỉnh nếu có lý do chính đáng, có thể họp cách năm một lần. Mười ba năm sau, một khoản trong Hiến Pháp được tu chính cho phép các tỉnh hội được quyền tự quyết định tỉnh hội sẽ họp mỗi năm hay hai năm một lần.

Năm 1407, có thêm một thay đổi mới, từ nay các vị tôn sư thần học theo luật định, sẽ là thành viên của tỉnh hội. Đó là một đặc quyền suốt đời, vì các vị tôn sư này không phải là đại biểu được bầu. Việc các vị tham gia vào tỉnh hội như thế, đi ngược lại truyền thống dân chủ trong Dòng. Danh sách chính thức các tỉnh dòng nay đã lên 22, tính cả tỉnh dòng Ecosse và Bồ Đào Nha. Trong thời ly giáo, các tu sĩ Đa Minh Bồ Đào Nha, cũng như dân chúng trong nước, vẫn trung thành với đức Urbanô VI, trong khi phần còn lại của tỉnh dòng Tây Ban Nha lại ủng hộ Clementê VII tại Avignon.

Năm 1418, đức Martino V chấp nhận cho anh em Bồ Đào Nha được tách ra và thành lập tỉnh dòng mới. Còn tỉnh dòng Ecosse được tách ra khỏi tỉnh dòng Anh do tổng hội 1481 tuyên bố và đặt tân giám tỉnh tiên khởi. Vì ở khá xa về địa lý, tỉnh dòng Ecosse được hưởng một số chuẩn miễn, mà thế kỷ sau Dòng cũng sẽ dựa vào đó để áp dụng cho các tỉnh dòng mới lập tại Tân thế giới. Năm 1484, cha Comazio đã miễn cho tỉnh dòng khỏi phải gửi giám định viên dự các tổng hội nhóm họp tại miền nam dãy núi Alpes. Cũng thế bề trên tổng quyền quyết định : khi bầu giám tỉnh tỉnh dòng Ecosse, không cần xin ngài phê chuẩn, ngài ủy quyền này cho ba vị bề trên ba tu viện kỳ cựu nhất trong tỉnh dòng.

Ai-len cố gắng một lần nữa để trở thành tỉnh dòng. Được thiết lập từ năm 1378, nhưng vì các tu sĩ tỉnh dòng Anh khiếu nại, tỉnh dòng Ai-len bị đức Urbanô VI tuyên bố giải tán. Đến nay, tổng hội 1482 tái thành lập tỉnh dòng, nhưng các tu sĩ Anh tại tổng hội 1491 đã thuyết phục được các nghị phụ thu hồi lại quyết định với lý do là Dòng không thể tháo gỡ cặp “hôn nhân” đã được chính đức giáo hoàng cử hành. Phải chờ mãi đến năm 1536, Ai-len mới thực trở thành tỉnh dòng.

Các nữ đan viện và Dòng Ba Đa Minh   

Dù không có con số chính xác, số các nữ đan viện Đa Minh thế kỷ XV phải nhiều hơn con số 157 đan viện của năm 1358. Nguyên Hà Lan đã có thêm sáu đan viện; con số đan viện mới ở Ý còn nhiều hơn nữa. Năm 1385, nữ tu Clara Gambacorta đã lập một đan viện tại Pise, một địa chỉ tuân giữ trung thành Tu Luật thời nguyên thủy. Cha Gioan Dominici thành lập đan viện Mình Thánh Chúa Kitô tại Venise năm 1394. Hai đan viện trên sẽ là hai trung tâm của cuộc cải tổ.

Trong thời cha Savonarola, đan viện Thánh Lucia tại Florence có khoảng 100 nữ tu, và đã phải khước từ khoảng 200 thỉnh sinh khác. Đan viện Schonensteinbach tại Alsace, được thành lập năm 1397, trở thành một trung tâm để tiến hành công cuộc cải tổ các đan viện khác tại Đức và Hà Lan. Trong các đan viện mới đã cải tổ, đời sống đạo đức nhiệt thành ngày càng hưng thịnh. Bắt chước cuốn “Cuộc đời các nữ tu” đã được viết trong thế kỷ XIII, cha Gioan Meyer, một nhân vật cổ võ việc cải tổ, đã mô tả lại cuộc đời thánh thiện của khá đông các nữ đan sĩ Đa Minh tại Đức.

Đan viện thánh Catharina ở Saint-Gall có một thư viện phong phú với 250 bộ sách, trong khi đan viện Thánh Catharina ở Nuremberg có số sách ước lượng trên 370 bộ, là những kho sách đáng kể của thời đó, chủ yếu gồm các sách bài giảng, phụng vụ và những sách kinh điển về linh đạo. Một số sách đó hiện vẫn còn được lưu giữ.

Danh tiếng của thánh nữ Catharina Sienna, được suy tôn hiển thánh năm 1461, đã góp phần quan trọng giúp Dòng Ba phát triển. Các tu sĩ ngành cải tổ, đã cổ động sự phát triển và xin đức Innocentê VII phê chuẩn bản Quy Luật Dòng Ba năm 1405. Năm 1439 Đức Eugenio IV châu phê bản Qui Luật này một lần nữa.

Các cộng đoàn Dòng Ba Đa Minh có lời khấn cũng xuất hiện trong thế kỷ này. Riêng địa phận Constance có tới 27 cộng đoàn. Một số cộng đoàn đáng lưu ý khác ở tại Neuenkirch, Fribourg-en-Brisgau và Ausbourg. Dòng Ba cũng phát triển mau lẹ tại Đức vào năm 1491, đến xin cha Gioakim Torriani ban hành Tu Luật cho Dòng Ba sống chung. Tổng hội 1498 khuyến khích các cộng đoàn muốn sống đời tu trì nghêm ngặt thì có thể sử dụng tu luật Dòng Ba kín. Đan viện Dòng Ba Thánh Catharina ở Pérouse, do chân phước Colombe de Rieti thành lập năm 1490, có lúc quy tụ được tới 50 thành viên.

Việc học hành trong Dòng Đa Minh        

Cũng như các yếu tố khác trong sinh hoạt Dòng, việc học hành bước vào thời suy vi sau cơn Dịch Đen. Các công vụ tổng hội thế kỷ XIV và XV không ngừng cho ta thấy những dấu hiệu thờ ơ với việc học hành này. Tuy nhiên hệ thống trường lớp bên ngoài thì vẫn tuyệt vời. Mặc dù thỉnh thoảng các tổng hội lại nhắc nhở các tỉnh Dòng hãy gửi sinh viên đến các tổng học viện, nhưng chúng ta có bằng chứng cho thấy trên thực tế, đã có những sinh viên nước ngoài ở các trung tâm vừa nói. Thậm chí tu viện Breslau vốn vô dang tiểu tốt mà cũng gửi sinh viên đi các nơi.

Theo truyền thống, các anh em Đa Minh thường lấy bằng cấp tại đại học Paris, Oxford và Cambridge, nhưng sang thế kỷ XV, các trường này đã mất vị trị độc quyền, vì có nhiều đại học mới xuất hiện. Cuộc đại ly giáo là lý do đầu tiên phá hủy thế độc quyền này. Các tu sĩ ủng hộ giáo triều Roma không thể đến Paris học được, họ phải đi học và lấy bằng cấp tại các nơi khác. Chính vì thế đại học Bologne được chấp thuận mở phân khoa Thần học năm 1364. Dần dần các đại học ngày càng nhiều, các tu sĩ có thể lấy bằng tại Cologne, Vienne, Pérouse, Erfurt hay Prague.

Đại học Paris và tu viện thánh Giacôbê không còn giữ được vị trí ưu vượt như trong hai thế kỷ đầu tiên của Dòng. Dựa vào thực trạng mới, tổng hội đã tu chính Hiến Pháp, chấp thuận cho anh em có thể học tại bất cứ đại học nào, miễn là được tổng hội chỉ định để lấy bằng.

Cuộc chiến Trăm Năm cũng gây nên những hậu quả tương tự. Vì khó có thể đến Paris, các tu sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã xin tổng hội 1426 được ghi danh tại đại học Valladolid, và cũng “được hưởng những chuẩn miễn và quyền lợi như đại học Paris”. Cứ mỗi lần thành lập một đại học mới, Dòng lại thiết lập tại đó một tổng học viện.

Một bước tiến hóa khác là việc thiết lập các trường thần học có quyền cấp bằng. Đặc quyền này mới đầu được nhượng cho đại học Luchente tại Aragon năm 1479, rồi cho đại học thánh Gregorio ở Valladolid năm 1501. Hai đại học này đã tập họp được những nhà thần học Đa Minh trứ danh nhất trong hai thế kỷ sau.

Từ đầu thế kỷ XIV, các tu sĩ Đa Minh còn có một cách khác để trở thành tôn sư thần học, khi đức giáo hoàng cho phép Dòng tại tổng hội, có quyền trao tước vị này. Trong một vài giai đoạn, đức giáo hoàng còn cho bề trên tổng quyền, suốt thời gian họp tổng hội, được phép trao tước vị này cho các ứng viên khác. Tước vị này được trao cho những tu sĩ có đầy đủ những điều kiện cần thiết và đã trải qua một cuộc khảo hạch do những vị tôn sư được tổng hội chỉ định.

Tuy nhiên, nhiều anh em vì ham muốn trở thành tôn sư, đã cậy nhờ đến các thân hữu ngoài Dòng, để được phép riêng của giáo hoàng, xin dạy tại Paris hoặc xin lãnh tước vị mình mong muốn, ngoài thủ tục bình thường. Đầu thế kỷ XV, có một số tu sĩ không có những phẩm chất cần thiết, đã được lãnh tước vị trên qua sắc lệnh của giáo hoàng. Những lạm dụng trên cộng với hoàn cảnh hiện tại của các tu sĩ được phép học tại nhiều đại học khác nhau, đã khiến tổng hội phải ra những khoản luật, quy định các điều kiện cần thiết.

Năm 1402, theo yêu cầu của Dòng, đức Bonifacio IX đã ra vạ cho các tu sĩ tìm cách chiếm địa vị tôn sư không qua tổng hội. Tổng hội 1403 đã thêm vào Hiến pháp những quy định cho những người đã được lãnh tước vị trên phải tuân theo những thủ tục nghiêm ngặt, và phải thực hiện những điều kiện mà các ứng viên khác phải chu toàn. Trong suốt thế kỷ XV, Dòng đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, và tái xác định khoản luật của năm 1403.

Những thay đổi như thế cho ta thấy rõ ảnh hưởng của các vị tôn sư trong Dòng ngày càng lớn mạnh. Số các vị tôn sư đã gia tăng đáng kể trong một phần tư cuối thế kỷ XIV. Sự gia tăng đó còn để lại ấn dấu vào năm 1407 trong việc xác định các vị tôn sư là thành viên của tỉnh hội. Rồi dần dần trong thế kỷ XV, tỷ lệ các vị tôn sư tham dự tổng hội ngày càng gia tăng, đến độ chỉ trừ vài người, còn hầu hết các giám định viên đều đã lãnh tước vị này.

Trường phái Thomas    

Trường phái Thomas ngày càng vững mạnh hơn vì uy thế của thánh Thomas ngày càng mang tầm vóc toàn cầu. Việc thiết lập các đại học mới, việc tiến triển của công cuộc cải tổ, việc sao chép các tác phẩm của thánh nhân đã góp phần phổ biến học thuyết của ngài. Hậu duệ của thánh Thomas đã chứng tỏ lòng sùng mộ của mình với ngài, bằng việc tưởng nhớ sống động, qua việc phổ biến lòng tôn sùng thánh nhân, nghiên cứu và bênh vực tư tưởng của ngài. Việc phát minh ra máy in đã góp phần lớn lao, giúp hiểu biết những tác phẩm chính của thánh Thomas, kèm theo nhiều sách chú giải, sách giới thiệu, các thủ bản hoặc các tập bênh vực những tác phẩm đó.

Cha Gioan Capreolus, một trong những nhà chú giải lớn nhất về thánh Thomas, đã hoàn tất năm 1433 cuốn “Bênh vực Thần Học Thomas” (Defensiones theologiae Thomae), mà cha đã khởi công từ đầu thế kỷ. Đó là một pho sách vĩ đại bênh vực và giải thích tư tưởng của thánh Thomas, đặc biệt về những giáo huấn của ngài trong Summa Théologiae. Cha Capreolus có tầm hiểu biết sâu rộng về các tư liệu của thánh Thomas, về các môn sinh đầu tiên cũng như các đối thủ của ngài.

Cha trích dẫn rất nhiều những tác phẩm chống thánh Thomas, nêu lên những vấn nạn của họ rồi giải đáp. Ngài đã trình bày học thuyết của vị tôn sư cách chính xác và sáng sủa dưới hình thức những kết luận, trích dẫn văn bản để củng cố những kết luận đó. Chưa có môn sinh Thomas nào, trước cũng như đương thời, trích dẫn nhiều tư liệu của thánh nhân đến thế trong cùng một tác phẩm. Cha là người tiên phong trong việc canh tân học thuyết Thomas, diễn ra vào cuối thế kỷ tại Đức, Tây Ban Nha, Ý và các miền Flandres.

Cha Phêrô Bergame thì biên soạn cuốn “Bảng Vàng(Tabula Aurea), cuốn thư mục các đoạn trích dẫn tác phẩm của thánh Thomas, một hỗ trợ hữu ích cho việc nghiên cứu sau này. Cuốn thư mục này vẫn còn hữu dụng, kể cả khi đã có cuốn thư mục bằng vi tính mới được thực hiện năm 1973. Trong tác phẩm đó, cha Bergame đã cho ta bản đối chiếu các điểm trùng hợp thuộc học thuyết Thomas.

Dù cuốn “Các Ý Kiến” (Sentetiae) của cha Pherô Lombardo vẫn được dùng làm thủ bản nền tảng của thần học tại các trường và đại học, các nhà thần học ngày càng mến chuộng cuốn “Tổng Luận Thần học” của thánh Thomas hơn. Các tu sĩ Đa Minh vẫn dành cho tác phẩm ấy một vị trí ưu tiên, và họ dựa vào thế giá của nó. Đến giữa thế kỷ, một tu sĩ Đa Minh, cha Henri Gorcum và một giáo sư triều, cha Gioan Tinctor dùng bộ Tổng Luận Thần Học làm giáo trình dạy học tại đại học Cologne. Nhiều anh em Đa Minh và các giáo sư triều cũng theo gương đó tại các đại học Rostock, Fribourg-en-Bringau, Vienne, Leipzig, Louvain và các đại học khác tại Đức.

Một trong những giáo sư trứ danh nhất đã sử dụng bộ Tổng Luận thời này là cha Gérard Elten ở Cologne. Các vị giáo sư này cũng đã viết nhiều tập giải thích nhiều phần khác nhau trong Tổng Luận. Cha Đa Minh Flandre, một giáo sư Triết học tại nhiều trung tâm ở Ý, đã biên soạn cuốn “Tổng Luận Triết học Thần linh” (Summa divinae philiosophiae). Người ta cho rằng đây là cuốn trình bày triết học Thomas hoàn chỉnh nhất, cho đến khi có các tập chú giải của các cha Conrad Koellin và Thomas de Vio Cajetan.

Tại công đồng Bâle, các tu sĩ Đa Minh lập luận chống lại tín điều Vô Nhiễm. Ngoài công đồng, các cha Raphael de Pornasio và Gabriel de Barleto coi những người bênh vực ý tưởng đó là lạc thuyết và là ly giáo. Cha Giacobê Gil, tôn sư Thánh Điện, đã quá xác quyết suy tư của mình, và phạm sai lầm đến độ xin đức Calixto III tuyên bố rằng Đức Maria sinh ra với tội nguyên tổ… Khác với hồng y Gioan Torquemada và cha Gioan Montenegro, các vị phát biểu và viết lách chống ơn Vô Nhiễm, nhưng với sự thận trọng của một nhà thần học. Còn cha Vinh Sơn Bandelli thì dùng cung giọng gay gắt và lăng nhục, cha bực tức chống lại việc đức Sixto IV thiết lập lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, và đức giáo hoàng có quở trách ngài quả cũng đáng.

Các văn hào Đa Minh

Ngoài những sách về Triết học, Thần học và Kinh Thánh, các tác giả Đa Minh cũng tham gia vào nhiều lãnh vực văn chương khác. Thánh Antonino, tổng giám mục Florence (1446-59), có một vị trí đáng kể trong số những nhà thần học nổi tiếng. Cuốn “Tổng luận Luân Lý” của ngài được coi là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của khoa Thần học luân lý. Các tập “Niên Sử” của ngài được đánh giá là “những tác phẩm vĩ đại nhất và tương đối hay nhất trong thời Trung Cổ”. Ngoài ra, ngài còn viết nhiều bài ngắn về đời sống khổ chế và đạo đức.

Thánh Vinh Sơn Ferrier và các vị đứng đầu phong trào canh tân như các cha Gioan Dominici, Gioan Nider và Gioan Meyer, cũng cho chào đời nhiều tác phẩm về giảng thuyết và về đời sống tâm linh. Với mối ưu tư mục vụ, các vị viết cho các kitô hữu trung bình, đụng chạm đến những chuyện cụ thể hàng ngày, chứ không nhắm đến những người đã tiến cao trên đàng nhân đức. Bốn mươi hai lá thư của cha Gioan Dominici gửi cho các nữ đan sĩ Mình Thánh Chúa Kitô, hướng dẫn họ vào đời sống khổ hạnh nghiêm ngặt đặt nền trên đức vâng lời, sự từ bỏ và noi theo gương đức Kitô. Các thư này có thể sánh được với các thư trao đổi giữa thánh Jordano và nữ chân phước Dianna Andalo, được xếp vào một vị trí xứng đáng trong các áng văn xuôi tuyệt hảo của đất Ý.

Cha Gioan Nider và cha Gioan Torquemada, khi chống lại giáo lý của Gioan Wiclif và Gioan Huss, đã khai triển một nền thần học đúng đắn về Giáo Hội, chận đứng chủ trương duy công đồng, muốn coi công đồng đứng trên giáo hoàng. Cuối thế kỷ, cha Savonarola, nổi tiếng trong các bài giảng về khải huyền, đã viết nhiều thư, bài giảng, sách khảo luận về đời tu, đời sống đạo đức hoặc chú giải Kinh Thánh và cả những sách bàn về khoa chính trị, tất cả đem lại cho ngài danh tiếng xứng đáng trong làng văn học. Đặc biệt, tác phẩm “Thập Giá Toàn Thắng” được ngài soạn theo cuốn “Trả Lời Lương Dân” của thánh Thomas, đã trở thành một trong những thủ bản đầu tiên của các nhà hộ giáo Thomas.

Các tu sĩ Đa Minh thế kỷ XV cũng góp phần phổ biến văn hóa. Đại học Salamanca đã dạy về trái đất hình tròn, ảnh hưởng đến những khám phá của Christophe Colomb. Hơn nữa, tổng giám mục Diego Deza dòng Đa Minh, đã đứng ra bảo lãnh cho Christophe Colomb trước triều đình của Fernando và Isabella. Hai tu sĩ Đa Minh Đức khác đã yểm trợ giúp thiết lập nhà máy in đầu tiên trên đất Ý.

Tuy các tu sĩ Đa Minh cũng nhậy cảm với các trào lưu tư tưởng mới của thời Phục Hưng và phong trào nhân bản, nhưng các vị tập trung năng lực của mình nhiều hơn vào sứ mạng riêng của Dòng là cổ võ và hỗ trợ việc tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, họ không cảm thấy những hiểm nguy cho chân lý do trào lưu tri thức mới này mang lại. Lịch sử Âu Châu đang trong thời chuyển tiếp, biểu hiện qua việc tìm trở lại những nền văn minh cổ đại, việc xuất hiện chính sách quân chủ chuyên chế, những tiến bộ của khoa mỹ nghệ, việc phát triển văn học được viết bằng ngôn ngữ của từng quốc gia, và sau hết là những phát kiến mới của khoa học cũng như sự tiến triển mạnh mẽ về kinh tế. Các yếu tố này góp phần cho công cuộc khám phá Tân Thế Giới, nhưng cũng tạo nên nhiều xáo trộn trong tôn giáo.

Dòng không có một chính sách minh định về phong trào Phục Hưng. Trước khi Tin Lành xuất hiện, những biến chuyển do phong trào mang đến, không gặp gì khó khăn trong Dòng và anh em đã thích ứng với nó cách tiệm tiến. Tùy cá nhân, anh em có thể ủng hộ hoặc chống lại nó, đặc biệt đối với thuyết nhân bản. Tuy không khép kín với nền văn hóa mới, nhưng một số thành viên trong Dòng như cha Gioan Dominici, Antonino Florence, Savonarola và các anh em ở Cologne, đã lên tiếng cảnh giác về những lạm dụng có thể xảy ra. Nhạy cảm với hiểm nguy có thể đến cho nền luân lý Kitô giáo, các vị chống lại việc đọc bừa bãi các tác phẩm cổ đại. Nhiều anh em cũng thấy những lợi ích mới, nhưng với bận tâm mục vụ, họ công khai chống lại các tác phẩm ngoại giáo. Trong thư từ, sách vở và cả trong những bài giảng, các vị không che dấu ý muốn đả phá khuynh hướng ngoại giáo mới đang được các nhà nhân bản quyết tâm ủng hộ.

Các tu sĩ Đa Minh thời Phục Hưng đã gia tăng lòng yêu chuộng truyền thống với sách vở và thư viện. Các tu sĩ tại Ý có những bộ sưu tập sách cổ đáng kể và xây dựng nhiều thư viện nổi tiếng như tại tu viện Thánh Marcô ở Florence.

Nhiều tu sĩ tỏ ra thích thú đặc biệt với sự nghiệp văn chương. Cha Phanxicô Colonna nổi tiếng nhất trong các nhà nhân bản Đa Minh. Tác phẩm “Giấc Mơ của Poliphius“, mô phỏng theo cuốn “Toàn Cảnh” của cha Vincent Beauvais cố gắng sưu tập cô đọng các kiến thức cổ thời. Tác phẩm đã được Aldus Manutius, một nhà xuất bản nổi tiếng chỉ thua Gutenberg, in năm 1499 và nhận định là tác phẩm hay nhất.

Các anh em Đa Minh khác liên kết với những nhà nhân bản, đã nghiên cứu Kinh Thánh bằng ngôn ngữ nguyên thủy. Nếu cha Phêrô Schwarz, một chuyên gia tiếng Do Thái cuối thế kỷ XIV, có vị trí đặc biệt tại Đức, trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Do Thái. Để chuẩn bị anh em cho sứ vụ và việc giảng thuyết, cha Savonarola đã đưa vào tu viện Thánh Marcô việc học tiếng Do Thái, Ả Rập và Caldea. Tu viện này có một thư viện với nhiều thủ bản Hy lạp và trở thành nơi gặp gỡ của các nhà nhân bản tại thành phố Florence. Cha Santes Pagnini một trong số các chuyên gia trổi vượt về Đông Phương, đã khởi sự việc nghiên cứu của mình tại đây.

Việc giảng thuyết

Trong thế kỷ này, Dòng có nhiều nhà giảng thuyết lừng danh. Thánh Vinh Sơn Ferrier (+1419), các cha Manfred de Verceil (+1431) và Savonarola (+1498), cùng với hai tu sĩ Phan Sinh là Bernardin Sienna và Gioan Capistran, các vị được gọi là “những nhà giảng thuyết sám hối“. Những thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, sự băng hoại về luân lý chung cũng như riêng đã góp phần tạo nên những nhà giảng thuyết như thế.

Trong một thị kiến, thánh Vinh Sơn Ferrier đã được Chúa Giêsu, hai thánh Đa Minh và Phanxicô ủy thác trách nhiệm “rao giảng Chúa Kitô giữa lòng thế giới”. Tháng 11 năm 1399, Ngài rời Avignon để đi rao giảng khắp nơi suốt hai mươi năm và qua đời tại Vannes miền Bretagne năm 1419. Đời sống gương mẫu và khổ hạnh đã khiến các bài giảng của ngài có uy tín và năng lực đặc biệt, khiến cử tọa sẵn sàng thực hiện những đòi hỏi nhiều khi khá gắt gao của ngài để phục vụ chân lý và phong hoá. Thánh Vinh Sơn đặc biệt rao giảng về việc Chúa quang lâm và cuộc phán xét cuối cùng với cung điệu hùng hồn, ngài đã giúp nhiều thính giả hoán cải đời sống. Rất đông những người hoán cải đã đi theo hành trình của ngài từ nơi này sang nơi khác, tại các thành phố Tây Ban Nha, tại miền Nam nước Pháp, tại Bắc Ý, Thụy Sĩ, miền Bắc nước Pháp và tại Hà Lan.

Cha Manfred de Verceil cũng là một nhà giảng thuyết về sám hối, noi theo cung cách của Thánh Vinh Sơn. Các tỉnh Dòng thuộc Ý có nhiều nhà giảng thuyết được phong chân phước, đó là các cha Gioan Dominici, Matthêu Carreri, Anrê Peschiera, Christophe de Milan, Marcô thành Modène và Stêphano Bandelli. Việc giảng thuyết của cha Savonarola nổi bật trong thập niên cuối của thế kỷ XV.

Việc truyền giảng kinh Mân Côi như một phương thế mới để loan báo Tin Mừng do linh mục Alain de la Roche khởi xướng, khi Ngài làm sống lại hiệp hội kính Đức Mẹ vào năm 1470. Ngài đặt danh xưng mới “Hội Mân Côi”, trong đó các hội viên tình nguyện đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Maria và Chúa Giêsu.

Cha Alain coi đó như một phương thế cải thiện đời sống cần thiết cho thời đại của ngài. Cha truyền bá kinh Mân Côi hầu như tại mọi nơi và lập nhiều hiệp hội này. Cha Giacôbê Sprenger đã xây dựng trụ sở của hiệp hội tại tu viện ở Cologne ngày 8-9-1475, đúng ngày cha Alain de la Roche qua đời. Trong nhiều thế kỷ, tất cả các hiệp hội mới thành lập đều đăng ký tại đây. Chỉ trong vòng bốn năm, hàng ngàn hiệp hội đã được lập tại Cologne và khắp các miền Âu Châu. Riêng giáo xứ Saint-Maurice ở Vienne, đã có một danh sách lên đến 32 ngàn người.

Ngoài cha Alain de la Roche còn có các thành viên thuộc Hiệp Hội Hà Lan (một nhóm cải tổ thành công nhất của Dòng), cũng tích cực truyền bá kinh Mân Côi. Việc sùng kính Kinh Mân Côi đã nhanh chóng lan rộng từ Hà Lan, Đức cho đến các miền thuộc Ý, Tây Ban Nha và các vùng khác tại Âu Châu. Dòng Đa Minh đã đảm nhiệm Hội Mân Côi từ ngày khai sinh. Các Bề Trên Tổng Quyền từ năm 1478 được trao trách nhiệm kiểm tra và ban phép thiết lập Hội cũng như thu thập các hội viên. Tổng hội 1484 và 1487 chấp thuận cho các thành viên của Hội được thông dự vào đời sống thiêng liêng của Dòng. Đức Piô V xác nhận quyền giám sát của Dòng, và xác định ngoài bề trên tổng quyền, không ai được quyền thiết lập những chi nhánh mới.

Có thể gọi được Dòng Đa Minh là Dòng Mân Côi. Vì các hội Mân Côi và các nhà giảng thuyết Đa Minh hăng say cổ võ một việc sùng kính, cho tới đó mới chỉ được biết đến tại các đan viện và những nhóm đạo đức, nay biến thành một hình thức đạo đức trong khắp Giáo hội Tây phương. Nếu các nhà thần học có cuốn “Tổng luận thần học” thì giáo hữu có kinh Mân Côi : cuốn Giáo Lý Công Giáo giản yếu. Kinh Mân Côi giúp cho mọi người thuộc mọi thành phần trong xã hội, suy niệm và thưởng thức các mầu nhiệm mạc khải, cho đến khi các mầu nhiệm ấy thấm nhập sâu sa vào lòng họ. Kinh Mân Côi gợi hứng cho các nhà giảng thuyết và nghệ thuật. Mỗi căn nhà của hội viên đều có bàn thờ Mân Côi và một bức tranh vẽ 15 mầu nhiệm. Bức họa nguyên thủy các mầu nhiệm Mân Côi ở phía trên bàn thờ tại Cologne, đã được lưu giữ tại nhà thờ thánh Anrê, nơi để hài cốt thánh Albertô Cả.

Phục vụ Hội Thánh

Việc giải quyết các vấn đề xáo trộn trong giáo hội và các công đồng chung trong thế kỷ XV có sự tham dự của nhiều anh em Dòng thuyết giáo. Hai bề trên tổng quyền Leonardo Dati và Gioan Puinoix (thuộc phía Avignon), nhiều giám mục và thần học gia Đa Minh đã góp phần giải quyết ba mối bận tâm lớn của công đồng Constance (1414-18) : công cuộc canh tân giáo hội, lạc thuyết của Wyclif và Gioan Huss, cũng như việc chấm dứt cuộc đại ly giáo Tây Phương.

Khi công đồng Constance nhóm họp, thánh Vinh Sơn Ferrier ngưng cộng tác với Benedicto XIII, vị giáo hoàng Avignon, và cổ động các ông hoàng thuộc bán đảo Ibérique cũng làm như ngài. Gioan XXIII, kẻ được bầu tại Pisa để kế vị Alexandro V, bị công đồng truất phế. Cha Gioan Dominici cộng tác viên của đức Grêgorio XII thuộc phía Rôma thì cố vấn cho ngài từ nhiệm tại công đồng. Nhờ đó mở đường cho việc tuyển cử giáo hoàng được tự do. Đức Martinô V đã phái Dati làm đặc sứ tòa thánh tại công đồng Pavie, được triệu tập năm 1423 do quyết định của công đồng Constance. Thế nhưng về sau, đức Martinô di chuyển công đồng về Sienna rồi giải tán vì số người tham dự quá ít và vì khuynh hướng quá khích của họ.

Bề trên tổng quyền Batôlomêo Texier, vị tôn sư thánh điện, cha tổng đại nhiệm, nhiều giám mục và thần học gia Đa Minh cùng một số giám tỉnh, đã đến dự công đồng Bâle. Các vị đã bênh vực những đặc quyền của các dòng hành khất khi một số thành viên công đồng đặt vấn đề. Công đồng cũng đã chọn các cha Gioan Raguse và Gioan Nider vào một sứ vụ quan trọng : trao đổi thương lượng để nhóm Huss thuộc miền Tiệp Khắc đi dự công đồng. Cha Raguse và Henri Kalteisen thuộc vào nhóm bốn nhà thần học phải trả lời cho những luận chứng của nhóm Huss. Cha đã khai triển các luận chứng trong tám ngày, đã khiến cho Gioan Rokizane, phát ngôn viên của nhóm Huss phải thốt lên : “Ngài đúng là thành viên của Dòng Thuyết Giáo, nên mới có thể nói được như thế”. Cha Torquemada đã đưa ra những ý kiến của mình hầu như về tất cả những vấn đề do công đồng nên lên. Còn cha Gioan Montênegro, giám tỉnh Lombardie lại nổi bật trong việc bênh vực quyền giáo hoàng. Nhiều buổi hội của công đồng đã nhóm họp tại tu viện Dòng Đa Minh tại Bâle.

Việc hiệp nhất các giáo hội Hy Lạp và La Tinh là một trong những mối bận tâm chính của công đồng Bâle, đã đưa đến việc tuyệt giao công đồng với đức Eugenio IV, khi vị này quyết định dời công đồng về Ferrare để phía Hy Lạp dễ tham gia. Cha Gioan Raguse khi đó đang ở Constantinople, tiếp tục ủng hộ công đồng Bâle và như thế, cha là thành viên nhóm ly khai. Giáo hoàng giả Felix V do công đồng Bâle bầu lên, sẽ đặt cha lên chức vụ hồng y.

Sự tham gia của Dòng tại công đồng Ferrare-Florencia, nối tiếp công đồng Bâle, rất đáng chú ý đến nỗi cha Mortier đã gọi đây là “công đồng Đa Minh”. Nhiều tu sĩ thuyết giáo đã tham dự với tư cách thần học gia. Các cha Anrê Chrysoberges, Gioan Torquemada và Gioan Montenegro thuộc vào số những người năng động nhất trong các buổi tranh luận về sự hợp nhất giáo hội. Suốt thời kỳ công đồng Florence nhóm họp, đức Eugenio IV cư ngụ tại tu viện Saint Marie Nouvelle nơi diễn ra nhiều buổi họp. Và sau khi công đồng đã quyết định việc hợp nhất, ngài đã nhờ một vài tu sĩ danh tiếng hỗ trợ ngài trong việc thực hiện.

Trong thế kỷ XV, Giáo Hội tiếp tục tuyển chọn nhiều tu sĩ Đa Minh phục vụ trong chức giám mục, hồng y, thần học gia công đồng, hoặc làm khâm sứ. Ngoài ra, một số nhà thuyết giáo được chọn làm phán quan tòa tra. Trong số đó, cha Bartôlomeo Cerverio bị nhóm lạc giáo tại Piémont sát hại năm 1466. Để giải quyết vấn đề riêng biệt tại Tây Ban Nha về một số “kitô hữu mới” thuộc Do Thái Giáo trở lại nhưng không thực hành tôn giáo mới, vua Ferdinand Aragon và nữ hoàng Isabella Castille, xin đức Sixtô IV tái lập tòa tra. Sau khi được phép, họ đã đề cử hai tu sĩ Đa Minh làm phán quan từ năm 1480 là Michel Morillo và Gioan Saint Martin, sau đó đến cha Thomas Torquemada làm tổng phụ trách từ 1483. Chính vị này sẽ thiết lập hội đồng tối cao Tòa Tra Tây Ban Nha và thiết định các luật lệ của nó. Cha Diego Deza là vị thứ hai, cũng là cuối cùng thuộc Dòng Đa Minh, giữ chức tổng phụ trách này.

Từ lâu, tòa tra thời Trung Cổ đã lãnh trách nhiệm truy lùng những trường hợp mê tín dị đoan, nhưng từ năm 1484, Tòa đã đảm nhiệm thêm một hoạt động đáng kể, khi đức Innocente VIII ủy nhiệm cho cha Giacôbe Sprenger và Henri Kramer, thuộc Tòa Tra tại Đức, nghiên cứu về những người bị tố cáo sử dụng ma thuật. Trước đó không lâu, cha Gioan Nider đã viết một bản tường thuật chi tiết về các phép thuật này trong cuốn “Sách Con Kiến” (Livre des fourmis). Các cha Sprenger và Kramer cho xuất bản một cuốn sách nổi tiếng hơn, được sử dụng khá lâu trong các vụ án về tà thuật. Đó là cuốn “Chiếc búa của các phù thủy” (Marteau des sorcières) bàn về bản chất và những điều tệ hại của ma thuật, và thủ tục tiến hành điều tra. Nhằm giúp đỡ các thẩm phán, cuốn sách trở thành thủ bản thông dụng khi phải bàn về ma thuật, được các luật gia Công Giáo cũng như Tin Lành sử dụng. Hiện nay, nó vẫn là một biểu tượng về tính cường điệu của tín hữu Kitô tại Âu Châu trong nhiều thế kỷ.

Sứ vụ truyền giáo

Bổ sung cho bản tường trình về công cuộc truyền giáo của Dòng, cần phải nói riêng về công cuộc rao giảng của thánh Vinh Sơn Ferrier cho anh em Do Thái và Hồi Giáo sống trên đất Tây Ban Nha. Thánh nhân phản đối những người đương thời thảm sát anh em Do thái, ngài chủ trương việc hoán cải dựa vào lời giảng thuyết và thuyết phục. Thế nhưng cũng như những người đương thời, ngài vẫn cho rằng phải ép buộc những người ngoài đạo đi nghe giảng, bằng không họ phải nộp tiền phạt. Dầu sao, những người nghe ngài giảng mà hoán cải, hầu hết vì chính đời sống thánh thiện cá nhân của ngài, hơn là do phương pháp ôn hòa ấy.

Nghệ thuật và kiến trúc

Đứng đầu danh sách các nhà nghệ thuật Đa Minh thời Phục Hưng là chân phước Fra Angelico. Những bức tranh của ngài vẽ trên tường tu viện Thánh Marcô, những bức họa trong điện Vatican và nhiều nơi khác được cả thế giới chiêm ngưỡng và thán phục. Ngoài ra còn có thày Giacôbê Ulm, trợ sĩ, đã dành suốt cuộc đời trong Dòng cho nghề ghép kính mầu, cũng được xếp hạng trong số những người nổi tiếng nhất.

Một số công trình xây dựng có giá trị về khía cạnh nghệ thuật và kiến trúc do các tu viện thực hiện : như tu viện Sainte Marie des Grâces tại Milan, hiện còn lưu giữ tranh “Tiệc Ly” của Leonardo Vinci trong phòng ăn, nhà thờ Saint Marie des Anges tại Ferrare, nhà thờ kính Thánh Giá tại Real do vua Fernando và nữ hoàng Isabella xây tặng, mặt tiền chạm trổ tinh vi của hai tu viện Thánh Stêphano ở Salamanca, và Thánh Grêgorio ở Valladolid. Kiến trúc thư viện thánh Marcô ở Florence do Michelozzo thực hiện, trở thành kiểu mẫu cho nhiều thư viện khác tại Bologne, Pérousse, Ferrare và tại tu viện Sainte Marie des Grâces ở Milan. Phản ảnh lối nhìn bi quan thất vọng của thời đại, các tu viện Colmar và Berne trang hoàng trong phòng riêng các tranh “khiêu vũ quỷ thần”, một đề tài thông dụng trong văn học nghệ thuật đương thời.

-o-o-o-

Như vậy, lịch sử Dòng trong thế kỷ XV pha trộn nhiều thành công lẫn với thất bại. Những lời bình phẩm của văn hào Chaucer và văn sĩ đương thời chống lại các tu sĩ Đa Minh, đôi khi cũng đúng. Jean Wiclif còn phê phán anh em nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Dòng còn phải gánh chịu nhiều tổn thất về vật chất nữa. Cuộc chiến Trăm Năm đã phá hủy biết bao tu viện, khiến nhiều anh em tại Pháp phải tản lạc nhiều nơi. Tại Bohême cũng vậy, do cuộc chiến của nhóm Huss. Bước tiến quân của người Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều tu viện ở Hungarie phải đóng cửa. Nhưng dầu sao đi nữa, cuối cùng, người ta phải nói rằng : thế kỷ này đã để lại trong Lịch Sử của Dòng nhiều tín nhiệm hơn là thất vọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *