Chương VII : Dòng Đa Minh thế kỷ XVI

Chương VII : Dòng Đa Minh thế kỷ XVI

Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.

Dòng Đa Minh bước vào thế kỷ XVI với nguồn sinh lực tràn trề. Cuộc canh tân nội bộ đã tái khẳng định chiều kích chiêm niệm trong đời tu trì, đặt nền cho một thời kỳ mới trong sinh hoạt trí thức, phong phú và trẻ trung hoá các năng lực thực hiện sứ vụ. Hẳn rằng Dòng không được mãnh liệt như trong thế kỷ thứ XIII vì Dòng đã già hơn và chưa được canh tân toàn bộ. Các tỉnh dòng Bohême, Hunggari và Cận-Đông lại rất yếu. Tuy nhiên, Dòng đã sẵn sàng bước vào thế kỷ mới trước những thách đố của anh em Tin lành. Giai đoạn thứ hai của lịch sử Dòng Đa Minh, trải dài từ 1500 đến 1790 đã bắt đầu.

Trừ những thay đổi chi tiết do các nhân tố không thể chủ động : cuộc cải cách Tin lành, công đồng Trentô,  khuynh hướng quân chủ chuyên chế, chủ nghĩa quốc gia quá khích – dẫn tới biết bao cuộc chiến –  đời sống và sứ vụ của anh em Đa Minh tương tự như giai đoạn từ 1215 đến 1500 .

Suốt giai đoạn mới này, các bề trên tổng quyền đều là những người chân thành và nghiêm túc, đa số xuất thân từ hàng ngũ anh em nhiệm nhặt. Bản thân một số vị có đời sống thánh thiện đích thực. Nước Ý và các anh em tu sĩ Italia đã lãnh đạo Dòng cho đến cách mạng Pháp. Những số liệu thống kê cho thấy điều đó. Trong số 41 vị lãnh đạo Dòng từ năm 1401 đến 1789, chỉ có 13 vị không phải là người Ý.  Trong số 68 tổng hội diễn ra trong thời gian từ 1462 đến 1777,  chỉ có 14 lần tổ chức ngoài nước Ý và 33 lần ngoài Roma. Khuynh hướng này đã được điều chỉnh lại, khi Dòng quyết định vào năm 1518 rằng, từ nay các tổng hội sẽ được tổ chức luân phiên ở Ý và ở phía bên kia dãy núi Alpes. Trong thực tế, quyết định này đã bị quên lãng, vì từ năm 1518 đến 1777, trong số 47 tổng hội, chỉ có 11 diễn ra bên ngoài nước Ý. Trong số 26 tổng hội bầu cử, 24 lần diễn ra ở Roma và hai lần ở Bologne.

Từ khi cha Gioan Teutonique qua đời năm 1252 đến khi cha Anrê Frũhwirth đắc cử năm 1891, các vị người Tây Ban Nha, Pháp và Ý thay nhau giữ chức Bề Trên Tổng quyền. Sự đơn điệu này chỉ bị phá vỡ một lần khi cha Antôn de Monroy, người lai Mexicô, đắc cử năm 1677. Kể từ năm 1891-1992, có ba vị người Tây Ban Nha, ba vị người Pháp, hai vị người Ai-len, một vị người Áo và một vị người Đức làm bề trên Dòng.

Từ năm 1500, có hai vị Giáo hoàng thuộc Dòng Đa Minh là Đức Piô V (1566-72) và Đức Benêdicto XIII (1724-30), với hơn 40 Hồng y và trên một ngàn Tổng Giám Mục xuất thân từ Dòng. Chức Bề Trên Tổng quyền và vị Tôn Sư Thánh Điện, từ thế kỷ XV là một tu sĩ Đa Minh, sẽ là thành viên chính thức để cố vấn cho Bộ Thánh Vụ, sau này sẽ là Thánh Bộ Đức Tin. Cao ủy của bộ này vẫn luôn được trao cho một thành viên của Dòng, cùng với chức thư ký ủy ban duyệt sách cấm (Index).

Việc quản trị và đời sống trong Dòng

Mười ba trong số mười sáu bề trên tổng quyền ở thế kỷ XVI là người Ý. Trừ ba vị, tất cả chỉ lãnh đạo Dòng trong một thời gian ngắn ngủi. Sau nhiệm kỳ năm năm của cha Vinh Sơn Bandelli (1501-06), và nhiệm kỳ hai tháng của cha Gioan Clérée (từ tháng 6 đến tháng 8-1507), cha Thomas de Vio Cajetan đã điều hành Dòng 10 năm cách vững mạnh và kiến hiệu, từ 1508 đến 1518. Sau đó, không một vị tổng quyền nào tiếp đảm đương trọng trách quá 6 năm. Kế đến là các vị : Vinh Sơn Justiani trong 12 năm (1558-70) Séraphin Cavalli trong bảy năm (1571-78), Phaolo Constabile trong ba năm (1580-82) và Sixtô Fabri trong sáu năm (1583-89). Cha Hippolyte Beccaria đã kết thúc thế kỷ với nhiệm kỳ 11 năm (1589-1600).

Mặc dù hầu hết các nhiệm kỳ này đều ngắn, các vị Tổng Quyền đã chuyển dần dần việc quản trị dòng theo hướng cương quyết và cá nhân hơn, khuynh hướng này phát sinh từ năm 1370, khi các tổng hội không còn được triệu tập hàng năm nữa. Song song với việc tăng uy thế của các vị Tổng Quyền, vai trò của Trụ Sở Dòng (Curia) cũng gia tăng, và các vị phụ tá của Ngài sẽ giữ trách nhiệm cố vấn thay cho tổng hội.

Quyền hạn tối cao của vị tổng quyền giữ được mức bình thường vì những can thiệp thường xuyên của Tòa Thánh. Trong Giáo Hội, khuynh hướng trung ương tập quyền ngày càng phát triển sau công đồng Trentô và việc tổ chức các thánh bộ trong giáo triều, đặc biệt là Bộ các dòng tu vào năm 1586, đã có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến Dòng. Sau việc thiết lập Bộ phụng tự năm 1588 rồi đến Bộ Truyền bá Đức tin năm 1622, phụng vụ trong Dòng và những hoạt động truyền giáo phương xa đều trực thuộc quyền tài phán của các Thánh Bộ. Công đồng Trentô đã đặt các tu sĩ giảng thuyết và ban bí tích dưới quyền các giám mục và buộc các linh mục phải có phép mới được thi hành năng quyền trong địa phận của các ngài.

Việc Đức Giáo Hoàng triệu tập các tổng hội bầu cử tại Rôma bắt đầu từ năm 1474, nay trở thành quy luật. Thường các Giáo Hoàng sẽ đặt một tổng đại diện để điều hành Dòng trong thời gian khuyết bề trên tổng quyền, chẳng đếm xỉa gì đến vị nhiếp chính hiến pháp dự liệu. Đức Leo X cho phép cha Cajetan sử dụng quyền như một Tổng Quyền trong gần một năm, sau khi lên chức hồng y năm 1517. Cha Sixtô Fabri là nạn nhân của việc tập trung quyền hành này, bị đức Sixto V truất chức năm 1589. Một phần vì ngài gặp sự chống đối của hồng y Michel Bonelli, cháu đức Pio V, một phần vì ngài thiếu ngây thơ bênh vực cho nữ tu Maria de L’Annonciation, một nhà thần bí quỷ quyệt của đan viện Lisbonne.

Các hồng y bảo trợ thường xuyên can thiệp vào công việc Dòng. Mặc dù Đức Sixtô IV đã cương quyết giới hạn quyền hành các vị năm 1473, nhưng vào thế kỷ XVI, đôi khi các vị hành xử như một vị tổng quyền. Hồng y Bonelli giữ chức tổng đại diện hơn một lần, đã đưa ra danh sách ứng viên để tuyển chọn năm 1580. Các hồng y bảo trợ chủ tọa các tổng hội bầu cử, phê chuẩn các bản công vụ, đặt giám tỉnh hay tu viện trưởng, giải quyết các đơn từ kiện cáo. Những can thiệp này đã gây xáo trộn và làm lu mờ cơ cấu quản trị theo Hiến Pháp tiên liệu.

Bài học về tập trung quyền hành cũng được chính Dòng áp dụng. Theo chỉ thị của đức Pio V, tổng hội 1569 đã giới hạn việc bổ nhiệm bề trên vào một số nhỏ tu sĩ trong tỉnh hạt. Hành động vi hiến này tuy không lâu dài, nhưng là bài học kinh nghiệm đáng nhớ.

Ưu tư chính của các vị tổng quyền và các tổng hội thế kỷ XVI là đương đầu với những thách đố phát sinh từ phong trào Tin Lành, và áp dụng các văn kiện công đồng Trentô vào đời sống tu trì. Khi các cuộc chiến tranh tôn giáo bớt mãnh liệt, các bề trên tiếp tục đi kinh lý  tỉnh hạt theo định kỳ. Cha Séraphin Cavalli đã kinh lý tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và những miền Hà Lan. Cha Fabri đã dành hai năm để kinh lý tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Năm 1505 và 1507, Dòng phát hành ấn bản đầu tiên của Hiến Pháp. Mặc dù các tổng hội đã sửa đổi Hiến Pháp khá nhiều trong khoảng năm 1515 đến 1518, ấn bản này được sử dụng cho đến năm 1566 mới được in lại, khi áp dụng những quyết định mới của công đồng Trentô. Chúng ta thấy trong những lần xuất bản này có phần chính được gọi là “bản nhỏ“, nhưng ở cuối mỗi chương lại có phần gọi là “bản lớn” (minor – maior), thu góp những quyết định của các tổng hội đã bàn về vấn đề đó. Sau lần xuất bản 1566, các tổng hội ít sửa đổi “bản lớn”. Và như thế Dòng được quản trị bằng các khoản chỉ thị và hiến pháp nằm trong văn bản, dù nhiều khoản đã bị loại bỏ.

Đầu thế kỷ XVI, Dòng mới có 22 tỉnh hạt, cuối thế kỷ số tỉnh dòng đã lên đến 35. Dù bị mất các tỉnh dòng Scandinavie và Écosse, thuộc lãnh thổ của Tin Lành, và tỉnh hạt Palestine dưới sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, Dòng đã thành lập thêm nhiều tỉnh hạt mới tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và xứ Ukraine. Dòng lập được 9 tỉnh hạt mới tại các vùng thuộc địa của Tây Ban Nha, sáp nhập những anh em hiệp nhất vào tỉnh dòng Naxivan. Dòng cũng thành lập Hiệp hội Thánh Giá trong vùng lãnh địa của Bồ Đào Nha ở Phương Đông.

Với sự giúp đỡ của các Tổng Quyền trong đó có 3 vị xuất thân từ hiệp hội Lombardie, các tu sĩ nhiệm nhặt nay là thành phần chiếm đa số. Năm 1515, cha Cajetan nâng hiệp hội ở Hà Lan lên thành tỉnh hạt. Năm mươi năm sau, cha Butigella chuyển nhượng danh xưng và quyền lợi của tỉnh hạt Roma cho hiệp hội Toscane. Kế vị ngài, cha Feynier đã trao cho hiệp hội Lombardie việc điều hành hai tỉnh hạt các Thánh Đa Minh và Phêrô Tử Đạo, tức là những danh xưng mới của các tỉnh hạt miền Lombardie. Năm 1559, hiệp hội ở Pháp trở thành tỉnh dòng Occitanie. Tỉnh dòng Tây Ban Nha thì đã hoàn tất việc cải tổ từ thế kỷ XV.

Đời sống thiêng liêng – Các nữ tu và dòng ba Đa Minh

Để củng cố đời sống tâm linh tại các tu viện Đa Minh, tổng hội 1505 chỉ định việc tĩnh tâm năm, thời gian nguyện gẫm mỗi ngày và việc đọc chung kinh Mân Côi. Năm 1551 Dòng duyệt lại phụng vụ Dòng, phổ biến sách Lễ và sách nguyện mới, và đến năm 1576, công bố “Tử đạo thư” (Martyriologium). Các ngày lễ thánh Gia-Thịnh và Raymudo Penafort được thêm vào lịch phụng vụ sau khi các vị được phong Thánh.

Năm vị thánh Dòng Đa Minh sống trong thế kỷ XVI là thánh giáo hoàng Pio V (+1572) ; thánh Gioan de Gorcum tử đạo năm 1572 cùng với 18 vị khác không thuộc Dòng Đa Minh ; thánh nữ Catharina de Ricci (+1590), phần tử của hội dòng ba sống chung ; thánh Louis Bertran (+1581), một giám sư tập viện cũng là một thừa sai ; thánh nữ Rosa de Lima (+1617), dòng ba, vị thánh đầu tiên được sinh ra ở Châu Mỹ. Còn rất nhiều các nhân chứng thánh thiện trong Dòng Ba Đa Minh, như các chân phước Bartolomeo Bagnesi (+1577) và Osanna de Cattaro (+1565). Osana, xuất thân từ một gia đình Dalmatie theo đạo chính thống, đã hy sinh mạng sống mình cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tại Tây Ban Nha, người ta đã gọi Louise Borgia (+1560), chị của thánh Phanxicô Borgia, là “nữ thánh bá tước” (sainte duchesse).

Việc truyền bá kinh Mân côi và các hiệp hội Mân Côi phát triển mạnh trong thế kỷ XVI. Sự truyền bá kinh Mân côi là một vinh dự lớn của các anh em Hà Lan, Ý, Tây-ban-nha. Năm 1521, cha Albertô Castellano đã phổ biến tập sách nhỏ giúp đọc và suy niệm kinh Mân côi, theo hình thức sẽ được đức Pio V thiết định như chúng ta đang đọc. Đức giáo hoàng đã ủy thác cho Dòng việc điều khiển các hiệp hội Mân Côi. Cha Thomas de Nieto truyền bá lòng tôn sùng mới là “Chầu Mình Thánh Chúa 40 giờ” Quarante Heures. Để cổ võ lòng tôn kính Thánh Thể, cha Thomas Stella lập Hội Thánh Thể đầu tiên ở Sainte-Marie-de-la-Minerve năm 1539. Ở Tây-ban-nha, cha Diego de Vitoria truyền bá việc tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu.

Các nữ đan sĩ Đa Minh chia sẻ với những niềm vui và bất hạnh của Dòng. Họ bị bách hại ở Ái-nhĩ-lan, Anh và Đức. Đan viện Dartford Anh cùng với 43 đan viện tại Đức bị anh em Tin Lành đóng cửa. Ngược lại khá nhiều đan viện mới được xây dựng tại Ý và Tây Ban Nha. Các nữ đan sĩ cũng đến Tân thế giới, với những đan viện tại thành phố Mexico và Arequipa. Vào cuối thế kỷ, số đan viện đếm được là 206, đa số ở Ý, Tây Ban Nha và Đức.

Việc học hành và hoạt động trí thức của Dòng

Dòng tiếp tục nhấn mạnh đến hoạt động trí thức và nghiên cứu học hỏi. Trong thư luân lưu đầu tiên năm 1508, BTTQ Cajetan yêu cầu các anh em tái khẳng định quyết tâm học hành và sống nghèo khó. Ngài đã phát biểu như thế vì chính ngài là một học giả uyên bác, và góp phần canh tân học-thuyết Thomas vào khoảng năm 1490. Ngài viết một bộ chú giải được xem là hay nhất của bộ “Tổng Luận Thần học“. Kế vị ngài năm 1525, cha Phanxico Silvestri de Ferrare đã viết bộ chú giải trở thành giáo khoa về bộ “Trả Lời Lương Dân” (Summa Contra Gentiles). Cha Phanxico de Vitoria, người khởi sự cuộc canh tân học thuyết Thomas ở Tây-ban-nha, lúc ấy đang có uy tín rất lớn và dẫn đầu sự kéo dài ấy cho đến năm 1546, mở màn cho hàng loạt các nhà tư tưởng Thomistes như: Phêrô Soto, Đa Minh Soto, và Melchior Cano với tác phẩm “De locis theologicis” đã đề ra một phương pháp thần học có tính khoa học, và cuối cùng là cha Đa Minh Banez, với những đóng góp chủ yếu trong lãnh vực thần học về ân sủng.

Uy thế thần học của thánh Thomas gia tăng vì giáo lý của ngài có vị trí đặc biệt trong công đồng Trentô. Chẳng bao lâu, năm 1567, Đức Pio V suy tôn Ngài làm Tiến sĩ Giáo Hội, lần đầu tiên toàn bộ các tác phẩm của Ngài được xuất bản, quen gọi là ấn bản “Piana”. Từ năm 1574, Dòng yêu cầu các nhà thần học Đa Minh tuyên thệ bênh vực giáo lý của Ngài.

Các trung tâm học vấn trong dòng là đối tượng quan tâm hàng đầu của các tổng hội. Năm 1501, Dòng mở thêm học viện thánh Gregorio tại Valladolid; năm 1515, học viện thánh Thomas tại Sevilla; năm 1577 học viện thánh Thomas – Rôma, ngày nay là đại học Angelicum ; các học viện xây từ thế kỷ trước nhằm nghiên cứu thánh Thomas gồm Luchente và Salamanca. Một học viện tương tự được xây dựng ở Tân thế giới, tại Santo Domingo năm 1538. Trong khi đó, các học viện trước đây cũng được phát triển. Năm 1551, con số các học viện lên tới 27, dù các học viện ở Oxfort, Cambridge và các học viện khác tại Đức đã đóng cửa do sự bành trướng của Tin Lành. Ưu thế của học viện Paris đã phải nhường chỗ cho học viện Saint Étienne de Salamanca khi cha Vitoria giảng dạy ở đó.

Dòng từ từ thích ứng chương trình học cho hợp với đòi hỏi về tri thức của thời đại, của nền văn hóa phục hưng cũng như của anh em Tin Lành. Cha Herman Rab, giám tỉnh tỉnh dòng Saxe đã khai mở một con đường mới khi Ngài cổ võ các anh em trẻ, hãy đặc biệt yêu mến khoa học “Kinh Thánh”. Mấy năm sau, tỉnh hội Saxe đã thôi thúc anh em say mê học hỏi Kinh Thánh để có thể trả lời cho anh em Tin Lành cách sâu sắc. Rồi hưởng ứng sắc lệnh của công đồng Trentô, dòng đã mở những khóa chú giải Kinh Thánh. Tổng hội năm 1569, có vẻ thụt lùi khi ngăn cấm đọc các tác phẩm của Erasme và các tác phẩm khác của các nhà nhân bản, và không cho học tiếng Hy Lạp và Do Thái nếu không có phép. Nhưng tổng hội năm 1585 đã đảo ngược khuynh hướng trên : cho tập sinh và các tân khấn sinh bắt đầu học các ngôn ngữ Thánh Kinh trước khi bước vào thần học cơ bản và tiếp tục học khoa này trong bốn năm.

Ngoại trừ ở Tây Ban Nha, các tu sĩ Đa Minh vẫn tiếp tục phản kháng giáo lý Đức Maria Vô Nhiễm. Đến cuối thế kỷ, bùng nổ cuộc tranh luận mới về những tương quan của ân sủng và tự do, nổi tiếng là cuộc tranh luận “De auxiliis”. Các thần học gia theo phái Thomas và Molina chống đối nhau gay gắt đến nỗi Đức Phaolô V năm 1607, đã phải truyền lệnh cho hai trường phái phải chấm dứt tranh luận về vấn đề này, tuy cho phép mỗi bên vẫn được tiếp tục phổ biến lập trường của mình.

Ngoài các thần học gia và triết gia, thời đại này dòng còn nhiều nhà thông thái khác như Santes Pagnini, một nhà nghiên cứu siêu quần về tiếng Do Thái, sống cùng thời với Érasme và Reuchlin. Các tác phẩm của cha : bản dịch kinh Thánh, bộ văn phạm và từ điển Do Thái, những thủ bản Kinh Thánh và chú giải, tạo nên một tủ sách nhỏ hoàn chỉnh về môn khảo cứu Kinh Thánh. Cha Cajetan bắt đầu dịch và chú giải Kinh Thánh sau cuộc gặp gỡ Luther tại Augsbourg năm 1518. Ngài viết ít nhất cũng khoảng bốn mươi khảo luận về những điểm giáo lý bị anh em Tin Lành công kích. Tập Bibliotheca Sancta của cha Sixto de Sienna viết theo những nguyên tắc khoa học, được coi như quyển nhập môn Kinh Thánh đầu tiên của thời hiện đại.

Các tu sĩ Đa Minh còn hiện diện trong nhiều lãnh vực khác. Áp dụng những nguyên tắc của học thuyết Thomas để giải quyết những vấn đề luân lý và kinh tế thời đại, cha Vitoria đã thiết lập những nền tảng cho quốc tế công pháp. Trong các tác phẩm của mình, cha Melchior Cano và cha Vitoria rất lưu ý đến khía cạnh nhân bản và ngữ học. Cha Gioan Faber de Augsbourg đã toan tính xây dựng một trường nghiên cứu văn học cho các tu sĩ Đức nhưng không thành công. Thái độ đối với cha Bandello là một trường hợp điển hình cho thấy các giáo sĩ thời đó ít để ý đến ngành nhân bản : ngài được coi là nhà tiểu thuyết viết tiếng Ý vào bậc nhất của thế kỷ, người ta đã gọi ngài là “Boccacio của dòng Đa Minh”. Cha Zenobio Acciaioli, thủ thư viện Vatican dưới thời Đức Lêô X, và cha Gioan Cono de Nuremberg, một cộng tác viên của Erasme đều là những nhà ngôn ngữ học. Cha Ignatio Dante đã trở thành nhà toán học, nhà vũ trụ học và kỹ thuật gia, các cha Léandre Alberti, Sébastien Olmeda và Séraphin Rajji chuyên về khoa sử. Tác phẩm “Lịch sử Thổ dân da đỏ” và các tác phẩm tranh luận của cha Batolomeo de Las Casas, cho đến nay vẫn còn được coi là những tài liệu quan trọng trong việc phát triển công bằng xã hội và lịch sử các nền văn hóa cũng như những xung đột của các nền văn hóa. Cha Louis de Grenade được mọi người nghiên cứu về thần học đời sống tâm linh.

Sứ vụ Truyền giáo

Trong thời Cận đại, sứ vụ truyền giáo Đa Minh bước vào giai đoạn phát triển mạnh nhất. Trước đây, cuối thời trung cổ, các tu sĩ Đa Minh Bồ Đào Nha đã vượt mũi Hảo Vọng Giác cùng với các nhà hàng hải, khởi sự việc truyền giáo ở Phi Châu tại Goa, sau trở thành trung tâm truyền giáo của các miền khác như Tích Lan, Thái Lan và Malasia. Các ngài đã phải chịu nhiều gian khổ tại Ấn Độ dưới sự đô hộ của người Anh, thế nhưng vẫn tiếp tục phát triển cho tới đầu thế kỷ XIX. Cha Gaspar de Santa Cruz đã vào Trung Hoa năm 1559.

Tại Tây Ban Nha đức tổng giám mục Diego de Deja đã bảo trợ cho Christophe Colomb tại triều đình. Nhà hàng hải từng tuyên bố rằng các vua Tây Ban Nha còn phải mắc nợ dòng Đa Minh về các Thổ Dân (Indiens). Những thừa sai tiên khởi của Đa Minh đã cập bến quần đảo Antilles năm 1510, và năm 1530 đã thiết lập tỉnh dòng đầu tiên tại Mỹ Châu. Thánh Louis Bertrand hoạt động tại Nouvelle-Grenade từ năm 1562-69, ngài được ơn nói tiếng thổ dân và làm các phép lạ. Các tu sĩ Đa Minh đến Philippine năm 1586, rồi từ đó sang Trung Hoa năm 1590.

Các tỉnh dòng truyền giáo qui tụ nhân sự từ các tu sĩ Châu Âu và chiêu mộ người tại chỗ, khởi đầu từ những gia đình các nhà thám hiểm. Do những thành kiến thời đó, các vị không nhận vào Dòng các Thổ Dân lẫn những người lai. Tỉnh dòng thánh Giacôbê tại Mêhicô, vào năm 1555 đã có 210 tu sĩ, được phân bổ tại 40 nhà, đây là tỉnh dòng nổi tiếng về việc mở mang các miền truyền giáo cách mau lẹ ở Châu Mỹ.

Tại quần đảo Antilles, cha Antonio de Montesinos và cha Bernadino de Minaya là những người đầu tiên lên tiếng bênh vực thổ dân. Trong lãnh vực này, trổi vượt hơn cả là cha Batolomeo de Las Casas, người nhận trách nhiệm bênh vực cho Thổ Dân trước triều đình Tây Ban Nha. Tác phẩm “Lịch sử Thổ Dân” của ngài sẽ trở thành nguồn tư liệu quý về thời thực dân : với lối văn châm biếm, ngài bênh vực cho Thổ Dân. Tác phẩm “Những bài học về Thổ Dân” của cha Phanxicô de Vitoria cũng đề cập những vấn đề tương tự một cách bài bản hơn. Một tu sĩ Đa Minh khác, Giêrônimô de Loaysa, giám mục tiên khởi tại Lima, đã xây dựng một đại học ở thành phố này năm 1551 và một bệnh viện cho người thổ dân. Cha Đa Minh de Saint-Thomas đã biên soạn cuốn văn phạm đầu tiên về tiếng Quéchua, ngôn ngữ thổ dân Pêru.

Tu sĩ Đa Minh với Anh em Tin Lành

Giáo phái Tin lành như một trận cuồng phong chụp xuống trên Dòng, gây tổn thất cho nhiều tỉnh hạt đang phồn thịnh, phá vỡ nề nếp tu trì, làm khan hiếm ơn gọi, xóa sổ ba tỉnh dòng, 43 đan viện, và khiến nhiều thành viên bỏ cuộc. Trong số 12 tỉnh dòng bị đóng cửa, chỉ có 9 tỉnh dòng phục hồi được cách khó khăn.

Năm 1618, tỉnh dòng Đức được tái lập, rồi lại bị tàn phá do cuộc chiến “Ba mươi năm“. Tỉnh dòng Hungari trước đã sa sút do quân Thổ và tỉnh dòng Bôhême xưa bị tổn thất nặng vì phái Hussiste, nay lâ, vào tình hình nguy kịch do anh em Tin Lành, đến nỗi phải mất nhiều thế kỷ họ mới có thể khôi phục. Thảm cảnh bách hại đã xoá sổ tỉnh dòng Ái Nhĩ Lan cho đến thế kỷ XIX. Tại Anh, các tu sĩ Đa Minh chỉ lấy lại được vị trí của mình vào thế kỷ XX. Tỉnh dòng Saxe thì bị những đòn chí mạng, đến độ chỉ còn sót lại vài tu viện ; rồi bị xóa sổ khi sáp nhập vào tỉnh dòng Đức năm 1608. Các tỉnh dòng Scandinavie và L’Ecosse biến mất vào khoảng giữa thế kỷ.

Tình thế của dòng thay đổi hẳn do sự suy yếu của các tỉnh dòng không thuộc thế giới Latinh. Kể từ đây, các tu sĩ Ý, Pháp và Tây Ban Nha nắm phần quản trị trong dòng. Sự cân đối ảnh hưởng giữa các quốc gia chỉ thực sự trở lại vào thế kỷ XX.

Các tu sĩ Đa Minh Đức là những người đầu tiên đối đầu với Luther. Khi Gioan Tetjel qua bài giảng về vấn đề ân xá đã gây nên xung đột, thì chính những anh em của ngài ở Saxe, nghiêm sư thánh điện Prieras (Sacré Palais) và cha Cajetan đã viết những khảo luận đầu tiên chống Nhà cải cách.

Năm 1525, Đức Clement VII yêu cầu các cử tri trong tổng hội bầu cử, hãy bỏ qua một bên mọi tham vọng và thành kiến cá nhân, để chọn một bề trên tổng quyền “một người lỗi lạc về giáo lý”, hầu hướng dẫn dòng chu toàn sứ vụ truyền thống “trong giai đoạn đầy khó khăn và gian khổ”. Ngài không bị thất vọng khi anh em chọn cha Phanxicô Silvestri de Ferrare, một nhà chú giải học thuyết thánh Thomas.

Các tổng hội và tỉnh hội không ngừng khuyến cáo anh em cảnh giác đừng bao giờ giảng hay dạy những điều lầm lạc cũ hay mới, xin anh em rao giảng đạo lý chân thực, khuyến khích các tỉnh dòng chỉ nên gửi những người hiểu biết và nhiệt thành đến sống tại các tu viện ở khu vực Tin Lành, đồng thời phải trình bày cho tổng hội biết Dòng có thể làm gì để phục vụ công tác giúp họ trở lại : cần tuyển chọn những người có năng lực giảng thuyết, dạy dỗ và tranh luận với những người không-công-giáo.

Các tổng hội 1523, 1525 và 1530, gợi lại kỷ niệm các tu sĩ Đa Minh vĩ đại trong quá khứ : đã nghiền ngẫm, cầu nguyện, tranh luận và tẩy trừ những giáo lý sai lạc ; đồng thời sẵn sàng hân hoan hiến dâng mạng sống, lấy máu đào để bảo vệ đức tin. Việc hồi tưởng như thế không phải là vô ích. Những lời tổng hội khích lệ theo định kỳ như thế gởi đến các tỉnh dòng đang phải đối đầu với những khó khăn, đã đem lại một danh sách các chứng nhân, gồm nữ đan sĩ và các anh em, cống hiến đời mình cho niềm tin công giáo. Cuối cùng, năm 1580, tổng hội đưa vào công vụ các vị tử đạo người Đức, Hà Lan và Pháp.

Cũng có nhiều anh chị em Đa Minh đã rời bỏ Dòng và Giáo Hội Rôma. Cụ thể là Martin Bucer, một trong những nhà cải cách chính ở những vùng thuộc Đức và Anh. Theo gương ông, phần lớn các tu sĩ ở Strasbourg đã lập gia đình vào năm 1526.

Tại Anh, John Hilsey, giám tỉnh, đã chạy theo phong trào cải cách Anh giáo và được chọn làm giám mục Rochester, kế vị thánh Gioan Fisher. Ông nổi tiếng trong việc bài bác lòng sùng kính các thánh. Các nhà cải cách không ngần ngại tận dụng những tài năng của tu sĩ cựu Đa Minh : như Cranmer đã dựa vào John Scory ; và tại Écosse, Knox được sự giúp đỡ của John Rough.

Các nhà giảng thuyết, các nhà thần học và các văn sĩ Đa Minh là những người hăng say rao giảng và bảo vệ Lời Chúa. Tacchi Venturi, một sử gia dòng Tên chứng thực rằng : “Các tu sĩ Đa Minh đứng đầu danh sách những người bảo vệ giáo lý công giáo, theo ngôn ngữ thời đó, vừa nhiều lại vừa chất lượng về giáo lý”. Khi nghiên cứu việc các tu sĩ Đa Minh chống lại thuyết Luther, Nikolaus Paulus quả quyết rằng : “Không dòng tu nào đào tạo được những nhà vô địch của đức tin qua các tác phẩm như dòng Đa Minh“. Tại Ý, trong số 60 người đối lập với Tin Lành được lưu danh, đã có tới 14 tu sĩ Đa Minh. Melchior de Misciska, một nhà giảng thuyết tài ba, đã đưa 22.000 người Tin Lành Ba Lan trở về với Giáo Hội Rôma. Ở đây ta không thể nghiên cứu tường tận công trình của các tu sĩ Dòng là khâm sứ Tòa Thánh ở Đức, các pháp quan tôn giáo ở Pháp và ở Ý, hay các tu sĩ Tây Ban Nha đã giúp đỡ các tỉnh dòng khác được khôi phục lại.

Tuy nhiên, để tổng kết phản ứng của anh em Đa Minh với Tin Lành, chúng ta lưu ý đến lời nhận định như một sử gia trong giáo hội, theo nhận định đó, việc tranh cãi giữa người Công giáo và Tin Lành không đem lại hiệu quả gì. Suốt ba thế kỷ, mỗi phe đều ném vào đối phương những loại vũ khí của mình : đó là sách vở, những khảo luận và những bài phản bác. Cả hai phe ít khi đạt được mục đích, nhưng mỗi bên đều cảm thấy hài lòng về chúng. Hiện nay, cả hai phe đã giã từ vũ khí để đi vào đối thoại. Cuộc dấn thân của anh em Đa Minh trong việc đối thoại đại kết hoàn toàn phù hợp với sứ vụ của dòng trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.

Phục vụ trong Giáo Hội

Các tu sĩ Đa Minh trong thế kỷ XVI tận tình phục vụ Giáo Hội trong phẩm trật, trong các chức vụ khâm sai hay pháp quan tôn giáo và trong việc tham dự các công đồng chung. Sau công đồng Latran V, Cajetan đã bảo vệ cùng một lúc quyền tối thượng của Đức Thánh Cha lẫn những đặc quyền của các dòng hành khất.

Dòng đã có những đóng góp lớn cho công đồng Trentô. Công đồng này đã xác định lại nội dung giáo lý công giáo, đem lại đà sống mới cho các kitô hữu và canh tân Giáo Hội. Trải qua ba đợt nhóm họp của công đồng Trentô, khoảng 200 tu sĩ Đa Minh với tư cách tổng giám mục và giám mục, hoặc những vị đại diện giám mục (procureurs), các thần học gia, hoặc như ba tu sĩ Đa Minh Bồ Đào Nha, là đại diện của nhà vua.

Trong số các tu sĩ Đa Minh có tên tuổi tại các cuộc thảo luận ta thấy các vị như Đa Minh de Soto, Bartôlomêo Carranza là tổng giám mục Tolède, sau này phải ở nhiều năm trong tù vì bị tôn giáo pháp đình nghi ngờ theo tà giáo; Ambrosio Catharin, Melchior Cano, Ambrosio Pelagus, Phêrô Bertano là giám mục ở Fano, Bartôlomêo des Martyrs là tổng giám mục Braga và các Bề Trên tổng quyền Phanxicô Roméo và Vinh Sơn Justiniare.

Tại công đồng Trentô, các tu sĩ Đa Minh đã dựa vào thánh Thomas Aquinô. Cha Jean Gallo, khi giảng thuyết cho các nghị phụ công đồng năm 1563, đã công bố rằng : từ công đồng Lyon II đến nay “không công đồng nào được tổ chức không có vị thánh tiến sĩ này”.

Hãy tôn trọng hội nghị của các ngài […], hãy thường xuyên tham khảo người, theo gương các nghị phụ tại công đồng, và vị thánh tiến sĩ sẽ cho ý kiến của người. Những lúc chưa rõ ràng hay trong khi còn tranh luận, nên khởi từ một điểm thống nhất, tham khảo người như đá thử vàng .

Dĩ nhiên công đồng không phong thánh cho một thần học gia hay một học phái nào. Công đồng đã tham khảo nhiều nhân vật, đã theo quan điểm của mỗi trường phái thần học. Nên có lẽ Ludwig Von Pastor đã diễn tả đúng hơn về vị trí của thánh Thomas tại công đồng Trento như sau : “Giáo hội nhận ra giáo lý của chính mình trong giáo lý của học phái kinh viện lớn này”.

Những thành kiến lâu đời về sự chuẩn miễn và những đặc quyền của các dòng hành khất đã trở thành chủ đề tranh cãi của công đồng. Nếu các diễn giả tài ba không lên tiếng biện hộ, có lẽ các giám mục đã dành quyền tài phán trên các dòng này. Tuy nhiên công đồng muốn thích nghi các dòng hành khất với thời đại mới, nên chỉ sửa đổi các qui chế chuẩn miễn cùng các đặc quyền, và quyết định các tu sĩ hành khất giảng thuyết và trao ban các bí tích, phải tùng phục Đấng bản quyền ở địa phương. Cuối cùng, công đồng đã linh động cách khôn ngoan về kỷ luật và nề nếp tu trì của các Dòng này. Một lần nữa, họ không bị đánh giá thấp, mà được củng cố hơn như một thành phần quan trọng trong giáo hội.

Chính nhờ đức Pio IV và nhất là đức Pio V, công đồng Trentô không trở thành những bản văn chết. Văn bản các sắc lệnh công đồng được đức Pio V sử dụng đến cũ mòn, chứng tỏ ngài đã trung thành biết bao với ý muốn áp dụng vào trong giáo hội, suốt 5 năm cai trị của ngài. Đức tổng giám mục Bartôlomêo des Martyrs, tại giáo phận Braga nước Bồ đào Nha, đã cho thấy chân dung điển hình vị giám mục lý tưởng mà công đồng mong muốn. Hồng y Carolo Borromeo đã mô phỏng theo mẫu gương của vị giám mục thánh thiện này.

Sau công đồng, các tu sĩ Đa Minh được mời làm việc trong các ủy ban để biên soạn “sách giáo lý công đồng Trentô”, sắp xếp mục lục sách cấm và canh tân phụng vụ. Đức Piô V đã công bố sách lễ và sách nguyện thống nhất theo lễ nghi Rôma. Một số tu sĩ Thuyết giáo khác cũng góp phần phục vụ Giáo hội khi hỗ trợ các vị sáng lập những hội dòng mới như : thánh Antôn Zaccaria lập dòng thánh Barnabê, thánh Giêrônimo Miami lập dòng Sômacô, thánh Philipphê Nêri lập các hội Diễn Giảng, và thánh Ignatio Loyola vị sáng lập Dòng Tên Chúa Giêsu, trong thời ngài lưu trú tại Manrèse. Thánh Têrêsa d’Avila là nhà cải cách nữ tu dòng Camelo, đã tìm được sự hỗ trợ của nhiều tu sĩ Đa Minh giải tội và linh hướng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *